Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 14/9/2015

  • |
T5g.org.vn - Giá thuốc tiếp tục có biến động; Khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho hơn 300 đồng bào nghèo vùng biên; Thành lập 3 đoàn thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết Trung thu; Sức khỏe của hai bệnh nhân được ghép tim, gan tiến triển tốt; Chú trọng giảng dạy bằng phương tiện hiện đại, phát huy sáng tạo của người học...

 Giá thuốc tiếp tục có biến động

Bộ Y tế cho biết trong tháng 8, số lượng mặt hàng thuốc có giá nhập khẩu thay đổi chiếm khoảng 3 - 5% với mức tăng/giảm giá phổ biến dưới 10%.

Cụ thể như: Imacep 100 mg, mỗi hộp 10 gói nhập từ Ấn Độ có giá 1,2 USD/hộp (tăng 7,14%); Dicloberl 50 mg, mỗi hộp 10 vỉ x 10 viên nhập từ Đức giá 1,78 USD/hộp (tăng 3,25%); Mini Sitrom 1 mg (Acenocuomorol), mỗi hộp 20 viên có giá 1,49 USD/hộp (giảm 3,48%)...

Theo Bộ Y tế, một số mặt hàng thuốc có giá biến động nhẹ phụ thuộc vào giá nhập khẩu thuốc và giá nhập khẩu nguyên phụ liệu sản xuất thuốc.

Theo Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, trong 8 tháng đầu năm có 51 lượt mặt hàng thuốc nhập khẩu và 606 lượt mặt hàng thuốc trong nước kê khai tăng giá (chiếm khoảng 2,5%) trong tổng số 25.000 mặt hàng thuốc hiện đang lưu hành trên thị trường.

Dự báo, trong tháng 9 này, giá một số mặt hàng thuốc trên thị trường có thể biến động. Hiện Bộ Y tế và các sở y tế đang tăng cường kiểm tra giá thuốc kê khai. (Thanh niên trang 2)

 Khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho hơn 300 đồng bào nghèo vùng biên

Đoàn cán bộ Công an tỉnh Bình Phước cùng các y bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã vượt hơn 250km để đến khám chữa bệnh, đoàn tổ chức trao tặng 200 phần quà cho bà con xã biên giới Bù Gia Mập.

Trong hai ngày 12 và 13/9, Đoàn công tác gồm hơn 40 cán bộ, chiến sỹ thuộc Phòng Tham mưu, Phòng Công tác Đảng và Công tác quần chúng Công an Bình Phước, Công an huyện Bù Gia Mập và gần 20 y, bác sỹ thuộc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, quận 5, TP. Hồ Chí Minh, UBND xã Bù Gia Mập đã triển khai công tác khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã.

 

 

Tuy phải vượt qua quãng đường gần 250km để đến với người dân nghèo vùng biên giới nhưng cán bộ, chiến sỹ và các y, bác sỹ đã tích cực làm việc khẩn trương. Tận tình hướng dẫn đăng ký, tư vấn, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhiều bệnh nhân ở mọi lứa tuổi. Đoàn đã thăm khám cho hơn 300 bệnh nhân nghèo.

Cùng với khám chữa bệnh, đoàn tổ chức trao tặng 200 phần quà, gồm nhu yếu phẩm (gạo, đường, dầu ăn, bột ngọt, nước mắm…) cho 200 hộ nghèo. Toàn bộ số tiền thuốc chữa chữa bệnh và quà trị giá trên 50 triệu đồng.

Dịp này, các chiến sĩ công an cũng dành thời gian tham gia lao động vệ sinh, làm sạch môi trường khu vực trung tâm xã, khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và thi đấu giao hữu bóng chuyền với cán bộ, nhân dân địa phương.  (Công an Nhân dân trang 3)

 Thành lập 3 đoàn thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết Trung thu

3 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm thành phố gồm: Sở Y tế, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Từ nay đến ngày 30/9, 3 đoàn tiến hành thanh tra, kiểm tra công tác triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Trung thu năm 2015 tại các quận, huyện, thị xã. 

Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các qui định về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu thụ thực phẩm phục vụ Tết Trung thu trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo qui định của pháp luật về an toàn thực phẩm.  (Công an Nhân dân, Lao động trang Hà Nội)

Sức khỏe của hai bệnh nhân được ghép tim, gan tiến triển tốt

Chiều 12/9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến Bệnh viện Việt Đức thăm 2 bệnh nhân vừa được ghép tim, ghép gan và chúc mừng các y bác sỹ Bệnh viện Việt Đức đã thành công trong ca ghép tạng ngày 5/9 vừa qua.
Đến thăm và tặng quà 2 bệnh nhân được ghép gan và ghép tim, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến bày tỏ vui mừng trước tình hình sức khỏe của 2 bệnh nhân đều tiến triển tốt; đề nghị các bác sỹ tiếp tục theo sát tình hình sức khỏe và đảm bảo những điều kiện chăm sóc, điều trị tốt nhất cho người bệnh.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã tặng quà và nhiệt liệt chúc mừng thành công các bác sỹ, kỹ thuật viên, điều dưỡng viên của Bệnh viện Việt Đức trong ca ghép tim, ghép gan ngày 5/9 vừa qua. Bộ trưởng cũng đánh giá cao sự phối hợp giữa Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người với Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Chợ Rẫy. Theo Bộ trưởng, những thành công của các ca ghép gan, ghép tim, ghép thận ở Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế… đã khẳng định trình độ ghép tạng của các thầy thuốc của Việt Nam ở mức ngang bằng các nước trên thế giới.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết trong thời gian tới, ngành y tế sẽ chuẩn bị các điều kiện để tiến tới ghép phổi, ghép tụy…; đề nghị Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đặt tại Bệnh viện Việt Đức tăng cường hơn nữa vai trò và hoạt động; đặc biệt chú trọng công tác truyền thông để người dân hiểu về lợi ích của việc hiến tạng. Bên cạnh đó, cần tăng cường hoạt động của Hội vận động hiến ghép tạng, truyền thông cho người dân hiểu về quy trình, tiêu chuẩn hiến tạng.
Thành công của ca ghép tim, ghép gan đã khẳng định vai trò ban đầu của Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người trong việc thu thập và điều phối giữa nhu cầu ghép tạng và nguồn hiến, tặng...
Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, người trực tiếp tham gia và chỉ đạo ca ghép tạng được mang từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội cho biết, cả 2 bệnh nhân được ghép tạng đều là người Hà Nội, trong đó bệnh nhân ghép gan là Trần Ngọc H., 59 tuổi bị ung thư gan và xơ gan giai đoạn cuối; bệnh nhân ghép tim 37 tuổi, suy tim giai đoạn cuối do giãn cơ tim, thời gian sống chỉ được tính bằng ngày. Hai bệnh nhân có tên trong danh sách chờ ghép tạng đã lâu nhưng chưa tìm được người phù hợp.
Sau một tuần được ghép tim và ghép gan, sức khỏe hai bệnh nhân đã ổn định, có thể ăn và đi lại trong phòng./. (Lao động trang 2)

Nếu cần, ngành Y tế Việt Nam sẽ mua trực thăng phục vụ ghép tạng

Chiều tối qua, 12-9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã tới thăm 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Việt Đức được ghép tim và ghép gan từ nguồn tạng chuyển từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội bằng đường hàng không. 

Hiện cả 2 bệnh nhân được ghép tạng đã ổn định sức khỏe, ăn uống tốt và các kết quả các chỉ số xét nghiệm đều bình thường. Anh Nguyễn Văn H (40 tuổi, ở Hà Nội) – người vừa được ghép tim từ người cho chết não ở TP Hồ Chí Minh đã có thể chủ động ngồi dậy tiếp đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến làm trưởng đoàn vào thăm, tặng quà tận giường bệnh.
Trả lời rành rọt từng câu hỏi của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên và các bác sĩ, anh H. cho hay anh đã tự ăn uống được, cảm nhận sức khỏe tốt lên từng ngày.

Cũng có sự tiến triển tốt trong tình trạng sức khỏe, bệnh nhân Trần Ngọc H. (59 tuổi, Hà Nội) bày tỏ tấm lòng biết ơn đối với các bác sĩ, anh gọi đó là những người đã cứu mạng mình, cho mình cuộc đời mới. Nhận món quà từ tay Bộ trưởng Bộ Y tế, hai bệnh nhân Trần Ngọc H. và Nguyễn Văn H. đều xúc động chia sẻ 2 anh thực sự là những người đã quá may mắn.

Trước đó, sáng 5-9, bệnh nhân Trần Ngọc H. và Nguyễn Văn H. là 2 trong số hàng nghìn bệnh nhân chờ ghép tạng đã may mắn nhận được gan, tim từ người cho chết não tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) có các chỉ số phù hợp. Điều đặc biệt là khối tim, gan này được di chuyển hơn 1.700 km từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội bằng đường hàng không trong tối ngày 4-9 để thực hiện 2 ca ghép tạng này.

Chúc mừng các y, bác sĩ Bệnh viện Việt Đức thực hiện thành công ca ghép tim, gan, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao sự điều phối của Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người và ghi nhận những nỗ lực của Bệnh viện Chợ Rẫy trong việc hồi sức để duy trì tạng của bệnh nhân chết não.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, tháng 10 tới, Bộ Y tế sẽ họp với các bệnh viện để xây dựng quy trình đăng ký, điều phối hiến tạng. Bộ trưởng yêu cầu, Trung tâm Điều phối quốc gia phối hợp với Hội vận động hiến mô tạng tuyên truyền sâu rộng hơn nữa đến nhân dân để mọi người hiểu rõ ý nghĩa cao đẹp của việc hiến tạng. Công bố rộng rãi số điện thoại, tiêu chuẩn hiến tạng và cấp thẻ đăng ký hiến tạng cho người dân.

Bên cạnh đó cập nhật danh sách người chờ ghép và người đăng ký hiến tạng bằng phần mềm tin học; xây dựng khung giá cho từng loại ghép tạng theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí để đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam chi trả và có biện pháp hỗ trợ người nghèo bằng các nguồn quỹ nhân đạo.

Đối với Bệnh viện Việt Đức, Bộ trưởng yêu cầu chuẩn bị Đề tài khoa học về bảo quản tạng và tích cực nghiên cứu để tiến tới ghép phổi và ghép tụy. Trao đổi với lãnh đạo Trung tâm Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người và Bệnh viện Việt Đức, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, thời gian tới khi có nhiều người hiến tạng, ngành y tế sẽ trang bị xe chuyên dụng vận chuyển tạng, thậm chí tiến tới trang bị máy bay trực thăng.

Theo Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người thì hiện nay, tại các nước phát triển, 90% nguồn tạng để ghép cho bệnh nhân là lấy từ người chết não. Trong khi đó, những năm qua, mới chỉ có vài chục trường hợp chết não ở Việt Nam hiến tạng. (An ninh Thủ đô trang 3)

Giá thuốc biến động nhẹ

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong tháng 8 năm nay, giá các mặt hàng thuốc nội và ngoại trên thị trường tương đối ổn định, nguồn cung đáp ứng đủ nhu cầu phòng và chữa bệnh của nhân dân.

Một số mặt hàng thuốc có giá biến động nhẹ phụ thuộc vào giá nhập khẩu thuốc và giá nhập khẩu nguyên phụ liệu sản xuất thuốc.

 Dự báo trong tháng 9 này, giá một số mặt hàng thuốc trên thị trường có thể biến động bởi theo thông tin về giá thuốc kê khai lại tại Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, hiện đã có 51 lượt mặt hàng thuốc nhập khẩu và 606 lượt mặt hàng thuốc trong nước kê khai tăng giá (chiếm khoảng 2,5%) trong tổng số 25.000 mặt hàng thuốc đang lưu hành trên thị trường. Hiện Bộ Y tế và các Sở Y tế đang tăng cường kiểm tra giá thuốc kê khai.  (An ninh Thủ đô trang 3)

 Thu bảo hiểm 6 tháng 1 lần

Bộ Giáo dục & Đào tạo vừa có văn bản gửi các sở Giáo dục & Đào tạo, các trường học về việc thực hiện thu bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên năm học 2015 -2016.

Năm học 2015 - 2016 là năm đầu tiên Bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh, sinh viên thực hiện theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, với một số điểm mới.

Trong đó có quy định từ năm học này, mỗi năm học sinh, sinh viên từ bậc tiểu học đến bậc đại học phải đóng 434.700 đồng phí BHYT. Tuy nhiên, thẻ BHYT của học sinh, sinh viên năm 2014-2015 có thời hạn đến ngày 30/9/2015, nên các trường đều thông báo mức đóng BHYT mới 15 tháng (kể từ ngày 1/10/2015 đến ngày 31/12/2016).  

Như vậy, số tiền học sinh, sinh viên phải đóng là 543.375 đồng.

Việc phải đóng phí bảo hiểm cao vào đầu năm học đã khiến nhiều bậc phụ huynh bức xúc.

Trước tình trạng này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa đã có công văn gửi Bộ Y tế và Bộ Tài chính về việc giãn thời gian thu phí BHYT.

Bộ Giáo dục & Đào tạo đề nghị thời gian thu BHYT đối với các cơ sở giáo dục vào khoảng đầu tháng 12 của năm dương lịch và thu 6 tháng một lần, tránh thu tập trung vào đầu năm học.

Đồng thời Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng ban hành văn bản hướng dẫn các trường thu phí BHYT trong năm học mới.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa, hiện một số trường đã yêu cầu học sinh, sinh viên phải đóng 15 tháng một lần vào thời điểm đầu năm học, gây khó khăn cho các em và gia đình người học khi phải đóng cùng thời điểm nhiều khoản thu, gây bức xúc trong dư luận.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo, BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc đối với toàn dân, bao gồm học sinh, sinh viên.

Để đạt được mục tiêu 100% học sinh, sinh viên tham gia, Bộ Giáo dục & Đào tạo yêu cầu các cơ sở phối hợp chặt chẽ với cơ quan bảo hiểm xã hội của địa phương hướng dẫn học sinh, sinh viên tham gia và cấp thẻ BHYT theo đúng quy định.

Ngoài ra, để đảm bảo việc đóng BHYT không nặng gánh với các học sinh, sinh viên vùng khó khăn, bộ cũng đề nghị các sở Giáo dục & Đào tạo tham mưu đề xuất với UBND các cấp có mức hỗ trợ BHYT đối với học sinh, sinh viên từ ngân sách của địa phương. (An ninh Thủ đô trang 6)

Chú trọng giảng dạy bằng phương tiện hiện đại, phát huy sáng tạo của người học

Sáng 13-9, Học viện Quân y tổ chức khai giảng năm học mới 2015-2016.

Phát biểu tại Lễ khai giảng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh, để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời gian tới, Học viện Quân y cần đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp giảng dạy, đặc biệt chú trọng hơn đến việc giảng dạy bằng mô hình, phương tiện hiện đại nhằm phát huy tối đa sức sáng tạo, tìm tòi của người học. Cùng với đó, Học viện Quân y cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học để tăng cường ứng dụng trong các bệnh viện, phục vụ công tác khám bệnh, cấp cứu và điều trị, dự phòng cho người bệnh.

Học viện Quân y hiện là một trong những trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và điều trị lớn của quân đội và của cả nước; một trong 17 trường đại học trên cả nước xây dựng thành trường trọng điểm quốc gia. Nhà trường luôn dẫn đầu về việc thu hút sinh viên trong nước cũng như học viên quốc tế đến từ Lào, Campuchia, Myanmar, Liên bang Đức…
Trong những năm qua, Học viện Quân y đã cung cấp cho quân đội và đất nước một đội ngũ trí thức cao về y - dược học. Học viện có nhiều công trình nghiên cứu khoa học mang tính tiên phong, có giá trị khoa học và thực tiễn cao như: Ghép gan, ghép thận, ghép tim, ghép đa tạng (tụy - thận) đầu tiên ở Việt Nam…
Từ khi thành lập đến nay, nhà trường đã có gần 90.000 cán bộ, nhân viên y tế tốt nghiệp, trong đó có hơn 800 tiến sĩ, hơn 8.000 thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ nội trú, hơn 25.000 bác sĩ đa khoa, dược sĩ đại học và trên 55.000 nhân viên y - dược… (Hà Nội mới trang 1)

Chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết

Dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang xảy ra tại 50 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tính từ đầu năm 2015 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 29.000 trường hợp mắc bệnh và 18 trường hợp tử vong.

Dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang xảy ra tại 50 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tính từ đầu năm 2015 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 29.000 trường hợp mắc bệnh và 18 trường hợp tử vong. Có sự trùng hợp khi năm nay được xem đúng vào năm “chu kỳ” của dịch bệnh này. Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành phối hợp chuẩn bị phương án chống dịch SXH, hạn chế thấp nhất số người tử vong. Bộ Y tế cũng đã triển khai các phương án phòng chống, ứng phó kịp thời nếu dịch bệnh bùng phát.

Cần phát hiện triệu chứng để điều trị sớm

Ghi nhận của phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống tại Khoa Các bệnh Nhiệt đới của Bệnh viện (BV) đa khoa Hà Đông, nơi điều trị nhiều bệnh nhân SXH trên địa bàn thành phố cho thấy, 1/2 số bệnh nhân đang điều trị tại khoa do mắc SXH. Th.BS. Nguyễn Thị Thanh Bình - Phó khoa Các bệnh Nhiệt đới (BV đa khoa Hà Đông) cho biết, trong 3 ngày cuối tuần vừa qua, BV đã tiếp nhận hơn 20 bệnh nhân.

Nhóm đối tượng mắc SXH rất đa dạng, từ trẻ nhỏ, thanh niên cho đến người già. Một điều đáng lưu ý là đa số các bệnh nhân nhập viện đều ở trong tình trạng bệnh đã nặng do tự điều trị ở nhà, thậm chí có trường hợp đã có biến chứng nguy hiểm do xuất huyết dạ dày, gan, não...

BS. Bình nhấn mạnh, nếu có những hiện tượng sau thì cần tới ngay các trung tâm y tế để khám và điều trị: sốt cao đột ngột liên tục 39-40oC, kéo dài 2-7 ngày, khó hạ sốt; đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu; có thể phát ban, nổi hạch; dấu hiệu xuất huyết: chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn ra máu, đại tiện phân đen (do bị xuất huyết nội tạng), nữ giới có thể có hiện tượng rong kinh, rong huyết; đau bụng vùng gan, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp). Đặc biệt, BS. Bình lưu ý không được uống các loại thuốc hạ sốt gây giảm tiểu cầu như aspirin... mà nên uống các dung dịch điện giải như oresol ngay lập tức để phòng nguy cơ choáng do SXH. Những người có bệnh mạn tính như tim mạch, hen phế quản, các bệnh về dạ dày, xơ gan... cần phải đến cơ sở y tế để xét nghiệm, chẩn đoán.

BV Đống Đa cũng là một trong những BV có bệnh nhân SXH nhập viện đông. Từ ngày 1/9 tới nay, đã có hơn 20 ca nhập viện vì SXH.

Tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nhiều bệnh nhân SXH đã được tiếp nhận điều trị nội trú. Theo BS. Nguyễn Kim Thư, Phó trưởng Khoa Virut - Ký sinh trùng, từ 3 tuần qua, mỗi ngày khoa này tiếp nhận 10-20 bệnh nhân SXH. Bệnh nhân SXH chủ yếu là người lớn, trong đó có nhiều thanh niên. Trong 10 ngày đầu tháng 9, số bệnh nhân nhập viện do SXH tăng gấp đôi so với cả tháng trước đó.

SXH đang diễn biến phức tạp

Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1632/CĐ-TTg ngày 11/9 nêu rõ: Tình hình dịch bệnh SXH đang diễn biến phức tạp. Mặc dù, năm 2014 là năm có số người mắc bệnh SXH thấp nhất trong 10 năm gần đây. Tuy nhiên, theo chu kỳ 5 năm, 10 năm, bệnh SXH có thể tăng vào cuối mỗi chu kỳ. So với cùng kỳ năm 2014, năm 2015 số người mắc SXH có xu hướng gia tăng. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu: UBND các tỉnh, thành phố; Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính triển khai các giải pháp cụ thể để đảm bảo công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả cao nhất.

Ngày 11/9, Bộ Y tế cũng đã có cuộc họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống dịch bệnh. Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết, năm nay SXH đến sớm hơn và kéo dài hơn năm 2014. Tại Việt Nam, số mắc SXH trung bình hằng năm dao động từ 50.000-100.000 trường hợp.

Một điều đáng lưu ý rằng, bệnh không lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc mà phải qua vật chủ trung gian là muỗi vằn. Vì vậy, trong một gia đình mà có nhiều người bị SXH là do cùng bị những con muỗi mang virut đốt và truyền bệnh. Muỗi vằn truyền bệnh SXH chỉ cư trú ở những nơi nước trong để lâu ngày chứ không phải ở cống rãnh, ao tù, nước bẩn như nhiều người lầm tưởng. Vì vậy, ngay trong nhà của chúng ta, những nơi không ngờ nhất như bể nước cá cảnh, bình cắm lọ hoa lưu nước, hòn non bộ, nước để lọ hoa trên ban thờ, nước mưa đọng tại những mảnh vỡ dọc xóm ngõ hoặc sân thượng... là nơi sinh sôi, cư trú của muỗi vằn. Mỗi ngày, chỉ cần 5 phút để đổ bỏ, vệ sinh những dụng cụ chứa nước sạch sẽ xóa sổ được nơi cư trú của muỗi vằn. (Sức khỏe & Đời sống trang 1)

 Cứu sống bé trai 6 kg bị giãn cơ tim nặng

Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư cho biết đã cứu sống một bé trai 6 tháng tuổi (cân nặng 6 kg) nhờ ứng dụng kỹ thuật triệt đốt đường dẫn truyền xung điện trong tim bất thường (còn gọi là đường phụ) bằng năng lượng sóng cao tần. Đây là trường hợp bệnh nhi nhỏ nhất Việt Nam được điều trị thành công bằng phương pháp này.

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Hải, Khoa Tim mạch BV, bệnh nhi sinh ra và phát triển bình thường, ngoại trừ một u máu nhỏ ở trán trái. Đến 5 tháng tuổi, trẻ bắt đầu có những biểu hiện bất thường như: thở nhanh, bú kém hay quấy khóc, da tái và tụt cân nhanh cùng với u máu ngày càng to. Gia đình đã đưa cháu đến BV Nhi T.Ư khám.

Tại đây, các bác sĩ phát hiện cháu bé bị bệnh cơ tim giãn, suy tim nặng và được các chuyên gia hội chẩn, lựa chọn kỹ thuật triệt đốt đường dẫn truyền xung điện trong tim.

Ngày 3.9, cháu bé được các bác sĩ dùng các kỹ thuật can thiệp kéo dài trong 2 giờ và không có một bất kỳ tai biến nào xảy ra. Sau đốt, sức khỏe bệnh nhân cải thiện rõ rệt, các triệu chứng suy tim biến mất. 4 ngày sau điều trị, kết quả siêu âm chẩn đoán cho thấy các chỉ số gần như trở về bình thường; điện tim không còn hình ảnh của sóng điện tim bất thường.  (Thanh niên trang 2)

Cùng chủ đề báo Tuổi trẻ trang 14 – “Chữa bệnh tim ở trẻ 6 tháng tuổi bằng sóng cao tần”; Báo Sức khỏe & Đời sống trang 1 – “Cứu sống bé 6 tháng tuổi bị nhịp tim nhanh nguy kịch”

Phẫu thuật thành công cho cô gái có đôi chân voi

Ngày 13/9, sau một ngày phẫu thuật bệnh nhân Trần Thị Mỹ Son, 20 tuổi ở thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế, người bị khối bướu đa sợi thần kinh khổng lồ ở đôi chân, đã ổn định sức khỏe.

Trước đó, GS người Mỹ McKay McKinnon đã cùng ê-kíp bác sĩ tại Bệnh viện FV dành gần 5 giờ phẫu thuật, cắt bỏ gốc rễ bó sợi thần kinh là nguyên nhân chính làm các khối bướu ở chân của Mỹ Son ngày càng phát triển to. Theo GS McKay McKinnon sau khi cắt bỏ các gốc rễ này, khối bướu sẽ không phát triển hoặc chậm phát triển lại. Dự kiến năm 2016, vị bác sĩ này sẽ quay lại để tiếp tục cắt bỏ các khối u khác ở hai chân và chỉnh hình chân, bàn chân cho Mỹ Son.

Mỹ Son được gọi là “cô gái chân voi” bởi ngay từ lúc chào đời, đôi chân ngày càng phình to, làm biến hình bàn chân và cả ngón chân khiến em không thể đi lại. Gia đình chạy chữa nhiều nơi nhưng các bệnh viện đều bó tay. Năm 10 tuổi, mặc cảm với bạn bè cùng những cơn đau nhức hành hạ, Mỹ Son đành bỏ dở việc học hành. Ngày 10/9/2015, BS McKinnon cùng bác sĩ Vincent Blondeau đã trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân Mỹ Son và quyết định sẽ phẫu thuật tìm đến gốc rễ những sợi thần kinh gây ra khối, cắt bỏ để ngăn chặn quá trình phát triển tiếp theo. (Tiền phong trang 6)

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang