Bộ Y tế: Tập trung cứu chữa nạn nhân vụ cháy chung cư mini, chưa thu các khoản phí
Bộ Y tế đề nghị các bệnh viện trước mắt tập trung cứu chữa các nạn nhân của vụ cháy chung cư mini ở Khương Đình - Thanh Xuân - Hà Nội, chưa thu các khoản phí; quan tâm chăm sóc sức khỏe, ổn định tâm lý cho người bị nạn an tâm điều trị, tiếp đón giải thích giúp đỡ người nhà vượt qua khủng hoảng...
Liên quan đến công tác cấp cứu, điều trị các nạn nhân của vụ cháy chung cư mini ở Khương Đình - Thanh Xuân- Hà Nội đêm khuya 12/9 như Sức khoẻ & Đời sống đã đưa tin, ngay khi nhận được thông tin của Sở Y tế Hà Nội (qua đường dây nóng) về việc xảy ra vụ cháy chung cư mini 9 tầng tại Khương Hạ quận Thanh Xuân, ngay trong rạng sáng ngày 13/9, lãnh đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã ngay lập tức có mặt tại hiện trường cùng Sở Y tế điều động lực lượng ứng trực cấp cứu, xe cứu thương của các Bệnh viện trung ương và bệnh viện đa khoa tuyến cuối trực thuộc Sở Y tế Hà Nội để kịp thời cấp cứu người bị nạn.
Sau khi nhận báo cáo nhanh từ các bệnh viện trung ương và Sở Y tế Hà Nội, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu Sở Y tế Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các các bệnh viện trực thuộc phối hợp với các đơn vị liên quan huy động các thầy thuốc giỏi, bảo đảm đủ thuốc, phương tiện cấp cứu, xử trí, cứu chữa người bị nạn, nhằm bảo đảm việc cứu chữa được kịp thời và có hiệu quả cao nhất.
Trước mắt tập trung cứu chữa, quan tâm chăm sóc về sức khỏe, ổn định tâm lý cho người bị nạn, người nhà vượt qua khủng hoảng, an tâm điều trị, chưa thu các khoản phí.
Đồng thời cử đầu mối cung cấp thông tin chính thức cho cơ quan báo chí, truyền thông, người nhà người bị nạn.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng đề nghị Sở Y tế Hà Nội tổng hợp báo cáo gửi về Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cập nhật diễn biến của việc cứu chữa người bị nạn và các ý kiến đề xuất, kiến nghị với Bộ Y tế (nếu có) nhằm bảo đảm công tác cấp cứu thảm họa trước 17h00 hàng ngày
Cùng ngày, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã có văn bản gửi Bệnh viện Bạch Mai; Bệnh viện E, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; Bệnh viện Bộ/ngành: Bệnh viện 103, Bệnh viện Bưu điện về việc tiếp nhận, cấp cứu, điều trị người bị tai nạn.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế bày tỏ hoan nghênh các Bệnh viện đã sẵn sàng triển khai công tác cấp cứu kịp thời ngay khi được huy động và đề nghị các Bệnh viện tiếp tục trực chuyên môn theo dõi sát người bị nạn đã tiếp nhận cấp cứu. Tập trung mọi nguồn lực huy động các thầy thuốc giỏi, bảo đảm đủ thuốc, phương tiện trang thiết bị cấp cứu, xử trí, cứu chữa người bị nạn,cung cấp dinh dưỡng đầy đủ nhằm bảo đảm việc cứu chữa được kịp thời và có hiệu quả cao nhất.
Trước mắt tập trung cứu chữa, chưa thu các khoản phí; phát huy vai trò của Phòng Công tác xã hội để quan tâm chăm sóc về sức khỏe, ổn định tâm lý cho người bị nạn an tâm điều trị, tiếp đón giải thích giúp đỡ người nhà vượt qua khủng hoảng, .
Cử đầu mối cung cấp thông tin chính thức và tạo điều kiện cho cơ quan báo chí, truyền thông tác nghiệp, người nhà người bị nạn tìm kiếm người thân.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh đề nghị các Bệnh viện tổng hợp báo cáo cập nhật diễn biến của việc cứu chữa người bị nạn và các ý kiến đề xuất, kiến nghị với Bộ Y tế nhằm bảo đảm công tác cấp cứu... (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3)
91 người ngộ độc sau ăn bánh mỳ Phượng, Bộ Y tế yêu cầu tạm đình chỉ hoạt động
Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Quảng Nam cần chỉ đạo tạm thời đình chỉ hoạt động của cơ sở Bánh mì Phượng, kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm của cơ sở này, truy xuất nguồn gốc, lấy mẫu thực phẩm nghi ngờ để xét nghiệm, điều tra xác định rõ căn nguyên vụ việc.
Yêu cầu trên được Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) đưa ra trong công văn gửi Sở Y tế tỉnh Quảng Nam liên quan đến vụ việc 91 người đã bị ngộ độc sau khi ăn bánh mỳ Phượng.
Tại công văn do Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Hùng Long ký ban hành, Cục An toàn thực phẩm yêu cầu Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cần chỉ đạo các đơn vị tiếp tục cấp cứu và điều trị tích cực, đảm bảo hồi phục sức khỏe cho các bệnh nhân vụ ngộ độc sau khi ăn bánh mỳ Phượng.
Đồng thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (nếu có) và công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
Cùng đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm và các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn.
Như Sức khoẻ & Đời sống đã đưa tin, chiều ngày 13/9, lãnh đạo Sở Y tế Quảng Nam xác nhận số lượng bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mỳ bà P. tại Hội An lên đến 91 người. Trong đó, có một số bệnh nhân có biểu hiện ngộ độc nhẹ, sau khi thăm khám đã cho ra viện. Một số khác đang được các Bệnh viện tích cực theo dõi, giám sát để có phương án điều trị kịp thời.
Trước đó, vào sáng 13/9, Trung tâm Y tế TP. Hội An (Quảng Nam) cho hay, vừa có báo cáo về kết quả điều tra, giám sát và xử lý vụ "nhiều người có biểu hiện ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mỳ tại một quán bánh mỳ trên địa bàn thành phố".
Theo đó, vào chiều 12/9, Trung tâm tiếp nhận thông tin 5 người trong một gia đình có biểu hiện ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mỳ mua ở quán bà P. (trên đường Phan Châu Trinh, phường Minh An, TP.Hội An) nên thành lập đoàn kiểm tra.
Qua điều tra bước đầu, đoàn ghi nhận ngoài 5 trường hợp có biểu hiện ngộ độc thực phẩm nói trên còn có nhiều người khác cũng dùng bánh mỳ của tiệm P., sau đó có biểu hiện ngộ độc thực phẩm. Hiện những bệnh nhân này đang nằm điều trị tại một số bệnh viện ở Quảng Nam và Đà Nẵng.
Hầu hết các bệnh nhân đều có triệu chứng sốt cao, nôn mửa, đau bụng, đi tiêu lỏng. Thời gian ăn bánh mì của các bệnh nhân rải rác từ 8 giờ ngày 11/9 đến 20 giờ cùng ngày. Khoảng cách giữa thời gian xuất hiện triệu chứng và thời gian ăn ít nhất là 2 giờ, nhiều nhất là 16 giờ (thời gian ủ bệnh từ 2-16 giờ).
Tiến hành kiểm tra cơ sở bánh mỳ nói trên, Đoàn kiểm tra đã yêu cầu quán giữ mẫu thức ăn liên quan và niêm phong, bảo quản mẫu theo quy định để gửi Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh kiểm nghiệm, xác định nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm.
Trong thời gian xác định nguyên nhân vụ việc, chính quyền địa phương đã yêu cầu chủ quán mỳ tạm dừng việc kinh doanh để phục vụ công tác điều tra. (Sức khoẻ & đời sống, trang 3)
Nỗ lực cứu người, chớp từng tia hy vọng sống
Sau vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ, Thanh Xuân (Hà Nội), nhiều nạn nhân vẫn đang được các y bác sĩ tận tình cứu chữa tại nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội. Những ám ảnh về nỗi đau của các nạn nhân, đã khiến quyết tâm của các y bác sĩ cao hơn bao giờ hết. Tình người trong thảm họa đã nhen nhóm lên sự sống cho những nạn nhân của vụ cháy.
Bác sĩ không dám uống nước, tập trung từng phút từng giây
Dù đã quen với công việc cấp cứu, trực xuyên đêm, cường độ công việc cao, nhưng đêm 12, rạng sáng 13.9 vẫn là một đêm đầy ám ảnh đối với các bác sĩ Trung tâm Cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai. Nửa đêm, toàn bệnh viện bật "báo động đỏ", triển khai mô hình cấp cứu thảm họa. Việc cấp cứu ban đầu, phân loại người bệnh, điều trị đúng theo quy định của Bộ Y tế.
"Nỗ lực cứu chữa, nhưng hai bệnh nhân đầu tiên đến viện đều tử vong. Lúc đó, chúng tôi còn chưa biết thông tin về đám cháy. Những bệnh nhân tiếp theo ồ ạt được chuyển đến, biết tin về vụ cháy nghiêm trọng, chúng tôi huy động sự hỗ trợ của toàn bộ anh chị em y bác sĩ đang trực trong đêm tại các khoa phòng" - bác sĩ Nguyễn Tú, trực cấp cứu tại Trung tâm Cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ.
Giáo sư Nguyễn Văn Chi - Trung tâm Hồi sức tích cực - cho biết, có 2 nhóm tổn thương lớn sau vụ cháy. Nhóm thứ nhất tổn thương do ngộ độc khi hít phải lượng khói lớn, với nhiều khí độc CO và có thể có Cyanua. Nhóm này cần phải giải quyết ngộ độc khí. Và nhóm thứ hai là bị chấn thương cần theo dõi sát.
Đồng thời, chúng tôi tiếp tục tìm kiếm thương tổn có thể xuất hiện trong giai đoạn sau. Về chuyên môn, chúng tôi nỗ lực hết sức mình, phối hợp với các chuyên gia trong bệnh viện để điều trị cho các bệnh nhân.
Những nạn nhân nặng nhất đã được cứu sống
Chia sẻ với phóng viên Lao Động, lãnh đạo các bệnh viện cho biết, các bệnh nhân cơ bản đã qua cơn nguy kịch, đang được tiếp tục theo dõi tại bệnh viện. Hầu hết các nạn nhân đều được theo dõi ngộ độc khí CO, có thể diễn biến trong 24 giờ. Vì vậy, các bác sĩ vẫn đang tích cực theo dõi sát sao, xử lý kịp thời khi có diễn biến xấu.
"Chúng tôi nỗ lực đến cùng để cứu các nạn nhân, các chuyên gia giỏi nhất đã được huy động" - PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - chia sẻ.
Trong khi đó, thông tin từ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, nạn nhân nữ trong vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội nhảy từ tầng 9 xuống hiện đã qua cơn nguy kịch, đang được theo dõi tích cực.
PGS.TS Vũ Hoàng Phương - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - cho biết: Chúng tôi đã huy động 6 chuyên khoa để hội chẩn cho bệnh nhân. Sau khi hội chẩn, bệnh viện đã bố trí kịp thời mổ cấp cứu lần 1 xử lý chấn thương cột sống cho người bệnh và đang tiếp tục mổ lần 2 để xử lý các chấn thương khác.
May mắn thay, sau nỗ lực của các bác sĩ, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và tiếp tục được theo dõi.
Ông Đào Thiện Tiến - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Đông - cho hay, hiện bệnh viện đang điều trị cho 4 nạn nhân trong vụ hỏa hoạn. Trong đó 2 bệnh nhân đã ổn định, còn 2 bệnh nhân là hai bố con tình trạng sức khỏe không đáng ngại nhưng bị ảnh hưởng tâm lý lớn.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến chiều 14.9, còn 36 bệnh nhân trong vụ cháy chung cư mini đang điều trị tại 5 bệnh viện: Bạch Mai, Đại học Y Hà Nội, Quân y 103, Đa khoa Xanh Pôn và Đa khoa Hà Đông. Trong đó 6 người tiên lượng nặng, nguy kịch. (Lao động, trang 1).