Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 14/9/2016

  • |
T5g.org.vn - Một phụ nữ Việt Nam nhiễm virus Zika tại Nhật Bản; Xe cấp cứu lạc đường, sản phụ tử vong; Báo động bệnh Rubella và sốt xuất huyết Dengue…

Một phụ nữ Việt Nam nhiễm virus Zika tại Nhật Bản

Chiều nay, 13-9, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, hiện cơ quan này đang liên hệ với cơ quan đầu mối y tế của Nhật Bản để có thêm thông tin cụ thể về trường hợp một phụ nữ người Việt Nam vừa được phát hiện nhiễm virus Zika tại đất nước này.

Trước đó, ngày 12-9, giới chức y tế Nhật Bản xác nhận một người phụ nữ Việt Nam nhiễm virus Zika do muỗi truyền đã được phát hiện tại Tokyo. Đây là trường hợp ca nhiễm virus Zika đầu tiên được phát hiện tại Tokyo, kể từ khi Chính phủ Nhật Bản nâng mức cảnh báo virus Zika lên mức 4 vào tháng 2-2016.

Ngoài việc đề nghị cung cấp thông tin cụ thể về trường hợp một phụ nữ Việt Nam nhiễm Zika nói trên, Cục Y tế dự phòng cũng đề nghị ngành y tế Nhật Bản cung cấp thông tin về địa chỉ nơi ở tại Việt Nam của người phụ nữ này nhằm có biện pháp giám sát, phòng dịch. Đồng thời ngay trong ngày 13-9, Cục Y tế dự phòng tiếp tục đưa khuyến cáo mạnh mẽ đến người dân về các biện pháp phòng chống dịch bệnh do virus Zika.

Theo thông tin ban đầu từ Bộ Y tế Nhật Bản cho biết, trường hợp người Việt Nam nhiễm virus Zika vừa được phát hiện tại Nhật Bản là một phụ nữ 40 tuổi. Người này đã bị muỗi đốt tại Việt Nam, sau đó trải qua một cơn đau đầu và phát ban trên cơ thể trước khi đến Nhật Bản vào ngày 8-9.

Người này đến khám tại một bệnh viện ở Tokyo vào ngày 9-9, sau khi cơ thể xuất hiện một số triệu chứng khác như đau tại các khớp và mắt đỏ. Bệnh viện sau đó xác nhận cô bị nhiễm virus Zika vào ngày 11-9 và nhanh chóng điều trị cho người phụ nữ.

Được biết, ca nhiễm virus Zika này là trường hợp nhiễm Zika thứ 11 được phát hiện tại Nhật Bản kể từ ca nhiễm đầu tiên vào năm 2013. Tuy nhiên cho đến nay, không ai trong số những người nhiễm virus Zika là công dân Nhật Bản, tất cả đều là người nước ngoài đến Nhật Bản để học tập, làm việc hay du lịch.(  An ninh thủ đô trang 2)

Xe cấp cứu lạc đường, sản phụ tử vong

Trước cái chết của chị Thanh, nhiều người cho rằng do xe cấp cứu đến quá muộn (quãng đường gần 10km mà đi hết gần 1 tiếng). Trước thông tin này, tài xế điều khiển chiếc xe cấp cứu đã chia sẻ do trời tối, mưa to nên anh đã bị lạc đường

Như thông tin đã đưa, vào tối ngày 12-9, chị Nguyễn Thị Thanh (32 tuổi) trú ở xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc mang thai 39 tuần có dấu hiệu trở dạ nên được người nhà đưa vào trạm y tế xã chờ sinh con. Đến 23h30 phút, chị Thanh lên bàn đẻ.

Khoảng 30phút sau, chị Thanh sinh thường một bé trai nặng hơn 4kg. Sinh con được 40 phút thì chị Thanh có dấu hiệu mệt, chảy máu. Sợ sản phụ bị băng huyết, bác sỹ trực đã truyền nước và gọi xe cấp cứu.

Thế nhưng, gần 1 tiếng sau, xe cấp cứu mới đến nơi thì chị Thanh đã lịm đi và tử vong sau đó. Trước cái chết của chị Thanh, nhiều người cho rằng nếu xe cấp cứu đến sớm thì có thể cứu được người mẹ này.

Ngày 13-9, anh Hồ Ngọc Đông (30 tuổi), tài xế lái xe cứu thương thuộc Đội vận chuyển cấp cứu 115 Nghệ An cho biết, sau khi nhận được lệnh thì vào lúc 1h57’ rạng sáng 12-9 thì anh và một nhân viên y tế tên là Nguyễn Trung Kiên (26 tuổi) nhanh chóng xuất phát.

Sau khi xuất phát, do đêm khuya, trời lại mưa nên anh Đông loay hoay tìm đường vào xã Phúc Thọ mãi mà không thấy. Phải đến 2h34’ sáng, tức là mất gần 40 phút cho quãng đường 10km xe của anh Đông mới vào đến trạm xá.

Anh Đông cùng điều dưỡng tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng tím tái và ngất lịm. Khi đưa bệnh nhân lên xe, anh Đông cho xe chạy nhanh nhất có thể nhưng vẫn không kịp, chị Thanh đã tử vong từ trước.

“Nhận tin báo, tôi biết đây là ca nguy cấp nên đi ngay không chần chừ. Tuy nhiên, do trời mưa, tối, đường vào xã lại không có bảng chỉ dẫn nên chúng tôi bị lạc đường. Loay hoay mãi mới vào đến nơi, đúng là tôi có đến muộn hơn so với bình thường khoảng 10 phút”, anh Đông trần tình.

Ông Phạm Văn Long-Phó giám đốc Bệnh viện 115 Nghệ An - đơn vị quản lý đội xe cấp cứu 115 Nghệ An cũng thừa nhận là có chậm hơn so với thực tế. Nhưng cũng như tài xế Đông, vị này cho rằng do thời tiết mưa to, trời tối nên việc lạc đường cũng có thể xảy ra.

Trong khi đó, lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An cho biết, cơ quan này đã yêu cầu Trung tâm y tế huyện Nghi Lộc và Bệnh viện Sản nhi Nghệ An báo cáo sự việc để điều tra, đưa ra kết luận cuối cùng. Còn việc xe cấp cứu đi lạc đường dẫn đến chậm cấp cứu thì không thể xử lý được mà chỉ rút kinh nghiệm.

Được biết, anh Đông có gần chục năm lái xe và hơn 2 năm lái xe cấp cứu cho bệnh viện 115 Nghệ An. Sáng ngày 13-9, gia đình đã tổ chức tang lễ cho nạn nhân theo các phong tục địa phương.( An ninh thủ đô trang 9)

Báo động bệnh Rubella và sốt xuất huyết Dengue

Ngày 13/9, Sở Y tế tỉnh Trà Vinh cho biết, trong những ngày gần đây tại Cty TNHH YAZAKI EDS (KCN Long Đức, TP Trà Vinh) xuất hiện trên 120 ca bệnh Rubella; nâng tổng...

TP - Ngày 13/9, Sở Y Tế tỉnh Trà Vinh cho biết, trong những ngày gần đây tại Cty TNHH YAZAKI EDS (KCN Long Đức, TP Trà Vinh) xuất hiện trên 120 ca bệnh Rubella; nâng tổng số bệnh lên trên 140 ca (tăng 120 ca so với tuần trước).

Trước tình hình đó, ngành y tế đã lấy 110 mẫu bệnh phẩm để gởi xét nghiệm, tổ chức tiêm vắc xin M-M-R II cho hơn 2.400 lượt công nhân tại Cty TNHH YAZAKI EDS. Đồng thời, giám sát và cách ly công nhân mắc mới, thực hiện các biện pháp phòng hộ cá nhân; cấp 70kg Cloramin B và 216 viên xà phòng cho công ty và hướng dẫn cách diệt khuẩn nhằm khống chế dịch bệnh lây lan diện rộng.

Bên cạnh đó, trong tuần ngành y tế Trà Vinh phát hiện 42 ca mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue, tăng 14 ca so với tuần trước. Tính từ đầu năm đến nay toàn tỉnh phát hiện 684 ca (trong đó 1 ca tử vong), tăng gần 10 lần so với cùng kỳ 2015.( Tiền phong trang 2)

Quân y về bản, “cái bệnh phải thua”

Mỗi năm một lần, cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện Quân y 91 (Cục Hậu cần, Quân khu 1) lại “hành quân về nguồn” thực hiện đợt công tác đặc biệt: Khám bệnh, cấp thuốc điều trị miễn phí và tặng quà cho các đối tượng chính sách, đồng bào các dân tộc ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa.

Chúng tôi cùng đoàn cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện Quân y 91 (Cục Hậu cần, Quân khu 1) vừa thực hiện quãng đường gần 300 km từ thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên) đến xã Đại Sơn (huyện Phục Hòa, Cao Bằng). Đường khó đi, đoàn xe phải liên tục gồng mình băng qua những hốc đá và “ổ voi” trên con đường nhỏ xuyên qua cánh đồng bạt ngàn màu xanh của mía, những nếp nhà sàn hai bên đường tạo nên bức tranh sống động nơi vùng biên ải.

Từ rất sớm, cán bộ và nhân dân trong xã đã có mặt đông đủ tại nhà văn hóa để đón đoàn công tác. Khi xe vừa dừng lại, Bí thư Đảng ủy xã Triệu Thị Thiều và cán bộ các ban ngành đoàn thể địa phương “tay bắt mặt mừng” ra đón đoàn. Bí thư Thiều hồ hởi thông tin: “Đây là lần đầu tiên xã nhà được đón bác sĩ về bản để khám bệnh, cấp thuốc miễn phí và tặng quà, lại gặp đúng ngày trời nắng như đổ lửa, các anh vất vả nhiều quá, bà con nhân dân chúng tôi cảm động lắm”. Đại tá, bác sĩ Nguyễn Văn Tự - Trưởng đoàn công tác lau nhanh dòng mồ hôi trên mặt, bắt tay thân thiện từng người, tươi cười bảo: “Chúng tôi xác định về đây là về cội nguồn, về nhà người thân, bà con đông vui đón đoàn như thế này làm chúng tôi quên hết cả mệt mỏi”.

Trong thời gian 3 ngày, cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện Quân y 91 tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí với 366 lượt cho nhân dân. Ngoài ra còn tư vấn các biện pháp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe. Một số người dân mắc bệnh mãn tính, bệnh nặng được tư vấn đến các cơ sở y tế để điều trị kịp thời. Tại phòng khám nội khoa, ông  Nông Văn Tiếp được bác sĩ Hoàng Văn Chay ân cần hỏi: “Hiện ông thấy trong người thế nào? Có đau ở đâu không?”. Ông Tiếp nói: “Tôi thấy mệt mỏi, thỉnh thoảng ho và khó thở lắm”. Bác sĩ Chay sau khi thăm khám đã giải thích: “Mạch, nhiệt độ, huyết áp và nhịp tim của ông bình thường. Khó thở là do bệnh viêm phế quản”. Bác sĩ Chay kê đơn thuốc và tư vấn cho ông Tiếp cần nghỉ ngơi, dùng thuốc điều trị đúng liều mới ổn định.

Đến phòng khám mắt, chúng tôi thấy y sĩ chuyên khoa Nguyễn Thị Thu Ngân sau khi khám cho bà Hứa Thị Thu kết luận: “Bà bị viêm kết mạc 2 bên mắt”. Chị kê đơn thuốc và tư vấn cho bà cách bảo vệ, giữ vệ sinh mắt, căn dặn sau khi sử dụng hết đợt điều trị thuốc, hãy đến trạm y tế xã để được khám lại.

Đoàn tổ chức trao tặng các trang thiết bị y tế cho trạm y tế xã Đại Sơn, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Đại tá Nguyễn Văn Tự - Phó giám đốc Bệnh viện Quân y 91 tặng 100 suất quà tri ân (trị giá 400.0000 đồng/1 suất) cho các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng tại xã Đại Sơn.

Đây là việc làm thiết thực thể hiện truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Ông Hoàng Thanh Núng, 61 tuổi, xóm Bản Chu thay mặt cho 100 hộ được nhận quà xúc động nói: “Các bác sĩ Bệnh viện Quân y 91 về đây không chỉ khám cái bệnh, cấp thuốc miễn phí mà còn tặng quà cho chúng tôi nữa. Cảm động lắm, hành động này làm cho dân bản càng thêm tin yêu vào Đảng, vào Bộ đội Cụ Hồ. Bác sĩ về bản cái bệnh phải thua mà”.

Không chỉ làm công việc chuyên môn khám bệnh cho nhân dân, Đoàn còn kết hợp với chính quyền xã tổ chức đêm liên hoan văn nghệ thắm tình quân dân với những lời ca, tiếng hát, điệu khèn, làn điệu đàn tính… mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Bắc; ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại và tình yêu quê hương đất nước được các “nghệ sĩ không chuyên” của đơn vị và địa phương biểu diễn. Bác Lăng Văn Tướng - Phó chủ tịch UBND xã chia sẻ với chúng tôi về đêm văn nghệ: “Rất lâu rồi mới lại có đêm giao lưu văn nghệ quy mô hoành tráng, bổ ích và ý nghĩa. Nhiều tiết mục chuẩn bị công phu, biểu diễn hay như văn công chuyên nghiệp, bà con rất phấn khởi”.

Sự tận tâm, ân cần, tận tụy của cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện Quân y 91 khi thăm khám, tiếp xúc với nhân dân khiến đồng bào ai cũng cảm động, tin tưởng vào khoa học, quyết tâm đẩy lùi bệnh tật. Qua đó ngày càng củng cố tăng cường tình cảm gắn bó mật thiết quân dân, quyết tâm đẩy lùi đói nghèo, bệnh tật, đem lại cuộc sống mới cho nhân dân nơi vùng đất biên cương của Tổ quốc.

“Các bác sĩ Bệnh viện Quân y 91 về đây không chỉ khám cái bệnh, cấp thuốc miễn phí mà còn tặng quà cho chúng tôi nữa. Cảm động lắm, hành động này làm cho dân bản càng thêm tin yêu vào Đảng, vào Bộ đội Cụ Hồ. Bác sỹ về bản cái bệnh phải thua mà”.

Ông Hoàng Thanh Núng

( Tiền phong trang 7)

Phát động chương trình “ Mười triệu bàn tay sạch”

Ngày 13/9, tại Hưng Yên, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức phát động chương trình “Mười triệu bàn tay sạch” có thông điệp “Giữ đôi bàn tay sạch vì thế hệ tương lai”, với sự tham gia của hơn 1.000 đoàn viên, thanh niên và học sinh.

Theo nghiên cứu của Bộ Y tế, việc giữ gìn vệ sinh, đặc biệt là rửa tay bằng xà phòng có tác dụng to lớn trong việc phòng bệnh. Rửa tay bằng xà phòng không chỉ giúp cho trẻ em mà còn cho cả người lớn phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, rửa ta với xà phòng giúp phòng chống các bệnh chân, tay, miệng, cúm, viêm đường hô hấp, đau mắt đỏ, tiêu chảy và nhiều bệnh truyền nhiễm khác; có thể giảm đến 10% tỷ lệ suy sinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi nếu người mẹ thường xuyên rửa tay với xà phòng… Tại chương trình, ban tổ chức đã tặng Trường Tiểu học An Tảo (Hưng Yên) 10 thùng đựng rác.( Tiền phong trang 7)

Nhiều sai phạm tại Bệnh viện Tâm thần Nghệ An

Kết luận số 39KL-TTr của Thanh tra tỉnh Nghệ An nêu rõ: Một số nguồn thu viện phí nhưng Bệnh viện hạch toán vào nguồn thu khác với số tiền hơn 824 triệu đồng là không phù hợp với quy định tại Thông tư 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002.

Đặc biệt, khi thu tiền viện phí đối với dịch vụ điện não đồ với mức thu cao hơn mức giá quy định tại Quyết định số 72/2012 ngày 3/10/2012 của UBND tỉnh Nghệ An. Tổng số tiền chênh lệch cao hơn mức giá quy định là 10.620.000 đồng. Đoàn thanh tra đã truy thu đối với một số dịch vụ khác số tiền hơn 23 triệu đồng.

Ngày 11/8/2014, tỉnh Nghệ An có quyết định phê duyệt điều chỉnh Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp và mở rộng Bệnh viện Tâm thần Nghệ An với tổng mức đầu tư hơn 43,7 tỉ đồng. Qua kiểm tra hồ sơ Dự án, đoàn đã phát hiện một số tồn tại: Hồ sơ thiết kế thi công cải tạo nhà bệnh nhân nam, nữ cấp tính thiếu bản vẽ chi tiết làm ảnh hưởng đến công tác kiểm tra; về công tác giám sát thi công (do Ban QLDA xây dựng dân dụng và kỹ thuật hạ tầng đô thị Nghệ An thực hiện) còn thiếu chặt chẽ, một số hạng mục không thực hiện hoặc thực hiện không đúng với thiết kế được duyệt nhưng vẫn được nghiệm thu thanh toán…

Khi thanh tra 2 gói thầu xây lắp với giá trị được kiểm tra hơn 36,5 tỉ đồng, Thanh tra tỉnh này phát hiện giá trị phê duyệt quyết toán cao hơn so với thực tế thi công, phải thu hồi với số tiền hơn 346,4 triệu đồng. Đoàn thanh tra đã yêu cầu Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Nghệ An thu hồi nộp vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra tỉnh số tiền 387.366.137 đồng.

Về phía Bệnh viện Tâm thần Nghệ An, bác sĩ Phan Kim Thìn nói: “Muốn biết rõ lý do thì sang thanh tra tỉnh mà hỏi, Bệnh viện này không có trách nhiệm phải trả lời báo chí”. Được biết, Bệnh viện Tâm thần Nghệ An thành lập từ ngày 11/7/1974, được công nhận là bệnh viện hạng 2 từ tháng 1/2014.( Tiền phong trang 10)

Hậu Giang: Chưa có kết luận vụ 3 mẹ con sản phụ chết

Ngày 13/9, ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Sở Y tế Hậu Giang cho biết, ông cùng đoàn công tác của Sở Y tế tới bệnh viện Đa khoa số 10 để tìm hiểu thông tin về vụ 3 mẹ con sản phụ quê ở Hậu Giang tử vong khi điều trị ở đây.

Theo ông Tùng, tại buổi làm việc hôm nay đoàn công tác của Sở Y tế Hậu Giang yêu cầu bác sĩ bệnh viện Đa khoa số 10 (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) báo cáo vụ việc, cung cấp bệnh án có liên quan đến vụ việc kể trên. Sau đó, Sở Y tế sẽ thành lập hội đồng chuyên môn, xem xét đánh giá kết luận.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Phúc, Phó giám đốc Sở Y tế Hậu Giang cho biết, trước mắt, Sở này đã chỉ đạo Ban giám đốc bệnh viện Đa khoa số 10 đến nhà thăm hỏi, động viên người nhà bệnh nhân tử vong.

"Hiện tại, vụ việc đang trong quá trình xác minh, làm rõ nên chưa thể công bố. Vài hôm nữa, khi có kết luận, chúng tôi sẽ thông tin chính thức cho báo chí biết", ông Phúc nói.

Trước đó vào sáng 31/8, bà Trúc nhập viện điều trị tại bệnh viện Đa khoa Số 10 trong tình trạng sức khỏe yếu, chân tay phù nề.

Khi sản phụ này nhập viện, bác sỹ cho biết, thai nhi khỏe nên chuyển sang phòng sanh theo dõi. Đến ngày 5/9, do bà Trúc xuất huyết nhiều. Sau đó, bệnh viện chuyển sản phụ này lên bệnh viện Phụ sản Cần Thơ trong tình trạng nguy kịch, thai chết, suy gan, rối loạn đông máu.

Tại đây, bác sỹ mổ lấy thai và cắt bỏ tử cung để cứu mẹ. Đến cuối giờ chiều, bà Trúc được chuyển tiếp sang bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ cấp cứu nhưng không qua khỏi.

Ông Nguyễn Hữu Tùng (40 tuổi ở ấp Hòa Long B, thị trấn Kinh Cùng, Phụng Hiệp, Hậu Giang) - chồng của sản phụ tử vong Nguyễn Thị Trúc, đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng đề nghị làm rõ "sự tắc trách" của bệnh viện Đa khoa số 10 khiến vợ ông tử vong, song thai 9 tháng tuổi tử vong.( Tiền phong trang 11, Sài Gòn giải phóng trang 7)

Yêu cầu báo cáo vụ trẻ sơ sinh tử vong tại Đắk Lắk

Đến tối 13-9, ban giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk đã kết thúc cuộc họp đánh giá quá trình tiếp nhận, hội chẩn, cấp cứu trẻ sơ sinh con của sản phụ Nguyễn Thị Gấm (28 tuổi, Ea Đrăng, huyện Ea H’Leo, Đắk Lắk).

Trong ngày 14-9, Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk sẽ có báo cáo chính thức về vụ việc. Bộ Y tế cũng đã yêu cầu Sở Y tế Đắk Lắk thành lập hội đồng y khoa làm rõ các thông tin để trả lời thỏa đáng cho người nhà trong vụ việc trên.

Anh Lê Văn Diệm (28 tuổi) - chồng chị Gấm - cho biết ngày 18-8 vợ anh chuyển dạ và được đưa lên Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk. Tại đây, sau chẩn đoán được biết thai nhi nặng 3,8kg, sức khỏe bình thường, các bác sĩ yêu cầu gia đình chờ.

Anh Diệm nói khi thấy chị Gấm kêu đau, người nhà nhiều lần đề nghị được mổ sớm nhưng không được giải quyết. Tới trưa 19-8, khi cháu bé trong bụng chị Gấm được lấy ra thì sức khỏe yếu, có dấu hiệu tím tái, khó thở. Gia đình yêu cầu các bác sĩ khẩn trương cứu chữa, đồng thời làm thủ tục cho chuyển xuống Bệnh viện Nhi Đồng 2.

“Chúng tôi đòi chuyển nhưng các bác sĩ nói phía Bệnh viện Nhi Đồng 2 hết máy thở nên không thể tiếp nhận. Gia đình muốn chuyển thì viết giấy cam đoan chịu trách nhiệm. Tới tối 21-8, chúng tôi mới đưa được cháu về bệnh viện nhi đồng. Lúc này cháu đã rất yếu” - người nhà của chị Gấm nói.

Sau khi được đưa về Bệnh viện Nhi Đồng 2, dù được các bác sĩ cứu chữa nhưng lúc 13g30 ngày 23-8, cháu bé con chị Gấm đã tử vong. Kết luận về nguyên nhân dẫn đến tử vong của cháu bé, Bệnh viện Nhi Đồng 2 ghi: “Trẻ sơ sinh tử vong trong tình trạng viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết bệnh não thiếu oxy, thiếu máu cục bộ tổn thương đa cơ quan”.( Tuổi trẻ trang 5)

Sẽ cấm xà phòng diệt khuẩn nếu không an toàn

Ngày 13-9, Bộ Y tế đã yêu cầu các nhà sản xuất, nhập khẩu tại Việt Nam báo cáo các sản phẩm xà phòng diệt khuẩn có chứa 19 chất cấm trong danh sách mà Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đưa ra.

Bộ Y tế đã yêu cầu các nhà sản xuất, nhập khẩu tại Việt Nam rà soát lại thành phần các sản phẩm rửa tay diệt khuẩn để báo cáo về Bộ.

Theo đó, các chế phẩm này trước khi lưu hành tại Việt Nam phải thực hiện việc đăng ký lưu hành để thẩm định tính an toàn và hiệu lực của chế phẩm theo quy định của Chính phủ.

Trong quá trình lưu hành, nếu phát hiện chế phẩm không còn đảm bảo an toàn, hoặc có khuyến cáo từ các tổ chức quốc tế về hoạt chất không đảm bảo an toàn, Bộ Y tế sẽ xem xét rút số đăng ký lưu hành và chấm dứt việc lưu hành tại Việt Nam

Theo đó, các nhà sản xuất còn lộ trình một năm nữa để tuân thủ quy định bằng cách loại bỏ các sản phẩm này trên thị trường, hoặc tìm các công thức thay thế phù hợp, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Tại VN, qua khảo sát cho thấy có nhiều xà phòng dạng lỏng có chứa triclosan đang được lưu hành. Báo cáo của một doanh nghiệp sản xuất xà phòng lớn cũng cho biết họ có dùng triclosan nhưng đã thay thế bằng loạt chất khác từ năm 2014.( Tuổi trẻ trang 14, Thanh niên trang 2)

Bệnh nhân được đưa về từ đảo Trường Sa đã xuất viện

Ngày 13-9, đại tá TS.BS. Bùi Anh Tuấn, phó giám đốc Bệnh viện Quân y 175, TPHCM cho biết bệnh viện đã đồng ý cho bệnh nhân Phùng Bá Hưng (38 tuổi, quê Nghệ An) xuất viện để quay về đơn vị ở đảo Trường Sa tiếp tục công tác sau một tháng được cấp cứu và điều trị tại bệnh viện…( Tuổi trẻ trang 14)

Cả nước ghi nhận 20 trường hợp chết do sốt xuất huyết

Ngày 13-9, Bộ Y tế cho biết: Tính từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 65 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết tại 50 tỉnh, thành phố, trong đó có 20 trường hợp bị chết. So với cùng kỳ năm 2015, số người mắc tăng gấp hai lần. Đối với bệnh tay, chân, miệng cả nước ghi nhận hơn 24 nghìn trường hợp mắc, tại 62 tỉnh, thành phố không ghi nhận trường hợp chết do bệnh này…( Nhân dân trang 5)

Tặng quà bệnh nhi ung thư nhân dịp Tết Trung thu

Sáng 13-9, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tham dự chương trình “Trung thu cho em”, thăm, tặng quà cho các bệnh nhi đang điều trị tại Khoa Nhi, Bệnh viện K T.Ư cơ sở Tân Triều, Hà Nội.

Chương trình “Trung thu cho em” do Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng tổ chức, với mong muốn chung tay xoa dịu nỗi đau, khích lệ tinh thần chiến thắng bệnh tật và mang lại cho bệnh nhi một mùa Trung thu hạnh phúc.

Chương trình đã mang đến cho các bệnh nhi những phút giây ấm áp và ý nghĩa với các hoạt động vui chơi bổ ích. Các em nhỏ được hòa mình vào các trò chơi ngộ nghĩnh với các tiết mục văn nghệ, kịch và múa lân đặc sắc, hoạt động rước đèn, phá cỗ… phần nào đã xua tan những mệt nhọc, đau đớn của các em trong quá trình chiến đấu với bệnh tật hằng ngày.

Phát biểu ý kiến tại chương trình, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh mong muốn các em nhỏ phấn đấu vượt qua những nỗi đau bệnh tật để nhanh chóng khỏe mạnh về với gia đình.

Phó Chủ tịch nước cũng đề nghị Bộ Y tế, Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng tiếp tục có nhiều cách làm hay, thành công hơn nữa trong sự nghiệp phòng chống ung thư nói riêng và sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân nói riêng.

 

Tổng có 95 suất quà (mỗi suất gồm một túi quà và một triệu đồng tiền mặt) được Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và PGS TS Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng trao cho bệnh nhi đang điều trị tại Khoa Nhi.

Nhân dịp này, Phó Chủ tịch nước cũng trao tặng Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng 50 triệu đồng để góp phần hỗ trợ người bệnh ung thư.( Nhân dân trang 1, Thanh niên trang 2, Lao động trang 2, Gia đình & xã hội trang 2, Sức khỏe & đời sống trang 2)

Mua thuốc kém chất lượng cho bệnh nhân uống chỉ 'rút kinh nghiệm'

BV mua thuốc, dược liệu y học cổ truyền (sử dụng cho bệnh nhân) với giá cao gấp 1,5 lần, có loại chênh rất cao so với đầu vào thị trường.

Ngày 13.9, tin từ Sở Y tế TP.HCM cho biết Sở vừa tổ chức kiểm điểm đối với ban giám đốc, hội đồng đấu thầu thuốc, tổ chuyên gia đấu thầu thuốc, tổ thẩm định đấu thầu thuốc của Bệnh viện (BV) Y học cổ truyền TP về những sai phạm trong đấu thầu thuốc y học cổ truyền (Thanh Niên đã phản ánh).

Mặc dù theo kết luận của Thanh tra Sở Y tế, BV này mua thuốc, dược liệu y học cổ truyền (sử dụng cho bệnh nhân) với giá cao gấp 1,5 lần, có loại chênh rất cao so với đầu vào thị trường, có loại dược liệu kém chất lượng, tuy nhiên Sở Y tế chỉ phê bình, rút kinh nghiệm với Ban giám đốc BV và các cá nhân liên quan; yêu cầu BV nghiêm túc chấn chỉnh, khắc phục các thiếu sót và có biện pháp khắc phục.( Thanh niên trang 4)

Cấp 10 tỉ đồng nâng cấp Bệnh viện An Bình

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu vừa ký quyết định duyệt chủ trương đầu tư dự án nâng cấp, cải tạo Bệnh viện An Bình do Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình thuộc Sở Y tế làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư 10 tỷ đồng từ ngân sách thành phố.

Theo đó, dự án sẽ sửa chữa, cải tạo 2 phòng mổ, hệ thống khí y tế, các phòng liên quan, một số phòng lưu bệnh và khu khám bệnh, hạ tầng của Bệnh viện An Bình đạt chất lượng cao đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn thành phố và các tỉnh phía Nam…( Thanh niên trang 7)

Cứu sống nam thanh niên bị đâm thủng tim

Chiều 13-9, BS. Trần Anh Dũng – phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên – cho biết bệnh nhân La O Xuyên (19 tuổi, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) đã tỉnh táo, tiếp xúc tốt, thoát nguy kịch sau khi được phẫu thuật cấp cứu…

Trước đó Bệnh viện đã tiếp nhận anh Xuyên trong tình trạng nguy kịch tính mạng với vết thương bị vật nhọn đâm thấu tim. Ê kíp phẫu thuật do BS Phạm Hà Bắc làm trưởng kíp đã phẫu thuật ngay cho anh Xuyên. BS Bắc cho biết, bệnh nhân bị đâm ở xã miền núi Phú Mỡ cách TP Tuy Hòa 80km, đường nhiều đồi dốc, đi lại khó khăn, hơn nữa vật đâm đã được rút ra nên bệnh nhân mất nhiều máu trong lồng ngực. Thường thì tim bị thủng như thế mất máu như thế bệnh nhân sẽ tử vong rất nhanh. Nhưng điều kỳ diệu là anh Xuyên đã chịu đựng được quãng đường dài như vậy và nhiệm vụ của chúng tôi là phẫu thuật kịp thời, cứu sống được anh” – BS Bắc cho hay.( Tuổi trẻ trang 14)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang