Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 14/1/2016

  • |
T5g.org.vn - Bài học không dành riêng cho Bệnh viện Bạch Mai; Thức ăn đường phố bẩn: Biết nhưng vẫn ăn; Công bố phương pháp mới dự phòng tái nghiện tại Việt Nam; Lan tỏa trách nhiệm xã hội

Bài học không dành riêng cho Bệnh viện Bạch Mai

Sau phóng sự điều tra trên báo Lao Động về chất thải y tế ở Bệnh viện (BV) Bạch Mai tuồn ra thị trường, Bộ Y tế ngay lập tức chỉ đạo BV Bạch Mai báo cáo vụ việc. BV cử đoàn công tác kiểm tra, đánh giá việc thực hiện quy trình xử lý chất thải của Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn. Việc tiếp theo là BV Bạch Mai yêu cầu Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn dừng ngay hoạt động nghiên cứu xử lý chất thải y tế nguy hại, vì chưa được cho phép. Một loạt cán bộ của Khoa Kiểm soát lây nhiễm bị kỷ luật, trong đó có trưởng khoa. Các bước xử lý của BV Bạch Mai rất kịp thời và cương quyết, rất đáng ghi nhận. Sai thì tiếp thu ý kiến phê bình, đóng góp và điều chỉnh trên tinh thần cầu thị để tiến bộ. Chỉ những cá nhân, đơn vị tìm cách lấp liếm, che chắn cái sai mới đáng bị lên án. Trong trường hợp này, có thể thấy rõ thiện chí từ Ban giám đốc BV Bạch Mai, GS-TS Nguyễn Quý Châu - Phó Giám đốc BV - khẳng định: “Đây là bài học rất lớn, ban lãnh đạo nghiêm túc kiểm điểm, những việc gì chưa thật sát sao thì phải sát sao hơn, giáo dục nhân viên hợp đồng cũng phải kỹ hơn. Chúng tôi cố gắng tuyệt đối để không có rác thải truyền nhiễm lọt ra môi trường”.

Nhưng thực ra, bài học không chỉ dành riêng cho BV Bạch Mai. Phóng viên Báo Lao Động đã điều tra vụ xử lý rác thải ở BV Bạch Mai hơn một tháng. Chứng cứ đầy đủ, thuyết phục, sự thật chỉ có một, không mập mờ trắng-đen như một số ý kiến thiếu thiện chí khác. Báo Lao Động nêu thông tin ban đầu, nhưng dừng lại khi phía BV tiếp thu, xử lý kỷ luật cán bộ rất nghiêm minh và hứa khắc phục, chấn chỉnh. Báo Lao Động không muốn một ai bị đuổi việc, chỉ nêu sự việc lên công luận để các cá nhân, tập thể ở Khoa Kiểm soát lây nhiễm BV Bạch Mai nhận ra sai phạm, đừng vì lợi riêng mà gây nguy hại cho sức khỏe cộng đồng. Đối với các trường hợp bị kỷ luật buộc thôi việc, thì đó cũng là lẽ công bằng, cá nhân phải nhận trách nhiệm do sai phạm của mình đã gây ra, không thể trách ai khác.

Vụ việc xảy ra ở BV Bạch Mai nhưng có tác động tích cực đến toàn hệ thống BV, nơi nào còn xử lý chất thải nguy hại cẩu thả, hoặc thu gom đem bán ra thị trường, cũng phải xem lại hoạt động của đơn vị, nếu sai phạm phải điều chỉnh. Chưa nói đến việc mua-bán, chỉ riêng việc xử lý chất thải y tế không đúng quy định, cũng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Vì thế, thông tin phản ánh của Báo Lao Động còn là sự cảnh báo đối với các BV, vì lợi ích chung (Lao động trang 1).

Thức ăn đường phố bẩn: Biết nhưng vẫn ăn

Tại Hội thảo về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với kinh doanh thức ăn đường phố tổ chức ngày 13.1 tại TP.Hồ Chí Minh, BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP.Hồ Chí Minh - cho biết, thức ăn đường phố là một “nhu cầu có thật của người dân”.

Ớn lạnh” với thức ăn đường phố

Dạo quanh một khu chợ P.Tân Hưng, Q.7 (TPHCM), không khó để phóng viên bắt gặp hình ảnh các quán ăn bụi theo nghĩa đen, đặt cạnh miệng cống, thùng rác. Chị Hà - chủ một quán này - trả lời rất hồn nhiên “gần cống để tiện rửa chén, tiện dọn dẹp, gom rác cho nhanh”. Tại một trường THCS ở quận 4, ngay cả khi cổng trường đã đóng, nhóm người bán hàng rong vẫn “giao dịch”, chuyền thức ăn vào cho học sinh qua song sắt. Tất cả các khâu làm thức ăn đều bằng tay không, thực phẩm như tương ớt, bánh, gia vị khác đều được đặt ở ngay trên mặt đất...

Trước cổng Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (quận 5, TPHCM) trưa 13.1, các xe bán thức ăn theo phong cách “lưu động” tập trung rất đông ở đây. Cứ cách 1-2 mét lại có một xe bán cháo, trái cây, cơm, bánh mỳ hoặc đồ ăn vặt. Người bán hàng không ai dùng bao tay nylon để làm thức ăn cho khách. Một quán cơm bày bàn ngay sát nhà vệ sinh công cộng. Thức ăn không được che đậy bằng bất cứ dụng cụ nào. Tương tự, trước cổng Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM, 2 nhà vệ sinh công cộng đều được người bán hàng tận dụng để bán thức ăn, bán cà phê. Khoai lang, chuối luộc được một người phụ nữ bày bán sát cổng giữ xe, và thức ăn hoàn toàn “trần trụi”.

Tuy nhiên, tình trạng bán thức ăn ngay trước cửa nhà vệ sinh công cộng, bàn ăn bày ngay miệng cống, sát hố ga, thức ăn nhanh “trần trụi”, không một dụng cụ che đậy... là những hình ảnh đã trở nên quá quen thuộc với cả người dân Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác.

Còn trên các đường phố Hà Nội, chưa bao giờ vỉa hè lại được tận dụng tối đa như hiện nay. Chỉ vài ba chiếc ghế nhựa thành quán trà đá, cái bếp nhỏ thành quán ăn khoái khẩu của sinh viên, người lao động nghèo với đủ đồ chiên rán… bày la liệt. Đa số những quán ăn này tập trung ở gần các trường đại học, khu công nghiệp và bệnh viện. Bạn Hoàng Công Hoàn (Cầu Giấy) cho biết: “Dù biết là thức ăn ở đây không đảm bảo vệ sinh, ngồi vỉa hè thì bụi bẩn bám đầy thức ăn, nhưng vì quán ăn vỉa hè giá rẻ lại ngon miệng nên luôn là lựa chọn hàng đầu, chứ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm thì em không quan tâm lắm”.

Qua khảo sát một số chợ trên địa bàn Hà Nội chiều 13.1, PV ghi nhận mặc dù còn gần một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, song rất nhiều thực phẩm với vô số mẫu mã, chủng loại đã được bày bán la liệt. Thực phẩm tươi sống như thịt, cá và các loại thực phẩm khác như giò, chả… cũng được bày bán tràn lan.

Cuối năm cũng là dịp người người, nhà nhà tổ chức liên hoan, hội họp, do đó từ nhà hàng đến các quán ăn đường phố đều luôn tấp nập khách ra-vào. Tuy nhiên, do lượng khách đông cũng là thời điểm hàng quán không chú ý đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Ghi nhận tại một số tuyến phố tập trung dày đặc các quán ăn uống như Nguyễn Chí Thanh, Chùa Láng, Nghĩa Tân, Hai Bà Trưng… thì thấy, hầu như thời điểm nào trong ngày, các quán ăn cũng luôn đông khách. Các quán nhỏ chỉ cần có ghế nhựa, gánh đồ ăn. Do không gian hạn hẹp, nên việc chế biến và vệ sinh bát đũa không sạch sẽ. Bát bẩn được đổ dồn thành một đống ở góc nhà, nhân viên chỉ cần 2-3 thùng nước sạch là có thể rửa xong bát đĩa rồi mang lên phục vụ khách. Cốc uống nước thì chỉ cần tráng qua loa trong một chậu nước là đã có thể sử dụng cho các khách hàng tiếp theo.

Xử lý khó “thấu tình đạt lý”

Theo BS Huỳnh Mai, cái khó trong quản lý thức ăn đường phố là thiếu quy hoạch. Nhóm đối tượng kinh doanh thức ăn đường phố khó “vào nếp”, nhất là những người bán thức ăn trên các xe đẩy. Với phương tiện linh động, họ di chuyển và bán hàng ở địa bàn rộng, khó quản lý. Đa phần, các hàng ăn này chưa đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy vậy, các hộ kinh doanh này thường rất nghèo, một gánh hàng rong có thể là vốn liếng và nuôi sống cả gia đình. Do vậy, nếu thấy họ vi phạm mà “hốt hàng” hay xử phạt ngay thì “đạt lý” nhưng chưa “thấu tình”. Hiện tại, cán bộ vẫn thường dùng hình thức xử lý nhắc nhở với nhóm đối tượng này. Tuy nhiên, theo BS Mai, về tương lai, các UBND phường cần quy hoạch một nơi kinh doanh cố định cho các hộ kinh doanh ở khu vực này để dễ quản lý. Nếu họ không đồng ý kinh doanh ở khu vực này thì sẽ không cho phép kinh doanh nữa.

Còn đối với nhà sản xuất lợi dụng dịp tết tuồn các thực phẩm bẩn ra thị trường, ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế - cho rằng: “Phải xử lý thật nghiêm, đặc biệt là đối với các cơ sở vi phạm nghiêm trọng phải được công bố lên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết. Nếu doanh nghiệp nào vi phạm đến lần thứ 3, cục sẽ thu hồi toàn bộ giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm, thu hồi giấy phép hoạt động đồng thời yêu cầu dừng lưu thông.

Tình từ đầu năm đến ngày 16.12.2015, Cục An toàn thực phẩm đã xử lý 251 cơ sở, tổng số tiền phạt lên đến hơn 4,5 tỉ đồng, gấp đôi so với năm 2014 (Lao động trang 1).

Công bố phương pháp mới dự phòng tái nghiện tại Việt Nam

Ngày 13.1, Viện Nghiên cứu Tâm lý người sử dụng ma tuý (PSD) đã tổ chức Lễ công bố đề tài nghiên cứu khoa học: “Nguyên nhân tái sử dụng ma túy và phương pháp mới dự phòng tái nghiện”.

20 năm nghiện ma tuý vẫn cai được

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Mạc Văn Trang – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tâm lý người sử dụng ma tuý (PSD) khẳng định: “Chúng tôi quan niệm, dù dùng phương pháp gì thì cũng phải coi người cai nghiện là trung tâm, dùng tình yêu thương để cảm hóa, giúp họ vượt qua những khó khăn. Mọi tác động bên ngoài đều phải thông qua cơ chế tự điều chỉnh bên trong của cơ thể mới đem lại hiệu quả. Vì vậy, bí quyết trị liệu tâm lý là đem lại cho người cai nghiện ma túy Niềm tin và Kỹ thuật để vượt qua trạng thái thèm nhớ ma túy, dần dần tự làm chủ bản thân, trước các tác nhân gợi nhớ, thèm khát ma túy.”

Phương pháp trị liệu tâm lý của Viện (PSD) diễn ra trong thời gian 3 tháng dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia có chuyên môn sâu, giàu kinh nghiệm. Phương pháp được chia làm ba giai đoạn chính nhằm giảm sức hút của ma túy đến từ các tác nhân kích thích, giúp chủ thể có những kỹ năng cần thiết để vượt qua cơn thèm nhớ ma túy, quản lý sự căng thẳng tâm lý hiệu quả; và từ đó giúp chủ thể hình thành những dạng phản xạ mới, định hướng hành vi KHÔNG sử dụng ma túy.

Trong hội thảo, anh Nguyễn Văn Lâm (Hải Phòng)- một trong những người đã cai nghiện thành công bằng phương pháp mới chia sẻ: “Tôi là người đã từng sử dụng ma túy suốt 20 năm và cai nghiện không dưới 10 lần. Việc thường xuyên tái nghiện khiến tôi chán nản và mất hoàn toàn niềm tin vào bản thân mình. Có đêm, sau khi đi hút về, tôi lật màn nhìn thấy vợ con đang ngủ, tôi ngồi khóc, hứa với mình sẽ bỏ ma tuý nhưng hôm sau, chỉ cần bạn bè rủ rê là người tôi đã nóng bừng lên rồi, tôi lại hút. Đến khi gặp được anh Tuấn và được anh giúp đỡ cai nghiện bằng phương pháp mới, tôi đã cai được".

Bạn nghiện- nguyên nhân chủ yếu của tái nghiện ma tuý

Tại hội thảo, Viện PSD đã báo cáo kết quả nghiên cứu: “Nguyên nhân tái sử dụng, tái nghiện ở người cai nghiện ma tuý” và phương pháp mới dự phòng tái nghiện. Nghiên cứu này được thực hiện trên 1.329 học viên đang cai nghiện tại 7 Trung tâm Chữa bệnh, Giáo dục và Lao động Xã hội thuộc 6 tỉnh thành phía Bắc. Kết quả nghiên cứu cho thấy có một mối liên hệ đặc biệt giữa 3 nhóm nguyên nhân trên với hành vi tái sử dụng ma túy của người nghiện.

Trong đó: “Hình ảnh người bạn nghiện” có ảnh hưởng lớn nhất (chiếm 87,7%) tới hành vi tái sử dụng ma túy, tiếp theo là “đôi mắt”, “mùi của người bạn nghiện” là 31% và 45,5%. Đối với đồ vật/ dụng cụ thì “giấy bạc thuốc lá” và “bơm kim tiêm” có mức ảnh hưởng là 32,7% và 68%; “quán nước hay ngồi với bạn nghiện”, “nơi mua bán ma túy” là 43,1% và 56,9%. Khi người nghiện rơi vào các cảm xúc tiêu cực như “bị kỳ thị / xa lánh 52,7%”, “cảm thấy trầm uất/cô đơn 43,2%”, “tức giận/ bực bội 38,2%), “mất niềm tin 37,7%”.

Ngoài ra với các tình huống như: “gặp lại nhóm bạn cùng nghiện chiếm 62,3%”, “bị bạn nghiện rủ rê dùng lại ma túy 48,2%”, “khi sử dụng các chất kích thích 47,7%), nói chuyện với bạn bè về ma túy cũng đều kích thích ham muốn sử dụng ma túy đối với người nghiện. Ông Lê Trung Tuấn, chủ nhiệm đề tài này cho biết: Chúng tôi tiến hành thử nghiệm trên 60 người. Đến nay, gần 70% số người nghiện đã được cai nghiện thành công. Họ đã không sử dụng ma tuý trong vòng 3 năm nay".

Đánh giá về kết quả của nghiên cứu, ông Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội chia sẻ: “Tôi mong rằng Viện Nghiên cứu Tâm lý người sử dụng ma túy cố gắng nghiên cứu mở rộng hơn nữa, nó không chỉ dừng lại ở hiệp hội này, mà nó mở rộng ra để Chính phủ thấy được những thành quả đó. Trên cơ sở đó, mới có những đầu tư cho nó đến nơi đến chốn, để tác động đến các đối tượng nghiện ma túy, giúp cho họ quay trở lại cộng đồng, giúp cho họ trở lại đời thường và thoát khỏi cái chết trắng nghiện ma túy, đó mới là cái nhân văn cần hướng tới. Riêng về Quốc hội và Chính phủ thì tôi nghĩ chắc chắn sẽ ủng hộ tối đa.”

Phát biểu tại lễ công bố, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội – ông Nguyễn Trọng Đàm cho rằng: “Chúng tôi đánh giá cao hai nghiên cứu, đã cung cấp cơ sở khoa học, từ đó đưa ra phác đồ điều trị tâm lý rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay, để có thể giúp những người nghiện dứt bỏ hoàn toàn được ma tuý.” (Lao động online, Lao động trang 3)

Lan tỏa trách nhiệm xã hội

"Hơn 100 đơn vị máu mà tôi được truyền không chỉ tiếp thêm sự sống mà còn cho tôi thêm niềm hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn. Chúng tôi luôn biết ơn và trân trọng những người hiến máu – họ không chỉ chia sẻ dòng máu mà còn chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng”– anh Đào Văn Hiệu (28 tuổi), một bệnh nhân mắc bệnh tan máu bẩm sinh cho biết. Phát hiện bệnh từ năm 2012, đến nay, nhờ được truyền hơn 100 đơn vị máu mà anh Hiệu vẫn có thể duy trì cuộc sống của mình như một người bình thường, có thể đứng trên bục giảng hàng ngày để truyền đạt tri thức cho học sinh. Dù biết rằng cuộc sống phía trước sẽ phải phụ thuộc hoàn toàn vào những đơn vị máu mà cộng đồng hiến tặng nhưng anh vẫn luôn vui vẻ, lạc quan, và dành hết sức lực của mình cho công việc vì anh cho rằng “Người hiến máu đã chia sẻ trách nhiệm của mình với những người bệnh thì chúng tôi phải có trách nhiệm với chính tương lai của mình”.

Trong những năm qua, hàng triệu bệnh nhân như anh Hiệu đã được cứu sống nhờ những đơn vị máu hiến tặng từ cộng đồng. Việc hiến máu đã không còn là của từng cá nhân đơn lẻ, việc vận động hiến máu cũng không chỉ là công việc của ngành y tế, của Hội Chữ thập đỏ, mà đã được cả xã hội cùng chung tay hỗ trợ. Nhiều đơn vị đã đứng ra chủ trì công tác vận động và tổ chức các cuộc hiến máu lớn góp phần khắc phục tình trạng khan hiếm máu như: Báo Tiền Phong với chương trình “Chủ nhật Đỏ”, Tổng cục Chính trị Công an nhân dân với ngày hội “Giọt máu nghĩa tình vì đồng đội thân yêu”, Đoàn khối Doanh nghiệpTrung ương với chuỗi ngày hiến máu tại các đơn vị trực thuộc, Tập đoàn Điện lực Việt Nam với “Tuần lễ hồng EVN”, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, Công ty Cổ phần Vòng tay Việt hỗ trợ tối đa trong chuyến hành trình vận động hiến máu xuyên Việt “Hành trình Đỏ”… và hàng trăm cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội thường xuyên tổ chức hoạt động hiến máu vào các dịp khan hiếm nguồn người hiến máu.

Ông Lê Xuân Sơn – Tổng biên tập báo Tiền Phong chia sẻ: “Chúng tôi luôn coi việc tổ chức hoạt động hiến máu là trách nhiệm xã hội của mình và mong muốn được chia sẻ trách nhiệm đó với những người bệnh cần máu. Hơn tất cả, chúng tôi mong muốn lan tỏa lòng nhân ái, thay đổi nhận thức của cộng đồng về hiến máu, góp phần phát triển phong trào hiến máu tình nguyện tại Việt Nam”.

Nhằm ghi nhận, tri ân và biểu dương các cá nhân, tập thể, các đơn vị tích cực trực tiếp chỉ đạo, tổ chức và kêu gọi các tầng lớp nhân dân tham gia hiến máu trên địa bàn thành phố Hà Nội một cách có hiệu quả, bền vững, Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư phối hợp với Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện thành phố Hà Nội tổ chức trao Giải thưởng Giọt hồng từ năm 2008 đến nay. Nhiều tập thể và cá nhân xuất sắc đã được nhận giải như: Báo Tiền Phong, Ban Chỉ đạo HMTN quận Nam Từ Liêm, trường ĐH Thủy lợi, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Công an thành phố Hà Nội, Hoa hậu biển Nguyễn Thị Loan…

Theo tổng hợp của Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư năm 2015, Viện đã tiếp nhận được hơn 247.000 đơn vị máu, trong đó 98% từ người cho máu tình nguyện của trên 500 cộng đồng là các đơn vị, tổ chức được chia theo các khối như: quận/huyện, trường học, phường/xã, các cơ quan, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang, các tổ chức xã hội… Với ý nghĩa đó, giải thưởng Giọt hồng sẽ là cơ hội để trách nhiệm xã hội của mỗi tập thể, mỗi cá nhân được lan tỏa sâu rộng đến đông đảo tầng lớp nhân dân trong xã hội, góp phần làm cho xã hội nhân văn hơn, đoàn kết hơn nhờ sợi dây liên kết là những giọt máu hồng - nhựa sống vô giá của mỗi con người.

Từ năm 2008 đến năm 2014 đã có 62 đơn vị đạt giải thưởng Giọt hồng, năm nay giải thưởng được mở rộng hơn với quy mô 13 giải cho các tập thể và cá nhân. Lễ trao giải sẽ được tổ chức vào ngày 14/01/2016 tại Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư (Tiền phong trang 7).

Thuê nhà trọ chờ hiến máu

Từ thành thị tới buôn làng vùng sâu vùng xa, mỗi khi nghe vận động hiến máu lập tức đông đảo tình nguyện viên có mặt. Mươi năm trước điều đó chỉ có trong mơ, nhưng vài năm gần đây đã là chuyện thường ngày, và Đắk Lắk trở thành một trong những tỉnh thành tích cực nhất trên cả nước về phong trào hiến máu. Những cá nhân thiện nguyện

Gần tròn 20 năm kể từ lần hiến máu đầu tiên tại Bệnh viện Chợ Rẫy trong màu áo sinh viên Đại học Ngoại thương, tới nay anh Mai Tiến Hùng đã 30 lần hiến máu và 2 lần hiến tiểu cầu, để cứu người thập tử nhất sinh.

Buôn Ma Thuột rất nhiều người biết quán karaoke Mi Thứ địa chỉ 42 Nguyễn Văn Trỗi do anh Mai Tiến Hùng làm chủ không chỉ là nơi đến để ca hát, mà còn là điểm hẹn của một “ngân hàng máu sống” (NHMS) gồm 51 bạn bè, đồng nghiệp, nhân viên, người thân, hàng xóm của anh Hùng. Trong 5 năm qua, NHMS Mi Thứ đã hiến hơn 350 đơn vị máu. Vợ anh Hùng- chị Võ Thị Lan thành viên NHMS không những nhiệt tình cổ vũ chồng hiến máu, mà còn cùng chồng tham gia bảo  trợ 2 gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong phường, hàng tháng đến giúp đỡ những mái ấm nuôi dưỡng người già neo đơn, tàn tật, ủng hộ bếp ăn từ thiện của bệnh viện.

Đi đầu trong phong trào hiến máu nhân đạo, anh Mai Tiến Hùng vừa được vinh danh tại đại hội Thi đua Yêu nước tỉnh Đắk Lắk, nhiều lần được Bộ Y tế và lãnh đạo tỉnh tặng bằng khen. Khi Chủ nhật Đỏ (CNĐ) được tổ chức lần đầu tiên tháng 1/2014 tại Đắk Lắk, anh Mai Tiến Hùng được nhận cúp pha lê của chương trình.

Anh Hùng chia sẻ: Mỗi lần hiến tiểu cầu, người hiến phải nằm hơn 2 tiếng để máu chảy qua máy lọc, tự động chiết tách lấy 2 đơn vị tiểu cầu đậm đặc từ 900 ml máu, nên phải chịu mệt gấp đôi so với hiến máu toàn phần. Riêng trong năm 2015, Hùng đã 2 lần hiến tiểu cầu để cứu 2 phụ nữ sinh con bị băng huyết. Nhìn dòng tiểu cầu lọc từ máu mình truyền vào cơ thể nạn nhân đẩy lùi cơn nguy kịch, cứu sống cả mẹ lẫn con, Hùng ấm lòng nghĩ đó là món quà đặc biệt năm mới cho người không quen. Vừa biết tin chương trình CNĐ sắp tổ chức lần thứ ba tại Đắk Lắk, Hùng đã đăng ký tham gia tại điểm hiến trường Cao đẳng Sư phạm, vào chiều ngày 21/1/2016.

Gia cảnh chật vật hơn anh Mai Tiến Hùng, nhưng bề dày làm hoạt động thiện nguyện của  cựu binh Nguyễn Tấn Chờ ở thôn Tiến Thịnh, xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar cũng rất đáng nể, với 21 lần hiến máu và 6 lần hiến tiểu cầu suốt 26 năm qua. Anh cũng thường trực ở bếp ăn tình thương để góp phần cưu mang, giúp đỡ người nghèo ở bệnh viện huyện. Năm 2015, anh Chờ đã được biểu dương trong Đại hội thi đua của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ tư. Đến các tập thể sôi nổi

Năm 2011, Đoàn thanh niên Công an tỉnh Đắk Lắk thành lập Câu lạc bộ “Giọt hồng” với hơn 500 cán bộ chiến sĩ thành viên. Trong 4 năm, “Giọt hồng” đã huy động 20 đợt hiến máu tập trung, thu được hơn 3.200 đơn vị máu, góp phần cứu sống hàng trăm bệnh nhân, nạn nhân nguy kịch tại bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Trong “Giọt hồng”, có anh Cao Quốc Nam cán bộ phòng Hồ sơ và anh Vũ Tùng phòng Cảnh sát Kinh tế 11 lần hiến máu, anh Lê Văn Lâm phòng Tổ chức cán bộ, anh Y Hong Kbuôr phòng Kỹ thuật nghiệp vụ cũng hiến máu 9 lần. Chương trình CNĐ do báo Tiền Phong tổ chức năm 2014 tại Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh, năm 2015 tại Đại học Tây Nguyên đều có nhiều đoàn viên trong sắc phục Công an, bộ đội tham gia. Những đơn vị mạnh trong phong trào hiến máu phải kể đến Đại học Tây Nguyên, Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk. Câu lạc bộ “Sinh viên tình nguyện hiến máu nhân đạo” trường Đại học Tây Nguyên là một trong những “ngân hàng máu sống” ra đời đầu tiên và hoạt động bền bỉ, hiệu quả nhất trên địa bàn tỉnh.

Lực lượng tình nguyện viên hầu hết là sinh viên đang học hoặc mới ra trường, thường trực tinh thần hiến máu cứu người kiểu “kêu đâu chạy đó”, “thiếu đâu cho đó”.

Mấy năm trở lại đây, mạng lưới tình nguyện viên hiến máu đã phủ kín cả 184 xã phường trên toàn tỉnh. Cấp huyện, phong trào mạnh nhất ở Ea Kar, Ea Súp, Krông Pắk, Krông Năng, Cư M’gar...

Thuê nhà trọ chờ hiến máu

Ea Súp là huyện biên giới, cách trung tâm tỉnh cả trăm cây số, đời sống đồng bào các dân tộc còn nhiều khó khăn, nhưng năm nào Ea Súp cũng vượt chỉ tiêu hiến máu. Nông dân từ các xã giáp biên như Ia R’vê, Ia Lốp hễ nghe có đợt vận động lại rủ nhau chạy xe máy bốn, năm chục cây số về huyện thuê nhà trọ ngủ lại, để sáng hôm sau hồi sức mà thử máu.

Huyện M’Đrắk cửa ngõ phía Đông tỉnh, thống kê của Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) cho thấy đã có 47 người đã hiến máu từ 5 lần trở lên, trong đó có người hiến tới lần thứ 13. Nghĩa cử cao đẹp này lan tỏa tính thiện, giúp cộng đồng xã hội sống nhân ái hơn.

Ea Kar nằm dọc quốc lộ 26 là huyện đông dân, giao thông thuận lợi hơn, ở đó có Ea Păl là một trong những xã nghèo lại đông đảo người dân ủng hộ việc hiến máu. Bà Nguyễn Thị Vinh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Ea Păl cho biết: Trước đây, lực lượng hiến máu trong xã chủ yếu là thanh niên, học sinh. Bây giờ có cả nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh... đều tích cực hưởng ứng! 

Ea Kar ngày càng có thêm nhiều tấm gương hiến máu tiêu biểu, danh sách những người hiến máu trên 10 lần ngày càng nhiều. Từ khi cả thị trấn trung tâm huyện đến các thôn xã vùng sâu đều tham gia tích cực vào phong trào hiến máu, bệnh viện huyện đã bảo đảm đủ máu dự trữ cho nhu cầu cấp cứu và điều trị bệnh nhân.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hoa, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện huyện Ea Kar cho biết: 10 năm qua, huyện Ea Kar đã vận động triển khai được 24 đợt hiến máu nhân đạo, gần 7.400 người tham gia, hiến được 5.858 đơn vị máu.

Những cá nhân đi đầu như ông Nguyễn Công Tuấn - Ban dân vận huyện ủy đã hiến máu 11 lần, anh Khiếu Đình Dũng - Bí thư đoàn xã Ea Sar và anh Trương Văn Hà  ở thôn 3 xã Ea K’mut đã hiến 14 lần; Phụ nữ cũng có chị Nguyễn Thị Tuyết ở khối I thị trấn Ea Kar hiến 10 lần, chị Nguyễn Thị Liên ở thôn 7  xã Ea Đar hiến máu 9 lần…

Khi nghe đài huyện đưa tin chương trình CNĐ 2016 sẽ tổ chức ở Ea Kar vào 23/1 sắp tới, từ cán bộ đến người dân đều nhiệt tình hưởng ứng. Chỉ sau vài ngày vận động, đã có gần một nghìn tình nguyện viên tham gia. Trong đó, riêng xã Ea K’mut hơn 20 thôn buôn đăng ký trên 300 người (Tiền phong trang 9).

Thêm hệ thống chẩn đoán bệnh từ xa tại đảo Phú Quốc

Ngày 13-1, Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) nghiệm thu đưa vào sử dụng hệ thống Telemedicine kết nối trực tiếp với Đội điều trị 78 (thuộc Bộ tư lệnh Vùng 5 Hải quân) tại đảo Phú Quốc.

Theo thiếu tướng Đỗ Năng Tĩnh - phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, hệ thống Telemedicine được đầu tư tại hai đơn vị trên sử dụng công nghệ hiện đại có chuẩn nén hình ảnh H264 SVC nên có chất lượng hình ảnh và âm thanh tốt hơn so với hệ thống cũ.

Việc đưa vào hoạt động Telemedicine nhằm chuyển giao kỹ thuật, tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho Đội điều trị 78 trong khám và điều trị bệnh. Nhờ hệ thống này, khi Đội điều trị 78 tiếp nhận điều trị những ca bệnh nặng sẽ có điều kiện được các giáo sư, bác sĩ đầu ngành của quân đội hỗ trợ chẩn đoán, điều trị từ xa (Tuổi trẻ trang 14, Nhân dân trang 5).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang