Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 13/4/2016

  • |
T5g.org.vn - Gia tăng nam giới mắc bệnh ung thư; Điều trị bệnh ung thư: Mất 4.400 tỷ đồng mỗi năm; Lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi: Nguy cơ gây nhờn thuốc, vô sinh; Đề nghị BHYT thanh toán sàng lọc phát hiện sớm ung thư; Hà Nội kiên quyết loại bỏ thực phẩm bẩn

Gia tăng nam giới mắc bệnh ung thư

Ngày 12/4, tại hội thảo “Tiếp cận điều trị ung thư hiệu quả và đáp ứng khả năng chi trả” do Bộ Y tế tổ chức, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 150.000 người mới mắc bệnh ung thư và trên 75.000 trường hợp tử vong do ung thư.

 Theo số liệu từ điều tra toàn quốc về gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam cho thấy 74,3% gánh nặng bệnh tật là do các bệnh không lây nhiễm, trong đó ung thư là một trong 10 nguyên nhân gây gánh nặng bệnh tật hàng đầu. PGS.TS Trần Văn Thuấn, Phó giám đốc Bệnh viện K (Hà Nội), Viện trưởng Viện Phòng chống ung thư cho biết, trong bản đồ ung thư thế giới, tỷ lệ mắc ung thư ở nam giới Việt Nam ở mức cao thứ 3, với khoảng 135,2-178,3 ca mắc/100.000 dân. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong do căn bệnh này đứng đầu tương đương 1 số nước khác, khoảng 142,5 ca/100.000 người dân. 

Theo PGS.TS Trần Văn Thuấn, nam giới Việt Nam thường mắc các bệnh ung thư khó chữa như: ung thư phổi, gan… Đặc biệt là nam giới sợ khám bệnh nên phát hiện ung thư cũng muộn hơn, hiệu quả điều trị giảm đi nhiều. Theo thống kê tại Bệnh viện K, khoảng 70% nam giới bị ung thư được chẩn đoán khi ở giai đoạn muộn. Hơn nữa, các ung thư ở nữ giới, ở những vị trí cũng thường dễ phát hiện hơn nam giới. TS Thuấn cho biết thêm, các bệnh ung thư của nam giới đều có xu hướng tăng lên. Cụ thể, ung thư phổi năm 2000 là 29,3/100.000  sau 10 năm tăng lên tới 35,1/100.000 dân. Tương tự các bệnh ung thư đại trực tràng, năm 2000 tỉ lệ mắc 11,4/100.000 đến 2020 tăng vọt lên 19/100.000. Các loại ung thư tuyến tiền liệt, thực quản đều có xu hướng tăng nhanh ở nam giới.

Kết quả nghiên cứu tại 3 cơ sở điều trị ung thư lớn nhất cả nước là Trung tâm Y học hạt nhanh và ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai), Bệnh viện K và Bệnh viện Ung bướu TPHCM, chi phí cho lần nhập viện đầu tiên vào khoảng 7 triệu đến 35 triệu đồng. Sau 12 tháng điều trị, gần 67% bệnh nhân phải đi vay tiền chữa bệnh, 22% bệnh nhân phải bán tài sản, 38% người bệnh không thể mua thuốc. Sau 1 năm điều trị, 24% bệnh nhân tử vong. Ngoài ra, chi phí điều trị thuốc mới cho một bệnh nhân ung thư phổi, gan, đại tràng, máu từ 500 triệu đến 1,2 tỷ đồng/năm. 

Ông Thuấn cho hay, chi phí dành cho sàng lọc phát hiện sớm thấp hơn rất nhiều chi phí bảo hiểm y tế phải chi trả cho các bệnh nhân ung thư. Việc phát hiện sớm không chỉ giảm chi phí điều trị mà còn đem lại cơ hội chữa khỏi cho bệnh nhân. 

Theo TS Phạm Cẩm Phương, Phó Giám đốc trung tâm y học hạt nhân ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai), ung thư được phát hiện càng sớm điều trị càng hiệu quả, chi phí càng thấp (Tiền phong trang 6, Thanh niên trang 9, Sức khỏe & Đời sống trang 2).

Điều trị bệnh ung thư: Mất 4.400 tỷ đồng mỗi năm

22,4% bệnh nhân ung thư gặp khó khăn về kinh tế sau 1 năm điều trị, thậm chí nhiều người không thể mua thuốc, không mua nổi đồ ăn… Tuy nhiên, gánh nặng ung thư sẽ đè nặng lên cả xã hội nếu chẩn đoán thiếu chính xác. Đây là lo ngại được chia sẻ tại Hội thảo Tiếp cận và điều trị ung thư hiệu quả và đáp ứng khả năng chi trả do Bộ Y tế tổ chức ngày 12.4.

Kiệt quệ vì ung thư

Kết quả nghiên cứu chi phí điều trị ung thư tại Việt Nam đối với gần 2.000 bệnh nhân tại 3 trung tâm điều trị ung thư lớn nhất cả nước: Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai), Bệnh viện K Trung ương, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM chỉ ra rằng, chỉ sau 1 năm phát hiện bệnh, gia đình có bệnh nhân ung thư sẽ lâm vào tình trạng cạn kiệt kinh tế. Trong số 2.000 bệnh nhân được phỏng vấn có tới 50,6% hộ có thu nhập cao; 61% bệnh nhân có BHYT. Chi phí trung bình cho lần khám bệnh đầu tiên là 6,8 triệu đồng. Tuy nhiên, có người chỉ tốn vài trăm nghìn, nhưng có người đã mất cả 100 triệu đồng ngay lần khám đầu tiên.

Nhưng chỉ sau 1 năm điều trị, có 22,36% bệnh nhân khó khăn về kinh tế, kể cả bệnh nhân có BHYT và không có BHYT. Trong đó có tới gần 34% bệnh nhân không thể mua thuốc; 24% bệnh nhân không thể thanh toán tiền gas, điện, nước; 21% không thể thanh toán chi phí đi lại và có tới 15,2% không thể mua nổi đồ ăn. Để ứng phó với khó khăn, có tới gần 67% bệnh nhân gặp khó khăn kinh tế khi điều trị ung thư phải vay tiền, 22% bán tài sản…Còn nghiên cứu riêng ở nhóm bệnh nhân không có khó khăn về kinh tế (778 người) thì sau 1 năm điều trị ung thư có 180 bệnh nhân tử vong (24%), 228 bệnh nhân gặp các khó khăn kinh tế (31%). Ngoài ra, cũng chỉ có 60% bệnh nhân hoàn thành cả 3 lần phỏng vấn (trong 1 năm) còn lại có 20% bệnh nhân rút lui khỏi nghiên cứu, trong đó có người không có tiền nên bỏ điều trị, chịu chết.

Chi phí hơn 4.400 tỷ đồng/năm

Ông Nguyễn Minh Thảo – Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam lo ngại, gánh nặng điều trị của bệnh nhân ung thư quá lớn và ngày càng “phình to”. Báo cáo của Ban thực hiện chính sách BHYT cho thấy, năm 2014, chi phí cho bệnh nhân ung thư hơn 3.800 tỷ đồng, năm 2015 là 4.400 tỷ đồng; trong đó, chi phí thuốc và máu chiếm tới 65-70%. Các nhóm có chi phí lớn nhất năm 2015 như bướu ác của phế quản và phổi (620 tỷ đồng); bướu ác vú (490 tỷ đồng); bệnh bạch cầu tuỷ (350 tỷ đồng)… “Quỹ BHYT ở Việt Nam khá hạn hẹp, nhưng chi phí thuốc ung thư rất lớn, có những bệnh nhân mất cả tỷ đồng vẫn tử vong. Do đó, việc siết chặt chẩn đoán, chỉ định điều trị ung thư là vô cùng cần thiết” – ông Thảo cho biết. 

Theo ông Thảo, hiện nay cả nước có tới 56 bệnh viện, trung tâm ung bướu được phép chẩn đoán, chữa trị ung thư. Tuy quy trình chẩn đoán đã được Bộ Y tế quy định nhưng việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng của các chẩn đoán này chưa được chú trọng và làm thường xuyên. Điều đó có thể dẫn đến nguy cơ chẩn đoán không chính xác, chỉ định thuốc điều trị ung thư không đúng. Như vậy, BHYT và bệnh nhân “bỗng dưng” sẽ phải chịu chi phí rất lớn và không thích đáng.

PGS-TS Trần Văn Thuấn – Phó Giám đốc Bệnh viện K, Viện trưởng Viện Phòng chống ung thư cũng thừa nhận, việc phát triển quá nhanh các trung tâm chẩn đoán, điều trị ung thư nhằm giảm tải cho tuyến trên có thể dẫn đến việc kiểm soát chất lượng chưa tốt.

Còn TS-BS Phạm Xuân Dũng – Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho rằng, Bộ Y tế cần có quy định để các phòng xét nghiệm chẩn đoán ung thư được kiểm tra thường xuyên để kiểm soát chất lượng của các phòng xét nghiệm này. “Bệnh viện Ung bưới TP.HCM có gần 20 bác sĩ giải phẫu bệnh ung thư, mỗi bác sĩ cũng phải đào tạo 7-10 năm mới chẩn đoán được. Do đó, dù máy móc hiện đại, việc kiểm soát chất lượng của các bác sĩ là rất quan trọng” – bác sĩ Dũng cho biết.

Khi TS Dũng cho biết, trên thế giới hiện có 37 thuốc điều trị ung thư nhắm trúng đích tiên tiến cho hiệu quả điều trị cao, kéo dài thời gian sống, ít tác dụng phụ, còn ở Việt Nam mới có 13 thuốc, ông Thảo đã phản ứng: “Cụ thể như nước Pháp có 23 thuốc điều trị trúng đích nhưng tổng Quỹ BHYT của Pháp năm 2014 là 178 tỷ EUR (hơn 4 triệu tỷ đồng) còn Quỹ BHYT của Việt Nam năm 2014 là 2 tỷ USD (44.000 tỷ đồng). Với bài toán “ít tiền” như vậy, muốn dùng nhiều thuốc hiện đại, sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao cần nhiều sự nỗ lực của các tổ chức, cá nhân” – ông Thảo cho biết (Nông thôn ngày nay trang 4, Tuổi trẻ trang 14).

Lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi: Nguy cơ gây nhờn thuốc, vô sinh

Chất cấm và kháng sinh đang bị người chăn nuôi sử dụng vô tội vạ. Tuy nhiên, việc quản lý và xử lý đối với những hộ chăn nuôi sử dụng loại chất này đang gặp nhiều khó khăn. Chuyên gia cho rằng, lạm dụng kháng sinh có thể gây nhờn thuốc và vô sinh.

 Lạm dụng tràn lan

Tại diễn đàn “Giải pháp quản lý chất cấm và chống lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm các tỉnh phía Nam”, do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức ngày 12/4 tại Bình Dương, PGS.TS Lê Thị Hồng Hảo - Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cho biết: “Các lái buôn thường lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người sử dụng để pha chế các loại thuốc tăng trọng vào thức ăn chăn nuôi. Sau đó được giao sỉ cho các cửa hàng bán lẻ để cho người chăn nuôi nhỏ lẻ sử dụng”.

Cũng vì… không biết mà các cơ sở chăn nuôi vô tư trộn kháng sinh vào thức ăn cho vật nuôi cao gấp nhiều lần mức quy định cho phép. Hỏi ra, các đơn vị đều cho rằng, sử dụng kháng sinh kích thích sinh trưởng ngay từ giai đoạn đầu để củng cố hệ vi sinh trong đường tiêu hóa, tăng khả năng hấp thu thức ăn và tăng năng suất.

Ông Nguyễn Văn Việt – Chánh thanh tra Bộ NN&PTNT thừa nhận, so với chất cấm, việc kiểm soát lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi còn khó khăn, vất vả hơn nhiều bởi chất cấm chỉ có vài loại, còn kháng sinh có tới hàng chục loại khác nhau đang được lưu hành. Kháng sinh như “con dao hai lưỡi”, dùng đúng sẽ có tác dụng tốt, nhưng quá liều, có thể khiến vật nuôi “nghiện” và một trong những lo ngại hiện nay chính là dùng kháng sinh ở khâu bảo quản dẫn đến tồn dư rất cao.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, người chăn nuôi, giết mổ với suy nghĩ đơn giản rằng kháng sinh để phòng và chữa bệnh cho vật nuôi, đồng thời, sau khi giết mổ, thịt của vật nuôi được “ướp” kháng sinh để bảo quản lâu và tốt hơn nhiều chất bảo quản khác nên việc lạm dụng khiến tồn dư kháng sinh trong thực phẩm sẽ kéo theo những hậu quả khôn lường. Những thức ăn này vào cơ thể trong thời gian dài sẽ có nguy cơ tăng sức kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh.

Kiểm soát chưa hiệu quả!

Liệu cơ quan chức năng có buông lỏng trong việc quản lý lạm dụng kháng sinh và chất cấm trong chăn nuôi? Trả lời Tiền Phong, ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản khẳng định: “Cơ quan nhà nước không buông lỏng trong quản lý mà là trước giờ cách làm chưa hiệu quả, quyết liệt. Không thể để tình trạng sử dụng kháng sinh bừa bãi như hiện nay, chỉ được phép sử dụng với hàm lượng thấp, tiến tới cấm hoàn toàn”.

Trong năm 2016, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung vào kiểm soát chất cấm, lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo thành lập các đoàn thanh tra, xác định loại kháng sinh nào đang dùng phổ biến, loại nào cấm, đường đi của kháng sinh ra sao. Còn ông Nguyễn Văn Việt nói rằng sắp tới không kiểm tra theo kế hoạch mà phải đột xuất, bất ngờ thì mới đạt kết quả. “Đẩy lùi lạm dụng kháng sinh cần sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt với những cách làm mới của các ngành chức năng và địa phương” - ông Việt nói thêm.

Trong khi đó, ông Khương Trần Phúc Nguyên - Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành Chi cục Thú y TPHCM cho biết, hiện trong quy định kiểm dịch trước khi cho đàn heo xuất bán ra thị trường chưa có nội dung kiểm tra chất cấm (?!). Ông Nguyên dẫn chứng, heo đã được thú y kiểm tra ngay từ hộ chăn nuôi từ các tỉnh, thành phố trước khi vào TPHCM để đến các lò mổ.

Cùng với đó, tại các lò mổ lớn đều có đội thú y thường xuyên kiểm tra heo trước và sau khi giết mổ. Nhưng cũng chỉ kiểm tra về số lượng và dịch bệnh, sức khỏe. “Nếu thấy nghi ngờ thì mới tách riêng lô, lấy mẫu đưa đi kiểm định. Thú y tại lò mổ chưa thể kiểm tra ngay heo có chứa chất cấm hay không, bởi muốn vậy thì cần phải có đoàn thanh tra trong quá trình lấy mẫu. Nếu thấy nghi ngờ thì thú y địa phương mới báo lên Chi cục Thú y TPHCM để được hỗ trợ”- ông Nguyên nêu bất cập.

Theo báo cáo từ Cục Chăn nuôi, hiện Việt Nam có 46 loại kháng sinh, hóa dược được sử dụng trong thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất, tất cả các trại chăn nuôi gà có sử dụng kháng sinh đều dùng cao hơn quy chuẩn. 94 trại chăn nuôi heo thịt được điều tra đều sử dụng kháng sinh cao hơn quy định 2 - 4 lần.

“Ăn thịt có tồn dư kháng sinh thường xuyên sẽ xuất hiện vi khuẩn kháng lại kháng sinh. Không những gây nhờn thuốc, loại bỏ những vi khuẩn có hại mà còn tiêu diệt cả các vi khuẩn có ích, tạo vitamin nhóm B trong đường tiêu hóa, gây khó khăn trong công tác điều trị phòng chống bệnh tật.

Bên cạnh đó, có những loại vừa là kháng sinh vừa là hormone, nếu ăn thịt có chứa các chất này có thể gây hiện tượng giảm mật độ tinh trùng, có thể làm lệch lạc giới tính của trẻ nhỏ”- bác sĩ Trần Văn Ký - phụ trách chuyên môn văn phòng phía Nam Hội Khoa học an toàn thực phẩm Việt Nam khuyến cáo  (Tiền phong trang 4).

 

Đề nghị BHYT thanh toán sàng lọc phát hiện sớm ung thư

 Đây là đề nghị được PGS.TS Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện K Trung ương đưa ra tại hội thảo “Tiếp cận điều trị ung thư hiệu quả và đáp ứng khả năng chi trả”, diễn ra ngày 12-4, tại Hà Nội.  Theo ông Trần Văn Thuấn, chi phí dành cho sàng lọc phát hiện sớm ung thư thấp hơn rất nhiều chi phí bảo hiểm y tế phải chi trả cho các bệnh nhân ung thư. Hơn nữa, việc phát hiện sớm không chỉ giảm chi phí điều trị mà còn đem lại cơ hội chữa khỏi cho bệnh nhân. Thống kê tại các cơ sở y tế cho thấy tỷ lệ mắc bệnh ung thư đang gia tăng nhanh chóng. Theo khảo sát, sau 12 tháng điều trị ung thư, gần 67% bệnh nhân phải đi vay tiền chữa bệnh, 22% bệnh nhân phải bán tài sản, 38% người bệnh không thể mua thuốc, 24% bệnh nhân tử vong (An ninh thủ đô trang 2, Nhân dân trang 5). 

 

Hà Nội kiên quyết loại bỏ thực phẩm bẩn

Hết sử dụng chất tạo nạc salbutamol trong chăn nuôi, tồn dư kháng sinh vượt ngưỡng đến nhuộm măng tươi bằng hóa chất có nguy cơ gây ung thư… Chưa bao giờ người dân cảm thấy bất an với vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) như hiện tại. Cùng với việc phát động Tháng hành động vì ATTP năm 2016, Hà Nội cũng quyết tâm xử lý mạnh tay các sai phạm trong lĩnh vực này. 

Có thể phạt đến 25 năm tù

Hà Nội là thị trường trung chuyển, tiêu thụ thực phẩm lớn nhất nhì cả nước, cũng là địa bàn có số lượng cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm “khổng lồ” với trên 58.000 cơ sở, do đó vấn đề ATVSTP càng trở nên bức thiết. Thời gian qua, thành phố đã rất nỗ lực triển khai công tác ATTP, nhờ đó đã hạn chế các vụ ngộ độc. Song cũng trong thời gian này hàng loạt vụ sai phạm về ATTP được phát hiện như tẩm hóa chất biến thịt lợn thành thịt bò, “phù phép” rau bẩn thành rau an toàn để tuồn vào các siêu thị, thậm chí nhiều đối tượng còn thu mua lợn chết, lợn ốm từ tỉnh khác đưa về Hà Nội tiêu thụ với khối lượng lớn... 

Trước thực trạng đó, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong Tháng hành động vì ATTP năm nay (từ 15-4 đến 15-5), Hà Nội sẽ tổ chức 6 đoàn thanh kiểm tra liên ngành ATVSTP, tập trung trọng điểm vào 2 mặt hàng rau, thịt. Cụ thể, các đoàn kiểm tra của thành phố cho đến quận, huyện, xã, phường sẽ tăng cường thanh kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, nhập khẩu, lưu thông, buôn bán thực phẩm, đặc biệt là các chợ đầu mối cung ứng rau, thịt, nông sản. 

Mục tiêu được đề ra là phải giải quyết căn bản vấn đề sử dụng chất cấm vào chăn nuôi; giảm thiểu rõ nét mức tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả; tồn dư hóa chất, kháng sinh trong thịt lợn, thịt gà, thủy sản nuôi. Dịp này, UBND TP Hà Nội cũng công bố Kế hoạch hành động “Năm cao điểm VSATTP trong lĩnh vực nông nghiệp”, với mục tiêu cao nhất là ngăn chặn, xử lý dứt điểm việc lưu thông, buôn bán, sử dụng chất cấm, lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng, bảo quản, chế biến thủy sản…

GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, điều quan trọng nhất là phải biến khẩu hiệu, kế hoạch trên thành hành động cụ thể bằng những kết quả thanh kiểm tra. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, trong Bộ luật Hình sự (sửa đổi), tội phạm trong lĩnh vực thực phẩm nói riêng, hàng giả nói chung có thể bị phạt lên tới 25 năm tù giam. Luật cũng quy định rất rõ chỉ cần sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến thực phẩm thu lợi bất chính từ 50 triệu trở lên… đã có thể bị phạt tù. 

“Mong muốn được sử dụng thực phẩm an toàn của người dân là chính đáng, việc cố ý kiếm lợi bất chính từ thực phẩm bẩn, đầu độc người dân là hành động không thể chấp nhận được nên chúng ta phải thực hiện thanh kiểm tra và xử lý thật nghiêm” - Thứ trưởng Bộ Y tế nói.

Công khai tất cả sai phạm

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cần gắn trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương về ATTP chứ không đổ hết cho ngành y tế hay ngành nông nghiệp. Mặt khác, cần phải kiểm điểm, xử lý những địa phương làm không tốt, để xảy ra các sai phạm lớn trên địa bàn, có vậy các địa phương mới tích cực vào cuộc hơn, mới quyết tâm “tuyên chiến với thực phẩm bẩn”. 

Đồng quan điểm này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu - Trưởng Ban chỉ đạo ATVSTP TP cho biết, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng thì tất cả các hội ngành, đoàn thể, nhân dân phải cùng vào cuộc, đấu tranh, tố giác sai phạm về ATTP. Đặc biệt, phải làm rõ trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh trong việc bảo đảm chất lượng VSATTP theo quy định của pháp luật.

Nhấn mạnh ATTP là vấn đề rất lớn và luôn “nóng bỏng”, tác động đến toàn bộ đời sống xã hội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, trong triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP cấp quận, huyện, xã phường, Hà Nội đã yêu cầu rõ: Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn phải đi kiểm tra ATTP trực tiếp ít nhất 1 tuần/lần, Phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn phụ trách ATTP phải đi kiểm tra ít nhất 3 tuần/lần. Nếu qua kiểm tra, phát hiện xã, phường, thị trấn nào không làm nghiêm túc thì sẽ nêu đích danh và xử phạt, kiểm điểm nghiêm khắc.
Riêng trong Tháng cao điểm hành động vì ATTP tới đây, ngoài các quận, huyện đang triển khai thí điểm mô hình nói trên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu yêu cầu: tất cả Phó Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã của thành phố phụ trách ATTP phải trực tiếp đi kiểm tra ATTP ít nhất 2 lần/tháng; Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn phải ít nhất đi kiểm tra ATTP 1 lần/tuần; Phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn phụ trách ATTP phải trực tiếp đi kiểm tra ít nhất 2 lần/tuần, ghi rõ vào biên bản ngày giờ đi kiểm tra để thành phố giám sát. Đặc biệt, trong quá trình thanh kiểm tra, phát hiện sai phạm gì phải công khai, không bao che, giấu giếm. Mặt khác, thành phố cũng sẽ tuyên truyền những nơi, những địa điểm cung cấp thực phẩm an toàn để người dân yên tâm lựa chọn, không còn phải quá lo lắng vì “ăn cái gì cũng sợ” (An ninh thủ đô (trang 8), Lao động (trang 2), Nông thôn ngày nay trang12, Hà Nội mới trang 1).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang