Đề xuất trả tiền cho người bệnh BHYT tự mua thuốc, vật tư y tế: Thủ tục có dễ cho người bệnh?
Bộ Y tế vừa xây dựng dự thảo Thông tư Quy định thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế trực tiếp cho người bệnh tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT). Trong đó, đề xuất “người bệnh mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài khi bệnh viện thiếu sẽ được Quỹ BHYT thanh toán” được cho sẽ bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT, nhưng không dễ triển khai.
Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế ), cho biết, dự thảo Thông tư Quy định thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế trực tiếp cho người bệnh tham gia BHYT được xây dựng trong bối cảnh thời gian qua, nhiều bệnh viện bị thiếu thuốc, vật tư y tế kéo dài, khiến người dân khi khám chữa bệnh bằng BHYT phải tự mua thuốc điều trị bên ngoài bệnh viện với giá cao nhưng không được thanh toán lại. Điều này khiến người bệnh mệt mỏi, khó khăn và nặng gánh về kinh tế khi phải chi tiền túi nhiều cho chữa bệnh.
Theo dự thảo, Quỹ BHYT sẽ thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế trực tiếp cho người bệnh có thẻ BHYT hoặc thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế cho cơ sở khám chữa bệnh nếu có đủ các điều kiện: thuốc, vật tư y tế mà người bệnh được kê đơn thuộc phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT; người bệnh được chẩn đoán, kê đơn và chỉ định thuốc, vật tư y tế nhưng tại thời điểm sử dụng hoạt chất thuốc, vật tư y tế không sẵn có tại cơ sở khám chữa bệnh; không sẵn có thuốc thành phẩm nào chứa hoạt chất mà người bệnh được chỉ định. Để được Quỹ BHYT thanh toán chi phí mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài, người mua cần xuất trình với cơ quan BHXH đơn thuốc, vật tư y tế được bác sĩ chỉ định và hóa đơn mua thuốc, vật tư y tế hợp pháp để làm căn cứ thanh toán. Chi phí cơ quan BHXH thanh toán trực tiếp cho người bệnh bằng với chi phí được ghi trên hóa đơn hợp pháp của người bệnh mà nhà thuốc bệnh viện hoặc đơn vị cung ứng cung cấp và theo mức hưởng trong phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT.
Phản ứng trước việc dự thảo Thông tư Quy định thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế trực tiếp cho người bệnh tham gia BHYT đang được đưa ra lấy ý kiến cộng đồng xã hội rộng rãi, nhiều người bệnh cho rằng, dù thông tư trên có được thực thi thì thủ tục vẫn còn rất phức tạp, rắc rối để được cơ quan BHXH thanh toán chi phí mua thuốc men, vật tư y tế bên ngoài.
Anh Phạm Công Tính (Bình Dương) cho biết, anh đưa mẹ đi khám và có chỉ định nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên trong quá trình điều trị, bệnh viện liên tục yêu cầu người nhà tự chuẩn bị găng tay, thuốc, bơm kim tiêm, ống dịch truyền, thậm chí cồn sát khuẩn, có đủ những thứ bác sĩ yêu cầu mới thực hiện chăm sóc cho mẹ anh. Quá bức xúc, anh Công Tính đã chuyển mẹ anh lên Bệnh viện Đại học Y Dược nhập viện điều trị dịch vụ. Tuy nhiên, khi được hỏi về tính khả quan của dự thảo về các quy định ở Thông tư này nếu được ban hành, anh Công Tính cho rằng, các quy định rất phức tạp, thậm chí khó có thể thực hiện, nhất là hiện nay không ít nhà thuốc bán thuốc không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ và chất lượng thuốc cũng là vấn đề đáng quan ngại.
Đồng quan điểm, anh Nguyễn Xuân Hòa (43 tuổi, ở Nho Quan, Ninh Bình) cho rằng, nếu quy định mua thuốc, vật tư bên ngoài được BHYT thanh toán thì chi bằng quy định yêu cầu các bệnh viện nhập luôn các loại thuốc, vật tư như bên ngoài để người bệnh đỡ phải ra ngoài mua, rồi lại phải làm một loạt thủ tục rắc rối mới được thanh toán. Trước mắt, Nhà nước nên có cơ chế phù hợp để bệnh viện có thể mua sắm linh hoạt, thuận lợi, nhanh chóng vật tư, thuốc đáp ứng nhu cầu của người bệnh trong khi chưa kịp triển khai đấu thầu mua sắm số lượng lớn (Sài Gòn giải phóng, trang 9).
Người bệnh phải tự mua thuốc, vật tư y tế: Đề xuất điều kiện để được quỹ BHYT thanh toán
Theo dự thảo thông tư do Bộ Y tế xây dựng, nếu người bệnh phải đi mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài khi bệnh viện thiếu, họ sẽ được quỹ Bảo hiểm Y tế (BHYT) thanh toán, thay vì phải bỏ tiền túi như hiện nay. Tuy nhiên, việc này chỉ được thực hiện khi đảm bảo một số điều kiện cụ thể.
Hiện Bộ Y tế đang lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan và nhân dân về văn bản này nhằm sớm ban hành, đưa vào thực hiện để giải quyết một trong những tình huống thực tiễn của khám chữa bệnh và đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tham gia BHYT.
Đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT
Trao đổi với phóng viên, ThS. Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT cho biết, đây là điểm mới trong dự thảo. Đồng thời nhận định quyền lợi của người tham gia BHYT chắc chắn phải được bảo đảm trong mọi trường hợp. Theo dự thảo, quỹ BHYT sẽ thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế trực tiếp cho người bệnh có thẻ BHYT hoặc thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế cho cơ sở khám, chữa bệnh nếu có đủ một số điều kiện như điều kiện: thuốc, vật tư y tế mà người bệnh được kê đơn thuộc phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT; người bệnh được chẩn đoán, kê đơn và chỉ định thuốc, vật tư y tế nhưng tại thời điểm sử dụng hoạt chất thuốc, vật tư y tế không sẵn có tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Ngoài ra, khi phải tự mua thuốc, vật tư y tế ở bên ngoài, dự thảo quy định để được quỹ BHYT thanh toán, người bệnh phải mua ở các nhà thuốc đã trúng thầu tại một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào đó.
Khi thực hiện thanh toán, người bệnh hoặc thân nhân người bệnh xuất trình với cơ quan bảo hiểm xã hội đơn thuốc, vật tư y tế đã được bác sĩ chỉ định cùng hóa đơn mua thuốc, vật tư y tế. Chi phí mà cơ quan BHYT thanh toán trực tiếp cho người bệnh bằng với chi phí được ghi trên hóa đơn hợp pháp của người bệnh mà nhà thuốc bệnh viện hoặc đơn vị cung ứng cung cấp và theo mức hưởng trong phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT.
Cần phòng ngừa tình trạng lạm dụng
Mới đây, tại tọa đàm về dự thảo thông tư quy định thanh toán trực tiếp chi phí mua thuốc, vật tư y tế trong phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT, bà Trần Thị Trang thông tin: “Bộ Y tế đang cân nhắc xem liệu có thể vận dụng các trường hợp này để xây dựng các quy định về thanh toán trong trường hợp bất khả kháng hoặc vì các lí do khách quan. Đồng thời, cần có những giải pháp để làm sao không lạm dụng những trường hợp này”.
Ban soạn thảo tập trung xây dựng quy định các trường hợp được thanh toán trực tiếp là những trường hợp trong điều kiện cơ sở y tế không cung ứng được thuốc vì lí do khách quan, bất khả kháng. Bà Trang lấy ví dụ như trong thời gian chờ kết quả đấu thầu mà thuốc hết, đấu thầu tập trung quốc gia, đấu thầu tập trung địa phương hết hoặc thuốc hiếm không sẵn có do có nhiều loại không thể mua, không thể dự trù… Khi đáp ứng đủ điều kiện trên, cơ sở mới được để người bệnh mua thuốc ở bên ngoài, về nguyên tắc thì cơ sở vẫn phải đảm bảo cung ứng thuốc.
Nhằm tránh việc lạm dụng quy định thanh toán trực tiếp và để các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải chủ động đấu thầu, đảm bảo đủ thuốc, vật tư y tế cho người bệnh, Bộ Y tế cũng có các quy định chặt chẽ đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Theo đó, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm thực hiện đấu thầu mua sắm theo đúng quy định pháp luật, bảo đảm cung ứng thuốc đầy đủ kịp thời cho người bệnh. Trường hợp, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có đủ thuốc cung ứng, cơ sở khám chữa bệnh cần chuyển người bệnh đến cơ sở khám bệnh chữa bệnh có đủ điều kiện cung cấp thuốc, vật tư cho người bệnh. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm giải trình về trường hợp không có sẵn thuốc, vật tư y tế để điều trị cho người bệnh, vì một trong những lý do khách quan như: đã thực hiện các hình thức đấu thầu thuốc, vật tư y tế đó nhưng không có đơn vị trúng thầu; đã có kết quả đấu thầu nhưng tại thời điểm chỉ định thuốc, vật tư y tế cho người bệnh nhà cung cấp không cung ứng được hoặc trường hợp chậm có kết quả đấu thầu tập trung cấp quốc gia, cấp địa phương và đàm phán giá, nhưng cơ sở khám bệnh chữa bệnh chưa kịp thời tổ chức mua sắm đấu thầu được.
Bà Trang cho hay, Bộ Y tế sẽ cố gắng nghiên cứu và sớm ban hành một số quy định để tháo gỡ một phần. Đồng thời nhấn mạnh, thông tư nhằm khắc phục những điều kiện bất khả kháng, khách quan, về nguyên tắc cần phòng ngừa lạm dụng các quy định này (Tiền phong, trang 6).
Bé trai 4 tháng tuổi có đuôi dài 14cm ở Thanh Hoá
Ngày 13/12, thông tin từ Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, các bác sĩ của đơn vị mới phẫu thuật thành công cho bệnh nhi 4 tháng tuổi có đuôi bất thường ở vùng cùng cụt.
Bệnh nhi N.V.P. (huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa) khi sinh ra đã xuất hiện đuôi bất thường vùng cùng cụt. Lúc đầu phần đuôi nhỏ nhưng dài ra trong nhiều ngày sau đó.
Sau khi tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ Khoa Ngoại Chấn thương - Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa đã làm các xét nghiệm cơ bản, chụp Cộng hưởng từ sọ não, cột sống. Trên film chụp cộng hưởng từ thể hiện hình ảnh thoát vị mỡ - tủy vùng cùng cụt. Sau hội chẩn, các bác sĩ thống nhất kế hoạch mổ cho bệnh nhân. Quá trình phẫu thuật, các phẫu thuật viên đã tiến hành cắt đuôi thừa, mở bao thoát vị lấy khối u mỡ dính vào tủy sống, tạo hình và đóng kín màng tủy cứng, lỗ thoát vị. Ca phẫu thuật đã hoàn thành sau 2 giờ đồng hồ. Hiện bệnh nhi đã xuất hiện và không có di chứng.
Bác sĩ Dư Văn Nam - Trưởng kíp phẫu thuật - cho biết, thoát vị màng não tủy là một dị tật bẩm sinh của hệ thần kinh, có rất nhiều thể bệnh, với nhiều hình thái bên ngoài khác nhau. Bệnh lý này thường có nhiều di chứng nặng nề về sau. Nếu được phẫu thuật và điều trị bài bản, bệnh nhân sẽ giảm thiểu nhiều di chứng (Tiền phong, trang 6).
Xử phạt hút thuốc lá nơi công cộng: 10 năm vẫn khó!
10 năm sau khi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực, tỉ lệ hút thuốc lá ở nam giới trên 15 tuổi tại Việt Nam đã giảm từ 54% xuống còn 39%.
Thế nhưng, mỗi năm vẫn còn hơn 40.000 ca tử vong liên quan đến thuốc lá.
Biển cấm không cấm được
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay tỉ lệ hút thuốc đã giảm nhưng Việt Nam vẫn còn nằm trong nhóm các nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới, với 38,9% nam giới trên 15 tuổi tại Việt Nam hút thuốc.
Theo báo cáo của Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, tỉ lệ phơi nhiễm với khói thuốc lá tại các địa điểm công cộng sau hơn 10 năm vẫn còn cao.
Tại cơ sở y tế, trường học dù đã là địa điểm cấm hoàn toàn hút thuốc lá nhưng tỉ lệ phơi nhiễm với khói thuốc vẫn hơn 20%. So với năm 2010, tại cơ sở y tế chỉ giảm 5%, tại trường học chưa đến 2%.
Trong khuôn viên Bệnh viện Bạch Mai, những biển báo "cấm hút thuốc" được dán tại nhiều vị trí. Thế nhưng, không khó để bắt gặp cảnh những người đàn ông phì phèo thuốc lá.
Không ít người khó chịu bởi làn khói ấy, nhưng thay vì nhắc nhở người hút thuốc, nhiều người lựa chọn đi chỗ khác tránh khỏi mùi khói thuốc.
Hình ảnh những người đàn ông hút thuốc từ công viên, bệnh viện đến quán cà phê, nhà hàng, khách sạn không còn lạ lẫm. Mặc dù theo quy định tại những địa điểm cấm hút thuốc lá nếu vi phạm có thể bị xử phạt hành chính từ 200.000 - 500.000 đồng, thế nhưng gần như không có việc xử phạt.
Trước đó, tháng 5-2022 quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã đưa vào thí điểm ứng dụng phản ánh vi phạm về hút thuốc lá nơi công cộng ở quận.
Qua ứng dụng này, người dân khi phát hiện người hút thuốc lá tại các địa điểm cấm hút thuốc như quán cà phê, nhà hàng, công viên... có thể gửi hình ảnh qua ứng dụng để cơ quan chức năng xử lý vi phạm.
Thế nhưng, sau hơn một năm thực hiện, quận Hoàn Kiếm nhận được 500 tin nhắn phản ảnh của người dân qua ứng dụng nhưng chỉ xử phạt được 16 trường hợp và số tiền phạt cũng không cao.
Và thực tế này không chỉ ở Hà Nội mà tất cả các địa phương trên cả nước.
Tăng các biện pháp phòng chống
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Quốc Hoàn, phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, cho hay qua các thông tin phản ảnh của người dân, quận đã xử phạt hành chính 16 trường hợp với mức xử phạt hơn 100 triệu đồng. Ở quận đã có hơn 1.000 nhà hàng triển khai gắn biển cấm hút thuốc.
"Nếu các nhà hàng vi phạm quy định, không nhắc nhở khách hàng cũng sẽ bị xử lý vi phạm. Tuy nhiên, thực tế việc xử phạt hành chính người hút thuốc lá còn khó khăn. Thứ nhất, do người hút thuốc thường sẽ không vi phạm khi có lực lượng chức năng.
Thứ hai, việc xử phạt phải có đủ căn cứ về thời gian, hình ảnh, địa điểm. Biện pháp để phòng chống tác hại của thuốc lá hiện chủ yếu vẫn là nâng cao nhận thức của người dân", ông Hoàn nói.
Cũng theo ông Hoàn, không vì khó khăn mà không làm, quận tiếp tục tập trung triển khai các biện pháp cấm hút thuốc nơi công cộng, xây dựng kế hoạch không gian phố đi bộ không khói thuốc.
Kế hoạch sẽ bố trí không gian dành riêng cho người hút thuốc tại phố đi bộ, dự kiến sẽ được thực hiện vào đầu năm 2024. Đồng thời, tăng cường kiểm tra phát hiện người vi phạm hút thuốc nơi công cộng sẽ bị xử phạt.
Còn TS Nguyễn Huy Quang, nguyên vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho rằng sau 10 năm thi hành Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, nhận thức của cộng đồng đã có nhiều thay đổi tích cực.
Nhiều người dân đã hiểu về tác hại của thuốc lá, từ đó thay đổi hành vi sử dụng. "Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm hành chính đối với người hút thuốc lá nơi công cộng, các địa điểm bán thuốc lá vi phạm... còn chưa được thực thi.
Bên cạnh đó việc xử lý vi phạm còn khó. Vi phạm này thường xảy ra rất nhanh, khó xác định đối tượng, vì vậy không kỳ vọng quá nhiều vào việc xử phạt", ông Quang nhận định.
Riêng một số chuyên gia lại cho rằng cần gia tăng các biện pháp xử phạt, đồng thời tăng thuế đối với thuốc lá... mới mong hạn chế tình trạng hút thuốc lá tại Việt Nam (Tuổi trẻ, trang 5).
Tại sao vô sinh vẫn có con?
Không ít cặp vợ chồng sinh con đầu lòng xong, sau đó lại không thể có thai lần kế tiếp. Tâm lý "phái mạnh" cho rằng việc sinh hoạt vợ chồng bình thường thì không thể vô sinh. Nhiều anh chồng một mực đổ lỗi cho vợ mà không hề hay biết nguyên nhân thực sự là do mình.
"Thả" mãi không đậu
Bác sĩ Nguyễn Trọng Hoàng Hiệp - Trung tâm y học giới tính, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội - chia sẻ câu chuyện của bệnh nhân D. trong quá trình thăm khám cho bệnh nhân.
Đó là trường hợp cặp vợ chồng cùng 32 tuổi, kết hôn được 8 năm và có một con 7 tuổi. Khoảng 1 năm gần đây, vợ chồng quyết định có bé thứ hai nhưng "thả" mãi không đậu nên quyết định đi khám.
Kết quả kiểm tra là người vợ sinh sản hoàn toàn bình thường, trong khi người chồng lại được phát hiện không có tinh trùng trong tinh dịch.
Khi biết tin, người chồng đã rất kích động, thậm chí có tâm lý nghi ngờ vợ mình có mối quan hệ bên ngoài. Thậm chí người chồng còn nghĩ đứa con hiện tại không phải là con của mình. Tuy nhiên sau khi được bác sĩ khám và kiểm tra kỹ đã phát hiện người chồng có tình trạng teo tinh hoàn hai bên.
Bác sĩ khai thác kỹ tiền sử thì người chồng kể cách đây 4 năm có lần bị sưng đau tinh hoàn hai bên nhưng không đi khám mà tự điều trị thuốc tại nhà, kết quả tinh hoàn sau đó teo dần đi.
Do khả năng sinh lý và quan hệ vợ chồng vẫn bình thường nên người chồng cũng không để tâm.
Sau khi xác định được tình trạng của chồng là vô sinh thứ phát do viêm tinh hoàn biến chứng teo tinh hoàn, người chồng đã được thực hiện phẫu thuật vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng (MicroTESE) để tìm ra những tinh trùng đủ điều kiện và tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm với trứng của người vợ.
"Kết quả đã rất thành công, vợ chồng giải tỏa được tâm lý nghi ngờ lẫn nhau cũng như đón được thêm thành viên mới cho gia đình", bác sĩ Hiệp kể lại.
Theo bác sĩ Hiệp, vô sinh nam được định nghĩa là tình trạng người nam giới không thể làm cho người phụ nữ của mình có thai (trong điều kiện sức khỏe sinh sản của người phụ nữ bình thường) sau 1 năm chung sống mà không dùng biện pháp tránh thai.
"Bệnh viện tiếp nhận rất nhiều cặp vợ chồng đã từng có con tới khám hiếm muộn. Đa phần các cặp đôi đều nghĩ nguyên nhân không thể sinh thêm là do người vợ mà không biết rằng nam giới cũng có nguy cơ cao nếu không thường xuyên kiểm tra sức khỏe sinh sản", bác sĩ Hiệp chia sẻ.
Nguyên nhân nào dẫn đến vô sinh thứ phát ở nam giới?
Có hai dạng vô sinh là vô sinh nguyên phát và vô sinh thứ phát. Vô sinh thứ phát là những trường hợp đã từng có thai ít nhất một lần (những lần có thai này có thể bị sẩy hoặc đẻ con) nay muốn tiếp tục sinh đẻ nữa nhưng không thể thụ thai được.
Theo ThS Đinh Hữu Việt - trưởng khoa nam học Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến vô sinh thứ phát ở nam giới.
Một số nguyên nhân phổ biến như nam giới mắc các bệnh lý viêm nhiễm đường sinh dục, tiết niệu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng như teo tinh hoàn, tắc đường dẫn tinh, từ đó gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới.
Nguyên nhân khác là do bệnh lý lây truyền qua đường tình dục do quan hệ bừa bãi, không an toàn như lậu, giang mai, chlamydia... nếu không xử lý sớm hoàn toàn có thể gây vô sinh ở nam giới.
Hoặc nam giới có tiền sử tai nạn, chấn thương vùng cơ quan sinh dục như dương vật, tinh hoàn, bàng quang - tiền liệt tuyến, từ đó ảnh hưởng đến khả năng giao hợp cũng như khả năng sản xuất tinh trùng.
Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân thường gặp gây vô sinh thứ phát ở nam giới là do giãn tĩnh mạch tinh.
Giãn tĩnh mạch tinh là tình trạng bệnh lý thường gặp ở nam giới lứa tuổi trưởng thành và có xu hướng nặng dần lên.
Giai đoạn sớm của bệnh khi tĩnh mạch tinh chưa giãn nhiều, nam giới hoàn toàn vẫn có khả năng sinh sản bình thường, cho đến lúc mức độ giãn nặng lên, tinh trùng yếu dần đi ảnh hưởng đến khả năng thụ thai lần sau.
Một số yếu tố khác như nam giới mắc quai bị gây biến chứng teo tinh hoàn, lạm dụng chất kích thích, chế độ sinh hoạt và ăn uống không lành mạnh... đều ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng cũng như khả năng sinh sản của nam giới (Tuổi trẻ, trang 14).