Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 14/8/2023

  • |
T5g.org.vn - Bảo đảm quyền lợi của người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; Hà Nội 'nóng' nhất nước về sốt xuất huyết, mỗi tuần gần 500 ca

 

Bảo đảm quyền lợi của người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

Các số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế hiện nay đang có xu hướng gia tăng với tốc độ nhanh; nhiều địa phương đã có số chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế sử dụng tới hơn 85% dự toán. Tình trạng lạm dụng trục lợi quỹ Bảo hiểm y tế; lập khống hồ sơ cấp giấy nghỉ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, lập khống hồ sơ bệnh án để trục lợi bảo hiểm nhân thọ và quỹ Bảo hiểm y tế vẫn diễn ra trên địa bàn một số tỉnh…

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến toàn ngành về thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, 5 tháng cuối năm 2023 để tập trung đánh giá các chỉ tiêu cần hoàn thành, những vấn đề cần tháo gỡ, giải quyết trong 5 tháng cuối năm, bảo đảm quỹ Bảo hiểm y tế được sử dụng hợp lý, phù hợp trong dự toán năm 2023.

Nguy cơ vượt dự toán

Báo cáo về tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế Lê Văn Phúc cho biết: Trong 6 tháng đầu năm, cả nước có 64,2 triệu lượt khám, chữa bệnh, tăng 29,2% so với 6 tháng đầu năm 2022. Tổng chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên cả nước là 46.236 tỷ đồng, tăng 23,4%, số chi khám, chữa bệnh đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội thanh toán tăng 16,2%... Dự kiến ước chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cả năm 2023 là 120.666 tỷ đồng, đạt 107% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, ước có 40 tỉnh vượt dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó một số tỉnh vượt cao...

Tại hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Ðức Hòa chỉ rõ, chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế hiện đang có xu hướng gia tăng với tốc độ nhanh. Ước tính, tình hình chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế 6 tháng đầu năm, ước 7 tháng đầu năm số chi từ quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đã chiếm khoảng 60% dự toán Chính phủ giao tại Quyết định số 877/QÐ-TTg (ngày 20/7/2023): “Nhiệm vụ toàn ngành là phải có giải pháp quyết liệt kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế hợp lý, hiệu quả và bảo đảm quyền lợi người tham gia, nhất là từ ngày 15/8/2023 khi Thông tư 13/2023/TT-BYT về khung giá và phương pháp định giá khám bệnh theo yêu cầu do cơ sở khám, chữa bệnh của nhà nước cung cấp có hiệu lực...”.

Phó Tổng Giám đốc đề cập việc phải kiên quyết và có các biện pháp với một số vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm y tế nổi bật gần đây, như: vụ việc lập khống hồ sơ cấp giấy nghỉ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, đồng thời thanh toán bảo hiểm y tế tại Ðồng Nai; vụ việc Công an tỉnh Nghệ An vừa khởi tố nhóm người lập khống hồ sơ bệnh án để hưởng bảo hiểm nhân thọ và trục lợi bảo hiểm y tế. Công an TP Vinh đang đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam giám định thiệt hại để truy tố tội gian lận bảo hiểm y tế...

Từ các vụ việc này, yêu cầu trách nhiệm cao hơn nữa từ Bảo hiểm xã hội các địa phương, phải xem xét, phát hiện sớm các dấu hiệu vi phạm. Việc quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2022, 2023 phải bảo đảm giải quyết đúng thời hạn, thời điểm theo quy định; phải làm rõ trách nhiệm của cơ quan Bảo hiểm xã hội, cơ sở khám, chữa bệnh trong việc kiểm soát, sử dụng quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, bảo đảm thực hiện phù hợp với dự toán đã xây dựng...

Quyết liệt ngăn chặn, xử lý các vi phạm

Tại hội nghị, các đơn vị nghiệp vụ Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất một số giải pháp toàn diện để có thể giải quyết các vấn đề trên. Giám đốc Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế và Thanh toán đa tuyến Dương Tuấn Ðức chỉ ra một số vấn đề cần lưu ý trong hoạt động giám định chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Giám đốc Dương Tuấn Ðức dẫn chứng những bất hợp lý cần được xem xét, giải quyết ngay trong việc tiến hành giám định chuyên đề tại Bảo hiểm xã hội các địa phương, diễn biến lượt khám, chữa bệnh 7 tháng đầu năm; các cơ sở y tế có mức gia tăng chi phí bất thường trên nhiều yếu tố khác nhau...

Vì vậy, Bảo hiểm xã hội các địa phương cần yêu cầu cơ sở khám, chữa bệnh liên thông dữ liệu đúng quy định về thời gian và chất lượng dữ liệu, chưa tạm ứng/quyết toán dữ liệu sai/thiếu thông tin; từ chối các yêu cầu thanh toán không trùng khớp giữa dữ liệu điện tử và hồ sơ bệnh án...

Vụ Thanh tra-Kiểm tra; Vụ Tài chính-Kế toán cũng hướng dẫn, đề nghị Bảo hiểm xã hội các địa phương thực hiện hiệu quả, nghiêm túc công tác kiểm tra, phát hiện kịp thời các sai phạm; xử lý dứt điểm công tác thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh theo đúng thời gian quy định, không để tồn đọng...

Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Ðức Hòa cho rằng, tham gia công tác xây dựng pháp luật vẫn là nhiệm vụ rất quan trọng của cơ quan Bảo hiểm xã hội. Bởi việc xây dựng chính sách tốt ngay từ gốc sẽ góp phần tổ chức chính sách hiệu quả, hạn chế tối đa các vướng mắc. Bảo hiểm xã hội các địa phương chính là các đơn vị trực tiếp thực hiện chính sách, phát hiện các vấn đề phát sinh trong thực tiễn, vì vậy cần tích cực tham gia cho ý kiến xây dựng văn bản pháp luật liên quan đến thực hiện chính sách.

Ðể bảo đảm quỹ Bảo hiểm y tế sử dụng hiệu quả trong dự toán 2023, Phó Tổng Giám đốc chỉ rõ: Hoạt động giám định bảo hiểm y tế phải bảo đảm công khai, minh bạch, rõ ràng kết quả giám định với cơ sở khám, chữa bệnh. Những nội dung từ chối thanh toán, xuất toán hay chấp nhận thanh toán đều phải có lý do rõ ràng, đồng thuận với cơ sở y tế. Cần giám sát chặt chẽ việc bảo đảm quyền lợi của người bệnh bảo hiểm y tế khi đi khám, chữa bệnh, đề nghị cơ sở khám, chữa bệnh cung ứng đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật phù hợp tuyến chuyên môn kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế.

Yêu cầu cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư y tế thuộc phạm vi thanh toán của quỹ Bảo hiểm y tế cho người bệnh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc mua sắm, cung ứng vật tư y tế theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu trong sử dụng và thanh toán bảo hiểm y tế. Ðặc biệt không để tình trạng người bệnh bảo hiểm y tế phải chi trả các chi phí khám, chữa bệnh thuộc phạm vi quyền lợi, mức hưởng theo quy định. (Nhân dân, trang 8)

 

Hà Nội 'nóng' nhất nước về sốt xuất huyết, mỗi tuần gần 500 ca

Bốn tuần gần đây, toàn thành phố Hà Nội ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết tăng cấp kỳ. Cụ thể, mỗi tuần ghi nhận gần 500 ca mắc, tăng 4,3 lần so với trung bình 4 tuần trước đó.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội dự báo tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội sẽ diễn biến phức tạp trong thời gian tới do dịch đến sớm hơn so với hằng năm.

Nhiều ca bệnh nặng

Những ngày qua, các bệnh viện tại Hà Nội tiếp nhận nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, bệnh đang gia tăng. Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Hà Nội đã ghi nhận 3.180 người mắc sốt xuất huyết. Số ca mắc tăng 5,7 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Tại Bệnh viện E, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 20 ca sốt xuất huyết nhập viện điều trị. Tại Bệnh viện Nhi trung ương ghi nhận nhiều bệnh nhi nhập viện có dấu hiệu cảnh báo, nhiều trẻ tái mắc.

Điển hình trường hợp bé trai V.H. (8 tuổi, Hà Nội) có tiền sử mắc sốt xuất huyết cách đây 4 năm. Bé H. nhập viện trong tình trạng sốt cao, không đáp ứng thuốc hạ sốt, đau mỏi người, nôn, đau đầu. 

Ở thời điểm nhập viện, trẻ đã xuất hiện chấm sốt xuất huyết vùng mặt, sốt cao liên tục, tiểu cầu giảm, men gan tăng... Bệnh nhi được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết Dengue nặng.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lâm - giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi trung ương, trẻ phải điều trị theo phác đồ, sau 10 ngày điều trị thì tình trạng mới ổn định.

Hai người trong gia đình cùng mắc sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện E. Anh N.K.T. (41 tuổi) cho hay trước đó người nhà anh (cũng từng mắc sốt xuất huyết) nhưng do lớn tuổi nên ông nhập viện ngay. 

"Còn tôi do chủ quan, đã từng mắc sốt xuất huyết và tự điều trị nên không vào viện. Đến ngày thứ 6 bắt đầu sốt cao, đau đầu chóng mặt, chảy máu chân răng không đỡ nên tôi mới đi khám, được bác sĩ yêu cầu nhập viện", anh T. nói.

Bác sĩ Đào Văn Cao, Bệnh viện E, cho hay người dân khi thấy sốt cao đột ngột cần đến cơ sở y tế thăm khám. 

Sốt xuất huyết có thể chuyển từ mức độ nhẹ sang mức độ nặng, vì vậy bệnh nhân cần được thăm khám, phân độ lâm sàng để tiên lượng bệnh và có kế hoạch xử trí thích hợp.

Theo bác sĩ Lâm, bệnh sốt xuất huyết Dengue có bốn loại tương ứng với bốn tuýp huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. 

Trẻ em mắc sốt xuất huyết thường có biểu hiện đa dạng khác nhau. Bệnh khởi phát khá đột ngột, diễn biến qua ba giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn phục hồi. Trẻ có thể tái mắc với các tuýp vi rút khác nhau nên cha mẹ chú ý không chủ quan.

Hà Nội có thể là điểm nóng nhất nước về sốt xuất huyết

Hằng năm, tại Hà Nội, bệnh sốt xuất huyết thường bùng phát trong khoảng tháng 10 - 12. Tuy nhiên năm nay, số lượng ca bệnh tăng, ghi nhận xuất hiện sớm hơn dự kiến.

TS Nguyễn Văn Dũng, trưởng khoa côn trùng Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng trung ương, cho hay Hà Nội có thể là điểm nóng nhất nước về sốt xuất huyết do có mật độ dân số cao, tỉ lệ lây nhanh.

TS Dũng phân tích: chỉ trong quý 1 và quý 2, miền Bắc ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết tăng hơn 60% so với năm trước. Hà Nội cũng đang là điểm nóng về sốt xuất huyết Dengue ở miền Bắc với khoảng 500 ca mắc. 

Trong thời gian tới, Hà Nội có số ca mắc có thể tiếp tục gia tăng, đặc biệt trong thời tiết nắng nóng mưa nhiều tạo điều kiện rất tốt cho sự phát triển của muỗi.

Theo CDC Hà Nội, nhiều địa phương còn chưa đạt chỉ tiêu đề ra, diệt bọ gậy đạt thấp dẫn tới nguy cơ dịch có thể bùng phát trong thời gian tới. Sở Y tế Hà Nội cũng đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết, tuyên truyền người dân tự phòng bệnh và đến cơ sở y tế khi có biểu hiện sốt xuất huyết.

Có nên tự diệt muỗi bằng hóa chất?

Nhiều gia đình tự mua các loại hóa chất diệt muỗi để phòng dịch sốt xuất huyết. Tuy nhiên, TS Dũng khuyến cáo người dân không nên tự mua hóa chất về phun. 

Khi có nhu cầu diệt muỗi, người dân có thể liên hệ đến cơ sở y tế dự phòng ở địa phương. Không nên mua và tự sử dụng các loại hóa chất không rõ nguồn gốc để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và gây ra tình trạng muỗi kháng thuốc. (Tuổi trẻ, trang 14).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang