Hướng tới sự hài lòng của người bệnh
Sau một loạt các chính sách về đầu tư cơ sở hạ tầng, đổi mới cơ chế tài chính, bảo hiểm y tế, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, ngành y tế bắt đầu thực hiện kế hoạch đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Đây được coi là việc cần và phải làm để mỗi đơn vị, cá nhân trong ngành chung tay xây dựng hình ảnh của đội ngũ thầy thuốc tận tâm vì công việc.
Trong ngành y tế, bên cạnh những tấm gương tập thể và cá nhân không quản khó khăn, gian khổ hết lòng vì tính mạng, sức khỏe của người bệnh thì vẫn còn một bộ phận cán bộ chưa tuân thủ đúng các quy trình chuyên môn, thái độ không đúng đắn, thiếu văn hóa, thiếu giáo dục y đức, thậm chí có hành vi tiêu cực… Điều đó ảnh hưởng lớn đến hình ảnh người cán bộ y tế, làm xói mòn niềm tin của người dân đối với hơn 400 nghìn cán bộ y tế và tác động tiêu cực đến hình ảnh của phần lớn các cán bộ y tế chân chính đang ngày đêm lặng lẽ, quên mình chữa trị, giành giật sự sống cho người bệnh và chăm sóc sức khỏe người dân. Để khắc phục các hạn chế đó, đồng thời xây dựng hình ảnh, phong cách người thầy thuốc, Bộ Y tế ban hành và triển khai kế hoạch đổi mới phong cách thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Kế hoạch này áp dụng cho tất cả cán bộ y tế trong cả nước, không phân biệt ở tuyến trung ương hay tuyến tỉnh, huyện…
Theo kế hoạch sẽ có tám nội dung được tập trung thực hiện tại đơn vị: Tập huấn nâng cao kỹ năng giao tiếp với người bệnh cho cán bộ y tế, bao gồm lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo khoa, phòng, bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý, nhân viên hành chính, bảo vệ, trông xe... Thành lập, triển khai phòng công tác xã hội, bộ phận chăm sóc “khách hàng” gắn với nhiệm vụ truyền thông, giáo dục sức khỏe. Quy định cụ thể về trang phục y tế để người bệnh dễ dàng nhận biết chức danh, chuyên môn nghề nghiệp của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Tiếp tục triển khai, kiện toàn, hoàn thiện “đường dây nóng” tăng cường tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh của người dân về chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh. Duy trì, củng cố hòm thư góp ý, xử lý kịp thời ý kiến phản ánh của người dân. Triển khai đề án “tiếp sức người bệnh” để góp phần giảm tải trong khâu đón tiếp, khám bệnh cho người bệnh khi đến bệnh viện. Xây dựng phong cách, thái độ, phục vụ văn minh, thân thiện theo phương châm “người bệnh đến đón tiếp niềm nở, ở chăm sóc tận tình, về dặn dò chu đáo”. Tất cả nhân viên y tế ký cam kết và thực hiện các nội dung về đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Việc “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” được ngành y tế xác định là một trong những đột phá để củng cố niềm tin và sự hài lòng của người bệnh. Đó cũng sẽ là một phần quan trọng bên cạnh việc đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các bệnh viện; xây dựng bệnh viện xanh - sạch - đẹp, trang thiết bị hiện đại, có đội ngũ cán bộ y tế chuyên sâu nhằm tăng cường chất lượng dịch vụ cao nhất, đem lại sự hài lòng của người bệnh khi đến bệnh viện.
Bộ Y tế yêu cầu tất cả cán bộ y tế phải xác định đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh là trách nhiệm, nghĩa vụ và cũng là quyền lợi của mình. Tập trung khắc phục mọi khó khăn, triển khai đầy đủ các nội dung, quyết tâm xây dựng hình ảnh đẹp của người cán bộ y tế. Song song với việc đổi mới phong cách thái độ phục vụ, Bộ Y tế đã báo cáo trình Chính phủ đổi mới cơ chế tài chính trong các bệnh viện theo hướng tính đúng, tính đủ, trong đó có kết cấu lương của cán bộ y tế và các phụ cấp liên quan. Như vậy, nếu bệnh viện nào tạo được sự hài lòng thì sẽ thu hút đông người bệnh, nguồn thu tài chính sẽ được tăng lên và chắc chắn đời sống của cán bộ y tế sẽ được cải thiện nhiều hơn. Dẫu biết rằng việc thay đổi đó là có lộ trình, nhưng cần bắt đầu ngay từ thay đổi nhận thức, do đó tất cả các đơn vị phải tập huấn quy tắc ứng xử, kỹ năng giao tiếp từ lực lượng bảo vệ, nhân viên hành chính đến các y tá, bác sĩ. Việc thương yêu người bệnh, không chỉ hết lòng cứu chữa mà còn phải thể hiện qua thái độ phục vụ ân cần, hòa nhã.
Sau khi ký cam kết, những tín hiệu thay đổi đã được ghi nhận tại nhiều cơ sở khám, chữa bệnh, cán bộ y tế niềm nở hơn, có thanh niên tình nguyện hướng dẫn người bệnh chu đáo hơn... Tại Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Bạch Mai) luôn trong tình trạng quá tải, người bệnh vẫn phải chờ đợi nhưng khi được hỏi về thái độ phục vụ của nhân viên y tế, nhiều ý kiến đánh giá đã có sự thay đổi tích cực. Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, PGS, TS Nguyễn Quốc Anh khẳng định: Không phải khi ký cam kết chúng tôi mới thực hiện, bệnh viện xác định thái độ, phong cách phục vụ người bệnh luôn cần được hoàn thiện ở bất cứ thời điểm nào. Tuy nhiên, trước thực trạng quá tải như hiện nay, các cán bộ y tế cũng hiểu rằng mình cần cố gắng hơn. Tại Bệnh viện Nhi T.Ư, theo phản ánh của nhiều người nhà đưa con, em đến đây khám và điều trị thì từ khâu đón tiếp đến khám bệnh đều bước đầu có sự hài lòng. Bệnh viện Nhi T.Ư vừa thành lập hai đội hình “Chăm sóc khách hàng” và “Tiếp sức người bệnh” để hỗ trợ bệnh nhi đến khám, chữa bệnh hằng ngày.
Theo thống kê chưa đầy đủ, sau khi phát động tại ba khu vực: phía bắc, phía nam và miền trung - Tây Nguyên, cả nước có 24 UBND tỉnh, thành phố ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch triển khai; 16 sở y tế ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo và xây dựng kế hoạch; bảy sở y tế đã tổ chức ký cam kết thực hiện; gần 20 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch và tổ chức ký cam kết “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. Từ cuối tháng 9 này, Bộ Y tế sẽ thành lập tám đoàn kiểm tra công tác triển khai thực hiện đổi mới phong cách, thái độ tại các tỉnh, thành phố và các cơ sở khám, chữa bệnh nhằm giám sát, hỗ trợ các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện có hiệu quả, chất lượng, đồng thời điều chỉnh các nội dung hoạt động phù hợp để mang lại hiệu quả thiết thực cho người bệnh.
Bên cạnh sự nỗ lực của cán bộ, nhân viên và các cơ sở y tế, Bộ Y tế cũng đề nghị cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và mỗi người dân, người bệnh cùng vào cuộc, giám sát và giúp đỡ cán bộ y tế để đạt mục tiêu cuối cùng là sức khỏe người bệnh được chăm sóc, người bệnh hài lòng, bác sĩ cũng hài lòng. (Nhân dân trang 5)
Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, tình hình điều trị bệnh sốt xuất huyết đang diễn ra hiện tượng rất đáng để suy xét. Do cơ sở vật chất có hạn mà người bệnh đông, luôn bị quá tải, cho nên dù bệnh viện kê thêm giường, điều chuyển người bệnh giữa các khoa nhưng vẫn phải nằm ghép hai, ba người bệnh một giường.
Nhiều người bệnh đến đây, sau khi được các bác sĩ thăm khám, đánh giá và giải thích bệnh có thể điều trị ở tuyến dưới, thì không ít người bệnh không chịu về, sẵn sàng ký cam kết xin nằm ghép để được ở lại điều trị. Trong điều kiện cơ sở vật chất khó khăn, luôn trong tình trạng đông người bệnh như hiện nay thì đó là “bài toán khó” trong công tác chuyên môn nhất là khi bệnh viện đã ký cam kết không nằm ghép; cam kết đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.
Dịch sốt xuất huyết đang ở thời kỳ cao điểm. Các chuyên gia nhận định dịch sốt xuất huyết vẫn có chiều hướng gia tăng, nhất là các tỉnh phía nam, Hà Nội, một số tỉnh phía bắc. Trong khi số ca mắc, tử vong tiếp tục tăng, đòi hỏi có những giải pháp hiệu quả ngăn chặn sự gia tăng đó. Bên cạnh hoạt động dự phòng thì công tác điều trị tại các bệnh viện cần tuân thủ nghiêm những quy định chuyên môn, thực hiện tốt việc phân tuyến điều trị, không nên để người có bệnh lại kéo vào bệnh viện tuyến trung ương, trong khi bệnh viện tuyến tỉnh, nhiều bệnh viện của Hà Nội (nơi có tổng số 88% số ca bệnh vào điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư) cũng điều trị tốt bệnh này. Thống kê của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cho thấy chỉ có 4% tổng số ca vào điều trị tại đây là bệnh nặng.
Kinh nghiệm từ dịch sởi năm 2014 cho thấy, cần phải quyết liệt phân luồng người bệnh, phân loại, sàng lọc người bệnh và điều chuyển hợp lý người bệnh, không nhất thiết cứ có bệnh là phải lên tuyến trung ương. Không làm tốt điều đó, bệnh viện dễ trở thành “điểm nóng” của dịch. Cơ quan chuyên môn đã khuyến cáo người dân không nên điều trị sốt xuất huyết tại nhà, mà hãy đến ngay cơ sở y tế khi có các biểu hiện nghi ngờ. Nhưng các khoa điều trị tại các bệnh viện cần kiểm tra, đánh giá tình hình, yếu tố dịch tễ, vùng miền nơi người bệnh sinh sống để có những can thiệp kịp thời trong công tác điều trị. Mặt khác, các bệnh viện tuyến trên cần tăng cường vai trò của bệnh viện đầu ngành của cả nước trong điều trị và chỉ đạo tuyến, tổ đào tạo, rút kinh nghiệm điều trị, phối hợp với các bệnh viện vệ tinh để hạn chế tình trạng vượt tuyến. Và hơn lúc nào hết, nguyên tắc phòng bệnh hơn chữa bệnh cần được phát huy. (Nhân dân trang 5)
Nhà văn bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc: Viết sách để… phòng, chữa bệnh
76 tuổi, là tác giả của khoảng 40 đầu sách, nhiều năm trở lại đây, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc được đông đảo bạn đọc yêu thích, gọi một cách trìu mến là nhà văn bác sĩ. Chia sẻ về tác phẩm, về chuyện nghề, bác sĩ mê viết sách này thừa nhận, với ông, “Văn là nghiệp, Y là nghề”.
Hóm hỉnh và dễ gần, đó là cảm giác chung của bất cứ ai có dịp tiếp xúc với nhà văn bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Trò chuyện nhân dịp ra mắt tập sách mới nhất – “Già sao cho sướng? Để có một tuổi già hạnh phúc”, ông bảo rằng mình thích được nhắc đến với đầy đủ cụm từ “nhà văn bác sĩ”. Lý do là ông mê văn từ thủa thiếu thời. Sau này, thi đỗ y khoa, theo ngành y, nhưng với ông, viết vẫn là đam mê.
Độc giả của Đỗ Hồng Ngọc cũng rất đa dạng, từ trẻ em, người tuổi trung niên cho đến người già. Ông viết sách vì nhu cầu bản thân nhưng cũng vì nhu cầu bạn đọc – người bệnh. Mỗi câu chuyện, mỗi cuốn sách, ông đều lồng ghép khá nhiều kiến thức y khoa, cách phòng, chữa bệnh. Nếu bạn đọc là trẻ em, ông có “Có một con mọt sách”. Bạn đọc là thanh thiếu nhi, ông có “Những tật bệnh thông thường của lứa tuổi học trò”, “Viết cho tuổi mới lớn”, “Bác sĩ và những câu hỏi của tuổi mới lớn”… Khám, chữa bệnh cho thai phụ, các bà mẹ trẻ, ông có các sách “Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng”, “Săn sóc con em nơi xa thầy thuốc”. Gần đây, ông có thêm khá nhiều đầu sách viết cho người tuổi già. “Già sao cho sướng? Để có một tuổi già hạnh phúc” là một trong số đó.
Nhà văn bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc kể rằng, có một câu chuyện khá vui xung quanh việc ra đời tập sách mới. “Già sao cho sướng? Để có một tuổi già hạnh phúc” bắt đầu từ một bài viết có tựa đề “Già sao cho sướng?”. Đọc tựa bài, một người bạn là nữ giới hiểu nhầm. Để tránh bị bạn đọc “hiểu bậy bạ”, khi ra sách, ông phải thêm phần đuôi “Để có một tuổi già hạnh phúc”.
Thực tế, với ông, “không có già, không có trẻ”. Ở tuổi 76, ông không đặt vấn đề rằng quỹ thời gian của mình còn được bao lâu. Bởi lẽ, sinh, bệnh, lão, tử là quy luật tự nhiên. Thông thường, khi mới lớn, mình nhìn gì cũng đẹp. 20 tuổi, bắt đầu chựng lại. 30 tuổi bắt đầu thấy mình “đi xuống”, phải lo lắng công ăn việc làm, lập nghiệp. 40 tuổi, thấy mình “xuống” nữa vì phải lo phấn đấu sự nghiệp, đấu đá, tranh giành. 60 tuổi bắt đầu thấy mình “lên lại”. 65 tuổi như trở lại… tuổi 15.
Nhiều người thường sợ tuổi già nhưng tuổi cao, biết sống sẽ hạnh phúc. Vì tuổi này, con người buông bỏ, chỉ sống với hiện tại. Tất nhiên, để sống hạnh phúc, người già không chỉ biết chăm sóc sức khỏe thân thể mà còn cần đời sống tinh thần thoải mái, lành mạnh. Ngoài chế độ tập luyện, ăn uống khoa học, với người già, các trang mạng xã hội, phương tiện thông tin liên lạc rất hữu ích nếu biết tận dụng đúng. Người già thường thiếu bạn, thấy mình thừa thãi, nhờ internet có thể kết nối với bạn bè, người thân…
Nhà văn bác sĩ cũng chia sẻ, bằng kinh nghiệm bản thân, ông nhận ra người già và trẻ em “dễ bị dụ” (dụ dỗ - PV) như nhau. Nhiều người già thường hay “mè nheo” con cháu mua cho cái này, cái khác, trong đó có rất nhiều sản phẩm chức năng được quảng cáo bồi bổ sức khỏe. Nếu con cháu không mua sẽ bị chê là bất hiếu. Nhiều người bệnh đến với ông khi trong nhà “chất đầy” các sản phẩm chức năng. Tuy nhiên, với vai trò bác sĩ, ông có lời khuyên thật lòng rằng không nên tin tưởng vào các quảng cáo thực phẩm chức năng hiện nay. Cách phòng, trị bệnh tốt nhất là chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ, lựa chọn thực phẩm tươi ngon, sạch, hạn chế tối đa các loại thức ăn nhanh…
Nhà văn - bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc cho biết, ông sẽ tiếp tục viết và ra mắt bạn đọc một số tập sách theo gợi ý của độc giả và cũng là người quen: Sống sao cho đẹp; Bệnh sao cho nhẹ và Chết sao cho sướng… (Công an Nhân dân trang 6)
Bán vốn nhà nước tại Vinamilk để xây bệnh viện
Nhiều chuyên gia cho rằng thông tin Nhà nước sẽ bán hết vốn đang nắm giữ tại 10 doanh nghiệp hàng đầu là động thái hợp lý nhằm thúc đẩy hơn nữa hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thu hút thêm vốn đầu tư.
Sau khi thông tin Nhà nước sẽ bán hết vốn đang nắm giữ tại 10 doanh nghiệp hàng đầu, đặc biệt là Vinamilk với giá trị hơn 2,5 tỉ USD (Tuổi Trẻ 14-10), nhiều chuyên gia cho rằng đây là động thái hợp lý nhằm thúc đẩy hơn nữa hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thu hút thêm vốn đầu tư.
Tuy nhiên, điều mà dư luận quan tâm là lộ trình thoái vốn như thế nào, bán cho ai và giá bán để đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất. Một số chuyên gia cũng cho rằng đây là thông điệp cho thấy nhiều lĩnh vực quan trọng sẽ được mở cửa theo cam kết của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), dù hiệp định này vẫn chưa được công bố.
Đầu tư chuỗi 6 bệnh viện
Ngày 14-10, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Minh Tân - phó vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính - cho biết chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, cụ thể là cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước là chủ trương lớn, Chính phủ có văn bản chấp thuận thoái vốn 10 doanh nghiệp như công bố chỉ là một trong những việc nhằm cụ thể hóa chủ trương này.
Trả lời câu hỏi liệu có phải do ngân sách khó khăn mà Chính phủ quyết định thoái toàn bộ vốn nhà nước tại 10 doanh nghiệp này, ông Tân cho hay không hẳn như vậy.
“Chủ trương thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước đã có từ lâu. Tại các phiên họp Chính phủ, việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cũng được bàn và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt” - ông Tân khẳng định.
Cũng theo ông Tân, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính bổ sung kinh phí từ năm 2015 cho chương trình nông thôn mới từ nguồn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Ngoài ra, Bộ Tài chính phải huy động các nguồn, trong đó có nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp để bổ sung tăng đầu tư phát triển trong trung hạn, đáp ứng các nhiệm vụ đầu tư cấp thiết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chẳng hạn số vốn cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp sẽ ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực y tế.
“Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ diễn ra hồi giữa năm, Thủ tướng Chính phủ cũng nói tại sao dân ta cứ phải sang khám chữa bệnh tại Singapore. Nếu chúng ta đầu tư sáu bệnh viện với số vốn 5.000 - 6.000 tỉ đồng/bệnh viện thì tổng số vốn đầu tư là 30.000 - 35.000 tỉ đồng. Hi vọng số vốn thoái từ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước sẽ dùng để tạo cú hích cho lĩnh vực y tế. Nếu tập trung nguồn lực để đầu tư, tới đây sẽ có chuỗi bệnh viện có quy mô và chất lượng đạt tiêu chuẩn khu vực, chưa kể một số dự án hạ tầng giao thông cũng đang thiếu vốn đối ứng để triển khai” - ông Tân cho hay.
Thông điệp mở cửa theo cam kết TPP
Sau khi danh sách doanh nghiệp mà Nhà nước thoái vốn toàn bộ được công bố, nhiều chuyên gia cho rằng đây không chỉ là thông tin tốt với thị trường chứng khoán, mà còn chứa nhiều thông điệp tích cực đối với hoạt động cổ phần hóa trong tương lai.
“Việc Nhà nước thoái hết vốn tại những doanh nghiệp này là động thái tất yếu nếu muốn thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư. Bởi nếu không bán “cục thịt” mà chỉ bán những “cục xương” thì sẽ không nhà đầu tư nào quan tâm” - ông Huỳnh Anh Tuấn, tổng giám đốc Công ty chứng khoán SJC, nói.
Đặc biệt, theo nhận định của ông Tuấn, động thái này của Chính phủ cũng chứa nhiều thông điệp, một trong số đó có thể nhằm thực hiệm cam kết mở cửa thị trường hơn nữa khi tham gia TPP. “Do TPP chưa được công bố nên vẫn còn quá sớm để có thể khẳng định, nhưng động thái này cho thấy một số lĩnh vực như sữa, công nghệ, bảo hiểm... có thể nằm trong danh mục sẽ được mở cửa, cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia nhiều hơn” - ông Tuấn nhận định.
Ngoài ra, ông Tuấn cho rằng động thái này cũng là thông điệp cho thấy Nhà nước sẽ sớm nới room (tỉ lệ sở hữu) cho nhà đầu tư nước ngoài, vốn đang được nhiều nhà đầu tư trông ngóng từ lâu. “Một khi Nhà nước nới room cho nhà đầu tư nước ngoài ở những lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ hoặc theo cam kết TPP, chắc chắn hoạt động cổ phần hóa trong thời gian tới sẽ tốt hơn” - ông Tuấn nói.
Chẳng hạn với MobiFone, theo ông Tuấn, nếu đã mở cửa cho FPT thì khả năng mở cửa nhiều hơn với viễn thông cũng cao, khi đó nhà đầu tư nước ngoài sẽ tham gia nhiều hơn trong MobiFone hay một số doanh nghiệp khác cùng ngành này.
“Trong bối cảnh Nhà nước đang thiếu tiền để triển khai các dự án đầu tư hạ tầng cơ sở, việc bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần giữ vai trò chi phối, như Vinamilk chẳng hạn, là bước đi hợp lý” - chuyên gia chứng khoán Hoàng Thạch Lân nói.
Theo ông Lân, hầu hết doanh nghiệp trong danh sách này đều nắm giữ thị phần lớn trong ngành và kinh doanh khá hiệu quả, nên chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm của tất cả nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là doanh nghiệp cùng ngành. “Chẳng hạn với Vinamilk, việc bỏ vốn dài hạn vào cổ phiếu này cũng rất hiệu quả căn cứ vào quy mô thị trường, tăng trưởng doanh thu, tỉ suất lợi nhuận...” - ông Lân nhận định.
Bán cho ai và với giá nào?
Ông Nguyễn Minh Tân nhấn mạnh dù bối cảnh ngân sách khó khăn, chúng ta cần vốn để đầu tư nhưng không thể bán cổ phần nhà nước tại doanh nghiệp bằng bất cứ giá nào. Cùng quan điểm, một lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng dù là doanh nghiệp nào, ngay cả với Vinamilk - cổ phiếu được đánh giá là “hàng chất lượng cao”, cũng phải tính toán căn cơ xem bán khi nào, thậm chí bán cho ai để đảm bảo hiệu quả nhất đồng vốn của Nhà nước.
Một lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết Chính phủ chỉ đạo sẽ tiếp tục tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, với mục tiêu đến năm 2020 chỉ còn 500 doanh nghiệp nhà nước. Hơn nữa, mục đích của quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, giảm mạnh vốn nhà nước tại doanh nghiệp là để đảm bảo khu vực tư nhân phát triển.
“Tuy nhiên, thị trường chứng khoán liên tục mấy năm gần đây có nhiều khó khăn, cung đang lớn hơn cầu nên tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước có chậm lại. Do đó cần phải chọn thời điểm thích hợp để thoái vốn cho hiệu quả” - vị này nói.
Theo ông Hoàng Thạch Lân, muốn bán được giá nhất, thu được nhiều tiền nhất về cho Nhà nước, chỉ có thể là nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động trong cùng lĩnh vực. Tuy nhiên, nếu bán cho nhà đầu tư nước ngoài, Nhà nước chắc chắn sẽ cân nhắc với trường hợp của Vinamilk.
“Dù không nằm trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, nhưng vấn đề lại nằm ở chính doanh nghiệp này bởi Vinamilk nắm giữ thị phần chi phối toàn thị trường sữa VN. Một khi nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ cổ phần chi phối tại Vinamilk, họ cũng chi phối thị trường sữa VN - mặt hàng thiết yếu đang nằm trong danh mục được bình ổn” - ông Lân nói.
Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Anh Tuấn, nếu VN đã cam kết mở cửa thị trường sữa với TPP, việc bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp này cho nhà đầu tư nước ngoài là một trong những bước đi nhằm thực hiện cam kết, chưa kể chỉ có nhà đầu tư nước ngoài mới đủ lực để tham gia Vinamilk do giá trị thoái vốn khá lớn.
Ngoài ra, ông Tuấn cho rằng vấn đề quan trọng nhất có lẽ không phải là giá bán phần vốn tại các doanh nghiệp này, mà là bán cho ai mới quan trọng.
“Tôi cho rằng vấn đề quan trọng nhất là bán cho ai chứ không phải bán với giá cao. Một khi chọn được đối tác thích hợp kèm theo những thỏa thuận - có thể không được công bố - như đối tác phải đồng hành với doanh nghiệp trong dài hạn chứ không phải đầu tư tài chính... sẽ được Nhà nước ưu tiên lựa chọn” - ông Tuấn nhận định. (Tuổi trẻ trang 6)
Thời tiết giao mùa, trẻ nhập viện gia tăng
Sự thật về "thánh cô" chữa bách bệnh ở vỉa hè Bệnh viện K
Trẻ được sinh ra từ bà mẹ 7 năm liền lọc máu đã xuất viện
Bổ xung 14 tỉ đồng để khống chế dịch sốt xuất
Nạn xin tiền, làm từ thiện “dỏm”: Lừa đảo cả bệnh nhân nghèo
Chiêu “xin tiền hộ” trên facebook
Xử lý thành công hai ca bệnh phức tạp
Ngày 14-10, Bệnh viện Bạch Mai công bố xử lý thành công hai ca bệnh rất phức tạp. Lần đầu tiên người bệnh suy thận giai đoạn cuối lọc máu chu kỳ có thai và sinh con. Bệnh viện đã xây dựng một quy trình đặc biệt và phối hợp liên khoa để theo dõi, giám sát bà mẹ và thai nhi suốt quá trình mang thai đến sau khi sinh thành công. Cháu bé được chăm sóc, nuôi dưỡng và khỏe mạnh ra viện.
Tại ca bệnh thứ hai, các bác sĩ thuộc nhiều chuyên khoa phối hợp thực hiện thành công ca mổ bóc khối u ở đốt sống cho một người bệnh. Ca mổ tiếp cận bằng hai đường, đường thứ nhất từ lưng để cố định cột sống và xương chậu lấy phần u phía sau; đường thứ hai là mở ổ bụng bóc tách động mạch chủ chậu ra khỏi khối u. Các bác sĩ đã bóc tách hoàn toàn khối u, đồng thời tạo hình, ghép đốt sống mới cho người bệnh. Người bệnh đang hồi phục và có thể sinh hoạt, lao động trở lại sau khi ra viện. (Nhân dân trang 5)