Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 14/7/2016

  • |
T5g.org.vn - Bùng phát ổ dịch bạch hầu tại Bình Phước, 3 người tử vong; "Tuyên chiến" với nỗi ám ảnh nhà vệ sinh bệnh viện; Nghị lực phi thường của thai phụ ung thư phổi di căn; Hà Nội phát hiện chất vàng ô trong măng

Bùng phát ổ dịch bạch hầu tại Bình Phước, 3 người tử vong

Từ ngày 22-6 đến nay, tại ấp Thuận Tiến, xã Thuận Lợi và ấp Thuận Phú 3, xã Thuận Phú, tỉnh Bình Phước đã ghi nhận ổ dịch bạch hầu khiến gần 30 người mắc, 3 người tử vong, nhiều bệnh nhân nhẹ khác vẫn đang được cách ly tại nhà. Trước sự xuất hiện và bùng phát của ổ dịch nói trên, chiều nay, 13-7, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế đã ra công điện khẩn nhằm khuyến cáo người dân chủ động phòng tránh dịch bệnh nguy hiểm này. Trong đó, Cục Y tế dự phòng đề nghị Sở Y tế tỉnh Bình Phước tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh bạch hầu, phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc và các đối tượng nguy cơ cao để phát hiện các trường hợp mắc mới và người lành mang trùng.

Đồng thời triển khai các biện pháp xử lý kịp thời ổ dịch; tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân nhằm hạn chế tối đa số trường hợp mắc, biến chứng và tử vong; điều tra tất cả các trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng và tại các cơ sở điều trị, lập báo cáo hàng ngày về từng trường hợp mắc bệnh, ổ dịch và kết quả triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

Bên cạnh đó, Cục Y tế dự phòng cũng yêu cầu Sở Y tế Bình Phước phối hợp với Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh tổ chức tiêm vaccine phòng dịch tại khu vực xảy ra ổ dịch; nhanh chóng rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu hoặc tiêm chưa đầy đủ trên phạm vi toàn tỉnh để tổ chức tiêm vét vaccine phòng bệnh, tránh việc trẻ bị mắc bệnh bạch hầu do tiêm vaccine muộn.

Cục Y tế dự phòng cũng đề nghị cơ quan chức năng ở các địa phương trên cả nước tăng cường các hoạt động tuyên truyền về nguy cơ mắc bệnh bạch hầu và các biện pháp phòng chống để người dân tự giác và chủ động phòng chống bệnh; vận động các gia đình đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh đúng lịch, đủ mũi tiêm...

Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên; bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.

Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong. Hiện bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vaccine phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh.

Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày, hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng; Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời (An ninh thủ đô trang 2, Tiền phong trang 6, Hà Nội mới trang 5, Nhân dân trang 8).

"Tuyên chiến" với nỗi ám ảnh nhà vệ sinh bệnh viện

Đây là những thông tin được đưa ra tại hội thảo thực trạng nhà vệ sinh tại bệnh viện và một số biện pháp khử mùi tại nhà vệ sinh bệnh viện, do Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và môi trường (SKNN&MT) phối hợp với Cục Quản lý môi trường y tế – Bộ Y tế đã tổ chức sáng nay, 13-7. Báo cáo tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế – Bộ Y tế nhấn mạnh, chất lượng nhà vệ sinh ở các bệnh viện nước ta hiện nay còn tồn tại rất nhiều bất cập. Sự xuống cấp của nhà vệ sinh bệnh viện không những gây khó chịu cho người sử dụng mà còn ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh và hình ảnh chung của mỗi bệnh viện. Qua khảo sát nhanh của Viện SKNN&MT tại khu phòng khám của 13 bệnh viện tuyến trung ương cho thấy, chỉ 6/13 bệnh viện đáp ứng đủ số lượng nhà vệ sinh phục vụ bệnh nhân. Đấy là chưa kể trên thực tế có tình trạng rất nhiều cơ sở y tế tuy có nhà vệ sinh nhưng thường xuyên khóa cửa không cho bệnh nhân sử dụng, chiếm tới trên 50%. Ở các khoa khám bệnh, nơi có lượt bệnh nhân, người nhà bệnh nhân ra vào mỗi ngày rất lớn vẫn còn rất nhiều bệnh viện chưa xây dựng nhà vệ sinh riêng.

Tình hình càng tồi tệ hơn với các bệnh viện tuyến huyện khi qua khảo sát không có bệnh nào đáp ứng được đủ nhu cầu sử dụng nhà vệ sinh của nhân viên và bệnh nhân. Đặc biệt, chất lượng nhà vệ sinh ở các bệnh viện hiện vẫn là nỗi ám ảnh với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân mỗi khi phải nằm viện. Khảo sát của Viện SKNN&MT cho thấy, mùi hôi tại các nhà vệ sinh là vấn đề rất phổ biến, thậm chí ở các bệnh viện tuyến trung ương tỷ lệ nhà vệ sinh có mùi hôi chiếm tới 83%.

Ngoài ra, có tới 9/13 bệnh viện tuyến trung ương được khảo sát tồn tại các nhà vệ sinh bị ẩm ướt, đọng nước, trơn trượt. Ở khu vệ sinh của bệnh nhân vẫn xảy ra nhiều tình trạng đi vệ sinh không dội nước, vứt rác bừa bãi không cho vào sọt rác, tắc, hỏng cần gạt nước của hố tiêu, hệ thống thông gió, hút mùi không có, tường nhà vệ sinh ẩm mốc, tróc lở… khiến người bệnh rất engại.

TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện SKNN&MT cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến nỗi ám ảnh ở các nhà vệ sinh bệnh viện là tình trạng quá tải bệnh nhân trong khi nguồn lực của các bệnh viện có hạn, cùng đó là sự quản lý yếu kém trong công tác vệ sinh bệnh viện. “Trong thiết kế các bệnh viện nói chung, thiết kế nhà vệ sinh bệnh viện nói riêng hầu như chưa có bệnh viện nào tính đến công năng sử dụng khi quá tải bệnh nhân, do đó khi quá tải thì không thể khắc phục được, việc đưa ra giải pháp giải quyết rất khó khăn” – ông Hải phân tích.

Theo ông Hải, để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và hướng tới sự hài lòng của người bệnh thì việc cải thiện nhà vệ sinh bệnh viện phải được đưa lên hàng đầu. Cũng vì thế, tại dự thảo Bộ tiêu chí đánh giá cơ sở y tế xanh – sạch – đẹp, thân thiện với môi trường đang được Bộ Y tế xây dựng (do Cục Quản lý môi trường y tế cùng Viện SKNN&MT chủ trì soạn thảo) để chấm điểm các bệnh viện trên toàn quốc, trong 65 tiêu chí thì có tới 15 tiêu chí về nhà vệ sinh bệnh viện.

Chẳng hạn, Bộ tiêu chí yêu cầu các bệnh viện phải bố trí mỗi khoa/ phòng có khu vệ sinh riêng cho người bệnh và người nhà bệnh nhân; có ít nhất 1 khu vệ sinh cho 30 giường bệnh; Khoa Khám bệnh của các bệnh viện phải có ít nhất 1 khu vệ sinh/ 200 lượt khám; nhà vệ sinh bệnh viện luôn mở cửa cho người bệnh sử dụng; phòng vệ sinh bệnh viện không có mùi hôi thối, không có ruồi, nhặng, côn trùng; phòng vệ sinh có sẵn giấy vệ sinh, khô ráo, sạch sẽ…

Đại diện Viện SKNN&MT cũng như một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội đề xuất, để nhà vệ sinh tại các cơ sở y tế không còn là nỗi ám ảnh với người bệnh, bên cạnh việc ngành y tế, các bệnh viện chủ động cải thiện chất lượng nhà vệ sinh bệnh viện thì cần có thêm các giải pháp “chữa cháy” khác như thuê, đặt các nhà vệ sinh di động vào thời điểm cao điểm khám chữa bệnh; áp dụng các biện pháp khử mùi nhà vệ sinh bằng chế phẩm khử mùi thân thiện với môi trường; thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở việc thực hiện.

Là người nhiều năm trực tiếp gắn bó với công tác này, ThS. BS Nguyễn Thanh Khương, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn – Bệnh viện Hữu nghị cho rằng, để cải thiện chất lượng nhà vệ sinh bệnh viện góp phần làm cho bệnh viện xanh, sạch, đẹp cần có một sự ra tay đồng bộ của toàn ngành y tế, đặc biệt là quyết sách của lãnh đạo các bệnh viện, đồng thời tuyên truyền và vận động người bệnh, người nhà bệnh nhân nâng cao ý thức. Công việc này phải được duy trì thành nề nếp và được giám sát một cách chặt chẽ, thường xuyên, liên tục (An ninh thủ đô trang 6).

Nghị lực phi thường của thai phụ ung thư phổi di căn

Bị ung thư phổi đã di căn, ngày chỉ ngủ 2 tiếng vì khó thở không thể nằm, nhưng người mẹ trẻ 25 tuổi (quê Hà Tĩnh) đã quyết tâm không điều trị vì sợ ảnh hưởng đến thai nhi, kiên trì đến phút cuối cùng với hy vọng đứa con trong bụng có cơ hội được chào đời. Tối ngày 10-7, một ca mổ liên viện đầy cảm động của gần 20 bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Bệnh viện K Trung ương đã mổ bắt con thành công cho sản phụ H.T. (25 tuổi, ở Hà Tĩnh), khi thai nhi mới được 29 tuần nhưng sức chịu được của người mẹ trước căn bệnh ung thư phổi di căn đã đến giới hạn. Bác sĩ Lê Thị Yến, khoa Nội - Bệnh viện K cơ sở 1 (Quán Sứ, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, bệnh nhân H.T được phát hiện bệnh ung thư phổi ở giai đoạn muộn khi hạch đã dày đặc hai bên cổ, đã di căn. Lúc này, chị đang mang thai bé đầu 11 tuần tuổi. Biết bệnh của mình nhưng vì muốn giữ con nên bệnh nhân quyết cắn răng chịu đau không đi điều trị bệnh ung thư, chỉ thi thoảng gọi điện hỏi bác sĩ về vấn đề dinh dưỡng. Bác sĩ Lê Thị Yến, khoa Nội - Bệnh viện K cơ sở 1 (Quán Sứ, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, bệnh nhân H.T được phát hiện bệnh ung thư phổi ở giai đoạn muộn khi hạch đã dày đặc hai bên cổ, đã di căn. Lúc này, chị đang mang thai bé đầu 11 tuần tuổi. Biết bệnh của mình nhưng vì muốn giữ con nên bệnh nhân quyết cắn răng chịu đau không đi điều trị bệnh ung thư, chỉ thi thoảng gọi điện hỏi bác sĩ về vấn đề dinh dưỡng.

Với trường hợp của chị H.T., khi phát hiện bệnh, nếu đình chỉ thai nghén hiệu quả điều trị sẽ tốt hơn, tuy nhiên trước quyết tâm và nghị lực phi thường của thai phụ trẻ tuổi, xin không điều trị vì sợ ảnh hưởng đến thai nhi và hy vọng mình cầm cự đủ lâu để con có thể chào đời, các bác sĩ Bệnh viện K Trung ương đã thực sự cảm động.

Đến tuần thai thứ 27, chị H.T thấy khó thở không thể chịu được, gia đình mới đưa chị vào Bệnh viện K cơ sở 1. Nằm điều trị được gần 1 tuần, cô gái được chuyển tiếp lên khoa Hồi sức khi thấy biểu hiện khó thở tăng lên.

Tối ngày 10-7, thai nhi ở tuần thứ 29, các bác sĩ nhận thấy sức chịu đựng của người mẹ đã đến giới hạn, nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và con nên gọi điện sang Bệnh viện Phụ sản Trung ương hỗ trợ. Ngay lập tức, 2 kíp mổ và hỗ trợ sơ sinh của Bệnh viện Phụ sản Trung ương được chỉ định sang Bệnh viện K phối hợp thực hiện ca mổ. Tổng cộng kíp mổ bắt con cho sản phụ H.T lên tới 20 người.

Đáng chú ý, do bệnh nhân không thể nằm nên các bác sĩ đã quyết định mổ lấy bé trong thư thế ngồi – điều mà hầu hết các thành viên trong kíp mổ chưa từng trải qua thực tiễn trước đó. Tư thế mổ này không hề dễ dàng bởi khi mổ dọc, ruột dồn hết xuống vị trí mổ, hai y tá phải phụ nâng đỡ sau lưng bệnh nhân, một người phải nâng thành bụng. Càng đặc biệt hơn và cũng đáng khâm phục hơn trước nghị lực phi thường của người mẹ khi trong ca mổ này, bệnh nhân không thể áp dụng biện pháp gây mê hay thậm chí dùng thuốc an thần.

Bác sĩ Trần Đức Thọ, Phó khoa gây mê hồi sức, Bệnh viện K cho biết: “Khi mổ chúng tôi cũng không thể gây mê vì gây mê thì bệnh nhân có thể không tỉnh lại được, thậm chí thuốc an thần cũng không được tiêm vì có thể làm tăng suy hô hấp. Vì thế, chúng tôi chỉ gây tê tủy sống, vì thế trong ca mổ bệnh nhân gần như tỉnh táo. Ca mổ diễn ra hết sức căng thẳng, vì chúng tôi sợ mất cả mẹ lẫn con”.

Và rồi 30 phút sau, khi đứa trẻ được đưa ra khỏi bụng mẹ, tiếng khóc chào đời của bé trai nặng 1,2 kg khiến người mẹ trào nước mắt, các bác sĩ cũng thở phào nhẹ nhõm. Ngay lập tức, trẻ được các bác sĩ chuyên ngành sơ sinh tiếp nhận cấp cứu, cho vào lồng ấp chuyển sang Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Ê kíp còn lại tiếp tục hoàn thành ca mổ, sau đó là cuộc chiến khác với hy vọng cứu người mẹ.

Hiện sức khỏe của trẻ đã được cải thiện hơn so với lúc sinh, thở máy cấp độ thấp hơn, được điều trị chống suy hô hấp, các biện pháp dự phòng nhiễm nhuẩn. Bé trai được gia đình tạm thời đặt tên là Trần Gấu với hy vọng con sẽ khỏe mạnh. Còn người mẹ trẻ H.T hiện cũng đã tỉnh, được tiếp tục hồi sức.  Phó Giám đốc Bệnh viện K Trung ương Trần Thuấn cho biết, sau này khi sức khỏe của chị H.T. tiến triển tốt hơn, các bác sĩ sẽ lên chiến lược điều trị bệnh chính là bệnh ung thư. Cũng theo ông Thuấn, đây là ca đầu tiên Bệnh viện gặp trường hợp có thai trên nền bệnh ung thư phổi (An ninh thủ đô trang 8, Tiền phong trang 10, Tuổi trẻ trang 14, Hà Nội mới trang 5, Nhân dân trang 5).

Hà Nội phát hiện chất vàng ô trong măng

Thực hiện tháng hành động vì an toàn thực phẩm các sở, ngành Hà Nội đã thanh kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm tại 2.442 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và xử lý vi phạm theo quy định. Các sở, ngành đã xử phạt 781 cơ sở với tổng số tiền phạt là hơn 3,435 tỷ đồng, tiêu hủy nhiều thực phẩm không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm. Đợt thanh kiểm tra này, các sở, ngành cũng đã lấy 214 mẫu để xét nghiệm, kết quả ban đầu phát hiện 03 mẫu nước uống đóng chai không đảm bảo an toàn thực phẩm, 01 mẫu thịt tồn dư chất cấm chloramphenicol, 01 mẫu cá tồn dư chất cấm Leuco Malachite Greeen, 03 mẫu măng tồn dư chất Auramine O (vàng ô), và 02 mẫu rau dư lượng bảo vệ thực vật vượt ngưỡng giới hạn.

Trong đó, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản đã tiến hành thanh tra chuyên ngành tại 02 cơ sở, kiẻm tra liên ngành 13 cơ sở, kiểm tra đột xuất 08 cơ sở. Đã tiến hành xử lý vi phạm hành chính 15 cơ sở với số tiền là hơn 81 triệu đồng và buộc tiêu hủy 318kg đậu Hà Lan, 12,65kg trà xanh, 50kg măng tồn dư chất vàng ô; Buộc chuyển mục đích sử dụng 1000 lít nước tương hết hạn sử dụng làm thức ăn chăn nuôi; Tiêu hủy 02 lô nhãn sản phẩm có hạn sử dụng không đúng so với bản xác nhận công bố, 05 lô nhãn sản phẩm không đúng với công bố chất lượng.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội kiểm tra 37 cơ sở, phát hiện 15 cơ sở vi phạm phạt hơn 32 triệu đồng; Lấy 11 mẫu nước uống đóng chai, 10 mẫu nước giải khát, 02 mẫu sản phẩm thịt, 01 mẫu siro, 11 mẫu ruốc phát hiện 3 mẫu nước uống đóng chai không đạt chỉ tiêu vi sinh vật. Chi cục Thú y Hà Nội đã tổ chức 01 đoàn kiểm tra tại 05 cơ sở xử phạt hành chính cả 05 cơ sở với số tiền hơn 9 triệu đồng, buộc chuyển mục đích sử dụng 119 kg sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ làm thức ăn chăn nuôi. Các trạm thú y phát hiện 168 cơ sở vi phạm phạt 85 cơ sở với số tiền hơn 245 triệu đồng; Buộc tiêu hủy 189kg gà lông, 429kg thịt lợn, 248kg thịt trâu bò,...

Đợt triển khai tháng hành động các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố cũng thanh tra 19.430 cơ sở, phạt tiền 552 cơ sở với số tiền hơn 1,8 tỷ đồng (Tiền phong trang 6).

Cô gái 17 tuổi tử vong sau khi tiêm thuốc gây mê

Ngày 13-7, thông tin từ Sở Y tế Đồng Nai cho hay sẽ thành lập hội đồng chuyên môn để xác định nguyên nhân chị Nguyễn Thị  Thanh T. (17 tuổi, ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) chết sau khi được tiêm thuốc gây mê tại Bệnh viện quốc tế Đồng Nai.

Trước đó, khoảng 16g20 ngày 8-7, sau 3 ngày bị sốt, ho, đau bụng, chị T. được đưa vào Bệnh viện quốc tế Đồng Nai điều trị. Bác sĩ đã tiến hành khám, xét  nghiệm máu, siêu âm bụng, đo điện tim. Chẩn đoán ban đầu chị T. bị nhiễm trùng đường ruột, theo dõi nhiễm trùng huyết đường phổi, chưa loại trừ bệnh lý ngoại khoa nên được hội chẩn.

Đến khoảng 16g45 cùng ngày, các bác sĩ chẩn đoán chị T. bị viêm phúc mạc ruột thừa và quyết định phẫu thuật. Đến 18g30, bệnh nhân được đưa lên phòng mổ, được tiêm gây mê, sau đó tiêm thuốc giãn cơ để đặt ống nội khí quản gây mê. Tuy nhiên sau đó, bệnh nhân có dấu hiệu co thắt khí phế quản, co cứng cơ vùng cổ… Kíp trục đã tiến hành hồi sức cấp cứu tích cực nhưng không hiệu quả. Đến 20g55, bệnh nhân tử vong.

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Lê Quang Trung - phó giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, cho biết ngay hôm chị T. tử vong, sở đã nắm vụ việxd c. Bệnh viện đã gửi báo cáo ban đầu về vụ việc cho sở. Hiện, sở đang tiến hành kiểm tra sự việc: kiểm tra hồ sơ bệnh án, quy trình, con người, thời gian xử trí cấp cứu…

Qua tuần sau, sở sẽ lên lịch thành lập hội đồng cấp sở để xác định nguyên nhân cụ thể và công bố. Cũng theo ông Trung, sau khi sự việc xảy ra, người nhà bệnh nhân đã cùng bệnh viện thu xếp cũng như ký cam kết để đưa chị T. về nhà lo hậu sự.

“Nguyên nhân chị T. tử vong có thể do sốc phản vệ do thuốc gây mê” - ông Trung nhận định (Tuổi trẻ trang 5).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang