Cách chăm sóc bệnh nhân sau hóa trị ung thư
Chăm sóc người thân trong quá trình trải qua hóa trị ung thư thực sự là một nhiệm vụ khó khăn. Tuy nhiên, việc chăm sóc người điều trị hóa chất sẽ ít căng thẳng hơn nếu bạn biết làm những việc dưới đây.
Dưới đây, ThS. BS. Phạm Thuyên – Khoa Nội 2 - Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng đưa ra tư vấn về cách chăm sóc đúng bệnh nhân sau hóa trị điều trị ung thư.
Hoá trị hoạt động như thế nào?
Hóa trị là một phương pháp điều trị ung thư bằng cách sử dụng các loại thuốc đặc biệt gọi là thuốc kháng ung thư để tiêu diệt tế bào ung thư trong cơ thể. Thuốc kháng ung thư có tác dụng ngăn chặn sự phát triển và phân chia của tế bào ung thư, làm chết tế bào ung thư hoặc ngăn chặn chúng lan rộng sang các vị trí khác trong cơ thể.
Tuy nhiên, liệu pháp này cũng gây hại hoặc làm hỏng một số tế bào khỏe mạnh bình thường. Điều này là do hóa trị không phải lúc nào cũng có thể phân biệt được sự khác biệt giữa tế bào bình thường và tế bào ung thư. Song các tế bào bình thường sẽ phục hồi hoặc được thay thế bằng các tế bào mới, khỏe mạnh sau một thời gian.
Do đó, bác sĩ chuyên khoa ung thư sẽ cùng thảo luận với bệnh nhân và người nhà của họ về kế hoạch điều trị dựa trên loại ung thư của bệnh nhân, giai đoạn bệnh, tình trạng sức khoẻ, mục đích điều trị, và điều kiện tài chính, bảo hiểm của bệnh nhân.
Tác dụng phụ của hóa trị
Hóa trị gây hại cho một số tế bào khỏe mạnh bình thường, do đó có thể gây ra các tác dụng phụ. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng của phương pháp này với từng bệnh nhân rất khác nhau.
Vì các tác dụng phụ là tùy thuộc vào loại hóa trị nên không phải tất cả những bệnh nhân nhận hóa trị đều sẽ có cùng các phản ứng phụ. Bệnh nhân cảm thấy thế nào sẽ tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của họ trước khi điều trị, loại ung thư đang mắc phải, mức độ tiến triển của bệnh, loại hóa trị mà bệnh nhân đang nhận và liều lượng. Các bác sĩ và y tá không thể biết chắc chắn bệnh nhân sẽ cảm thấy như thế nào trong quá trình hóa trị.
Một số tác dụng phụ có thể xảy ra trong hoặc ngay sau khi thực hiện hóa trị, trong khi những tác dụng phụ khác có thể xảy ra muộn hơn. Một số tác dụng phụ phổ biến bao gồm:
– Buồn nôn hay ói mửa
– Rụng tóc
– Tiêu chảy hoặc táo bón
– Cảm thấy yếu và mệt mỏi
– Sốt hoặc ớn lạnh
– Số lượng tế bào máu thấp có thể tăng nguy cơ bị nhiễm trùng hay chảy máu
– Thay đổi khẩu vị hoặc giảm cảm giác thèm ăn
– Các vấn đề về da
– Đau miệng hoặc lở loét ở miệng
Sau khi được hóa trị, bệnh nhân và những người chăm sóc của họ cần được chăm sóc để ngăn ngừa tiếp xúc với dịch cơ thể của bệnh nhân, bao gồm nước tiểu, phân, mồ hôi, chất nhầy, máu, chất nôn, và tiếp xúc qua quan hệ tình dục.
Bác sĩ hoặc y tá của bệnh nhân sẽ đề xuất các biện pháp an toàn tại nhà mà bệnh nhân và những người chăm sóc của họ nên làm theo, chẳng hạn như:
– Đóng nắp và xả hai lần sau khi đi vệ sinh; Ngồi vào bồn cầu để đi tiểu, nếu bệnh nhân là nam; Lau sạch các vết bắn từ bồn cầu bằng khăn tẩy; Mặc tã nếu đại tiểu tiện không tự kiểm soát được và đeo găng tay khi xử lý.
– Sử dụng găng tay khi tiếp xúc với dịch cơ thể và rửa tay sau khi cởi găng; Rửa tay bằng xà phòng và nước sau khi đi vệ sinh.
– Giặt riêng khăn bị dính dịch cơ thể.
– Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.
Cân bằng cơ thể bệnh nhân trong quá trình hóa trị
Việc duy trì cân bằng cơ thể cho bệnh nhân trong quá trình hóa trị rất quan trọng để giảm tác động của các tác dụng phụ và hỗ trợ sức khỏe toàn diện của họ.
Dưới đây là vài lưu ý để giúp bệnh nhân điều trị hóa trị có thể duy trì cân bằng cơ thể:
Ăn uống đủ chất: Người điều trị hóa trị nên ăn đủ các nhóm thực phẩm, bao gồm rau, củ, quả, thịt, cá, đậu và các sản phẩm từ sữa để đảm bảo cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể. Nếu người điều trị hóa trị gặp khó khăn trong việc ăn uống, hãy tìm kiếm sự hỗ trợ từ bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.
Uống đủ nước: Việc uống đủ nước giúp cơ thể người điều trị hóa trị duy trì độ ẩm, thải độc tố và duy trì chức năng của các cơ quan nội tạng. Người điều trị hóa trị nên uống khoảng 2-3 lít nước mỗi ngày, hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ.
Tập luyện: Tập luyện nhẹ nhàng và đều đặn giúp tăng cường sức khỏe và giảm tác động của hóa trị. Người điều trị hóa trị nên tập thể dục 30 phút mỗi ngày, hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ.
Nghỉ ngơi đầy đủ: Việc nghỉ ngơi đầy đủ giúp cơ thể phục hồi sau quá trình hóa trị. Người điều trị hóa trị nên ngủ đủ giấc, giảm stress và tìm kiếm sự giúp đỡ từ người thân và bạn bè.
Tránh các chất kích thích: Các chất kích thích như cafein và nicotine có thể gây khó chịu và giảm chất lượng giấc ngủ của bạn. Người điều trị hóa trị nên tránh sử dụng các chất này trong quá trình hóa trị.
Ngoài ra, nếu người điều trị hóa trị gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào trong quá trình điều trị, hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Sau khi hóa trị liệu kết thúc, người điều trị hóa trị sẽ có các cuộc hẹn tái khám thường xuyên với bác sĩ để theo dõi sức khỏe của họ, quản lý bất kỳ tác dụng phụ lâu dài và kiểm tra xem ung thư có tái phát, tiến triển hoặc lây lan hơn hay không. Trong những lần kiểm tra này, người điều trị hóa trị thường sẽ được khám, xét nghiệm máu, chụp X- quang hoặc chụp cắt lớp, cộng hưởng từ. (Sức khỏe & Đời sống, trang 6).
Gia tăng các bệnh nhiễm trùng khó điều trị sau COVID-19
Sự gia tăng các bệnh nhiễm trùng không thể điều trị hoặc khó điều trị đang là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại trên toàn cầu và ở Việt Nam.
Thông tin tại Hội nghị khoa học quốc tế về bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới do Bệnh viện Bạch Mai tổ chức ngày 10/3, PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc bệnh viện cho biết, trên thế giới trong những thập kỷ gần đây mặc dù có các chương trình tiêm chủng vaccine phòng bệnh, chúng ta vẫn đang phải đối mặt với thảm họa về bệnh truyền nhiễm trên quy mô toàn thế giới.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hiện nay một số loại dịch bệnh do các loại virus gây ra đang tiếp tục là mối lo ngại cho nhiều quốc gia và tác động trực tiếp đến sức khỏe con người. Điển hình như đại dịch COVID-19, SARS, sốt vàng da, dịch bệnh MERS-CoV, dịch bệnh Ebola, dịch cúm A...
Các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã ghi nhận ở Việt Nam bao gồm: dịch COVID-19 năm 2019-2022 với hơn 11 triệu người mắc, tử vong hơn 44.000 người; cúm gia cầm A/H5N1 năm 2003 với tỷ lệ tử vong khoảng 50%; dịch tả năm 2008; cúm đại dịch cúm A/H1N1 năm 2009; dịch sởi năm 2014; sốt xuất huyết năm 2017...
Các chuyên gia cảnh báo, điều đáng lo ngại hiện nay là một số dịch bệnh trước đây có khả năng khống chế được bằng vaccine thì nay có nguy cơ bùng phát như sởi, thủy đậu, quai bị... Cùng với đó căn bệnh HIV/AIDS, viêm gan virus B, C và đặc biệt là vấn đề nhiễm khuẩn bệnh viện với các chủng vi khuẩn đa kháng sinh đang là các vấn đề y tế toàn cầu đặt ra các thách thức không nhỏ với hệ thống y tế của mỗi quốc gia ngay cả các những phát triển có nền y học tiên tiến.
Báo cáo của PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cùng các cộng sự cho thấy, số ca nhiễm nấm đen (một loại ký sinh trùng có trong môi trường không khí là Mucormycetes gây ra) có xu hướng gia tăng trong và sau COVID-19. Đây là bệnh nhiễm trùng nấm nghiêm trọng, hiếm gặp, tỉ lệ tử vong cao, di chứng nặng nề, chi phí điều trị lớn.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, trước ngày 1/1/2020, không ghi nhận trường hợp nào nhiễm Mucormycosis, tuy nhiên, sau thời điểm này đến nay đã ghi nhận gần 30 ca bệnh. Cụ thể, năm 2020-2021 phát hiện 6 ca bệnh và chỉ trong vòng 10 tháng (tháng 1 đến tháng 10/2022) ghi nhận 22 trường hợp nhiễm Mucormycosis với bệnh cảnh lâm sàng đa dạng.
Qua chẩn đoán bằng nuôi cấy và tìm thấy tổn thương đặc trưng trên mô bệnh học, 83% bệnh nhân có mắc đái tháo đường; khoảng 30% mặc COVID-19 trong vòng 1 tháng trước khi khởi phát bệnh; hơn 80% bệnh nhân đã tiêm phòng ít nhất 2 mũi vaccine COVID-19.
Theo nhóm nghiên cứu, khác với bệnh nhân nhiễm nấm thông thường là chỉ khu trú một chỗ, nấm đen có thể lan ra nhiều bộ phận trong cơ thể nên việc điều trị phải kết hợp với nội khoa, ngoại khoa, bệnh lý nền… 72% bệnh nhân nhiễm nấm Mucormycosis có tổn thương xoang, gần 40% có tổn thương mắt, ngoài ra có 4 bệnh nhân được xác định nhiễm Mucormycosis lan tỏa với các tổn thương mắt - xoang – não - phổi.
PGS. Cường cho biết, hiện thuốc điều trị bệnh nấm đen chính là Amphotericin B và một số chế phẩm khác. Thời gian điều trị giai đoạn tấn công khoảng 2-4 tuần. Tuy nhiên thuốc này có nhiều độc tính, gây nhiều phản ứng phụ và rất đắt tiền, BHYT mới chi trả 50%.
Các báo cáo trước đó cho thấy bệnh nấm đen gia tăng chủ yếu ở những nước chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19. Theo báo cáo từ một số cơ sở y tế bệnh nấm đen đã ghi nhận ở những bệnh nhân COVID-19 nặng, từng phải thở máy, bị suy giảm miễn dịch và mắc bệnh lý nền như đái tháo đường, ung thư, dùng thuốc corticoid kéo dài…
Tại Hội nghị khoa học quốc tế về bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới lần này, các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm đã có 21 bài báo cáo, tập trung vào các chủ đề vi khuẩn, kháng kháng sinh, virus, nấm, kí sinh trùng và viêm gan.
Với vi khuẩn lao, các chuyên gia cảnh báo Việt Nam đang là một trong những quốc gia có gánh nặng bệnh tật do lao cao nhất trên toàn cầu. Tuy nhiên, ước tính có khoảng một nửa số trường hợp mắc lao bị bỏ sót. Ngoài ra, các chuyên gia tập trung trao đổi về các chủ đề như: nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn bệnh viện, cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm gan B, C (Sức khỏe & Đời sống, trang 6).
Nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể bùng phát trong năm 2023
Theo Bộ Y tế, tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, lụt bão, đô thị hóa và di dân gia tăng là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện, lây lan và bùng phát...Dịch bệnh được dự báo vẫn tiếp tục diễn biến khó lường trong thời gian tới.
Bộ Y tế vừa ban hành Kế hoạch phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2023. Theo Bộ Y tế, trong những năm gần đây tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới diễn biến khó lường, khó dự báo.
Tại Việt Nam, cả nước ghi nhận trên 11,5 triệu ca mắc COVID-19 và trên 43.000 trường hợp tử vong. Năm 2022, cả nước ghi nhận trên 9,7 triệu ca mắc. Trong nước đã ghi nhận sự xuất hiện nhiều biến thể phụ của Omicron như BA.1, BA.2, BA.4, BA.5, BA.2.12.1, BA.2.74, BA.2.75 và XBB.
Năm 2022, cả nước ghi nhận trên 371.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết và 144 trường hợp tử vong. So với năm 2021, số mắc tăng hơn 5 lần, tử vong tăng 5,3 lần. Số mắc sốt xuất huyết trong năm 2022 cao hơn số mắc trung bình năm các giai đoạn trước.
Đồng thời, Việt Nam cũng ghi nhận 2 trường hợp đậu mùa khỉ là các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài và 1 trường hợp dương tính với cúm A(H5).
Theo Bộ Y tế, dịch bệnh dự báo vẫn tiếp tục diễn biến khó lường trong thời gian tới. WHO đánh giá và nhận định dịch COVID-19 vẫn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế với mức độ nguy cơ cao trong bối cảnh đáp ứng khác nhau giữa các quốc gia.
Cùng với đó, các tác nhân gây bệnh, các chủng virus cúm xuất hiện, biến đổi liên tục làm giảm khả năng bảo vệ của vaccine nên luôn tiềm ẩn nguy cơ đại dịch.
Trong nước, tình hình dịch COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác hiện cơ bản vẫn đang được kiểm soát. Tuy nhiên, với nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao do hầu hết các quốc gia đã mở cửa trở lại cùng với thời tiết thay đổi bất thường làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Qua 3 năm dịch COVID-19, tỷ lệ tiêm vaccine tiêm chủng mở rộng chưa đạt như mong muốn. Số trẻ em chưa tiêm chủng còn cao, khả năng miễn dịch giảm, các dịch bệnh dự phòng bằng vaccine có nguy cơ gia tăng.
Sốt xuất huyết cũng có khả năng gia tăng với dự báo mùa mưa đến sớm, lượng mưa tăng cao và nguy cơ xâm nhập của tuýp virus. Các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi như đậu mùa khỉ tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập, lây lan trong nước.
Do đó, kế hoạch phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2023, Bộ Y tế đưa ra mục tiêu chung là giảm tối đa tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm so với trung bình năm giai đoạn 2016-2020; khống chế kịp thời, hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh bùng phát, để góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội.
Kế hoạch của Bộ Y tế cũng đặt ra mục tiêu duy trì thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh; tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 1 tuổi đạt ≥ 95% quy mô cấp xã; 100% bệnh, dịch bệnh mới phát sinh được phát hiện và xử lý kịp thời; 100% đối tượng kiểm dịch y tế biên giới được giảm sát, kiểm tra và xử lý y tế theo đúng quy định, phát hiện sớm và kịp thời xử lý các trường hợp mắc bệnh theo quy định, hạn chế tối đa dịch bệnh xâm nhập và lây lan...
Để đạt được những mục tiêu này, ngoài tập trung hoàn thiện thể chế, đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án Luật Phòng bệnh theo kế hoạch, Bộ Y tế còn đề nghị nâng cao trách nhiệm của UBND các cấp trong công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm... (Công an nhân dân, trang 2; Sức khỏe & Đời sống, trang 1):