Hà Nội hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng/nhân viên y tế
Kỳ họp thứ 9 (chuyên đề) HĐND thành phố Hà Nội ngày 12/9 đã thông qua Nghị quyết về quy định mức hỗ trợ, động viên đối với công chức, viên chức, lao động hợp đồng lĩnh vực y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập trực thuộc thành phố.
Các mức hỗ trợ được đề xuất theo mức độ công việc và cho từng vị trí trực tiếp làm chuyên môn y tế và không trực tiếp làm chuyên môn y tế. Trong đó, mức 1 là 10.000.000 đồng/người; mức 2 là 7.000.000 đồng/người; mức 3 là 5.000.000 đồng. Kỳ họp cũng thông qua 4 nội dung: Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố Hà Nội; nghị quyết về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố; cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021- 2025, kế hoạch đầu tư công năm 2022 và định hướng kế hoạch đầu tư công năm 2023 của thành phố; phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của thành phố.
Các đại biểu cũng biểu quyết thông qua các nghị quyết khác, trong đó có quy định mức học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội năm học 2022- 2023 và quy định cơ chế hỗ trợ học phí đối với một số đối tượng trẻ em mầm non và học sinh phổ thông của thành phố Hà Nội năm học 2022- 2023… (Tiền phong, trang 4; Hà Nội mới, trang 3).
“Khát” điều dưỡng, hộ lý
Chưa lúc nào ngành Y tế lại “khát” điều dưỡng, hộ lý, kỹ thuật y như hiện nay. Họ như cánh tay nối dài của bác sĩ, nếu thiếu hộ ắt bác sĩ sẽ “bó tay” và việc chăm sóc sức khỏe cho người bệnh vì thế cũng gặp nhiều khó khăn (chi tiết xem báo Tuổi trẻ, trang 2).
Vì sao nhiều trẻ mắc sốt xuất huyết 2-3 lần?
Hiện nhiều trẻ tại TP. HCM mắc sốt xuất huyết đến lần 2-3, tuy nhiên nhiều cha mẹ chủ quan cho rằng trẻ chỉ bị sốt xuất huyết 1 lần dẫn đến nhầm lẫn với các bệnh như COVID-19, cảm cúm thông thường (chi tiết xem báo Tuổi trẻ, trang 13).
TP.HCM: Hết 2 loại vắc xin trong tiêm chủng mở rộng
Viện Pasteur TP.HCM thông báo, kho vắc xin của Viện đã hết các loại vắc xin sởi và DPT.
Ngày 12.9, tin từ Sở Y tế TP.HCM cho biết sở này đã có văn bản gửi Bộ Y tế và UBND TP.HCM báo cáo tình hình cung ứng vắc xin sởi và DPT trong tiêm chủng mở rộng (vắc xin tiêm miễn phí cho trẻ em).
Theo Sở Y tế, từ tháng 5.2022, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP (HCDC) chưa nhận được vắc xin sởi và DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván). Ngày 12.8, Sở Y tế có báo cáo tình hình thì Viện Pasteur TP đã phân bổ 6.000 liều vắc xin DPT hạn dùng đến ngày 5.9 cho HCDC và cũng đã sử dụng hết.
Ngày 31.8, Viện Pasteur TP có thông báo kho vắc xin của Viện đã hết các loại vắc xin sởi và DPT.
Theo Sở Y tế, với tình hình cấp vắc xin như vậy, ngành y tế TP đang thiếu 2 loại vắc xin sởi và DPT. Sở Y tế TP đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo Chương trình tiêm chủng quốc gia phân bổ vắc xin đủ theo số lượng đã đăng ký đảm bảo tiêm chủng cho người dân. (Thanh niên, trang 3).
Dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023
Chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam nhận định dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023, có thể xuất hiện các biến chủng virus mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp khó lường. Chiều 12.9.2022, Bộ Y tế tổ chức Lễ phát động Chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới với chủ đề “Vì một Việt Nam vững vàng và khỏe mạnh”.
Theo Bộ Y tế, hiện nay, dịch COVID-19 được dự báo vẫn diễn biến phức tạp, khó lường với sự xuất hiện của những biến chủng mới. Tổ chức Y tế Thế giới tiếp tục khẳng định đến thời điểm hiện tại, chiến lược tiêm vaccine phòng COVID-19 vẫn hết sức quan trọng trong bối cảnh các biến thể lây lan nhanh hơn, gây khó khăn trong công tác phòng, chống dịch.
Trong nước, mặc dù tình hình dịch bệnh vẫn cơ bản được kiểm soát, nhưng thời gian gần đây, cả nước vẫn ghi nhận trung bình hơn 2.000 ca mắc mới mỗi ngày.
Nhiều địa phương đã ghi nhận các ca bệnh mắc các biến thể mới của Omicron với khả năng lây nhanh hơn biến chủng gốc. Các biến thể phụ mới xuất hiện được cơ quan chức năng theo dõi, đánh giá và phối hợp với các tổ chức quốc tế kiểm soát hiệu quả, thường xuyên đánh giá nguy cơ.
TS Shane Fairlie, chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam nhận định: "Dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023, có thể xuất hiện các biến chủng virus mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp khó lường.
Do đó, tại Việt Nam vẫn cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Trong đó, tiêm bao phủ vaccine và thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân vẫn là những giải pháp quan trọng và cần thiết".
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương kêu gọi các Bộ, Ban ngành, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, người dân hãy cùng nhau hành động, nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi cá nhân, tiếp tục chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch: Khẩu trang, khử khuẩn, vaccine, thuốc, điều trị, công nghệ và các biện pháp theo hướng dẫn của cơ quan y tế hoặc cơ quan có thẩm quyền tại trung ương và địa phương.
Đồng thời, Bộ Y tế kêu gọi người dân trên khắp miền tổ quốc cùng đoàn kết, chung sức nâng cao ý thức phòng bệnh, thay đổi hành vi có lợi cho sức khỏe của cá nhân, gia đình và toàn thể xã hội.
Cùng đó, chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới với chủ đề “Vì một Việt Nam vững vàng và khỏe mạnh” diễn ra từ ngày 12.9.2022 đến ngày 31.10.2022 cũng được phát động.
Bộ Y tế đã đưa khuyến cáo thực hiện Thông điệp 2K+ vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác là thông điệp thay thế thông điệp 5K trước đây nhằm thực hiện giải pháp phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay. (Lao động, trang 2; Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Trẻ mắc bệnh nền kèm COVID-19, bệnh sẽ rất nặng
Ngày 12/9, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh cho biết đang điều trị tích cực cho bé trai T.P (8 tháng tuổi, ngụ tại Đồng Nai). Bé đã phải 4 lần nhập viện, 3 lần phải thở máy. Lần nhập viện thứ 4 bé mắc thêm COVID-19. Do sinh non, phổi yếu gây tình trạng nhiễm COVID-19 rất nặng.
Chị H.T. T. là mẹ của bé cho hay, khi ra đời bé nặng có 2kg và phải đi viện thường xuyên. Từ ngày 22/8 cho tới nay bé liên tục bị ốm phải nhập viện. Ban đầu, nhập Khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 2 trong tình trạng chân tay tím đen và không thở được. Kết quả xác định có nhiễm thêm COVID-19. Ghi nhận, kết quả kiểm tra phổi của bé cho thấy đã trắng hết, xơ phổi, xẹp phổi, tình trạng rất xấu và bác sĩ đã khuyên cha mẹ chuẩn bị tinh thần. Hai vợ chồng chị không từ bỏ hy vọng, vẫn đặt hết niềm tin vào các bác sĩ.
Bác sĩ Võ Thành Luân, Phó trưởng khoa Hồi sức Nhiễm và COVID-19 - Bệnh viện Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh cho biết, bé T.P là trường hợp mắc COVID-19 rất nặng đang được theo dõi chặt chẽ tại khoa. Có thời điểm bác sĩ đã tính toán đến phương án can thiệp ECMO cho bé. Nguyên nhân là vì bé có bệnh nền, viêm phổi nặng, nghi ngờ trẻ bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh. Sau khoảng 1 tuần điều trị COVID-19, bé vẫn tiếp tục được thở máy. Tuy nhiên, dự kiến thời gian nằm viện sẽ còn kéo dài.
Cũng theo các bác sĩ tại khoa Hồi sức Nhiễm và COVID-19 của Bệnh viện Nhi đồng 2, hiện nơi này đang điều trị cho 5 trẻ bị COVID-19 nặng.
Trong đó, hầu hết các bệnh nhi này đều đang phải điều trị một bệnh lý khác như suy thận mạn, viêm phổi, bạch cầu cấp… Tuy nhiên, khi có kèm thêm mắc COVID-19, thì tình trạng đều rất nặng. Trong khi đó, tình hình dịch sốt xuất huyết tại phía Nam chưa hạ nhiệt, điều này càng dễ gây quá tải cho việc chăm sóc cho trẻ tại các khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi hiện nay.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Chuyên gia dịch tễ cũng cho hay, tình trạng nặng và nguy kịch của trẻ là hậu quả của nhiều bệnh lý khác, COVID-19 là yếu tố tăng thêm. Do đó, theo bác sĩ Khanh, trong quá trình trẻ nằm nội trú, nhân viên y tế vẫn cần tuân thủ đeo khẩu trang, cách ly khi trẻ mắc COVID-19 để tránh lây nhiễm trong bệnh viện. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh tính tới ngày 10/9, TP Hồ Chí Minh đang điều trị cho trên 200 ca COVID-19 tại các bệnh viện, khoảng 60 ca cần hỗ trợ hô hấp, 15 ca thở máy xâm lấn, 13 ca dưới 16 tuổi và 4 phụ nữ mang thai. Hiện TP còn 1.115 ca cách ly tại nhà và không có ca mắc COVID-19 phải cách ly tập trung. (Công an nhân dân, trang 4).
Đáp ứng miễn dịch tự nhiên sau mắc và sau tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 diễn ra như thế nào?
Hồi phục sau khi mắc COVID-19 hay sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19 hoặc cả hai, thì quá trình đáp ứng miễn dịch diễn ra thế nào và kéo dài bao lâu? Miễn dịch thu được sau tiêm vaccine có bảo vệ được cơ thể trước các biến chủng phụ mới của Omicron không?
Hiểu biết về đáp ứng miễn dịch với COVID-19 là cách để tiếp tục ứng phó thích hợp, chung sống an toàn trong đại dịch. Các biến chủng phụ Omicron né tránh miễn dịch như thế nào...
Đáp ứng miễn dịch tự nhiên sau khi mắc COVID-19
Sau khi nhiễm virus, hệ thống miễn dịch sẽ được kích hoạt, gọi là quá trình đáp ứng miễn dịch tự nhiên. Kết quả của quá trình này là sự hình thành các thế bào miễn dịch, các kháng thể và protein miễn dịch và cơ thể duy trì một trí nhớ miễn dịch. Nếu có virus tái xâm nhập, các tế bào miễn dịch, các protein miễn dịch lưu hành trong cơ thể sẽ nhân dạng và tiêu diệt virus, bảo vệ cơ thể chống lại bệnh và làm giảm tình trạng bệnh nặng nếu có bị nhiễm bệnh.
Các thành tố của hệ thống bảo vệ miễn nhiễm bao gồm:
Người bệnh hồi phục sau khi mắc COVID-19 được chứng minh có đủ cả bốn thành phần trên. Tuy nhiên cụ thể về chức năng của từng thành tố và thời gian kéo dài bao lâu của quá trình đáp ứng miễn dịch vẫn còn chưa rõ ràng.
Các nhà chuyên môn cho rằng, vẫn chưa biết chính xác khả năng bảo vệ sau khi lây nhiễm tự nhiên virus SARS-CoV-2 sẽ kéo dài bao lâu và độ bền khả năng bảo bảo vệ chống lại các biến chủng virus khác nhau sẽ như thế nào.
Có một số người quan niệm rằng sau khi bị nhiễm trùng tự nhiên, bạn sẽ được bảo vệ vĩnh viễn khỏi COVID-19 giống như đối với bệnh sởi. Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn hai loại virus gây ra các bệnh nhiễm trùng này rất rất khác nhau. Khả năng bảo vệ đối với coronavirus sẽ mất dần một cách tự nhiên sau một khoảng thời gian. Vì COVID-19 do SARS-CoV-2, một loại coronavirrus gây ra, đây là nhóm virus đã được biết đến là căn nguyên gây bệnh cúm thông thường.
Chính vì vậy những hiểu biết về coronavirus giúp cho chúng ta hiểu được khả năng đáp ứng miễn dịch đối với COVID-19.
Con người chúng ta có thể mắc cúm thông thường lặp đi lặp lại. Các nghiên cứu về cúm đã chỉ ra rằng khả năng bảo vệ trước bệnh cúm ở người bình thường sẽ mẩt dần hiệu lực sau khoảng một năm và hoàn toàn có thể bị lây nhiễm đợt mới.
Virus SARS-CoV-2 cùng có chung đặc điểm như trên, thêm vào đó các biến chủng mới của virus này đã và đang tiếp tục xuất hiện, vì thế thật khó để đo lường được miễn dịch tự nhiên khi mắc COVID-19 sẽ kéo dài bao lâu.
Đáp ứng miễn dịch sau tiêm vaccine phòng COVID-19
Hiện nay, các loại vaccine phòng COVID-19 đều đã được chứng minh có tính sinh miễn dịch chống lại virus SARS-CoV-2. Đặc biệt, trong các thử nghiệm lâm sàng đã công bố các vaccine có nguồn gốc là mRNA cho hiệu quả ngăn ngừa COVID-19 lên đến 94-95%.
Khi cơ thể được nhận đủ liều vaccine để đủ khả năng bảo vệ. Đồng nghĩa với việc trong cơ thể đã có đủ môt lượng tế bào lympho T để đảm trách nhận dạng tác nhân (virus SARS-CoV-2) khi tác nhân đó xâm nhập và có trí nhớ miễn dịch để tiếp tục nhận dạng nếu có lần xâm nhập sau; tế bào lym phô B được kích hoạt để sẵn sàng sinh ra kháng thể trung hoà kháng nguyên (virus SARS-CoV-2). Nói cách khác các tế bào miễn dịch sẽ hoạt động giống như quá trình nhiễm tự nhiên.
Tuy nhiên, cơ thể không có ngay lập tức khả năng phòng vệ sau khi tiêm vaccine mà thường phải mất vài tuần để các tế bào lympho T, tế bào lympho B đủ thời gian sản sinh và trưởng thành. Trong thời gian này, nếu không may có virus SARS-CoV-2 xâm nhập cơ thể thì vẫn có thể gây bệnh COVID-19.
Căn cứ các kết quả thử nghiệm lâm sàng và thực tế sử dụng vaccine phòng COVID-19 thời gian qua, các nhà chuyên môn đều có chung nhận định rằng, hầu hết các cá thể có đáp ứng miễn dịch tốt sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi đầu tiên khoảng 2 tuần. Sau mũi thứ hai, thậm chí đáp ứng miễn dịch còn nhanh hơn và mạnh hơn so với mũi thứ nhất.
Đối với mũi tiêm vaccine nhắc lại (booster dose), các nhà chuyên môn đều có chung quan điểm rằng, đó là thực sự cần thiết. Hiện nay, khuyến cáo của các nhà sản xuất vaccine mRNA cũng như Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (US-CDC) đều thống nhất rằng, thời điểm thích hợp để tiêm mũi vaccine phòng COVID-19 nhắc lại sau khi đã hoàn thành mũi tiêm cơ bản cuối cùng là 5 tháng đối với người khoẻ mạnh bình thường, 3 tháng đối với người có suy giảm miễn dịch.
Đối với vaccine mRNA, CDC cũng đã bố sung khuyến cáo, có thể tiêm liều nhắc lại thứ hai (second booster dose) sau liều nhắc lại thứ nhất cho người từ 50 tuổi trở lên, và người từ 12 tuổi trở lên mà có suy giảm miễn dịch trung bình hoặc nặng. Việc tiêm liều vaccine nhắc lại khác với cá liều vaccine cơ bản cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất và cơ quan y tế.
Các biến chứng phụ BA.4 và BA.5 của biến chủng Omicron né tránh miễn dịch
Tháng 6/2022, CDC Hoa Kỳ thông báo biến chủng phụ BA.4, BA.5 của biến chủng Omicron đã trở thành tác nhân gây COVID-19 nổi trội trên lãnh thổ Mỹ. Ngày sau đó nhiều báo cáo cũng đã thông tin BA.4, BA.5 đang trở thành một trong các tác nhân gây COVID-19 trên toàn cầu. Tại Việt Nam, cũng không ngoại lệ, BA.4, BA.5 nằm trong số các tác nhân phổ biến gây bệnh COVID-19.
Các nghiên cứu bước đầu sau khi BA.4, B.5 xuất hiện đều có chung nhận xét, dường như người đã mắc các chủng virus SARS-CoV-2 trước Omicron hoặc đã tiêm đủ vaccine tỏ ra ít hiệu quả chống lại BA.4; BA.5.
Một nghiên cứu công bố tháng 7/2022 xem xét hiệu giá kháng thể ở người đã tiêm hoặc mắc COVID-19 đã nhận xét, có vẻ các biến chủng phụ BA.2.12.1; BA.4; BA.5 đã né tránh được các kháng thể hình thành sau khi tiêm vaccine hoặc mắc COVID-19.
Tuy nhiên, gần đây cũng đã có một số dữ liệu (chờ phản biện, chưa công bố) cho rằng người mắc COVID-19 do Omicron sau khi khỏi bệnh có hiệu quả lên đến 80% phòng được tái nhiễm BA.4, BA.5.
Một nghiên cứu khác từ Đại học Havard (Mỹ) cho biết người đã tiêm đủ vaccine có thể phòng được các biến chứng nặng nếu nhiễm BA.4/BA.5. Tương tự như vậy, CDC Hoa Kỳ cũng khuyến cáo việc tiêm đủ vaccine phòng COVID-19, đặc biệt là các liều nhắc lại, có vai trò dự phòng tình trạng COVID-19 nặng gây ra bởi biến chủng phụ BA.5 đang lưu hành.
Như vậy có thể thấy, đã có bằng cớ cho thấy các biến chủng phụ của Omicron như BA.4, BA.5 có thể né tránh miễn dịch tạo ra sau khi nhiễm SARS-CoV-2 hay sau tiêm vaccine COVID-19 liều cơ bản.
Việc tiếp tục các biện pháp phòng lây nhiễm không đặc hiệu, kết hợp với tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đầy đủ, đặc biệt là liều nhắc lại giúp cho việc phòng nhiễm, ngăn ngừa bệnh nặng và biến chứng nếu chẳng may mắc COVID-19 do các biến chủng mới đang lưu hành hiện nay. (Sức khỏe & Đời sống, trang 1).
Vì sao thông điệp 5K trong phòng chống dịch COVID-19 được thay đổi thành 2K+?
Trong thông điệp phòng chống dịch COVID-19 mới nhất của Bộ Y tế, thông điệp 5K giảm còn 2K + gồm: khẩu trang, khử khuẩn; Cùng với đó, Bộ Y tế cũng kêu gọi người dân tiêm vaccine COVID-19 đầy đủ và đúng lịch, kết hợp "thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân" và các biện pháp khác.
Ông Nguyễn Đình Anh- Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng của Bộ Y tế đã trao đổi, làm rõ hơn về thông điệp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới này. PV: Xin ông cho biết nội dung cụ thể của thông điệp mới nhất về phòng chống dịch COVID-19?
Ông Nguyễn Đình Anh: Triển khai ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới với quan điểm "2K + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân" và các biện pháp khác, Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan triển khai các hoạt động truyền thông.
Thông điệp phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới do Bộ Y tế vừa công bố, chuyển trạng thái từ thông điệp 5K thay thế bằng 2K+, cụ thể như sau: Trong công tác phòng, chống dịch bệnh, thông điệp là những khuyến cáo nhằm hướng đến thay đổi/duy trì hành vi cá nhân có lợi cho sức khoẻ.
K đầu tiên là KHẨU TRANG, Bộ Y tế khuyến khích người dân đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, đông người: Tại cơ sở y tế, nơi cách ly y tế, nơi lưu trú mà có người đang cách ly y tế hoặc đang theo dõi, giám sát y tế. Áp dụng với tất cả các đối tượng (trừ những người cách ly ở trong phòng đơn; người bị suy hô hấp, người bệnh đang phải thực hiện thủ thuật y tế theo chỉ định của bác sĩ, trẻ em dưới 5 tuổi).
Đối với nhân viên y tế thực hiện theo hướng dẫn về lựa chọn và sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân trong phòng, chống bệnh dịch COVID-19.
Địa điểm và đối tượng bắt buộc đeo khẩu trang khác:
Khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng (máy bay, tàu hỏa, tàu thủy, tàu điện, phà, xe khách, xe buýt, taxi...). Áp dụng với hành khách; người điều khiển, người phục vụ trên phương tiện giao thông công cộng; nhân viên phục vụ, người quản lý, người lao động tại nhà ga, bến xe, bến tàu, nhà chờ khi tiếp xúc trực tiếp với hành khách.
Tại trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối. Áp dụng với nhân viên phục vụ, người quản lý, người lao động khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.
Tại nơi có không gian kín, thông khí kém (quán bar, vũ trường, karaoke, cơ sở dịch vụ xoa bóp, làm đẹp; phòng tập thể dục, thể hình; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống phục vụ tại chỗ; rạp chiếu phim, nhà hát, rạp xiếc, nhà thi đấu, trường quay). Áp dụng với nhân viên phục vụ, người bán hàng, người quản lý, người lao động khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.
Tại cơ sở văn hóa, du lịch, nơi tổ chức sự kiện tập trung đông người (các công trình di tích; bảo tàng, thư viện, triển lãm, nhà trưng bày; khu du lịch, khu vui chơi, giải trí; sự kiện văn hóa, thể dục, thể thao; lễ cưới, lễ tang, lễ hội, hội chợ). Áp dụng với nhân viên phục vụ, người quản lý, người lao động, người bán hàng khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng và người tham dự.
Tại nơi tiếp nhận hồ sơ, nơi giao dịch. Áp dụng với nhân viên tiếp nhận hồ sơ, nhân viên giao dịch khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.
K thứ hai là KHỬ KHUẨN, theo đó Bộ Y tế khuyến cáo người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh; vệ sinh cá nhân sạch sẽ; vệ sinh môi trường nơi ở, nơi làm việc, học tập.
Cùng đó, Bộ Y tế cũng kêu gọi người dân tiêm vaccine COVID-19 đầy đủ và đúng lịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, kết hợp "thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân" và các biện pháp khác gồm:
Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Tuân thủ các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị COVID-19 và khám bệnh khi có các dấu hiệu bất thường sau mắc COVID-19.
Sử dụng các ứng dụng công nghệ theo hướng dẫn của cơ quan chức năng nhằm kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.
Ý thức người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh, không phát tán tuyên truyền thông tin xấu - độc, tham gia và tuân thủ các quy định về hoạt động phòng, chống dịch của cơ quan chức năng.
Các biện pháp khác: theo hướng dẫn của cơ quan y tế hoặc cơ quan có thẩm quyền tại trung ương và địa phương.
PV: Vì sao Bộ Y tế thay đổi thông điệp phòng chống dịch COVID-19 như vậy, thưa ông?
Ông Nguyễn Đình Anh: Ớ giai đoạn đầu của cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19, khi chúng ta chưa hiểu biết nhiều về virus SARS-CoV-2, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, đặc biệt là chưa có vaccine, biện pháp bảo vệ tốt nhất là sử dụng các phương tiện phòng hộ cá nhân.
Chính vì vậy, ngày 30/8/2020, Bộ Y tế tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 thực hiện Thông điệp 5K (Khẩu trang, Khử khuẩn, Khoảng cách, Không tụ tập, Khai báo y tế) nhằm khuyến cáo người dân tuân thủ và thực hiện.
Thông điệp 5K ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện đã được người dân, cộng đồng nhanh chóng đón nhận, đã trở thành "slogan", "lá chắn thép" trong phòng, chống dịch.
Trên cơ sở thông điệp 5K, Bộ Y tế phối hợp với các Bộ, ngành, các địa phương, đặc biệt là các cơ quan truyền thông báo chí triển khai rộng rãi, tận dụng các nền tảng truyền thông xã hội với các hình thức phù hợp tác động đến nhận thức và thay đổi hành vi có lợi cho sức khỏe của người dân giúp ngăn chặn sự lây lan virus. Bên cạnh thông điệp 5K, còn chú trọng các giải pháp: tiêm chủng vaccine COVID-19, thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác.
Tuy nhiên, thời gian gần đây trên phạm vi toàn cầu ghi nhận số ca mắc mới giảm liên tục, số ca nhiễm nặng và tử vong cũng giảm, trong khi tỷ lệ bao phủ vaccine tăng. Tại Việt Nam, hiện chúng ta đang kiểm soát tốt dịch bệnh do đến nay tỷ lệ tiêm vaccine mũi cơ bản trong các nhóm tuổi cao, nhất là các nhóm tuổi trên 12.
Có thể thấy khi chúng ta kiểm soát được dịch bệnh, tỷ lệ tiêm vaccine tăng lên và chuyển sang trạng thái thích ứng, an toàn, linh hoạt, tập trung phát triển kinh tế xã hội đòi hỏi phải điều chỉnh các biện pháp cho phù hợp, linh hoạt, do vậy, các biện pháp khoảng cách, không tụ tập và khai báo y tế thời điểm này không còn phù hợp.
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường, luôn có nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới. Tổ chức Y tế thế giới cũng đã nhận định dịch COVID-19 chưa chấm dứt, vaccine vẫn là biện pháp hữu hiệu nhất để kiểm soát dịch COVID-19.
Mùa đông sắp đến, nguy cơ các bệnh đường hô hấp bùng phát, trong đó có dịch COVID-19, nhằm ứng phó với dịch bệnh trong tình hình mới, Bộ Y tế triển khai chiến dịch truyền thông 2K + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân. Trong trường hợp xuất hiện biến chúng mới của virus SARS-CoV-2 nguy hiểm, dịch lây lan mạnh trên diện rộng, vượt qua khả năng đáp ứng của ngành y tế: đề xuất tiếp tục sử dụng Thông điệp 5K và các biện pháp khác như: vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân. PV: Thời gian gần đây, nhiều người dân đã thờ ơ với khẩu trang và khử khuẩn, vậy theo ông liệu thông điệp này có tạo nên sự lan tỏa mạnh mẽ để 'kích thích' người dân tuân thủ thực hiện biện pháp 2 K + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác?
Ông Nguyễn Đình Anh: Đối với thông điệp mới trong phòng chống dịch này, Bộ Y tế mong muốn các cơ quan truyền thông, báo chí tiếp tục tích cực đồng hành cùng Bộ Y tế để lan tỏa mạnh mẽ thông điệp đến cộng đồng, để người dân nâng cao nhận thức, duy trì hoặc thay đổi hành vi có lợi cho sức khoẻ.
Dịch bệnh COVID-19 vẫn đang hiện hữu cùng với sự xuất hiện của các biến thể mới; mùa đông xuân sắp đến các bệnh đường hô hấp như cúm mùa bùng phát, việc thực hiện thông điệp 2K+ rất cần thiết.
Việc mỗi người dân cần tuân thủ các biện pháp đeo khẩu trang, khử khuẩn mà ngành y tế đã khuyến cáo không chỉ góp phần phòng chống COVID-19 mà còn giảm nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp khác nhất là giai đoạn chuyển mùa như hiện nay.
Cùng đó, chúng tôi cũng khuyến nghị người dân đi tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3, mũi 4 cho các đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế; cha mẹ, người giám hộ tích cực đưa con em mình đi tiêm vaccine đủ 2 liều cơ bản cho trẻ trong độ tuổi từ 5 – dưới 12 để bảo vệ trẻ đến trường, vui chơi an toàn.
Chúng tôi cho rằng việc mỗi người dân tuân thủ thực hiện thông điệp phòng chống dịch của Bộ Y tế không chỉ bảo vệ sức khỏe của bản thân mà còn bảo vệ sức khỏe của gia đình và cả cộng đồng để chúng ta cùng nhau sống an toàn trong đại dịch.
PV: Trân trọng cảm ơn Ông! (Sức khỏe & Đời sống, trang 1).
Sáng 12/9: Thêm 1,5 triệu liều vaccine COVID-19 Pfizer về đến Việt Nam
Thông tin từ Viện Vệ sinh dịch tễ TW cho biết, rạng sáng nay - 12/9, thêm 1,5 triệu liều vaccine COVID-19 Pfizer đã về đến Việt Nam phục vụ nhu cầu tiêm chủng trong bối cảnh ca COVID-19, bệnh nhân nặng có dấu hiệu gia tăng.
Việt Nam đã tiêm gần 258,7 triệu liều vaccine COVID-19
Trao đổi với phóng viên báo Sức khoẻ & Đời sống sáng sớm ngày 12/9, đại diện lãnh đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, rạng sáng nay, thêm 1,5 triệu liều vaccine COVID-19 Pfizer tiêm cho người từ 12 tuổi trở lên đã về đến Việt Nam, bổ sung thêm nguồn vaccine phục vụ nhu cầu tiêm chủng trong bối cảnh ca mắc COVID-19 cũng như bệnh nhân nặng có dấu hiệu gia tăng.
Tính đến hết ngày 11/9, thống kê của Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đã tiêm 258.694.921 triệu mũi vaccine COVID-19 các loại cho người từ 5 tuổi trở lên. Hiện tỷ lệ bao phủ 2 mũi cơ bản cho người trên 18 ở nước ta đạt 100%; tỷ lệ tiêm mũi 3 là là 77,3% và mũi 4 là 78,8%.
Đối với trẻ em từ 12 - dưới 18 tuổi, tỷ lệ tiêm 2 liều cơ bản cũng khoảng 100%, trong khi mũi 3 hiện mới đạt 55,2%.
Đối với trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi, tính đến nay đã gần 5 tháng triển khai tiêm cho trẻ trong độ tuổi này, tổng số mũi tiêm đạt 16.138.820, trong đó mũi 1: 9.652.586 trẻ (đạt tỷ lệ 86,4%); mũi 2 là 6.486.234 trẻ (đạt tỷ lệ 58,1%).
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.439.613 ca nhiễm, đứng thứ 12/227quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 115.256 ca nhiễm).
Tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là: 10.322.003 ca. Hiện nay đang điều trị, giám sát 1.074.484 trường hợp, trong đó có 113 trường hợp nặng đang điều trị có: 104 ca thở ô xy qua mặt nạ; 2 ca thở ô xy dòng cao HFNC: 2 ca thở không xâm lấn và 5 ca thở xâm lấn.
Theo Bộ Y tế hiều địa phương ở nước ta đã ghi nhận các biến thể phụ mới của Omicron với khả năng lây nhanh hơn, cùng đó số bệnh nhân COVID-19 nặng ở nước ta thời gian gần đây thường xuyên suy duy trì ở mức trên 100- 150 trường hợp thở oxy, thở máy.
Tiếp tục tăng cường công tác thông tin, truyền thông về phòng, chống dịch bệnh; tuyên truyền nâng cao kiến thức người dân hướng đến thay đổi hành vi cá nhân có lợi cho sức khỏe để phòng, chống dịch bệnh và tiêm vaccine, lợi ích, hiệu quả của vaccine phòng COVID-19 nhằm kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.
Tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19. Tăng cường công tác phân tích, dự báo tình hình dịch để có phương án đáp ứng hiệu quả với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra; đồng thời tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác về các biến chủng.
Nhật Bản là quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 nhất tuần qua
Trong vòng 1 tuần qua, thế giới ghi nhận 3.320.784 ca mắc mới (giảm 22% so với tuần trước đó). Số ca tử vong vì COVID-19 trong tuần là 10.807 (giảm 24% so với 1 tuần trước).
Tuần qua, Nhật Bản là quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 nhất (753.974 ca), tiếp đó là Hàn Quốc (479.625 ca), Mỹ (358.567 ca). Mỹ là nước có số ca tử vong nhiều nhất thế giới (2.273 ca, giảm 26% so với tuần trước nữa).
Bộ Y tế Thái Lan đang lên kế hoạch mua vaccine ngừa COVID-19 thế hệ 2. Trong tháng 10 tới, Viện Vaccine Quốc gia (NVI) sẽ tổ chức họp thảo luận về kế hoạch mua sắm trên và quyết định về chủng loại cũng như số lượng vaccine mua thêm.
Mặc dù hãng Pfizer đã phát triển một loại vaccine cải tiến nhằm vào các biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron, NVI vẫn cần thực hiện các nghiên cứu riêng trước khi quyết định nên mua thêm vaccine thế hệ hai nào. (Sức khỏe & Đời sống, trang 1).