Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 13/3/2016

  • |
T5g.org.vn - Thử nghiệm dùng muỗi biến đổi gien chống Zika; Đăk Lắk đối phó với bệnh viêm não mô cầu; Sang Ấn Độ chữa bệnh giá rẻ; Nữ bác sĩ trong tôi, với đời...

Thử nghiệm dùng muỗi biến đổi gien chống Zika

Theo Tân Hoa xã và TTXVN, Cơ quan thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) xác định muỗi đực OX513A không đe dọa con người, động vật cũng như môi trường. Muỗi Aedes aegypti đực biến đổi gien là sản phẩm của Công ty Oxitec của Anh. Hiện chính quyền Mỹ đã thông qua hoạt động thử nghiệm trên quy mô nhỏ phương thức dùng muỗi biến đổi gien để ngăn chặn sự lây lan của vi-rút Zika. Tuy nhiên, chương trình thử nghiệm sẽ chỉ được triển khai rộng rãi khi FDA nhận được phản hồi từ cộng đồng và các bên liên quan khác xác nhận tính an toàn của dự án này.

* Giới chức On-đu-rát thông báo trường hợp tử vong vì liên quan Zika đầu tiên của nước này là người sống tại miền bắc và là một trong tổng số 57 trường hợp được chẩn đoán mắc hội chứng rối loạn hệ thống miễn dịch Guillain Barré. Hiện On-đu-rát có 185 phụ nữ mang thai nhiễm vi-rút Zika. Có nhiều bằng chứng cho thấy sự liên quan chặt chẽ giữa vi-rút Zika với bệnh teo não ở thai nhi và hội chứng rối loạn hệ thống miễn dịch Guillain Barré, có thể gây tử vong. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, kết luận chính xác chỉ có thể được biết vào giữa năm nay.

* Ma-đa-ga-xca thông báo đang xây dựng một chương trình hành động để đối phó dịch Zika mặc dù cho tới nay chưa xuất hiện trường hợp nhiễm bệnh nào. Bộ Y tế nước này đã thành lập một ủy ban chuyên trách quy tụ nhiều quan chức và chuyên gia trong ngành, trong khi Viện Diệt khuẩn đã phát triển một phương thức xét nghiệm phân tử để phát hiện vi-rút Zika. WHO xếp Ma-đa-ga-xca vào nhóm những nước dễ bị dịch Zika tiến công. (* Nhân dân (trang 8))

Đăk Lắk đối phó với bệnh viêm não mô cầu

Khu vực bệnh nhi viêm não mô cầu sinh sống được khử trùng và hơn 100 hộ dân tại 2 xã Cư San, Cư Đrăm (Đắk Lắk) được uống thuốc phòng bệnh và theo dõi trong 24 ngày.

Sau khi có kết luận bé trai 5 tháng tuổi tại Đắk Lắk dương tính với vi khuẩn gây bệnh viêm màng não mô cầu, ngay lập tức, các phương án đối phó với bệnh viêm não mô cầu trên toàn tỉnh đã được đưa ra.

Sở Y tế tỉnh này chỉ đạo Trung tâm y tế dự phòng tiến hành phun thuốc khử trùng khu vực bệnh nhi sinh sống. Bên cạnh đó, hơn 100 hộ dân tại 2 xã Cư San (huyện M'Đrăk) và xã Cư Đrăm, huyện (Krông Bông) - nơi phát hiện ca viêm não mô cầu đi qua - cũng đang được uống thuốc phòng bệnh và theo dõi trong 24 ngày. Ngoài ra, những người tiếp xúc với bệnh nhân và nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân cũng được uống thuốc kháng sinh.

Viêm não mô cầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, nguy hiểm nhất có thể dẫn đến tử vong nhanh trong vòng 24h. (* Tuổi trẻ (trang 9))

Sang Ấn Độ chữa bệnh giá rẻ

Ấn Độ đã trở thành “hiệu thuốc của các nước đang phát triển”. Thậm chí ngày càng nhiều bệnh nhân các nước Âu - Mỹ tìm đến Ấn Độ những mong mua được thuốc generic giá rẻ.

Khi nghe các bác sĩ thông báo mắc bệnh viêm gan siêu vi C và chắc đã ung thư gan, ông Greg Jefferys, 61 tuổi, cảm thấy choáng váng. Ở Úc, ông không thể nào mua nổi biệt dược gốc Sovaldi dùng điều trị bệnh viêm gan C.

Ông nhớ lại: “Cuộc trò chuyện với các bác sĩ Úc lúc đó chỉ xoay quanh các loại thuốc generic mới ở Ấn Độ cùng gốc với biệt dược Sovaldi. Tôi liền mua vé máy bay đi Chennai và sau hai ngày đã có cuộc hẹn với thầy thuốc chuyên khoa”.

Vừa du lịch, vừa chữa bệnh giá rẻ

Tương tự ông Greg Jefferys, nhiều bệnh nhân trên thế giới, đặc biệt là các bệnh nhân viêm gan siêu vi C, ung thư hay nhiễm HIV, cũng tìm đến Ấn Độ như niềm hi vọng sống duy nhất.

Đầu tiên họ tiếp cận với các “hội mua thuốc” hoạt động bí mật, sau đó họ đến Ấn Độ tìm nhà phân phối dược phẩm chính thức hay đánh liều đặt hàng mua trên mạng với mong ước trị bệnh bằng thuốc generic giá rẻ.

AFP ghi nhận Ấn Độ đã trở thành “hiệu thuốc của các nước đang phát triển” bởi lẽ ở Ấn Độ, chỉ các loại dược phẩm mới thì mới được bảo hộ sáng chế. Do đó, các hãng Ấn Độ chạy đua sản xuất thuốc generic với giá bán hết sức cạnh tranh.

Biệt dược Sovaldi (phân tử sofosbuvir) của hãng dược phẩm Mỹ Gilead có giá 84.000 USD cho đợt điều trị 12 tuần ở Mỹ.

Còn ở Ấn Độ, thuốc generic với giá chưa tới 900 USD cho một đợt điều trị, như thuốc MyHep của Hãng Mylan. Trong số này chỉ một ít có giấy phép nhượng quyền từ Hãng Gilead. Vì thế không ít bệnh nhân cho rằng sang Ấn để chữa bệnh vừa được đi du lịch, vừa có thể tìm được thuốc có giá phù hợp túi tiền.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới có hơn 130 triệu người mắc bệnh viêm gan siêu vi C và mỗi năm có nửa triệu người tử vong do một bệnh nào đó phát triển từ viêm gan. Vì thế, từ khi ông Greg Jefferys mở trang blog, ông nhận đều đều mỗi ngày khoảng 150 thư điện tử của những người mắc bệnh cần giúp đỡ.

Ông nhận định từ chính câu chuyện của mình: “Thuốc generic điều trị viêm gan C của Ấn Độ đã cứu hàng ngàn sinh mạng mỗi tuần”.

Một trường hợp cụ thể khác là Loon Gangte - nhà hoạt động phòng chống AIDS tại New Delhi (Ấn Độ). Anh bị nhiễm HIV cách đây 19 năm. Tiền bạc của anh không mấy rủng rỉnh, vậy nên thuốc generic giá rẻ đã cứu mạng anh. Sau đó, anh mang thuốc generic từ Ấn Độ ra nước ngoài cho nhiều bệnh nhân khác.

Anh cho biết trong 10 năm qua chỉ bị bắt một lần khi đi qua hải quan Thái Lan và bị phạt tiền. Hầu hết các nước cho người nhập cảnh mang theo một ít thuốc men dùng cho cá nhân.

Các chiến dịch đấu tranh để bệnh nhân tiếp cận thuốc generic do những người như Loon Gangte tổ chức đã góp phần hình thành các “hội mua thuốc” như trong phim Dallas Buyers Club của Mỹ (phim của đạo diễn Jean-Marc Vallée sản xuất năm 2013, tựa đề tiếng Việt là Căn bệnh thế kỷ).

Chiếm thị phần thuốc generic ở Mỹ

Song song đó, các hãng dược phẩm Ấn Độ đang tìm cách lấn sân trên thị trường thuốc generic ở Mỹ. Năm ngoái, các hãng dược phẩm Ấn Độ đã chi 1,5 triệu USD mua lại các xí nghiệp dược của Mỹ và đang chiếm 19% thị trường thuốc generic ở Mỹ, tăng 13% so với năm 2010.

Báo Wall Street Journal phân tích dù chi phí lao động ở Ấn Độ thấp hơn ở Mỹ nhưng các hãng dược Ấn Độ vẫn nhảy vào Mỹ vì nhiều lý do.

Đầu tiên là thị trường thuốc generic ở Mỹ đang trở nên hấp dẫn. Ước tính đến năm 2018, thị trường này sẽ đạt doanh thu 71,9 tỉ USD. Trong khi đó, cuộc cạnh tranh thuốc generic ở Ấn Độ ngày càng khốc liệt hơn.

Kế đến, luật của Mỹ bắt buộc phải sản xuất trong nước các loại thuốc có chất gây nghiện và các chất cần được kiểm soát. Vì vậy, để khỏi bị loại khỏi cuộc chơi, các hãng dược phẩm Ấn Độ đã mua cổ phần ở Mỹ. Và một khi đã bỏ vốn đầu tư, họ đã sản xuất thuốc có chất lượng tốt hơn.  (* Tuổi trẻ (trang 23))

Nữ bác sĩ trong tôi, với đời...

Lớp tôi có 2 chị Nga đều họ Vũ: Vũ Thanh Nga và Vũ Thục Nga. Chị Thanh Nga, người thanh mảnh, mặt trái xoan, chị Thục Nga người đậm, mặt tròn.

Lớp tôi có 2 chị Nga đều họ Vũ: Vũ Thanh Nga và Vũ Thục Nga. Chị Thanh Nga, người thanh mảnh, mặt trái xoan, chị Thục Nga người đậm, mặt tròn. Chị Thanh Nga nói nhanh, sắc sảo, chị Thục Nga ít nói hay cười (cả bằng mắt), tính tình hiền lành. Chị Thanh Nga thi vào Đại học Sư phạm, chị Thục Nga thi vào Đại học Y. Chị học Khoa Sinh hóa nên tốt nghiệp bác sĩ nhưng không công tác điều trị mà làm việc ở Khoa Xét nghiệm Bệnh viện C (tức Viện Bảo vệ bà mẹ và trẻ sơ sinh rồi Bệnh viện Phụ sản sau này). Ít lâu sau, chị được chuyển sang Phòng Sinh vật nội tiết cũng ở bệnh viện này. Là bác sĩ nên chị ít phải làm việc trực tiếp với ống nghiệm mà chủ yếu làm công việc hướng dẫn, kiểm tra và kết luận tổng hợp. Trong ba chục năm phụ trách Phòng Xét nghiệm, chị không để xảy ra một trường hợp sai sót nào khiến bệnh nhân hay bác sĩ điều trị phải ca thán hay nghi hoặc. Trong những năm chiến tranh và bao cấp, bằng các biện pháp quản lý và kỹ thuật, chị không bao giờ để Khoa Xét nghiệm phải thiếu hóa chất. Đến thời thị trường, các phòng khám tư bung ra nhiều, chị cũng cảnh giác, không để xảy ra thất thoát...

Chị còn có một sáng kiến đóng góp cho khoa học sinh sản của Việt Nam, đó là tìm ra được cách chiết xuất nội tiết tố từ nước tiểu người có thai để thử thai cho phụ nữ, phép thử này rất nhanh chóng và đỡ tốn kém. Và một điều kỳ lạ, không ngờ là sáng kiến của chị được ngành thủy sản áp dụng đã đem lại nhiều lợi nhuận cho họ. Số là họ đã xin cung cấp sản phẩm này để họ tiêm cho cá mè hoa lấy giống từ Trung Quốc khỏi phải đưa cá trở lại Trung Quốc để đẻ mà có thể cho đẻ ngay ở Việt Nam. Đỡ tốn kém bao nhiêu thời gian và công của!

Trong một hội nghị của ngành thủy sản, ngành đã báo cáo việc này, bác sĩ Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch dự hội nghị đã khen chị. Ngoài ra, chị Nga còn có những đóng góp không chỉ cho Khoa Sinh hóa, Bệnh viện Phụ sản, không chỉ cho công tác xét nghiệm... Quá trình công tác và thành tích của chị đã đưa chị sang Anh thực tập 1 năm (1980 - 1981). Nhưng điều chị xúc động nhất không phải là phong cảnh đẹp, khung cảnh lạ, thậm chí những phòng thí nghiệm tối tân mà lại là những lá thư của chồng gửi sang Anh từ Đức. Chẳng là anh ấy cũng được sang Đức thực tập 1 năm (1979 - 1980) với trách nhiệm một chuyên viên của Bộ Giáo dục Việt Nam. Chồng chị, anh Nguyễn Huy Cự là giáo viên hóa nhưng có thành tích tham gia kháng chiến chống Pháp (anh sinh năm 1931). Anh từng được sang Trung Quốc 1 năm khi còn trẻ, nay sang Đức, anh đã 48 còn chị 44. Ở tuổi ấy, người ta không còn lãng mạn nữa nhưng thời gian xa không phải là ngắn, nhất là xa 3 đứa con ở nhà, con trai lơn nhất, Nguyễn Vũ Hiệp mới 17, đứa thứ hai, con gái, Nguyễn Tường Vân mới 14, còn cô út Nguyễn Thanh Tâm mới 9 tuổi. Những lá thư vợ chồng gửi cho nhau làm cho họ đỡ nhớ con và càng thương nhau hơn.

Anh rất vui khi trở về thấy 3 con được ông bà nội ngoại chăm sóc đã lớn lên, chăm ngoan, học giỏi. Hiệp đã vào đại học, Tường Vân vào THPT, Thanh Tâm lên cấp 2. Chị về sau, trong cảnh gia đình sum họp, càng vui vì thấy anh khỏe.

Cuối năm 1990, chị đến tuổi nghỉ hưu, có nơi mời chị lưu làm nhưng chị từ chối vì lúc đó anh tuy cũng về hưu nhưng sức khỏe không tốt. Con gái lớn thì đã lấy vợ, có con, con thứ hai mới lấy chồng. Chị muốn dành thời gian để chăm sóc anh và các cháu.

Sức khỏe anh ngày càng yếu. Bệnh tim của anh từ ngày chưa về hưu bây giờ đã trở nên quá nặng. Mấy năm cuối chị phải luôn luôn túc trực bên giường bệnh. Và anh đã ra đi năm 2007 ở tuổi 76. Lễ tang anh, tôi và các bạn trong lớp đã đến vĩnh biệt anh.

Bốn năm sau, chị lại phải chịu một nỗi đau lớn nữa là Nguyễn Vũ Hiệp, con trai đầu của anh chị bất ngờ bị đột quỵ và mất ở tuổi 49, là tuổi sung sức nhất của con người, để lại vợ trẻ và hai đứa con, gái mới 18, trai mới 12. Hai cái tang liền nhau đè nặng lên trái tim chị. Nỗi nhớ chồng chưa nguôi, lại nỗi xót con chết trẻ cộng với nỗi thương con dâu góa bụa ở tuổi 39, lại thương hai cháu mồ côi chưa trưởng thành. Nhưng người chị hiền lành của chúng tôi đã gồng mình lên đỡ bớt gánh nặng của nỗi đau và nỗi vất vả cho con dâu. Và chị đã làm được việc đó: Cháu gái nội đã vào Đại học Kinh tế quốc dân, cháu trai đã lên lớp 11. Con dâu cũng can đảm ghìm bớt nỗi đau, chia sẻ với mẹ chồng để mẹ làm chỗ dựa tinh thần cho các em, các cháu.

Tường Vân, con thứ hai, con gái lớn của chị lúc này cũng đã là bác sĩ Khoa Sinh hóa, công tác ở Bệnh viện Bạch Mai, chồng là kỹ sư máy thiết bị y tế, đã có con trai nay đang học Đại học Y năm thứ 5, con gái đang chuẩn bị thi đại học.

Còn cô út Thanh Tâm vất vả hơn chị, học xong Đại học Sư phạm Nga thì tiếng Nga không còn dạy ở trường phổ thông, chị dâu phải đưa về làm ở chỗ mình (Công ty Du lịch) một thời gian, sau về bán hàng cho một công ty bách  hóa phải làm việc từ sáng sớm đến tối. Chồng Tâm dạy vi tính thì có nhiều việc làm hơn. Hai vợ chồng bươn trải cũng đủ nuôi hai con ngoan khỏe. Cháu lớn đã học lớp 11, cháu bé học lớp 4. Hai cô con gái chị Nga khi con còn nhỏ đều gửi bà một thời gian, đúng như các cụ ta xưa đã nói: “Cháu bà nội, tội bà ngoại”, mà bà có khỏe lắm đâu, bị huyết áp cao ngày nào cũng phải uống thuốc. Nhưng với bà, chăm cháu lại là niềm vui, giúp bà vượt lên bệnh tật, vững vàng bước sang tuổi 82.

Tôi đến nhà chị Thục Nga vào một chiều rét buốt. Chị tươi cười ra mở cửa đón tôi. Vẫn nụ cười, ánh mắt và khuôn mặt ngày xưa. Một cháu bé trạc 11 tuổi đang ngồi chơi. Chị bảo cháu “Chào ông đi” và nói: “Đây là cháu thứ 2 của cô út”. Tôi mừng vì cô út có cậu con trai thứ 2 kháu khỉnh, khỏe mạnh, cậu lớn chắc cũng thế.

Tôi ngước nhìn lên ban thờ. Ảnh anh Nguyễn Huy Cự như tôi đã thấy trong ngày tang lễ. Nhưng tôi giật mình thấy dưới ảnh anh là một trung niên rất đẹp trai. Tôi hiểu đó là Nguyễn Vũ Hiệp sinh năm 1962 mất năm 2011 như chị đã viết trong bản trích ngang gửi cho tôi hồi họp lớp tháng 10/2015.

Trò chuyện một lát thì một thiếu phụ bước ra chào tôi. Chị Nga giới thiệu: “Đây là cháu Hạnh, con dâu tôi”. Lòng tôi chợt se lại. Vợ Hiệp trẻ quá, chỉ như con gái út của tôi. Ba mẹ con Hạnh ở đây với bà cho đỡ cô quạnh. Hai cháu đi học chưa về. Tôi chưa biết hỏi Hạnh như thế nào về Hiệp thì chị Nga đã đỡ lời: “Hiệp sau khi tốt nghiệp đại học về công tác ở ngành đường sắt, nhưng không thích, mới chuyển sang công ty du lịch. Duyên số thế nào lại gặp Hạnh làm kế toán ở đấy. Hai vợ chồng đang sống hạnh phúc cùng hai con thì ngờ đâu Hiệp bị đột quỵ...”.

Cuộc sống vốn vô thường, với những khổ đau không lường trước được. Tôi đã chứng kiến nỗi đau mất con của nhiều bạn tôi: Bùi Gia Thịnh mất con gái 37 tuổi, Phùng Tích Phúc mất con gái 42 tuổi, bạn Hùng mất con trai 45 tuổi. Nhưng nhìn sắc mặt của chị Nga và Hạnh, tôi hiểu là chị và Hạnh đã sống bằng nghị lực và tình yêu, với chị Nga là tình yêu chồng, yêu con, yêu cháu, với Hạnh là tình yêu với người bạn đời thương quý và hai đứa con là tình yêu anh gửi lại, cả nỗi thương người mẹ chồng hiền lành, tốt bụng chỉ một lòng nghĩ đến con cháu.

Chiều xuống nhanh nhưng không khí gia đình chị Nga với sự chân tình của mọi người đã làm cho tôi không thấy rét nữa mà chỉ muốn đặt bút viết ngay về chị Nga, người bạn học đáng kính, đã làm tròn trách nhiệm của một bác sĩ, một người vợ, một người mẹ, một người bà. Điều mà tôi lo nhất là tôi không đủ tài sức và thời gian để viết về vẻ đẹp và tình yêu cuộc sống của những người bạn mà tôi đã hân hạnh được biết trong đời. (* Tuổi trẻ (trang 23))

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang