Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 14/12/2021

  • |
T5g.org.vn - Hà Nội tăng ca mắc mới, nặng, nguy kịch; Đề xuất F0 điều trị tại nhà đủ 10 ngày; TP.HCM kêu gọi người dân đi tiêm vắc xin Covid-19; Siết phòng dịch để không gián đoạn sản xuất; 25 ca mắc COVID-19 ở Đồng Nai tử vong tại nhà đều chưa tiêm vắc xin; Hà Nội chủ động, linh hoạt các phương án phòng, chống dịch

Hà Nội tăng ca mắc mới, nặng, nguy kịch

Ngày 13/12, Bộ Y tế thống kê Hà Nội có 1.000 ca mắc mới COVID-19, cao nhất cả nước. Sở Y tế Hà Nội cho biết, lượng F0 tăng rất nhanh trong 1 tuần gần đây khiến số bệnh nhân mức độ trung bình, nặng, nguy kịch cũng tăng lên.

Hiện có 124 ca diễn biến nặng, nguy kịch, cao hơn 57% so với trung bình 7 ngày trước. Trong 1 tuần gần đây, Hà Nội ghi nhận gần 5.300 ca mắc COVID-19 mới, trung bình gần 750 ca/ngày.

Tính đến hết ngày 12/12, có 9.017 trường hợp F0 ở Hà Nội đang được điều trị, trong đó có 6.084 F0 được điều trị tại các bệnh viện, cơ sở thu dung điều trị; 2.495 bệnh nhân không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ điều trị tại các trạm y tế lưu động; 438 F0 điều trị tại nhà. Cụ thể, 2 bệnh viện của Trung ương là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội điều trị 257 bệnh nhân. 28 bệnh viện của Hà Nội điều trị cho 1.963 bệnh nhân.

Tuy nhiên, lượng F0 ở Hà Nội tăng trong 1 tuần gần đây, khiến số bệnh nhân mức độ trung bình, nặng, nguy kịch cũng tăng lên. Theo thống kê của Bộ Y tế, gần 1.100 bệnh nhân có triệu chứng mức độ trung bình (tăng 27% so với trung bình 7 ngày trước), trong đó có 124 ca nặng, nguy kịch (cao hơn gần 30 ca so với thống kê cách đây 3 ngày, cao hơn 57% so với trung bình 7 ngày trước), có 9 ca phải thở máy xâm lấn và không ca nào phải lọc máu hay can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo). Tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân COVID-19 điều trị tại Hà Nội là 0,3%. Thống kê cho thấy, đại đa số bệnh nhân COVID-19 ở Hà Nội không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.

Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết, đã giao cho chính quyền địa phương, tổ COVID cộng đồng khảo sát, kiểm tra, đánh giá các hộ gia đình có đủ điều kiện để có thể tổ chức theo dõi F0 điều trị tại nhà. Trên cơ sở đánh giá như vậy, các ngành liên quan đã khảo sát được 2,1 triệu hộ và có gần 900.000 gia đình đủ điều kiện để có thể theo dõi F0 nhẹ, không triệu chứng tại nhà.

F0 khỏi bệnh khi điều trị tại nhà 10 ngày, test nhanh âm tính

Ngày 13/12, Bộ Y tế thông tin về việc xét nghiệm xác định người mắc COVID-19 và cho người bệnh ra viện sau khi Sở Y tế Hà Nội gửi yêu cầu đề nghị Bộ cho ý kiến. Theo Bộ Y tế, tình hình dịch COVID-19 ở Hà Nội diễn biến phức tạp, số mắc có xu hướng tăng.

Để thích ứng tình hình mới và bảo đảm an toàn, linh hoạt phù hợp với điều kiện và nguồn lực của địa phương, Sở Y tế căn cứ cấp độ dịch, khả năng đáp ứng và Hướng dẫn tạm thời về quản lý người mắc COVID-19 tại nhà ban hành kèm theo Quyết định số 4038 của Bộ trưởng Bộ Y tế, Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị COVID-19 ban hành kèm theo Quyết định số 4689 của Bộ Y tế để xác định ca bệnh theo hướng dẫn.

Theo đó, trường hợp thứ 1, người nhiễm SARS-CoV-2 là trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc bất cứ người nào có xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR. Thứ 2, là trường hợp bệnh nghi ngờ có kết quả test nhanh kháng nguyên dương tính. Bộ Y tế lưu ý test nhanh do Bộ Y tế cấp phép và do nhân viên y tế thực hiện hoặc người nghi nhiễm thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế.

Thứ 3, là những người không có triệu chứng, có yếu tố dịch tễ hoặc tiếp xúc gần với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định COVID-19 trong khoảng 14 ngày và có kết quả test nhanh kháng nguyên dương tính với 2 loại test nhanh khác nhau (test nhanh do Bộ Y tế cấp phép và do nhân viên y tế thực hiện). Trong trường hợp chỉ có kết quả dương tính với 1 loại test nhanh thì cần phải có xét nghiệm RT-PCR để khẳng định. Về đề xuất của Hà Nội liên quan sử dụng kết quả xét nghiệm test nhanh kháng nguyên để xác định tình trạng khỏi bệnh và cho ra viện, theo Bộ Y tế, với người bệnh COVID-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ đủ điều kiện cách li, điều trị tại nhà theo quy định sẽ được dỡ bỏ cách li, điều trị tại nhà khi thời gian cách li, điều trị đủ 10 ngày. Ngoài ra, ca bệnh có kết quả test nhanh âm tính do nhân viên y tế thực hiện hoặc người bệnh tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên (test nhanh do Bộ Y tế cấp phép). Ban Chỉ đạo phòng chống dịch hoặc Trạm Y tế nơi quản lí người bệnh chịu trách nhiệm xác nhận khỏi bệnh cho người bệnh. Còn với người bệnh COVID-19 điều trị ở các cơ sở thu dung, nếu là người bệnh COVID-19 đơn thuần hay người bệnh COVID-19 có bệnh nền, bệnh kèm theo, thì các triệu chứng lâm sàng cần phải hết trước ngày ra viện từ 3 ngày trở lên; có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính hoặc CT (nồng độ virus trong cơ thể) từ 30 trở lên hoặc test nhanh âm tính vào trước ngày ra viện (test nhanh do Bộ Y tế cấp phép). Người bệnh COVID-19 đơn thuần sau khi ra viện cần ở tại nhà, tự theo dõi trong 7 ngày. Với người bệnh COVID-19 có bệnh nền, bệnh kèm theo, sau khi được xác định khỏi COVID-19, được chuyển sang khoa điều trị bệnh kèm theo, bệnh nền (nếu cần) tại buồng riêng của khoa đó để tiếp tục điều trị và được sàng lọc, theo dõi theo quy định đối với người bệnh nội trú (Tiền phong, trang 3).

 

Đề xuất F0 điều trị tại nhà đủ 10 ngày

Tối 12-12, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã ký văn bản gửi Sở Y tế Hà Nội hồi đáp đề nghị của Hà Nội về việc dùng kết quả test nhanh để xác định người nhiễm Covid-19 và cho người bệnh ra viện. Trước đó, hôm 5-12, Bộ Y tế nhận được công văn của Sở Y tế Hà Nội đề nghị cho ý kiến về việc sử dụng kết quả test nhanh kháng nguyên xác định người nhiễm SARS-CoV-2 và xác định tình trạng khỏi bệnh, cho ra viện. Trả lời về việc dung kết quả test nhanh xác định người nhiễm Covid-19, Bộ Y tế cho biết, Hà Nội vẫn cần thực hiện theo đúng các hướng dẫn về xác định ca bệnh mà Bộ Y tế đã ban hành trước đó. Cụ thể, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người nhiễm SARS-CoV-2 là trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc bất cứ người nào có xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR.

Còn về đề xuất sử dụng kết quả xét nghiệm test nhanh kháng nguyên để xác định tình trạng F0 khỏi bệnh và cho ra viện, theo Bộ Y tế, với người bệnh Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ đủ điều kiện cách ly, điều trị tại nhà theo quy định sẽ được dỡ bỏ cách ly, điều trị tại nhà khi thời gian cách ly, điều trị đủ 10 ngày.

Ngoài ra, ca bệnh có kết quả test nhanh âm tính do nhân viên y tế thực hiện hoặc người bệnh tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế (test nhanh do Bộ Y tế cấp phép). Ban Chỉ đạo phòng chống dịch hoặc Trạm Y tế nơi quản lý người bệnh chịu trách nhiệm xác nhận khỏi bệnh cho người bệnh.

Còn với người bệnh Covid-19 điều trị các các cơ sở thu dung, điều trị thì các triệu chứng lâm sàng cần phải hết trước ngày ra viện từ 3 ngày trở lên; Có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính hoặc test nhanh âm tính vào trước ngày ra viện (test nhanh do Bộ Y tế cấp phép) (An ninh thủ đô, trang 3).

 

TP.HCM kêu gọi người dân đi tiêm vắc xin Covid-19

Chiều 13.12, tại buổi họp báo định kỳ, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho biết đến hết ngày 12.12 đã tiêm vắc xin Covid-19 cho người dân là hơn 7 triệu mũi 1, hơn 6 triệu mũi 2 và trên 11.700 liều bổ sung, nhắc lại.

TP.HCM khảo sát và lập danh sách người trên 65 tuổi, có bệnh nền, dự kiến đến ngày 12.12 hoàn thành, nhưng do hoạt động còn mới và gặp nhiều khó khăn nên đến nay chưa xong.

Về việc tiêm vắc xin cho người lao động quay lại làm việc, ông Tâm cho hay, TP.HCM đang có chiến dịch “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tìm những người chưa tiêm, sàng lọc và tiêm chủng.

Giải thích con số trong báo cáo đánh giá cấp độ dịch của TP.HCM luôn khẳng định 100% người từ 18 tuổi đã tiêm ít nhất 1 mũi, nhưng thực tế số lượng người chưa tiêm còn lớn và nhiều trường hợp tử vong, ông Tâm cho rằng do tình hình di biến động dân cư ở thành phố phức tạp. Việc tính tỷ lệ tiêm chủng dựa trên thống kê dân số ở một thời điểm nhất định, con số này do Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM thống kê ở thời điểm trước dịch.

“Theo mẫu số đó, tính ra tỷ lệ tiêm đạt 100%, có khi còn hơn 100% nữa. Chuyện này cũng bình thường với một thành phố như TP.HCM. Bây giờ chúng ta có tiêm hết đi nữa thì ngày mai, ngày kia có lượng người mới đổ về, có người chưa tiêm thì vẫn tổ chức tiêm”, ông Tâm lý giải và đề nghị ai chưa tiêm thì đăng ký với địa phương, tổ dân phố hoặc trạm y tế.

Theo ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức, qua thống kê, có hơn 60.000 người trên địa bàn thuộc nhóm nguy cơ cao, chủ yếu là trên 65 tuổi và có bệnh lý nền; đồng thời rà soát những người chưa tiêm mũi nào. “Trên 60% ca tử vong ở TP.Thủ Đức là chưa tiêm vắc xin, trong đó có cả trường hợp không có bệnh nền. Nếu không tiêm vắc xin thì tỷ lệ tử vong là trên 60%, còn nếu có thêm bệnh nền thì tỷ lệ càng cao”, ông Tùng nêu thực tế. Nhiều gia đình có ông bà, cha mẹ lớn tuổi và kèm bệnh lý nền nghiêm trọng như tai biến, bệnh nan y, nên có tâm lý sợ tiêm vắc xin sẽ thành biến chứng nguy hiểm.

“Thực tế, khi vận động tại địa phương, chúng tôi nắm danh sách người chưa tiêm nhưng vận động khó khăn. Gia đình thậm chí ký giấy đồng ý không tiêm vắc xin. Với trách nhiệm của lãnh đạo TP.Thủ Đức, chúng tôi tha thiết mong người dân hãy tiêm vắc xin. Nếu chưa có điều kiện đi đến trạm y tế thì chúng tôi sẽ tiêm tại nhà”, ông Tùng nói.

Đối với những người có bệnh nền, Chánh văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho hay, đa phần các đợt tiêm vắc xin tập trung ở cộng đồng nên việc chăm sóc y tế khó khăn. Những người có bệnh nền, huyết áp tăng cao khi đến bàn tiêm đều hoãn tiêm hết. Sau đó, những người này mà đến thẳng bệnh viện thì không có bệnh viện nào tiêm vì không được phân bổ vắc xin. “Những ai chưa tiêm nên tận dụng đợt này, thành phố tổng hợp những trường hợp chưa tiêm, người có bệnh nền… đăng ký với phường xã để có cơ hội chăm sóc”, bà Mai khuyến cáo (Thanh niên, trang 5).

 

Siết phòng dịch để không gián đoạn sản xuất

Tại tọa đàm Sản xuất an toàn trong đại dịch do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ở TP.HCM ngày 13-12, phó cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) Lương Mai Anh nhận định các DN TP.HCM đã đảm bảo phòng dịch để sản xuất an toàn.

Dưới 10% F1 thành F0 nhưng không chủ quan

Dẫn báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, bà Mai Anh cho hay có đến 1.000 DN đã được thẩm tra, thẩm định các phương án sản xuất an toàn và thực hiện các quy định tại nơi làm việc thời gian qua.

Báo cáo cũng cho thấy dù có những trường hợp mắc, nhiễm COVID-19 ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng như trong khu công nghiệp nhưng tỉ lệ trường hợp tiếp xúc gần sau đó ghi nhận trở thành người nhiễm đều không cao, chỉ 10%.

"Điều đó cũng cho thấy các biện pháp phòng chống dịch trong DN đã được đảm bảo để môi trường sản xuất an toàn trong thời gian vừa qua" - bà Mai Anh khẳng định.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay Bộ Y tế chuẩn bị trình Chính phủ dự thảo kế hoạch tổng thể đối với công tác phòng chống dịch dựa trên nền tảng khoa học, kinh nghiệm của các nước, đặc biệt là kinh nghiệm mà chúng ta rút ra được qua các đợt dịch, nhất là đợt dịch thứ 4.

Theo ông Tuyên, kế hoạch này vừa đảm bảo chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội và nhanh chóng đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới.

"Mục tiêu là bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân và hạn chế thấp nhất ca tử vong, đồng thời giúp cho DN ổn định phát triển kinh tế và các hoạt động an sinh xã hội giúp cho người dân ổn định, các địa phương ngày càng phát triển" - ông Tuyên nói.

Ông Tuyên nhận định tình hình dịch hiện nay diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát đợt dịch mới, đặc biệt là sự xuất hiện biến chủng mới như Omicron.

Doanh nghiệp vẫn "đau đầu" vì F0

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Việt Anh - phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM - cho hay hiện các doanh nghiệp tại TP đã tái hoạt động tương đối ổn định với tỉ lệ trên 96%. Tính theo công suất, các doanh nghiệp có dưới 1.000 lao động và từng tổ chức "3 tại chỗ", hiện hoạt động trở lại khoảng 70 - 80%. Còn với doanh nghiệp từ 1.000 lao động trở lên, đặc biệt là trên 5.000 lao động, công suất hoạt động hiện chỉ hơn 50%, cá biệt có những doanh nghiệp chỉ trên 40%.

Ghi nhận thực tế tại các doanh nghiệp ở TP.HCM những ngày qua, các doanh nghiệp trong lẫn bên ngoài khu công nghiệp đều chủ động siết các biện pháp phòng dịch, trong đó duy trì các đợt xét nghiệm COVID-19 định kỳ và xét nghiệm bắt buộc đối với các khách hàng, đối tác khi đi vào nhà máy.

Tại Khu công nghệ cao TP.HCM, các doanh nghiệp thực hiện quy trình xét nghiệm ngay tại cổng cho lao động, nếu phát hiện F0 sẽ đưa đi cách ly ngay trong khu hoặc đủ điều kiện sẽ về cách ly tại nhà. Còn đối với các F1, doanh nghiệp sẽ theo dõi sức khỏe và cho sản xuất ở khu vực riêng để đảm bảo phòng dịch.

Bà Lê Bích Loan - phó trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM - cho biết đến ngày 13-12, các số liệu cập nhật về F0 hằng ngày tại doanh nghiệp cho thấy tín hiệu tích cực khi số ca F0 đang giảm, hiện số ca F0 phát hiện mới chỉ ở mức 5 - 10 người, rất ít so với thời điểm trước.

Bà Loan nhận định số ca F0 phát hiện mới được báo cáo giảm có thể do doanh nghiệp, người lao động đã phòng dịch tốt hơn, các quy trình đã hoàn thiện, song cũng có khả năng do chỉ xét nghiệm theo xác suất, xét nghiệm đối tượng nguy cơ cao...

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cũng cho hay hiện gặp khó do số lượng F0 tăng nhanh khiến các dây chuyền thiếu nhân sự sản xuất.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông L. - giám đốc một doanh nghiệp trong khu công nghiệp - cho hay sáng 13-12 doanh nghiệp này xét nghiệm định kỳ, phát hiện 6 F0 khiến ông rất "đau đầu" vì bài toán nhân lực.

Với mỗi lần phát hiện F0, dây chuyền sẽ thiếu hụt người đứng máy ít nhất 21 ngày, do đó ông L. cho hay vấn đề lớn nhất là các công nhân phải có ý thức phòng dịch cao không chỉ ở nhà xưởng mà kể cả trong sinh hoạt bên ngoài để tránh gián đoạn sản xuất.

Tương tự, Công ty VEXOS Việt Nam tại Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) cũng cho hay doanh nghiệp này có khoảng 10 F0 đang điều trị, khiến thiếu hụt nhân sự ở các dây chuyền sản xuất.

Theo vị này, so với giai đoạn mới phục hồi sản xuất, hiện nay doanh nghiệp đã chuẩn bị quy trình xử lý khi có F0, F1 thuần thục và chủ động hơn, song vẫn phải kích hoạt các quy trình phòng dịch tối đa ở nhà xưởng, tránh tình trạng dịch bùng phát gây gián đoạn sản xuất.

Để doanh nghiệp không nơm nớp nỗi lo

Ông Trần Việt Anh cho hay tín hiệu tích cực là các doanh nghiệp đã có sự thích ứng, trở lại sản xuất và tái cấu trúc ở mọi mặt. Theo ông Anh, sau thời gian ngưng sản xuất, các doanh nghiệp tại TP đã thích ứng với nhiều tình trạng khác nhau nhưng đều có điểm chung là hiểu rõ hơn về quy trình sức khỏe.

"Khoảng 70% các doanh nghiệp nói chung và 90% doanh nghiệp sản xuất đều có nhân viên đủ trình độ như một nhân viên y tế cấp địa phương, có thể theo dõi, đo SpO2, nhận ra được triệu chứng của F0" - ông Anh nói.

Về tuyển lao động, ông Anh cho rằng bên cạnh năng suất, hiện doanh nghiệp quan tâm hơn đến ý thức của người lao động khi tuyển dụng để đảm bảo tuân thủ 5K trong sản xuất an toàn. Ngoài ra doanh nghiệp cũng đầu tư dây chuyền sản xuất mới, chấp nhận chi phí tăng để đầu tư các dây chuyền mà công nhân đứng cách nhau 2m.

Trong khi đó, PGS.TS Trần Hoàng Ngân - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - cho rằng để giúp doanh nghiệp tự tin hơn trong phục hồi, mở rộng sản xuất, Nhà nước cần có định hướng chiến lược để doanh nghiệp không còn nơm nớp nỗi lo tái áp dụng các biện pháp chống dịch như giãn cách, phong tỏa thời gian qua.

Theo ông Ngân, nếu xác nhận sống thích ứng an toàn với COVID-19 là hướng đi phải chọn để phù hợp với xu thế hiện nay thì cũng cần chia sẻ để doanh nghiệp yên tâm (Tuổi trẻ, trang 2).

 

25 ca mắc COVID-19 ở Đồng Nai tử vong tại nhà đều chưa tiêm vắc xin

Theo Sở Y tế Đồng Nai, đến nay trên địa bàn tỉnh có 1.005 trường hợp tử vong do COVID-19, chiếm 1,09% tổng số ca mắc. Trong đó, có 25 người tử vong trong quá trình cách ly, theo dõi tại nhà.

Ông Phan Huy Anh Vũ, giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, cho biết các trường hợp mắc COVID-19 tử vong tại nhà là người lớn tuổi, có bệnh nền, chưa được tiêm vắc xin. Khi những người này mắc COVID-19 thì bệnh nền nhanh chóng diễn tiến xấu, không được đưa vào viện kịp thời nên tử vong.

Hiện nay, Đồng Nai cho phép người mắc COVID-19 theo dõi tại nhà, tuy nhiên, ngành y tế khuyến cáo với người lớn tuổi, có bệnh nền, khi mắc bệnh cần lập tức đưa đến cơ sở y tế để được chăm sóc, điều trị.

"Nhiều người lớn tuổi, có bệnh nền lo lắng khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 sẽ dễ bị phản ứng nặng. Đây là suy nghĩ sai lầm. Đến nay, tại Đồng Nai chưa ghi nhận trường hợp người lớn tuổi bị phản ứng nặng sau tiêm, hiệu lực bảo vệ của vắc xin đối với người lớn tuổi, mắc bệnh nền rất tốt", ông Phan Huy Anh Vũ nhấn mạnh.

Để giảm số ca tử vong do COVID-19, Sở Y tế Đồng Nai kiến nghị Bộ Y tế hỗ trợ thuốc kháng virus cho tỉnh. Các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền, rà soát, đảm bảo tất cả người dân trong độ tuổi đều được tiêm đủ 2 liều vắc xin phòng COVID-19. 

Cùng với đó là đẩy mạnh kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao năng lực hoạt động của trạm y tế lưu động, năng lực điều trị của các cơ sở y tế; củng cố các đội điều trị cơ động phản ứng nhanh, đồng thời tăng nhân lực cho tầng 2, tầng 3 của tháp điều trị.

Từ khi bước vào trạng thái "bình thường mới", số ca tử vong vì COVID-19 ở Đồng Nai liên tục tăng. Dự báo những ngày tới, số người tử vong tại Đồng Nai vẫn ở mức cao bởi trên toàn tỉnh đang có gần 120 bệnh nhân mắc COVID-19 đang nguy kịch, phải chạy máy ECMO, thở máy xâm lấn, lọc máu liên tục (Tuổi trẻ, trang 3).

 

Hà Nội chủ động, linh hoạt các phương án phòng, chống dịch

Những ngày gần đây, dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội tiếp tục diễn biến phức tạp với số ca mắc tăng dần, trong đó quận Ðống Ða đã chuyển cấp độ dịch sang cấp độ 3, trở thành vùng cam. Ðây là tình huống đã được dự báo trước và thành phố đã chủ động các phương án phòng, chống dịch theo đúng tinh thần "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19".

Trong 14 ngày gần đây, trên địa bàn thành phố ghi nhận 7.412 ca mắc tại cộng đồng (tăng 2.762 ca so với 14 ngày trước đó), tương ứng với tỷ lệ 44 ca cộng đồng/100.000 dân/tuần. Như vậy, hiện thành phố vẫn ở cấp độ 2; trong đó có 8 quận, huyện, thị xã ở cấp độ 1; 21 quận, huyện ở cấp độ 2 và duy nhất quận Ðống Ða ở cấp độ 3 (với 1.336 ca cộng đồng được ghi nhận trong 14 ngày qua, tương ứng với 177 ca cộng đồng/100.000 dân/tuần).

Chủ động các phương án khi chuyển thành vùng cam

Trước khi chuyển sang cấp độ dịch cao hơn, quận Ðống Ða đã huy động tổng lực cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc phòng, chống dịch. Các trạm y tế lưu động đã được kích hoạt sẵn sàng để hướng dẫn, chăm sóc F0 thể nhẹ điều trị tại nhà. Tại Trạm Y tế lưu động số 1 phường Trung Liệt có năm cán bộ, gồm một bác sĩ từ Trung tâm Y tế quận điều động về làm trạm trưởng và bốn nhân viên y tế quản lý và theo dõi danh sách F0, F1 hiện đang cách ly tại nhà và danh sách những người mắc các bệnh mãn tính, phụ nữ mang thai trong khu vực phụ trách.

Theo lãnh đạo quận Ðống Ða, đặc thù của địa bàn là khu đông dân cư, nhà ở của người dân thường chật hẹp, các trường hợp đủ điều kiện cách ly điều trị tại nhà không cao, chỉ chiếm 30%. Hiện quận đang có khoảng hơn 100 F0 được điều trị tại nhà. Trong khi đó, hiện lực lượng y tế quá mỏng. Cụ thể, mỗi trạm y tế phường chỉ có từ 6 đến 10 cán bộ y tế, những trạm y tế ở các phường có khoảng 40.000 dân cũng chỉ có 10 người. Lực lượng của trạm y tế cố định vốn đã rất mỏng và đang quá tải, nay lại phải "chia quân" cho trạm y tế lưu động, nên khối lượng công việc rất lớn. Chủ tịch UBND phường Văn Miếu, Nguyễn Thị Vân Anh cho biết, bên cạnh công tác chuyên môn, toàn bộ cán bộ, công chức của phường cũng được huy động tham gia phòng, chống dịch để hỗ trợ lực lượng y tế và công an.

Ðại diện UBND quận Ðống Ða cho biết, từ 12 giờ ngày 13/12/2021, quận áp dụng các biện pháp hạn chế các hoạt động hội họp, sự kiện tập trung hơn 20 người trong một phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. Yêu cầu những người tham gia phải được tiêm đủ liều vắc-xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ, tuân thủ nghiêm ngặt 5K, cài đặt và quét mã QR. Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng. Các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát chỉ được phép bán hàng mang về và đóng cửa trước 21 giờ hằng ngày.

Ngoài ra, UBND quận cấm hoạt động kinh doanh buôn bán tại các chợ cóc, chợ tạm. Các cơ sở lưu trú được phép hoạt động không quá 50% công suất. Các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên tạm dừng tổ chức dạy học trực tiếp, chuyển sang dạy và học theo hình thức trực tuyến cho đến khi có thông báo mới. Chủ tịch UBND 21 phường chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND quận trong công tác thực hiện cách ly y tế, quản lý, theo dõi tại nhà đối với người nhiễm Covid-19 trên địa bàn quản lý. Bảo đảm toàn diện về công tác hậu cần, bố trí cơ sở vật chất cho trạm y tế lưu động, bảo đảm an ninh trật tự và các điều kiện khác đáp ứng phù hợp với tình hình dịch bệnh thực tế. Tổ chức triển khai, giám sát, kiểm tra thực hiện cách ly người nhiễm Covid-19 trên địa bàn; không để dịch lây ra cộng đồng, xử lý nghiêm đối với các hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định pháp luật.

Triển khai điều trị F0 tại nhà

Ðể giảm bớt áp lực cho các bệnh viện, cơ sở thu dung và tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh nhân thể nhẹ, không triệu chứng, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đã triển khai việc điều trị F0 tại nhà. Hiện có 438 trường hợp, trong tổng số hơn 9.000 trường hợp F0 ở Hà Nội được điều trị tại nhà.

Một gia đình ở ngõ 84 phố Hoàng Ðạo Thành, phường Kim Giang (quận Thanh Xuân, Hà Nội) có người dương tính với Covid-19, nhưng đáp ứng đủ các điều kiện nên đã được phép điều trị tại nhà. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 phường Kim Giang đã bố trí hàng rào, biển thông báo "Khu vực cách ly tạm thời" trước cửa căn nhà để mọi người được biết, đồng thời, lắp đặt camera và thông báo cho người dân chung quanh, tổ Covid-19 cộng đồng biết để phối hợp giám sát. Thực phẩm, đồ dùng thiết yếu được người thân của gia đình đem đến treo ở cửa. Hằng ngày, công nhân vệ sinh môi trường tới thu gom rác. Người bệnh cho biết, do triệu chứng nhẹ và vẫn được ở nhà, nên tâm lý khá thoải mái, không áp lực như đi điều trị tập trung.

Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Ðặng Khánh Hòa cho biết, sau quá trình rà soát, quận Thanh Xuân xác định hơn 50.000 hộ đủ điều kiện cách ly F1, F0 tại nhà khi cần thiết. Quận đã thành lập 33 "Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19 tại nhà" với 122 thành viên để hỗ trợ cho các trạm y tế, trạm y tế lưu động. Tổ hỗ trợ có nhiệm vụ tiếp nhận thông tin từ người nhiễm Covid-19 tại nhà theo quy định, lấy mẫu xét nghiệm, hướng dẫn các biện pháp thực hiện cách ly tại nhà, ghi chép các thông tin nhận được từ người cách ly tại nhà, thông báo ngay cho cán bộ y tế của trạm y tế phường, trạm y tế lưu động. Cùng với đó, phối hợp điều phối, vận chuyển người bệnh Covid-19 nhẹ và không triệu chứng, vận chuyển mẫu bệnh phẩm, người tiếp xúc gần (F1)... trên địa bàn đến các cơ sở cách ly, thu dung, điều trị khi phát sinh...

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Ðình Hưng cho biết, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, từ đầu tháng 12/2021, thành phố Hà Nội đã triển khai điều trị F0 tại nhà. Nhằm hỗ trợ theo dõi, quản lý, điều trị F0 tại nhà, Sở Y tế Hà Nội đã phối hợp Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội và các đơn vị liên quan nhanh chóng triển khai phần mềm kết nối điều trị F0 tại nhà tại nhánh 3, tổng đài 1022. Khi phát hiện là F0, người bệnh sẽ đăng nhập tài khoản, cập nhật đầy đủ thông tin người bệnh, lịch trình di chuyển; phần mềm sẽ sàng lọc bệnh nhân theo cập nhật tình hình sức khỏe người bệnh hằng ngày và sẽ có cảnh báo khi phát hiện bất thường về sức khỏe người bệnh. Trong phần mềm có phản hồi tin nhắn, tương tác hai chiều giữa người bệnh và thầy thuốc. Phần mềm cũng xác nhận người bệnh, sau khi kết thúc điều trị có tin nhắn thông báo cho người bệnh…

Ðồng thời, Sở Y tế Hà Nội đã phân bổ 6.000 túi thuốc điều trị tại nhà đối với người nhiễm Covid-19 cho 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã để cấp cho người nhiễm Covid-19 điều trị tại nhà. Ngày 5/12, Sở Y tế Hà Nội đã gửi công văn đề nghị Bộ Y tế cho ý kiến về việc sử dụng kết quả xét nghiệm test nhanh kháng nguyên để xác định tình trạng khỏi bệnh và cho ra viện. Trả lời công văn này, Bộ Y tế hướng dẫn, với người bệnh Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ đủ điều kiện cách ly, điều trị tại nhà theo quy định sẽ được dỡ bỏ cách ly, điều trị tại nhà khi thời gian cách ly, điều trị đủ 10 ngày. Ngoài ra, ca bệnh có kết quả test nhanh âm tính do nhân viên y tế thực hiện hoặc người bệnh tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên (test nhanh do Bộ Y tế cấp phép). Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch hoặc Trạm Y tế nơi quản lý người bệnh chịu trách nhiệm xác nhận khỏi bệnh cho người bệnh (Nhân dân, trang 8).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang