Nghiên cứu thành công vắc-xin phòng ho gà cho phụ nữ có thai
Công trình nghiên cứu “Vắc-xin ho gà trên phụ nữ có thai tại Việt Nam: kết quả của một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên" đã đưa ra các bằng chứng khoa học cho thấy sự an toàn, giảm nguy cơ nhiễm bệnh ở trẻ nhỏ. Kết quả của đề tài góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng chẩn đoán, giám sát dịch bệnh trong quá trình nghiên cứu bệnh lâu dài. Công trình được đề cử cho giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017.
Đánh giá từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho thấy, ho gà là bệnh truyền nhiễm ở đường hô hấp và là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ em. Hằng năm ước tính trên toàn thế giới có khoảng 50 triệu người mắc ho gà, trong đó 95% số trường hợp mắc bệnh ở các nước đang phát triển và có khoảng 300 nghìn người chết. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh ho gà tiếp tục tăng ở những trẻ còn quá nhỏ, chưa đủ tuổi để được tiêm chủng vào lúc hai tháng tuổi hoặc được tiêm chủng đầy đủ ba liều vắc-xin cơ bản phòng bệnh ho gà. Điều đáng lo ngại là phần lớn các trường hợp mắc ho gà nặng và tử vong xảy ra ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ là đối tượng chưa được tiêm phòng. Theo Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương GS, TS Đặng Đức Anh, đây là công trình nghiên cứu khoa học đầu tiên ở Việt Nam, áp dụng việc tiêm vắc-xin phòng bệnh ho gà - bạch hầu - uốn ván cho phụ nữ có thai tại thời điểm 18 đến 36 tuần tuổi thai với mục đích tăng cường miễn dịch, chủ động phòng bệnh ho gà từ mẹ truyền cho con, bảo vệ trẻ ngay từ lúc sinh và trong giai đoạn hai tháng tuổi trước khi trẻ bắt đầu được tiêm vắc-xin phòng bệnh. Các chuyên gia cho rằng, đây là nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam mô tả sự đáp ứng kháng thể bà mẹ và trẻ sinh ra đã tiêm phòng vắc-xin ho gà vô bào của các hãng khác nhau. Sự ảnh hưởng của việc sử dụng các kháng nguyên khác nhau trong công thức sản xuất vắc-xin về độ chuẩn, cũng như tác động ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch của trẻ cần được tiếp tục nghiên cứu so sánh trong tương lai. Nhất là nghiên cứu này đưa ra các bằng chứng khoa học chứng minh tiêm phòng vắc-xin ho gà cho phụ nữ có thai là an toàn và có thể sử dụng để giảm nguy cơ nhiễm bệnh ho gà ở trẻ nhỏ. Đây cũng chính là tiền đề để thực hiện các nghiên cứu tiếp theo trong việc đánh giá ảnh hưởng của nồng độ kháng thể mẹ đối với trẻ tiêm phòng vắc-xin ho gà toàn tế bào; nghiên cứu so sánh các loại vắc-xin thương hiệu khác nhau cho bà mẹ trong thời kỳ mang thai có thể làm sáng tỏ sự khác biệt về chất lượng và số lượng giữa các kháng thể do bà mẹ sinh ra.
PGS, TS Hoàng Thị Thu Hà, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, công trình nghiên cứu mang lại các kết quả có ý nghĩa khoa học, đã đánh giá được tính an toàn của vắc-xin phòng ho gà - bạch hầu - uốn ván (là loại vắc-xin hấp phụ, giải độc tố uốn ván, giải độc tố bạch hầu giảm liều và ho gà vô bào) trên phụ nữ có thai tại Việt Nam. Đây là bằng chứng góp phần khuyến cáo sử dụng vắc-xin này cho phụ nữ có thai nhằm phòng bệnh ho gà - bạch hầu - uốn ván, với một liều duy nhất. Công trình cũng đã đáp ứng kháng thể ho gà ở máu bà mẹ và cuống rốn sau khi tiêm phòng vắc-xin ở thời kỳ mang thai. Sau khi tiêm vắc-xin đáp ứng miễn dịch tốt, nồng độ kháng thể kháng ho gà, bạch hầu, uốn ván ở các bà mẹ đều tăng cao so với trước khi tiêm. Đồng thời, nồng độ kháng thể ở máu cuống rốn cao hơn rõ rệt ở nhóm trẻ là con của những phụ nữ được tiêm vắc-xin phòng bệnh khi mang thai, chứng minh khả năng bảo vệ trẻ ở giai đoạn khi mới sinh và trước khi tiêm mũi vắc-xin phòng bệnh ho gà đầu tiên theo lịch của chương trình Tiêm chủng quốc gia. Thông qua đó, đánh giá được việc tiêm phòng đủ ba mũi theo lịch của chương trình Tiêm chủng quốc gia đã bảo đảm hiệu quả phòng bệnh ho gà ở trẻ sau tiêm. Nghiên cứu cũng chỉ ra được sự tương tác khi tiêm nhiều kháng nguyên và ảnh hưởng của kháng thể do mẹ truyền đối với đáp ứng vắc-xin bạch hầu và uốn ván.
Kết quả nghiên cứu của đề tài đã mở ra các hướng nghiên cứu khác, không chỉ tập trung ở bệnh ho gà mà còn cung cấp các thông tin về mức tồn lưu kháng thể kháng bạch hầu ở các phụ nữ Việt Nam là thấp, không đủ khả năng phòng bệnh. Thêm nữa, với các kết quả nghiên cứu, nhất là ở khía cạnh chẩn đoán huyết thanh học và dịch tễ học, đề tài sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng chẩn đoán, giám sát dịch bệnh trong quá trình nghiên cứu bệnh lâu dài, đồng thời nâng cao chất lượng phòng và ngăn ngừa bệnh lây lan trong cộng đồng, là một trong những mục tiêu then chốt của ngành y tế. Ngoài ra, việc nâng cao năng lực chuyên môn, hợp tác nghiên cứu khoa học của cán bộ nghiên cứu ở Việt Nam cũng là một trong những thành quả mà đề tài đã thu được. (Nhân dân, trang 5)
Thuốc sản xuất trong nước đáp ứng 50% nhu cầu khám chữa bệnh
Sáng 12-5, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tổng kết giai đoạn một và phát động triển khai giai đoạn hai của Đề án Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam. Đề án nhằm mục tiêu tăng tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất tại Việt Nam có chất lượng tại các cơ sở y tế và trong cộng đồng, thúc đẩy ngành sản xuất, kinh doanh dược Việt Nam phát triển, tăng cả về số lượng, chất lượng, đáp ứng cơ bản nhu cầu thuốc phòng bệnh, chữa bệnh trong nước, tiến tới xuất khẩu ra các nước trong khu vực và trên thế giới.
Sau bốn năm thực hiện giai đoạn một của dự án, Đề án đã thu được những thành quả đáng khích lệ. Tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện đã tăng lên so với trước đây.
Tại tuyến tỉnh, trước khi thực hiện đề án, tỷ lệ sử dụng thuốc trong nước là 33,9% nay đã tăng lên 35,4%; tỷ lệ tương ứng ở tuyến huyện là 61,5% và 69,4%. Có những địa phương đã vượt mục tiêu đề án khi có tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại tuyến huyện lên đến 80%, tuyến tỉnh trên 60% như tỉnh Ninh Thuận, Phú Yên, Lai Châu, Lâm Đồng, Long An.
Theo Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường, ngành dược đã có những bước phát triển đáng kể. Sản xuất trong nước đã đáp ứng khoảng 50% nhu cầu thuốc cho công tác phòng và chữa bệnh cho nhân dân; cung cấp 10/12 loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Thuốc sản xuất trong nước thuộc 27 nhóm tác dụng dược lý theo phân loại của Tổ chức y tế thế giới với 520 hoạt chất trên tổng số 953 hoạt chất hiện đang lưu hành trên thị trường.
Các nhà máy dược phẩm đã cố gắng đầu tư thiết bị máy móc hiện đại tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực cao cùng với thiết lập đồng bộ hệ thống quản lý chất lượng để có thể sản xuất được cả nguyên liệu kháng sinh, vắc xin, sinh phẩm và các dạng bào chế công nghệ cao.
Chất lượng thuốc ngày càng được nâng cao, hình thức không thua kém thuốc ngoại nhập trong khi giá thành rẻ hơn so với thuốc ngoại nhập cùng loại.
Theo báo cáo của Cục Quản lý Dược, tính đến năm 2015, đã có 163 nhà máy sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP của Tổ chức y tế thế giới, một số nhà máy đi đầu đầu tư đã đạt tiêu chuẩn của các nước nước tiên tiến như EU, Nhật Bản, PICS…
Đánh giá về những khó khăn của thuốc nội tại thị trường nội địa, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho rằng, trở lại lớn nhất đó là quyết định kê đơn của bác sĩ cũng như ý thức sính thuốc ngoại của người bệnh. Thứ trưởng cũng cho rằng, các cơ quan truyền thông chưa vào cuộc tích cực để truyền thông cho công tác này.
Vì thế, bước sang giai đoạn hai, Thứ trưởng Trương Quốc Cường khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông đến bác sĩ để giúp tăng cường kê đơn thuốc nội. Các doanh nghiệp cũng cần phải tăng cường sự đầu tư cho mẫu mã và cải tiến chất lượng. Công tác thanh kiểm tra cũng sẽ được thực hiện nghiêm túc để xử lý nghiêm những sai phạm trong sản xuất và cung ứng thuốc không bảo đảm chất lượng.
Mục tiêu giai đoạn 2 của Đề án đặt ra đến năm 2020, tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước chiếm 30% ở tuyến Trung ương, 50% ở tuyến tỉnh và 75% ở tuyến huyện. (Nhân dân, trang 5)
Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới trang 7: “Nâng tỷ lệ sử dụng thuốc nội tại các bệnh viện tuyến trung ương lên 30% vào năm 2020”
Cứu sống bệnh nhân đầu tiên ở Việt Nam bị u não cực hiếm gặp
Sau 5 tháng ròng rã kiên trì “chiến đấu” với căn bệnh, các bác sĩ của Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã vừa cứu sống một nữ bệnh nhân 18 tuổi bị viêm não tự miễn do kháng thể kháng thụ thể NMDA rất hiếm gặp. Đây không chỉ là niềm hạnh phúc của bệnh nhân và gia đình cô, mà còn là thành công của những người thầy thuốc tận tụy ở BV này.
Bệnh nhân là N.P.A (ở Thanh Hóa) được chuyển tới BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương từ tháng 1-2017 trong tình trạng đờ đẫn, không tiếp xúc, có cơn xoắn vặn, nhai, đảo lưỡi, rối loạn nhịp thở, rung giật nhãn cầu, tăng huyết áp.
Trước đó một tuần, bệnh nhân có các dấu hiệu lo lắng, đau đầu nhiều, sốt cao liên tục và khó tiếp xúc. Sau 5 ngày điều trị tại nhà không đỡ, bệnh nhân được đưa đến BV Bạch Mai và được các bác sĩ chẩn đoán bị viêm não nên chuyển sang BV Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Ngày 10-5, sau khi đã tiễn bệnh nhân ra viện, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp –Phó trưởng Khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương và là người trực tiếp điều trị ca bệnh này chia sẻ: Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã điều trị bệnh nhân theo hướng viêm não herpes. Nhưng hình ảnh siêu âm ổ bụng cho thấy một khối u quái bì buồng trứng khiến chúng tôi nghĩ đến căn bệnh viêm não do kháng thể NMDA.
Nhưng với uy tín trong quá trình hợp tác nghiên cứu của các thầy thuốc ở BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Oucru đã xét nghiệm miễn phí cho ca bệnh này. Kết quả mẫu bệnh phẩm do Oucru tiến hành dương tính với thể viêm não do kháng thể NMDA.
Lúc này, các bác sĩ lại đối mặt với những khó khăn mới. Bởi bệnh viêm não do kháng thể NMDA là bệnh mới được phát hiện trên thế giới từ 2007. Ở Việt Nam chưa có nên hoàn toàn trống về kinh nghiệm điều trị khi tiếp nhận ca bệnh đầu tiên này. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, nếu không được điều trị, bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao vì rối loạn nhịp tim, nhịp thở. Những trường hợp nhẹ cũng sẽ rối loạn tri giác, mất khả năng nhận thức và trí nhớ, giao tiếp.
“Nếu không chẩn đoán, xử trí khối u thì không điều trị được. Các bác sĩ đã quyết định cắt bỏ u quái bì buồng trứng và điều trị corticoid liều cao. Nếu chẩn đoán được, cắt u thì điều trị dễ dàng hơn nhiều nhưng phải kiên trì vì nhiều tháng sau mới hồi phục” - bác sĩ Nguyễn Trung Cấp chia sẻ.
Việc chẩn đoán, xác định đúng bệnh đã khó, nhưng quá trình điều trị cho ca bệnh này còn gặp vô vàn khó khăn do kinh nghiệm chưa có, thời gian lại kéo dài. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp phải tham khảo các phác đồ điều trị, các nghiên cứu đã có của các đồng nghiệp nước ngoài, nhưng vì là bệnh mới nên những tài liệu đó cũng rất ít. Vì thế, dường như những kinh nghiệm của bao nhiêu năm trong nghề được anh vận dụng tối đa để chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân này.
Sự nỗ lực của các thầy thuốc đã được đền bù khi sau 5 tháng điều trị, bệnh nhân đã hoàn toàn hồi phục, thoát khỏi các dấu hiệu của bệnh viêm não. Đặc biệt, bệnh nhân đã tự đi lại, tự ngồi và tự ăn uống được, khả năng nói đã được cải thiện. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho biết, thời gian tới, với diễn biến sức khỏe đã có thì tới đây, tình trạng của bệnh nhân sẽ ngày càng tốt hơn.
Việc điều trị thành công ca bệnh đầu tiên này ở Bệnh viên Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã không chỉ khẳng định trình độ chuyên môn của các bác sĩ, mà còn cho thấy một bệnh lý mới cùng phương pháp điều trị giúp mang lại cơ hội sống cho nhiều người bệnh. Trước đây, nếu viêm não không tìm được căn nguyên thì chỉ điều trị hỗ trợ, và trong trường hợp viêm não do kháng thể kháng NMDA thì bệnh nhân sẽ tử vong.
Còn bây giờ, các bác sĩ ở các tuyến sẽ được khuyến cáo với những trường hợp tương tự nên thử tìm các khối u buồng trứng, tinh hoàn. Nếu bị viêm não do kháng thể kháng NMDA thì cắt u và điều trị corticoid, bệnh nhân sẽ có cơ hội khỏi hoàn toàn. Việc sàng lọc có thể phát hiện nhờ siêu âm, CT hoặc MRI ngực, ổ bụng. Phụ nữ cần được siêu âm kiểm tra kỹ buồng trứng và nam giới nên được siêu âm tinh hoàn. (Công an Nhân dân, trang 6)
Việt Nam sản xuất vaccine sởi-rubella, chấm dứt cảnh thiếu hụt vaccine
Với 2,5 triệu liều vaccine phối hợp sởi-rubella do Trung tâm Nghiên cứu sản xuất Vắc-xin và sinh phẩm y tế (POLYVAC) sản xuất chính thức đưa ra thị trường bắt đầu tháng 6-2017, Việt Nam sẽ hoàn toàn sử dụng vaccine sởi-rubella nội thay cho việc nhập khẩu lâu nay.
Việc Bộ Y tế vừa cấp giấy phép lưu hành vaccine sởi-rubella do POLYVAC) sản xuất là một dấu mốc quan trọng trong lĩnh vực sản xuất vaccine và y tế dự phòng, khi sẽ chấm dứt cảnh thiếu hụt vaccine do thủ tục nhập khẩu, hay do khan hiếm từ nhà sản xuất, mà giá lại rẻ bằng 50% vaccine nhập.
Hiện Việt Nam đã trở thành nước thứ 4 tại châu Á sản xuất được vaccine sởi-rubella, cùng với Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc và là một trong 25 quốc gia sản xuất được vaccine trên thế giới. Đây là một quá trình mang tầm nhìn chiến lược của Việt Nam trong vấn đề đối phó với dịch bệnh một cách bền vững.
Ông Nguyễn Đăng Hiền - Giám đốc POLYVAC cho biết: Trước tình hình bệnh rubella thường xuyên xảy ra tại Vệt Nam, nhất là nguy cơ đối với các bà mẹ mang thai khi bị nhiễm rubella có thể gây dị tật bẩm sinh cho trẻ như bệnh tim, điếc, não úng thủy, thai lưu vv…năm 2013, Bộ Y tế đã giao cho POLYVAC nhiệm vụ nghiên cứu sản xuất thành công vaccine phối hợp sởi –rubella.
Với sự hỗ trợ của các chuyên gia Nhật Bản trong dự án “Tăng cường năng lực sản xuất vaccine phối hợp sởi -rubella” do JICA hỗ trợ, POLYVAC bắt tay vào nghiên cứu sản xuất. Dự án đã kéo dài trong gần 5 năm với tổng ngân sách khoảng 700 triệu yên Nhật, nhằm có được sản phẩm vaccine sởi – rubella đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Đến tháng 3-2016, vaccine phối hợp sởi – rubella do POLYVAC sản xuất đã được đưa vào thử nghiệm lâm sàng tại 2 tỉnh Hà Nam và Hòa Bình trên 756 người từ 1 - 45 tuổi.
Kết quả thử nghiệm cho thấy vaccine có tính an toàn và khả năng sinh miễn dịch phòng bệnh tốt, nên được Hội đồng đạo đức Bộ Y tế đánh giá cao và Cục Khoa học công nghệ - Đào tạo (Bộ Y tế) cấp giấy chứng nhận vào tháng 11-2016..
Việc tự sản xuất được vaccine trong nước giúp ngành y tế chủ động trong ngăn chặn dịch rất thiết thực, bảo vệ sức khỏe nhân dân, giảm ngân sách nhà nước do không phải phải nhập khẩu vaccine.
Nếu không có vaccine sản xuất trong nước, chỉ riêng chờ đợi thủ tục nhập khẩu vaccine cũng đã mất 6 tháng đến 1 năm, thậm chí, có loại vaccine khan hiếm do phải đặt trước nhà sản xuất mới có, thì hậu quả của dịch bệnh sẽ rất lớn.
Sau khi Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp Chứng nhận Hệ thống quản lý quốc gia về vaccine (NRA), việc chính thức đưa vaccine sởi – rubella do Việt Nam sản xuất vào sử dụng đã cho thấy tiềm năng của Việt Nam trong việc sản xuất vaccine phục vụ nhân dân, đồng thời mở ra cơ hội xuất khẩu vaccine trong bối cảnh dịch bệnh đang ngày càng có những diễn biến phức tạp. (Công an Nhân dân, trang 7)
Xuất hiện dịch bạch hầu gây chết người ở Quảng Nam
Sau một thời gian tạm lắng, dịch bạch hầu tại huyện miền núi Tây Giang (Quảng Nam) lại xuất hiện. Từ đầu năm đến nay, tại địa phương này đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong vì dịch bệnh này.
Liên tiếp xảy ra chết người
Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Y tế huyện Tây Giang ngày 23 và 24/4 Trung tâm đã tiếp nhận 3 trường hợp bệnh với các dấu hiệu: sốt, đau họng, khó nuốt, ăn uống hạn chế, có giả mạc họng và sưng hạch vùng cổ. Trong đó, bệnh nhân Zơrâm Mai Nhất Ba (7 tuổi, ở tại thôn Zrượt, xã Ch’ơm) đã tử vong với chẩn đoán bạch hầu. Cháu Ba phát bệnh 3 ngày với dấu hiệu sốt nhẹ, ho, nuốt đau. Ngày 23/4 bệnh nhân được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Tây Giang, qua thăm khám phát hiện nổi hạch vùng cổ, có giả mạc hầu, họng nghi do bạch hầu, được lấy mẫu xét nghiệm và chuyển lên Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc tỉnh Quảng Nam, sau đó bệnh nhân tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng. Đến ngày 30/4 thì bệnh nhân tử vong với chẩn đoán theo dõi bạch hầu họng, biến chứng viêm cơ tim nhiễm trùng, nhiễm độc nặng. Điều đáng nói, cháu bé đã được tiêm 3 mũi vắc xin Quinvaxem và 1 mũi DPT4 (phòng các bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván) khi 18 tháng tuổi.
Hai trường hợp Poloong Thị Đao và Poloong Thối (7 tuổi, cùng trú tại thôn ARoi, xã Gari) có các triệu chứng nghi do bạch hầu sau thời gian cách ly và điều trị kháng sinh Erythromycin tại Trung tâm Y tế huyện Tây Giang, tình trạng hiện nay đã ổn định, khỏi bệnh và được xuất viện. Cả 2 bệnh nhân này tiền sử tiêm chủng đều không rõ.
Trước đó, tháng 1/2017 tại huyện Tây Giang, dịch bệnh bùng phát và dẫn đến 2 trường hợp tử vong do bạch hầu. Cụ thể 10/1, Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã nhận được báo cáo về 2 trường hợp học sinh Trường THPT Tây Giang tử vong, nghi là dịch bạch hầu. Sau khi đoàn kiểm tra tiến hành lấy mẫu gửi vào Viện Pasteur Nha Trang, kết quả cho thấy đây là bệnh bạch hầu. Đoàn đã phát hiện được 5 ca mắc/nghi mắc bệnh và tiến hành điều trị. Trong đó, 3 ca đã được điều trị ổn định. Hai trường hợp đã tử vong gồm: Bling Boong (thôn A Un, xã A Vương) và Zơrâm Sáu (thôn A Rầng 1, xã A Xan). Trường hợp em Bling Boong là ca đầu tiên, khởi bệnh từ ngày 24/12/2016. Do trùng với thi học kỳ I và dịp nghỉ Tết dương lịch, đến ngày 4/1 bệnh trở nặng và được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Tây Giang trong tình trạng khó thở. Sau đó, bệnh nhân được đặt nội khí quản để chuyển viện nhưng không may tử vong trên đường đi. Còn đối với em Zơrâm Sáu, khởi bệnh từ ngày 2/1, đến ngày 7/1 thì được chuyển xuống Bệnh viện Hoàn Mỹ (Đà Nẵng), rồi Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, tử vong ngày 9/1. Đây là trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với vi khuẩn bạch hầu.
Bác sỹ Nguyễn Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tây Giang cho biết, sau khi xảy ra ổ dịch bạch hầu tại Trường THPT huyện, ngành y tế địa phương đã tiêm chủng cho người dân và triển khai các biện pháp khẩn cấp nhằm ngăn chặn dịch bệnh lan rộng.
Dịch bệnh bạch hầu đã ổn (?)
Theo ông Nguyễn Huy Thông, những bệnh nhân vừa mới phát hiện có liên quan đến bạch hầu là những đối tượng có thể lọt vào nhóm chưa được tiêm chủng đầy đủ trong quá khứ. Theo ông Thông, trước đây và hiện tại để tiêm chủng đủ 100% người dân rất khó. Hiện, Trung tâm y tế huyện đang tiến hành tiêm vét, với mục tiêu và quan điểm phải tiêm đầy đủ 100%, không bỏ sót đối tượng nào. Đến ngày 8/5, toàn huyện có gần 11.000 người dân đã được tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu (đạt tỉ lệ 91,5%). Toàn huyện còn khoảng 1.000 người chưa được tiêm chủng do vậy, Trung tâm đã phân công cán bộ phối hợp với y tế thôn, bản rà soát để tiêm phòng hết số lượng này.
Ông Trần Văn Hoàn, Phó giám đốc Phụ trách Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Quảng Nam, cho rằng hiện nay tình hình dịch bệnh bạch hầu tại huyện Tây Giang đến nay đã ổn vì qua 17 ngày không có ca bệnh mới nào phát sinh? Ngành y tế dự phòng đang triển khai tiêm vắc xin và cho uống vắc xin dự phòng tại hộ gia đình tại huyện Tây Giang, việc triển khai thực hiện tốt. Theo ông Hoàn, việc bùng phát dịch bệnh tại Tây Giang vừa qua cũng như tại huyện Phước Sơn vào năm 2015 là do việc tiêm chủng trước đây không đảm bảo. (Tiền phong, trang 10)
53 bệnh viện đã lắp đặt ki-ốt khảo sát mức độ không hài lòng
Sáng 11-5, Sở Y tế TPHCM cho biết hệ thống ki-ốt khảo sát mức độ không hài lòng của người bệnh đã được lắp đặt tại tất cả 53 bệnh viện, bao gồm 30 bệnh viện TP và 23 bệnh viện quận, huyện.
Sở Y tế TP cũng đã vận hành thử nghiệm giám sát từ xa tình hình không hài lòng của người bệnh khi đến khám chữa bệnh tại các bệnh viện công lập trên địa bàn TP.
Với hệ thống ki-ốt khảo sát này, bên cạnh việc thông tin khảo sát sẽ được phản ánh ngay đến Phòng Quản lý chất lượng và lãnh đạo bệnh viện, thông tin khảo sát của tất cả bệnh viện còn được liên thông đến Sở Y tế. Như vậy, hàng ngày và bất cứ thời điểm nào trong ngày Sở Y tế dễ dàng nắm bắt tình hình không hài lòng của người bệnh ở tất cả các bệnh viện.
Ban Giám đốc Sở Y tế đã giao cho Phòng Nghiệp vụ Y chịu trách nhiệm theo dõi tình hình không hài lòng của người bệnh tại các bệnh viện, qua theo dõi để kịp thời nhắc nhở các bệnh viện có kế hoạch cải tiến và căn cứ vào kết quả khảo sát Sở Y tế có kế hoạch kiểm tra, giám sát thực tế hoạt động cải tiến chất lượng phục vụ người bệnh tại những bệnh viện có phản ánh không hài lòng cao hoặc phản ánh tập trung vào 1 trong 15 câu hỏi khảo sát đã được Sở Y tế xây dựng.
Theo kế hoạch của Sở Y tế TPHCM, dự kiến sau một thời gian khoảng 3-6 tháng, Sở Y tế định kỳ sẽ công khai kết quả khảo sát không hài lòng của người bệnh khi đến khám chữa bệnh tại các bệnh viện để người dân biết và sẽ giới thiệu những bệnh viện có cách làm hay và hiệu quả về cải tiến chất lượng phục vụ dựa trên kết quả khảo sát. (Sài Gòn giải phóng, trang 3)
Sẽ có quy định về chuyển đổi giới tính
Ngày 12.5, tại hội thảo báo cáo đánh giá tác động chính sách của dự án luật Chuyển đổi giới tính do Tổ chức Người chuyển giới tổ chức, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho biết bộ này phối hợp với các bộ ngành liên quan đang xây dựng chính sách để bảo đảm quyền được sống đúng với giới tính cho những người có mong muốn chuyển đổi giới tính.
Sáng nay 24.11, Quốc hội đã thông qua điều khoản quy định về việc chuyển đổi giới tính trong Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Bộ luật có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2017.
Theo đó, sẽ cho phép chuyển giới đối với trường hợp đã sử dụng hormone hoặc đã can thiệp ngoại khoa như phẫu thuật ngực hoặc cơ quan sinh dục. Với các trường hợp không có can thiệp y tế, không điều trị về hormone, không điều trị về ngoại khoa sẽ không công nhận.
Quy định này đề phòng trường hợp về tâm lý chưa thật sẵn sàng hoặc trường hợp trốn tránh trách nhiệm về pháp lý. Dự luật cũng quy định, chuyển giới chỉ được thực hiện từ 18 tuổi trở lên để người chuyển giới chịu trách nhiệm hành vi dân sự của mình.
Ngoài ra, người được công nhận chuyển đổi giới tính phải qua xác nhận của các cơ sở khám chữa bệnh (không phân biệt công hay tư); hormone sử dụng phải được bác sĩ khám, kê đơn và theo dõi.
Hiện cả nước ước có khoảng 270.000 - 300.000 người có nhu cầu chuyển đổi giới tính. Ông Quang cho biết sớm nhất thì đến năm 2019 dự luật này có thể được thông qua. (Thanh niên, trang 3)
60 công nhân ngộ độc sau bữa ăn trưa tại công ty
Chiều 12.5, bác sĩ (BS) Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa nhiễm - Bệnh viện đa khoa tỉnh Long An cho biết, hàng chục công nhân có dấu hiệu ngộ độc thức ăn đang được tập thể bác sĩ xét nghiệm, truyền nước và theo dõi để có hướng xử lý kịp thời.
Trước đó, khoảng 14 giờ 30 cùng ngày, hàng loạt công nhân của Công ty TNHH TEXRAY (tọa lạc đường số 1, Cụm công nghiệp Lợi Bình Nhơn, X.Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An, tỉnh Long An) đang làm việc có dấu hiệu chóng mặt, cảm giác buồn nôn. Sau đó, một số người đau, co rút ở khu vực bụng và đi tiểu tiện nhiều lần rồi ngồi gục xuống tại chỗ.
Phát hiện công nhân bị ngộ độc, công ty đã đưa xe chở các công nhân đến Bệnh viện đa khoa Long An cấp cứu; nhiều công nhân khác cũng thuê taxi đưa đồng nghiệp bị nặng nhập viện.
Đến 15 giờ, có 60 công nhân được đưa vào khoa nhiễm theo dõi. Qua kiểm tra bước đầu, các BS chẩn đoán đây là những trường hợp nghi ngộ độc thức ăn.
Chị T.T.H (34 tuổi), ngụ TP.Tân An, công nhân Công ty TNHH TEXRAY cho biết, bữa trưa có cơm canh và thịt kho. Khi vừa ăn xong, nhiều công nhân cảm thấy khó thở và liên tục nôn ói. (Thanh niên, trang 5)
Cùng chủ đề Báo Nhân dân trang 5: “60 công nhân nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm”
Bệnh nhân nhỏ tuổi nhất được ghép tim đã xuất viện
Sau 2 tháng thực hiện ca ghép tim tại Khoa Tim mạch - Lồng ngực (Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức), ngày 12-5, bé Nguyễn Thành Đạt (10 tuổi, ở Sơn Tây, Hà Nội) đã được xuất viện. Đây là ca ghép tim cho bệnh nhân nhỏ tuổi nhất tại Việt Nam được tiến hành với nguồn tạng từ người lớn.
Chia sẻ về khó khăn đối với ca ghép đặc biệt này, PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng Khoa Tim mạch - Lồng ngực (Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức) cho biết: Quả tim của người cho có trọng lượng lớn hơn 2,7 lần so với tim của cháu Đạt. Vì vậy, nhóm bác sĩ tham gia phẫu thuật đã phải đo đạc, tính toán kỹ lưỡng. Khi tiến hành phẫu thuật, diễn biến ca mổ khó khăn và kéo dài gần gấp đôi so với những ca bình thường. Sau khi ghép, các bác sĩ đã nỗ lực hồi sức để đối phó với khả năng xẹp phổi, phù phổi của bệnh nhi, và cuối cùng ca ghép đã thành công.
Ngoài ra, khó khăn khác nữa là chi phí cho ca ghép lên đến hàng tỷ đồng trong khi gia đình cháu bé chỉ lo được 1/5 số tiền đó, khoản còn lại không biết trông chờ vào đâu. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn quyết tâm thực hiện ca ghép. “Vào thời điểm đó, việc ghép tim cho cháu được tính bằng giờ, bằng phút, không thể chờ đợi. Bởi chỉ cần chậm trễ thì tính mạng cháu sẽ bị đe dọa. May mắn là sau đó, gia đình cháu bé đã nhận được sự giúp đỡ của những người hảo tâm”, PGS.TS Nguyễn Hữu Ước nói.
Trước đó, như Báo Hànộimới điện tử đã đưa tin, ca ghép tim cho bệnh nhân nhỏ tuổi được thực hiện vào ngày 15-3. Gia đình của một bệnh nhân chết não đã quyết định hiến tặng tạng của người này và các bác sĩ Bệnh viện Việt - Đức đã tiến hành lấy thận, gan và tim để ghép cho 4 người bệnh, trong đó có em bé 10 tuổi kể trên. (Hà Nội mới, trang 7)
Cùng chủ đề Báo Nhân dân trang 5: “Ghép tim thành công cho cháu bé 10 tuổi”; Tuổi trẻ trang 4: “Cậu bé nhỏ tuổi nhất được ghép tim ra viện”