Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 14/10/2016

  • |
T5g.org.vn - Xây nút giao thông nối Tân Tạo - Chợ Đệm với Khu y tế Tân Kiên; Thêm 16 tỉnh, thành phố thực hiện tăng viện phí; Hơn 27 nghìn trường hợp mắc bệnh tay, chân, miệng; Tiếp tục duy trì bãi gửi xe tạm ở bệnh viện Bạch Mai...

Xây nút giao thông nối Tân Tạo - Chợ Đệm với Khu y tế Tân Kiên

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về việc đầu tư xây dựng nút giao thông kết nối đường Tân Tạo - Chợ Đệm với Khu y tế Tân Kiên - Bình Chánh theo hình thức đối tác công tư.

Phó Thủ tướng giao UBND Thành phố Hồ Chí Minh quyết định phương thức thanh toán vốn cho nhà đầu tư theo đúng quy định tại Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg ngày 26/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế Nhà nước thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo hình thức xây dựng - chuyển giao. (* Nhân dân (trang 2))

Thêm 16 tỉnh, thành phố thực hiện tăng viện phí

Bộ Y tế cho biết, kể từ ngày 12-10 có thêm 16 tỉnh, thành phố, gồm: Hà Nội, Kon Tum, Trà Vinh, Quảng Ninh, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Hải Dương, Bắc Ninh, Bình Dương, Đác Nông, Long An, Đác Lắc, Gia Lai, Phú Yên và Hà Nam thực hiện việc tăng viện phí đối với người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Trước đó, từ tháng 8-2016, đã có 16 tỉnh, thành phố thực hiện tăng viện phí.

Theo Bộ Y tế, việc tăng viện phí lần này không ảnh hưởng đến nhóm trẻ em dưới sáu tuổi, người nghèo, người cận nghèo... Tuy nhiên, nhóm người lao động có thẻ BHYT diện bắt buộc, người tham gia thẻ BHYT tự nguyện sẽ ảnh hưởng do phần cùng chi trả phí khám, chữa bệnh sẽ tăng theo. (* Tuổi trẻ, Nhân dân (trang 5))

Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới trang 5: “Viện phí của 16 tỉnh/thành phố tăng 18%”; Báo An ninh Thủ đô trang 3: “Tăng 18% viện phí tại 16 tỉnh, thành phố”; Lao động trang 2: “Viện phí của 16 tỉnh, thành phố bắt đầu tăng 18%”

Hơn 27 nghìn trường hợp mắc bệnh tay, chân, miệng

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Từ đầu năm đến nay, ghi nhận hơn 27 nghìn trường hợp mắc bệnh tay, chân, miệng (TCM) tại 62 tỉnh, thành phố trên cả nước; không có trường hợp chết. Bệnh lưu hành quanh năm, nhưng thường tập trung từ tháng 2 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12. Hiện bệnh TCM chưa có vắc-xin phòng và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, cho nên một số trường hợp bệnh thể nặng có thể gây viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp... dẫn đến chết người.

Để chủ động phòng, chống bệnh TCM, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân rửa tay thường xuyên bằng xà-phòng; thực hiện tốt vệ sinh ăn uống; lau rửa đồ chơi của trẻ bằng xà-phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường… (* Nhân dân (trang 5))

Cách chức trưởng khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu

Ngày 13-10, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu cho biết, đã kỷ luật bằng hình thức cách chức Trưởng khoa Sản (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu) đối với bác sĩ Hồng Thị Phương Lan do thiếu trách nhiệm dẫn đến sản phụ và con chết.

Trước đó, vào chiều 22-4-2016, sản phụ Khưu Thị Kiều Vân, ở huyện Đông Hải (Bạc Liêu) nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và được chỉ định mổ sinh vào lúc 18 giờ cùng ngày, nhưng đến 20 giờ vẫn chưa được mổ. Thấy chị Vân ra máu nhiều và đuối sức, gia đình nhiều lần báo bác sĩ Lan, nhưng bác sĩ này chủ quan và thiếu trách nhiệm, khiến chị Vân và con chết lúc 22 giờ cùng ngày.

Sau khi sự việc xảy ra, người nhà sản phụ Vân tố cáo đến các cơ quan chức năng của tỉnh Bạc Liêu, đã đưa bác sĩ Lan phong bì một triệu đồng. (* Nhân dân (trang 5))

Cùng chủ đề Báo Pháp luật TPHCM trang 2: “Cách chức bác sĩ trưởng khoa nhận phong bì”

Thời tiết chuyển mùa, gia tăng trẻ mắc bệnh hô hấp

Ngày 13-10, theo thông báo của một số bệnh viện (BV) trên địa bàn Hà Nội, do thời tiết chuyển mùa, tình hình bệnh hô hấp ở trẻ em có xu hướng gia tăng.

Cụ thể, tại BV Nhi trung ương, trong số hơn 1.600 bệnh nhi điều trị nội trú có khoảng 300 bệnh nhi mắc bệnh về hô hấp. Gần một nửa trong số đó là bệnh nhân nặng phải hỗ trợ thở ô xy hoặc thở máy. BV đã mở thêm 40 giường dành riêng cho các bệnh nhi vừa và nặng để hạn chế nguy cơ lây nhiễm cũng như không để bệnh nhi phải nằm ghép. Tại Khoa nhi (BV Bạch Mai), trong tháng 8, số trẻ mắc bệnh hô hấp chỉ chiếm gần 40% số trẻ đến khám, nhưng từ tháng 9 đến nay, con số này đã tăng gần gấp đôi, gây nên tình trạng quá tải. Bệnh nhi phải nằm ghép 2 đến 3 cháu/1 giường…

 Với thời tiết hiện nay, các bà mẹ cần chú ý giữ gìn vệ sinh nhà cửa, thân thể cho con, nhất là thường xuyên vệ sinh mũi họng, chân tay, tránh đưa trẻ đến các nơi tập trung đông người, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi… (* Hà Nội mới (trang 7))

Tiếp tục duy trì bãi gửi xe tạm ở bệnh viện Bạch Mai

Thông tin từ bệnh viện Bạch Mai cho biết, do phương án đề xuất di chuyển bãi xe đến vị trí mới trong thời gian sửa chữa khoa Thần kinh - Tâm thần chưa được cơ quan chức năng phê duyệt, nên bệnh viện sẽ tiếp tục duy trì hoạt động bãi gửi xe tạm sau ngày 15/10.

Trước đó, bệnh viện Bạch Mai và Công ty Khai thác điểm đỗ đã có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội kiến nghị được sử dụng diện tích gầm cầu vượt ngã tư Sở làm điểm trông giữ xe máy tạm thời cho người đến khám bệnh và người nhà bệnh nhân trong thời gian bệnh viện sửa chữa, bởi địa điểm này thuận lợi cho việc ra vào bệnh viện Bạch Mai.

Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 13/10, Tiến sĩ Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch- Tổng hợp (bệnh viện Bạch Mai) cho biết: “Theo kế hoạch, ngày 15/10 là thời điểm khởi công tu sửa khoa Thần kinh - Tâm thần. Tuy nhiên, cho đến nay chúng tôi vẫn đang chờ thành phố xem xét phê duyệt phương án nên Ban Giám đốc quyết định duy trì tiếp bãi xe hiện có…”. (* Tiền phong (trang 2))

Đủ loại thực phẩm 'ngậm' hóa chất

Bất ngờ thị sát nhiều điểm kinh doanh thức ăn trên địa bàn TPHCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lãnh đạo thành phố phải kiểm soát hơn nữa vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm để người dân yên tâm hoàn toàn.

Tuy nhiên, thực tế vấn đề đảm bảo ATVSTP tại TPHCM vẫn rất nhức nhối, là căn bệnh “kinh niên” mà vẫn chưa có “phương thuốc” thực sự hữu hiệu.

Miếng ăn đang bị “đầu độc”

Vẫn dưới các chiêu núp bóng cơ sở uy tín, được lòng người tiêu dùng… thực phẩm bẩn ngang nhiên hiện diện trong bữa ăn của mọi gia đình mà chẳng ai hay biết. Đùng một cái, cơ quan chức năng ập vào kiểm tra, bắt quả tang thì mới “ngã ngửa” ra, những thực phẩm ta “yêu thích” hằng ngày toàn ngậm hoá chất độc hại.

Hôm qua (13/10), Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an cho biết vừa phối hợp Chi cục Bảo vệ thực vật TPHCM kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất tương ớt Thành Phát (174/12G Thái Phiên, P.8, Q.11, TPHCM). Tại hiện trường, đoàn phát hiện có 2 tấn tương ớt sản xuất theo quy trình “ba không”: Không vệ sinh, không quy trình và không theo đúng chỉ tiêu công bố trên nhãn sản phẩm. Toàn bộ nguyên liệu như bột phụ gia, phẩm màu, hương liệu… để bừa bãi trên nền nhà bẩn thỉu, sản xuất gần nhà vệ sinh… Trên bao bì sản phẩm tương ớt công khai công thức có dùng ớt bột, ớt trái, tỏi… Nhưng lúc kiểm tra, đoàn liên ngành chỉ thấy những can nhựa đựng “hương tỏi” không rõ nguồn gốc trong khi các bao tải đựng chất bảo quản Sodium Benzoat bị dơ bẩn, không rõ nguồn gốc, có in chữ Trung Quốc.

“Thịt trâu sau khi ngâm hóa chất sẽ biến thành thịt bò. Sau đó, những sản phẩm này được chúng tôi mang đi tiêu thụ tại các chợ trong thành phố và các nhà hàng, quán ăn chế biến món bò kho”, bà Nguyễn Thị Thạnh, chủ cơ sở  thực phẩm ở Hóc Môn, thừa nhận với cơ quan chức năng.

Rùng mình hơn khi bà Huỳnh Lệ Phấn - chủ cơ sở “bật mí” cách làm tương bằng nước lã và hóa chất. Với tương ớt thì dùng 60% nước lạnh đem đun sôi 90 độ C rồi bỏ các nguyên liệu không rõ nguồn gốc vào và nấu khoảng 2 tiếng đồng hồ. Sau đó, hỗn hợp này tạo thành tương ớt và sang chiết vào các can nhựa.

Còn tương đen thì đổ 70% nước đun sôi đến 90 độ C rồi bỏ tinh bột biến tính vào cùng caramen, nấu khoảng 2 tiếng đồng hồ rồi để nguội. Sau đó bơm vào bồn inox và chiết ra các can nhựa, bao nilon. Mỗi ngày, cơ sở này sản xuất khoảng 300 kg thành phẩm ra thị trường, bán tại nhiều sạp tạp hóa trong chợ Phạm Văn Hai, chợ Tân Bình và nhiều nơi khác trên địa bàn thành phố.

Không chỉ thực phẩm ngậm hoá chất, nhiều loại ôi thiu được “nhào nặn” thành mới, thậm chí còn “hô biến” chúng thành một chủng loại khác hòng đánh lừa người tiêu dùng. Công ty TNHH Bính Hạnh (209/14 Lê Văn Sỹ, P.13, Q.3, TPHCM) bị cơ quan chức năng phát hiện đã “phù phép” thịt heo nái thành thịt bò trong thời gian dài. Ông Nguyễn Xuân Bính - Giám đốc Công ty Bính Hạnh thừa nhận đã mua thịt heo nái ở các nơi khác về, cho công nhân chế biến bằng cách ngâm hóa chất Metabisulfite để thành thịt bò.

Với thủ đoạn này, mỗi ngày công ty này tuồn ra thị trường từ 5 - 6 tạ thịt bẩn với giá tiền từ 135.000 đồng - 140.000 đồng/kg. “Rất may chúng tôi phát hiện kịp thời, nếu không người dân phải còn ăn các loại thịt “đểu” và độc hại này thì rất nguy hiểm”- một cán bộ Thú y TPHCM nói.

Gần đây, Chi cục Thú y TPHCM cũng đã phối hợp cùng đội quản lý thị trường H.Hóc Môn, Phòng cảnh sát môi trường công an TPHCM kiểm tra căn nhà tại số 5/4 ấp 4, xã Xuân Thới Sơn, H. Hóc Môn do bà Nguyễn Thị Thạnh, 54 tuổi, ngụ H. Củ Chi làm chủ, phát hiện cơ sở này đang ngâm, tẩm hàng tấn thịt trâu vào hóa chất để biến thành thịt bò. Tại hiện trường, gần 3 tấn thịt trâu được nhập từ Ấn Độ về bị thu giữ gồm 74 thùng thịt trâu nguyên liệu với trọng lượng hơn 1,3 tấn đang rã đông, bên cạnh đó là hơn 1 tấn thịt đã rã đông và đang tẩm ướp hóa chất để biến thành thịt bò, cùng gần 500kg thịt đã rã đông chuẩn bị tẩm ướp hóa chất.

Kiểm tra căn nhà, cơ quan chức năng còn phát hiện hai bao hóa chất dạng bột màu trắng với trọng lượng khoảng 50kg. Bà Thạnh cho biết, số hóa chất trên được bà mua từ Chợ Lớn với giá 20.000 đồng/kg. Cơ sở này đã hoạt động khoảng 3 năm nay và không có bất kỳ một loại giấy tờ nào của cơ quan chức năng cấp phép.

Còn những vụ có liên quan đến vận chuyển sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, thực phẩm tươi sống trong quá trình phân hủy… hầu như ngày nào cơ quan chức năng TPHCM cũng phát hiện. Mới đây nhất, chiều tối ngày 19/9, đoàn kiểm tra liên ngành về ATVSTP Q.Thủ Đức kiểm tra cơ sở kinh doanh hải sản thịt các loại nằm trên đường Tam Bình (P.Tam Phú, Q.Thủ Đức), phát hiện gần cả tấn nội tạng động vật không có xuất xứ, bao bì không có ngày sản xuất, hạn sử dụng, có dấu hiệu ôi thiu. 

Quản không xuể!

Trong khi ngày ngày thực phẩm bẩn vẫn tuồn vào thành phố hơn 10 triệu dân qua nhiều hình thức, công tác quản lý nhà nước về VSATTP lại gặp nhiều bất cập. Theo UBND TP, hiện trên địa bàn có nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, với sản lượng nông sản tự sản xuất chỉ đáp ứng cung cấp 20-30% nhu cầu thị trường, còn lại là thực phẩm được cung cấp bởi các địa phương lân cận và phía Bắc chuyển vào.

Từ tháng 12/2015 cho đến nay, các cơ quan chức năng của TP đã thực hiện thanh tra 1.158 cuộc, trong đó gần 7.100 cơ sở sản xuất thực phẩm trên địa bàn. Tuy nhiên, việc phát hiện, xử lý vi phạm vẫn như “bắt cóc bỏ đĩa” khi mới chỉ có hơn 550 trường hợp bị phát hiện và xử lý hành chính. Trong khi đó, TP thừa nhận vẫn còn hạn chế trong hệ thống văn bản về VSATTP, khiến cơ quan quản lý chưa phát huy được hiệu quả công tác.

Ông Nguyễn Văn Bách - Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường TPHCM thừa nhận:  “Lực lượng các đội QLTT rất mỏng, trong khi các đối tượng rất tinh vi, luôn thay đổi địa điểm, phương thức hoạt động. Chúng thường chọn các vùng nông thôn, ngoại thành, các vùng giáp ranh để sản xuất, giết mổ, chế biến sau đó mới tìm cách tuồn vào TP. Do đó, QLTT chủ yếu dựa vào nguồn tin từ người dân cung cấp, cài trinh sát theo dõi nhiều ngày liền để bắt trọn gói. Vì vậy, công tác quản lý thực phẩm của QLTT vẫn còn nhiều khó khăn”.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai- Phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM nói quản lý thực phẩm đang là thách thức.  “Hiện, TP đã thành lập 15 đội thanh tra chuyên ngành được quyền kiểm tra và xử phạt khi phát hiện các điểm buôn bán có dấu hiệu vi phạm. TPHCM cũng đang xin phép cho mở rộng lực lượng thanh tra này để góp phần quản lý thực phẩm bẩn hiệu quả hơn”- bà Mai thông tin. (* Tiền phong (trang 6))

Thu hồi siêu dự án bệnh viện quốc tế

Ba dự án bệnh viện quốc tế chất lượng cao được cấp phép năm 2007 của Công ty Cổ phần BV Nghỉ dưỡng Việt Nam đều đã bị thu hồi.

Thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đã cấp cho Công ty Cổ phần BV Nghỉ dưỡng Việt Nam từ tháng 7-2007 để thực hiện dự án BV Đa khoa Quốc tế Phú Trinh. Giao Sở KH&ĐT thực hiện các thủ tục chấm dứt dự án theo quy định; Sở TN&MT tham mưu để thu hồi quyết định cho thuê đất của dự án - đó là nội dung quyết định do ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, ký ngày 10-10.

Bệnh viện quốc tế trên… giấy

Dự án BV Đa khoa Quốc tế Phú Trinh nằm ngay trung tâm TP Phan Thiết với quy mô sáu tầng, rộng gần 10.000 m2, vốn đầu tư 140 tỉ đồng. Theo thuyết minh của chủ đầu tư, BV này có trang thiết bị hiện đại, 500 giường bệnh và có cả dịch vụ trực thăng cấp cứu thường trực trên sân thượng. Thế nhưng sau gần 10 năm khởi công, đến nay công trình chỉ xây được một nền móng rồi bỏ hoang cho cỏ mọc um tùm.

Việc chậm triển khai dự án BV Đa khoa Quốc tế Phú Trinh ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống người dân địa phương. Nhiều hộ dân ở khu phố 7, phường Phú Trinh, TP Phan Thiết phản ánh đất, cát từ công trình chảy ra bịt hệ thống thoát nước, nước thải ứ đọng gây ô nhiễm môi trường. Vào mùa mưa, chỉ cần một cơn mưa nhỏ là cả khu vực ngập nặng. Đó là chưa kể muỗi mòng, rắn rít sinh sôi nảy nở khiến người dân vô cùng bất an.

Ông Tư Trí, nhà trên đường Trần Phú ngay cạnh dự án, nói: “Tưởng đâu có BV tốt để người dân chữa bệnh, ai ngờ công trình này chỉ mang mầm bệnh đến cho chúng tôi”. Trước bức xúc của người dân, chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã giao UBND TP Phan Thiết chỉ đạo đơn vị chức năng khẩn trương khơi thông đoạn cống để chống ngập úng cho khu vực, đồng thời yêu cầu chủ dự án thường xuyên nạo vét, làm sạch hệ thống thoát nước.

Tới tháng 6-2015, UBND tỉnh Bình Thuận ra “tối hậu thư” cho dự án này. Theo đó, chủ đầu tư phải cam kết khẩn trương thi công, đưa vào hoạt động hai khối điều trị trước tháng 12-2016. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã không khởi động lại công trình như cam kết. “Dù đến nay thời gian gia hạn cho dự án này vẫn còn nhưng tỉnh thấy cần thiết phải thu hồi dự án. Bởi thực tế công trình này không triển khai thêm được gì và đã làm ảnh hưởng quá lớn đến đời sống người dân xung quanh” - một lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận nói.

Thêm hai dự án tai tiếng

Ngoài dự án BV Quốc tế Phú Trinh, năm 2007 Công ty Cổ phần BV Nghỉ dưỡng Việt Nam còn được UBND tỉnh Bình Thuận cấp giấy chứng nhận đầu tư cho hai dự án đều là “BV quốc tế”, “BV chất lượng cao” với số vốn đầu tư hàng chục triệu USD. Đó là dự án khu du lịch sinh thái kết hợp điều dưỡng Medisealand tại phường Mũi Né, TP Phan Thiết (diện tích 77,2 ha với tổng số vốn đầu tư 288 tỉ đồng) và dự án resort kết hợp nghỉ dưỡng, điều trị cho bệnh nhân lớn tuổi ở Phú Hài, Phan Thiết có diện tích gần 4 ha ven biển.

Năm 2010, Sở KH&ĐT tỉnh Bình Thuận quyết định thanh tra các dự án BV trên do Công ty Cổ phần BV Nghỉ dưỡng Việt Nam chậm triển khai. Sau đó, Sở đã kiến nghị UBND tỉnh thu hồi khu du lịch sinh thái kết hợp điều dưỡng Medisealand tại phường Mũi Né.

Riêng dự án tại phường Phú Hài, kết quả thanh tra cho thấy tháng 1-2008 dự án được cấp giấy đỏ thì hơn một tháng sau công ty đã mang đi thế chấp ngân hàng. Năm 2009, công ty ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho một đơn vị khác trong khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Do vậy phía ngân hàng đã nộp đơn khởi kiện ra tòa, yêu cầu phía công ty phải trả khoản nợ 33 tỉ đồng.

Trước tình hình phức tạp nêu trên, năm 2012 UBND tỉnh Bình Thuận đã phải quyết định thu hồi dự án này. (* Pháp luật TPHCM (trang 5))

Giám đốc BV Nhi Trung ương lý giải về dịch vụ giá cao

Lãnh đạo Bộ Y tế và một số cơ quan báo chí vừa nhận được đơn tố cáo lãnh đạo BV Nhi Trung ương đã biến BV này thành BV dịch vụ.

Cụ thể, trong đơn tố cáo viết: Ước tính BV này có 400 giường dịch vụ trên tổng số 1.500 giường, chiếm gần 30%, trong khi quy định của Bộ Y tế chỉ cho phép không vượt quá 10%.

Trong đơn cũng phản ánh việc bệnh viện Nhi Trung ương có mức giá khám dịch vụ cao nhất cả nước. Khám đa khoa có hẹn là 390.000 – không hẹn là 580.000; khám chuyên khoa có hẹn là 580/000 – không hẹn là 680.000; Tái khám chuyên khoa giá 390.000 - tái khám đa khoa 290.000; khám cấp cứu giá 580.000. Trong đơn cho biết, mức giá này không công khai cho bệnh nhân và người nhà tham khảo.

Đặc biệt, trung tâm tim mạch của BV này còn cung cấp dịch vụ mổ sớm. Người nhà muốn mổ sớm chỉ nộp thêm 30 triệu đồng là bệnh nhi sẽ được mổ ngay thay vì phải xếp lịch 2-3 tháng.

Chiều 12-10, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Thanh Hải, Giám đốc BV Nhi Trung ương, cho biết hiện ngành y tế cũng như phía Bộ Tài chính chưa có quy định cụ thể nào về việc số lượng giường dịch vụ không được vượt quá 10%. Thực tế, tỉ lệ giường dịch vụ của BV chiếm khoảng 20%-25%.

Mặc dù bác sĩ đã hướng dẫn với tình trạng bệnh như thế có thể về tuyến dưới theo dõi hoặc về nhà điều trị nội trú theo đơn, có vấn đề gì thì điện thoại trao đổi bác sĩ, rồi tái khám… nshưng nhiều gia đình không đồng ý, muốn nằm BV một vài ngày cho yên tâm. Đó là lý do phát sinh giường dịch vụ.

Lý giải về “mức giá khám dịch vụ cao nhất nước”, ông Hải cho rằng giá dịch vụ theo yêu cầu đều được báo cáo thu chi với Bộ Y tế. Mức giá này đã tính cả tiền lương và một chút lãi, BV thu mới đủ bù chi và có tích lũy để tái đầu tư, dành quỹ chi trả cho bệnh nhân nghèo không có khả năng chi trả.

Trong khoảng 3.000 lượt bệnh nhân thì chỉ có khoảng 150 lượt bệnh nhân chọn khám theo yêu cầu. BV chỉ dành 5-7 bàn khám cho khoa yêu cầu, trong khi đó tại khoa khám bệnh bình thường có khoảng 60-70 bàn khám.

Về việc mổ tim sớm, ông Hải cho biết BV chỉ có một phòng mổ tim với ba bác sĩ phẫu thuật. Trước đây, những bệnh nhân chờ mổ phải đợi hằng năm thì nay đợi 2-3 tháng là được mổ. Trước đây, một năm thực hiện được 500 ca phẫu thuật tim, nay 2.000 ca/năm. “Còn mổ theo yêu cầu, người bệnh phải đóng thêm tiền dịch vụ là những ca mổ tự nguyện ngoài giờ. Trong giờ hành chính, các bác sĩ đều mổ theo lịch đã xếp và mổ cấp cứu” - ông Hải khẳng định.

Chiều 12-10, ông Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế, cho biết Bộ Y tế cũng như Bộ Tài chính chưa có quy định cụ thể về số giường dịch vụ tại các BV công. Hiện nay Bộ đang dự thảo thông tư về tổ chức hoạt động các dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu và đang xin ý kiến để hoàn thiện, ban hành.

Liên quan đến đơn tố cáo BV Nhi Trung ương, chiều 12-10, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị BV này khẩn trương rà soát, kiểm tra thực tế về giá khám dịch vụ, giường dịch vụ… và báo cáo về Bộ Y tế trước ngày 15-10.

Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô: “Yêu cầu làm rõ chi phí dịch vụ tại Bệnh viện Nhi Trung ương; Báo Sức khỏe & Đời sống trang 2: “Bộ Y tế yêu cầu làm rõ thông tin giá viện phí cao tại Bệnh viện Nhi Trung ương”. (* Pháp luật TPHCM (trang 5) )

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang