Đẩy nhanh việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT
Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc mở rộng, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) và triển khai tin học hóa trong giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.
Về việc mở rộng và phát triển đối tượng tham gia BHYT, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương xây dựng, hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2016 - 2020, hoàn thành trước ngày 30-6 tới.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẩn trương xây dựng, trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách và các giải pháp phù hợp để đẩy nhanh việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT nói chung, phát triển BHYT theo hộ gia đình nói riêng. Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức hệ thống mạng lưới đại lý thu BHYT theo cơ chế dịch vụ công đối với tổ chức, đơn vị phù hợp với quy định của Luật BHYT, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân tham gia BHYT… Lao động (trang 2), Công an nhân dân (trang 1)
Vụ cá nục có phenol: Sẽ phải kiểm nghiệm lại
Cục trưởng Cục ATTP Bộ Y tế: Quảng Trị đã hơi nóng vội, việc này cần phải kiểm nghiệm kỹ.
Chiều 12-6, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vụ phát hiện hàm lượng chất phenol (0,037 mg/kg) trong mẫu kiểm nghiệm của lô cá nục gần 30 tấn tại cơ sở của bà Lê Thị Thuộc (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị), ông Hồ Sĩ Biên, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh Quảng Trị (đơn vị đã thực hiện kiểm nghiệm trước đó), cho hay: “Bây giờ chúng tôi phải tiến hành kiểm nghiệm lại 30 tấn cá nục đó, theo cách làm là lấy mẫu ở từng bao cá một. Chứ trước đó, mình lấy mẫu ở một bao mà đại diện cho tất cả thì khó nói”. Theo ông Biên, trước mắt phải chờ kiểm nghiệm lại rồi đưa ra quyết định cuối cùng, số cá trên vẫn đang niêm phong chờ kết quả chứ chưa tiêu hủy.
“Muốn xử phải có quy định rõ ràng”
Liên quan đến cuộc tranh luận giữa ngành y tế và ngành nông nghiệp của tỉnh Quảng Trị về việc chất phenol được phép hay không được phép có trong thực phẩm, trao đổi với chúng tôi sáng cùng ngày, ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị, tiếp tục khẳng định hiện tại chất phenol chưa được quy định cụ thể trong ngành nông nghiệp.
“Hiện nay quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước biển (QCVN, do Bộ TN&MT ban hành - PV) có quy định ngưỡng cho phép của phenol trong nước biển là 0,03 mg/kg. Còn trong thực phẩm cụ thể ra sao? Cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện mẫu cá nục trong cơ sở của bà Thuộc là 0,037 mg/kg thì có vượt ngưỡng trong thực phẩm không? Tiêu chí nào, hàm lượng bao nhiêu thì vượt ngưỡng? Hiện tại chưa có quy định này nên cơ quan chuyên môn y tế nên kiểm định lại và kết luận phải được công bố dựa trên tiêu chuẩn cụ thể” - ông Hưng nói.
Theo ông Hưng, Bộ Y tế phải có tiêu chuẩn để biết được hàm lượng phenol như vừa kiểm tra có vượt ngưỡng không. “Nếu vượt ngưỡng thì khi đó mới có thể quy kết được là nó độc hay không độc với người tiêu dùng. Cụ thể theo tiêu chuẩn hàm lượng bao nhiêu thì được và trên bao nhiêu thì không được, là cấm”.
“Chưa có quy chuẩn về phenol trong cá”
Trong khi đó, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị Trần Văn Thành cũng lại tiếp tục khẳng định: “Chất phenol không được sử dụng trong công nghiệp thực phẩm. Có văn bản đầy đủ”.
Chúng tôi đặt tiếp câu hỏi: “Vậy Bộ Y tế có đưa ra văn bản nào quy định phenol là chất cấm trong cá, thực phẩm không?”, ông Thành nói: “Về văn bản cụ thể thì cơ quan chuyên môn nắm, còn tôi là quản lý chung nên biết vậy nhưng có căn cứ văn bản đầy đủ. Anh hỏi lại thêm bên Chi cục ATVSTP họ sẽ trả lời cụ thể”.
Chúng tôi đặt tiếp câu hỏi trên với ông Hồ Sĩ Biên, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Quảng Trị, ông Biên cho biết: “Bộ Y tế có quy chuẩn. Phenol trong cá thì không nói đến nhưng trong công nghiệp thực phẩm thì không được sử dụng phenol”.
Ông Biên cho rằng thực tế phenol là chất độc ai cũng biết rồi, trong bao bì đựng thực phẩm mà không được phép thì chắc chắn trong thực phẩm cũng không cho phép. “Mà trong cá, người ăn vào phenol sẽ thải ra chậm, càng ngày càng tích lũy, với hàm lượng đó thì không thể ngộ độc rồi nhưng để lâu dài 5-10 năm sau sẽ ảnh hưởng” - ông Biên phân tích.
Chúng tôi hỏi tiếp: “Văn bản nào quy định trong công nghiệp thực phẩm không được sử dụng phenol?”, ông Biên cho rằng văn bản cấm sử dụng phenol trong thực phẩm thì tài liệu thế giới có nói. Ví dụ như vụ xúc xích mặc dù có ngưỡng của bộ y tế,… nhưng phải theo quy cách thế giới.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản TP Đà Nẵng, cũng cho hay hiện không có quy định về chỉ tiêu phenol. “Hiện liên quan đến chất phenol, chúng tôi cũng đang chờ hướng dẫn của Bộ Y tế”, ông Tứ cho biết và nói: “đề nghị Bộ Y tế cần có ý kiến chính thức về vấn đề chất phenol này. Bởi đây là chuyên ngành của Bộ Y tế còn chúng tôi làm theo các thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành, đặc biệt là của Bộ Y tế. Vì vậy, cần đưa ra tiêu chí, quy chuẩn kỹ thuật… để các địa phương thực hiện”. Pháp luật TPHCM (trang 4), Sài gòn giải phóng (trang 3), Nông thôn ngày nay (trang 5)
Chuyện hiến máu cứu người trong ngành y tế Hà Tĩnh
Thời gian qua, ở Hà Tĩnh xuất hiện ngày càng nhiều y sĩ, bác sĩ tình nguyện hiến máu cứu người bệnh. Nhiều bệnh viện trong tỉnh đã hình thành câu lạc bộ “Ngân hàng máu sống”. Đây là hành động nhân đạo, thiết thực làm theo lời dạy của Bác Hồ: Lương y phải như từ mẫu.
Ca mổ “lịch sử”
Khoảng 9 giờ ngày 4-5-2016, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) huyện miền núi Hương Khê tiếp nhận người bệnh Lê Thị Dung (46 tuổi), trú xã Hương Vĩnh, trong tình trạng da tím tái, niêm mạc nhợt, bụng trướng, trụy mạch, huyết áp không đo được.
Vùng bụng của người bệnh bị đa chấn thương, mất máu nhiều do sừng trâu điên húc. Để cứu người bệnh, các y sĩ, bác sĩ phải trải qua một ca phẫu thuật phức tạp, vừa mổ vừa hiến máu, kéo dài nhiều giờ. Người bệnh thuộc nhóm máu hiếm A-B, trong khi bệnh viện không có nguồn máu dự trữ, hàng chục người nhà xếp hàng cho máu nhưng không trùng nhóm máu. Trong lúc cam go, bảy y sĩ, bác sĩ của bệnh viện có trùng nhóm máu được huy động đến “test” để hiến máu. Người đầu tiên hiến máu là điều dưỡng viên Nguyễn Thị Thủy (52 tuổi); tiếp theo là bác sĩ, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm Nguyễn Thăng Long. Ngay sau đó, bác sĩ Chuyên khoa I Phạm Thanh Trà vừa mổ vừa tham gia cho máu. Thạc sĩ, Trưởng khoa Gây mê, hồi sức Nguyễn Văn Tuấn là người trực tiếp thực hiện gây mê, hồi sức và “kéo” huyết áp cho người bệnh, nhớ lại: “Sau khi ba y sĩ, bác sĩ vừa mổ vừa hiến máu, các tổn thương nghiêm trọng trong ổ bụng đã được khâu lại, nhưng do máu chảy quá nhiều, sức khỏe vẫn rất xấu. Tôi đã đề nghị để mình tiếp tục cho máu”. Bằng trách nhiệm, tình thương, lòng nhân ái và nghĩa cử cao đẹp của các y sĩ, bác sĩ BVĐK Hương Khê, người bệnh Lê Thị Dung đã vượt qua cơn nguy kịch, đến nay sức khỏe đã dần phục hồi.
Phó Giám đốc BVĐK Hương Khê Lê Anh Hùng cho biết: Trong quá trình mổ cấp cứu, nhiều trường hợp người bệnh liên quan đến thai sản, đa chấn thương… phải truyền máu, trong khi bệnh viện xa trung tâm, thuộc tuyến miền núi, không có kho máu dự trữ. Để giải quyết vấn đề khó khăn này, bệnh viện đã thành lập câu lạc bộ (CLB) “Ngân hàng máu sống” do tập thể y sĩ, bác sĩ, cán bộ, công nhân viên (CBCNV) thực hiện. Ngoài việc biết nhóm máu của mình, các y sĩ, bác sĩ còn phải định kỳ khám sức khỏe hay “test” đột xuất để sẵn sàng hiến máu cứu bệnh nhân bất cứ lúc nào. Riêng từ năm 2014 đến nay, đội ngũ y sĩ, bác sĩ và CBCNV ở đây đã hiến máu cứu 30 người bệnh trong tình trạng nguy kịch. Trong đó, có nhiều người bệnh nghèo, ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Nguyễn Văn Lý nhận xét: Đội ngũ y , bác sĩ đã nâng cao được tinh thần y đức, thể hiện rõ trách nhiệm, ý thức trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
“Ngân hàng máu sống”
Trên địa bàn Hà Tĩnh, các BVĐK: Đức Thọ, thị xã Hồng Lĩnh, thành phố Hà Tĩnh và các bệnh viện khác… đều thành lập CLB “Ngân hàng máu sống". Tại BVĐK Đức Thọ, “Ngân hàng máu sống” được thành lập cách đây hơn tám năm và đã hiến máu cứu nhiều người bệnh. Theo Giám đốc BVĐK Đức Thọ Hoàng Thư, từ năm 2011 đến nay, có 62 lượt y sĩ, bác sĩ ở CLB “Ngân hàng máu sống” hiến máu cứu người bệnh. Trong đó, phải kể đến Chủ nhiệm CLB “Ngân hàng máu sống”, Trưởng phòng Điều dưỡng Trần Văn Khoát, trong chín lần hiến máu, có bảy lần hiến máu trực tiếp cho các bệnh nhân đang mổ cấp cứu. Hay các bác sĩ: Trần Văn Nhân, Nguyễn Minh Đức; hộ lý Kiều Hữu Song, Nguyễn Thị Thanh Hà... đã nhiều lần hiến máu cứu bệnh nhân. Mới đây nhất, vào trung tuần tháng 5-2016, người bệnh Nguyễn Trọng Tiếp (27 tuổi), ở xã Đức Thanh (Đức Thọ) vào viện trong tình trạng chấn thương bụng kín, vỡ lách do tai nạn giao thông cần phẫu thuật ngay. Quá trình mổ, người bệnh cần truyền máu khẩn cấp. Do người nhà không trùng nhóm máu, bệnh viện đã huy động "Ngân hàng máu sống" từ kỹ thuật viên Đoàn Quốc Huy (Khoa Cận lâm sàng). Thời điểm khẩn cấp, cần máu cứu người, không thể đợi người đến hiến máu hay đưa máu từ xa về, cho nên các y sĩ, bác sĩ đang mổ trực tiếp hiến máu là giải pháp tối ưu nhất” - Giám đốc BVĐK Đức Thọ Hoàng Thư nhấn mạnh.
Giám đốc BVĐK thị xã Hồng Lĩnh Trần Phan Tùng cho biết: Hằng năm, có từ bốn đến mười lít máu được CLB “Ngân hàng máu sống” do đội ngũ y sĩ, bác sĩ trẻ và các đoàn viên, thanh niên thị xã hiến tặng, cấp cứu bệnh nhân ngay trên bàn mổ. Trong đó, phải kể đến điều dưỡng Nguyễn Thị Thúy, là người gầy yếu, nhưng trong bệnh viện chỉ duy nhất Thúy có nhóm máu hiếm A - B, nên Thúy đã tham gia CLB và hai lần dũng cảm hiến máu cứu người bệnh qua cơn nguy kịch.
BVĐK Hà Tĩnh là trung tâm khám, chữa bệnh lớn nhất của tỉnh, có kho dự trữ máu để cấp cứu người bệnh, nhưng Ban Giám đốc Bệnh viện vẫn chỉ đạo thành lập CLB “Ngân hàng máu sống”, với sự tham gia của hơn 200 y sĩ, bác sĩ và CBCNV. Theo đó, mỗi năm, đội ngũ y sĩ, bác sĩ, CBCNV bệnh viện hiến khoảng 30 đơn vị máu sống cứu nhiều người bệnh. Điển hình, trường hợp cháu Trần Thị Hằng, ở xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) vừa sinh ra đã bị vàng da, vàng mắt nặng. Sau hội chẩn, lãnh đạo BVĐK tỉnh Hà Tĩnh quyết định thay máu cho bệnh nhi, nếu không sẽ gây tổn thương não không hồi phục. Theo quy định, để thay máu cho trẻ sơ sinh phải là máu tươi lưu trữ không quá ba ngày, trong khi đó, tất cả máu dự trữ tại bệnh viện đều đã lưu trữ hơn bốn ngày. Trước tình hình đó, dược sĩ, Phó Trưởng khoa Dược, Chủ nhiệm CLB “Ngân hàng máu sống” BVĐK Hà Tĩnh Bùi Hoàng Dương và điều dưỡng viên Hoàng Thị Ngọc Hà (Khoa Khám bệnh theo yêu cầu) đã hiến hai đơn vị máu cứu cháu bé.
Ngành y tế Hà Tĩnh đã tổ chức, chỉ đạo, triển khai việc hiến máu nhân đạo ở tất cả bệnh viện trong tỉnh. Sở Y tế đã khuyến khích đội ngũ y sĩ, bác sĩ, CBCNV tham gia hiến máu nhân đạo, nhất là tại các bệnh viện tuyến huyện không có máu dự trữ. Những năm gần đây đã xuất hiện nhiều tấm gương y sĩ, bác sĩ hiến máu cứu người bệnh trong trường hợp nguy kịch. Tính riêng hai năm trở lại đây, có gần 250 lượt y sĩ, bác sĩ, CBCNV tại các bệnh viện ở Hà Tĩnh tham gia hiến máu cứu người bệnh ngay trên bàn mổ… Tinh thần hiến máu cứu người bệnh đã, đang tác động sâu sắc đến toàn ngành y tế Hà Tĩnh; "đây là nghĩa cử cao đẹp, nói lên sự tận tụy, lương tâm, trách nhiệm của cán bộ ngành y, giúp họ thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: Lương y phải như từ mẫu” - Thạc sĩ, bác sĩ, Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu chia sẻ. Nhân dân (trang 1)
Vụ nhân viên Bệnh viện Bạch Mai "buôn điện thoại": Bộ y tế yêu cầu xác minh xử lý nghiêm
Ngày 13/6, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê đã có công văn khẩn gửi Bệnh viện Bạch Mai liên quan đến việc một số báo điện tử có đưa thông tin “Dân xếp hàng chờ nhân viên Bệnh viện Bạch Mai buôn điện thoại”.
Công văn của Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, ngày 11/6/2016, trên một số báo điện tử đã đưa thông tin phản ánh việc “Dân xếp hàng chờ nhân viên Bệnh viện Bạch Mai “buôn” điện thoại”; “bệnh nhân “tố” nhân viên Bệnh viện Bạch Mai “nấu cháo” điện thoại trong giờ khám bệnh?”… Nội dung báo phản ánh cho rằng nhân viên y tế tại khoa Sản của Bệnh viện “có thái độ khiếm nhã với bệnh nhân”.
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai khẩn trương xác minh và giải quyết việc các báo nêu trên, xử lý nghiêm cá nhân và tập thể nếu có vi phạm theo đúng quy định. Cục cũng yêu cầu công khai thông tin và kết quả xác minh, xử lý cho cơ quan báo chí, báo cáo về Cục trước ngày 15/6/2016. An ninh thủ đô (trang 2), Nhân dân (trang 5)
Cuộc chiến chống đại dịch HIV/AIDS của Thái Lan
“Thái Lan đã chứng minh cho cả thế giới thấy HIV có thể bị đánh bại”.
Thái Lan đã trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Á loại bỏ việc lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, một bước tiến lớn trong cuộc chiến chống căn bệnh thế kỷ, theo WHO ngày 7-6. WHO cho rằng thành quả đáng chú ý của Thái Lan đã chứng minh cho cả thế giới thấy HIV có thể bị đánh bại.
Cơn ác mộng quá khứ
Thông báo này là một cú hích cho các nhân viên sức khỏe ở Thái Lan, những người đã chuyển hóa xứ chùa vàng từ một trong những nước châu Á bị HIV tàn phá thành một biểu tượng thành công trong việc đối phó HIV hiệu quả. Năm 1990, đất nước này có 100.000 ca HIV và ba năm sau tăng lên thành 1 triệu do công nghiệp tình dục khổng lồ. Theo Bangkok Post, số trẻ em nhiễm mới HIV/năm tính vào đầu những năm 2000 đến hơn 1.000 bé sơ sinh. Báo cáo của chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Liên Hiệp Quốc (UNAIDS) thống kê số ca tử vong liên quan đến HIV/AIDS tại Thái Lan vào năm 2005 lên đến hơn 42.000 người. Trong nhiều thập niên, HIV/AIDS là cơn ác mộng đầy ám ảnh của Thái Lan.
Ban đầu các tổ chức sức khỏe đã rất vất vả để tìm cách thuyết phục chính phủ mạnh tay hành động. Vào cuối những năm 1990, các chương trình toàn quốc nhằm thúc đẩy phân phối miễn phí bao cao su cho những người tham gia vào công nghiệp tình dụng và sau đó là chương trình cung cấp rộng rãi ART những năm 2000 cuối cùng cũng giúp Thái Lan thành công rực rỡ, giành được lời ca ngợi của WHO. Từ năm 2000, Thái Lan đã là một trong những nước đầu tiên trên thế giới cung cấp miễn phí thuốc ART cho tất cả phụ nữ có thai được chẩn đoán có HIV.
Theo thống kê của chính phủ Thái Lan, số trẻ em nhiễm HIV từ lúc mới sinh đã giảm từ 1.000/2.000 xuống chỉ còn đúng 85/2.000 cuối năm 2015, mức giảm lớn vừa đủ để được WHO công nhận không còn bị lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Một số lượng nhỏ các trường hợp không thành công đang được xem xét vì điều trị bằng thuốc không đạt 100% hiệu quả. Trên thế giới chỉ có thêm Cuba đạt được kết quả này theo tiêu chuẩn của WHO.
Một thế hệ mới “không HIV”
Tỉ lệ phòng tránh lây nhiễm HIV từ mẹ sang con mà Thái Lan đạt được có thể xem là ngang với các nước phát triển tại Bắc Mỹ và châu Âu, theo Bangkok Post. Bà Poonam Khetrapal Singh, Giám đốc khu vực của WHO tại Đông Nam Á, ca ngợi thành quả của Thái Lan chứng minh rằng một quốc gia nằm ngoài nhóm những nước giàu có vẫn có thể đạt được cột mốc quan trọng này trong cuộc chiến chống lại thảm họa toàn cầu HIV/AIDS. Việc ngăn chặn thành công lây nhiễm HIV từ mẹ sang con thắp lên niềm hy vọng rằng các nỗ lực ngăn ngừa và điều trị HIV trong thế hệ hiện tại sẽ chấm dứt được thảm họa HIV của Thái Lan, mở ra tương lai cho một thế hệ trẻ em “không HIV”.
Phân tích về các yếu tố góp phần tạo nên thắng lợi to lớn này cho Thái Lan, bà Poonam Khetrapal Singh chỉ ra ba “chìa khóa” quan trọng. Thứ nhất, Thái Lan đã duy trì được con số ấn tượng trong việc giảm số ca nhiễm mới HIV tại nước này, giúp giảm tỉ lệ phụ nữ trong độ tuổi mang thai bị nhiễm HIV. Từ năm 2000 đến năm 2014, số ca nhiễm mới HIV ở nữ giới Thái Lan giảm mạnh từ 15.000 xuống còn 1.900 trường hợp được ghi nhận. Tỉ lệ giảm này đạt đến hơn 87%, một con số vượt xa cả nhiều quốc gia giàu có phương Tây. Thứ hai, Thái Lan đã xây dựng được một hệ thống hỗ trợ chi phí sức khỏe phổ thông toàn quốc vững chắc. Hệ thống này cho phép cả người giàu lẫn người nghèo được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cần thiết để ngăn ngừa và điều trị HIV/AIDS. Hệ thống này là bệ phóng quan trọng cho chương trình cấp phát miễn phí thuốc ART cho những người nhiễm hội chứng chết người này. Mọi trường hợp người mẹ mang thai hay có con nhỏ bị nhiễm HIV đều được đưa vào chương trình chăm sóc sức khỏe và trẻ em tại các bệnh viện, chi phí chăm sóc sức khỏe đều được chi trả bởi chính phủ. Từ năm 2013 đến nay, 95% phụ nữ mang thai nhiễm HIV đều được cung cấp thuốc ART miễn phí, theo Bộ Y tế Thái Lan.
Cuối cùng, bà Singh cũng ca ngợi tầm nhìn của chính phủ Thái Lan đã xây dựng một chính sách đối phó HIV/AIDS “bình đẳng” cho cả những người nước ngoài tại Thái Lan. Tương tự các công dân Thái Lan, những người nhập cư tại Thái Lan, mà đặc biệt là những người làm việc trong ngành công nghiệp tình dục, đều được điều trị HIV miễn phí. Theo báo cáo của UNAIDS vào năm 2013, tỉ lệ nhiễm HIV của người nhập cư tại Thái Lan cao gấp bốn lần tỉ lệ nhiễm HIV trung bình toàn quốc. Tổ chức WHO nhận định dù cũng là đối tượng dễ lây nhiễm HIV nhưng người nhập cư tại nhiều nước đa phần là thành phần bị xã hội bỏ rơi và không được hưởng các phúc lợi y tế. Đại diện của WHO tại Thái Lan, ông Daniel Kertesz, cũng đánh giá cao việc Thái Lan đưa cả những phụ nữ nhập cư vào hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn quốc, giúp các biện pháp phòng ngừa và điều trị HIV không bỏ sót bất kỳ ai.
Thuyền trưởng của “cuộc chiến”
Theo đánh giá của chương trình UNAIDS châu Á-Thái Bình Dương, cũng như nhiều tổ chức sức khỏe tại Thái Lan, BS Praphan Phanuphak có thể được xem là “thuyền trưởng” của cuộc chiến chống cơn đại dịch chết người HIV/AIDS tại Thái Lan. Ông chính là người đã sáng lập Trung tâm Nghiên cứu AIDS - Hội Chữ thập đỏ Thái Lan (TRC-ARC) và giữ cương vị giám đốc từ năm 1989 đến nay. Ông cũng đồng thời là một chuyên gia nghiên cứu về hệ miễn dịch nổi tiếng tại ĐH Hoàng gia Chulalongkorn (Thái Lan) và là thành viên Ủy ban Chính sách và Chiến lược về HIV của Liên Hiệp Quốc.
Vào giai đoạn 1984-1985, BS Phanuphak chính là người tiếp nhận và chẩn đoán những ca nhiễm HIV sớm nhất được phát hiện tại Thái Lan. Ông Phanuphak là một trong những “bộ óc” chủ đạo đằng sau những cách ứng phó HIV sáng tạo và hiệu quả của Thái Lan, theo tờ The Nation (Thái Lan). Ông luôn nỗ lực tìm kiếm những giải pháp ít tốn kém nhưng hiệu quả trong cuộc chiến chống lại cơn đại dịch thế kỷ, góp phần đưa Thái Lan trở thành một trong những hình mẫu toàn cầu trong vấn đề ngăn ngừa và điều trị HIV/AIDS. Bà Tatiana Shoumilina, Giám đốc chương trình UNAIDS tại Thái Lan, nhận định: “Ông ấy luôn đi trước mọi người trong cuộc chiến này. Ông ấy luôn biết sớm hơn mọi người chiến lược nào là câu trả lời đúng đắn nhất trước những thách thức của đại dịch AIDS”.
Cuối những năm 1980, khi các ca nhiễm HIV ngày một nhiều, ông Phanuphak đã cùng TRC-ARC vận động chính phủ xây dựng các cơ sở tư vấn và xét nghiệm trên phạm vi toàn quốc với quy tắc tiên quyết là giữ bí mật tuyệt đối danh tính bệnh nhân để khuyến khích những người có triệu chứng “lộ diện” và nhận được các hỗ trợ thích hợp. Sự hiệu quả to lớn của các trung tâm này đã thúc đẩy chính phủ xóa cả chính sách bắt người dương tính HIV phải đăng ký danh tính nhằm khuyến khích người dân mạnh dạn xét nghiệm. Tính đến nay, các trung tâm này đã làm việc không mệt mỏi với hơn 25.000 xét nghiệm/năm, giúp xác định hàng ngàn ca nhiễm HIV hằng năm.
Ông Praphan Phanuphak cũng là người có công đầu trong việc đưa thuốc kháng virus (ARV) đến với những bệnh nhân Thái Lan thông qua các kênh hợp tác nghiên cứu quốc tế với các trung tâm phương Tây. Trung tâm nghiên cứu của ông cũng đi đầu trong việc ngăn ngừa và điều trị HIV đối với người chuyển giới tại châu Á. Tờ The Nation mô tả ông Praphan Phanuphak là một người có tính cách thích tò mò khám phá không ngừng, có tư duy cởi mở và luôn khiêm tốn. Những phẩm chất này cùng với tài năng và tri thức đã giúp ông Praphan luôn đi đầu trong cuộc chiến chống HIV tại Thái Lan. Pháp luật TPHCM (trang 6)