Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 14/8/2016

  • |
T5g.org.vn - 62 người ngộ độc thực phẩm sau khi dự tiệc cưới; Xây bệnh viện quên làm đường vào

62 người ngộ độc thực phẩm sau khi dự tiệc cưới

Ngày 13-8, lãnh đạo UBND xã Ea Trul (huyện Krông Bông, Đắk Lắk) - cho biết, trên địa bàn xã đã xảy ra một vụ ngộ độc thực phẩm tập thể khiến 62 người phải nhập viện cấp cứu. Trước đó, vào tối ngày 12/8, một hộ gia đình trên địa bàn buôn Băng Kung, xã Ea Trul đã tổ chức tiệc mừng đám cưới. Đến 22h cùng ngày, buổi tiệc kết thúc thì hàng loạt người dân trong buôn đều có dấu hiệu đau đầu, buồn nôn và tiêu chảy. Nhận được thông tin, cán bộ của Trung tâm y tế huyện Krông Bông đã nhanh chóng có mặt để hướng dẫn, điều trị cho 62 người dân bị ngộ độc thực phẩm. Trung tâm Y tế huyện cũng đã phối hợp với Chi Cục an toàn vệ sinh thực phẩm để lấy mẫu xét nghiệm nhưng do nhà hàng đám cưới lưu động sau khi hoàn thành việc phục vụ đám cưới thì nhanh chóng dọn dẹp, ra về nên không còn mẫu thức ăn. Chiều 13-8, mọi người bị ngộ độc đã xin thuốc về nhà, không còn ca nào nằm điều trị.(Nhân dân trang 5)

 

Công tác phòng, chống HIV/AIDS khu vực Tây Bắc còn nhiều nan giải

Mặc dù công tác phòng, chống HIV/AIDS tại các tỉnh khu vực Tây Bắc thời gian qua đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, nhưng thực tế cho thấy đây vẫn là khu vực có tỷ lệ nhiễm HIV cao hơn so với trung bình của cả nước. Nguyên nhân, là do nhận thức của người dân về HIV/AIDS còn nhiều hạn chế; thiếu hụt về nhân lực, kinh phí hạn chế... Điều đó cản trở việc mở rộng chương trình can thiệp giảm tác hại, chăm sóc, hỗ trợ điều trị người nhiễm HIV tại khu vực này.

Khu vực Tây Bắc bao gồm các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang và các huyện phía tây của hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Nhiều năm qua, khu vực này vẫn luôn là điểm nóng về dịch HIV/AIDS. Theo số liệu thống kê cuối năm 2015, khu vực Tây Bắc có khoảng 14,6 triệu người sinh sống, chiếm khoảng 16% số dân của cả nước, nhưng có khoảng 63.500 người nhiễm HIV, trong đó có hơn 39 người nhiễm HIV còn sống. Trung bình mỗi năm khu vực Tây Bắc có khoảng 3.000 người nhiễm mới và có từ 500 đến 800 người chết do AIDS. Theo ước tính, tỷ lệ mắc HIV tại khu vực này là 420/100 nghìn dân, cao gấp 1,5 lần so với trung bình của cả nước (280/100 nghìn dân). Đường lây truyền HIV tại khu vực này chủ yếu là do sử dụng chung khi tiêm chích ma túy, quan hệ tình dục không an toàn, với ba nhóm đối tượng nguy cơ cao là người nghiện chích ma túy (NCMT), phụ nữ bán dâm (PNBD) và gần đây là vợ, bạn tình của người nhiễm HIV đang có chiều hướng gia tăng. Đáng chú ý, trong những năm gần, đây mặc dù tỷ lệ nhiễm HIV trong hai nhóm người NCMT và bán dâm đã giảm từ 19,3% (năm 2010) xuống còn 10% (năm 2015); nhóm PNBD từ 5,7% (năm 2010) xuống còn 3,1% (năm 2015). Tuy nhiên, số liệu này vẫn cao hơn so với tỷ lệ nhiễm HIV toàn quốc lần lượt là 9,3% và 2,7%... Ngoài ra, nguy cơ lây nhiễm HIV ở một số địa bàn, không còn tập trung trong nhóm nguy cơ cao như trước đây, hiện nguy cơ lây truyền HIV như dịch toàn thể.

Theo Cục trưởng Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) TS Nguyễn Hoàng Long: Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ nhiễm HIV tại khu vực Tây Bắc cao, là do nhận thức của người dân về HIV/AIDS còn nhiều hạn chế, nhất là người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số; do sự thiếu hụt về nhân lực, kinh phí hạn chế, bất đồng ngôn ngữ, văn hóa... đã cản trở việc mở rộng các chương trình can thiệp giảm tác hại, chăm sóc, hỗ trợ điều trị người nhiễm HIV tại tuyến xã. Điều này làm cho người dân vùng sâu, vùng xa trên địa bàn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ phòng, chống HIV mà ngành y tế triển khai... Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Tuyên Quang BS Tô Hoàng Sâm cho biết: Cũng như nhiều địa phương thuộc địa bàn Tây Bắc, tỉnh Tuyên Quang hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như các dự án kết thúc, kinh phí địa phương hạn chế, kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia cắt giảm nhiều dẫn đến thiếu hụt lớn về kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Trong khi đó, cán bộ tham gia Chương trình phòng, chống HIV/AIDS còn thiếu và yếu, nhất là kiến thức về phòng, chống HIV và kỹ năng truyền thông. Ở một số địa phương, người dân vẫn còn tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người NCMT, người bán dâm nhiễm HIV, vì vậy các đối tượng này thường lẩn tránh, làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm HIV. Trong khi đó, điều kiện kinh tế của địa phương còn nhiều khó khăn, cho nên việc đầu tư cơ sở vật chất cho công tác phòng, chống HIV/AIDS còn nhiều hạn chế, nhất là địa bàn rộng, phân bố dân cư rải rác làm hạn chế việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc, dự phòng và điều trị HIV/AIDS của người bệnh...

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá: Với số dân chỉ chiếm hơn 15% cả nước, nhưng nhiều tỉnh vùng Tây Bắc hiện đang có tỷ lệ nhiễm HIV đứng hàng đầu cả nước. Trong khi đó, các nguy cơ lây nhiễm HIV vùng này lại rất phức tạp, địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, độ bao phủ của dịch vụ phòng, chống HIV cũng còn rất hạn chế. Cho nên, nếu không có những giải pháp quyết liệt thì rất khó kiểm soát được dịch HIV và ảnh hưởng đến mục tiêu chung của cả nước. Vì vậy, nhằm từng bước giảm tỷ lệ người lây nhiễm HIV, số người chết do AIDS, cũng như khắc phục những khó khăn, bất cập nêu trên, Bộ Y tế đề nghị chính quyền các cấp cần hành động quyết liệt hơn; tiếp tục coi công tác phòng, chống HIV/AIDS là nhiệm vụ quan trọng, trong đó tập trung vào việc kiện toàn tổ chức; đẩy mạnh vận động chính sách, cung cấp thông tin về chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Tiếp tục nâng cao nhận thức về phòng, chống HIV/AIDS cho đồng bào, nhất là người có hành vi nguy cơ cao, người nhiễm HIV; mỗi địa phương cần có những biện pháp, cách làm thích hợp bằng các hoạt động truyền thông trực tiếp đến từng đối tượng, nhóm đối tượng, nhất là nhóm có nguy cơ cao và bạn tình của họ; đồng thời đẩy mạnh công tác điều trị Methadone, vì hiện nay nhiều tỉnh chỉ tiêu điều trị Methadone còn đạt thấp như các tỉnh Nghệ An, Sơn La…

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết thêm: Bộ Y tế hiện đang trình Chính phủ Nghị định sửa đổi theo hướng mở, giảm và bỏ hầu hết các thủ tục hành chính, nhằm tạo điều kiện cao nhất cho người bệnh tiếp cận điều trị Methadone, nhưng việc đào tạo tập huấn cũng mở rộng, các cơ sở sẽ tự công bố triển khai và sở y tế các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm giám sát, quản lý. Tuy vậy, Nghị định mới cũng sẽ có điểm chặt chẽ hơn như người bệnh đã điều trị đạt liều duy trì mà vẫn sử dụng hê-rô-in, sẽ phải chuyển sang cai nghiện bắt buộc, cũng như triển khai điều trị Methadone tại các trại giam, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện…

Đáng chú ý, năm 2017, PEPFAR sẽ cắt giảm tiếp 40% thuốc ARV và năm 2018 cắt toàn bộ phần hỗ trợ thuốc ARV. Như vậy, đến năm 2018 chưa có nguồn nào viện trợ ARV cho Việt Nam, cho nên giải pháp khả thi nhất trong lúc này là cần chuyển điều trị HIV/AIDS và ARV sang Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) để chi trả. Do vậy, các địa phương nhanh chóng chuyển các cơ sở điều trị HIV/AIDS vào cơ sở khám, chữa bệnh BHYT, cũng như triển khai tăng nhanh tỷ lệ người nhiễm HIV có thẻ BHYT…( Nhân dân trang 5)

 

Xây bệnh viện quên làm đường vào

Chuyện kỳ lạ ở TP.HCM là cuối năm nay khánh thành đưa vào sử dụng Bệnh viện Nhi đồng TP nhưng phải đến giữa năm sau các con đường dẫn vào bệnh viện này mới hoàn thành!

Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP.HCM khởi công ngày 6.12.2014, trên địa bàn thuộc xã Tân Kiên và Tân Nhật (H.Bình Chánh), có quy mô 1.000 giường, tổng diện tích sàn xây dựng gần 93.200 m2, kinh phí dự kiến 4.500 tỉ đồng (thực tế thi công khoảng 4.200 tỉ đồng). Ban đầu dự kiến tiến độ xây dựng BV trong vòng 18 tháng.

Tuy nhiên đến sáng 13.8, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cùng lãnh đạo sở ngành đã phải thị sát và làm việc với chủ đầu tư, nhà thầu để tìm giải pháp đẩy nhanh tiến độ.

“Không hiểu mấy ông phối hợp kiểu gì”

Tại cuộc làm việc, ông Lê Dũng, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty xây dựng số 1 (CC1), cho hay điều nhà thầu lo lắng là giao thông kết nối các tuyến đường từ nút giao thông Tân Tạo - Chợ Đệm đi vào BV.

Ông Dũng kiến nghị Sở GTVT mở rộng, làm mới 2 con đường bao quanh BV đủ điều kiện để xe cứu thương chạy vào. Dù đã có kiến nghị làm đường từ giữa năm 2015 nhưng ông Dũng cũng thừa nhận “việc chậm trễ làm đường có trách nhiệm từ CC1” và kiến nghị đẩy nhanh tiến độ làm cầu vượt từ đường Tân Tạo - Chợ Đệm chạy vào BV.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nói ngay: “Phải triển khai đồng bộ, chứ làm xong BV thì đường đâu đưa bệnh nhân vào. BV này làm từ năm 2014 mà đến nay đường chưa làm. Không hiểu mấy ông phối hợp kiểu gì”, và yêu cầu Phó giám đốc Sở GTVT Nguyễn Văn Tám sớm có phương án.

Đáp lại, ông Tám cho biết hôm 10.8, Sở KH-ĐT đã trình kiến nghị làm đường của CC1 lên UBND TP phê duyệt. “Nếu quyết liệt làm từ bây giờ thì phải đến giữa năm 2017, giao thông ở đây mới hoàn thành vì phải thông qua nhiều thủ tục. Tuần tới Sở GTVT sẽ đi khảo sát để đưa ra phương án”. Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nói thẳng sự tính toán thiếu khoa học gây ra chậm trễ này sẽ rất lãng phí.

Về kiến nghị kết nối các tuyến giao thông và mở các tuyến xe buýt từ các nơi chạy qua BV, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu than phiền cũng rất chậm. Theo bà Thu, không phải đợi đến khi khánh thành BV mới mở tuyến xe buýt mà phải mở ngay trong tháng 9.2016 để người dân quen và dễ đi lại khi khám chữa bệnh.

Trả lời Thanh Niên, ông Lê Dũng cho biết hiện có hai con đường bao quanh BV là đường song hành Tân Tạo - Chợ Đệm chạy vào cổng dành cho xe cứu thương và đường kênh 10 chạy vào cổng chính BV. Dự kiến sẽ mở rộng hai đường này 25 - 30 m với kinh phí gần 400 tỉ đồng bao gồm cả làm cầu vượt.

Trong khi đó, thực tế hai con đường này rất nhỏ hẹp, lởm chởm đất đá, bụi bặm. Đáng chú ý là đường kênh 10 dẫn vào cổng chính BV đang là đường đất rộng chỉ chừng 3 - 4 m.

Làm chậm nhưng cứ đòi ứng tiền

Báo cáo tiến độ dự án, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cho hay đến nay tiến độ thi công phần thô của công trình chính đạt 100%, hoàn thiện đạt trên 60%, dự kiến hoàn thành vào ngày 30.9.2016. Hạng mục khu lây nhiễm hoàn thành 100% khối lượng phần thô, dự kiến ngày 30.8 hoàn thành… Dự kiến đến ngày 30.9 sẽ hoàn thành lắp đặt thiết bị xây lắp và một phần trang thiết bị.

Ông Bỉnh cho biết theo hợp đồng ký kết với tổng thầu EPC (hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình), công trình sẽ được hoàn thành vào ngày 6.6.2016. Tuy nhiên nhà thầu CC1 xin gia hạn đến ngày 30.12.2016.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐTV CC1 Lê Dũng lý giải công trình chậm là do việc lập dự toán, đơn giá thiết bị kéo dài, từ đó chậm thanh toán cho nhà thầu. Đến nay nhà thầu đã chi khoảng 1.700 tỉ đồng để thi công và đã nhận từ chủ đầu tư 991 tỉ đồng. Ông Dũng kiến nghị UBND TP tạm ứng tiếp 25 - 30% (khoảng 500 tỉ đồng) ngoài phần tạm ứng 45% (hơn 900 tỉ đồng) trước đó.

Tuy nhiên, phần kiến nghị của ông Dũng đã “làm nóng” buổi làm việc. Chủ tịch Nguyễn Thành Phong chỉ cho phép tạm ứng không quá 50% giá trị công trình, trước mắt cho tạm ứng thêm 5% (khoảng 100 tỉ đồng), 20% còn lại sẽ xem xét theo quy định.

Bà Thu yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu và ban giám đốc BV phải nhanh chóng rà soát, “thiếu gì là bổ sung ngay”. Riêng phần đấu thầu thiết bị y tế, bà Thu yêu cầu tiêu chí đấu thầu phải mở và tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp tham gia. “Vừa rồi có hai gói thầu có tiêu chí mở đã làm lợi cho ngân sách hơn 10 tỉ đồng so với giá trần, chất lượng của thiết bị cũng tốt hơn. Phải tránh tình trạng sau khi đấu thầu xảy ra khiếu kiện”, bà Thu nói.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong yêu cầu CC1 phải đảm bảo tiến độ hoàn thành theo đúng cam kết vào ngày 30.9.2016, bởi “dự án đã chậm tiến độ một lần rồi”.

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang