70% dân số Việt Nam bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh viêm dạ dày
GS.TS Đào Văn Long, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, nghiên cứu mới nhất cho thấy có trên 70% dân số Việt Nam bị nhiễm vi khuẩn HP - một trong những nguyên nhân gây viêm dạ dày, loét dạ dày và ung thư dạ dày.
Sáng nay, 13-5, Liên Hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức công bố Quyết định về việc thành lập Viện nghiên cứu và đào tạo tiêu hoá gan mật.
Phát biểu tại đây, GS.TS Đào Văn Long, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Chủ tịch hội đồng sáng lập Viện nghiên cứu và đào tạo tiêu hoá gan mật cho biết, hiện có trên 70% dân số Việt Nam bị nhiễm vi khuẩn HP - một trong những nguyên nhân gây viêm dạ dày, loét dạ dày và ung thư dạ dày.
Cùng đó, có khoảng trên 10 triệu người nhiễm virus viêm gan B và C. Đây cũng là nguyên nhân gây viêm gan, xơ gan và ung thư gan. Trong 10 loại ung thư phổ biến nhất thì có đến 4 loại ung thư liên quan đến tiêu hóa đó là gan, đại tràng, thực quản và tụy với tỷ lệ tử vong lớn nhất.
Những bệnh liên quan tới rối loạn bài tiết axit dịch vị hoặc rối loạn tiêu hoá nhiễm khuẩn cũng gặp nhiều nhất. Tại các bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, số bệnh nhân đến khám tiêu hóa chiếm 35%-40% tổng số bệnh nhân đến khám hàng ngày.
Tuy vậy, tại nước ta hiện nay, số cơ sở điều trị chuyên khoa các bệnh về tiêu hóa gan, mật còn rất thiếu. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đang thiếu các số liệu để xây dựng một chiến lược cho vấn đề chăm sóc sức khoẻ toàn diện trong lĩnh vực này.
Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hoá gan mật ra đời nhằm góp phần đào tạo nguồn nhân lực (đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao), cũng như đưa ra những nghiên cứu, đánh giá khoa học để đề xuất các biện pháp phòng bệnh hữu hiệu và ứng dụng được những kỹ thuật mới trong việc điều trị và phòng bệnh về tiêu hóa, gan, mật ở nước ta.
GS.TS Đào Văn Long cho biết, Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa gan mật ra đời là tổ chức khoa học công nghệ ngoài công lập đầu tiên tại Việt Nam nghiên cứu và đào tạo chuyên sâu về các vấn đề tiêu hóa và gan mật.
Ngoài chức năng nghiên cứu và đào tạo, Viện này cũng sẽ chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học dựa trên các công nghệ tiên tiến vào chẩn đoán và điều trị người bệnh có bệnh lý tiêu hóa, gan mật, nâng cao hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh tiêu hoá tại Việt Nam. (An ninh Thủ đô, trang 4).
Cùng chủ đề Báo Nhân dân, trang 5: “Ra mắt Viện nghiên cứu và đào tạo tiêu hóa, gan mật”
Khởi tố năm bác sĩ và điều dưỡng viên
Đại tá Phạm Hồng Tuyến, Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình vừa cho biết, Cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh đã quyết định khởi tố năm bị can là bác sĩ, điều dưỡng viên Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Trước đó, lực lượng chức năng của Công an tỉnh Hòa Bình đã bắt quả tang một số nhân viên làm việc tại BVĐK tỉnh Hòa Bình đang có hành vi “tuồn” thuốc bảo hiểm y tế ra ngoài để bán. Căn cứ các tài liệu, chứng cứ thu thập được, cơ quan chức năng xác định: Có một số bác sĩ làm việc ở Khoa Sơ sinh và Khoa Nội tổng hợp thuộc BVĐK tỉnh Hòa Bình đã lập hồ sơ bệnh án khống, nâng số ngày điều trị để gian lận bảo hiểm y tế với số tiền hơn 700 triệu đồng.
Trước đó, ngày 7-2, Cơ quan CSĐT (PC44) Công an tỉnh Hòa Bình ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 23/PC44 về tội Gian lận bảo hiểm được quy định tại điều 215 Bộ luật Hình sự năm 2015 để tiến hành điều tra. Trong quá trình điều tra, xét thấy hành vi lập khống hồ sơ bệnh án của các bác sĩ Khoa Nội tổng hợp và Khoa Sơ sinh BVĐK tỉnh Hòa Bình thực hiện năm 2017, tại thời điểm Bộ luật Hình sự năm 2015 chưa có hiệu lực. Do đó, hành vi trên của các đối tượng đã phạm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại điều 281 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Đến ngày 7-5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự số 23/PC44 thành khởi tố vụ án về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo điều 281 Bộ luật Hình sự năm 1999 (nay là điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015). Năm bị can hiện bị cấm đi khỏi nơi cư trú. (Nhân dân, trang 8).
Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô, trang 4: “Sau “biến cố” chạy thận, lại có 5 cán bộ nhân viên Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình bị khởi tố”; Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 2: “Khởi tố 5 bác sĩ, điều dưỡng ở BVĐK tỉnh Hòa Bình”
Lạm dụng corticoid - Con dao hai lưỡi!
Với tác dụng kháng viêm, giảm đau nhanh chóng, corticoid được nhiều người coi như “thần dược” để điều trị nhiều loại bệnh. Thế nhưng, nhiều bệnh viện đã phải cấp cứu cho không ít trường hợp là nạn nhân của việc lạm dụng corticoid với vô vàn biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, người bệnh sử dụng corticoid nên cẩn trọng vì nó được ví như "con dao hai lưỡi".
Hậu quả khôn lường...
Là độc dược xếp nhóm B nhưng hiện nay trên thị trường, các loại dược phẩm, mỹ phẩm chứa corticoid được bày bán tràn lan. Dù đã có không ít lời cảnh báo về những mặt trái khi lạm dụng loại thuốc này, thế nhưng, nhiều người vẫn tìm mua thuốc có chứa corticoid về tự điều trị dẫn đến hậu quả khôn lường.
Để giảm đau, sưng trong một lần bị ngã trẹo cổ chân, bà B.T.K.D. (55 tuổi, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã tự ý mua thuốc giảm đau, có chứa corticoid về nhà điều trị. Không những bệnh không khỏi mà mỗi lần bước đi, bà D. đều cảm thấy rất khó khăn, không thể đặt được cả bàn chân xuống. Bà D. đã đi khám tại một số nơi và được chụp X-quang khớp cổ chân, nhưng không phát hiện ra nguyên nhân gây đau.
Do vậy, suốt hơn 20 năm qua, bà đã phải sống chung với vết thương ở cổ chân cùng những viên thuốc giảm đau, thuốc corticoid mỗi ngày. Tính đến nay, số lượng thuốc bệnh nhân D. đã uống để giảm những cơn đau ước tính vài chục kilogram. Mới đây, khi đi khám tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, các bác sĩ cho biết, việc sử dụng thuốc corticoid trong thời gian dài đã làm cho mặt bà D. bị tích nước, tình trạng loãng xương xuất hiện, lưng và hai khớp gối bệnh nhân cũng bị ảnh hưởng theo.
Tại Bệnh viện Da liễu trung ương, các bác sĩ tiếp nhận không ít bệnh nhân sử dụng kem làm trắng da, kem trộn, nhất là các loại mỹ phẩm giả, trôi nổi có chứa corticoid. Bác sĩ Vũ Thái Hà, Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc (Bệnh viện Da liễu trung ương) cho biết, lúc đầu mới sử dụng bôi, làn da của người dùng sẽ trắng sáng rất nhanh nhưng đó chỉ là tác dụng nhất thời. Nếu lạm dụng dùng lâu dài sẽ gây ra tác dụng phụ như: Giãn mạch, nám, mụn hay tăng sắc tố da… Đây là những triệu chứng điển hình do corticoid gây ra.
Không có chỉ vậy, tình trạng lạm dụng corticoid còn diễn ra phổ biến ở không ít cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, các nhà thuốc gia truyền trên cả nước. Bệnh viện Nội tiết trung ương vừa tiếp nhận bệnh nhi N.T.D. (5 tuổi, ở huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) nhập viện trong tình trạng béo phì, mặt sưng nề, mọc lông và rậm lông vùng mặt, mép.
Gia đình bệnh nhân cho biết, cách đây 4 tháng, bé D. ho sốt và được bệnh viện huyện chẩn đoán, điều trị viêm tiểu phế quản nhưng chưa khỏi hoàn toàn. Gia đình đã đưa bé tới phòng khám tư tại địa phương để tiếp tục chữa trị. Tại đây, bé được tiêm corticoid 2 lần/ngày, kéo dài 4 ngày liên tục để trị ho. Sau khi tiêm, bé D. khỏi bệnh rất nhanh. Nhưng khoảng một tháng sau, bé D. bắt đầu có dấu hiệu tích nước vùng mặt, trông bụ bẫm, ăn khỏe hơn bình thường (4 bát cơm/bữa), tăng 3-4kg, xuất hiện ria mép. Bé D. được các bác sĩ Bệnh viện Nội tiết trung ương chẩn đoán bị suy tuyến thượng thận nặng do lạm dụng corticoid…
Cần cấm bán corticoid tự do
Theo bác sĩ Đỗ Gia Nam, Phó trưởng Khoa Nội tiết người lớn (Bệnh viện Nội tiết trung ương), các thuốc corticoid nếu được dùng đúng chỉ định, đúng liều lượng và thời gian có thể góp phần cứu sống người bệnh với rất nhiều loại bệnh lý nguy hiểm như: Cơn hen phế quản ác tính, sốc phản vệ, lupus ban đỏ hệ thống, thấp tim, viêm khớp dạng thấp, xơ cứng rải rác…
Tuy nhiên, nếu dùng với liều lượng cao, kéo dài không có những biện pháp hỗ trợ điều trị để giảm bớt các độc tính của thuốc, corticoid có thể gây ra rất nhiều tai biến nguy hiểm như suy tuyến thượng thận, xuất huyết tiêu hóa, loãng xương, xẹp đốt sống, gù vẹo cột sống, tăng đường máu, tăng huyết áp, teo cơ, rối loạn tâm thần, trầm cảm, đục thủy tinh thể, suy giảm chức năng miễn dịch gây nhiễm trùng cơ hội… Đặc biệt, khi việc lạm dụng corticoid ở trẻ em sẽ làm chậm quá trình phát triển trí tuệ và tinh thần. Nhiều nước trên thế giới đã đưa corticoid vào danh mục thuốc kê đơn nhằm kiểm soát tác dụng phụ. Tuy nhiên, ở nước ta, thuốc chứa corticoid được bán tự do, tràn lan, không cần đơn và chỉ định của bác sĩ. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc lạm dụng corticoid ở người dân. Tuy nhiên, vì quá tin tưởng vào công dụng giảm đau tức thì của thuốc, giá thành rẻ, việc mua bán quá dễ, bệnh nhân dễ dàng lạm dụng, phụ thuộc vào thuốc lúc nào không hay.
Để tránh bị rơi vào cảnh “tiền mất tật mang” do lạm dụng corticoid, bác sĩ Đỗ Gia Nam khuyến cáo, nếu chưa có chỉ định từ bác sĩ, người bệnh tuyệt đối không được tự ý dùng corticoid dưới mọi hình thức. Mặt khác, khi sử dụng các loại thuốc có thành phần corticoid thấy các dấu hiệu bất thường trong cơ thể cần đến kiểm tra tại các cơ sở y tế uy tín và theo đúng chuyên khoa, không nên dễ dàng nghe theo những lời mách bảo thiếu căn cứ.
Tốt nhất, người dân cần tránh việc tự ý mua và sử dụng các loại thuốc nói chung và thuốc corticoid nói riêng. Khi có bệnh cần thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa có uy tín. Với bất kể loại thuốc nào, khi được bác sĩ kê đơn, bệnh nhân phải tuân thủ theo phác đồ điều trị, tránh việc sử dụng không đúng liều hoặc bỏ giữa chừng... (Hà Nội mới, trang 1)
Chuyện về "bác sĩ người máy"
Robot phẫu thuật y khoa được nhập khẩu về Việt Nam từ năm 2014 do Bệnh viện Nhi trung ương quản lý và áp dụng phẫu thuật cho trẻ em. Đến nay, nước ta đã có thêm một số robot phẫu thuật hiện đại, trong đó khu vực phía Nam có tại Bệnh viện Bình Dân và Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh). Sự hiện diện của những "bác sĩ người máy" đánh dấu nền y học Việt Nam đang tiếp cận, hòa nhập nhanh với tiến bộ của y học thế giới.
Phẫu thuật bằng robot
Sự lạ lẫm, hiếu kỳ về "bác sĩ người máy" thôi thúc chúng tôi tìm đến Bệnh viện Chợ Rẫy để được tận mắt chứng kiến ca phẫu thuật bằng robot. Trong căn phòng phẫu thuật, trên bàn mổ là một nam bệnh nhân ung thư trực tràng đang chờ cắt bỏ khối u.
Ngồi trên chiếc ghế đặc biệt, tựa như lập trình viên chính là TS.BS Lâm Việt Trung - Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa Bệnh viện Chợ Rẫy. Ông là bác sĩ mổ chính, nhưng điều khác thường là ông không trực tiếp cầm dao mổ. Đôi bàn tay bác sĩ đặt lên 2 cần điều khiển thiết kế nhiều nút chỉnh, phía dưới đôi chân của ông cũng được gắn các thiết bị điều khiển cắt, đốt điện, di chuyển camera.
"Người cộng sự" robot sẽ đảm nhận vai trò của một phẫu thuật viên với những cánh tay thiết kế sắc nhọn. Bốn cánh tay của robot được bung ra, trong đó 1 cánh tay gắn camera, 3 tay còn lại là các dụng cụ phẫu thuật bắt đầu xâm nhập cơ thể người bệnh...
Bác sĩ Trung cho biết, đây là robot phẫu thuật thế hệ thứ tư của thế giới, với bốn cánh tay phẫu thuật, đầu camera thông minh, góc phẫu thuật rộng 580 độ, hình ảnh 3D sắc nét. Cánh tay robot sẽ thực hiện theo nhịp tay của bác sĩ Trung. Trên màn hình, chúng tôi thấy rõ từng mạch máu bên trong cơ thể nhờ camera có chức năng phóng đại gấp 12 lần. Khối ung thư dần lộ diện và được bác sĩ khoanh vùng để cắt bỏ. Các bác sĩ, nhân viên còn lại trong kíp mổ sẽ đảm trách nhiệm vụ thay dụng cụ mổ, hút dịch theo lệnh của bác sĩ mổ chính.
Bằng sự linh hoạt và chính xác dưới sự điều khiển bằng bàn tay và trí tuệ con người, những cánh tay robot thoăn thoắt xoay chiều, đảo chiều, luồn lách qua khối mỡ, thực hiện lệnh cầm máu, cắt, tách. Sau khi cắt những hạch ung thư, robot sẽ luồn một túi đựng đặc biệt để xử lý khối u ngay trong cơ thể người bệnh. Cỗ máy robot hoạt động rất êm, sau hơn 2 giờ đồng hồ, ca mổ cắt phần ung thư, nạo hạch ở trực tràng đã hoàn tất.
Phẫu thuật robot có ưu thế giúp bệnh nhân bớt đau đớn và hồi phục nhanh chóng hơn so với phương pháp mổ hở. TS.BS Lâm Việt Trung vẫn nhớ như in với ca mổ đầu tiên ông thực hiện bằng robot tại bệnh viện từ cuối năm 2017. Đó là bệnh nhân nam, 62 tuổi, bị ung thư trực tràng. Trường hợp này, nếu phẫu thuật nội soi rất khó, người bệnh sẽ phải cắt bỏ cả hậu môn. Sau khi tư vấn cho bệnh nhân, ca phẫu thuật robot được tiến hành. Phải mất đến 5 giờ, ca mổ mới hoàn tất, kết quả thành công ngoài mong đợi, khối u được cắt bỏ hoàn toàn, bảo toàn hậu môn người bệnh nhờ hạn chế xâm lấn khi phẫu thuật bằng robot.
Để điều khiển được cỗ máy thông minh, trước đó, bác sĩ Trung đã được cử sang Hàn Quốc để đào tạo. Theo bác sĩ Trung, việc phẫu thuật không đơn giản chỉ cầm tay và điều khiển. Thay vì cảm nhận trực tiếp bằng tay khi cắt khối u, bác sĩ phải tự tính toán, căn chỉnh khi điều khiển trực tiếp việc cắt bỏ khối u qua màn hình. Có lúc, bác sĩ cũng phải đối mặt với những phút giây cân não để truyền lực vào đôi bàn tay mình để điều khiển những cánh tay robot. Họ không bao giờ được phép lơ là để "đánh trượt mục tiêu" là khối ung thư và các hạch xung quanh. Bởi nếu để sót, người bệnh có thể bị di căn hoặc tái phát căn bệnh quái ác.
"Bác sĩ người máy" còn nhàn rỗi
Từ tháng 10-2017, Bệnh viện Chợ Rẫy đã chi 71 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của TP Hồ Chí Minh để mua hệ thống robot phẫu thuật hiện đại nhất của Mỹ về Việt Nam. Theo đó, bệnh viện sẽ ứng dụng robot phẫu thuật vào điều trị các loại bệnh ung thư tạng, phẫu thuật tim mạch.
Trước đó, một robot có cùng "quốc tịch" Mỹ cũng đã được "chuyển khẩu" sang Bệnh viện Bình Dân vào tháng 12-2016. TS.BS Trần Vĩnh Hưng - Giám đốc Bệnh viện Bình Dân tự hào chia sẻ: "Chúng tôi là đơn vị tiên phong đưa robot phẫu thuật người lớn về Việt Nam nhằm mục đích phục vụ cho người bệnh, đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và giảm lượng người bệnh đi ra nước ngoài phẫu thuật".
Từ ngày có mặt, robot trở thành cánh tay đắc lực của bác sĩ Bệnh viện Bình Dân khi tham gia phẫu thuật 92 ca ung thư tuyến tiền liệt, 55 ca bướu thận, 47 ca ung thư trực tràng, 27 ca ung thư đại tràng, 32 bướu bàng quang. Sự có mặt của "bác sĩ người máy" giúp nhiều bệnh nhân ưu tiên lựa chọn điều trị ung thư tại bệnh viện, thay vì phải sang nước ngoài điều trị.
Tuy nhiên, dù "thâm niên" 1,5 năm công tác tại Bệnh viện Bình Dân, nhưng "bác sĩ người máy" này bị đánh giá là "nhàn rỗi", chưa phát huy hết công suất. Tương tự, cỗ máy robot hiện đại nhất của Bệnh viện Chợ Rẫy đến nay cũng mới triển khai hơn 60 ca phẫu thuật, trong đó hơn 30% ca phẫu thuật được bệnh viện miễn phí cho bệnh nhân.
Theo TS.BS Lâm Việt Trung - Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa Bệnh viện Chợ Rẫy, tại Hàn Quốc và Singapore, mỗi chuyên khoa có thể tiến hành 2-3 ca phẫu thuật robot mỗi ngày và được bảo hiểm y tế chi trả. Tại khoa Ngoại tiêu hóa nơi ông công tác, dù nhu cầu phẫu thuật robot rất nhiều nhưng sau 6 tháng đưa hệ thống robot vào sử dụng mới chỉ phẫu thuật 15 ca. Trung bình một ca phẫu thuật robot tốn từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
Rất nhiều bệnh nhân có nhu cầu được phẫu thuật bằng robot, nhưng do bảo hiểm y tế chưa thanh toán cho danh mục kỹ thuật này, trong khi bệnh nhân không có khả năng tự chi trả đành phải chọn phương pháp phẫu thuật mổ hở, hoặc mổ nội soi. Tại Bệnh viện Bình Dân, bảo hiểm y tế đồng ý chi trả 40% chi phẫu thuật robot nhưng kèm theo rất nhiều điều kiện khó khăn, đối tượng được chi trả thu hẹp dẫn tới robot chưa phát huy công suất...
Phẫu thuật robot ở Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Bình Dân chính là sự hiện hữu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong y học. Thế nhưng vì chưa có chính sách khuyến khích cho các bệnh viện áp dụng kỹ thuật cao, nên người dân, đặc biệt là người dân có thu nhập thấp chưa được hưởng lợi từ thành tựu của nền y học hiện đại. (Hà Nội mới, trang 8)
Tử vong vì tự ý điều trị bệnh thủy đậu
Nam thanh niên 28 tuổi suy đa phủ tạng, nguy kịch, hai ca khác đã tử vong vì đều tự ý mua thuốc điều trị thủy đậu có thành phần corticoid.
BS Vũ Minh Điền- Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, nam bệnh nhân vào viện ngày 11/5 trong tình trạng có các ban phỏng nước dạng thủy đậu toàn thân, nốt phỏng to, sốc nhiễm độc khuẩn, người mệt... Bệnh nhân đã vào khoa ký sinh trùng điều trị nửa ngày, nhưng do tình trạng nặng nên bệnh nhân đã được chuyển ngay sang điều trị hồi sức, dù vậy hiện tình trạng của bệnh nhân rất nặng, rối loạn đông máu nặng, suy đa phủ tạng, tiên lượng rất xấu, khả năng cứu được thấp.
Theo các bác sĩ năm nay thuỷ đậu đặc biệt có rất nhiều ca nặng, nhiều ca không diễn biến bình thường. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo người dân nếu thấy sốt, xuất hiện bỏng nước trên da nên đi khám, không nên tự ý đi mua thuốc điều trị, đặc biệt các thuốc có thành phần corticoid để sử dụng khi bệnh đang diễn biến cấp tính.
Thông tin từ gia đình bệnh nhân cho biết, nam thanh niên Nguyễn T.M 28 tuổi, có tiền sử khỏe mạnh, cách đây 1 tháng bị đau họng, sốt nhẹ, đi khám chẩn đoán viêm phế quản phổi. Bệnh nhân đã điều trị 1 đợt về nhà có đỡ, 5 ngày nay xuất hiện sốt lại, đau họng, đau người, xuất hiện mụn nước, tự đi mua thuốc điều trị trong đó có thuốc kháng sinh, kháng viêm.
Sau đó tình trạng của bệnh nhân sốt cao tăng dần. Cơ thể bệnh nhân xuất hiện các đám bầm máu tự nhiên dưới da. Bệnh nhân sau đó đã đến bệnh viện địa phương thăm khám và được chẩn đoán thủy đâu biến chứng nặng và chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Riêng đối với trường hợp bệnh nhân này, các bác sĩ chỉ rõ, trong các thuốc mà bệnh nhân sử dụng có thuốc Medrol 16 mg- một loại thuốc coritcoid, chống viêm giảm phù nề rất mạnh nhưng tác dụng phụ ức chế miễn dịch khiến virus bùng phát mạnh mẽ hơn có những bệnh nhân sau dùng corticoid thì diễn biến rất nặng nên thường không được khuyến cáo dùng khi bị thuỷ đậu
Trước bệnh nhân này, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng đã tiếp nhận điều trị cho hai bệnh nhân thủy đậu, điều đáng nói là dù được điều trị tích cực nhưng hai bệnh nhân này đều tử vong. Các bác sĩ cho biết, các trường hợp bị thủy đậu tử vong đáng tiếc này đều liên quan đến việc tự mua thuốc điều trị thủy đậu nhưng có thành phần corticoid. (Tiền phong, trang 6)
Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới, trang 5: “Nhiều bệnh nhân thủy đậu bị biến chứng nặng do tự ý dùng thuốc”; Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 1: “Nam thanh niên nguy kịch do tự ý chữa thủy đậu”
Trí tuệ nhân tạo không thể thay thế bác sĩ điều trị ung thư
Trước “cơn sốt” lan truyền điều trị ung thư khỏi nhờ trí tuệ nhân tạo, các chuyên gia đầu ngành về ung thư đã lên tiếng chính thức về vấn đề này.
Theo các số liệu ghi nhận về ung thư ở VN, mỗi năm nước ta có hơn 126.000 ca mắc mới và khoảng 94.000 người tử vong do căn bệnh này. Tỷ lệ bệnh nhân đến khám và chẩn đoán ở giai đoạn muộn vẫn còn cao do sự chênh lệch về chuyên môn của bác sĩ ở các bệnh viện (BV). Đây cũng là yếu tố hạn chế trong việc chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân ung thư.
Đại diện Công ty BMI - nhà cung cấp “trí tuệ nhân tạo” - cho biết gần đây trí tuệ nhân tạo đã được ứng dụng bước đầu tại một số BV điều trị ung bướu, đồng thời nói thêm: “IBM Watson for Oncology (IBM WFO) là hệ thống ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ đưa ra phác đồ điều trị ung thư dựa trên tổng hợp hàng triệu hồ sơ bệnh án ung thư, hiện hỗ trợ các thông tin liên quan tới 13 loại ung thư”.
Theo PGS-TS Lê Văn Quảng, Phó giám đốc BV K: “Y học dựa trên bằng chứng là cách cập nhật nhanh chóng phác đồ các thuốc mới trong điều trị ung thư, để đưa ra kế hoạch điều trị hiệu quả và phù hợp cho từng bệnh nhân. Hệ thống này hữu ích trong việc đào tạo, nâng cao năng lực của bác sĩ, đặc biệt là các bác sĩ trẻ và nhất là tại tuyến tỉnh. Tuy nhiên, xu hướng điều trị ung thư là cá thể hóa và việc đưa ra phác đồ điều trị phụ thuộc vào đặc điểm của từng bệnh nhân, chỉ có bác sĩ mới đưa ra các chỉ định tinh tế, phù hợp với điều kiện sinh học và hoàn cảnh xã hội khác nhau của từng người bệnh. “Vậy nên, hiện tại và lâu dài, hệ thống này không thể thay thế bác sĩ trong việc khám, chẩn đoán và quyết định điều trị lâm sàng”, TS Quảng đánh giá.
Tại BV K, hệ thống này được đưa vào thử nghiệm từ cuối tháng 1.2018 với 200 ca bệnh, tập trung phần lớn là ung thư vú, phổi. Sau 3 tháng triển khai, kết quả đạt được cho thấy sự tương đồng giữa phác đồ mà hệ thống IBM WFO đưa ra và phác đồ của bác sĩ của BV K là trên 90%. Điều này cho thấy các bác sĩ của BV K đã cập nhật và sử dụng các phác đồ điều trị ung thư tiên tiến trên thế giới.
Chuyên gia từ IBM WFO cũng xác nhận, hiện tại hệ thống IBM WFO cập nhật phác đồ điều trị một số loại ung thư phổ biến chứ chưa bao phủ tất cả các loại ung thư. Hệ thống này chưa hỗ trợ chẩn đoán, không chịu trách nhiệm điều trị, không hỗ trợ điều trị với người bệnh mắc nhiều loại ung thư một lúc, bệnh nhân dưới 18 hoặc trên 89 tuổi. Do vậy, IBM luôn khẳng định trí tuệ nhân tạo không thay thế bác sĩ, mà chỉ đưa ra nhiều thông tin hơn, giúp hỗ trợ bác sĩ trong điều trị và cho người bệnh những lựa chọn điều trị phù hợp theo hướng dẫn cập nhật.
GS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư, khẳng định trí tuệ nhân tạo không phải là phương pháp chẩn đoán hay điều trị ung thư mà là phương tiện gợi ý, giúp bác sĩ chuyên ngành ung thư có thêm sự lựa chọn, tham khảo trong quá trình điều trị. Việc quyết định điều trị cuối cùng cho bệnh nhân cần thiết phải dựa trên kiến thức, kỹ năng của bác sĩ chuyên khoa trên từng trường hợp cụ thể, đặc biệt những ca bệnh khó cần dựa trên quyết định của tiểu ban chuyên khoa (tumour board), bao gồm bác sĩ phẫu thuật, xạ trị, nội khoa, cận lân sàng…
“Điều trị ung thư không chỉ cần áp dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật mà còn đòi hỏi cả nghệ thuật, kinh nghiệm của thầy thuốc, điều trị mang tính cá thể. Bởi có thể cùng mắc một loại ung thư nhưng trên mỗi bệnh nhân bác sĩ có các chỉ định khác nhau phù hợp thể trạng, tình trạng mắc các bệnh kèm theo, thể bệnh… Như vậy mới có thể mang lại hiệu quả điều trị cao nhất cho người bệnh”, GS Thuấn lưu ý. (Thanh niên, trang 15)
Điều chỉnh giá hơn 40 dịch vụ khám chữa bệnh được BHYT thanh toán
Thông tin từ ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, cơ quan này cùng các bộ, ngành liên quan đã rà soát, xây dựng lại giá của nhiều dịch vụ y tế và sẽ ban hành khung giá mới với một số dịch vụ y tế trong tháng 5, áp dụng chính thức từ 1/7/2018.
Theo đó, khung giá mới giảm giá khoảng 40 dịch vụ khám chữa bệnh được Bảo hiểm y tế thanh toán trong các cơ sở y tế như: giá khám bệnh, giá ngày giường điều trị, các dịch vụ cận lâm sàng: Xquang, chụp cộng hưởng từ, nội soi tai mũi họng, siêu âm, chụp cắt lớp... Trong đó, giá khám chữa bệnh sẽ giảm từ 10 - 20% tùy hạng bệnh viện (BV). Lý do vì giá dịch vụ y tế phụ thuộc vào chi phí đầu vào như điện, nước, vật tư, hóa chất...; hiện một số chi phí tăng lên, một số loại lại giảm do đấu thầu. Vì thế, mức giá được xây dựng từ năm 2012, 2015 hiện không còn phù hợp.
Ngoài ra, tại thời điểm 2012-2015, số lượng người đến BV huyện khám thấp. Tuy nhiên, năm 2016 quy định thông tuyến huyện có hiệu lực, cộng thêm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị nhiều, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới; các BV bắt đầu thu hút được nhiều người bệnh đến khám, chữa bệnh. Điều này làm tăng công suất khám, sử dụng giường bệnh vì thế cần tính toán giảm giá một số dịch vụ.
Bộ Y tế sẽ cân nhắc dịch vụ nào có nguy cơ bị lạm dụng thì sẽ siết lại giá như chiếu chụp, Xquang, nội soi... Nguyên tắc là dịch vụ nào khuyến khích các cơ sở y tế dùng thì sẽ điều chỉnh tăng giá để BV cung cấp cho người dân, ngược lại sẽ giảm giá dịch vụ không khuyến khích cung cấp nhiều.
Cụ thể, tiền khám bệnh ở BV hạng đặc biệt và hạng 1 giảm từ 39.000 đồng xuống 35.000 đồng/lượt khám; BV hạng 2 từ 35.000 đồng xuống 29.000 đồng; BV hạng 3 từ 31.000 đồng xuống 23.000 đồng; BV hạng 4 và trạm y tế xã từ 29.000 đồng xuống 20.000 đồng.
Một số dịch vụ cận lâm sàng như: siêu âm giảm từ 49.000 đồng xuống 39.500 đồng, chụp Xquang số hóa 1 phim giảm từ 69.000 đồng xuống 62.900 đồng/lần; chụp CT Scanner đến 32 dãy không có thuốc cản quang giảm từ 536.000 đồng xuống còn 520.900 đồng/lần; giá dịch vụ chụp Xquang, chụp CT scanner cũng giảm. Đặc biệt, dịch vụ siêu âm can thiệp - đặt ống thông dẫn lưu ổ áp-xe giảm mạnh từ hơn 2 triệu xuống chỉ còn chưa đến 600.000 đồng. Phẫu thuật cắt amidan bằng dao điện giảm từ gần 3,7 triệu xuống còn 1,6 triệu đồng. Phẫu thuật nội soi khâu thủng dạ dày từ hơn 4 triệu xuống còn gần 2,9 triệu...
Về giá giường bệnh, dự kiến tăng với các BV hạng đặc biệt, hạng 1 và giảm nhẹ ở BV hạng 3, 4. Ví dụ, giá giường điều trị hồi sức tích cực, ghép tạng, ghép tế bào gốc... tại BV hạng đặc biệt đang 677.100 đồng sẽ tăng lên 751.000 đồng; tại BV hạng 1 cũng lên 710.000 (tăng gần 80.000 đồng). Giá ngày giường hồi sức cấp cứu, chống độc tại BV hạng 4 sẽ giảm từ 226.000 xuống 215.000 đồng.
Liên quan đến vấn đề giá dịch vụ y tế, cũng theo ông Nam Liên, về lâu dài 18.000 dịch vụ y tế hiện nay sẽ rút gọn còn khoảng 3.000-4.000 nhóm dịch vụ; đồng thời tính toán theo lộ trình để đưa đủ tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý, khấu hao vào cơ cấu giá. Hiện nay, mức lương cơ bản đã tăng từ 1,150 triệu lên 1,3 triệu đồng, tuy nhiên lương tính vào giá vẫn áp mức lương cũ. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)
Dốc sức cứu chữa nạn nhân vụ lật xe trên đèo Khánh Lê
Ngày 13/5, các thầy thuốc BVĐK tỉnh Khánh Hòa vẫn đang tích cực cứu chữa cho gần 30 nạn nhân vụ lật xe trên đèo Khánh Lê (huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa).
Chiếc xe bị nạn mang BKS 51B - 11563 chở đoàn cán bộ hưu trí tỉnh Yên Bái và người thân đi du lịch ở Đà Lạt. Theo tài xế Hồ Tấn Đức, khi xe bắt đầu đổ dốc xuống đèo Khánh Lê thì xe mất phanh. Thấy một bên là vực thẳm sâu hàng ngàn mét, một bên là vách núi nên tài xế Đức đã chọn giải pháp đánh lái cho xe áp vào vách núi. Xe lao xuống với tốc độ cao nên đã lật nhào. Vụ tai nạn thảm khốc làm 3 nạn nhân tử vong trong ngày 12/5 là Dương Văn Thắng, Phạm Văn Nho và Trương Thị Nhất.
Khi nhận được thông tin, BVĐK Khánh Hòa đã huy động tối đa các bác sĩ giỏi tập trung để cấp cứu cho các nạn nhân. BS. Nguyễn Văn Xáng - GĐ BVĐK Khánh Hòa cho biết, lúc tiếp nhận bệnh nhân, các máy móc hiện đại nhất của bệnh viện đều chuẩn bị sẵn sàng. Được chăm sóc kịp thời nên một số bệnh nhân đã dần hồi phục sức khỏe, còn một số nạn nhân bị trọng thương thì đang hồi sức tích cực.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Trương Hòa Bình đã gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân tử vong, động viên, thăm hỏi các nạn nhân bị thương.
Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, Ban An toàn giao thông Khánh Hòa đã đến thăm hỏi, động viên các bệnh nhân nằm viện, đồng thời hỗ trợ trước mắt cho mỗi nạn nhân bị thương 1.000.000 đồng, các nạn nhân tử vong mỗi người 2.000.000 đồng.
Hiện các nạn nhân đang được điều trị tích cực tại BVĐK Khánh Hòa là: Vy Quốc Đạt, Hồ Tấn Đức, Nguyễn Thị Ngọc Minh, Phạm Văn Nhường, Hoàng Mạnh Thắng, Hoàng Đình Cương, Lưu Bảo Bảo, Lý Xuân Đích, Nguyễn Thị Mễ, Cao Việt Khải, Hoàng Thị Yên, Tăng Văn Thảo, Lưu Đình Lự, Hoàng Thị Dũ, Hoàng Đình Vanh, Nông Thị Thinh, Nông Thị Lân, Đỗ Thị Xuân, Vi Hữu Đu, Dương Văn Giờ, Tăng Thị Lệ, Quốc Thị Sỉnh, Nguyễn Hồng Thái, Nguyễn Thị Bình, Trần Thị Linh, Phạm Quang Tiến, Hoàng Thượng Vịn, Hoàng Văn Giắng. (Sức khỏe & Đời sống, trang 5)
Bộ Y tế quy định tiêu chuẩn sức khỏe nhân viên trực tiếp lái tàu
Bộ Y tế vừa chính thức ban hành Thông tư quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu. Theo đó, các chi tiết gây tranh cãi trong dự thảo lần 1 là nam phải khám cơ quan sinh dục, nữ phải có vòng ngực trên 75 cm đã được cắt bỏ.
Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 12 /2018/TT-BYTquy định về tiêu chuẩn sức khỏe của nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018. Theo đó, các chi tiết trong dự thảo lần 1 là nam phải khám cơ quan sinh dục, nữ phải có vòng ngực trên 75 cm đã được bỏ.
Với những đề xuất khám sức khỏe liên quan đến chức năng sinh lý, sinh dục có các chỉ số cụ thể như: tràn dịch tinh hoàn nam; rò bàng quang âm đạo, các biểu hiện viêm, viêm cạnh tử cung, viêm mạn tính vòi trứng; u nang buồng trứng, trĩ, ruột thừa... cũng được bãi bỏ. Cùng đó, các tiêu chuẩn về sức khoẻ cũng được cắt giảm từ 13 chuyên khoa xuống còn 7 chuyên khoa.
Theo đó, đối với chức danh Lái tàu; Phụ lái tàu cần đáp ứng tiêu chuẩn sức khỏe quy định tại Nhóm 3, Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư số 24/2015/TTLB-BYT-BGTVT ngày 21/8/2015 của Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khoẻ cho người lái xe.
Đối với chức danh Trưởng tàu; Trưởng dồn; Trực ban chạy tàu ga; Nhân viên điều độ chạy tàu tuyến, điều độ chạy tàu ga; Nhân viên gác ghi; Nhân viên ghép nối đầu máy, toa xe; Nhân viên tuần đường, cầu, hầm, gác hầm; Nhân viên gác đường ngang, cầu chung cần đáp ứng Tiêu chuẩn sức khỏe loại II trở lên khi khám tuyển ban hành theo Quyết định số 1613/BYT-QĐ ngày 15/8/1997 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành “Tiêu chuẩn phân loại sức khỏe để khám tuyển, khám định kỳ” cho người lao động; Đáp ứng Tiêu chuẩn sức khỏe loại III trở lên khi khám định kỳ ban hành theo Quyết định số 1613/BYT-QĐ. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).