Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 14/12/2018

  • |
T5g.org.vn - Cứu sống bệnh nhân bị suy tim nặng; Vinh danh các tập thể, cá nhân trong phong trào hiến máu tình nguyện; Thương tật cả đời vì tin lang băm...

 

Cứu sống bệnh nhân bị suy tim nặng

Biết được hoàn cảnh bệnh nhân khó khăn, Phòng Công tác xã hội BVĐKTƯ Cần Thơ, đã kết nối nhà hảo tâm hỗ trợ 40 triệu đồng chi phí phẫu thuật.

Ngày 13-12, BSCKII Nguyễn Minh Nghiêm, Trưởng phòng Kế hoạch – Tổng hợp Bệnh viện đa khoa Trung ương (BVĐKTƯ) Cần Thơ cho biết, các BS của bệnh viện vừa phẫu thuật thành công cho một bệnh nhân bị suy tim nặng; đồng thời vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ bệnh nhân 40 triệu đồng chi phí phẫu thuật.

Theo đó, năm 2016, chị Bùi Thị D. (35 tuổi, quê Hậu Giang), phát hiện mình bị suy tim nặng nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chị khám, điều trị không liên tục. Do tình trạng bệnh ngày càng nặng, chị D. không thể làm việc tiếp nên về quê Hậu Giang dưỡng bệnh.

Lúc 16h45 ngày 1-12, chị D. bị mệt, nặng ngực, khó thở nhiều nên được gia đình đưa đến BVĐKTƯ Cần Thơ cấp cứu. Sau khi thăm khám, các BS chẩn đoán bệnh nhân bị hẹp van động mạch chủ khít; hở van 3 lá nặng; tăng áp động mạch phổi trung bình; rung nhĩ… và chỉ định phẫu thuật.

Với chi phí ngoài bảo hiểm thanh toán cho cuộc phẫu thuật trên 60 triệu đồng là số tiền quá lớn đối với chị D. Gia đình chị chạy vạy khắp nơi chỉ được 20 triệu đồng.

Sau khi biết được hoàn cảnh gia đình chị D. rất khó khăn, Phòng Công tác xã hội BVĐKTƯ Cần Thơ, đã kết nối nhà hảo tâm hỗ trợ chị D. 40 triệu đồng chi phí phẫu thuật.

Cuộc phẫu thuật diễn ra thành công do Th.s-BS Lâm Việt Triều, quyền Trưởng khoa Phẫu thuật tim cùng ê-kip thực hiện.

Ngày 13-12, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, tình trạng sức khỏe ổn định, dự kiến xuất viện trong vài ngày tới. (Công an Nhân dân,  trang 2).

                                                          

Tăng cường kiểm soát nguồn gốc thực phẩm

Hiện nay, việc kiểm soát nguồn gốc thực phẩm về các chợ trên địa bàn thành phố, nhất là các chợ đầu mối, vẫn là bài toán khó. Thành phố đang chuẩn bị bước vào những tháng cao điểm về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) dịp cuối năm do lượng hàng hóa về các chợ tăng cao, càng cần tăng cường kiểm soát nguồn gốc thực phẩm để bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng.

Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan cho hay, tháng 2-2018, Ban đã nhận được đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo từ Sở Công thương thành phố. Thực hiện đề án này, Ban bảo đảm tỷ lệ thịt heo vào các chợ đầu mối có nguồn gốc truy xuất cẩn thận. Tuy nhiên, vấn đề trăn trở là làm sao để thịt heo trước khi được đưa vào thành phố cũng phải an toàn, vì nếu như chỉ căn cứ vào truy xuất mà cho rằng đây là thịt heo an toàn thì không ổn. Nhằm bảo đảm chất lượng ATVSTP trên địa bàn thành phố, ngoài việc thực hiện truy xuất nguồn gốc thịt heo, sắp tới, thành phố sẽ áp dụng truy xuất đối với những mặt hàng khác như thịt gà, rau củ quả…

Chia sẻ thêm thông tin về việc quản lý nguồn gốc thực phẩm tại 240 chợ truyền thống, bà Phong Lan cho biết, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố đã tổ chức kiểm tra việc ghi chép nguồn gốc hàng hóa tại các chợ truyền thống. Theo ghi nhận, các chợ truyền thống thực hiện tốt vấn đề ATVSTP đối với hàng hóa và đều có thông tin cụ thể mua hàng ở đâu. Dự kiến, năm 2019, Ban sẽ công bố thông tin các chợ bảo đảm ATVSTP để người tiêu dùng nhận biết và chọn lựa. Ðể phòng, chống thực phẩm bẩn dịp cuối năm, thành phố xây dựng nguồn thực phẩm sạch đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP… thông qua hoạt động kết nối các tỉnh, thành phố lân cận với việc cấp hơn 300 giấy chứng nhận ATVSTP cho các đơn vị liên kết, đơn vị sản xuất đạt chuẩn.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Phước Trung cũng cho biết, thành phố mỗi ngày tiêu thụ khoảng 10.000 con heo. Các chủ cơ sở giết mổ phần lớn là cho thuê mặt bằng, chủ lò tổ chức giết mổ gia công, còn người nuôi lại là người khác. Thương lái thường gom heo từ nhiều nguồn cho nên khó khăn trong việc xác định nguyên nhân khi bị phát hiện vi phạm. Do đó, trước đây cơ quan chức năng chỉ mới xử phạt được chủ lò giết mổ, mà chưa quản lý được thương lái. Từ năm 2019, thành phố sẽ có năm nhà máy giết mổ heo công nghiệp, một cơ sở giết mổ gia cầm và một cơ sở giết mổ trâu, bò để thay thế các cơ sở giết mổ thủ công. Từ tháng 6-2019, tất cả cơ sở giết mổ heo đang xây dựng sẽ đi vào hoạt động. Ðến cuối năm, hai cơ sở giết mổ còn lại cũng sẽ đi vào hoạt động. "Các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, thịt heo tập trung của thành phố chưa đi vào hoạt động theo kế hoạch đề ra (năm 2018 phải đi vào hoạt động) là do chủ đầu tư thiếu vốn, thủ tục cấp giấy phép xây dựng còn rườm rà… Khi hoàn thiện các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung sẽ giúp thành phố kiểm soát chặt hơn việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm gia súc, gia cầm trước khi các loại thực phẩm này về đến các chợ truyền thống", ông Nguyễn Phước Trung cho biết thêm.

Theo Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh Ðào Hà Trung, công đoạn đeo vòng truy xuất nguồn gốc chỉ là bước đầu, sau khi giết mổ, thịt heo sẽ được chuyển qua dán tem giấy để người tiêu dùng có thể truy xuất được các thông tin khi về các kênh phân phối của thành phố. Hiện, khoảng 70% số heo cung cấp cho thành phố đã được nhận diện truy xuất nguồn gốc. "Tuy nhiên, có thực trạng là người chăn nuôi đang bị nhầm lẫn giữa ATVSTP và truy xuất nguồn gốc. Theo đó, an toàn thực phẩm, dịch bệnh là công việc của thú y vẫn làm hằng ngày từ khi nuôi cho đến khi xuất chuồng. Còn đeo vòng truy xuất được thực hiện khi bắt heo ở trang trại đem về thành phố tiêu thụ nhằm kiểm soát nguồn gốc và cung cấp thông tin cho người tiêu dùng lại là một chuyện hoàn toàn… khác", ông Hà Trung cho biết thêm.

Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang đi theo hai hướng: Truy xuất để chống hàng gian, hàng giả và truy xuất để bảo đảm thực phẩm an toàn. Thực tế, việc truy xuất để chống hàng gian, hàng giả được thực hiện thường xuyên hơn. Với thực phẩm, theo các chuyên gia nhận định là đang làm đối phó và theo kiểu "đầu voi đuôi chuột". (Nhân dân,  chuyên trang TP.HCM).

 

Vinh danh các tập thể, cá nhân trong phong trào hiến máu tình nguyện

Ngày 13-12, lễ trao giải "Giọt hồng” và gặp mặt nhà quản lý các đơn vị phối hợp tổ chức hiến máu năm 2018 đã diễn ra tại Hà Nội.

Đây là năm thứ 11, Viện Huyết học - Truyền máu trung ương tổ chức chương trình để tri ân những góp tích cực của các đồng chí lãnh đạo, các nhà quản lý với phong trào hiến máu tình nguyện. Tại buổi lễ, 15 tập thể và 12 cá nhân tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc có thành tích nổi bật trong phong trào hiến máu tình nguyện năm qua đã vinh dự được trao giải.

Tính đến hết tháng 11-2018, Viện đã tiếp nhận được hơn 320.000 đơn vị máu, trong đó hiến máu tình nguyện là hơn 317.000 đơn vị (đạt 99% tổng lượng máu và tăng 6,7% so với năm 2017). Đây là những con số đáng ghi nhận về kết quả tổ chức hiến máu tại các địa phương trên cả nước. (Hà Nội mới,  trang 3)

Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô, trang 2: “Giải thưởng “Giọt hồng” 2018: Vinh danh những tấm lòng nhân ái”

 

Đổ bệnh vì rét đậm

Thời tiết chuyển lạnh, nhiệt độ xuống thấp khiến cho nhiều người đột nhiên bị méo miệng, lệch mặt. Cùng với đó, độ ẩm cao cơ thể rất dễ bị nhiễm bệnh nhất là những bệnh lên quan đến đường hô hấp trên như: viêm họng, hầu, mũi, viêm thanh quản, VA, viêm các xoang...

Méo mồm, lệch mặt vì rét

Những ngày rét buốt vừa qua, tại Bệnh viện Châm cứu T.Ư tiếp nhận khoảng hơn 10 ca bệnh nhi liệt dây thần kinh ngoại biên số 7 gây ra tình trạng liệt mặt, méo miệng. Bệnh nhi K.H. (3 tuổi, ở Sơn La) nhập viện vì bị méo miệng do liệt dây ngoại biên số 7 bên trái. Bố bệnh nhân cho biết khi thấy con nói hơi ngọng, cười miệng bị méo nên đã đưa con đến phòng khám tư thăm khám. Tại phòng khám tư, bác sĩ chẩn đoán cháu bị liệt dây thần kinh ngoại biên số 7 anh chuyển con đến Bệnh viện Châm cứu T.Ư điều trị.

Cùng nằm phòng với H. là bé L.T.M (2 tuổi) vào viện trong tình trạng không ngậm chặt được miệng, một mắt nhắm không kín, cười miệng méo xệch. Người nhà bệnh nhi cho biết, mấy ngày trước, bé được mẹ chở xuống bà ngoại chơi. Sau một đêm ngủ dậy, bà ngoại thấy cháu cười lệch nên cho lên Bệnh viện Châm cứu T.Ư khám. Đáng lưu ý, cháu H. thường được cho tắm đêm. Các bác sĩ nghi ngờ đây chính là nguyên nhân khiến trẻ bị liệt dây thần kinh số 7.

Bác sĩ Đặng Thị Hoàng Tuyên, Trưởng khoa Nhi cho biết, khoảng 1 tuần nay, khoa tiếp nhận 5 ca liệt dây thần kinh ngoại biên số 7.Theo các bác sĩ mưa rét, lạnh đột ngột, nhiệt độ ngày - đêm chênh lệch cao là yếu tố làm gia tăng bệnh nhân mắc các triệu chứng của liệt dây thần kinh ngoại biên số 7. Những trẻ có nhiều nguy cơ mắc bệnh này là trẻ có sức đề kháng kém khi gặp lạnh như đi học lúc sáng sớm không được giữ ấm, đeo khẩu trang, tắm muộn…

Bệnh thường xảy ra đột ngột, người bệnh sau một đêm ngủ dậy đột nhiên khi đánh răng, khi ăn cơm thì nước và thức ăn chảy tràn ra ngoài, soi gương phát hiện khuôn mặt bị biến dạng lệch về một bên. Người bệnh cười nói khó, rõ nét nhất là mặt mất cân xứng: bên liệt trông như mặt nạ, các nếp tự nhiên như nếp nhăn, rãnh mũi má bị mờ hoặc mất, miệng và nhân trung méo về bên lành. Đặc biệt, mắt bên liệt nhắm không kín do liệt cơ khép vòng mi và nhãn cầu bị đẩy lên trên để lộ một phần lòng trắng. Ở một số trường hợp, người bệnh có cảm giác tê một bên mặt, mất vị giác ở 2/3 trước lưỡi, khô mắt do không tiết nước mắt hoặc tăng tiết nước mắt làm nước mắt chảy giàn giụa, nhất là trong hoặc ngay sau bữa ăn. Liệt mặt tuy không đe dọa đến mạng sống của bệnh nhân nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống khiến bệnh nhân nhai khó bên liệt, ăn uống bị rơi vãi. Khi mặt bị liệt, mắt sẽ nhắm không kín nên dễ gây các bệnh về mắt như loét giác mạc và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực.

Bác sĩ Tuyên cho hay, bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng những người thường xuyên thức khuya khiến cơ thể mệt mỏi, tinh thần sa sút, thần kinh bị căng thẳng, sức đề kháng giảm dễ nhiễm lạnh. Để không bị liệt dây thần kinh số 7, nên tránh nơi có gió lùa, nhiệt độ luôn đảm bảo. Đặc biệt, cần ăn uống đủ chất, đủ năng lượng để chống đỡ với trời lạnh. Không tắm quá khuya, nếu trời lạnh, đi ra ngoài cần có khẩu trang, khăn ấm, nếu có việc phải đi xa, tốt nhất nên tránh di chuyển bằng xe máy. Nên bịt kín tai để lạnh giảm tác động vào dây thần kinh số 7. Đối với những bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7, phần lớn bệnh thường khỏi sau khoảng 1-3 tháng nếu được cấp cứu và điều trị đúng. Bệnh tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không điều trị sớm sẽ để lại biến chứng và di chứng về vận động và thẩm mỹ.

Bệnh nhân viêm đường hô hấp gia tăng

 PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, nhiệt độ xuống quá thấp là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người mắc bệnh, chủ yếu là bệnh viêm đường hô hấp, viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi. Những ngày này trẻ em là đối tượng nhạy cảm dễ đổ bệnh nhất do trọng lượng cơ thể thấp, khả năng sinh nhiệt để duy trì nhiệt độ cơ thể cũng hạn chế nên càng dễ bị các biến chứng do nhiễm lạnh. Người cao tuổi do hệ miễn dịch suy giảm cũng dễ mắc các bệnh lý đường hô hấp.

Tại Bệnh viện Nhi T.Ư, tại khu khám bệnh, số trẻ chờ khám chưa trong tình trạng quá tải. Tuy nhiên, PGS.TS Trần Minh Điển cho hay, kinh nghiệm cho thấy thời tiết tiếp tục có rét đậm trong những ngày tới, lượng bệnh nhi đến khám sẽ tăng. Đa số trẻ tới khám vì mắc các bệnh về viêm đường hô hấp. Đặc biệt, nguy cơ mắc tiêu chảy ở trẻ em cũng tăng cao khi thời tiết quá lạnh.

Để phòng bệnh viêm đường hô hấp trên trong mùa đông, quan trọng nhất vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống.

Theo đó, cần mặc ấm, vệ sinh răng miệng hàng ngày, trước và sau khi ngủ dậy. Khi ra đường nên đeo khẩu trang để hạn chế hít phải nhiều bụi. Nơi ở cần sạch sẽ, thông thoáng không bị gió lùa (tránh mở hai cửa lưu thông nhau). Khi có một số dấu hiệu của bệnh viêm đường hô hấp trên như: ho, sốt, sổ mũi, hắt hơi,… không tự ý sử dụng thuốc đặc biệt là thuốc kháng sinh, không điều trị theo lời mách bảo của người khác. Cần đến cơ sở y tế để được bác sĩ khám và điêu trị đúng. (Tiền phong, trang 6)

 

Đằng sau những ca triệt sản. Bài 2:Triệt… thay cho vợ

Triệt sản nam vốn không nhiều bằng nữ, bởi nhiệm vụ nối dõi nặng nề, điều ra tiếng vào và cả sự hiểu biết hạn hẹp khiến họ không dám thực hiện. Nhưng cũng có những ông chồng chẳng cần ai phải vận động, chẳng vì bất cứ áp lực gì, họ tự nguyện đi triệt sản để chia sẻ với người phụ nữ của đời mình. Anh N.T.L (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) là một trong những trường hợp hiếm như thế.

“Ðể anh!”

Trước lúc bấm số để gọi cho anh, tôi đoán chắc sẽ bị từ chối vì mình chạm tới chuyện thầm kín của người ta, vậy mà đầu dây bên kia “ừ, em cứ xuống đây, sau giờ làm việc” với một thái độ quá chừng cởi mở. Anh L trông trẻ hơn nhiều so với tuổi 37 của mình. Dáng người thấp nhỏ, da ngăm ngăm lộ ra vẻ lanh lợi, hiểu đời. Tôi nói rất mừng vì anh đồng ý cuộc gặp này, anh liền xua tay: “Theo chị thì vì sao phải tránh? Đây là can thiệp của y học trên tinh thần tự nguyện của mình mà!”.

Triệt sản nam là hình thức can thiệp bằng cách thắt ống dẫn tinh chặn đường đi của tinh trùng từ túi tinh đi vào bộ phận sinh dục nữ. Cũng như ở nữ, triệt sản nam không có tác động về mặt thần kinh, nội tiết, cũng không ảnh hưởng đến ham muốn tình dục. Sau triệt sản nam nên kiêng cữ giao hợp trong 72 tiếng đồng hồ và dùng bao cao su dự phòng cho 20 lần xuất tinh đầu tiên do tinh trùng tồn đọng ở đoạn còn lại.

Câu chuyện bắt đầu bằng lời kể của chị L.T.T (33 tuổi), vợ anh. Sinh cháu thứ nhất vào năm 2012, hai vợ chồng dự định đợi con thật lớn mới sinh. Bốn năm sau, bị “lỡ”, chị mang bầu sinh thêm một cháu nữa. Chị T thở dài kêu hai đứa con nhỏ dại, trong khi công việc ngập đầu, cũng chẳng thể nhờ nội ngoại khiến cuộc sống rối nhùi lên. Chị tiếp lời: “Cháu được 10 tháng tôi kế hoạch bằng việc tiêm thuốc tránh thai, đến 21 tháng thì đứt thuốc, phải chuyển sang uống. Khổ cái bữa nhớ bữa quên, uống vô mệt người. Tôi tính tới chuyện đi đặt vòng, ngặt nỗi “món này” cũng rắc rối chẳng kém, sức khỏe tôi lại không đảm bảo nữa…”.

Hai vợ chồng đưa nhau lên Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản để nghe lời khuyên từ bác sĩ. Hầu như biện pháp nào cũng ảnh hưởng tới vợ, chỉ còn cách triệt sản. “Trưa ấy về nhà, ảnh nói với tui rằng nếu triệt sản thì để anh, anh muốn chia sẻ với vợ”, chị T vừa kể vừa hướng đôi mắt đầy thương yêu sang chồng. “Tôi cũng đâu có ngờ ảnh quyết cái đùng vậy, tưởng đâu triệt là “cắt phăng” cả, không thì cũng… cắt ít nhiều gì đó, nhưng ảnh bảo mẹ hiểu sai rồi. Ảnh giải thích rõ ràng, còn trấn an tôi chẳng ảnh hưởng gì về sau cả. Thiệt nể chồng mình luôn!”, chị T chẳng tiếc lời khen chồng.

Nghe vợ nhắc chuyện cũ, anh L không nhịn được cười, bảo không chỉ bà xã mà còn rất nhiều người lầm tưởng về triệt sản. “Nếu mình chịu khó tìm hiểu thì triệt sản chẳng hề đáng lo, đáng xấu hổ. Người ta dùng bao cao su, uống thuốc, tiêm thuốc, thì vợ chồng tui chọn cách triệt thôi, cái nào cũng là biện pháp hết mà. Tôi tình nguyện triệt vì đơn giản muốn chia sẻ với vợ mình. Đàn ông cũng phải có trách nhiệm trong chuyện… gối chăn này nữa chứ!”, anh nói cứng.

Chỉ xấu hổ khi không hiểu biết

Căn nhà khá khang trang nằm trong con hẻm ngoằn ngoèo trên đường Hải Phòng của đôi vợ chồng lúc nào cũng có tiếng dạ thưa, hỏi bài của mấy cô cậu học trò tới ôn luyện. Đều tốt nghiệp hai trường đại học lớn, anh chị không theo nghề giáo nhưng vẫn dạy thêm cho học trò xung quanh. Mân mê tờ giấy chứng nhận triệt sản của chồng trên tay, chị T giải bày nếu đẻ thêm một, hai đứa nữa anh chị vẫn đủ khả năng kinh tế để nuôi. Tuy nhiên hai vợ chồng muốn dành những điều tốt hơn nữa cho con chứ không chỉ dừng lại ở mức đủ cơm ăn, áo mặc, và được đến trường. Chỉ hai con sẽ có nhiều thời gian chăm sóc hơn, sau này còn tính đến chuyện cho đi du học nữa.

“Trước lúc quyết định phẫu thuật, nhân viên tư vấn, bác sĩ hỏi đi hỏi lại đã cân nhắc kỹ càng chưa làm tôi bỗng lo. Bởi mình có hai đứa con, chẳng biết ngày mai thế nào, không sinh được nữa thì ân hận cả đời… Đang rối bời vậy đó, mà nhìn qua ảnh, thấy ảnh rất bình thản, dứt dạc kêu hai đứa được rồi nên tui cũng an lòng”, chị T thủ thỉ. Vẫn với khuôn mặt đầy lạc quan, anh L chia sẻ thêm đây là quyết định của hai vợ chồng, không hề hỏi ý kiến của người thân, bạn bè. Vì “mình độc lập suy nghĩ, độc lập tài chính, thì phải quyết định hành vi một cách độc lập” chứ không để ai khác quyết thay mình được.

Vậy cuộc sống sau khi triệt sản của anh thế nào? “Bình thường!”, anh đáp gọn tưng. Mấy bữa đầu, anh làm theo đúng lời dặn của bác sĩ, phải “kiêng” chuyện gối chăn, dùng bao cao su trong 20 lần quan hệ đầu tiên. Sau đó thì…thả cửa. “Không hề đau đớn, tâm sinh lý chả đổi khác gì. Sinh hoạt vợ chồng tui vẫn đều như hột bắp. Bà xã còn mừng vì sau này lỡ tui “đi bậy” cũng chằng thèm lo con rơi nữa kìa”, anh tếu táo.

Chị T ngồi bên góp thêm vào, mấy ông hàng xóm biết chuyện anh L đi triệt sản cuộc nhậu nào cũng lôi anh ra, có người đụng mặt còn chọc thằng L “ái ái”, thằng L “thái giám”, thằng L mà “không phải thằng”... Anh hài hước: “Tui biết sẽ đối mặt với mấy chuyện này, có gì mà phải lăn tăn. Họ không hiểu biết mới đáng xấu hổ. Còn tui vẫn là đàn ông, vợ tui biết nè!”. (Tiền phong, trang 8)

 

Bắt đối tượng cầm đầu đường dây mua bán thận

Cơ quan CSĐT công an quận Long Biên phát hiện và bắt giữ đối tượng Nguyễn Đức Thắng (SN 1989, trú Ứng Hòa, Hà Nội) là người cầm đầu đường dây mua bán thận với giá hàng trăm triệu đồng. Theo tài liệu, tháng 11/2018 công an quận Long Biên phát hiện Nguyễn Đức Thắng đến đường Ngọc Lâm thuê cho 8 người từ nơi khác ở.

Trong quá trình điều tra, công an quận Long Biên xác định Thắng cầm đầu đường dây môi giới mua bán thận người có sử dụng vũ khí nóng và số người đối tượng thuê nhà ở là người chờ bán thận.

Ngày 4/12, phát hiện Thắng về 63/66 Ngọc Lâm, công an tiến hành kiểm tra và thu giữ 1 khẩu súng bắn đạn bi, 3 thanh đao và đưa 8 người liên quan đưa về trụ sở.

Theo điều tra ban đầu, Thắng đã từng hiến 1 quả thận cho người cần ghép tại Trung tâm ghép tạng Bệnh viện Việt Đức với giá 250 triệu đồng. Sau đó có nhiều bệnh nhân có nhu cầu ghép thận và người cần bán thận có liên lạc để đặt vấn đề với Thắng. Lúc này, đối tượng đã đứng ra làm môi giới trung gian hưởng chênh lệch.

Khi có người muốn bán thận, Thắng sẽ hướng dẫn làm giấy tờ thủ tục và đưa vào bệnh viện Quân y 103 để khám tổng thể, nếu đủ điều kiện sẽ thống nhất giá bán từ 250 - 270 triệu đồng/quả thận.

Sau đó, Thắng sẽ giao dịch với người mua bán với giá 260-290 triệu đồng và hưởng chênh lệch. Đến nay, Thắng đã môi giới được 2 trường hợp vào tháng 3/2018 với giá 270 triệu đồng và tháng 7/2018 với giá 290 triệu đồng. Tổng số tiền chênh lệch đối tượng nhận được là 60 triệu đồng.

Cuối tháng 10/2018, Thắng liên lạc được với 6 người có nhu cầu bán thận rồi thuê nhà ở Ngọc Lâm để nuôi ăn ở trong thời gian chờ làm thủ tục bán thận.

Ngày 4/12, Thắng bị phát hiện tại nhà trọ tại đường Ngọc Lâm cùng với những người chờ bán thận và người trôi coi nhà cho đối tượng Thắng. (Tiền phong, trang 11)

Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân, trang 1: “Triệt phá đường dây môi giới mua bán thận”; Báo Hà Nội mới, trang 7: “Khởi tố bắt tạm giam đối tượng mua bán thận ở quận Long Biên”

 

Tầm soát, chẩn đoán và điều trị bệnh tật trước và sau sinh

Theo ông Trần Văn Trị, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TPHCM, trong 10 năm qua chi cục đã tổ chức tốt các chương trình chăm lo, nâng cao chất lượng dân số giai đoạn đầu đời; khám sức khỏe tiền hôn nhân; kiểm soát hiệu quả tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh...

Riêng năm 2018, tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt 82,7%; tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc đạt 82,6%; tỷ số giới tính khi sinh dự báo 105,3 bé trai/100 bé gái. Năm 2018 có 179.165 người cao tuổi được lập hồ sơ khám sức khỏe định kỳ, vượt 15% so với chỉ tiêu Trung ương giao; 564.500 trường hợp thực hiện các biện pháp phòng tránh thai, đạt 129% so với kế hoạch...

Ngành dân số TP đã xây dựng triển khai mô hình kế hoạch thực hiện chương trình tầm soát, chẩn đoán, điều trị bệnh tật trước sinh và sau sinh tại 100% quận/huyện, xã/phường/thị trấn; duy trì hoạt động 70 câu lạc bộ “Người cao tuổi giúp người cao tuổi” với hơn 1.350 hội viên. Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP đã phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức truyền thông - tư vấn tại các công ty, xí nghiệp với hơn 6.782 lượt công nhân tham gia và tại các trường học với hơn 10.900 lượt sinh viên tham gia....

Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về dân số và Ngày dân số Việt Nam năm nay, ngành dân số TP sẽ tập trung đẩy mạnh mô hình truyền thông chuyên biệt, ưu tiên các nội dung về sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên; đa dạng hóa dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.... (Sài Gòn giải phóng, trang 2)

 

Rét đậm, bệnh nhân đột quỵ tăng 15-30%

Có tiền sử tăng huyết áp điều trị nhiều năm nay, mới đây, khi thời tiết chuyển rét đậm, bà Ph. (60 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đột ngột bị liệt 1/2 người, được đưa vào Bệnh viện Thanh Nhàn cấp cứu…

Theo thông tin từ Bệnh viện Thanh Nhàn, thời điểm vào viện, nữ bệnh nhân kể trên ở trong tình trạng liệt 1/2 người, cơ lực tay trái 0/5, chân trái 0/5, huyết áp cao 180/100… Đáng chú ý, bệnh nhân rất nghèo, không đủ chi phí chi trả cho những kỹ thuật cao. Bác sĩ Phạm Thị Trà Giang, Trưởng khoa Cấp cứu Nội Nhi - Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, qua chụp MSCT 128 dãy, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị tắc động mạch não giữa M1 và trong vòng 30 phút dùng ngay thuốc tiêu huyết khối cho bệnh nhân. Rất may do bệnh nhân được chuyển đến viện sớm nên sau khi tiêm thuốc 1 giờ đã có thể nhấc được tay lên và hồi phục tốt.

Cũng theo bác sĩ Phạm Thị Trà Giang, thời tiết giảm mạnh đột ngột hoặc vào những ngày rét đậm sẽ làm tăng nguy cơ đột quy – tai biến mạch máu não, nhất là ở những người cao tuổi có tiền sử tăng huyết áp. Thực tế tại Bệnh viện Thanh Nhàn, cứ vào mùa lạnh, các đợt rét đậm rét hại, trung bình số bệnh nhập viện vì đột quỵ tăng từ 15% đến 30%.

Lý do vì khi thời tiết giá lạnh, mạch máu sẽ giảm tính đàn hồi, lòng mạch bị thu hẹp khiến lưu lượng máu đến não giảm 1/5 so với bình thường, đặc biệt ở người cao tuổi. Mặt khác, các mạch máu dễ co lại làm tăng huyết áp, tăng áp lực trong lòng mạch. Với người đã có biến chứng xơ vữa động mạch hay huyết khối, mạch máu dễ bị tắc, thậm chí có thể vỡ mạch máu dẫn đến xuất huyết não, đột quỵ.

Không chỉ với người già, người có tiền sử bệnh mãn tính mà ngay cả với trẻ nhỏ, thời tiết giảm đột ngột, rét đậm cũng khiến nhiều trẻ phải nhập viện với các triệu chứng liệt mặt, méo miệng, liệt dây thần kinh.

Tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương, khoảng 1 tuần nay, trung với thời điểm rét đậm tại miền bắc, khoa Nhi của viện đã tiếp nhận 5 ca bị liệt dây thần kinh ngoại biên số 7. ThS.BS Đặng Thị Hoàng Tuyên, Trưởng khoa Nhi – Bệnh viện Châm cứu Trung ương cho biết, thời tiết mưa rét, lạnh đột ngột, nhiệt độ ngày - đêm chênh lệch cao là yếu tố làm gia tăng bệnh nhân mắc các triệu chứng của liệt dây thần kinh ngoại biên số 7.

Theo các bác sĩ, khi gặp lạnh, dây thần kinh số 7 bị tổn thương gây phù nề, viêm nhiễm. Từ đó gây ra bệnh với các biểu hiện như miệng lệch sang một bên, khó nói, mắt nhắm không kín, khi ăn miệng méo sẽ gây rơi vãi thức ăn, đồ uống ở bên bị liệt.

Các bác sĩ khuyến cáo, trong thời tiết giá lạnh, người dân, nhất là người già và trẻ nhỏ cần đảm bảo giữ ấm cơ thể, không được tắm quá muộn, tắm nước lạnh, hạn chế uống rượu bia. Người già không nên đi tập thể dục quá sớm, buổi sáng ngủ dậy nên ở trong phòng ấm 10 - 15 phút làm quen thời tiết trước khi ra ngoài. Nên ăn uống các thức ăn ấm nóng, giàu dinh dưỡng. Những bệnh nhân huyết áp cao, béo phì, tiểu đường cần tuân thủ điều trị. (An ninh Thủ đô, trang 4)

 

Hết thời bán thuốc kháng sinh không toa

Đầu năm 2019, gần 7.700 nhà thuốc tại TP.HCM sẽ được nối mạng và các cơ quan quản lý sẽ kiểm soát xuất xứ thuốc mua vào, bán ra ở mỗi nhà thuốc.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đỗ Văn Dũng - trưởng phòng nghiệp vụ dược Sở Y tế TP.HCM cho biết:

Ở TP.HCM, đến nay đã có 696 nhà thuốc kết nối mạng, dự kiến đầu năm 2019 sẽ kết nối xong. Có phần mềm này, các nhà thuốc sẽ kết nối với Bộ Y tế và Sở Y tế, sẽ có đầy đủ thông tin, tránh được thuốc không có nguồn gốc xuất xứ đi vào trong hệ thống.

Phần mềm còn giúp tăng cường quản lý việc bán thuốc kê đơn, trong đó phải chấm dứt tình trạng bán kháng sinh mà không có đơn của bác sĩ.

Ngoài ra, các nhà thuốc cũng quản lý được hoạt động mua bán thuốc ở góc độ kinh doanh cũng như chuyên môn như nhập, xuất, theo dõi tồn kho, tính lỗ, lãi, theo dõi hạn dùng, số lô của thuốc...

* Với những chuỗi nhà thuốc lớn đã sử dụng những phần mềm khác trước đó thì sắp tới sẽ như thế nào?

80% các nhà thuốc ở TP sử dụng những phần mềm về quản lý do Sở Y tế cung cấp miễn phí, 20% các nhà thuốc còn lại sử dụng phần mềm riêng, nhưng lại không kết nối được với mạng của bộ và Sở Y tế.

Để tránh lãng phí và tận dụng được những dữ liệu có sẵn, 20% nhà thuốc sử dụng phần mềm riêng sẽ phải kết nối với hệ thống của Viettel để kết nối được với Bộ Y tế, Sở Y tế nhưng không bỏ những phần mềm đang dùng.

* Một số nhà thuốc không muốn tham gia vì phải đóng 1,8 triệu đồng/năm, nếu không nối mạng họ có được bán thuốc nữa hay không?

Việc sử dụng phần mềm để quản lý nhà thuốc đã được luật hóa chứ không phải chỉ đạo mang tính tức thời.

Chính phủ và Bộ Y tế vẫn dành một lộ trình để các nhà thuốc kết nối mạng. Nếu đến đầu năm 2020 các cơ sở bán lẻ thuốc không kết nối được theo quy định của Luật dược cũng như thông tư 02/2018 về thực hành tốt các cơ sở bán lẻ thuốc thì phải dừng việc buôn bán thuốc.

Khi làm được điều này thì toàn bộ hệ thống từ bán buôn đến bán lẻ..., từ khi sản xuất thuốc, đi vô các kho, đến tận các nhà thuốc sẽ được kiểm soát hết.

Đây là việc còn nhằm thực hiện đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020.

Hiện nay vấn đề bán thuốc không có đơn của thầy thuốc, đặc biệt là kháng sinh là vấn đề nhức nhối dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh đang gia tăng.

Các nước cũng phải giải bài toán này, mất rất nhiều năm. Việt Nam đã đặt ra vấn đề này nhưng chưa có giải pháp thì lần này là một giải pháp rất tích cực mang tính chất chiến lược và lâu dài.

* Có thông tin một số nhà thuốc sẽ không nhập vào phần mềm, chỉ nhập những cái họ muốn nhập và khi bán ra cũng tương tự. Cơ quan chức năng sẽ quản lý như thế nào?

Vẫn có khả năng xảy ra việc không tuân thủ, nhà thuốc có thể có 1.000-2.000 mặt hàng thuốc nhưng họ chỉ nhập, xuất 100-200 mặt hàng thuốc, nhiều nhất 500-700 mặt hàng, làm cho có.

Vậy quan trọng là phải tăng cường truyền thông để các nhà thuốc hiểu được cái lợi cho người dân, cho chính họ, cho các cơ quan quản lý.

Bên cạnh đó, cũng tăng cường công tác kiểm tra giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử phạt và có những biện pháp chế tài mạnh. (Tuổi trẻ, trang 1)

 

Thương tật cả đời vì tin lang băm

Nhiều người dân ở khu vực vùng sâu Gia Lai, Đăk Lăk chỉ vì tin vào những thầy lang rởm, mua thuốc Nam lẫn thuốc Tây uống tùy tiện, nên gặp phải nhiều biến chứng khó lường. Thậm chí, có người phải cưa chân, bị thương tật cả đời, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và cuộc sống.

Mất chân vì bệnh nhẹ mà tin bà tạp hóa

Hàng loạt người dân làng Ring Răng và các làng lân cận của xã Dun (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) hết sức hoang mang trước cách chữa bệnh của bà lang Nguyễn Thị Thùy Linh. Suốt một thời gian dài, bà Linh nhận chữa bệnh bằng nhiều thứ thuốc khác nhau, thậm chí tiêm chích khi người dân có yêu cầu, dù bà không được cấp phép, không được đào tạo về kiến thức khám chữa bệnh cả lĩnh vực Đông y lẫn Tây y. Cách chữa bệnh của bà có được là do tự học lỏm từ người quen, học trên mạng.

Cũng như người dân khác, khi thấy triệu chứng hay đau râm ran trong xương khớp. anh Rơ Mah Binh ở làng Ring Răng nghe quảng cáo bà Linh chữa bệnh hay lắm nên đã tìm đến và được bà Linh phán: viêm đa khớp rồi, phải tiêm ngay. Càng tiêm càng đau nặng, đến lúc chân phồng lên, anh Binh vội vã đến BVĐK tỉnh Gia Lai thăm khám thì biết mình đã bị hoại tử nặng, không thể phục hồi, phải tháo cả bàn chân khiến cuộc sống đã khó khăn lại càng thêm phần bi đát.

Thấy tình cảnh của anh Binh, ông Rơ Hảo giật mình, từ giờ có bệnh chắc phải đến cơ sở y tế thôi, không tin vào cơ sở của bà Linh nữa. Bà ấy vừa bán hàng tạp hóa vừa tiêm thuốc, kháng sinh mà chích bừa bãi thì sợ quá.

Không giấu được nỗi bức xúc, chị Trần Thị Thanh ở Ea Kha (huyện Ea H’Leo, Đăk Lăk) cũng cho biết, trong một lần nghe nhiều người giới thiệu có bà lang băm tự xưng là lương y Thu Hòa hay bán dạo đủ loại thuốc lá dọc Quốc lộ 14, rất hiệu nghiệm nên đã lên mua để điều trị bệnh viêm loét dạ dày. Mua hết cả 4 triệu đồng các loại thuốc về uống gần 2 tháng nhưng bệnh của chị không hề giảm. Uống thêm ít ngày nữa thì lên cơn đau dữ dội. Đi khám tại cơ sở y tế thì được chẩn đoán phù nề và xuất huyết dạ dày do dùng các loại thuốc không rõ tác dụng hoặc bị tác dụng phụ từ thuốc lá. Một số người dân ở vùng lân cận khi mua thuốc của lương y bán dạo Thu Hòa uống vào bệnh cũng nặng thêm, khi nạn nhân liên lạc với bà Hòa thì điện thoại không thể kết nối.

Cần quản lý chặt chẽ hơn

Trước tình trạng lang băm bán thuốc dạo rồi mất hút, cả những người chữa bệnh không phép gây hậu quả nặng nề cho bệnh nhân, người dân mong mỏi ngành chức năng địa phương cần quản lý chặt chẽ hơn nữa.

Đầu tháng 12/2018, ông Võ Văn Quá, Chủ tịch UBND xã Dun thừa nhận: Đúng là bà Nguyễn Thị Thùy Linh không được đào tạo về y khoa, đã chữa bệnh và tiêm chích thuốc thời gian dài ở địa phương, có nhiều người dân đến thăm khám, chính quyền có biết. Sự việc đau lòng đến với anh Rơ Mah Binh, xã đã nắm bắt và đang cho trưởng thôn cùng công an xã thu thập kỹ thông tin để có hướng xử lý. Bà Linh cũng thừa nhận chữa bệnh không phép, thứ thuốc mà bà tiêm vào người anh Binh nhiều lần cho đến lúc chân anh Binh hoại tử là diclofenac 75mg.

Lãnh đạo Sở Y tế Gia Lai cho biết: Ngành y tế đã quy định rõ, nghiêm cấm hành vi khám bệnh, chữa bệnh khi không có chứng chỉ hành nghề. Việc của bà Linh làm là sai, cần xử lý nghiêm. Cùng với ngành y tế thì chính quyền địa phương cần rà soát, quản lý chặt chẽ với các phòng khám bệnh không phép. Người dân cần cẩn trọng khi lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh, tốt nhất là nên đến các cơ sở y tế, bệnh viện hoặc phòng khám đã được cấp phép rõ ràng. (Sức khỏe & Đời sống, trang 6)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang