Sẽ sớm có vaccine sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván miễn phí cho trẻ
Các đơn vị liên quan đang nỗ lực phối hợp để sớm hoàn tất các thủ tục nhằm cung ứng kịp thời vaccine sởi và vaccine DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván) trong chương trình tiêm chủng mở rộng miễn phí cho trẻ em.
Liên quan đến thông tin về thiếu vaccine sởi và vaccine DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván) trong chương trình tiêm chủng mở rộng miễn phí cho trẻ em, trao đổi với phóng viên Báo Sức khoẻ & Đời sống sáng 14/9, PGS.TS Dương Thị Hồng – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết tình trạng thiếu vaccine bắt đầu từ tháng 8.
Cụ thể, đây là hai vaccine trong nước, cung ứng theo đơn đặt hàng để các đơn vị sản xuất. Trong đó, vaccine sởi do Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (POLYVAC) sản xuất; vaccine DPT của Viện Vaccine và sinh phẩm y tế (IVAC) sản xuất.
Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, các nhà cung cấp này đều có sẵn vaccine trong kho song không thể tiến hành mua bán, cung ứng do vướng mắc các thủ tục theo quy định hiện hành.
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng đã báo cáo Bộ Y tế và đang nỗ lực phối hợp với Bộ Tài chính để sớm hoàn tất các thủ tục nhằm cung ứng kịp thời vaccine cho địa phương.
Trước đó, ngày 13/9, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết hiện Thành phố đang thiếu 2 loại vaccine sởi và vaccine DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván) trong chương trình tiêm chủng mở rộng miễn phí cho trẻ em. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3)
Cảnh báo những biến thể mới có thể làm cho dịch COVID-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại
Tổ chức Y tế thế giới đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch COVID-19 và cảnh báo về những biến thể mới của SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch COVID-19 trở nên phức tạp, gia tăng trở lại. Vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch nên phải tiếp tục đẩy mạnh tiêm vaccine COVID-19...
Sáng 13/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, chủ trì Phiên họp lần thứ 17 của Ban Chỉ đạo. Phiên họp được kết nối trực tuyến đến các điểm cầu 63 tỉnh, thành phố.
Đã ghi nhận các ca mắc COVID-19 nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74 trong cộng đồng
Theo báo cáo của của Ban Chỉ đạo do Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trình bày tại phiên họp cho biết, đến 11/9/2022, thế giới ghi nhận trên 613 triệu ca mắc COVID-19, trên 6,5 triệu trường hợp tử vong do COVID-19.
Biến thể Omicron đang chiếm ưu thế so với các biến thể khác; trong đó đã ghi nhận các biến thể phụ như BA.4, BA.5, mới nhất là các biến thể dòng phụ thế hệ thứ hai của biến thể Omicron như BA.2.74, BA.2.75, BA.2.76, các biến thể phụ có khả năng lây lan nhanh hơn so với biến thể gốc và có thể làm gia tăng số ca mắc trở lại.
Trong nước đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74 trong cộng đồng, nhất là biến thể phụ BA.5 đang tiến tới chiếm ưu thế trong số các ca mắc.
Trong 7 ngày qua (5/9-11/9/2022) cả nước ghi nhận trung bình khoảng 2.900 ca mắc mới mỗi ngày (ngày 7/9 ghi nhận 3.878 ca, cao nhất trong gần 4 tháng qua), số ca mắc đang có xu hướng gia tăng trở lại.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 liên tục có các chỉ đạo tăng cường thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống dịch COVID-19; ban hành các văn bản yêu cầu các ngành, các cấp, địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và yêu cầu thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch với mục tiêu kiểm soát dịch, không để bùng phát trở lại, đặc biệt tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19; đảm bảo thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế và nhân lực y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch và tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 38/NQ-CP của Chính phủ.
Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện các chỉ đạo của của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Tốc độ tiêm vaccine COVID-19 tại một số địa phương còn chậm
Tính đến hết ngày 11/9, Việt Nam đã triển khai tiêm được 258,7 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Tỉ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%. Tỉ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 77,0% và tỉ lệ tiêm mũi 3 người từ 12 đến dưới 18 tuổi là 55,2% (so với tổng dân số tỉ lệ này là 56%, cao gấp đôi tỉ lệ trung bình trên thế giới (28,0%)). Tỉ lệ tiêm mũi 4 là 77,0%.
Tỉ lệ tiêm mũi 1 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt 85,8%; tỉ lệ tiêm mũi 2 đạt 57,6%.
Trong tháng 8, cả nước tiêm được khoảng 11 triệu liều vaccine, trung bình mỗi ngày tiêm được 360.000 liều (ngày thấp nhất tiêm được gần 100.000 liều, ngày cao nhất tiêm được hơn 800.000 liều).
Tuy nhiên, cũng tại báo cáo này cho biết mặc dù người dân đã đi tiêm chủng nhiều hơn sau khi xuất hiện biến chủng của virus và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy đảng chính quyền cũng như đẩy mạnh công tác truyền thông, tuy nhiên tốc độ tiêm vaccine COVID-19 ở một số địa phương chưa đạt tiến độ; công tác vận động, khuyến khích người dân tham gia tiêm chủng chưa đạt như mong muốn.
Dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến khó lường
Ban Chỉ đạo dự báo, trong thời gian tới dịch bệnh còn diễn biến khó lường trên thế giới. Tổ chức Y tế thế giới đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch COVID-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại.
Vì vậy vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch nên phải tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng vaccine COVID-19.
Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng chống dịch COVID-19; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Tiếp tục tăng cường công tác thông tin, truyền thông về phòng, chống dịch bệnh; tuyên truyền nâng cao kiến thức người dân hướng đến thay đổi hành vi cá nhân có lợi cho sức khỏe để phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt tiếp tục đẩy mạnh thông tin về tác dụng, hiệu quả của vaccine trong ngăn ngừa bệnh nặng, tử vong, khuyến khích, vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch... (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3)
Thiếu thuốc hiếm, bệnh nhân dù nguy kịch vẫn phải... chờ!
Tình trạng thiếu một số thuốc giải độc thuộc danh mục thuốc hiếm là tình trạng diễn ra không phải lần đầu và không chỉ diễn ra tại một bệnh viện. Các bác sĩ trực tiếp cứu chữa người bệnh chỉ biết thở dài, lắc đầu vì tình trạng này đã nhiều lần xảy ra mà chưa có giải pháp để xử lý.
Bệnh nhân nguy kịch nằm chờ thuốc
Tháng 8.2022, hàng loạt bệnh viện nơi có các trung tâm can thiệp tim mạch hàng đầu Việt Nam đều gặp phải tình trạng thiếu thuốc Protamin sulfat (thuốc cầm máu và chống đông tiêu sợi huyết-PV) dùng trong phẫu thuật tim mạch. Lý do chính của việc này là do Protamin sulfat là thuốc chuyên khoa, chỉ sử dụng trong quy trình phẫu thuật tim - lồng ngực với nhu cầu không nhiều. Vì vậy, nhà sản xuất thường chỉ sản xuất sau khi có đơn đặt hàng từ các cơ sở khác.
Trong khi đó, các cơ sở nhập khẩu của Việt Nam sau khi nhận được dự trù từ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu mới đặt hàng với nhà cung cấp thuốc nước ngoài. Do đó, trường hợp không chủ động, kịp thời đặt hàng từ các cơ sở khám chữa bệnh với các cơ sở nhập khẩu thuốc và từ cơ sở nhập khẩu thuốc với các nhà cung cấp thuốc nước ngoài thì có thể dẫn đến việc có khoảng thời gian thiếu thuốc tạm thời khi cơ sở nhập khẩu của Việt Nam đặt hàng nhưng các nhà cung cấp thuốc nước ngoài không còn đủ hàng dự trữ để cung ứng theo yêu cầu cho thị trường Việt Nam; đồng thời, nếu để chờ sản xuất thêm thì cũng mất thời gian khá dài (khoảng vài tháng).
Tiếp đó, mới đây, nhiều bệnh nhân bị ngộ độc nặng cũng phải đối mặt nguy hiểm khi trung tâm đầu ngành về điều trị ngộ độc đang thiếu nhiều loại thuốc giải độc, kể cả những thuốc cơ bản nhất. Chia sẻ với phóng viên, TS-BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết: Đơn cử như một bệnh nhân người Lào, tổn thương não do ngộ độc thủy ngân rất nặng. Thế nhưng, đau đớn thay, loại thuốc giải độc đơn giản chúng ta đang có không thể tới được não để giúp cho bệnh nhân, hiệu quả rất kém, bệnh nhân tiên lượng rất xấu với não. Các bác sĩ cũng chỉ biết lắc đầu thở dài chua xót.
"Rồi những bệnh nhân ngộ độc paracetamol, viêm gan nhiễm độc, cần thuốc giải độc truyền vào máu để cứu sống. Rồi bệnh nhân ngộ độc cồn công nghiệp methanol hiện nay cũng thiếu thuốc giải độc để cứu mạng, bảo vệ não và gan, rất nhiều các thuốc giải độc đều rất thiếu" - BS Nguyên buồn bã chia sẻ.
BS Nguyễn Trung Nguyên cho hay, nếu trước đây, bệnh nhân bị ngộ độc cấp, nặng nề, khẩn cấp, Bệnh viện Bạch Mai có thể mua, chỉ định thầu một gói rất nhỏ để giúp bệnh nhân, nhưng bây giờ thì không thể như vậy.
Trả lời báo chí về vấn đề này, PGS-TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - cho biết, tình trạng thiếu một số thuốc giải độc thuộc danh mục thuốc hiếm là tình trạng diễn ra không phải lần đầu và không chỉ diễn ra tại Bệnh viện Bạch Mai mà ở nhiều bệnh viện khác trong cả nước. Sau khi tiến hành rà soát lại và thống kê các thuốc hiếm tại Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, nhiều khi cả năm không có bệnh nhân nào liên quan đến sử dụng thuốc này, nhưng nhiều khi đột xuất lại có nhiều ca bệnh.
Đơn cử như việc cấp cứu hàng loạt bệnh nhân ngộ độc pate chay trước đây, PGS Đào Xuân Cơ cũng khẳng định chúng ta cũng không có sẵn loại thuốc giải độc này, phải nhờ đến Tổ chức Y tế Thế giới hỗ trợ thuốc thì mới có.
Cần giải pháp tháo gỡ mang tính toàn quốc
Liên quan đến vấn đề này, theo đại diện lãnh đạo Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, các thuốc giải độc là các thuốc quan trọng nhưng thường là các thuốc rất hiếm, thuộc danh mục thuốc hiếm, có nhu cầu sử dụng rất ít và chỉ sử dụng theo chỉ định đặc biệt ở một số cơ sở y tế.
Các thuốc này không sẵn có về nguồn cung ứng trên phạm vi toàn thế giới. Chính vì vậy tại Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 8.5.2017 của Chính phủ và Thông tư số 26/2019/TT-BYT của Bộ Y tế quy định, hướng dẫn về thuốc hiếm và nhập khẩu đối với thuốc hiếm, thuốc cho nhu cầu điều trị đặc biệt của cơ sở khám chữa bệnh.
Để có thể đảm bảo có các thuốc hiếm phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh, các cơ sở khám chữa bệnh phải hết sức chủ động và có kế hoạch kịp thời trong việc xác lập nhu cầu, phối hợp chặt chẽ với cơ sở cung ứng, cơ sở nhập khẩu thuốc.
Qua tìm hiểu, hiện nay Bệnh viện Bạch Mai đang thiếu huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia. Cục Quản lý Dược đã hướng dẫn Bệnh viện Bạch Mai để thực hiện việc xác định nhu cầu, liên hệ với các cơ sở nhập khẩu để lập đơn hàng nhập khẩu. Khi nhận được đơn hàng nhập khẩu thuốc cho nhu cầu điều trị đặc biệt của cơ sở khám chữa bệnh, Cục Quản lý dược luôn ưu tiên giải quyết.
Cục Quản lý Dược đã cấp giấy phép nhập khẩu một số huyết thanh kháng nọc rắn cho nhu cầu điều trị đặc biệt của các bệnh viện nhưng chưa thấy có đề nghị đối với huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia.
Về giải pháp cho vấn đề này, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho hay, hiện bệnh viện đã giao cho các chuyên gia đầu ngành thống kê lại nhu cầu thuốc hiếm, thuốc giải độc; đồng thời Bệnh viện cũng đã có văn bản kiến nghị Bộ Y tế, đề xuất thành lập kho dự trữ các thuốc hiếm. Kho dự trữ này có thể đặt ở một trong số bệnh viện có đơn vị điều trị chống độc ở 3 miền để sẵn sàng điều phối đến các bệnh viện toàn quốc khi có người bệnh cần sử dụng.
Đồng quan điểm, GS-TS Lê Ngọc Thành - nguyên Giám đốc Bệnh viện E - cho rằng: "Có một số loại thuốc không có lời lãi gì trong kinh doanh, không được ai quan tâm, các doanh nghiệp không mặn mà gì nhưng bắt buộc phải có và liên tục phải có, hết hạn thì buộc phải bỏ đi. Nhiều năm nay vấn đề này đã xảy ra và vẫn xảy ra, những loại thuốc mà bệnh nhân "không có là chết" nhưng vẫn thiếu. Vấn đề này, theo tôi là cần có một chiến lược tầm quốc gia, để giải quyết vấn đề cho tất cả các bệnh viện trên cả nước mỗi khi thiếu các loại thuốc hiếm để cứu chữa người bệnh". (Lao động, trang 1)
Khan thuốc hiếm, Bộ Y tế vào cuộc
Ngày 14/9, lãnh đạo Cục Quản lí Dược (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế sẽ đề xuất với Chính phủ để có cơ chế đặc thù đối với việc mua sắm, dự trữ một số loại thuốc hiếm đảm bảo nhu cầu điều trị.
Đề xuất thành lập kho thuốc hiếm
Trước thực tế tại Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) và nhiều bệnh viện lớn thiếu các thuốc giải độc, Bộ Y tế cho biết đang hướng dẫn các bệnh viện đặt đơn hàng, Cục Quản lí Dược sẽ tìm nguồn cung.
Theo các chuyên gia y tế thuốc giải độc thuộc các thuốc quan trọng nhưng thường là rất hiếm, thuộc danh mục thuốc hiếm, có nhu cầu sử dụng rất ít và chỉ sử dụng theo chỉ định đặc biệt ở một số cơ sở y tế. Các thuốc này không sẵn có về nguồn cung ứng trên phạm vi toàn thế giới.
Vì vậy tại Nghị định số 54/2017 của Chính phủ và Thông tư số 26/2019 của Bộ Y tế quy định, hướng dẫn về thuốc hiếm và nhập khẩu đối với thuốc hiếm, thuốc cho nhu cầu điều trị đặc biệt của cơ sở khám chữa bệnh.
“Để có thể đảm bảo có các thuốc hiếm phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh, các cơ sở khám chữa bệnh phải hết sức chủ động và có kế hoạch kịp thời trong việc xác lập nhu cầu, phối hợp chặt chẽ với cơ sở cung ứng, cơ sở nhập khẩu thuốc”, đại diện Cục Quản lí Dược nói.
PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tình trạng thiếu một số thuốc giải độc thuộc danh mục thuốc hiếm không chỉ diễn ra tại Bệnh viện Bạch Mai mà ở nhiều bệnh viện khác trong cả nước.
Sau khi rà soát lại và thống kê các thuốc hiếm tại Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, nhiều khi cả năm không có bệnh nhân nào liên quan đến sử dụng thuốc này, nhưng có khi đột xuất lại có nhiều ca bệnh.
“Các thuốc hiếm, như: huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia, thuốc giải độc cho người bị ngộ độc clostridium botulinum, giải độc cho bệnh nhân ngộ độc asen, thủy ngân... hiện chưa có kho hay trung tâm nào dự trữ cố định. Trong khi đó các công ty nhập khẩu kinh doanh cũng rất ít khi nhập khẩu dự trữ sẵn”, PGS.TS Đào Xuân Cơ thông tin.
Năm 2020, khi xảy ra ngộ độc hàng loạt liên quan đến pate Minh Chay, do không có sẵn loại thuốc giải độc này, Bệnh viện Bạch Mai đã báo cáo Bộ Y tế.
Được sự giúp đỡ của Bộ Y tế, Cục Quản lí Dược, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Thái Lan, WHO tại Việt Nam, Bệnh viện mới mua được 2 lọ thuốc giải độc đặc hiệu Clostridium botulinum từ Thái Lan về Việt Nam với giá 8.000 USD/lọ.
Ngay từ thời điểm đó, Bệnh viện Bạch Mai đã kiến nghị Nhà nước phải có cơ chế đưa thuốc giải độc này vào danh mục thuốc “mồ côi”, thuốc hiếm, đồng thời phải có kho dự trữ và điều phối thuốc hiếm quốc gia, khi có bệnh nhân thì điều phối cho cả nước.
Hiện bệnh viện đã giao cho các chuyên gia đầu ngành thống kê lại nhu cầu thuốc hiếm, thuốc giải độc; đồng thời bệnh viện cũng đã có văn bản kiến nghị Bộ Y tế, đề xuất thành lập kho dự trữ các thuốc hiếm. Kho dự trữ này có thể đặt ở một trong số bệnh viện có đơn vị điều trị chống độc ở 3 miền để sẵn sàng điều phối đến các bệnh viện toàn quốc khi có người bệnh cần sử dụng.
Về phía Cục Quản lí Dược, ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng cho biết đã hướng dẫn Bệnh viện Bạch Mai để thực hiện việc xác định nhu cầu, liên hệ với các cơ sở nhập khẩu để lập đơn hàng nhập khẩu. Khi nhận được đơn hàng nhập khẩu thuốc cho nhu cầu điều trị đặc biệt của cơ sở khám chữa bệnh, Cục Quản lí dược luôn ưu tiên giải quyết.
Được biết hiện Cục Quản lí Dược đã cấp giấy phép nhập khẩu một số huyết thanh kháng nọc rắn cho nhu cầu điều trị đặc biệt của các bệnh viện nhưng chưa thấy có đề nghị đối với huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia.
Trước đó, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ về tình trạng thiếu một số thuốc giải độc, gây ảnh hưởng điều trị người bệnh.
Cụ thể bệnh nhi nam T.Q.T. (Bắc Ninh) hôn mê, liệt rất nặng do rắn cạp nia cắn. Theo các bác sĩ, vì thiếu thuốc giải độc, những bệnh nhân bị rắn độc cắn như thế này có thể phải thở máy từ 2 tuần đến một tháng. Trong khi nếu có thuốc, chỉ cần 2-3 ngày, bệnh nhân có thể ra viện.
Trung tâm Chống độc cũng điều trị cho 2 trẻ được chẩn đoán là ngộ độc asen - một loại chất rất độc. Hai bệnh nhi đã được sử dụng 2 loại thuốc giải độc đơn giản nhưng thuốc này lại có tác dụng phụ nhiều và gây dị ứng. Hiện Trung tâm này không còn thuốc hiếm nào để thải asen ra khỏi cơ thể.
Sắp có vắc xin sởi, DPT miễn phí cho trẻ
Liên quan thông tin về thiếu vắc xin sởi và vắc xin DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván) trong chương trình tiêm chủng mở rộng miễn phí cho trẻ em, ngày 14/9, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết tình trạng thiếu vắc xin bắt đầu từ tháng 8.
Cụ thể, đây là hai vắc xin trong nước, cung ứng theo đơn đặt hàng để các đơn vị sản xuất. Trong đó, vắc xin sởi do Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế (POLYVAC) sản xuất; vắc xin DPT của Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế (IVAC) sản xuất.
Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, các nhà cung cấp này đều có sẵn vắc xin trong kho song không thể tiến hành mua bán, cung ứng do vướng mắc các thủ tục theo quy định hiện hành. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng đã báo cáo Bộ Y tế và đang nỗ lực phối hợp với Bộ Tài chính để sớm hoàn tất các thủ tục nhằm cung ứng kịp thời vắc xin cho địa phương. (Tiền phong, trang 6; Nhân dân, trang 5)