Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 13/2/2019

  • |
T5g.org.vn - Làm giả giấy ủy quyền của bệnh viện, lừa đảo gần 4,5 tỷ đồng; Các cơ sở y tế bắt đầu áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử từ ngày 1-3; Cấp cứu ngộ độc rượu, pháo tăng chóng mặt...

 

Quên mình vì người bệnh

Những ngày Tết vừa qua, lượng bệnh nhân vào các khoa cấp cứu, hồi sức, chấn thương, chống độc… không hề giảm, thậm chí còn gia tăng hơn so với ngày thường. Thay vì được sum vầy đón xuân bên gia đình, tại các bệnh viện, y, bác sĩ đã phải hy sinh thời gian sum họp gia đình, căng mình trực chiến, giành giật sự sống cho người bệnh.

Từ những ca phẫu thuật xuyên đêm...

Là một bệnh viện ngoại khoa lớn của miền Bắc, trong 9 ngày nghỉ Tết, khu vực khám cấp cứu của Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức luôn chật kín bệnh nhân nhập viện do tai nạn giao thông, pháo nổ, đánh nhau… Cùng với đó là một lượng lớn bệnh nhân nặng được chuyển từ các tỉnh, thành phố khác về, khiến bệnh viện phải huy động tối đa nguồn nhân lực cùng toàn bộ trang thiết bị, máy thở, phòng phẫu thuật hoạt động hết công suất.

Chứng kiến công việc tại đây mới thấy không khí khẩn trương, sẵn sàng cho các ca cấp cứu. Bệnh nhân này vừa xong, ngay lập tức có bệnh nhân khác được chuyển vào. Bác sĩ Đỗ Tất Thành, Trưởng kíp trực Phòng Hồi sức tích cực, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức) chia sẻ, cùng những bệnh nhân nặng phải điều trị, cấp cứu, các y, bác sĩ cũng đón Tết trong bệnh viện với áp lực lớn ngay những ngày đầu năm mới. Hầu hết bệnh nhân đều rất trẻ và chủ yếu bị tai nạn giao thông, đa phần là chấn thương sọ não, vỡ hàm mặt, gãy tay, chân và gãy cột sống. Thậm chí, nhiều người nhập viện còn nồng nặc mùi rượu, bia. Thông thường, Phòng Hồi sức 1 được thiết kế cho 6 giường, 6 máy thở, nhưng trong những ngày cao điểm Tết vừa qua phải cứu chữa tới 12 bệnh nhân. Lượng bệnh nhân quá đông đồng nghĩa với việc bác sĩ cũng không có Tết.

Đã quá quen với những cái Tết phải ăn bánh chưng, đón Giao thừa trong bệnh viện, bác sĩ Lê Nguyên Vũ, trực cấp cứu tại Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức) cho biết, lượng bệnh nhân đông nên trong những ngày nghỉ Tết, các bác sĩ thường xuyên phải mổ suốt đêm. Ngoài số lượng bệnh nhân bị tai nạn giao thông, số ca tai nạn do pháo nổ trong dịp Tết năm nay cũng tăng cao hơn so với mọi năm. Việc điều trị cho họ cũng không hề đơn giản, bởi tổn thương do pháo nổ đa phần ở phần đầu, mặt, cổ, tay... Các bác sĩ không chỉ dốc hết sức cứu chữa cho bệnh nhân mà còn phải khéo léo khôi phục những gương mặt hay cánh tay bị biến dạng… trở về trạng thái bình thường.

Có hơn 10 năm gắn bó với Bệnh viện E và cũng là từng đấy năm GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện có mặt vào thời khắc Giao thừa để cùng chia sẻ nỗi khó khăn, vất vả của các bác sĩ, điều dưỡng và cán bộ tham gia trực Tết. Tại Khoa Cấp cứu, nơi sáng đèn 24/24giờ, trong đêm Giao thừa có khoảng 20 ca bệnh, chủ yếu là các bệnh tăng huyết áp, tai nạn sinh hoạt, đau ruột thừa… vào cấp cứu. GS.TS Lê Ngọc Thành chia sẻ, trước thời điểm chuyển giao năm cũ và năm mới, một cụ ông (82 tuổi ở Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm) được đưa vào cấp cứu trong tình trạng rách da mặt, chảy máu nhiều do bị ngã trong nhà vệ sinh. Chưa hết, lại một ca mổ cấp cứu viêm ruột thừa cấp, một ca mổ đẻ… tiếp tục nhập viện. Xong ca trực, xong công việc, thời khắc Giao thừa cũng đã qua đi. Điều quan trọng nhất mà các y, bác sĩ quan tâm vào lúc đó là ranh giới sự sống - cái chết của người bệnh.

Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, mặc dù là đêm 30 Tết, song không khí làm việc vẫn như ngày thường. Những bước chân của các y, bác sĩ luôn vội vã, bên cạnh đó là những thai phụ đang sắp sửa đón chờ các “thiên thần” chào đời. Và công dân đầu tiên của Thủ đô chào đời trong năm mới Kỷ Hợi 2019 tại đây là bé Nguyễn Đắc Nhật Minh, con sản phụ Đặng Thị Ngọc Lan (quận Nam Từ Liêm). Có mặt để chúc mừng sản phụ Đặng Thị Ngọc Lan mẹ tròn, con vuông, Thầy thuốc nhân dân, PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, dù đã quen với cảm giác đi trực Tết, nhưng tôi biết các nhân viên y tế cũng sẽ có chút buồn khi phải xa gia đình, xa chồng, vợ, con trong thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Song, khi đã xác định theo nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, thì phải luôn coi đó là trách nhiệm của mình.

... đến những trăn trở và niềm hạnh phúc

Dù không được hưởng một cái Tết trọn vẹn bên người thân, nhưng điều khiến các bác sĩ cảm thấy buồn hơn cả mỗi khi trực Tết, lại chính là những câu chuyện về bệnh nhân.

Ám ảnh nhất đối với các bác sĩ trực cấp cứu trong những ngày Tết tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức là hình ảnh người thân khóc ngất, nức nở gọi tên chồng, con… Hay hình ảnh ông bố bàng hoàng trước tin con mình hôn mê, đa chấn thương vì tai nạn giao thông, chỉ sau chưa đầy 10 phút rời khỏi nhà. Bác sĩ Trần Quốc Khánh, Khoa Phẫu thuật cột sống (Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức) còn nhớ như in hình ảnh một thanh niên gần như bị biến dạng mặt mũi do tai nạn giao thông… Bệnh nhân này đi làm xa về, họp mặt bạn bè trong ngày Tết. Sau tiệc rượu, trên đường về, bệnh nhân chạy xe máy đâm vào ô tô đi ngược chiều. Khi biết con trai không qua khỏi, bố mẹ bệnh nhân đã quỵ xuống trước mặt bác sĩ. Ngày Tết đoàn viên, nhưng cũng là ngày cậu con trai của họ phải ra đi vĩnh viễn…

Còn với bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, mong ước chỉ đơn giản là đưa các con đi xem bắn pháo hoa đêm Giao thừa như bao gia đình khác, nhưng thật khó thực hiện. Nghề của chúng tôi là giành giật sự sống cho bệnh nhân, dù có Tết hay không có Tết, có đón được Giao thừa hay không, thì công việc cứu chữa vẫn là quan trọng nhất. Không chỉ với bác sĩ Cấp, mà với tất cả những thầy thuốc áo trắng, động lực sau những đêm trực dài hay những cái Tết không có thời gian để sum vầy bên gia đình, đó chính là những ca mổ cấp cứu thành công, là cái bắt tay biết ơn rất chặt của người nhà bệnh nhân và là khoảnh khắc được đón những bé sơ sinh chào đời khỏe mạnh… Khi đó với họ, bao nhiêu mệt mỏi đều tan biến. (Hà Nội mới, trang 7)

 

Các cơ sở y tế bắt đầu áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử từ ngày 1-3

Từ ngày 1-3-2019 các cơ sở y tế sẽ bắt đầu áp dụng quy định hồ sơ bệnh án điện tử.

 Thông tư 46/2018/TT-BYT quy định về hồ sơ bệnh án điện tử, được Bộ Y tế xây dựng nhằm phục vụ công việc chăm sóc sức khỏe cho người dân được tốt hơn.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 1-3-2019 và sẽ được triển khai đến tất cả các cơ sở khám - chữa bệnh thuộc Bộ Y tế.

Theo Thông tư, việc lập, sử dụng và quản lý hồ sơ bệnh án điện tử tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Nguyên tắc thực hiện là mỗi người bệnh chỉ có một mã số quản lý, lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử tại một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Hồ sơ bệnh án điện tử đáp ứng các yêu cầu như: Phải ghi nhận toàn bộ nội dung thông tin như hồ sơ bệnh án giấy; phải có chữ ký số của người chịu trách nhiệm nội dung thông tin được nhập vào hồ sơ bệnh án điện tử.

Hồ sơ bệnh án điện tử phải tuân thủ việc bảo vệ thông tin cá nhân theo quy định tại Mục 2, Chương II Luật An toàn thông tin mạng. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép sử dụng, lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử thay cho hồ sơ bệnh án giấy khi đáp ứng các quy định tại Thông tư này.

Hồ sơ bệnh án điện tử bao gồm hồ sơ bệnh án nội trú, hồ sơ bệnh án ngoại trú và các loại hồ sơ bệnh án khác theo quy định của Bộ Y tế.

Thời gian cập nhật hồ sơ bệnh án điện tử tối đa 12 giờ, kể từ khi có y lệnh khám, chữa bệnh. Trường hợp thời gian khám, chữa bệnh kéo dài trên 12 giờ hoặc có sự cố về công nghệ thông tin thì thời gian cập nhật hồ sơ bệnh án điện tử tối đa không quá 24 giờ.

Thông tư của Bộ Y tế nêu rõ, Thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại cơ sở theo quy định.

Trên cơ sở kết quả tư vấn của Hội đồng chuyên môn được quy định thoặc của đơn vị tư vấn độc lập, Thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quyết định việc quản lý, lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy; lưu trữ, truyền tải hình ảnh y tế thay cho in phim và lưu trữ thông tin xét nghiệm thay cho việc in giấy.

Theo Thông tư 46/2018/TT-BYT, lộ trình thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử được chia thành 2 giai đoạn.

Giai đoạn từ năm 2019 đến 2023: Các cơ sở khám, chữa bệnh hạng I trở lên chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin tại cơ sở để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử; các cơ sở khám, chữa bệnh khác căn cứ vào nhu cầu, năng lực thực tế để chuẩn bị các điều kiện cần thiết và triển khai hồ sơ bệnh án điện tử khi đáp ứng yêu cầu theo quy định.

Giai đoạn từ năm 2024 đến 2028, tất cả cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Trường hợp cơ sở khám, chữa bệnh chưa triển khai được phải thực hiện báo cáo cho cơ quan quản lý trực thuộc; văn bản báo cáo phải nêu rõ lý do, lộ trình triển khai hồ sơ bệnh án điện tử nhưng phải hoàn thành trước ngày 31-12-2030. (Hà Nội mới, trang 6)

Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô, trang 7: “Bệnh viện tuyến trên sẽ áp dụng bệnh án điện tử thay bệnh án giấy”; Báo Lao động, trang 1: “Triển khai bệnh án điện tử từ 1.2.201: Bớt nhiêu khê,  phiền hà cho bệnh nhân”; Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 2: “Từ 1/3/2019 thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử”

 

Phát hiện cơ sở vi phạm quy định về an toàn thực phẩm tại Lễ hội đền Sóc

Ngày 12-2, Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm số 1 của thành phố do ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại Lễ hội đền Sóc (huyện Sóc Sơn).

Tại thời điểm kiểm tra, 3/9 cơ sở kinh doanh ăn uống tại khu vực lễ hội đều chưa xuất trình đầy đủ giấy tờ liên quan đến vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định. Riêng đối với hộ kinh doanh ăn uống bún, phở Nguyễn Thị Nga không có tủ kính, thức ăn bày bán la liệt, trong đó thức ăn sống, chín để lẫn lộn trên mặt bàn. Tủ lạnh bảo quản cả thực phẩm sống và nước uống.

Đoàn kiểm tra xét nghiệm 10 mẫu bát đựng bún, phở thì phát hiện 2 mẫu bát không bảo đảm vệ sinh. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản xử lý những vi phạm theo quy định. Đoàn yêu cầu Ban Tổ chức Lễ hội Đền Sóc kiên quyết không để những cơ sở kinh doanh ăn uống không tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm hoạt động. (Hà Nội mới, trang 7)

 

Cấp cứu ngộ độc rượu, pháo tăng chóng mặt

Báo cáo tổng hợp công tác y tế trong kỳ nghỉ Tết nguyên đán năm 2019 của Bộ Y tế mới đây cho biết trong kỳ nghỉ Tết đã có hơn 3.700 ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa.

Trong đó, số các trường hợp khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn và rối loạn tiêu hóa chiếm 1%. Gần 900 trường hợp được xác định là ngộ độc, say rượu bia. Hơn 800 trường hợp ngộ độc thức ăn tự chế biến (tăng 23%) so với năm trước. Đặc biệt, có hai ca tử vong do ngộ độc thuốc trừ sâu.

Như vậy, so với cùng kỳ của Tết 2018, số ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa giảm 14%, số ca ngộ độc rượu bia giảm 19% nhưng số ca ngộ độc thức ăn tự chế biến lại tăng 19%.

Cũng theo báo cáo trên, nhân viên y tế tại các cơ sở y tế đã đỡ đẻ, mổ đẻ thành công, đón gần 30.000 trẻ chào đời trong chín ngày nghỉ Tết. Tất cả cơ sở y tế cũng đã thực hiện khám, cấp cứu cho hơn 372.200 bệnh nhân, trong đó có 239.773 bệnh nhân (chiếm tỉ lệ 64%) phải nhập bệnh viện (BV) điều trị nội trú, 19.740 bệnh nhân (chiếm tỉ lệ 5%) phải chuyển BV.

Tại hội nghị giao ban sáng 11-2, người phát ngôn Bộ Công an cho biết Tết nguyên đán Kỷ Hợi 2019, lực lượng công an đã xử lý hơn 1.000 vụ vi phạm về pháo với hơn 1.200 người liên quan, thu giữ hơn 20 tấn pháo.

Các cơ sở y tế đã thực hiện 22.931 ca phẫu thuật cấp cứu, trong đó có gần 500 ca phẫu thuật chấn thương sọ não do nhiều nguyên nhân. Ngoài 186.436 bệnh nhân đã được xuất viện, đến ngày 11-2 còn 130.938 bệnh nhân đang nằm điều trị tại các BV trên cả nước.

Nhìn chung, so với cùng kỳ năm trước, tổng số ca khám, cấp cứu Tết Kỷ Hợi 2019 tăng 11%. Số trường hợp nhập BV điều trị nội trú hoặc theo dõi tăng 9%, số ca phẫu thuật cấp cứu tăng 6%, số ca phẫu thuật chấn thương sọ não giảm 15%, số ca đẻ/mổ đẻ tăng 4%, số lượt vận chuyển cấp cứu bằng xe cứu thương BV tăng 17%.

Theo thông tin từ Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), số ca khám, cấp cứu do tai nạn pháo nổ tăng 42,2%, số ca cấp cứu tai nạn đánh nhau giảm 6,9%.

Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết trong mùng 5 Tết vẫn còn 11 trường hợp cấp cứu do pháo nổ, nhiều hơn sáu ca so với cùng ngày Tết 2018. Tính đến 7 giờ cùng ngày, đã có 313 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ các loại, không có người tử vong. Cạnh đó còn có 62 trường hợp cấp cứu do chất nổ khác, trong đó một người tử vong.

Tính đến ngày 10-2, số ca cấp cứu do đánh nhau là 5.303 ca, chiếm 1,7% trong tổng số cấp cứu của các BV. 58% trong số đó phải nhập BV điều trị, theo dõi và đã có 15 trường hợp tử vong. Chỉ tính riêng trong năm ngày đầu năm, tổng số ca cấp cứu do đánh nhau là 527 trường hợp, giảm 18,5% so với cùng ngày Tết Mậu Tuất 2018, số ca nặng phải nhập BV điều trị, theo dõi là 364 trường hợp, giảm 19,3% so với cùng ngày Tết Mậu Tuất 2018. Ngoài ra, số ca xác định do rượu bia là 45 trường hợp, tăng 12,5%, có 65 trường hợp phải chuyển BV tuyến trên, có một ca tử vong, so với năm ca cùng ngày Tết Mậu Tuất 2018. (Pháp luật TPHCM, trang 13)

 

Hà Nội: Số trẻ mắc sởi nhập viện gia tăng ngay từ những ngày đầu năm mới

Trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận 6 ca mắc sởi phải vào viện điều trị, nâng tổng số mắc từ đầu năm đến nay lên 114 ca, tăng vọt so với cùng kỳ năm trước…

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cho biết, nếu như cùng thời điểm này năm 2018 toàn thành phố mới ghi nhận 8 ca mắc sởi thì chỉ riêng trong những ngày nghỉ Tết vừa qua, thành phố đã ghi nhận 6 ca mắc sởi, nâng tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay lên 114 ca.

Hiện nay, số ca mắc sởi phân bố rải rác ở 23 quận, huyện, chưa có ổ dịch lớn. Tuy nhiên, ngành y tế nhận định, giai đoạn chuyển mùa hiện nay với thời tiết mưa ẩm là điều kiện rất thuận lợi để các bệnh về hô hấp như sởi, ho gà, cúm, thủy đậu phát triển mạnh. Vì vậy, dự báo số ca mắc sởi có thể gia tăng hơn nữa trong thời gian tới.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, sởi là một bệnh truyền nhiễm gây dịch, thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn, do chưa được tiêm phòng sởi hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm đủ liều. Bệnh rất dễ lây lan, đặc biệt là ở những nơi tập trung đông người.

Để phòng bệnh, biện pháp hữu hiệu nhất là người dân cần chủ động đi tiêm phòng vaccine đầy đủ, đúng lịch theo khuyến cáo của ngành y tế. Ngay đối với các trẻ lớn trên 5 tuổi chưa được tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi hoặc người lớn chưa bị mắc bệnh sởi, phụ nữ chuẩn bị mang thai trước 3 tháng cũng cần tiêm bổ sung vaccine sởi để phòng bệnh cho mình và cộng đồng. (An ninh Thủ đô, trang 7)

Cùng chủ đề Báo Lao động, trang 2: “Hà Nội:  số trẻ nhập viện mắc sởi gia tăng đột biến”

 

Làm giả giấy ủy quyền của bệnh viện, lừa đảo gần 4,5 tỷ đồng

Bằng việc sử dụng thông tin không đúng sự thật và giả mạo giấy ủy quyền của Bệnh viện (BV) Trung ương Quân đội 108 để nhận lại gói thầu căng tin, cung cấp thực phẩm và các bãi giữ xe của BV với giá hơn 17 tỷ đồng..., đối tượng đã lừa đảo bán thầu cho người khác, chiếm đoạt gần 4,5 tỷ đồng.

Khởi tố, bắt tạm giam đối tượng lừa đảo

Liên quan đến vụ án này, Phòng Cảnh sát Hình sự (CSHS) - Công an tỉnh Hải Dương cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam Nguyễn Văn Quốc (32 tuổi, trú tại thôn Kim Đôi, xã Cẩm Hoàng, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đó, từ đơn trình báo của anh Vũ Như H. (trú tại Hải Dương) gửi tới Phòng CSHS - Công an tỉnh Hải Dương. Cụ thể, theo anh H. thì cuối năm 2018, qua các mối quan hệ xã hội, anh quen biết Nguyễn Văn Quốc. Qua trao đổi, Quốc giới thiệu với anh H., anh ta được ủy quyền của BV Trung ương Quân đội 108 quản lý bãi xe nhân dân, bãi xe nhà tang lễ và bãi xe cán bộ. Do không có đủ người làm nên Quốc muốn chuyển nhượng lại việc quản lý ba bãi xe nêu trên cho anh H. với giá gần 4 tỷ đồng... Sau khi thỏa thuận, anh H. đồng ý. Đến ngày 27/12/2018, anh H. đã đặt cọc cho Quốc 1 tỷ đồng. Ngày 3/1, Quốc đã đưa cho anh H. giấy ủy quyền về việc anh được quản lý bãi xe nhân viên, bãi xe nhân dân và bãi xe có nhà tang lễ có xác nhận của Thủ trưởng cơ quan BV Trung ương Quân đội 108 và bảo anh H. ngày 17/1 đưa công nhân lên BV để làm việc.

Tin vào những lời hứa hẹn của Quốc, từ ngày 3-4/1, anh H. đã chuyển thêm cho đối tượng này gần 3 tỷ đồng. Đến ngày 14/1, Quốc đưa cho anh H. quyết định của Giám đốc BV Trung ương Quân đội 108 về việc Quốc trúng thầu gói căng tin cơm nhân dân và có thể ủy quyền cho anh H. quản lý. Quá trình trao đổi, Quốc đặt vấn đề nếu anh H. muốn nhận gói thầu căng tin thì phải trả thêm 480 triệu đồng là tiền an toàn thực phẩm và tiền nhận xe của cơ quan, một lần nữa anh H. tiếp tục đồng ý. Sau đó, anh H. nói với Quốc để cho anh Vũ Như A. (trú tại Hải Dương), là anh trai của H. chung vốn cùng với mình. Sau khi Quốc đồng ý, anh Vũ Như A. đã chuyển cho Quốc 180 triệu đồng tiền đặt cọc. Ngày 15/1, anh H. chuyển nốt cho Quốc 300 triệu đồng để nhận gói thầu cung cấp thực thẩm. Ngày 17/1, anh H. đưa người lên nhận việc thì không nhận được gói thầu. Sau khi anh H. liên lạc thì Quốc thỏa thuận vào ngày 22/1 lên nhận việc. Đúng hẹn, anh H. dẫn người lên nhận việc thì biết rằng đã bị lừa, nạn nhân đã làm đơn trình báo sự việc đến cơ quan công an.

Làm rõ hành vi lừa đảo tinh vi

Theo Đại tá Cù Ngọc Nam, Trưởng phòng CSHS - Công an tỉnh Hải Dương cùng với việc ghi lời khai của hai người bị hại, Phòng CSHS Công an tỉnh Hải Dương đồng thời xác minh tại BV Trung ương Quân đội 108. Qua làm việc, BV xác định không ra Quyết định số 41/QĐ- BV về việc duyệt kết quả đấu thầu gói căng tin cơm nhân dân cho ông Nguyễn Văn Quốc; không xác nhận vào bất cứ giấy ủy quyền nào cho Nguyễn Văn Quốc làm chủ thầu căng tin nhân dân, cũng như nhà để xe... Kết quả trưng cầu giám định Phòng Kỹ thuật hình sự Hải Dương cũng xác định chữ ký trong tờ giấy ghi hợp đồng đặt cọc, các tờ giấy biên nhận tiền, biên bản giao nhận do anh H. chuyển đến đều là của Quốc. Từ những tài liệu thu thập được, Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Hải Dương đã làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của đối tượng. Quá trình điều tra xác định: Nguyễn Văn Quốc từng là giáo viên của một trường trung học trên địa bàn huyện Cẩm Giàng nhưng bị đuổi việc do dính vào cờ bạc. Sau đó, Quốc lên Hà Nội rồi xin vào giảng dạy tại một ngôi trường nhưng cũng nhanh chóng bị đuổi việc. Do có vợ làm  hợp đồng tại BV Trung ương Quân đội 108 nên đối tượng thường xuyên ra vào BV để đón vợ. Trong thời gian này, Quốc nhìn thấy nhà xe, căng tin của BV đang tu sửa và xây mới... Do chơi bời, thua nợ nhiều tiền nên Quốc đã nghĩ cách giả có được trúng thầu BV và tìm người nhượng lại các gói thầu, mục đích để chiếm đoạt tài sản.

Cơ quan công an cũng làm rõ, khi biết cá đã cắn câu, Quốc đã nghĩ đến việc làm giả giấy ủy quyền để tiếp tục lừa tiền của nạn nhân. Đối tượng dùng máy tính ở một quán photo để làm giả 2 tờ giấy ủy quyền có nội dung “ủy quyền quản lý gọi nhận trông các bãi xe”, “ủy quyền quản lý căng tin cơm”... Sau đó, Quốc tự ký và đóng dấu giả vào 2 tờ giấy ủy quyền.

Chưa dừng lại ở đó, ngày 14/1, Quốc tiếp tục làm giả một giấy quyết định của giám đốc BV với nội dung “Phê duyệt dự án của tôi và đồng ý ủy quyền của tôi cho anh H. phụ trách dự án”, ghi ngày có hiệu lực từ 27/2/2019. Theo lời khai của Quốc thì mục đích là để giãn thời gian và nạn nhân H. không nghi ngờ... Trong vụ án này, thủ đoạn tinh vi của Quốc còn thể hiện ở chỗ khi anh H. đưa người đến BV làm, đối tượng còn nhờ người lái xe taxi giả danh là cán bộ của Phòng Hậu cần kỹ thuật của BV, bảo nạn nhân lùi ngày nhận dự án để chiếm đoạt gần 4,5 tỷ đồng của người bị hại. Hiện vụ án đang được Phòng CSHS - Công an tỉnh Hải Dương tiếp tục điều tra, mở rộng. (Sức khỏe & Đới sống, trang 1).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang