Nâng mức BHYT để tính đúng, tính đủ giá khám chữa bệnh
Ngày 14.12, tiếp tục phiên họp 18, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tiếp thu, giải trình luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường đầu tháng 1.2023.
“Bộ Y tế “ôm” cấp phép hành nghề làm gì?”
Dành hơn 1 giờ để cho ý kiến vào nhiều điều luật cụ thể, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc sửa đổi luật phải vừa tháo gỡ vướng mắc trước mắt, vừa đảm bảo phát triển lâu dài. Đặc biệt, lưu ý quy định về giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (KBCB) - từ điều 19 đến 34 dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần phải quy định lại nhiều vấn đề.
Dẫn quy định thời hạn giấy phép hành nghề 5 năm, Chủ tịch Quốc hội cho biết đây là vấn đề “rất băn khoăn, suy nghĩ” vì vừa quy định thời hạn, lại vừa quy định tước giấy phép hành nghề là không phù hợp về logic lập pháp, cũng không phù hợp về nghề nghiệp. Chủ tịch Quốc hội cho biết như trong ngành kế toán, kiểm toán, đã cấp giấy phép là hành nghề vĩnh viễn, trừ trường hợp bị tước giấy phép hành nghề.
“Trong luật này dùng tới hơn 10 điều liên quan việc này. Bộ Y tế sa hết vào chuyện quản lý hành nghề, rồi sinh ra cơ chế xin cho. Ngồi làm quản lý nhà nước có những thứ đáng lẽ mình không phải làm”, Chủ tịch Quốc hội nói và đề nghị tham khảo kinh nghiệm quốc tế.
Tương tự, với quy định về Hội đồng Y khoa quốc gia với chức năng tổ chức đánh giá năng lực hành nghề KBCB làm cơ sở cấp giấy phép, Chủ tịch Quốc hội cho rằng dự thảo quy định chưa rõ về mô hình, địa vị pháp lý của cơ quan này. “Theo luật này thì ai sẽ là người thành lập hay Quốc hội giao hết quyền cho Chính phủ quy định thì muốn ai thành lập cũng được. Không được! Tổ chức quyết định đến “sinh mạng” hàng vạn người hành nghề lĩnh vực này mà lại mù mờ thế thì không được”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và cho rằng dự thảo “chưa làm rõ cơ quan này là quản lý nhà nước hay tổ chức nghề nghiệp, hay cả hai cũng chưa rõ”.
Việc dự thảo luật quy định Hội đồng Y khoa quốc gia “tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám chữa bệnh”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng cơ quan này chỉ nên chủ trì và sử dụng sự tham gia của các tổ chức nghề nghiệp có chuyên môn như cách làm trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán. “Bây giờ Bộ Y tế “ôm” lại làm gì. Theo tôi là không nên”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Giải trình tại phiên họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay Hội đồng Y khoa quốc gia sẽ học tập Hội đồng Giáo sư nhà nước, Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ làm chủ tịch hội đồng. Hội đồng Y khoa cũng chỉ đảm nhận một số khâu chứ không phải tất cả các khâu liên quan thi cử, cấp giấy phép hành nghề. Trong đó, quan trọng nhất là ra được ngân hàng câu hỏi để đánh giá năng lực hành nghề.
Về việc cấp giấy phép hành nghề, Phó thủ tướng cho hay các nước giấy phép hành nghề KBCB đều có thời hạn và quy định thời hạn là hợp lý. Còn về cơ quan cấp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng ý kiến của Chủ tịch Quốc hội là hợp lý, “đẩy ra bên ngoài làm thì sẽ nhẹ đi” và nhấn mạnh sẽ quy định cụ thể để việc gia hạn phải rất đơn giản, không phát sinh tiêu cực.
Không nên áp mức trần với giá khám chữa bệnh
Góp ý về giá dịch vụ KBCB tại điều 110 dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị phải làm rõ nhiều nội dung như “giá trị vô hình của thương hiệu” như một yếu tố của giá dịch vụ khám, chữa bệnh hay “chi phí khác liên quan tới hoạt động KBCB” trong các loại chi phí của giá thành dịch vụ KBCB, không nên “mù mờ” sẽ gây khó khăn trong thực hiện.
Liên quan quy định giá tối đa dịch vụ KBCB đối với cơ sở khám chữa bệnh nhà nước, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng nên rà soát, sửa lại. Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp cận theo hướng quy định giá dịch vụ khám, chữa bệnh gồm những gì; nguyên tắc tính đúng, tính đủ; và Chính phủ hoặc Bộ Y tế công bố lộ trình tính đúng, tính đủ giá KBCB đối với dịch vụ KBCB bằng BHYT.
Chủ tịch Quốc hội cho biết hiện chỉ mới tính chi phí nhân công và hàng hóa trong giá thành dịch vụ KBCB, vẫn còn 2 chi phí khấu hao và quản lý chưa được tính giá KBCB vì mệnh giá BHYT quá thấp. Theo Chủ tịch Quốc hội, mệnh giá BHYT của Việt Nam giờ khoảng 40 - 50 USD, trong khi danh mục thì rất nhiều. Giờ muốn nâng lên để tính đúng, tính đủ giá KBCB thì liên quan tới khả năng chi trả của người dân và cả khả năng chi trả của nhà nước. Do đó, cần phải có lộ trình và tính toán khả năng chi trả của người dân.
Còn các dịch vụ khám chữa bệnh dịch vụ, theo yêu cầu, Chủ tịch Quốc hội cho rằng nên để vận hành theo nguyên tắc thị trường. “Mình đặt cái trần vào đó thì ai người ta làm được”, Chủ tịch Quốc hội nói và cho rằng vấn đề này còn liên quan tới khả năng tiếp cận dịch vụ, việc lạm dụng khoa học công nghệ… song nhà nước chỉ nên điều tiết chứ không nên cấm đoán. “Đây là quan điểm lớn về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhà nước lo cho người nghèo, thu nhập thấp thôi. Người có khả năng chi trả thì thị trường quyết định, nhà nước không can thiệp. Cơ sở nào tốt, dịch vụ tốt, giá cả phải chăng thì người ta vào, không thì thôi”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Giải trình vấn đề này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ đồng tình với Chủ tịch Quốc hội, cho rằng phải tăng được mệnh giá BHYT lên. “Hiện, chúng ta mới có một mức, còn các mức khác đều do các công ty bảo hiểm tư nhân bán. Nếu chúng ta không tăng lên được thì chúng ta sẽ bị sức ép. Bởi vì thuốc men, vật tư, thiết bị, máy móc thì theo giá quốc tế mà mệnh giá bảo hiểm của chúng ta quá thấp thì không thể nào làm được”, ông Đam phân tích và cho rằng: “Bây giờ được Chủ tịch Quốc hội lại rất hiểu thì cơ quan soạn thảo phải đưa vào, nếu không sẽ rất khó cho ngành y tế” (Thanh niên, trang 4).
Cả nước có thêm 320 ca Covid-19, còn 48 bệnh nhân phải thở ô xy
Chiều 14-12, theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 320 ca mắc Covid-19 (giảm 46 ca so với ngày trước đó). Ngoài ra, có thêm 129 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh và còn 48 bệnh nhân nặng đang phải thở ô xy.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.521.708 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.436 ca nhiễm).
Về tình hình điều trị, có thêm 129 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 10.609.912 ca. Ngoài ra, hiện có 48 bệnh nhân đang thở ô xy, trong đó có 42 ca thở ô xy qua mặt nạ, 1 ca thở ô xy dòng cao HFNC và 5 ca thở máy xâm lấn.
Về số bệnh nhân tử vong, hiện chưa ghi nhận thêm ca mắc Covid-19 tử vong.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay vẫn là 43.179 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 quốc gia, vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 139/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 21/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 3 ASEAN).
Về tình hình tiêm chủng, theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 264.990.910 liều, trong đó tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 223.138.005 liều; tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.848.923 liều và tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 18.003.982 liều (Hà Nội mới, trang 7).
Tiền Giang: Bệnh viện nghìn tỉ xây xong để đấy
Dự án công trình Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang đã hoàn thành và bàn giao đã lâu nhưng vẫn chưa thể đưa vào hoạt động do gặp khó khăn trong việc tổ chức đấu thầu để di dời các trang thiết bị y tế từ bệnh viện cũ sang bệnh viện mới.
Mỏi mòn chờ bệnh viện mới
Theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, hiện tại, Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang (phường 1, TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) đã xuống cấp, một số giường bệnh đã rỉ sét, đặc biệt là hành lang lối đi phải tận dụng để làm giường bệnh. Bên cạnh đó, khuôn viên của Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang cũng được tận dụng làm bãi giữ xe.
Tuy nhiên, Dự án bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang đã xây dựng hoàn thành nhưng lại chưa thể đưa vào hoạt động do vướng mắc trong công tác di dời khiến người dân ngao ngán.
Ông Phan Văn Mới (ngụ ở tỉnh Tiền Giang) cho biết, Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang đã xuống cấp.
Tất cả diện tích trong khuôn viện của bệnh viện được khai thác, tận dụng tối đa để thực hiện công tác khám, chữa bệnh. Người dân chỉ mong di dời bệnh viện càng sớm càng tốt, có cơ sở khang trang để người dân đi khám, chữa bệnh được tốt hơn.
Tương tự như ông Mới, nhà gần Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang mới xây dựng xong, ông Nguyễn Văn Cừ (ngụ ở TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) cho biết, Dự án công trình Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang đã hoàn thành nhưng không thể đưa vào sử dụng khiến người dân rất bức xúc. Rất mong cơ quan chức khẩn trương chỉ đạo để Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang mới sớm đưa vào sử dụng, tạo điều kiện cho người dân có nơi khám, chữa bệnh và điều trị khang trang.
Vẫn chưa thể di dời
Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, các gói thầu thi công Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang đã hoàn thành đúng tiến độ.
Cụ thể, các hạng mục thi công sang nền, hạ tầng kỹ thuật, nền đường, vỉa hè cây xanh, thi công xây dựng và mua sắm lắp đặt thiết bị trạm biến áp đã hoàn thành tháng 11 năm 2021. Đối với các hạng mục thi công xây dựng và mua sắm lắp đặt thiết bị công trình chính gồm 4 khối nhà và công trình phụ trợ hạng mục hạ tầng kỹ thuật cũng đã hoàn thành nghiệm thu từ tháng 3 năm 2021.
"Đến ngày 25.7.2022 chủ đầu tư đã bàn giao Dự án công trình Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang cho đơn vị thụ hưởng để đưa vào khai thác, sử dụng. Nhưng đến nay bệnh viện này vẫn chưa đưa vào hoạt động" - ông Vĩnh cho hay.
Theo ông Vĩnh, nguyên nhân Dự án công trình Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang chậm đưa vào hoạt động do phải tiến hành di dời hơn 600 hạng mục thiết bị từ Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang cũ sang Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang mới.
Tuy nhiên, thời gian qua, việc tổ chức đầu thầu để di dời các trang thiết bị đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang mới xây gặp nhiều khó khăn, ít có nhà thầu tham gia.
Qua nhiều lần gia hạn đấu thầu, đến nay vẫn mới tổ chức đấu thầu được 1/3 gói thầu. Đặc biệt, 2 gói thầu cần phải di dời là hệ thống không lắp đặt và các hệ thống máy lắp đặt quy mô lớn, quan trọng, rất khó chọn được nhà thầu do công tác này rất khó khăn, phức tạp; việc di dời phải tháo gỡ máy móc và phải được sự chấp thuận từ các hãng cung cấp thiết bị ngoài nước.
Bên cạnh đó, các nhà thầu ngại trách nhiệm nên không tham gia vì máy đã qua sử dụng lại có giá trị lớn và ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Tiền chi cho di dời thì không bao nhiêu nhưng trách nhiệm lại rất lớn.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh cũng cho biết thêm, trong thời gian tới, UBND tỉnh Tiền Giang tiếp tục chỉ đạo khẩn trương để sớm đưa bệnh viện mới đi vào hoạt động (Lao động, trang 3).
Ứng phó của ngành y tế trong năm 2023
Ngày 14.12, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã có văn bản gửi giám đốc các đơn vị trực thuộc và giám đốc bệnh viện (BV) ngoài công lập về định hướng phát triển và hoạt động của ngành y tế TP.HCM năm 2023.
Theo đó, ngành y tế triển khai đồng bộ 3 nhóm mục tiêu giai đoạn 2023 - 2025 và những năm tiếp theo: Nâng cao năng lực y tế cơ sở; nâng cao năng lực BV quận, huyện và BV tuyến TP; phát triển và nâng cao năng lực hệ thống cấp cứu ngoại viện. Có 5 đề án lớn và 10 nhóm hoạt động trọng tâm của ngành y tế sẽ triển khai năm 2023.
Mặt khác, trong năm 2023, dự báo tình hình dịch bệnh truyền nhiễm và các loại dịch bệnh mới nổi vẫn còn là thách thức lớn đối với ngành y tế.
Các biến thể mới của SARS-CoV-2 liên tục xuất hiện trên thế giới, diễn tiến dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp khó dự đoán, đòi hỏi TP không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.
Bên cạnh đó, các bệnh không lây, đặc biệt là các bệnh mắc phải do hành vi, lối sống không lành mạnh sẽ tiếp tục là gánh nặng đối với sức khỏe của người dân TP, người dân mắc các bệnh này cần phải được phát hiện sớm, được điều trị và quản lý tốt. Một hoạt động giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân TP và góp phần giảm tỷ lệ tử vong chung đó là triển khai “Gói can thiệp thiết yếu đối với các bệnh không lây nhiễm của Tổ chức Y tế thế giới” (gọi tắt WHO PEN).
Ngoài ra, công tác phát hiện và chăm sóc người mắc bệnh tâm thần, nhất là bệnh trầm cảm đang có khuynh hướng gia tăng tỷ lệ mắc sau đại dịch Covid-19 cũng là một hoạt động ưu tiên đẩy mạnh triển khai trong năm 2023 (Thanh niên, trang 10).