Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 13/3/2023

  • |
T5g.org.vn - Gia tăng bệnh nhi mắc virus hợp bào hô hấp, thuỷ đậu; Thêm cơ hội cứu trẻ bị u nguyên bào thần kinh; Gia tăng các bệnh nhiễm trùng khó điều trị sau COVID-19; Lãng phí y tế tuyến cơ sở…

 

Gia tăng bệnh nhi mắc virus hợp bào hô hấp, thuỷ đậu

Thời tiết giao mùa ở phía Bắc, bệnh nhi mắc virus hợp bào hô hấp (RSV) gia tăng. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm 2023 đến ngày 5/3, có 1.025 ca mắc virus RSV được ghi nhận; riêng từ ngày 1-5/3, Bệnh viện này đã khám, điều trị cho 157 ca mắc. Hà Nội đã xuất hiện nhiều ổ dịch thuỷ đậu ở trường học, đặc biệt tại huyện Chương Mỹ ghi nhận 130 ca từ đầu năm tới nay.
Mặc dù là Chủ nhật (12/3) nhưng khi tới Bệnh viện Nhi Trung ương, chúng tôi ghi nhận có đông phụ huynh đưa trẻ tới khám do sốt, ho, thở khó. Người mẹ trẻ bế con 8 tháng tuổi trên tay đang chờ kết quả khám cho biết: "Cháu sốt 38,9 độ, ho, quấy khóc, sáng nay thấy cháu thở khò khè tôi lo quá đưa con đến viện. Giờ đang chờ kết quả xét nghiệm máu". Cùng đó, một ông bố bế con gái đang sốt cao chờ khám cũng lo lắng: "Cháu sốt 2 ngày không hạ, nôn trớ, đã khám ở phòng khám tư, nhưng hôm nay sốt cao hơn nên gia đình tôi vội vàng cho cháu vào viện". Tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, các giường bệnh đều kín mít. Phòng 118 có 3 bệnh nhi đang điều trị thì cả 3 đều mắc virus hợp bào hô hấp. Cháu N.G.H (15 tháng, Hưng Yên) nhập viện được 2 ngày, đến sáng 12/3 cháu đỡ sốt hơn, tuy vẫn còn thở khò khè nhưng đã bắt đầu chơi cùng mẹ. "Hôm qua cháu vẫn còn sốt cao lắm, quấy khóc suốt. Ngày đầu cháu phải thở khí dung, nhưng hôm nay cháu không phải khí dung nữa", mẹ bé kể. Theo mẹ bé kể, cháu bị viêm phế quản do mắc virus RSV, phải nhập viện điều trị.

Theo đại diện Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện số ca mắc virus RSV đến khám đang có xu hướng tăng, đặc biệt virus này gây ra những diễn biến nặng ở nhóm trẻ nhỏ và có bệnh lý nền. RSV là căn nguyên phổ biến toàn cầu gây ra các nhiễm trùng đường hô hấp dưới ở trẻ nhỏ. Bệnh thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa, đặc biệt là từ tháng 10 đến tháng 3 hàng năm.

Virus RSV là một loại virus gây ra các bệnh viêm đường hô hấp như viêm mũi họng, viêm tiểu phế quản, viêm phế quản, viêm phổi… Triệu chứng của bệnh giống như cảm lạnh. Tuy nhiên, bệnh có thể biến chứng thành nhiễm trùng phổi, đặc biệt là trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người lớn tuổi và những người đang mắc các bệnh hô hấp mạn tính, hen phế quản, bệnh nền mãn tính… RSV có 2 tuýp, tuýp 1 gây sốt cao, tiên lượng nặng; tuýp 2 gây sốt nhẹ, thậm chí không sốt. Bệnh nhân nhiễm RSV biến chứng nặng có nguy cơ tử vong, với tỷ lệ 2,8-22% trên toàn thế giới.

PGS.TS Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, virus RSV xâm nhập vào cơ thể qua mắt, mũi hoặc miệng. Nó dễ dàng lây lan trong không khí thông qua các giọt bắn mang mầm bệnh do người bệnh phát tán ra. Virus này truyền sang người khác qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp, chẳng hạn bắt tay với người bệnh hay chạm vào bề mặt cứng có virus RSV. Người bị nhiễm virus hợp bào có khả năng lây lan cao nhất trong vòng vài ngày đầu sau khi nhiễm bệnh. Tuy nhiên, virus vẫn có thể tiếp tục lây lan trong vài tuần sau đó.

Từ đầu tháng 3 đến nay, số ca đến khám và phải nhập viện do thời tiết giao mùa gia tăng ở nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội. Đặc biệt, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, ghi nhận nhiều trẻ nhiễm cúm A biến chứng viêm phế quản phổi phải nhập viện. Bên cạnh đó, trẻ mắc thuỷ đậu cũng ghi nhận tăng ở nhiều bệnh viện. BS Phạm Thị Thảo, Phó Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, nếu năm trước, cùng thời điểm này không ghi nhận ca mắc thuỷ đậu nào thì năm nay đã có 24 bệnh nhân khám và điều trị. Trong đó, có một số ca bội nhiễm mụn mủ nhiều, biến chứng viêm đường hô hấp như viêm phế quản, viêm họng.

Điển hình là trường hợp cháu bé 17 tháng tuổi ở Gia Lâm (Hà Nội), nhập viện trong tình trạng sốt cao, mệt mỏi, các vết phỏng mọc toàn thân kèm theo ho nhiều, tức ngực, kém ăn. Bệnh nhi được chẩn đoán thuỷ đậu biến chứng viêm phế quản phổi, kèm theo bội nhiễm tại các nốt phỏng thuỷ đậu và phải nằm điều trị kéo dài gần 2 tuần.

Mặc dù đến thời điểm này, Hà Nội chưa bùng phát dịch thủy đậu, tuy nhiên đã ghi nhận các ổ dịch rải rác, đặc biệt tại huyện Chương Mỹ đã ghi nhận 2 ổ dịch tại Trường Tiểu học Văn Võ với 12 ca mắc và ổ dịch tại Trường Mầm non Đồng Lạc với 22 ca mắc. Cộng dồn từ đầu năm đến nay, riêng tại huyện này đã có gần 130 ca mắc. Các bác sĩ khuyến cáo, thời tiết thất thường, độ ẩm không khí cao, tạo điều kiện cho virus gây bệnh thuỷ đậu phát triển và lây lan. Do vậy, phụ huynh cần tiêm phòng vaccine thuỷ đậu đầy đủ cho con. Bởi biến chứng của bệnh thuỷ đậu rất nặng nề, gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc để lại di chứng sau này.

Còn với bệnh do virus hợp bào, do chưa có vaccine phòng bệnh, PGS.TS Nguyễn Thị Quỳnh Hương khuyến cáo phụ huynh thường xuyên rửa tay cho trẻ bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây; tránh để trẻ sờ tay lên mặt, mũi, hoặc miệng bằng tay chưa rửa sạch; tránh cho trẻ tiếp xúc gần gũi với người khác nếu trẻ bị ho hoặc bị bệnh. Khi có triệu chứng chảy nước mũi trong, ho khan, hắt hơi, sốt nhẹ, sốt cao hoặc khó thở, giảm cảm giác thèm ăn thì cho con đến ngay cơ sở y tế gần nhất để thăm khám. (Công an nhân dân, trang 7).

 

Thêm cơ hội cứu trẻ bị u nguyên bào thần kinh

Trẻ mắc u nguyên bào thần kinh có xu hướng tăng. Đây là một căn bệnh quái ác ở trẻ nhỏ với tỉ lệ tử vong rất cao.
Nhờ triển khai ghép tế bào gốc tạo máu, các bác sĩ đã nâng tỉ lệ sống còn sau 5 năm từ 30-40% lên đến 60% cho trẻ mắc bệnh u nguyên bào thần kinh.

U nguyên bào thần kinh nguy hiểm ra sao?

Cách đây 3 năm, bé L.Q.H. (6 tuổi, ngụ tỉnh Hậu Giang) thường xuyên mệt và ói. Gia đình đưa bé đến Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ thăm khám thì phát hiện có khối u trên tuyến thượng thận.

Sau đó bé H. được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 và được chẩn đoán mắc bệnh u nguyên bào thần kinh.

Anh L.Q.N. (ba bé H.) chia sẻ, thời điểm bác sĩ địa phương thông báo kết quả thì gia đình chỉ nghĩ là một khối u bình thường. Cho đến khi đưa con đến Bệnh viện Nhi đồng 2 khám và được các bác sĩ giải thích mới rõ con mắc căn bệnh rất nguy hiểm.

"Con còn nhỏ nhưng đã phải qua nhiều đợt hóa trị, xạ trị nhưng cơ hội sống lại rất thấp. Mới đây con được bác sĩ cho ghép tế bào gốc, kéo dài thêm sự sống cho con và được xuất viện về nhà tiếp tục theo dõi", anh N. chia sẻ.

Như bao đấng sinh thành khác, ngày nhận tin con bệnh nặng, chị H. - mẹ bệnh nhi S.R.N. (4 tuổi) - chết lặng. Bé N. được nhập viện điều trị cũng với chẩn đoán u nguyên bào thần kinh. Sau nhiều lần hóa trị, bé tiếp tục được chỉ định ghép tế bào gốc tạo máu cách đây nửa năm.

Kết thúc quá trình ghép, bé N. được xuất viện về nhà và tiếp tục theo dõi.

Bác sĩ CKII Phan Thị Thu Trang - phó khoa ung bướu huyết học, quản lý đơn vị ghép tủy Bệnh viện Nhi đồng 2 - cho hay u sợi nguyên bào thần kinh là một trong ba bệnh lý ung bướu thường gặp ở trẻ (bạch cầu cấp và lymphoma), ghi nhận trẻ mắc bệnh này đến điều trị tại bệnh viện có xu hướng tăng.

Cụ thể, khoảng 3-4 năm về trước, mỗi năm khoa ghi nhận trung bình khoảng 20 trẻ bị u sợi nguyên bào thần kinh. Cho đến nay con số này đã tăng lên đến 40 ca/năm. Đặc biệt chỉ trong tháng 2 vừa qua, khoa đã nhận gần 10 ca u nguyên bào thần kinh mới.

Tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM), ông Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc bệnh viện - cho biết bệnh viện tiếp nhận một số trẻ mắc u nguyên bào thần kinh. Trẻ mắc bệnh này khả năng điều trị khỏi hoàn toàn rất thấp với khoảng 10-20%, kéo dài thời gian sống là khoảng 40-50%, phần còn lại là tử vong.

Gánh nặng lớn, kéo dài thời gian sống nhờ ghép tế bào gốc

Các bác sĩ cho biết u nguyên bào thần kinh là do sự phát triển bất thường của các tế bào thần kinh chưa trưởng thành và thường hình thành ở tuyến thượng thận. Tuy nhiên khối u cũng có thể phát triển ở cổ, ngực, lưng, xương chậu và tủy sống.

Khi bào thai phát triển, hầu hết các tế bào thần kinh phát triển và cuối cùng trở thành các tế bào thần kinh trưởng thành trước khi sinh hoặc trong vài tháng đầu sau sinh.

Một nghiên cứu do các bác sĩ của khoa ung bướu huyết học Bệnh viện Nhi đồng 2 thực hiện vào năm 2014 - 2017 cho thấy, có đến 1/2 bệnh nhi đến bệnh viện là thuộc nhóm nguy cơ cao, có biểu hiện bệnh nặng (bụng to bất thường, đau bụng...) hoặc tình cờ phát hiện qua siêu âm.

Số bệnh nhi còn lại thuộc nhóm nguy cơ thấp hoặc nhóm có thể đặc biệt (khối u di căn nhiều nơi ở trẻ nhũ nhi).

Bác sĩ Thu Trang cho rằng gánh nặng bệnh u nguyên bào thần kinh rất lớn. Với trẻ nhập viện khi đã có triệu chứng (nhóm nguy cơ cao), bác sĩ và gia đình phải đối diện với con đường điều trị khó khăn và nặng nề.

Dù trẻ được điều trị hóa trị, xạ trị, phẫu thuật và duy trì sau đó thì khả năng sống sau 5 năm của trẻ chỉ đạt 30 - 40%.

Với sự tiến bộ của y học và cập nhật phác đồ trên thế giới, Bệnh viện Nhi đồng 2 là bệnh viện nhi ở khu vực phía Nam đã triển khai ghép tế bào gốc tạo máu cho bệnh nhi mắc u nguyên bào thần kinh.

Khi bệnh nhi được ghép tế bào gốc thì khả năng sống còn sau 5 năm tăng từ 30-40% lên đến 60%.

"Đây là tỉ lệ rất lớn cho bệnh nhi. Và bệnh nhi đã được ghép tế bào gốc ngay tại bệnh viện, thay vì cách đây 5 năm, người bệnh phải chuyển đến Bệnh viện Truyền máu - Huyết học vì thời điểm này bệnh viện chưa có cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực", bác sĩ Trang chia sẻ.

Theo bác sĩ CKII Nguyễn Đình Văn - trưởng khoa ung bướu huyết học, phương pháp ghép tế bào gốc tự thân hạn chế tối đa tái phát ung thư, đã mang đến nhiều hiệu quả. Ghép tế bào gốc tạo máu có giá trị trong các bệnh lý huyết học lành tính, ung thư huyết học và ung thư dạng bướu đặc ở trẻ em.

Bệnh viện Nhi đồng 2 đã triển khai tự ghép tế bào gốc tạo máu trên các bệnh nhân u nguyên bào thần kinh, trong đó có nhiều ca thành công.

Chữa được bệnh lý huyết học, miễn dịch, di truyền

Các bác sĩ cho hay, ghép tế bào gốc tự thân là phương pháp lấy tế bào gốc từ tủy xương hoặc từ máu ghép vào cơ thể người bệnh để chữa các bệnh lý huyết học, bệnh lý miễn dịch, di truyền và một số bệnh lý ung thư khác.

Các bác sĩ phải lấy tế bào gốc máu tự thân của bệnh nhân đem lưu trữ đông trước, sau đó truyền lại vào cơ thể người bệnh để giúp phục hồi khả năng tạo máu từ tủy xương bị tổn thương. (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Gia tăng các bệnh nhiễm trùng khó điều trị sau COVID-19

Sự gia tăng các bệnh nhiễm trùng không thể điều trị hoặc khó điều trị đang là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại trên toàn cầu và ở Việt Nam.
Thông tin tại Hội nghị khoa học quốc tế về bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới do Bệnh viện Bạch Mai tổ chức ngày 10/3, PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc bệnh viện cho biết, trên thế giới trong những thập kỷ gần đây mặc dù có các chương trình tiêm chủng vaccine phòng bệnh, chúng ta vẫn đang phải đối mặt với thảm họa về bệnh truyền nhiễm trên quy mô toàn thế giới.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hiện nay một số loại dịch bệnh do các loại virus gây ra đang tiếp tục là mối lo ngại cho nhiều quốc gia và tác động trực tiếp đến sức khỏe con người. Điển hình như đại dịch COVID-19, SARS, sốt vàng da, dịch bệnh MERS-CoV, dịch bệnh Ebola, dịch cúm A...

Các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã ghi nhận ở Việt Nam bao gồm: dịch COVID-19 năm 2019-2022 với hơn 11 triệu người mắc, tử vong hơn 44.000 người; cúm gia cầm A/H5N1 năm 2003 với tỷ lệ tử vong khoảng 50%; dịch tả năm 2008; cúm đại dịch cúm A/H1N1 năm 2009; dịch sởi năm 2014; sốt xuất huyết năm 2017...

Các chuyên gia cảnh báo, điều đáng lo ngại hiện nay là một số dịch bệnh trước đây có khả năng khống chế được bằng vaccine thì nay có nguy cơ bùng phát như sởi, thủy đậu, quai bị... Cùng với đó căn bệnh HIV/AIDS, viêm gan virus B, C và đặc biệt là vấn đề nhiễm khuẩn bệnh viện với các chủng vi khuẩn đa kháng sinh đang là các vấn đề y tế toàn cầu đặt ra các thách thức không nhỏ với hệ thống y tế của mỗi quốc gia ngay cả các những phát triển có nền y học tiên tiến.

Báo cáo của PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cùng các cộng sự cho thấy, số ca nhiễm nấm đen (một loại ký sinh trùng có trong môi trường không khí là Mucormycetes gây ra) có xu hướng gia tăng trong và sau COVID-19. Đây là bệnh nhiễm trùng nấm nghiêm trọng, hiếm gặp, tỉ lệ tử vong cao, di chứng nặng nề, chi phí điều trị lớn.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, trước ngày 1/1/2020, không ghi nhận trường hợp nào nhiễm Mucormycosis, tuy nhiên, sau thời điểm này đến nay đã ghi nhận gần 30 ca bệnh. Cụ thể, năm 2020-2021 phát hiện 6 ca bệnh và chỉ trong vòng 10 tháng (tháng 1 đến tháng 10/2022) ghi nhận 22 trường hợp nhiễm Mucormycosis với bệnh cảnh lâm sàng đa dạng.

Qua chẩn đoán bằng nuôi cấy và tìm thấy tổn thương đặc trưng trên mô bệnh học, 83% bệnh nhân có mắc đái tháo đường; khoảng 30% mặc COVID-19 trong vòng 1 tháng trước khi khởi phát bệnh; hơn 80% bệnh nhân đã tiêm phòng ít nhất 2 mũi vaccine COVID-19. (Tiền phong, trang 6).

 

Lãng phí y tế tuyến cơ sở

Những năm gần đây, mặc dù ngành y tế các địa phương được đầu tư khá lớn về cơ sở vật chất và được tạo điều kiện để thu hút bác sĩ giỏi, nhưng nhiều người dân vẫn đổ xô về các bệnh viện ở các TP lớn để khám chữa bệnh.
Bên cạnh hậu quả tang thương, vụ tai nạn giao thông tại địa bàn H.Núi Thành, Quảng Nam giữa xe container và xe 16 chỗ chở khách ở Quảng Ngãi ra Đà Nẵng khám chữa bệnh (KCB) khiến 10 người tử vong, 11 người bị thương vào ngày 14.2 vừa qua đã cho thấy một nghịch lý tồn tại đã lâu nhưng vẫn chưa có hướng giải quyết triệt để. Hậu quả của nghịch lý này không chỉ gây quá tải cho các bệnh viện (BV) lớn, tốn kém chi phí đi lại của người dân mà còn làm lãng phí các cơ sở y tế tuyến cơ sở. Đi khám lúc nửa đêm
Để tìm hiểu nguyên nhân người dân Quảng Ngãi thường ra Đà Nẵng KCB dù trên địa bàn tỉnh này không thiếu BV, 2 giờ 30 sáng một ngày cuối tháng 2.2023, PV Thanh Niên lên một chuyến xe chuyên chở người từ Quảng Ngãi ra Đà Nẵng để KCB. Trên chuyến xe ấy, có rất nhiều người còn có mặt tại nhà xe sớm hơn chúng tôi.

Anh Q., cán bộ một xã miền núi của H.Bình Sơn (Quảng Ngãi), nói anh phải dậy lúc nửa đêm, chạy xe máy chừng 15 km đến điểm hẹn với nhà xe. Anh Q. cho biết anh bị hơi khó thở vùng cổ, khó ngủ nên ra BV đa khoa (BVĐK) Đà Nẵng khám. Hỏi sao không khám ở Quảng Ngãi, anh Q. bảo ra Đà Nẵng "chắc hơn, dễ ra bệnh hơn". Anh còn kể có lần khám ở một BV tại Quảng Ngãi, các bác sĩ (BS) bảo phải can thiệp mạch vành nhưng khi ra BVĐK Quốc tế Huế, BS bảo anh chỉ bị hở van tim, không vấn đề gì. "Uống thuốc xong, nhiều năm nay thấy sức khỏe bình thường", anh Q. nói. Rồi mỗi người góp mỗi chuyện rằng khám ở các cơ sở y tế ở Quảng Ngãi thì không ra bệnh hoặc chẩn đoán sai nên ra Đà Nẵng khám cho yên tâm.

Nhà xe hôm đó có 2 chiếc xe 29 chỗ chở người đi khám bệnh ở Đà Nẵng. Chủ xe tư vấn luôn cho từng người, khám bệnh gì thì nên đến BV nào. Khi đến Đà Nẵng khoảng 6 giờ sáng cùng ngày, 2 chiếc xe chia nhau chở người bệnh đến các BV họ cần khám như: Đa khoa, Sản Nhi, Ung bướu, Quân y… Lúc 6 giờ 30, xe chở chúng tôi đến BVĐK Đà Nẵng. Ở phòng khám đang có cả trăm người, trong đó hơn một nửa nói giọng Quảng Ngãi, còn lại là Quảng Nam, Gia Lai, Kon Tum và Bình Định. Qua trò chuyện, chúng tôi được biết nhiều người chỉ đi khám bệnh thông thường, kiểm tra sức khỏe vì họ cho rằng ở đây khám nhanh, còn ở địa phương mất thời gian hơn, nhiều loại thuốc có khi không có để mua. Đó là chưa kể chỉ đi đến cửa BVĐK Đà Nẵng đã có nhân viên hướng dẫn bốc số, đi lại khám ở các phòng… với thái độ hòa nhã, thậm chí còn ưu tiên khám bệnh và cấp đơn thuốc cho người Quảng Ngãi trước để họ không trễ chuyến xe về trong ngày.

Theo một chủ xe chuyên chở người đi khám bệnh ở Đà Nẵng, những người ở vùng miền núi xa như Ba Tơ, Trà Bồng, Sơn Hà hay TX.Đức Phổ (Quảng Ngãi), muốn đi khám bệnh phải thức từ nửa đêm. Địa phương có nhiều xe chở người đi khám bệnh nhất là H.Bình Sơn với 6 chiếc, trong đó loại 29 chỗ có 2 xe, 4 xe dưới 50 chỗ ngồi. Tính cả tỉnh Quảng Ngãi, có trên dưới 30 xe loại này. Ngoài ra, xe hợp đồng, xe xen ghép… cũng có cả chục xe mỗi ngày nối nhau ra Đà Nẵng.

Không chỉ ở Quảng Ngãi, tình trạng người dân không tín nhiệm BV ở địa phương đang rất phổ biến ở nhiều tỉnh khác. Lập gia đình đã hơn 4 năm nhưng vẫn chưa có con, giữa tháng 2 vừa qua, vợ chồng anh N.Đ.Q (30 tuổi, trú P.Trường Chinh, TP.Kon Tum) đến khám tại BVĐK tỉnh Kon Tum. Thế nhưng BV chỉ nhận khám cho người vợ, còn chồng thì được nhân viên y tế giới thiệu vào các BV lớn ở TP.HCM với lý do ở Kon Tum chưa có máy xét nghiệm tinh dịch. Còn tại Phú Yên, mặc dù ở tỉnh này có khá nhiều BV tuyến tỉnh như: BVĐK tỉnh, Mắt, Sản Nhi, Phục hồi chức năng, Y học cổ truyền, Da liễu… nhưng nhiều người dân vẫn đi vào các BV lớn ở TP.HCM hoặc ra Đà Nẵng, Huế để KCB.

Chưa tạo sự yên tâm cho người bệnh

Giải thích về tình trạng nói trên, BS Huỳnh Thị Thuận, Phó giám đốc BVĐK tỉnh Quảng Ngãi, cho biết đó là do nhu cầu KCB ngày càng cao nên nhiều người chọn đi lên tuyến trên; nhưng cũng phải thừa nhận người dân Quảng Ngãi còn chưa tin tưởng vào năng lực của BS ở đây. Một nguyên nhân nữa là do các BV ở Quảng Ngãi còn thiếu trang thiết bị y tế hiện đại, các thiết bị đang sử dụng thì đã lâu năm nên bắt đầu hư hỏng, chập chờn.

Bình Định có BV Da liễu T.Ư Quy Hòa, BV Ký sinh trùng Quy Nhơn (đều thuộc Bộ Y tế), BVĐK tỉnh, BV Bình Định cùng các BV tư nhân khác được đầu tư bài bản, hiện đại nên đã đáp ứng được phần nào nhu cầu KCB cho người dân địa phương và các tỉnh lân cận. Đặc biệt, BVĐK tỉnh Bình Định đã ký kết hợp tác với các BV hàng đầu ở TP.HCM, Hà Nội để thực hiện chuyển giao kỹ thuật điều trị mới, đồng thời nâng cao năng lực cho đội ngũ y BS trong công tác KCB… Tuy nhiên, nhiều người ở tỉnh Bình Định vẫn chọn đến KCB tại một số BV lớn tại TP.HCM, Hà Nội…

Nhiều người cho rằng dù được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, có đội ngũ BS giỏi nhưng các cơ sở y tế ở Bình Định chưa thực sự tạo được sự yên tâm cho người bệnh trong công tác khám, điều trị các bệnh hiểm nghèo, các bệnh yêu cầu kỹ thuật điều trị cao… Đặc biệt, tỉnh Bình Định có sự giao thương rất lớn với TP.HCM (có tới gần 300.000 người Bình Định đang sinh sống, làm việc, học tập tại TP.HCM) nên nhiều BS là con em của tỉnh này đến TP.HCM để làm việc, kéo theo nhiều người dân cũng chọn các BV lớn ở đây để KCB. (Thanh niên, trang 1).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang