Dịch COVID-19 vẫn trong tầm kiểm soát
Theo thống kê của Bộ Y tế, số mắc Covid-19 trong tuần qua tăng khoảng 4 lần so với tuần trước và có thể còn tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, đến nay dịch vẫn ở cấp độ 1, cả nước đang là vùng xanh an toàn.
Trao đổi thông tin với các cơ quan báo chí chiều 13/4 về tình hình dịch Covid-19 trong nước có xu hướng gia tăng từ đầu tháng 4 đến nay, GS, TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, việc đánh giá tình hình dịch Covid-19 sẽ dựa trên ba yếu tố.
Thứ nhất, là vi-rút SARS-CoV-2 với biến thể Omicron có hơn 500 biến thể phụ khác nhau. Biến thể này hiện đang lưu hành hầu hết các nơi trên thế giới và đang chiếm ưu thế, với đặc tính lây lan nhanh, nhưng chưa có bằng chứng rõ ràng về tăng ca nặng. Một điểm cần lưu ý là đặc tính hiệu quả của vắc-xin trong phòng lây nhiễm với biến thể Omicron còn hạn chế, tuy nhiên khả năng phòng chuyển nặng, nhập viện, tử vong thì hiệu quả.
Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá những người đã tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, khi mắc thì hầu hết đều có miễn dịch có biểu hiện nhẹ hơn, ít hơn hoặc không có triệu chứng. Mặc dù hiện nay tỷ lệ nặng/mắc không có sự gia tăng đáng kể, nhưng các đối tượng như người lớn tuổi, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai dễ chuyển biến nặng và có nguy cơ tử vong khi mắc Covid-19. Do đó, cần tuân thủ việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đúng lịch, đủ liều theo các hướng dẫn, khuyến cáo của Bộ Y tế.
Thứ hai, là môi trường sống, hành vi của người dân. Đến nay, hầu hết các nước đã mở cửa, nới lỏng toàn bộ các biện pháp phòng, chống dịch kể cả ở những nước có sự lây nhiễm cao; việc giao lưu đi lại sau ba năm đại dịch gia tăng rất lớn đã tạo điều kiện cho vi-rút lây lan sang đối tượng khác.
Thời gian qua, hoạt động phòng, chống dịch của Việt Nam đạt hiệu quả nhờ đẩy mạnh tiêm vắc-xin, vì thế, người dân có tâm lý chủ quan với biện pháp phòng, chống dịch, làm gia tăng sự lây nhiễm. Mặt khác, hiện nay tại nước ta số mắc tập trung chủ yếu ở khu vực phía bắc - nơi đang có sự giao mùa, điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của vi-rút.
Thứ ba, về biện pháp đáp ứng, vũ khí hiệu quả giúp Việt Nam trở lại trạng thái bình thường mới từ tháng 3/2022 là do chúng ta đã bao phủ vắc-xin phòng, chống dịch Covid-19 rất sớm. Tuy nhiên, có nơi, có chỗ tỷ lệ tiêm chưa đạt như mong muốn, đặc biệt ở đối tượng nguy cơ cao.
Tình hình dịch Covid-19 ở nước ta hiện vẫn trong tầm kiểm soát tốt. Đánh giá theo cấp độ dịch thì tất cả các địa phương đều vẫn đang ở cấp độ 1- vùng xanh an toàn. Cấp độ này không chỉ đánh giá trên số mắc mà còn dựa trên ca nặng, độ bao phủ vắc-xin và đáp ứng bảo đảm thu dung điều trị.
Hiện Việt Nam chưa thay đổi khuyến cáo về tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Mặc dù vắc-xin còn hạn chế trong hiệu quả phòng lây nhiễm biến chủng Omicron, nhưng vẫn phòng được ca nặng và nhập viện, tử vong một cách hiệu quả. Đến nay, cả nước đã tiêm hơn 266 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 các mũi khác nhau, là một trong số quốc gia tiêm chủng cao trên thế giới. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, vắc-xin vẫn là biện pháp hiệu quả, tăng miễn dịch với biến chủng Omicron, giảm ca tăng nặng và tử vong.
Mục tiêu giai đoạn tới là giảm số ca nhập viện, trở nặng, tử vong, tránh quá tải hệ thống y tế, giữ vững thành quả phòng, chống dịch, do đó một trong những nhiệm vụ hiện nay là tập trung bảo vệ đối tượng nguy cơ cao (người cao tuổi, có bệnh nền, suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai), tiêm phòng đủ liều, đúng lịch theo các khuyến cáo của Bộ Y tế.
Để giảm bớt sự lây nhiễm, người dân cần tiếp tục thực hiện 2K (khẩu trang-khử khuẩn) + vắc-xin. Việc đeo khẩu trang trong các cơ sở khám, chữa bệnh, nơi đông người, trên các phương tiện công cộng là yêu cầu phòng, chống dịch. Với những người có nguy cơ cao dễ chuyển biến nặng và có nguy cơ tử vong khi mắc Covid-19 như: người cao tuổi, người có bệnh nền, người bị suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai khi đến nơi đông người, môi trường ít thông thoáng thì nên đeo khẩu trang; đồng thời phải tiêm chủng vắc-xin đúng lịch, đủ liều theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Về phía các địa phương cần tăng cường giám sát để xử lý kịp thời các ổ dịch Covid-19, không để lây lan trên diện rộng. Thực hiện phòng, chống hiệu quả các dịch bệnh khác, không để “dịch chồng dịch”, gây quá tải hệ thống y tế.
Bản tin phòng, chống dịch Covid-19 ngày 13/4 của Bộ Y tế cho biết số ca mắc Covid-19 trong ngày ghi nhận là 497 trường hợp. Đây là số mắc cao nhất trong khoảng 4 tháng qua ở nước ta. Trong ngày có 37 bệnh nhân khỏi, 8 bệnh nhân đang phải hỗ trợ thở ô-xy. (Lao động, trang 1; Nhân dân, trang 5):
Khoảng 90% người dân có miễn dịch với COVID-19
Trao đổi với Thanh niên, chiều 13.4, GS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, BYT nhận định: Đánh giá về dịch COVID-19 cần dựa trên 3 yếu tố: mức độ biến đổi của vi rút gây dịch, độ bao phủ vắc xin và khả năng đáp ứng y tế (Chi tiết xem báo, Thanh niên trang 14).
Hà Nội ghi nhận 240 ca COVID-19, có tăng nhưng chưa bất thường
CDC Hà Nội cho biết, hiện toàn thành phố đang ghi nhận 240 ca Covid-19, trong đó 124 ca đang điều trị tại cơ sở y tế đều nhẹ, 116 ca là theo dõi tại nhà, chưa có bất thường…
Chiều 12-4, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà cùng đại diện Sở Y tế Hà Nội kiểm tra đột xuất công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại Bệnh viện Thanh Nhàn và Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.
Tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho thấy, từ ngày 1-4 đến nay, mỗi ngày tiếp nhận điều trị từ 5 đến 10 ca Covid-19. Trên 90% bệnh nhân điều trị tại đây có triệu chứng nhẹ. Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang Nguyễn Văn Thường cho biết, lượng bệnh nhân Covid-19 gần đây có tăng nhưng bệnh nhân nặng không tăng, các ca nặng chủ yếu có bệnh nền.
Còn tại Bệnh viện Thanh Nhàn hiện đang điều trị cho 11 bệnh nhân Covid-19, trong đó có 6 bệnh nhân phải thở ô xy và có 1 bệnh nhân nặng ở địa phương khác. Hầu hết, bệnh nhân mắc Covid-19 được điều trị tại đây đều cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền kéo theo suy hô hấp và phải thở ô xy. Mặc dù 2 ngày qua, số ca mắc Covid-19 có tăng nhưng không đột biến.
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, số mắc Covid-19 tăng nhanh trong 10 ngày qua do miền Bắc đang trong giai đoạn chuyển mùa, những bệnh lây truyền qua đường hô hấp có xu hướng tăng.
Hiện toàn thành phố đang ghi nhận 240 ca Covid-19, trong đó 124 ca đang điều trị tại cơ sở y tế đều nhẹ, còn lại 116 ca là theo dõi tại nhà. Số mắc Covid-19, hiện số ca mắc gia tăng so với tháng 1 và tháng 2-2023 nhưng vẫn ở mức thấp so với các dịch bệnh khác trong giai đoạn chuyển mùa.
Đại diện CDC Hà Nội khuyến cáo,người dân nếu chưa tiêm đủ các mũi vaccine phòng Covid-19 cơ bản (gồm mũi 1, mũi 2) thì cần phải tiêm đủ. Còn với những người đã tiêm đủ mũi cơ bản nhưng chưa được tiêm mũi bổ sung (gồm: Mũi 3, mũi 4) thì đến các trạm y tế xã, phường, thị trấn để tiêm. Hiện nay, tiêm vaccine Covid-19 không cần phải đăng ký, chỉ cần ra trạm y tế là được tiêm.
Với người có triệu chứng mắc bệnh cần tự theo dõi, cách ly tại nhà. Chỉ những trường hợp nằm trong nhóm nguy cơ cao và có triệu chứng biểu hiện nặng mới cần đến cơ sở y tế điều trị. Đồng thời, người dân cần đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, đeo khẩu trang và khử khuẩn khi đi vào những khu vực điều trị...
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà yêu cầu các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn không được chủ quan, sẵn sàng công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 khi có diễn biến phức tạp. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền để người dân chủ động phòng, chống dịch bệnh nói chung và dịch bệnh Covid-19 nói riêng, không được chủ quan nhưng cũng tránh tâm lý hoang mang, lo lắng. (An ninh Thủ đô, trang 6).
Mỗi ngày hơn 90 ca COVID-19 mới, Bộ Y tế cảnh báo COVID-19 vẫn đang là tình trạng khẩn cấp
Bộ Y tế cho biết, 7 ngày gần nhất, trung bình mỗi ngày cả nước có thêm 90 ca mới, trong đó có 1-2 ca nặng, số mắc đang tăng nhanh...
Ngày 12-4, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã có công văn khẩn về việc tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong văn bản này, Bộ Y tế thông tin, ghi nhận từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia, tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước có xu hướng gia tăng từ đầu tháng 4 đến nay.
Chỉ tính trong 7 ngày vừa qua (từ 5/4 - 11/4/2023), cả nước đã ghi nhận 639 ca mắc Covid-19 mới, trung bình có 90 ca mắc mới mỗi ngày, tăng 3,8 lần so với 7 ngày trước đó; trong đó nhóm từ 50 tuổi trở lên ghi nhận 193 ca (chiếm 30,2% số mắc mới).
Số ca nhập viện cũng có xu hướng gia tăng; số bệnh nhân nặng ghi nhận trong tuần là 10 ca, trung bình ghi nhận 1-2 ca nặng mỗi ngày.
Bộ Y tế nhấn mạnh, hiện Tổ chức Y tế thế giới vẫn đánh giá dịch COVID-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế.
Trong khi đó, tại nước ta, tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 tại một số địa phương chưa đạt mục tiêu đề ra.
Vì thế, Bộ Y tế yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong phòng chống dịch Covid-19
Về các biện pháp, Bộ Y tế đề nghị thúc đẩy tiêm vaccine phòng Covid-19 đạt mục tiêu đề ra của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ. Đồng thời chủ động công tác giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh.
Đặc biệt, tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở giáo dục, giám sát tại các cửa khẩu, trong các cơ sở y tế và tại cộng đồng để phát hiện sớm và xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Y tế để chủ động phát hiện sớm các biến thể mới của virus SARS-CoV-2. (An ninh Thủ đô, trang 6; Sức khỏe & Đời sống, trang 1).
Số ca COVID-19 sẽ tăng những ngày tới?
Số ca COVID-19 gia tăng liên tục từ đầu tháng 4 đến nay, đặc biệt bảy ngày gần đây. Bộ Y tế đã có chỉ đạo khẩn gửi các tỉnh thành, yêu cầu thực hiện nghiêm biện pháp phòng chống dịch, tuyệt đối không chủ quan, lơ là.
COVID-19 vốn đã gây nhiều tổn thất trong ba năm vừa qua, lần quay trở lại này có đáng ngại, phòng chống ở mức nào, vắc xin hiện có còn hiệu quả hay không... là vấn đề rất được quan tâm.
COVID-19 gia tăng sau 4 tháng "nằm yên", vì sao?
Ngày 12-4, Bộ Y tế cho biết ghi nhận từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia cho thấy COVID-19 trong nước có xu hướng gia tăng từ đầu tháng 4 đến nay.
Trong bảy ngày vừa qua (từ 5-4 đến 11-4), cả nước đã ghi nhận 639 ca mới, trung bình có 90 ca mới mỗi ngày, tăng 3,8 lần so với bảy ngày trước đó.
Ngoài ra, số ca nhập viện cũng có xu hướng gia tăng, số bệnh nhân nặng nhập viện trong tuần là 10 ca, trung bình thêm 1-2 ca nặng mỗi ngày.
Tại TP.HCM, theo báo cáo mới nhất của Sở Y tế TP.HCM ngày 12-4, ca mắc có "tăng nhẹ nhưng đang được kiểm soát".
Ông Phan Trọng Lân - cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - cho biết hiện nay Việt Nam vẫn đang kiểm soát dịch, ca mắc tăng xảy ra cục bộ ở một số địa phương. Tuy nhiên không tỉnh thành nào tăng cấp độ dịch, cả nước đều màu "xanh".
Ông Lân phân tích ba yếu tố khiến ca COVID-19 tăng. Thứ nhất là biến thể Omicron đã xuất hiện được 16 tháng với hơn 500 biến thể phụ.
Các chuyên gia nhận thấy biến chủng có đặc tính lây lan nhanh, nhưng chưa có bằng chứng rõ ràng về tăng ca nặng.
Thứ hai là yếu tố về môi trường sống, hành vi của người dân. Biến thể Omicron lây lan nhanh, trong khi hầu hết các nước đã mở cửa, nới lỏng toàn bộ các biện pháp phòng chống dịch, kể cả nước có số ca mắc cao, việc giao lưu đi lại sau ba năm đại dịch gia tăng rất lớn.
Thời gian qua hoạt động phòng chống dịch của chúng ta đạt hiệu quả nhờ vắc xin. Vì thế, người dân có tâm lý chủ quan với biện pháp đeo khẩu trang, khử khuẩn, làm gia tăng lây nhiễm.
Hiện nay tại nước ta số mắc tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc - nơi đang là thời điểm chuyển mùa.
Số mắc gia tăng thời gian tới, nhưng chưa đáng ngại
Ông Trần Đắc Phu - nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - cũng cho rằng số ca mắc COVID-19 biến động như vừa qua không phải là vấn đề đáng lo ngại. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn chưa công bố hết dịch, nghĩa là COVID-19 vẫn đang diễn biến.
Hơn nữa, số ca mắc như hiện nay chưa phản ánh đúng thực tế vì người nhiễm bệnh không xét nghiệm hoặc xét nghiệm dương tính không báo với cơ sở y tế.
"Số mắc tăng cũng liên quan miễn dịch của vắc xin suy giảm, trường hợp chưa được tiêm vắc xin (trẻ nhỏ), người suy giảm miễn dịch và chủ quan không đi tiêm nhắc lại", ông Phu nói.
Ông Phu cũng lo ngại số ca mắc gia tăng trở lại đúng vào kỳ nghỉ lễ (lễ giỗ Tổ Hùng Vương, 30-4 và ngày 1-5), giao lưu đi lại nhiều và qua đó số ca bệnh sẽ còn tiếp tục tăng.
PGS Đỗ Văn Dũng - trưởng khoa y tế công cộng, Đại học Y dược TP.HCM - cho hay số ca mắc COVID-19 tăng trở lại nhưng hoàn toàn không đáng lo. Số lượng tăng này nằm trong dao động bình thường, tương tự như các quốc gia khác.
"Việc tăng số ca COVID-19 không phải do biến chủng mới, nguyên nhân chủ yếu là do thói quen phòng bệnh của người dân không được chặt chẽ như trước", PGS Dũng cho hay.
Ông Lân cho biết thêm WHO đánh giá 90% dân số thế giới đã có miễn dịch do vắc xin hoặc do mắc phải. Nhờ yếu tố này mà các trường hợp khi mắc phải có biểu hiện nhẹ hơn, ít hoặc không có triệu chứng.
Nếu miễn dịch giảm thì các đối tượng nguy cơ cao như người lớn tuổi, người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai sẽ có nguy cơ cao dễ dẫn đến nặng, nhập viện, thậm chí tử vong.
Người dân cần làm gì?
Ông Phu khuyến cáo hiện nay, thời tiết nồm ẩm là điều kiện thuận lợi cho các vi rút lây lan, trong đó có SARS-CoV-2 phát triển và lây lan.
Thời gian sắp tới nếu có đi lại, du lịch, nếu người dân chủ quan không có các biện pháp phòng hộ cá nhân như mang khẩu trang, rửa tay thì số ca bệnh sẽ tiếp tục tăng, vì thế nên duy trì nguyên tắc 2K (khẩu trang và khử khuẩn), không chỉ phòng COVID-19 mà còn các bệnh viêm đường hô hấp khác như cúm A, cúm B.
Với ngành y tế cần đánh giá về các chủng vi rút mới, khả năng phòng bệnh của vắc xin để khuyến cáo người dân và có biện pháp đáp ứng phù hợp, không bị động.
Theo PGS Đỗ Văn Dũng, người đã tiêm đủ mũi vắc xin sẽ đủ miễn dịch, hạn chế nguy cơ biến chứng nặng. Trẻ em đi học có nguy cơ lây nhiễm cao nhưng đa số là triệu chứng nhẹ, nhẹ hơn cúm mùa. Do đó, học sinh không cần tiêm mũi bổ sung vắc xin.
Hiện nay, nhiều quốc gia khuyến cáo người có yếu tố nguy cơ cao như người cao tuổi, có bệnh nền nên tiêm vắc xin COVID-19 nhắc lại hằng năm để tăng cường miễn dịch.
Điểm tiêm sẵn sàng nhưng không có người tiêm
Theo ghi nhận tại các điểm tiêm vắc xin ở TP.HCM, tình hình tiêm vắc xin COVID-19 có xu hướng bị "khựng" lại, số lượng người đến các điểm tiêm vắc xin rất ít.
Đại diện Trạm y tế phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức) cho biết thường xuyên tổ chức tiêm vắc xin cho người dân, nhưng lượng người đến tiêm rất ít, phải rút ngắn các buổi tiêm. Trước đó, trạm tổ chức 2 buổi tiêm/tuần, hiện 2 tuần sẽ tổ chức 1 buổi tiêm.
Trạm y tế phường Trường Thọ (TP thủ Đức) cũng cho biết hằng tuần đều tổ chức tiêm vắc xin cho người dân. Tuy nhiên, lượng người dân đến tiêm chỉ có vài người 1 buổi.
"Trạm y tế luôn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có nhu cầu tiêm vắc xin, trước mỗi buổi tiêm trạm luôn kết nối với người dân qua hội nhóm trên mạng xã hội, vận động tổ dân phố, dán thông báo... để người dân nắm được lịch.
Tuy nhiên, lượng người dân đến rất ít", đại diện Trạm y tế phường Trường Thọ cho hay (Tuổi trẻ, trang 14).
Ca mắc COVID-19 tăng: Tiêm phòng, bảo vệ người có nguy cơ cao
Ngày 13/4, Bộ Y tế cho biết hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia ghi nhận tuần này số mắc COVID-19 trong nước tăng 4,2 lần so với tuần trước và sẽ tiếp tục tăng thời gian tới.
Không quá lo lắng
Trong 7 ngày qua Việt Nam ghi nhận 1.302 ca COVID-19. Riêng hôm qua (13/4) cả nước có tới 497 ca mắc mới, cao nhất trong khoảng nửa năm trở lại đây. Về diễn biến số ca mắc trong tháng 4 tăng cao đột biến so với 3 tháng trước, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết để đánh giá tình hình dịch COVID-19, cần dựa trên 3 yếu tố: SARS-CoV-2, môi trường sống, hành vi của người dân và các biện pháp đáp ứng.
“Hiện nay trên thế giới, biến thể Omicron hiện chiếm ưu thế. Ngoài ra, tỉ lệ nặng/mắc không có sự gia tăng, kể cả đối với Việt Nam”, GS Lân nói.
Các chuyên gia nhận thấy đây là biến thể có đặc tính lây lan nhanh, nhưng chưa có bằng chứng rõ ràng về tăng ca nặng. Những nơi có tăng ca nặng là do số mắc tăng tương ứng.
“Thời gian qua, hoạt động phòng chống dịch của chúng ta đạt hiệu quả nhờ vắc xin. Vì thế, người dân có tâm lí chủ quan với biện pháp đeo khẩu trang, khử khuẩn làm gia tăng sự lây nhiễm”, GS Lân nhận định.
Ông lưu ý, đặc tính hiệu quả của vắc xin trong phòng lây nhiễm với biến thể Omicron còn hạn chế, tuy nhiên khả năng phòng chuyển nặng, nhập viện, tử vong thì hiệu quả. Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá những người đã tiêm vắc xin phòng COVID-19, đã mắc bệnh hầu hết đều có miễn dịch (do vắc xin hoặc do mắc phải). “Chính yếu tố này làm các trường hợp khi mắc phải có biểu hiện nhẹ hơn, ít hơn hoặc không có triệu chứng”, GS Lân nói.
Mặc dù hiện nay tỉ lệ nặng/mắc không có sự gia tăng đáng kể nhưng các chuyên gia dịch tễ cũng lưu ý các đối tượng như người lớn tuổi, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai dễ chuyển biến nặng và có nguy cơ tử vong khi mắc COVID-19.
Hiện nay tại nước ta số mắc tập trung ở khu vực phía Bắc - nơi thời tiết đang giao mùa thuận lợi cho virus phát triển và lây lan. Bên cạnh đó, việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng, cơ sở khám chữa bệnh có lúc có nơi chưa đảm bảo cũng khiến dịch lan rộng hơn.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc phần lớn người dân nước ta tiêm mũi 3 đã rất lâu, có khi cả năm, vậy hiện giờ khả năng bảo vệ của vắc xin thế nào, GS Lân nói: “Mục tiêu của tiêm vắc xin là giảm nặng, nhập viện, giảm tử vong. Tuy nhiên, các nghiên cứu về miễn dịch trên các đối tượng đã tiêm các mũi 1, 2, 3 và 4 đến nay còn chưa đầy đủ. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi những nghiên cứu trên thế giới và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới để tiếp tục đưa ra lịch tiêm chủng phù hợp. Sắp tới chúng ta sẽ rà soát để làm thế nào có khuyến cáo kịp thời và đúng thời điểm”.
Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng thông tin thêm, thực tế số lượng vắc xin hiện nay dựa trên nhu cầu đề xuất của các địa phương. Vì thế nơi nào có đề xuất, Bộ Y tế sẽ tham mưu để cân đối đầy đủ.
“Chúng ta căn cứ bối cảnh từng đặc điểm dịch tễ để tiêm phòng cho người dân. Đôi khi tiêm sớm quá trong bối cảnh dịch đang được kiểm soát sẽ làm lãng phí nguồn lực. Chúng ta cần sự thận trọng, sử dụng hiệu quả vắc xin”.
Áp dụng biện pháp vắc xin và 2K
Về biện pháp đáp ứng, đại diện Bộ Y tế nhấn mạnh, “vũ khí” hiệu quả của Việt Nam giúp mở cửa sớm từ tháng 3/2022 là do bao phủ vắc xin phòng dịch COVID-19 rất sớm. Liều cơ bản bao phủ gần như 100% cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên, mũi 3, 4 cũng đạt tỉ lệ cao 80-90%, việc tiêm cho trẻ từ 5 đến - dưới 12 tuổi mũi 1 cũng lên đến 90%, mũi 2 là gần 70%. Tuy nhiên, có nơi, có chỗ tỉ lệ tiêm chưa đạt như mong muốn, đặc biệt ở đối tượng nguy cơ cao.
“Số liệu Bộ Y tế công bố hằng ngày là số hiện mắc chứ không phải số tích lũy. Về cấp độ dịch, dựa trên đánh giá toàn diện, không chỉ bao gồm số mắc, tử vong, độ bao phủ vắc xin, đáp ứng thu dung điều trị mà phải đánh giá tổng thể. Với số mắc hiện nay, đánh giá sơ bộ tất cả hiện đang màu xanh, không vượt qua cấp độ 1, tình hình dịch đang được kiểm soát dù số mắc tăng, kể cả có tăng cục bộ nơi này nơi kia nhưng hiện dịch được kiểm soát chặt chẽ”, GS Lân cho hay.
Theo dự báo của các nhà khoa học và Tổ chức Y tế thế giới, SARS-CoV-2 vẫn tồn tại. Để điều này không ảnh hưởng đến cuộc sống, cần tập trung bảo vệ tối đa đối tượng nguy cơ cao, lực lượng y tế tuyến đầu... Bộ Y tế đặt ra mục tiêu giai đoạn tới là giảm nhập viện, trở nặng, tử vong, tránh quá tải hệ thống y tế, giữ vững thành quả phòng chống dịch.
Do đó, một trong những nhiệm vụ hiện nay là tập trung bảo vệ đối tượng nguy cơ cao (người cao tuổi, có bệnh nền, suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai), tiêm phòng đủ liều, đúng lịch theo các khuyến cáo của Bộ Y tế. Các địa phương cần rà soát lại tất cả các đối tượng này.
Để giảm bớt sự lây nhiễm, Bộ Y tế khuyến cáo người dân tiếp tục thực hiện 2K (khẩu trang - khử khuẩn) + vắc xin. Với những người có nguy cơ cao dễ chuyển biến nặng và có nguy cơ tử vong khi mắc COVID-19, khi đến nơi đông người, môi trường ít thông thoáng, nên đeo khẩu trang; đồng thời phải tiêm vắc xin đúng lịch, đủ liều theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Theo đại diện Bộ Y tế, vừa qua có 2 địa phương gia tăng số ca mắc là Lào Cai và Hà Nội. Trong đó, Lào Cai có 2 ổ dịch đã được khống chế, còn Hà Nội cũng thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn dịch bệnh, giảm lây nhiễm. (Tiền phong, trang 3).
Kiến nghị nâng lương, phụ cấp cho bác sỹ, nhân viên y tế cơ sở
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kết quả giám sát chuyên đề việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19.
Đến năm 2024, nâng mức lương khởi điểm lên bậc 2 trong hệ thống thang bảng lương theo quy định đối với bác sĩ làm việc tại cơ sở y tế; nhân viên y tế tại y tế cơ sở hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề theo mức cao nhất đối với công chức, viên chức.
Đó là một trong nhiều kiến nghị được nêu tại báo cáo Kết quả thực hiện giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sáng 11/4.
Trình bày báo cáo tóm tắt, Phó trưởng đoàn Giám sát, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, đến 31/12/2022, tổng nguồn lực đã được huy động để trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch là trên 236 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là trên 189 nghìn tỷ đồng, huy động từ các nguồn viện trợ (chủ yếu là vắc - xin), tài trợ là trên 47 nghìn tỷ đồng.
Quỹ vắc - xin phòng chống dịch Covid-19 đã huy động được trên 15,1 nghìn tỷ đồng; tổng số vắc - xin nhận từ các nguồn viện trợ, tài trợ là gần 160 triệu liều, trong đó riêng viện trợ của Chính phủ các nước là gần 150 triệu liều, trị giá khoảng 24 nghìn tỷ đồng.
"Đã có hàng triệu tình nguyện viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trực tiếp tham gia tuyến đầu chống dịch. Các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ và các tổ chức quốc tế đã đóng góp sức lực, tiền, hiện vật và nhiều khoản đóng góp khác dưới nhiều hình thức, trong đó có nhiều khoản đóng góp, ủng hộ không lượng hóa được bằng tiền", Chủ nhiệm Nguyễn Thuý Anh nhấn mạnh.
Về thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, kết quả giám sát cho thấy đến năm 2022, mạng lưới y tế cơ sở phát triển rộng khắp cả nước, 100% huyện có Trung tâm y tế, 99,6% số xã, phường, thị trấn có trạm y tế, 92,4% trạm y tế có bác ỹ làm việc, 71% thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động. Ngoài ra còn có hàng chục ngàn phòng khám tư nhân, phòng khám bác sỹ gia đình, bệnh viện tư nhân tương đương tuyến huyện.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Đoàn giám sát, đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng còn chưa thỏa đáng, chưa tương xứng với quan điểm "y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng", cơ chế tài chính cho y tế cơ sở và y tế dự phòng chậm đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu về chức năng nhiệm vụ và nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân; việc quy định cơ chế tài chính, cơ chế giá và danh mục thuốc, thiết bị, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chưa tạo động lực cho sự phát triển của y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Qua rà soát các báo cáo, vẫn còn một số địa phương chi cho y tế dự phòng ở mức thấp, chưa đạt ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng. Vẫn còn khoảng 20% số trạm y tế xã vẫn chưa được đầu tư kiên cố và khoảng 40% trạm y tế xã có nhu cầu đầu tư cải tạo, xây dựng mới.
Kết quả giám sát cho thấy, khả năng cung ứng dịch vụ y tế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân. Chất lượng dịch vụ y tế giữa các tuyến, các vùng miền chưa đồng đều, còn chênh lệch lớn, đặc biệt ở tuyến xã vẫn còn ở mức hạn chế. Tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ y tế tại y tế cơ sở, sử dụng dịch vụ dự phòng còn chưa cao, tình trạng vượt tuyến vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Khi phải đối mặt với những tình huống y tế khẩn cấp trên diện rộng như dịch COVID-19, hệ thống y tế nhất là y tế cơ sở và y tế dự phòng ở nhiều nơi bộc lộ tồn tại, yếu kém, chỉ đủ sức giám sát và khống chế các dịch bệnh phổ biến mà chưa đủ khả năng ứng phó với các tình huống khi xảy ra dịch bệnh lớn như dịch Covid-19.
Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát trong đó có nhiều nội dung về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Trong đó có kiến nghị giao Chính phủ ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành theo thẩm quyền các chính sách, chủ trương bảo đảm tiền lương, phụ cấp, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân lực y tế cơ sở, y tế dự phòng; đến năm 2024, nâng mức lương khởi điểm lên bậc 2 trong hệ thống thang bảng lương theo quy định đối với bác sĩ làm việc tại cơ sở y tế; nhân viên y tế tại y tế cơ sở hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề theo mức cao nhất đối với công chức, viên chức.
Đoàn giám sát cũng kiến nghị ban hành chính sách bảo đảm chi thường xuyên, các hoạt động chuyên môn cho y tế cơ sở, y tế dự phòng. Nghiên cứu cơ chế chi từ quỹ bảo hiểm y tế cho một số hoạt động khám sức khỏe định kỳ, khám sàng lọc, phát hiện sớm bệnh tật, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội đồng thời phù hợp với khả năng cân đối của quỹ bảo hiểm y tế; tăng mức chi trả bảo hiểm y tế cho các cơ sở y tế tuyến huyện, xã, phấn đấu đến năm 2030 đạt tỷ lệ 40% tổng chi bảo hiểm y tế cho tuyến xã, huyện.
Ngoài ra, cần có chủ trương, chương trình, dự án đầu tư công để xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho y tế cơ sở, y tế dự phòng; bảo đảm đến năm 2030, 100% trạm y tế xã và đến năm 2035, 100% các đơn vị y tế dự phòng tuyến trung ương, 100% Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tuyến tỉnh, trung tâm y tế huyện và đều được xây dựng kiên cố và có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị theo tiêu chí của từng khu vực và nhiệm vụ được giao trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
Số người gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần ngày càng tăng
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, số lượng người gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần ở nhiều cấp độ khác nhau ngày một tăng, thế nhưng công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân còn nhiều hạn chế.
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh vừa có tờ trình gửi UBND TP Hồ Chí Minh về việc phê duyệt chiến lược y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn từ nay đến 2025 và những năm tiếp theo. Trong đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng đột biến tỷ lệ mắc các rối loạn tâm thần trên phạm vi toàn cầu. Thêm vào đó, các vấn đề khủng hoảng biển đối khí hậu, chiến tranh, suy thoái kinh tế toàn cầu cũng phần nào làm gia tăng gánh nặng lên hệ thống chăm sóc sức khoẻ tâm thần.
Theo số liệu công bố của Bộ Y tế, tỷ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số, nghĩa là có gần 15 triệu người bị ảnh hưởng. Trong đó, tỷ lệ tâm thần phân liệt chỉ chiếm 0,47% dân số; tỷ lệ trầm cảm, lo âu chiếm chiếm từ 5 đến 6% dân số; số còn lại là các rối loạn tâm thần khác như rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn tâm thần liên quan tới sử dụng rượu bia, ma túy và các chất gây nghiện khác.
Riêng tại TP Hồ Chí Minh, năm 2022, Bệnh viện Tâm thần TP Hồ Chí Minh tiếp nhận tổng cộng 170.000 lượt khám bệnh, trung bình từ 800–1.000 lượt khám/ngày. Trong đó, các rối loạn lo âu và rối loạn khí sắc chiếm tỷ lệ cao nhất, tương đương 35,67% và 24,95%.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, công tác chăm sóc sức khoẻ tâm thần tại Thành phố trong suốt nhiều năm qua được triển khai đồng bộ và toàn diện. Qua đó, bước đầu giúp người dân dễ dàng tiếp cận được dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm thần ngay tại địa phương đến các bệnh viện chuyên khoa.
Tuy nhiên, tại TP Hồ Chí Minh chưa đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần do số lượng người gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần ở nhiều cấp độ khác nhau ngày một tăng. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng cấp tính, mạn tính và ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm thần của hàng triệu người.
Nhiều người bị rối loạn tâm thần chưa tiếp cận được với các dịch vụ chăm sóc hiệu quả, làm gia tăng khoảng trống trị liệu. Song song đó, vẫn còn sự kỳ thị lớn đối với các rối loạn tâm thần, dẫn đến tâm lý e ngại khi thừa nhận các vấn đề sức khoẻ tâm thần để đi khám và điều trị kịp thời.
Đặc biệt, nhân lực ngành tâm thần chưa đáp ứng so với nhu cầu thực tế. Đội ngũ bác sỹ tâm thần, chuyên viên trị liệu tâm lý còn ở mức thấp cả về số lượng và chất lượng so với trên thế giới. Bên cạnh đó, hiện tại chưa có phạm vi hành nghề cho bác sĩ tâm lý, chuyên viên tư vấn tâm lý tại Việt Nam.
Cụ thể, số liệu thống kê của Tổ chức y tế thế giới cho thấy, Việt Nam chỉ có 0,91 bác sĩ tâm thần trên 100.000 dân, thuộc nhóm thấp nhất thế giới. Tại TP Hồ Chí Minh, số bác sĩ tâm thần/dân số, giường bệnh tâm thần/dân số cũng thấp so với cả nước, chỉ đạt 0,07 so với 0,12/1.000 dân.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng của bệnh viện đã xuống cấp, không thể đáp ứng số lượng người bệnh ngày một tăng cao. Các bệnh viện đa khoa và các trường học chưa có phòng khám tâm thần, tham vấn tâm lý để sàng lọc sớm, điều trị kịp thời các vấn đề sức khoẻ tâm thần (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).