Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 13/2/2023

  • |
T5g.org.vn - Thời tiết nồm ẩm kéo dài: Gia tăng bệnh nhân nhập viện; 5 tình huống người hành nghề y được từ chối khám, chữa bệnh; Chi trả bảo hiểm y tế cho một số dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy trúng thầu; Gia hạn đăng ký lưu hành 8.880 loại thuốc, sinh phẩm y tế…

 

Thời tiết nồm ẩm kéo dài: Gia tăng bệnh nhân nhập viện

Hơn 10 ngày diễn ra đợt nồm ẩm đầu tiên sau Tết Nguyên đán Quý Mão, ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại các bệnh viện trên địa bàn Thủ đô cho thấy, số lượng bệnh nhân nhập viện gia tăng. Theo thông tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, miền Bắc còn khoảng 4-5 đợt nồm ẩm từ nay đến hết tháng 4-2023. Do đó, người dân cần biết cách chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bản thân và những người trong gia đình.

Bệnh hô hấp, da liễu... gia tăng

Nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục, anh M.T.T (51 tuổi ở Hà Nội) rơi vào tình trạng mệt mỏi, lờ đờ. Nam bệnh nhân chia sẻ, những ngày đầu, toàn thân đau nhức, mỏi, kèm theo những cơn đau đầu, ớn lạnh và cổ họng kẹt cứng. Tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, các bác sĩ chẩn đoán, anh T. mắc cúm A.

Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Kim Anh, Trưởng khoa Nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) cho biết, thời tiết lạnh và nồm ẩm đi kèm ô nhiễm không khí là điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp nảy sinh. Ngoài cúm mùa, khi độ ẩm không khí tăng cao, hơi nước tụ khắp sàn nhà, cửa kính… là những yếu tố khiến vi rút, vi khuẩn phát triển mạnh. Đây cũng là nguyên nhân khiến các bệnh, như: Sởi, thủy đậu, sốt phát ban… gia tăng.

Những ngày qua, Bệnh viện Nhi trung ương tiếp nhận khoảng 3.500-4.500 bệnh nhi/ngày. Bệnh nhân đến khám, điều trị chủ yếu mắc 3 bệnh chính, đó là bệnh lý về đường hô hấp, tiêu hóa và da. Tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Hoàn, Trưởng khoa Khám bệnh đa khoa (Bệnh viện Nhi trung ương) cho hay, so với những tuần trước Tết, lượng bệnh nhi gặp phải các bệnh về đường hô hấp ở thời điểm nồm ẩm tăng từ 30% đến 40%.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Hải, Chủ nhiệm khoa Nội hô hấp (Bệnh viện trung ương Quân đội 108), những ngày gần đây, đơn vị tiếp nhận khoảng 150 bệnh nhân tới khám, tăng 20% so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. Ngoài ra, mỗi ngày có khoảng 15-20 bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú. Do thời tiết nồm ẩm, mưa rét, đa số bệnh nhân đến khám các bệnh về viêm đường hô hấp, viêm phổi, viêm phế quản...

Tương tự, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Phổi trung ương cũng tiếp nhận nhiều người nhập viện do các bệnh lý về hô hấp. Số bệnh nhân tăng trung bình từ 15% đến 30% so với ngày bình thường. Các bác sĩ dự báo, số người đến khám và điều trị sẽ tiếp tục gia tăng do thời tiết nồm ẩm còn kéo dài đến tháng 4-2023.

Thời tiết nồm ẩm cũng khiến các bệnh về da tăng lên. Tại Bệnh viện Da liễu trung ương, trung bình mỗi ngày tiếp nhận khám và điều trị cho hơn 100 bệnh nhân mắc các bệnh da liễu, như: Dị ứng thời tiết, viêm da dị ứng, mề đay, viêm da tiếp xúc, nấm da do mặc quần áo ẩm ướt…

Không sử dụng thuốc tùy tiện

Vào những ngày nồm, theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Hải, Chủ nhiệm khoa Nội hô hấp (Bệnh viện trung ương Quân đội 108), các gia đình có thể sử dụng máy hút ẩm để giảm bớt độ ẩm. Sàn nhà, cửa kính là những nơi dễ đọng nước gây ẩm ướt và trơn trượt, nguy hiểm khi di chuyển, vì vậy, cần lau thường xuyên. Ngoài ra, khi ra khỏi nhà trong thời tiết nồm ẩm, mưa phùn, người dân nên giữ ấm tay, chân, cổ, tránh để bị nhiễm lạnh. Nếu bị mưa ướt, cần nhanh chóng thay quần áo khô và làm ấm cơ thể.

“Mọi người không nên mặc quần, áo ẩm ướt. Nên sấy khô quần, áo trước khi mặc, nhất là với trẻ em. Trời ẩm khiến quần, áo sau giặt thường thiếu nắng, lâu khô, nên khi mặc trên người dễ gây ngứa ngáy cho da”, Tiến sĩ Trần Cẩm Vân, Trưởng khoa Xét nghiệm vi sinh - nấm - ký sinh trùng (Bệnh viện Da liễu trung ương) khuyến cáo.

Đối với trẻ nhỏ, các bác sĩ lưu ý, vào những ngày trời nồm ẩm, trẻ có thể ra nhiều mồ hôi vào ban đêm, sức đề kháng cũng kém hơn và dễ ốm. Do đó, cha mẹ cần để ý lau mồ hôi kịp thời và cho trẻ mặc đồ thoáng mát. Phụ huynh cũng nên tránh tình trạng ủ ấm quá mức, khiến trẻ ra nhiều mồ hôi và thấm ngược lại vào cơ thể, gây viêm phổi.

Triệu chứng của bệnh cúm mùa rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác, việc chẩn đoán và điều trị phải tuân thủ theo hướng dẫn của thầy thuốc. Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Kim Anh, Trưởng khoa Nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) cảnh báo, bệnh cúm thông thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Nhưng cúm ác tính có thể gây nên những tổn thương phổi rất nhanh chóng, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Trong khi đó, dù đã cảnh báo nhiều lần, song vẫn còn tình trạng người dân tự ý mua và sử dụng thuốc kháng vi rút tamiflu mà không theo hướng dẫn và chỉ định của thầy thuốc, khiến “tiền mất, tật mang”. Do đó, khi có các triệu chứng như ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời. (Hà Nội mới, trang 5).

 

5 tình huống người hành nghề y được từ chối khám, chữa bệnh

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (KCB) sửa đổi 2023 được Quốc hội thông qua có quy định một số nội dung mới như tự chủ bệnh viện, với các quy định cụ thể các nội dung tự chủ về tài chính của các cơ sở KCB; quy định cụ thể hình thức xã hội hóa trong hoạt động KCB với 7 hình thức…
Luật KCB 2023 cũng quy định một số điểm mới thay thế luật KCB 2009. Trong đó, tại điều 40 quy định "Quyền từ chối KCB". Theo đó, có 5 tình huống người hành nghề được từ chối KCB. Tình huống thứ nhất, tiên lượng tình trạng bệnh vượt quá khả năng hoặc không thuộc phạm vi hành nghề của mình nhưng phải giới thiệu người bệnh đến người hành nghề khác hoặc cơ sở KCB khác phù hợp để KCB và phải thực hiện việc sơ cứu, cấp cứu, theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh đến khi người bệnh được người hành nghề khác tiếp nhận hoặc chuyển đi cơ sở KCB khác. Tình huống thứ hai, việc KCB trái với quy định của pháp luật hoặc đạo đức nghề nghiệp. Tình huống thứ ba, người bệnh, thân nhân người bệnh có hành vi xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng của người hành nghề, trừ trường hợp người đó mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không nhận thức, làm chủ được hành vi. Tình huống thứ tư, người bệnh yêu cầu phương pháp KCB không phù hợp quy định về chuyên môn kỹ thuật. Tình huống thứ năm, người bệnh, người đại diện của người bệnh không chấp hành chỉ định về chẩn đoán, phương pháp chữa bệnh của người hành nghề sau khi đã được tư vấn, vận động thuyết phục mà việc không chấp hành này có nguy cơ gây hại đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh.

Luật KCB 2023 cũng quy định thêm 3 nhóm đối tượng phải có giấy phép hành nghề y, áp dụng từ năm 2024 gồm: dinh dưỡng lâm sàng; cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng. Mỗi người hành nghề chỉ được cấp một giấy phép hành nghề có giá trị trong phạm vi toàn quốc. Giấy phép hành nghề có thời hạn 5 năm.

Theo quy định hiện hành, chỉ có 6 đối tượng phải có chứng chỉ hành nghề KCB là: bác sĩ, y sĩ; điều dưỡng viên; hộ sinh viên; kỹ thuật viên; lương y; người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền. (Thanh niên, trang 4; An ninh Thủ đô, trang 8).

 

Chi trả bảo hiểm y tế cho một số dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy trúng thầu

Với các dịch vụ kỹ thuật y tế thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất, Bộ Y tế đề nghị phải thanh toán bảo hiểm y tế theo quy định.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn vừa ký công văn số 517/BYT-BH gửi Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam; Sở Y tế các tỉnh thành và các đơn vị liên quan đề nghị triển khai thực hiện việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT của các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất.

Theo Bộ Y tế, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 144/NQ-CP ngày 5/11/2022 về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT.

Do vậy, để triển khai thực hiện khoản 4 Nghị quyết số 144/NQ-CP, Bộ Y tế đề nghị BHXH Việt Nam, Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các đơn vị triển khai thực hiện việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT của các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất.

Cụ thể, cho phép tiếp tục thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT của các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất theo kết quả lựa chọn nhà thầu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Đấu thầu trước ngày 05 tháng 11 năm 2022.

Về thời hạn thanh toán thực hiện theo thời gian của hợp đồng cung cấp vật tư, hóa chất đã ký trước ngày 5-11-2022 hoặc không quá ngày 5-11-2023.

Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thống kê chính xác, đầy đủ, cụ thể và cung cấp cho cơ quan BHXH nơi ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT danh sách nhà thầu đã trúng thầu vật tư, hóa chất. Các máy do các nhà thầu nêu trên cung cấp cho cơ sở khám chữa bệnh phải bảo đảm nguyên tắc về quản lý trang thiết bị y tế theo quy định của pháp luật về trang thiết bị y tế. (An ninh Thủ đô, trang 8).

 

Gia hạn đăng ký lưu hành 8.880 loại thuốc, sinh phẩm y tế

Ngày 12-2, Bộ Y tế cho biết, để bảo đảm đủ nguồn thuốc cho điều trị, Cục Quản lý dược vừa có quyết định gia hạn đăng ký lưu hành khoảng 8.880 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31-12-2024.
Đây là đợt gia hạn đầu tiên của năm 2023 theo quy định tại Nghị quyết số 80/2023/QH15 ngày 9-1-2023 của Quốc hội về việc đồng ý gia hạn đăng ký lưu hành một số loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết hạn từ ngày 1-1-2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.

Trong số những loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế được gia hạn lần này có 6.819 thuốc trong nước, 1.856 thuốc nước ngoài…

Các thuốc, nguyên liệu làm thuốc được gia hạn có cả thuốc điều trị bệnh lý thông thường đến điều trị bệnh lý chuyên khoa như tim mạch, tiêu hóa, tiểu đường, cơ xương khớp, hô hấp, nhiễm khuẩn, ung thư và nhiều loại thuốc thiết yếu khác. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang