Kiểm soát chặt chẽ các bệnh lây truyền giữa động vật và người
Ngày 12-7, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị tăng cường công tác phối hợp một sức khỏe tại Việt Nam, theo Kế hoạch Chiến lược Một sức khỏe quốc gia phòng chống bệnh lây truyền giữa động vật và người (OHSP) giai đoạn 2016 - 2020. Đại biểu dự hội nghị đề nghị các bộ, ngành có liên quan kiểm soát chặt chẽ những bệnh lây truyền giữa động vật và người; đẩy mạnh phòng ngừa khẩn cấp đối với bệnh có nguồn gốc động vật xuất hiện trên người… Ngành y tế cần tiếp tục nâng cao năng lực xét nghiệm, chẩn đoán các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và mới nổi như: cúm gia cầm, dại, MERS-CoV...; xây dựng hệ thống dữ liệu y tế quốc gia nhằm quản lý tổng thể dữ liệu, giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm ca bệnh... (Nhân dân trang 5).
Hà Nội: Hơn 400 bệnh nhân đang điều trị sốt xuất huyết tại các cơ sở y tế
Ngày 12-7, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại hai quận Hoàng Mai và Đống Đa. Đây là những “điểm nóng” về sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố.
Theo Sở Y tế Hà Nội, tính từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã ghi nhận hơn 4.500 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm 2016). Hiện còn hơn 400 bệnh nhân vẫn điều trị tại các cơ sở y tế. Tại quận Đống Đa đã ghi nhận hơn 1.000 trường hợp mắc, trong đó có 1 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Tại quận Hoàng Mai đã có gần 900 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết.
Qua kiểm tra tại một số phường trên địa bàn hai quận cho thấy, có nơi đã tiến hành phun thuốc diệt muỗi đạt 90%; 10% còn lại do một số hộ dân đi vắng.
Sau khi trực tiếp đi kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý yêu cầu các quận, huyện vào cuộc tích cực hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Đặc biệt, cần quan tâm đến cộng tác viên cơ sở, vì đây là lực lượng đang đi từng ngõ, gõ từng nhà tuyên truyền, hướng dẫn người dân diệt bọ gậy.
Phó Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, để công tác phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả cần có sự tham gia từ mỗi cá nhân, từng gia đình đến cộng đồng; duy trì thường xuyên, triệt để việc tổng vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy. Nếu cá nhân hoặc tập thể vẫn cố tình không thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường, để phát sinh nhiều ổ bọ gậy, làm gia tăng dịch bệnh trên địa bàn thành phố cần xử phạt nghiêm.
Liên quan đến công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị số 13/CT-UBND yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch (Hà nội mới trang 1; Gia đình & Xã hội, trang 7).
Bệnh viện được thực hiện mang thai hộ
Bộ Y tế vừa ký quyết định công nhận Đơn vị Hỗ trợ sinh sản Mỹ Đức – Bệnh viện Mỹ Đức (TP.HCM) đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Đây cũng là bệnh viện y tế tư nhân đầu tiên trong cả nước được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Trước đây, cả nước chỉ có 3 cơ sở y tế công lập thực hiện kỹ thuật mang thai hộ gồm Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TP.HCM. Chi phí thực hiện tại bệnh viện này đúng như quy định của Bộ Y tế (Nông thôn ngày nay trang 2).
Không tiêm chủng, dịch bệnh sẽ bùng phát
Ngày 11/7, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã nhấn mạnh như vậy khi trả lời trước những thông tin thất thiệt lan truyền trên mạng xã hội về trào lưu chống tiêm vaccine (anti vaccine)…
Theo Cục Y tế dự phòng, tại Việt Nam thành công của công tác tiêm chủng mở rộng đã đem lại hiệu quả rõ rệt, làm thay đổi về cơ bản cơ cấu bệnh tật ở trẻ em. Cụ thể Việt Nam đã thanh toán bại liệt vào năm 2000, đạt mục tiêu loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005. Cục Y tế dự phòng cũng nêu rõ, người dân phải thấy rằng nguy cơ của các dịch bệnh trên vẫn tiềm ẩn… (Gia đình & Xã hội trang 7; Tuổi trẻ trang 9).