Đối thoại, tháo gỡ vướng mắc cho các cơ sở y tế tư nhân
Sáng 12-4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã có cuộc đối thoại với Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam về nhiều vấn đề, vướng mắc hiện nay của các cơ sở y tế tư nhân.
Tại cuộc đối thoại, một số ý kiến cho rằng nhiều cơ sở y tế tư nhân đang “lép vế” trong thương thảo, ký kết hợp đồng thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) với cơ quan BHXH; có sự phân biệt bệnh viện công lập và tư nhân khi thanh toán BHYT đối với các kỹ thuật khám, chữa bệnh vượt tuyến... Đại diện một số bệnh viện, phòng khám tư nhân cũng bày tỏ bức xúc trước tình trạng chậm thanh quyết toán; tạm ứng chi phí khám, chữa bệnh BHYT; nhiều cơ sở phải xuất toán ngược do cơ quan BHXH áp giá trúng thầu thấp hơn của cơ sở y tế khác khi thanh, quyết toán...
Về vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn khẳng định: “Những bất cập trong ký kết, thực hiện hợp đồng BHYT như phản ánh của các cơ sở y tế tư nhân có xảy ra tại một số địa phương”. BHXH Việt Nam cam kết sẽ sớm có văn bản hướng dẫn và yêu cầu BHXH các tỉnh thực hiện đúng quy định là cơ sở y tế tư nhân và cơ quan BHXH cùng cam kết thực hiện đúng các điều khoản trong hợp đồng BHYT theo quy định. Mỗi bên đều có quyền đơn phương tạm dừng hợp đồng và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét sai phạm. Phương án này đã nhận được sự tán thành của các thành viên Hiệp hội Bệnh viện tư nhân có mặt tại cuộc đối thoại.
Lắng nghe các ý kiến, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, bảo đảm cân đối, bền vững của quỹ BHYT là rất quan trọng trong điều kiện chi phí y tế ngày càng tăng, mệnh giá BHYT còn thấp. Cơ quan BHXH cần có hướng xử lý vấn đề xuất toán ngược không chỉ đối với cơ sở y tế tư nhân mà cả các bệnh viện công lập; xử lý nghiêm sai phạm trong quá trình đấu thầu tập trung ở các tỉnh. Cơ quan BHXH nên có phương án khoanh vùng, sai đâu xử lý đấy chứ không nên tạm dừng toàn bộ. Về phản ánh các cơ sở y tế tư nhân không được thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT trong các ngày lễ, thứ bảy, chủ nhật, Phó Thủ tướng khẳng định: Chủ trương đã có, phải tháo gỡ cụ thể tránh tình trạng "trên thông nhưng dưới không thông". Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể để các cơ sở y tế thực hiện khám, chữa bệnh ngoài giờ đúng quy định; BHXH Việt Nam có văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện nghiêm để bảo đảm quyền lợi người dân...
Ghi nhận các ý kiến đóng góp, trao đổi thẳng thắn trong cuộc đối thoại, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá có những kiến nghị Hiệp hội Bệnh viện tư nhân đồng thuận với cơ quan quản lý, có những vấn đề phải tuân thủ quy định pháp luật, có những điểm cơ quan quản lý tiếp thu, chấn chỉnh. Trong thời gian tới Bộ Y tế, BHXH Việt Nam, các cơ sở y tế tư nhân tiếp tục tăng cường đối thoại, thông tin kịp thời, trao đổi, xử lý ngay những vấn đề phát sinh. (Hà Nội mới, trang 1)
Nhiều vi phạm tại nhà thuốc bệnh viện ngoài công lập
Từ nay đến hết tháng 6, Sở Y tế Hà Nội tiến hành tổng kiểm tra các nhà thuốc bệnh viện (BV) trên địa bàn thành phố. Kết quả kiểm tra trong những ngày vừa qua cho thấy, trong khi các BV công thực hiện khá nghiêm ngặt các quy định về dược, thì nhiều BV tư lại xảy ra những vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực này.
Để nâng cao chất lượng hoạt động công tác dược trong BV, nhất là hoạt động của các nhà thuốc BV, Sở Y tế Hà Nội đã thành lập hai đoàn kiểm tra do lãnh đạo Sở làm trưởng đoàn. Từ đầu tháng 3 đến nay, các đoàn đã tổ chức kiểm tra gần 30 BV. Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung, qua kiểm tra cho thấy, các BV đều thực hiện nghiêm các quy định hiện hành và bảo đảm cung ứng thuốc kịp thời, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc điều trị cho người bệnh. Khối BV công lập thực hiện nghiêm các quy định về bảo quản thuốc an toàn, kho thuốc bố trí ngăn nắp; Không có tình trạng thuốc hết hạn trong kho, đối với những loại thuốc còn hạn sử dụng ngắn, các BV đều dán tem mầu nhằm cảnh báo. Tại các quầy bán thuốc, thực phẩm chức năng được để vào tủ riêng, không chung với các loại thuốc điều trị hay dụng cụ y tế. Danh mục thuốc tại các quầy đều nằm trong quy định. Bên cạnh đó, các BV đã áp dụng phần mềm quản lý chung, thuận lợi cho việc quản lý, cấp phát thuốc.
Tuy nhiên, đối với khối BV tư nhân, nhiều BV còn hạn chế về công tác này. Kho thuốc chưa đầy đủ giá kệ, tủ thuốc kiểm soát đặc biệt không bảo đảm chắc chắn. Thực phẩm chức năng để lẫn với thuốc, niêm yết giá không đầy đủ. Có những mặt hàng thuốc giá bán cao hơn thặng số bán lẻ tối đa quy định. Có thuốc hết hạn sử dụng, hội đồng kiểm kê đã có biên bản, để trong túi riêng, nhưng không để riêng trong khu biệt trữ…Điển hình là vi phạm tại các BV như: Đa khoa Tràng An, Đa khoa Trí Đức, Đông Đô. Cụ thể, tại BV Đa khoa Trí Đức (đường Lê Duẩn, quận Hai Bà Trưng), đoàn kiểm tra đã phát hiện thuốc kém chất lượng, thuốc đã hết hạn sử dụng và thuốc bị đình chỉ lưu hành được sắp xếp chung với các loại thuốc đang được bày bán. Bên cạnh đó, trong nhà thuốc vẫn còn lưu trữ một số các mặt hàng dược phẩm đã hết hạn dùng, chưa xuất trình được sổ theo dõi. Cơ sở có kinh doanh hai mặt hàng thuốc phối hợp có chứa hoạt chất gây nghiện là Efferagan và Ultracet, nhưng chưa có khu vực bảo quản và không có sổ sách theo dõi. Trước những vi phạm nghiêm trọng này, Sở Y tế Hà Nội ra Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc của nhà thuốc BV Đa khoa Trí Đức.
Còn tại BV Đông Đô (phố Xã Đàn, quận Đống Đa), đoàn kiểm tra Sở Y tế đã phát hiện ba loại thuốc (Tanatril 10mg, Kombogly XR và Clarithromycin Stada 500mg) có giá bán cao hơn từ 10 đến 30% so quy định. Tại nhà thuốc BV, thực phẩm chức năng để lẫn với thuốc, còn trong kho thuốc, các loại thuốc được để chung với... sữa chua trong tủ lạnh bảo quản. Riêng BV Đa khoa Hà Thành (phố Vũ Thạnh, quận Đống Đa), dù đơn vị đã xuất trình được đầy đủ hồ sơ pháp lý, biên bản kiểm kê thuốc, sổ kiểm nhập thuốc và theo dõi xuất thuốc theo yêu cầu của đoàn, nhưng đoàn kiểm tra vẫn lưu ý BV bố trí tủ riêng đối với các loại thực phẩm chức năng. Kho thuốc của BV cần bố trí lại theo hướng dẫn của Bộ Y tế; trang bị thêm giá, kệ cho việc bảo quản thuốc, tránh ẩm, mốc và bụi bẩn. Đoàn kiểm tra đã lấy mẫu thuốc của các BV này để kiểm nghiệm thành phần.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung, từ nay đến hết tháng 6-2018, Sở Y tế sẽ tiếp tục kiểm tra các BV cả công lập và ngoài công lập, không chỉ BV của Hà Nội mà còn kiểm tra cả các BV tuyến trung ương, các bộ, ngành, các nhà thuốc tư nhân, các doanh nghiệp. Đơn vị nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm nhằm bảo đảm tốt nhất chất lượng thuốc phục vụ nhân dân. (Nhân dân, trang Hà Nội)
Sử dụng thẻ bảo hiểm y tế theo mẫu mới
Từ ngày 1-5, tại TP Hồ Chí Minh, thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) theo mẫu mới sử dụng cho một số đối tượng như cán bộ hưu trí, trẻ em dưới sáu tuổi, người hưởng trợ cấp Bảo hiểm xã hội (BHXH) hằng tháng, người tham gia BHYT hộ gia đình...thay cho mẫu cũ, chính thức được sử dụng để khám, chữa bệnh. Hiện, cơ quan BHXH thành phố cùng các đơn vị liên quan đang tích cực hoàn tất công tác đổi thẻ để phát đến tay các đối tượng.
Theo cơ quan BHXH thành phố Hồ Chí Minh, đợt này tại thành phố có gần 1,6 triệu người phải đổi thẻ BHYT mới theo mã số BHXH là cán bộ hưu trí, trẻ em dưới sáu tuổi, người tham gia BHYT hộ gia đình, người hưởng trợ cấp BHXH hằng tháng, người có công với cách mạng, cựu chiến binh, người tham gia kháng chiến, thân nhân của người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ, người phục vụ người có công với cách mạng. Việc đổi thẻ BHYT mới theo mã số BHXH sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả người dân và cơ quan quản lý về BHYT, đáp ứng yêu cầu về quản lý cơ sở dữ liệu tập trung trên toàn quốc của ngành BHXH. Bà Lê Hồng Tân, ngụ phường 13, quận Phú Nhuận cho biết: Ngay từ đầu tháng 3, phường đã thông báo đến cán bộ hưu trí sẽ nhận thẻ BHYT mới trong tháng 4 và thẻ BHYT mới đã được phát về tận hộ gia đình. Chị Nguyễn Thanh Vân, ngụ phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 cho hay: Cuối năm 2017, cán bộ phụ trách lao động của phường đến nhà lấy thông tin các thành viên trong gia đình để điền vào sổ BHXH gia đình. Trên cơ sở dữ liệu này, con thứ hai của chị hiện dưới sáu tuổi đã có thẻ BHYT mới thay cho thẻ BHYT cũ được cấp lúc mới sinh. Theo cơ quan BHXH thành phố, trước đó, từ tháng 2-2018, việc đổi thẻ BHYT đã được BHXH thành phố và BHXH 24 quận, huyện của thành phố gửi thông báo đến các đơn vị: Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) 24 quận, huyện; UBND xã, phường, thị trấn; bưu điện thành phố để có sự phối hợp thực hiện.
Phó Giám đốc BHXH thành phố Nguyễn Thị Thu, cho biết: Đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng, bao gồm cả người nhận tiền mặt và nhận qua ATM, các điểm bưu điện chi trả lương hưu, trợ cấp hằng tháng sẽ phát thẻ BHYT mẫu mới cùng kỳ chi trả vào tháng 4-2018. Còn đối với người có công với cách mạng, cựu chiến binh, người tham gia kháng chiến, thân nhân của người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ, người phục vụ người có công với cách mạng, người hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng và trẻ em dưới sáu tuổi thì cơ quan quản lý đối tượng đó, cụ thể là các phòng LĐ-TB và XH quận, huyện; UBND xã phường, thị trấn sẽ phát thẻ BHYT mẫu mới đến tay các đối tượng trước ngày thẻ có giá trị. Cơ quan BHXH thành phố Hồ Chí Minh lưu ý, thẻ BHYT mẫu mới sẽ có mã số trùng với mã số của thẻ BHXH, có giá trị sử dụng từ ngày 1-5-2018 và trên thẻ không ghi "giá trị sử dụng đến" như trước đây. Việc này nhằm quản lý đối tượng tốt hơn, bởi mã số thẻ sẽ đóng vai trò định danh mỗi người giúp kiểm soát được vấn đề cấp trùng thẻ, khắc phục được tình trạng thay đổi như in, cấp lại hằng năm gây tốn kém chi phí. “Quyền lợi của người dân vẫn không thay đổi, khi đến khám, chữa bệnh ở các bệnh viện, cơ sở y tế, người có thẻ chỉ cần nhớ mã số hoặc chụp vào điện thoại thông minh thì trên dữ liệu đã có đầy đủ thông tin lịch sử khám, chữa bệnh trước đó”, bà Nguyễn Thị Thu khẳng định. Bên cạnh đó, một đặc điểm khi sử dụng thẻ BHYT theo mẫu mới được cơ quan BHXH thành phố thông tin: Sau đợt nhận thẻ đầu tiên, những đối tượng này không cần lên lấy thẻ mà chỉ cần biết được thời gian sắp hết hạn và chuyển tiền vào tài khoản cơ quan BHXH hoặc ra đóng tiền ở đại lý, phần mềm sẽ cập nhật luôn giá trị. Người dân cũng không không cần đến để lấy thẻ nữa.
Thẻ BHYT mới có giá trị sử dụng từ ngày 1-5 và thẻ BHYT mẫu cũ có giá trị sử dụng đến ngày 30-4-2018. Tuy nhiên, nhằm tạo thuận lợi cho người dân, các cơ sở khám, chữa bệnh vẫn tiếp nhận người bệnh đi khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT theo mẫu cũ đến hết ngày 30-6-2018. Trong trường hợp vì lý do khách quan, người dân chưa nhận được thẻ BHYT mới hoặc đã nhận được thẻ mới nhưng vẫn dùng thẻ cũ đi khám, chữa bệnh, cơ quan BHXH thành phố đã có văn bản hướng dẫn cụ thể gửi các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT để giải quyết, tiếp nhận khám, chữa bệnh nhằm bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT. (Nhân dân, trang TP.HCM)
Hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân
Theo số liệu thống kê của WHO, ít nhất một nửa số dân thế giới hiện nay không nhận được đầy đủ các dịch vụ y tế thiết yếu; khoảng 100 triệu người đang bị đẩy vào cảnh nghèo đói với thu nhập dưới 1,9 USD/ngày thậm chí thấp hơn do phải thanh toán các chi phí y tế; hơn 800 triệu người, chiếm gần 12% số dân thế giới, dành ít nhất 10% thu nhập gia đình cho các chi phí y tế.
Trong khi đó, chi phí toàn cầu cho ngành y tế đang có xu hướng gia tăng nhanh hơn tốc độ phát triển kinh tế. Trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2015, tốc độ tăng chi phí cho sức khỏe hằng năm là 4%, trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới chỉ có 2,8%. Năm 2015, thế giới chi 7,3 nghìn tỷ USD cho mục đích này, chiếm gần 10% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Tài chính công là nguồn chi chủ yếu để đạt được mức bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Tại các quốc gia có thu nhập cao, nguồn tài chính công trong chi phí y tế hiện nay đã tăng từ 66 đến 70%, trong khi ở các quốc gia có thu nhập trung bình tăng từ 48 đến 51%.
Như một phần của Mục tiêu phát triển bền vững đặt ra khi thông qua năm 2015, tất cả các quốc gia thành viên của Liên hợp quốc đã đồng thuận nỗ lực đạt được UHC vào năm 2030. Theo WHO, phổ biến chương trình UHC nghĩa là tất cả các cá nhân và cộng đồng đều nhận được các dịch vụ y tế cần thiết mà không gặp khó khăn về tài chính, trong đó bao gồm đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu, có chất lượng, từ nâng cao sức khỏe cho đến chăm sóc dự phòng, điều trị và phục hồi chức năng. Ngoài ra, người dân còn được hưởng tất cả những dịch vụ khác của hệ thống y tế như hệ thống cung cấp dịch vụ y tế, các hệ thống thông tin, các công nghệ y tế, mạng lưới liên lạc và thiết bị y tế, các cơ chế bảo đảm chất lượng, quản lý và đúng luật pháp. UHC còn hướng tới mục tiêu xa hơn là sự công bằng, hòa nhập và gắn kết xã hội.
Tổng Giám đốc WHO Tiến sĩ A.Ghê-bri-ê-xút khẳng định: "Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân là một sự lựa chọn chính trị, cần có tầm nhìn và tư duy dài hạn. Trách nhiệm của mỗi quốc gia và chính phủ quốc gia là theo đuổi nó". Hiện nay, một số quốc gia đã có những thành quả bước đầu hướng tới UHC, nhưng nhiều nước vẫn phải đối mặt với khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu nâng cao sức khỏe của người dân và chi phí dịch vụ y tế gia tăng. Để thực hiện được mục tiêu của UHC, các quốc gia phải cơ cấu tài chính vững chắc. Đồng thời, cần đưa ra các giải pháp đồng bộ thông qua cải thiện và phát triển dịch vụ y tế, nhân lực, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe, quản lý hệ thống mua sắm và cung cấp thuốc, công nghệ y tế và hệ thống thông tin y tế.
Theo WHO, mỗi quốc gia nên tập trung vào các lĩnh vực và phát triển các phương pháp riêng hướng tới UHC bởi tình hình kinh tế, chính trị và xã hội mỗi nước khác nhau. Để hỗ trợ các nước thành viên, WHO cùng Ngân hàng Thế giới (WB) đã phát triển một khuôn khổ để theo dõi tiến độ của UHC, mở rộng phạm vi bao phủ y tế toàn dân và bảo vệ tài chính.
Một trong những nguyên tắc cơ bản và cũng là thông điệp truyền đi năm nay của WHO trong Ngày Sức khỏe thế giới là mỗi con người, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, tín ngưỡng chính trị, hoặc điều kiện kinh tế - xã hội đều có quyền cơ bản được hưởng tiêu chuẩn tốt nhất về sức khỏe. Tất cả các quốc gia cần nỗ lực nhiều hơn để cải thiện sức khỏe người dân và khắc phục đói nghèo, bằng cách tăng phạm vi bao phủ của các dịch vụ y tế, tạo cơ sở cho sự phát triển kinh tế lâu dài. (Nhân dân, trang 4)
Khuyến khích bệnh viện tư nhân tham gia vào khám chữa bệnh BHYT
Ngày 12-4, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chủ trì buổi đối thoại giữa Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam với Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Trong buổi đối thoại này, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Phạm Lương Sơn khẳng định, việc khuyến khích bệnh viện tư nhân tham gia vào khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) là chủ trương chung của BHXH Việt Nam từ nhiều năm nay, nhằm mục đích mở rộng thị trường khám chữa bệnh lựa chọn cho người dân và tạo ra một đối trọng với khối y tế công lập để không tạo nên sự độc quyền.
Nội dung này cũng đã giải đáp ý kiến của Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam về hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT do cơ quan BHXH soạn không thống nhất với Thông tư 41/2011/TT-BYT của Bộ Y tế về hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Theo cơ quan chức năng, năm 2015 mới chỉ có hơn 200 cơ sở khám chữa bệnh y tế tư nhân tham gia khám chữa bệnh BHYT, đến năm 2016 là gần 400 và năm 2017, 2018 là trên 600 cơ sở. Hầu hết các cơ sở y tế tư nhân thực hiện rất tốt, nghiêm túc, đúng với mục tiêu đặt ra là tạo nên một sự lựa chọn thuận lợi cho người bệnh khi đi khám chữa bệnh BHYT. Tuy nhiên, còn có một số ít chưa thực hiện một cách đúng đắn những quy định pháp luật.
Ông Phạm Lương Sơn khẳng định cơ quan BHXH đã tuân thủ mẫu hợp đồng khám chữa bệnh của Thông tư 41. Mặt khác, trong Thông tư cũng có điều khoản là hai bên phải thương thảo với nhau để bổ sung những điều khoản hợp đồng phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, đặc thù của các cơ sở khám chữa bệnh.
Cũng tại buổi đối thoại này, Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam đã đưa ra 10 kiến nghị liên quan đến nội dung hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT có điều khoản, nội dung thỏa thuận không đúng và không đủ theo quy định của pháp luật, gây bất lợi cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân khi có tranh chấp xảy ra; việc phân tuyến chuyên môn kỹ thuật và xếp hạng tương đương đối với cơ sở khám chữa bệnh tư nhân để các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân có đủ điều kiện ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT lần đầu năm 2018; một số cơ sở khám chữa bệnh BHYT tư nhân bị BHXH tạm ngừng hợp đồng tùy tiện, không tuân thủ các quy định của Luật BHYT...
Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam cũng kiến nghị về việc nhiều tỉnh thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh và tạm ứng cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT tư nhân chưa kịp thời; việc không thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT trong các ngày nghỉ, ngày lễ, thứ 7 và Chủ nhật mặc dù cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã thực hiện thông báo theo đúng quy định của pháp luật hiện hành; việc áp dụng định mức kinh tế kỹ thuật, trần khám, điều trị theo bệnh nhân, theo ngày, theo số lượng cán bộ, nhân viên y tế, giường bệnh trong thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
Cùng với đó là kiến nghị liên quan đến chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh; việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở tuyến dưới thực hiện được kỹ thuật khám chữa bệnh của tuyến trên; chính sách khuyến thích đầu tư y tế tư nhân; hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người nghèo.
Một nội dung được đưa ra trong buổi đối thoại chính là vụ việc xảy ra tại Phòng khám đa khoa Tâm Đức (Bình Phước) trong thời gian qua gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận xã hội.
Kết luận nội dung đối thoại giữa Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam và đại diện Chủ sở hữu Công ty TNHH một thành viên Phòng khám đa khoa Tâm Đức, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị sửa đổi điều khoản hợp đồng theo hướng hai bên cam kết thực hiện đúng các điều khoản trong hợp đồng và các quy định của pháp luật về khám chữa bệnh BHYT. Mỗi bên có quyền đơn phương tạm dừng hợp đồng và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét xử lý sai phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật về khám chữa bệnh BHYT, thay vì quy định chỉ có BHXH mới được đơn phương chấm dứt hợp đồng. Ông Phạm Lương Sơn khẳng định rằng, ngày 13-4, BHXH Việt Nam sẽ có văn bản chỉ đạo BHXH các địa phương điều chỉnh vấn đề này.
Về kiến nghị của Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam liên quan đến chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam Nguyễn Thị Xuyên thống nhất cho rằng các nước đều cấp chứng chỉ hành nghề cho bác sỹ và các quy định pháp luật cũng đã nêu rõ cấp chứng chỉ cho đối tượng nào. Đây cũng là vấn đề liên quan đến quyền lợi người bệnh nên cần thiết phải có chứng chỉ hành nghề, vấn đề đặt ra là thủ tục để có được chứng chỉ này, nếu nhiêu khê, phức tạp, cần phải chấn chỉnh.
Trước ý kiến của Hiệp hội về Hiệp hội về chính sách khuyến thích đầu tư y tế tư nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, Chính phủ vẫn khuyến khích tư nhân đầu tư vào y tế, đặc biệt là ở phân khúc cao, nói chính sách nhà nước không quan tâm là không đúng. Tuy nhiên, tùy vào từng địa bàn mà có chính sách phù hợp, địa phương được quyền quyết định việc này... (Công an Nhân dân, trang 1)
4 học sinh qua cơn nguy kịch sau khi thách đố uống thuốc trừ sâu
Bốn học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Giàng Chu Phìn (H.Mèo Vạc) thách đố nhau uống thuốc trừ sâu, hiện đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe đang dần hồi phục.
Ngày 12.4, bác sĩ Tạ Tiến Mạnh, Giám đốc Bệnh viện đa khoa H.Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, cho biết: Bốn học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Giàng Chu Phìn (H.Mèo Vạc) thách đố nhau uống thuốc trừ sâu, hiện đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe đang dần hồi phục.
Trước đó, sau bữa cơm chiều 9.4, bốn học sinh gồm: Giàng Thị Sính, Vừ Thị Pà, Vừ Thị Chở, Vừ Thị Lía, đều là dân tộc Mông, học sinh lớp 5E, cùng nhau chơi đùa rồi thách đố nhau uống thuốc trừ sâu. Ngay sau khi xảy ra sự việc, nhà trường đã đưa các cháu đến Bệnh viện đa khoa H.Mèo Vạc cấp cứu.
Theo các bác sĩ tại bệnh viện, các học sinh nhập viện đều được cấp cứu, rửa ruột, điều trị kịp thời, trong đó một cháu nặng hơn phải thở máy. Qua 4 ngày điều trị, hiện sức khỏe các cháu đang dần hồi phục. (Thanh niên, trang 5)
Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 6: “Cấp cứu kịp thời 4 học sinh “đố” nhau uống thuốc trừ sâu”