Cả nước đã có hơn 34 nghìn trường hợp mắc sốt xuất huyết
Ngày 12-6, ông Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Trong tuần vừa qua, cả nước đã phát hiện 1.705 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó có một người tử vong tại Lâm Đồng.
So với tuần trước là 1.766 người mắc, thì số mắc SXH tuần này giảm 3,5%. Tính từ đầu năm đến hết tuần vừa qua, cả nước đã phát hiện 34.317 trường hợp mắc SXH, có 10 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ 2016, số mắc giảm 3,1%, số tử vong tăng 1 trường hợp.
Ông Phu cho biết thêm, tuần qua, số trường hợp mắc SXH vẫn tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam, chiếm tới 66,8% số mắc cả nước và tăng cao tại khu vực miền Bắc, tới 189,6% so với cùng kỳ năm 2016. Một số địa phương có số mắc tăng cao so với năm 2016 là Hà Nội (188%), Quảng Nam (178%), ĐàNẵng (112%), Trà Vinh (80%), Quảng Ngãi (67%) và Cà Mau (44%). (Công an Nhân dân, trang 1)
Việt Nam lần đầu đăng cai sự kiện Ngày quốc tế người hiến máu
Ngày 12-6, tại Hà Nội, Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện phối hợp với Viện Huyết học và Truyền máu trung ương họp báo giới thiệu về lễ tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc và hưởng ứng Ngày quốc tế người hiến máu 14-6.
Ông Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu trung ương cho biết, đây là năm đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức sự kiện toàn cầu Ngày quốc tế người hiến máu.
Thông điệp mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra năm nay là “Hiến máu cứu người - xin hiến thường xuyên”, nhằm kêu gọi cộng đồng thường xuyên hiến máu và sẵn sàng hiến máu trong những trường hợp khẩn cấp. Hưởng ứng Ngày quốc tế người hiến máu, từ ngày 11 đến 14-6 đã diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa, trong đó nổi bật nhất là “Lễ tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc và sự kiện toàn cầu kỷ niệm Ngày quốc tế người hiến máu” được tổ chức vào ngày 14-6. (Hà nội mới, trang 3; An ninh Thủ đô, trang 2)
Bốn trẻ ở Cao Bằng nhập viện nghi bị viêm não
Theo tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng, chiều 12-6, tại đây đang cấp cứu và điều trị cho 4 cháu bé dân tộc Mông ở độ tuổi từ 4 đến 10 tuổi trong tình trạng đau đầu, nôn nhiều, sốt cao, mắt lờ đờ, co giật. Trước đó, một cháu đã tử vong tại nhà.
Được biết, cả 5 cháu bé là họ hàng, trú tại huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng. Vào chiều 8-6, cả 5 cháu bé hái quả vải ở vườn ăn. Đến tối cùng ngày, các cháu đều có biểu hiện buồn nôn, mệt mỏi, đau đầu nhưng gia đình chủ quan. Trưa 9-6, cháu Lý Văn V. (12 tuổi) đột ngột tử vong nên những gia đình còn lại mới đưa con đến Bệnh viện Đa khoa huyện cấp cứu, sau đó được chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Hiện, 2 trong số 4 cháu bé vẫn đang trong tình trạng rất nguy kịch, não vẫn phù nề, suy hô hấp, phải thở máy. Theo chẩn đoán từ biểu hiện triệu chứng của người bệnh, các bác sĩ nghi ngờ giống với bệnh lý viêm não, nhưng để khẳng định chắc chắn nguyên nhân phải chờ kết quả xét nghiệm.
* Tối 12-6, sau khi nhận được thông tin về sự việc, Bộ Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng tập trung cứu chữa cho các bệnh nhi còn lại. Hôm nay (13-6), một đoàn công tác của Bộ Y tế được cử xuống địa phương khảo sát, đánh giá tình hình. (Hà Nội mới, trang 3; Thanh niên, trang 2)
Một trẻ tử vong, bốn trẻ nguy kịch nghi do ngộ độc quả vải nhà trồng
Ngày 12-6, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng xác nhận, trên địa bàn tỉnh này vừa xảy ra vụ ngộ độc khiến 1 trẻ tử vong, 4 trẻ nhập viện trong tình trạng nguy kịch sau khi ăn quả vải nhà trồng.
Trao đổi với báo chí, bác sĩ Phương Đức Cù, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng xác nhận, ngày 9-6 vừa qua, có 4 trẻ được chuyển từ Bệnh viện huyện đến Bệnh viện này trong tình trạng nguy kịch. Hiện 4 bệnh nhi vẫn đang được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực và Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng.
Bác sĩ Hoàng Văn Kiền, Phó trưởng Khoa Hồi Sức Cấp cứu – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng cho biết thêm, 4 bệnh nhi đều là người dân tộc Mông, lúc nhập viện có dấu hiệu ngộ độc, nôn mửa, sốt cao. Trước đó, 1 trẻ đã tử vong tại nhà.
Người nhà bệnh nhân cho biết, ngày 8-6, 5 cháu bé đều ăn quả vải do nhà tự trồng, không phun thuốc trừ sâu. Gia đình bệnh nhi không xác định được số lượng vải mà các em ăn là bao nhiêu. Đến tối, các em có dấu hiệu đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi nhưng gia đình chỉ nghĩ bị cảm thông thường.
Đến chiều 9-6, em Lý Văn Vừ (12 tuổi) tử vong, 4 em còn lại có dấu hiệu bệnh nặng, gia đình mới đưa đi Bệnh viện huyện Thông Nông cấp cứu và sau đó được chuyển tiếp đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng cấp cứu.
Theo bác sĩ Kiền, trong số 4 bệnh nhân này hiện có 2 bệnh nhân rất nặng đang được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực là cháu Lý Thị Mái (9 tuổi) và cháu Lý Thị Hoa (10 tuổi). Hiện tại sức khỏe của 2 bệnh nhi này chưa có tiến triển gì, não vẫn phù nề, suy hô hấp và co giật.
Hai bệnh nhân còn lại là cháu Lý Văn Trường (7 tuổi) và Lý Văn Long (4 tuổi) đã dần hồi phục và hiện đang được điều trị tại Khoa Truyền nhiễm.
Trước thông tin cho rằng, ăn vải có phun thuốc nên dẫn đến ngộ độc. Bác sĩ Kiền cho biết, qua thông tin từ phía gia đình, vải các bệnh nhi ăn đều là vải tự trồng, không phun thuốc. (An ninh Thủ đô, trang 2)
Phẫu thuật thành công ca phình động mạch cảnh hiếm gặp
Ngày 11-6, PGS-TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật thần kinh BV Việt Đức, Hà Nội, cho biết bệnh viện vừa phẫu thuật thành công ca phình động mạch cảnh trong khổng lồ hiếm gặp trong y học.
PGS Hệ cho biết bệnh nhân là nam giới, tám tuổi, nhập viện ngày 3-6 trong tình trạng bị phình động mạch cảnh trong khổng lồ (kích thước 10 x 12 cm). Đây là một trường hợp hiếm gặp trong y học, tỉ lệ mắc khoảng 1%-2% trong cộng đồng (bình thường phình động mạch cảnh trong chỉ > 1,5 cm là lớn, > 2,5 cm là khổng lồ).
Phình động mạch cảnh là một loại dị dạng mạch được phát sinh do dị dạng của thành mạch máu, túi phình được hình thành do áp lực của dòng chảy. Đây là bệnh lý nguy hiểm nhưng triệu chứng thường rất mơ hồ.
Theo PGS Hệ, phình động mạch cảnh gây chảy máu dưới nhện, tụ máu trong nhu mô não, chảy máu trong não thất, thậm chí tụ máu dưới màng cứng và có thể gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng của bệnh nhân.
Ngoài ra, túi phình gây chèn ép các cấu trúc thần kinh mạch máu xung quanh.
Đối với bệnh nhân này, khối phình mạch đã chèn ép trực tiếp vào dây thần kinh thị giác khiến bệnh nhân bị mất thị lực hoàn toàn.
Ngoài khối phình mạch khổng lồ của động mạch cảnh trong, bệnh nhân còn có nhiều khối phình mạch trên cơ thể, phình mạch ở động mạch dưới đòn phải, ở động mạch thận trái, động mạch cánh tay phải… Nếu không được can thiệp kịp thời sẽ có nguy cơ tử vong cao.
Ngay sau đó, BV Việt Đức đã mời GS Kasumi Takizawa, Giám đốc Trung tâm Ngoại thần kinh BV Red Cross Asakikawa (Nhật Bản), chuyên gia hàng đầu về phẫu thuật mạch máu thần kinh, sang phẫu thuật.
Ngày 8-6, êkíp mổ sáu người do PGS-TS Đồng Văn Hệ, GS Kasumi Takizawa cùng các chuyên gia khác của BV Việt Đức đã phẫu thuật cho bệnh nhân.
Ca mổ đã thành công sau hơn 12 tiếng phẫu thuật. Sau mổ, bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực tại khoa Hồi tỉnh 3 BV Việt Đức. (Pháp luật TP.HCM ngày 12/6, trang 2)
Cứu sống bé 4 tuổi bị viêm cơ tim nặng
Các bác sĩ Khoa Nhi, BV Bạch Mai vừa cứu sống một bệnh nhi bị viêm cơ tim nặng có biến chứng rối loạn nhịp tim. Bệnh nhi là H.T.L (4 tuổi, ở Thanh Trì, Hà Nội) có tiền sử hoàn toàn khỏe mạnh, lúc 10h đêm ngày 2/6/2017 được BV Nông nghiệp chuyển tới Khoa Nhi, BV Bạch Mai trong tình trạng khó thở có suy hô hấp và có rối loạn nhịp tim (nhịp chậm và có nguy cơ ngừng tim)… Bệnh nhi được chuyển đến BV Bạch Mai trong tình trạng khó thở, mệt lả, nhịp tim chậm dần chỉ còn 40-50 lần/phút. Theo nhận định ban đầu của bác sĩ trực cấp cứu thì đó là biểu hiện suy tim, suy hô hấp. Tình trạng này diễn biến nhanh và có nguy cơ đe dọa tính mạng.
Là người trực tiếp điều trị cho bệnh nhi, ThS.BS Trương Văn Quý, Khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết: Trường hợp của bé .L là trường hợp viêm cơ tim nặng, khi vào viện trẻ đã có biểu hiện suy tim rất nặng và có rối loạn nhịp tim (nhịp chậm), nguy cơ ngừng tim rất cao. Cháu bé đã nhận được sự chăm sóc và điều trị kịp thời và bệnh nhi cũng đáp ứng rất tốt với những điều trị mà bác sĩ đưa ra nên trẻ hồi phục khá nhanh chóng… (Gia đình & Xã hội trang 7).