Điều trị phục hồi cho hơn 7.600 trẻ bị suy dinh dưỡng
Ngày 31/3, tại Hà Nội, Viện Dinh dưỡng quốc gia, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị tổng kết dự án “Hỗ trợ dinh dưỡng khẩn cấp cho bà mẹ và trẻ em tại 6 tỉnh bị hạn hán và xâm nhập mặn” hợp phần dinh dưỡng.
Theo đại diện Viện Dinh dưỡng, kể từ khi triển khai dự án (6/2016) đến nay, đã có hơn 83.560 phụ nữ mang thai và phụ nữ cho con dưới 1 tuổi bú được bổ sung đa vi chất trong 4 tháng; hơn 62.270 trẻ từ 6 - 23 tháng tuổi được bổ sung đa vi chất trong vòng 3 tháng. (Hà Nội mới, trang 5)
Mỗi năm, cả nước có khoảng 40.000 người chết do các bệnh liên quan đến thuốc lá
Theo Ths. Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, khói thuốc lá chứa hơn 4.000 loại hóa chất, trong đó hơn 200 loại hóa chất có hại cho sức khỏe và hơn 40 chất gây ung thư.
Thuốc lá có nguy cơ gây ra ung thư phổi cao gấp 10-20 lần; làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim từ 10-15 lần; gây xơ vữa động mạch cao hơn 1,5-2 lần; có nguy cơ gây tai biến mạch máu não cao gấp 2-4 lần…
Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.000 người chết do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Nếu các biện pháp kiểm soát thuốc lá không được áp dụng kịp thời thì số người tử vong vì thuốc lá sẽ tăng lên thành 70.000 người vào năm 2030.
Trong thời gian tới, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá tiếp tục đẩy mạnh việc thực thi quy định cấm hút thuốc lá ở những nơi công cộng, chú trọng các khu vực trong khách sạn, nhà hàng, công sở, trường học, bệnh viện. (Hà Nội mới, trang 5)
Phát hiện trường hợp rối loạn đông máu hiếm gặp đầu tiên tại Việt Nam
Chia sẻ với báo chí ngày 30-3 về trường hợp bệnh nhân Hồ Thị Loan (30 tuổi, ngụ tại Cần Thơ), các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, đây là ca bệnh đầu tiên được ghi nhận tại Việt Nam nói chung và bệnh viện Chợ Rẫy nói riêng về một trường hợp mắc bệnh rối loạn đông máu hiếm gặp do sự bất thường của gen.
Bệnh nhân Hồ Thị Loan vào TP Hồ Chí Minh làm công nhân ở quận 12, bệnh nhân có tiền sử sảy thai một lần vào năm 2015 lúc thai 24 tuần tuổi.
Mang thai lần thứ 2 vào năm 2016, bệnh nhân thường xuyên bị huyết áp cao, đã phải nhập viện theo dõi 1 tháng. Đến khi thai được 25,5 tuần, bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Hùng Vương thì xét nghiệm phát hiện rối loạn đông máu với yếu tố APTT kéo dài nên được chuyển đến Khoa Huyết học bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị.
Tại đây, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị thiếu "yếu tố 12" bẩm sinh trong máu, là bệnh rất hiếm với tỷ lệ mắc 1/1.000.000 theo thống kê ở Mỹ.
Đây là bệnh xảy ra do bất thường của gen, khác với các rối loạn đông máu thông thường sẽ gây chảy máu do máu khó đông, với rối loạn này bệnh nhân không bị chảy máu mà có nguy cơ bị huyết khối trong lòng mạch máu.
Huyết khối cũng chính là nguyên nhân cản trở lượng máu đến nuôi thai, dẫn đến thai kém phát triển, gây hậu quả sảy thai nhiều lần liên tiếp.
Tuy nhiên, do bệnh nhân được phát hiện bệnh trễ, khi thai đã lớn, nên không thể can thiệp điều trị hiệu quả. Trong tình hình thai ngày càng chậm phát triển, có nguy cơ chết lưu, các bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương phải quyết định mổ lấy thai, bé cân nặng 800 gram và tử vong 10 ngày sau đó.
BS.CKII Bùi Lê Cường – Phó Khoa Huyết học Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, nếu được chẩn đoán sớm, có kế hoạch điều trị, theo dõi, bệnh nhân có thể tránh được việc thai chết lưu bằng cách dùng các loại thuốc chống đông máu liều thấp trong thai kỳ.
Do chứng bệnh này về mặt lâm sàng không có biểu hiện gì bất thường, bệnh nhân không thể biết bệnh và các bác sĩ cũng dễ dàng bỏ qua nên việc công bố báo cáo về ca bệnh này cũng nhằm giúp người dân và các bác sĩ biết đến một loại bệnh hiếm gặp nhằm phát hiện và điều trị kịp thời khi gặp phải. (Công an Nhân dân, trang 7)
Cha mẹ lạm dụng kháng sinh, con nhận hậu quả
Thời tiết chuyển lạnh đột ngột tại miền Bắc khiến số bệnh nhân, nhất là trẻ nhỏ bị ho, viêm họng, viêm đường hô hấp tăng mạnh.
Các bác sĩ cảnh báo một thực trạng nguy hiểm và rất phổ biến là đa số phụ huynh khi thấy trẻ nhỏ bị ho, hắt hơi sổ mũi do nhiễm lạnh, viêm họng… liền ra hiệu thuốc mua kháng sinh cho trẻ uống. Tuy nhiên, 60-70% trường hợp tự ý điều trị này là sai lầm.
70-80% bệnh nhân viêm họng có thể tự khỏi
PGS.TS. Phan Thu Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mỗi khi thời tiết chuyển lạnh đột ngột, đường hô hấp rất dễ bị nhiễm lạnh, không chỉ trẻ em mà cả người lớn cũng dễ mắc bệnh viêm họng. Đặc biệt, thời điểm giao mùa là điều kiện thuận lợi cho các loại virus sinh sôi, xuất hiện nhiều chủng virus mới và trẻ nhỏ là đối tượng rất dễ nhiễm virus. Nhiều người có tâm lý chủ quan, cho rằng đây là căn bệnh đơn giản, dễ chữa, nên thường tự mua thuốc điều trị tại nhà.
“Nhiều người kể, họ đi mua thuốc mà không biết phải mua thuốc gì, cũng không biết người bán có đủ trình độ để tư vấn cho mình hay không. Thói quen như vậy là không nên, bởi nếu bệnh nhẹ thì không sao nhưng với những bệnh nguy hiểm sẽ để lại hậu quả không thể lường trước nếu tự ý dùng thuốc” - bác sĩ Phan Thu Phương cho biết.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thời tiết nóng lạnh đan xen khiến trẻ bị viêm họng, viêm đường hô hấp tăng mạnh. Số trẻ nhập viện vì bệnh lý này cũng tăng cao. Đa số bệnh nhi viêm họng, viêm đường hô hấp khi nhập viện đều đã được cho sử dụng kháng sinh trước đó. Việc phụ huynh tự ý mua thuốc kháng sinh cho con uống khi ho, hắt hơi sổ mũi hay viêm họng như vậy là rất sai lầm, bởi 70-80% nguyên nhân gây viêm họng là do virus, đồng nghĩa với việc sử dụng kháng sinh không có hiệu quả, chưa kể nguy cơ gây kháng thuốc kháng sinh.
“Cứ 10 trẻ bị viêm họng thì có đến 8 trường hợp không cần dùng kháng sinh mà chỉ cần điều trị triệu chứng. Chẳng hạn, bệnh nhân có sốt thì dùng thuốc hạ sốt, ho thì dùng thuốc ho, thuốc long đờm, nghẹt mũi thì dùng nước muối biển… Vì thế, khi thấy con viêm họng, các bà mẹ đừng vội cho trẻ uống kháng sinh, vừa tốn kém, nguy cơ kháng thuốc, vừa không mang lại hiệu quả trong điều trị” - PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nói.
Đồng quan điểm trên, Ths.BS Lê Anh Tuấn, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp - Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho rằng, khoảng 70% trường hợp ho, viêm họng thông thường là do virus, không cần dùng kháng sinh mà chỉ cần để bệnh nhân nghỉ ngơi, ăn nhẹ, uống đủ nước; nếu nặng hơn có thể sử dụng các thuốc như thuốc hạ sốt, thuốc giảm đau hoặc những thuốc chống viêm, kết hợp với việc vệ sinh họng như súc họng bằng nước muối… Phần lớn các trường hợp, sau khi điều trị như trên, khoảng 3-5 ngày sẽ khỏi.
Khi nào nên đưa trẻ đi bệnh viện?
Theo bác sĩ Phan Thu Phương, với những trẻ có cơ địa dễ phản ứng với sự thay đổi của môi trường, thời tiết, cha mẹ cần theo dõi trẻ cẩn thận. Thường lúc đầu trẻ nhiễm virus với các biểu hiện hắt hơi, sổ mũi, húng hắng ho, nhiễm trùng đường hô hấp trên nhưng sau đó có thể sẽ lan xuống phế quản, phổi, do đường hô hấp trên thông với đường hô hấp dưới.
Một số trường hợp khác bị bội nhiễm thì cũng phải dùng kháng sinh thích hợp, phù hợp với thể trạng của trẻ và lứa tuổi. Theo PGS.TS. Phan Thu Phương, khi thấy trẻ bị ho, viêm họng, viêm đường hô hấp, không có một câu trả lời chính xác nào cho việc ho bao lâu cần đưa trẻ đi khám mà cần theo dõi thật sát trẻ và đưa trẻ đi khám để được bác sĩ chỉ định dùng thuốc gì và liều lượng.
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, nếu trẻ có các triệu chứng bệnh do virus với các biểu hiện như: viêm kết mạc, chảy mũi, ho, tiêu chảy, phụ huynh hãy bình tĩnh theo dõi con tại nhà (hoặc cho trẻ đi khám nếu thấy không yên tâm), vệ sinh mắt, mũi bằng nước muối sinh lý, muối biển.
Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ C hãy dùng thuốc hạ sốt paracetamol theo cân nặng. Nếu trẻ ho nhiều, nên đi khám để được hướng dẫn dùng loại thuốc ho phù hợp. Còn khi thấy bệnh nhân sốt trên 38,5 độ C, đau đầu, nốt xuất huyết ở vòm họng, đau bụng, chất xuất tiết ở họng, amidan… thì cần đưa trẻ đi khám ngay để được chỉ định dùng kháng sinh phù hợp. (An ninh Thủ đô, trang 1)
Lắp đặt hệ thống Ki ốt khảo sát mức độ hài lòng của người bệnh
Sáng 31-3, PGS. BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế đã đi kiểm tra việc lắp đặt thí điểm hệ thống khảo sát mức độ hài lòng của người dân khi đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng 1.
Theo PGS. BS Tăng Chí Thượng, nhiều năm qua, người bệnh phản ánh qua đường dây nóng của Sở Y tế TP có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, phản ánh giảm không có nghĩa là người bệnh đã hài lòng. Sở Y tế mong muốn rằng dù là những vấn đề nhỏ nhất cũng phải phục vụ tốt nhất cho bệnh nhân. 15 vấn đề liên quan trực tiếp đến người khám chữa bệnh tại khoa khám bệnh của bệnh viện được cài đặt vào hệ thống kiosque. Khi người bệnh không hài lòng ở công đoạn nào tại các khoa khám bệnh, sẽ chọn và đánh giá mức độ hài lòng, không hài lòng.
Hệ thống kiosque này sẽ được kết nối mạng trực tiếp. Khi người bệnh phản ánh tại đây thì thông tin sẽ được chuyển ngay đến lãnh đạo bệnh viện. Hàng tuần, các dữ liệu từ hệ thống kiosque cũng được gửi về Sở Y tế quản lý. Sở Y tế sẽ tổng hợp lại kết quả khảo sát không hài lòng của người bệnh để phản hồi về lãnh đạo các bệnh viện có tỉ lệ không hài lòng cao. Từ đó, lãnh đạo bệnh viện sẽ có các biện pháp cải tiến, chấn chỉnh lại quy trình, thái độ phục vụ người bệnh tại khoa khám bệnh.
Mỗi bệnh viện công lập sẽ được lắp đặt 1 kiosque ở nơi bệnh nhân dễ nhìn thấy nhất để có thể gửi phản ánh của mình.
Hiện tại, Bệnh viện Nhi Đồng 1 là nơi được chọn thí điểm và dự kiến trong tháng 4 tới, tất cả các bệnh viện công lập trên địa bàn TPHCM sẽ được lắp kiosque khảo sát này. (Sài Gòn giải phóng, trang 3)
Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ trang 2: “Lắp Kiốt khảo sát “Người bệnh không hài lòng”
Khám bệnh cho hơn 1.000 đồng bào Bru Vân Kiều
Lần đầu tiên, đoàn y, bác sĩ của tỉnh Quảng Trị đã vượt gần 150km lên vùng biên giới Việt - Lào thuộc xã Pa Nang, huyện Đakrông để khám bệnh miễn phí cho hơn 1.000 đồng bào dân tộc Bru Vân Kiều.
Chiều 31-3, ông Nguyễn Khánh Vũ - chủ tịch Hội LHTN tỉnh Quảng Trị cho biết đoàn y bác sĩ của đơn vị này vừa hoàn thành việc khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 1.000 lượt người dân là con em đồng bào dân tộc ít người Bru Vân Kiều tại ba bản Tà Mên, Bù, Bù Ngược của xã Pa Nang, huyện Đakrông.
Việc khám bệnh bắt đầu từ 7h sáng cùng ngày, và phải đến quá 12h trưa mới hoàn thành. Do ba bản nằm khá xa nhau, đường rừng và người dân chủ yếu đi bộ nên đoàn chọn khám tập trung tại một điểm nằm giữa ba bản là Trường tiểu học bản Bù.
Theo ông Vũ, đoàn có 8 y bác sĩ cùng với một số phương tiện máy móc như máy nội soi, đo huyết áp, tim mạch nên khối lượng công việc tương đối lớn so với nhu cầu khám chữa bệnh của người dân vùng biên giới này.
Mỗi người dân sau khi được khám xong sẽ được cấp miễn phí một số loại thuốc chữa bệnh. Số thuốc này do Hội LHTN cùng Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Trị vận động được. Tổng số thuốc đã được cấp phát trị giá khoảng 100 triệu đồng.
Được biết, người dân vùng biên giới các bản Tà Mên, Bù, Bù Ngược thuộc xã Pa Nang rất hiếm khi được khám chữa bệnh do ở quá sâu, cách trung tâm huyện đến 50km đường rừng.
"Nên khỏi phải nói họ vui mừng thế nào khi có đoàn y bác sĩ lặn lội lên tận nơi khám bệnh giúp. Nhiều người còn nghỉ đi rẫy để đưa cả gia đình đi khám bệnh" - ông Vũ nói.
Được biết, đây là hoạt động trong chương trình "Tháng ba biên giới" của Hội LHTN Quảng Trị. (Tuổi trẻ, trang 18)