Cần Thơ: Tiếp nhận gói trang thiết bị y tế hơn 600 tỷ đồng
Ngày 14/1, Bệnh viện Da khoa TP Cần Thơ, tổ chức lễ tiếp nhận gói trang thiết bị y tế và dịch vụ trị giá hơn 600 tỷ đồng với nhiều máy móc hiện đại nhằm phục vụ công tác khám chữa bệnh cho người dân Cần Thơ và cả vùng ĐBSCL.
Dự án được thực hiện từ năm 2013, với tổng mức đầu tư trên 22 triệu euro tương đương với hơn 600 tỷ đồng Việt Nam, trong đó vốn ODA của Chính phủ Pháp khoảng 19,5 triệu euro. Trong đó đặc biệt có những loại máy đại như máy CT scan , máy cộng hưởng (MRI)từ 1,5 tesla, các loại máy nội soi hiện đại…
Ông BoGac kỹ sư dự án, đại diện nhà thầu IMPE của Pháp cam kết: Sẽ thực hiện đúng hợp đồng với Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, vận chuyển các thiết bị y tế đến dúng thời gian đã giao ước. Qua Dự án này sẽ mở ra mối quan hệ chặt chẽ, thực hiện nhiều dự án nữa trong tương lai tại Việt Nam.
Bác sĩ Lê Quang Võ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ cho biết: Từ nay đến tháng 4/2016 các trang thiết bị được tiếp nhận sẽ được lắp đặt và đưa vào sử dụng. Các trang thiết bị y tế hiện đại và nguồn nhân lực được đào tạo chuyên môn cao, bệnh viện sẽ không ngưng nâng cao chất lượng, hiệu quả chẩn đoán và điều trị cho người bệnh.
“Bệnh viện Đa khoa Tp phấn đấu trở thành Trung tâm y tế chuyên sâu của vùng ĐBSCL. Dự án trang thiết bị y tế này sẽ là biểu tượng cho sự hợp tác và mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa 2 nước Việt Nam và Pháp”- Bác sĩ Võ nói. (Tiền phong (trang 14):
Hội nghị tổng kết công tác DS-KHHGĐ năm 2015, triển khai kế hoạch năm 2016
Sáng nay (14/1), Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tổng kết công tác DS-KHHGĐ năm 2015, triển khai kế hoạch năm 2016.
Tham dự Hội nghị có GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ Dương Quốc Trọng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; lãnh đạo Sở Y tế, Chi cục DS-KHHGĐ 63 tỉnh, thành phố.
Phát biểu tại Hội nghị, GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế biểu dương những thành tích ngành Dân số đạt được trong năm qua, với những hành động sát với thực tiễn. Đó là quy mô dân số không vượt quá 93 triệu người như Chiến lược quốc gia Dân số và Sức khỏe sinh sản (DS&SKSS) đề ra cho năm 2015, với số liệu thống kê hiện tại cho thấy dân số nước ta là 91,7 triệu người.
Chúng ta đã duy trì được mức sinh thay thế trong 10 năm liên tục vừa qua, trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con. Điều này đã mang lại những đóng góp lớn vào việc giảm tỷ số tử vong bà mẹ, giảm tỷ suất chết trẻ em, cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân; đóng góp tích cực vào công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân.
Tốc độ gia tăng dân số là 1%, đạt mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đề ra. Tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh tiếp tục được kiềm chế và ở mức 112,8 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái, đạt mục tiêu dưới 113/100 của Chiến lược DS&SKSS giai đoạn 1 đến năm 2015 đề ra.
Cùng đó, ngành Dân số đã triển khai có hiệu quả các đề án can thiệp như sàng lọc và chẩn đoán trước sinh, sơ sinh; sàng lọc bệnh thalassemia, giảm tảo hôn, hôn nhân cận huyết, tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, nâng cao chất lượng dân số ở một số đồng bào dân tộc thiểu số; các mô hình can thiệp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thời kỳ cơ cấu dân số vàng, cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho người di cư, đặc biệt là vấn đề già hóa dân số.
Tuy đạt được nhiều thành tựu trong năm 2015 cũng như nhiều năm qua, song công tác DS-KHHGĐ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ tráchTổng cục DS-KHHGĐ chia sẻ, năm 2016 kinh phí từ Chương trình Mục tiêu quốc gia dành cho công tác DS-KHHGĐ không còn mà sẽ nằm trong Chương trình mục tiêu năm 2016.
Tạm thời, kinh phí được bố trí như năm 2015, với những nhiệm vụ và khối lượng công việc đang tăng lên. Nhiều tỉnh, thành phố chưa chủ động bố trí kinh phí địa phương cho triển khai hoạt động của Chương trình.
Trong số các địa phương báo cáo có hỗ trợ kinh phí cho công tác DS-KHHGĐ, đa số thực hiện theo đúng quy định của Trung ương về tỷ lệ kinh phí địa phương/kinh phí Trung ương. Tỉnh thấp nhất hỗ trợ được 12,2% so với kinh phí trung ương giao, tỉnh cao nhất có kinh phí địa phương bằng 348,4% kinh phí trung ương giao (Long An).
Ngoài ra còn có một số tỉnh khác cũng rất cao như: Hà Nội (5.000 đồng/người/năm cho các hoạt động và các chính sách, chế độ khác cho đội ngũ làm công tác DS-KHHGĐ cơ sở), Bình Dương (214,1%), Thừa Thiên-Huế (185,6%). Một số tỉnh miền núi có điều kiện hết sức khó khăn cũng hỗ trợ kinh phí lớn cho công tác DS-KHHGĐ như Lai Châu (104,5%), Bắc Cạn (trên 100%), Cao Bằng (75,8%), Yên Bái (49,4%)…
Để giải quyết những khó khăn, thách thức mà công tác DS-KHHGĐ phải đối mặt trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến đã nhấn mạnh vào 4 vấn đề chủ yếu về xây dựng chính sách, kiện toàn bộ máy tổ chức, chương trình mục tiêu Dân số và các nội dung chuyên môn nghiệp vụ ngành Dân số.
“Trong thời gian tới, để thực hiện thành công kế hoạch 2016 – 2020 đòi hỏi các tỉnh phải ý thức được vai trò quan trọng của công tác DS-KHHGĐ. Ở các địa phương, các đồng chí ở mỗi địa phương cần sáng tạo, linh hoạt trong vận dụng chính sách chung của Trung ương cho phù hợp với đặc điểm của tỉnh trong việc triển khai các giải pháp, các hoạt động về DS-KHHGĐ giai đoạn 2016-2020” - GS.TS Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh.
Thay mặt Tổng cục DS-KHHGĐ, ông Nguyễn Văn Tân đã tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến. Theo đó, ngành Dân số sẽ đánh giá, phân tích các khuyết điểm cần khắc phục; đoàn kết, sáng tạo hướng vào các nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2016, làm đà thắng lợi cho cả giai đoạn 2016 – 2020.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến đã trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế cho 12 tập thể đạt thành tích xuất sắc trong năm 2015, gồm Chi cục DS-KHHGĐ các tỉnh: Hải Dương, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn. Khánh Hòa, Thừa Thiên – Huế, Nghệ An, Lâm Đồng, Tây Ninh, Cần Thơ, Long An, Tiền Giang. (Gia đình & Xã hội (trang 6).
Chính thức cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh qua mạng internet
Sáng nay, 14-1, Cục Quản lý khám chữa bệnh – Bộ Y tế đã công bố dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Hiện nay, mỗi năm Cục Quản lý khám chữa bệnh cấp và cấp lại khoảng 10.000 chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, mỗi tháng tiếp nhận hàng nghìn hồ sơ. Những cơ sở, cá nhân muốn xin cấp chứng chỉ hành nghề đều phải đến tận nơi nộp hồ sơ, làm các thủ tục theo hướng dẫn, thực hiện thanh toán phí, lệ phí và chờ đợi được cấp giấy nên mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc.
Với việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, quy trình đăng ký, tiếp nhận hồ sơ sẽ được đơn giản hóa. Theo đó, các tổ chức và cá nhân chỉ cần thực hiện khai báo và gửi hồ sơ cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh lên hệ thống và thực hiện thanh toán phí, lệ phí trực tiếp và nhận kết quả hoàn toàn trực tuyến trên mạng internet mà không cần phải đến Bộ Y tế như trước.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 này là một bước tiến quan trọng trong thực hiện lộ trình cải cách thủ tục hành chính và tin học hóa các quy trình quản lý của Bộ Y tế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Y tế.
Từ ngày 1-2-2016, hệ thống sẽ được triển khai đối với các cơ sở khám chữa bệnh và người hành nghề thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế. Tính đến thời điểm hiện tại, dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 là dịch vụ mức cao nhất, từ việc giao dịch thanh toán cho đến việc trả kết quả đều được thực hiện trực tuyến một cách nhanh chóng, hiệu quả, đảm bảo công khai, minh bạch. (An ninh thủ đô (trang 6), Gia đình & Xã hội (trang 7), Hà Nội mới (trang 5), Sức khỏe & Đời sống (trang 2).
93% trẻ mắc ho gà do không tiêm phòng đầy đủ
Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong năm 2015, dịch bệnh trên địa bàn thành phố cơ bản được khống chế, chỉ có một số ít bệnh có số mắc tăng như: sốt xuất huyết Dengue, ho gà, liên cầu lợn.
Đáng chú ý, toàn thành phố ghi nhận tới 162 trường hợp mắc ho gà, tăng đáng kể so với năm trước, 1 ca tử vong. Trẻ nhỏ nhất mắc bệnh là trường hợp mới chỉ 13 ngày tuổi. Qua điều tra, 93% trẻ mắc ho gà do không tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đầy đủ vaccine bạch hầu - ho gà - uốn ván.
Với bệnh liên cầu lợn, toàn thành phố ghi nhận 18 ca mắc (có 4 trường hợp tử vong), tăng 5 ca so với năm 2014. Các trường hợp đều có tiền sử phơi nhiễm do chế biến thịt lợn, ăn thực phẩm chế biến từ thịt lợn, nội tạng lợn chưa nấu chín kỹ hoặc ăn tiết canh, lòng lợn. (An ninh thủ đô (trang 6), Gia đình & Xã hội (trang 7).
Thử nghiệm vaccine bại liệt bất hoạt giai đoạn 2
Theo GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện này đang triển khai giai đoạn 2 thử nghiệm tiêm 3 mũi vaccine bại liệt bất hoạt IPOVAC trên 240 trẻ, mỗi mũi tiêm cách nhau 1 tháng.
Đây là những bé đáp ứng các tiêu chuẩn tuyển chọn được quy định về độ tuổi, cân nặng, không có tiền sử mắc các bệnh suy giảm miễn dịch, chưa từng uống hoặc tiêm vaccine bại liệt, tại thời điểm tiêm trẻ hoàn toàn khỏe mạnh và được sự đồng ý, tự nguyện của cha, mẹ.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2 được triển khai từ tháng 12-2015 đến tháng 7-2016. Nếu kết quả đạt yêu cầu về tính an toàn và khả năng miễn dịch thì sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 3 trên gần 1.000 trẻ. Dự kiến, đến năm 2018, vaccine bại liệt IPOVAC sẽ có mặt trên thị trường. (An ninh thủ đô (trang 6).
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế: Cần thiết phải ban hành sớm Nghị định về quản lý TTBYT
Trang thiết bị y tế (TTBYT) là loại sản phẩm, hàng hóa đặc biệt có tác động trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh, cần được quản lý tốt để bảo đảm chất lượng TTBYT khi lưu hành trên thị trường, thuận lợi trong kinh doanh (KD) xuất nhập khẩu. Xung quanh vấn đề này, phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (TTB&CTYT).
PV: Xin ông cho biết một số nội dung trọng tâm công việc đã thực hiện trong năm 2015 của Vụ?
Ông Nguyễn Minh Tuấn: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ Y tế, Vụ TTB&CTYT trong năm đã triển khai đồng loạt các biện pháp nhằm chấn chỉnh, tăng cường hiệu quả đầu tư và sử dụng, thực hiện công khai, minh bạch việc nhập khẩu, mua sắm và sử dụng TTBYT. Vụ đã tham mưu và trình Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư số 30/2015/TT-BYT ngày 12/10/2015 quy định việc nhập khẩu TTBYT và phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan, Vụ Chính sách Thuế) tổ chức 02 hội thảo khu vực tại Hà Nội và TP.HCM với sự tham dự của hơn 800 đơn vị KD, nhập khẩu để tập huấn và hướng dẫn các đơn vị trong triển khai thực hiện thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu TTBYT và khai báo thông quan hàng hóa tại cửa khẩu. Triển khai thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu TTBYT trên Cổng thông tin Hải quan một cửa Quốc gia. Bộ Y tế phối hợp với Tổng cục Hải quan và Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel tổ chức các Hội nghị phổ biến Thông tư 30/2015/TT-BYT ngày 12/10/2015 quy định việc nhập khẩu TTBYT và tập huấn các đơn vị nhập khẩu sử dụng trên Cổng thông tin một cửa quốc gia đối với thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu tại Hà Nội và TP.HCM với sự tham dự của hơn 600 đơn vị nhập khẩu tại khu vực phía Bắc và phía Nam.
Từ ngày 30/11/2015, Bộ Y tế đã triển khai chính thức thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu TTBYT trên Cổng thông tin Hải quan một cửa Quốc gia, các công văn cấp phép nhập khẩu sẽ được công bố tự động trên Cổng thông tin điện tử của Hải quan các cửa khẩu và tự động trả giấy phép cho doanh nghiệp (DN).
Bên cạnh đó, Bộ Y tế (Vụ TTB&CTYT) đã làm việc trực tiếp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để phối hợp rà soát, bổ sung nội dung công khai thông tin về kết quả đầu thầu mua sắm TTBYT vào trong Thông tư 07/2015/TTTL-BKHDT-BTC ngày 8/9/2015 quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu qua mạng để các đơn vị triển khai thực hiện.
Theo số liệu thống kê đến ngày 30/11/2015, số lượng công văn cấp phép nhập khẩu đã được công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế là 2.495 công văn trong tổng số 50 chủng loại mặt hàng thuộc các nhóm TTBYT. Về cấp giấy phép lưu hành sản phẩm TTBYT, Bộ Y tế đã cấp giấy phép lưu hành 110 chủng loại mặt hàng của 156 đơn vị (trong đó: 34 DN nước ngoài, 122 DN trong nước), trong năm 2015 đã cấp 40 giấy chứng nhập đăng ký lưu hành sản phẩm và 20 giấy chứng nhập lưu hành tự do (CFS) gồm các nhóm chủng loại thiết bị: nội thất bệnh viện, sản phẩm từ nhựa, vải, cao su, điện tử y tế...
Đến năm 2015, ngành y tế đã xây dựng và công bố 422 TCVN về TTB&CTYT. Theo kế hoạch đã được phê duyệt, Vụ TTB&CTYT sẽ làm đầu mối phối hợp với Viện TTB&CTYT tiếp tục xây dựng 79 TCVN trong năm 2016-2017.
Ngoài ra Bộ Y tế đã phối hợp với Thanh tra Chính phủ và các đơn vị liên quan triển khai Quyết định số 959/QĐ-TTCP ngày 17/4/2015 của Tổng Thanh tra Chính phủ về thanh tra công tác quản lý nhà nước về TTB&CTYT tại Bộ Y tế và các đơn vị liên quan. Phối hợp chặt chẽ với các Vụ/Cục, đơn vị chức năng của Bộ Công an để triển khai quy chế phối hợp 101/KH-BCA-BYT ngày 03/4/2014 trong điều tra về hoạt động buôn bán, nhập khẩu TTBYT của các đơn vị có hành vi và dấu hiệu vi phạm pháp luật. Phối hợp với Ban Chỉ đạo quốc gia 389 và Ban Chỉ đạo 389 của Bộ Y tế trong công tác phòng, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực TTBYT.
Bên cạnh đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Y tế, Vụ TTB&CTYT đã tổ chức 06 Hội nghị tập huấn (63 tỉnh, thành phố trực thuộc TW cho các đối tượng là lãnh đạo Sở Y tế, Ban quản lý dự án, lãnh đạo và cán bộ quản lý TTBYT, quản lý hạ tầng kỹ thuật bệnh viện từ tuyến huyện trở lên nhằm thực hiện các mục tiêu tăng cường công tác quản lý, phát huy hiệu quả đầu tư, khai thác sử dụng TTBYT và cơ sở hạ tầng kỹ thuật bệnh viện trong công tác KCB, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chấn chỉnh, kịp thời phổ biến ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực, vi phạm trong nhập khẩu, sản xuất, buôn bán và cung ứng TTBYT kém chất lượng, cũ nát (gian lận thương mại). Giúp các đơn vị, chủ đầu tư chủ động trong đầu tư, bổ sung TTBYT mới phù hợp, hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển các kỹ thuật y học trong KCB.
PV: Có ý kiến cho rằng việc ban hành văn bản quản lý TTBYT còn chậm, xin ông cho biết ý kiến về việc này?
Ông Nguyễn Minh Tuấn: Thực hiện chương trình công tác của Chính phủ năm 2013, Bộ Y tế được Chính phủ giao chủ trì và phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định về quản lý TTBYT để đáp ứng yêu cầu về quản lý theo hướng hội nhập. Ngay từ tháng 12/2013, Bộ Y tế đã xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Nghị định về quản lý TTBYT theo đúng kế hoạch (Tờ trình số 1016/TTr-BYT ngày 20/12/2013 của Bộ Y tế) và đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu giải trình ý kiến góp ý của các thành viên Chính phủ và hoàn thiện dự thảo Nghị định; Ngày 08/5/2015, Chính phủ đã có Tờ trình số 196/TTr-CP gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến về dự thảo Nghị định.
Tháng 9/2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên thứ 41 Quốc hội Khóa XIII để xem xét và thông qua Nghị định về quản lý TTBYT. Đến nay, Bộ Y tế đang hoàn thiện dự thảo Nghị định theo nội dung góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và làm việc với Ủy ban về các vấn đề xã hội để thống nhất nội dung báo cáo Chính phủ và trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Vụ cũng đã tham mưu để ban hành Thông tư số 30/2015/TT-BYT ngày 12/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc nhập khẩu TTBYT. Ban hành Thông tư số 53/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện cho các tổ chức giám định tư pháp công lập trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần để triển khai luật tư pháp.
Căn cứ Quyết định số 5102/QĐ-BYT ngày 09/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành kế hoạch “Triển khai áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 trong hoạt động của Cơ quan Bộ Y tế năm 2015”, Vụ TTB&CTYT đã xây dựng và trình ban hành 04 quy trình: (1) Tiếp nhận và thẩm định hồ sơ đăng ký lưu hành sinh phẩm chẩn đoán invitro, (2) Cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành tự do (CFS) đối với TTBYT sản xuất tại Việt Nam, (3) Cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo TTBYT,
(4) Cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành sản phẩm TTBYT sản xuất tại Việt Nam...Và nhiều văn bản quan trọng được vụ tham mưu, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và ban hành như tôi nói ở trên nhằm đáp ứng công tác quản lý TTBYT.
PV: Hiện nay có ý kiến cho rằng, trong dự thảo Nghị định đã phát sinh nhiều thủ tục hành chính mới, đặc biệt trong thủ tục cấp số đăng ký lưu hành đối với TTBYT, ý kiến của ông về vấn đề này?
Ông Nguyễn Minh Tuấn: Như đã trao đổi TTBYT là loại sản phẩm, hàng hóa đặc biệt có tác động trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh (tương tự như thuốc), cần được quản lý tốt để bảo đảm chất lượng TTBYT khi lưu hành trên thị trường, thuận lợi trong KD xuất nhập khẩu. Do vậy, để chuyển đổi cơ bản phương thức quản lý, dự thảo Nghị định đã quy định phương pháp quản lý TTBYT bằng việc cấp số đăng ký lưu hành (tương tự như Luật Dược quy định cấp số đăng ký lưu hành cho các loại thuốc).
Việc quy định cấp số đăng ký lưu hành trong dự thảo Nghị định, tuy phát sinh thủ tục mới, nhưng lại giúp doanh nghiệp làm thủ tục nhập khẩu TTBYT đơn giản hơn do không phải thực hiện các thủ tục cấp phép nhập khẩu cho từng lần nhập khẩu như hiện nay mà được thông quan ngay sau khi đã được cấp số lưu hành.
Với hình thức quản lý cấp phép theo chuyến như hiện tại, rất khó cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc truy xuất nguồn gốc, kiểm soát số lượng thiết bị được nhập khẩu, không quy định rõ trách nhiệm về chủ thể phải chịu trách nhiệm đối với chất lượng của TTBYT nên dẫn đến tình trạng gian lận thương mại, làm giả giấy phép nhập khẩu... và sau khi hết hạn bảo hành các cơ sở y tế gặp nhiều khó khăn trong việc thương thảo chi phí bảo dưỡng định kỳ hoặc sửa chữa. Bên cạnh đó, thời hạn giấy phép chỉ được 01 năm nên cũng gây ra những khó khăn cho các doanh nghiệp trong kế hoạch KD, cơ quan quản lý sẽ phát sinh nhiều việc liên quan đến việc xét duyệt hồ sơ cấp phép cho các doanh nghiệp.
Việc thay đổi phương pháp quản lý từ cấp giấy phép theo chuyến sang hình thức cấp số đăng ký lưu hành đối với các TTBYT sẽ giải quyết được các tồn tại nêu trên, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục nhập khẩu TTBYT do không phải thực hiện các thủ tục cấp phép nhập khẩu cho từng lần nhập khẩu như hiện nay mà được thông quan ngay sau khi đã được cấp số lưu hành và điều quan trọng là siết chặt được công tác quản lý chất lượng, công tác đầu tư, khai thác TTBYT nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư và sử dụng.
Bên cạnh đó tại Điều 6 và Điều 7 của Hiệp định ASEAN về TTBYT đã quy định cụ thể mà các nước thành viên ASEAN phải thực hiện và đưa ra những quy định tại từng quốc gia thành viên, trong đó có quy định: “Một TTBYT khi đưa ra thị trường của một quốc gia thành viên phải đăng ký với cơ quan quản lý của quốc gia đó” và “mỗi quốc gia thành viên yêu cầu người chịu trách nhiệm đưa TTBYT ra thị trường phải được cấp phép bởi cơ quan nhà nước của quốc gia đó trước khi các trang thiết bị y tế được bán ra tại thị trường nước mình”.
Chính vì vậy, dự thảo Nghị định đã quy định một trong các biện pháp quản lý trang thiết bị là tất cả các TTBYT đều phải cấp số đăng ký lưu hành.
PV: Xin cảm ơn ông!
Việc ban hành một văn bản quy định về quản lý TTBYT để tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý TTBYT là hết sức cần thiết, Bộ Y tế đã kiến nghị Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ cho phép ban hành sớm Nghị định về quản lý TTBYT trong giai đoạn hiện nay nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này. Sau một thời gian triển khai Nghị định sẽ tổng kết, đánh giá và nghiên cứu trình Chính phủ xây dựng dự thảo luật để quản lý vấn đề này; Hướng dẫn quy định các điều kiện kinh doanh TTBYT đã được quy định trong Luật Đầu tư năm 2014; Triển khai các nội dung quy định của Hiệp định ASEAN về TTBYT đã được Chính phủ các quốc gia thành viên ASEAN ký, cam kết thực hiện. (Sức khỏe & Đời sống (trang 3)
Cứu sống bệnh nhân bị khối u trung thất khổng lồ
Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa phẫu thuật thành công một trường hợp khối u trung thất khổng lồ chèn ép khí phế quản trên bệnh nhân (BN) cao tuổi. Đây là một ca lâm sàng phức tạp, hiếm gặp ở BN cao tuổi có nhiều bệnh kết hợp kèm theo có khối u lớn chèn ép khí phế quản gây rối loạn thông khí, chèn ép tĩnh mạch chủ trên.
Ca bệnh phức tạp
Ngày 11/11/2015, BN Nguyễn Ngọc D., 79 tuổi, có tiền sử tăng huyết áp, vết thương sọ não vào Khoa Ngoại lồng ngực Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 điều trị với triệu chứng nổi bật là tình trạng khó thở, sốt liên tục kèm theo ho khan.
Sau khi thăm khám thấy hội chứng đông đặc đỉnh phổi phải, hội chứng chèn ép tĩnh mạch chủ trên. Hình ảnh cắt lớp vi tính CT (Computed Tomography) ngực thấy khối trung thất trên bên phải kích thước 10,3x13,3x14,2cm xâm lấn đè đẩy khí quản và phế quản gốc phải ngang mức gây hẹp 70% lòng phế quản phải. Đây là một ca lâm sàng phức tạp: Bệnh nhân cao tuổi, nhiều bệnh kết hợp kèm theo có khối u lớn chèn ép khí phế quản gây rối loạn thông khí, chèn ép tĩnh mạch chủ trên. Tình trạng bệnh nhân nặng có nguy cơ tiến triển suy hô hấp.
Ngay lập tức BN được tổ chức hội chẩn với nhiều chuyên khoa liên quan như: phẫu thuật lồng ngực, chẩn đoán hình ảnh, nội hô hấp, gây mê hồi sức, hồi sức cấp cứu... Phương án điều trị được đưa ra là: Phẫu thuật lấy tối đa khối u, giải phóng chèn ép khí quản và các mạch máu lớn trong trung thất. Tuy nhiên, phẫu thuật có nhiều nguy cơ như u dính khó lấy được khối u, tổn thương các mạch máu lớn gây chảy máu, tổn thương khí quản và phế quản...
TS. Nguyễn Minh Lý - Chủ nhiệm Khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết: Do BN tuổi cao và có nhiều bệnh lý phức tạp nên về vấn đề gây mê hồi sức gặp rất nhiều khó khăn. Để đảm bảo thông khí biệt lập từng bên phổi tạo trường mổ thuận lợi, duy trì thông khí một phổi đặc biệt trên phổi người già dễ gây thiếu ôxy ưu thán, khó đảm bảo huyết động ổn định trong quá trình phẫu thuật. Thông khí một phổi trên BN cao tuổi thường gặp trở ngại do chức năng phổi kém. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp vì vậy khả năng co mạch phổi giảm, hiện tượng shunt phổi bất thường liên quan tới vấn đề thông khí khó dự báo. Sự đè đẩy khí quản, phế quản phải do khối u gây biến đổi giải phẫu đường hô hấp và gây nên khó khăn trong quá trình đặt ống nội khí quản hai nòng. Tiên lượng BN khó cai máy thở sau mổ, nguy cơ suy hô hấp, thở máy kéo dài. “Với các trường hợp hẹp khí quản trên 90%, để đảm bảo thông khí trong mổ trên thế giới thường áp dụng phương pháp chạy tuần hoàn ngoài cơ thể. Tuy nhiên, đây là phương pháp khá phức tạp, tốn kém và cũng đi kèm nhiều nguy cơ. Kíp phẫu thuật đã thảo luận, cân nhắc và đưa ra nhiều phương án để đảm bảo an toàn gây mê và thông khí cho BN” - TS. Lý cho biết.
Sau một thời gian điều trị tích cực, ngày 4/1/2016, các bác sĩ quyết định mổ vì nếu không BN sẽ suy hô hấp, đe dọa tính mạng. TS. Trần Trọng Kiểm - Chủ nhiệm Khoa Ngoại lồng ngực và TS. Nguyễn Minh Lý trực tiếp thực hiện. Trong quá trình phẫu thuật, BN đã được tiêm thuốc gây mê được lựa chọn ít ức chế tim mạch, tác dụng nhanh, tỉnh nhanh, có tác dụng giãn phế quản và bảo vệ cơ tim. Kỹ thuật đặt ống Carlen 37 nhánh trái tách hai phổi, làm xẹp phổi phải dưới sự hướng dẫn và kiểm tra bằng ống nội soi mềm đảm bảo độ chính xác cao nhất và hạn chế thấp nhất tổn thương khí phế quản. Thông khí hô hấp nhân tạo một phổi trái trong suốt quá trình phẫu thuật. BN được theo dõi, bù đủ máu dịch, cân bằng điện giải, điều chỉnh chế độ thở máy thích hợp duy trì SpO2 luôn luôn trên 95% và huyết động ổn định.
Hơn 4 giờ hồi sinh
Trải qua hơn 4 giờ phẫu thuật, khối u được lấy bỏ hoàn toàn giải phóng sự chèn ép khí quản, phế quản phải và tĩnh mạch chủ trên. Kết thúc phẫu thuật, BN D. được giảm đau toàn thân kết hợp phong bế khoang cạnh sống. Sau 30 phút theo dõi, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn và được rút ống nội khí ngay tại phòng mổ. Tiếp tục theo dõi 60 phút BN hoàn toàn ổn định: Tự thở thỏa đáng, nói và ho khạc bình thường, BN được chuyển về Khoa Hồi sức điều trị tiếp. 15 giờ sau mổ, BN ngồi dậy tập thở bóng, nói chuyện và ăn nhẹ được. * Sức khỏe & Đời sống (trang 4).