Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 15/6/2016

  • |
T5g.org.vn - Miền Bắc nắng nóng đỉnh điểm: Người già, trẻ em nhập viện tăng đột biến; Nhiều bức xúc với dịch vụ y tế; Không nên hoang mang về thông tin phenol gây ung thư…

Miền Bắc nắng nóng đỉnh điểm: Người già, trẻ em nhập viện tăng đột biến

Chỉ sau 2 ngày miền Bắc, trong đó có Hà Nội nắng nóng như thiêu đốt, trẻ em, người già nhập viện đã tăng đột biến tại các bệnh viện tuyến trung ương.

Bệnh viện quá tải

Ngày 14.6, bác sĩ Trần Minh Điển - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư thông tin, mấy ngày nay, số lượng trẻ đến khám tại Bệnh viện Nhi T.Ư gia tăng, mỗi ngày khoa Khám bệnh tiếp nhận khoảng 2.500-3.000 bệnh nhi đến khám. Nhiều gia đình không đưa người bệnh đi khám ở tuyến tỉnh mà cho lên thẳng Hà Nội để yên tâm hơn. Do vậy, bệnh viện luôn rơi vào tình trạng quá tải, căng thẳng. Đa số trẻ đều mắc các triệu chứng ho kéo dài, sốt cao, nôn trớ tiêu chảy. Nhiều trẻ đã ốm bệnh kéo dài nhiều ngày mới được các bố mẹ đưa đến khám.

Bác sĩ Điển khuyến cáo, các ngày nắng nóng trẻ dễ bị viêm đường hô hấp, tiêu chảy, ngoài ra còn gia tăng các bệnh do virus như viêm não, tay chân miệng…

Bác sĩ Điển cũng cho biết, khi con có triệu chứng sốt cao, nôn trớ, tiêu chảy, ho thì cha mẹ nên đưa con đi khám ngay. Còn nếu chưa kịp đưa trẻ đi viện thì cần dùng thuốc hạ sốt cho trẻ theo khuyến cáo ghi trên vỏ thuốc. Nếu trẻ tiêu chảy cũng cần bù nước bằng nước Oresol, tránh để trẻ mất nước, kiệt sức hoặc sốt cao kéo dài rất nguy hiểm.

“Không nên đưa trẻ con ra vào phòng điều hoà nhiều lần. Vì cứ mỗi lần ra vào, sự chênh lệch nhiệt độ khiến trẻ dễ bị sốc nhiệt (nóng quá) hoặc viêm phổi (lạnh quá), rất nguy hiểm cho sức khoẻ của trẻ” – bác sĩ Điển lưu ý.

Tại Bệnh viện Lão khoa, bác sĩ Trần Viết Lực - Phó Trưởng khoa Khám bệnh cho biết, lượng bệnh nhân của bệnh viện tăng khoảng 10-20% so với thời gian trước (400-500 bệnh nhân/ngày).

Gia tăng ngộ độc thức ăn

Bác sĩ Ngô Minh Nguyệt – Trưởng khoa Da liễu (Bệnh viện Bạch Mai) cũng cho biết, trời nóng khiến người dân đến khám với các triệu chứng ngứa ngáy, mẩn đỏ, sẩn mề đay gia tăng, chiếm 10-20% số ca bệnh đến khám hàng ngày. Nguyên nhân do trời nắng nóng làm giãn mạch, các tế bào cũng hô hấp nhiều hơn, da tiết mồ hôi nhiều, cùng với bụi bặm, nắng gắt càng da tăng các phản ứng dị ứng. Thời tiết nắng nóng cũng làm gia tăng các độc tố trong thức ăn, do đó người bị dị ứng bởi thức ăn cũng tăng.

TS-BS Vũ Thị Thanh Huyền - Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết: “Đợt nắng nóng gay gắt này khiến người cao tuổi chưa thể thích nghi được. Người già và trẻ em là hai đối tượng chính của nhiều loại bệnh trong thời điểm giao mùa. Vì thế những người ở lứa tuổi này cần giữ gìn và nâng cao đề kháng cho cơ thể bằng các biện pháp tăng hàm lượng dinh dưỡng trong các bữa ăn lên”.

“Người dân nên tăng cường vệ sinh thân thể, mặc quần áo thoáng mát, thấm mồ hôi; vệ sinh môi trường sống, tăng cường ăn uống các đồ mát, nước chanh, nước cam, đồ ăn mềm có chất dinh dưỡng cao, nghỉ ngơi đầy đủ, đồng thời tập thể dục để cơ thể bài tiết mồ hôi, giải độc tố” – bác sĩ Nguyệt cho biết.

Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đề nghị các cơ sở y tế cung cấp kiến thức cho người lao động và chủ lao động trên địa bàn hiểu và biết phòng tránh tác hại do nắng nóng gây ra đối với sức khỏe con người như say nóng, say nắng, rối loạn thân nhiệt, mất nước, ngất, kiệt sức, gia tăng bệnh hô hấp, tim mạch, đột quỵ, gia tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm, sốt cao co giật…

Ông Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, những người lao động làm việc ngoài trời như công nhân, nông dân, lao động tự do cần phải đề phòng sốc nhiệt trong trời nắng nóng.

( Nông thôn ngày nay trang 3, Gia đình & xã hội trang 7)

 

Nhiều bức xúc với dịch vụ y tế

Ngày 14/6, tại đối thoại chính sách” Đổi mới thể chế trong cung ứng dịch vụ công ở Việt Nam” do Bộ KH&ĐT tổ chức, đại diện các bộ ngành cho rằng, cần minh bạch việc quản trị bệnh viện công lập để nâng cao chất lượng. Đồng thời giải quyết tình trạng đa số người dân bức xúc với dịch vụ y tế…( Tiền phong trang 6)

 

Không nên hoang mang về thông tin phenol gây ung thư

Ngày 14 – 6, phản ứng trước thông tin cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Trị phát hiện hàng chục tấn cá nục bị nhiễm chất phenol c ó thể gây ung thư cho người sử dụng, TS Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng Cục An Toàn Thực Phẩm, Bộ Y tế cho biết, phenol không có tác dụng gì trong thực phẩm nên họ không sử dụng trong chế biến thực phẩm. Ở một số nơi họ sử dụng làm hương liệu thực phẩm vì phenol có mùi thơm. Hàm lượng phải rất cao mới có thể gây chết chuột thí nghiệm, cả thế giới hiện nay chưa có quy định nào về ngưỡng…( Sài gòn giải phóng trang 6)

 

Tôn vinh 100 người hiến máu tình nguyện

Chiều 14-6, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện đã tôn vinh 100 người hiến máu tình nguyện tiêu biểu Việt Nam 2016, trong đó có rất nhiều người từng hiến máu từ 60 lần trở lên.

Trân trọng sự chia sẻ và góp sức của tất cả những người hiến máu vì sức khỏe nhân dân, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, việc hiến máu nhiều lần, cứu sống nhiều người bệnh rất đáng khâm phục.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, lượng máu tiếp nhận được ở nước ta mới đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu cho cấp cứu, điều trị, nếu không có người hiến máu thì nhiều phương pháp điều trị không thể triển khai, người bệnh cần máu khó qua khỏi cơn nguy cấp.( An ninh thủ đô trang 2, Nhân dân trang 3, Sức khỏe & đời sống trang 2)

 

Những thầy thuốc mang quân hàm xanh ở Bù Đốp

Trong công tác kết hợp quân - dân y bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân và bộ đội trong giai đoạn mới, các đơn vị quân - dân y thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước đã tích cực khắc phục những khó khăn, thiếu thốn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong đó, hai trạm xá quân - dân y nằm trên địa bàn huyện Bù Đốp đã nhiều năm hoàn thành tốt nhiệm vụ, được đồng bào các dân tộc tại địa phương tin yêu.

Dân cần là có

Nằm trong khu vực tập trung đông đồng bào dân tộc Xtiêng sinh sống của ấp Bù Tam, xã Hưng Phước, Trạm xá quân - dân y Bù Tam thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoàng Diệu đã trở thành nơi gửi gắm niềm tin và hy vọng khi ốm đau, bệnh tật của bà con từ gần 10 năm nay. Trong vài giờ đồng hồ buổi chiều, chúng tôi ghé thăm trạm xá đã có gần 10 người qua để khám bệnh và xin thuốc. Ngoài những trường hợp đi khám bệnh ngẫu nhiên, trạm cũng thường xuyên chăm sóc và cấp thuốc cho những người dân bị bệnh mãn tính. Cầm trên tay bọc thuốc do trạm xá cấp, cụ Điểu Thị Sơn (70 tuổi) xúc động nói: "Già lớn tuổi rồi nên nhiều bệnh lắm, hay đau đầu, nhức khớp, viêm họng... Gia đình cũng khó khăn cho nên không đi xa để chữa bệnh được. Cũng may là cán bộ ở trạm xá này có cái bụng tốt nên sức khỏe của già ngày càng khá hơn...". Ngoài những trường hợp kể trên, Trạm cũng thường xuyên phải xử lý những ca bệnh đột xuất vào ban đêm. Trung úy, y sĩ đa khoa Cao Văn Phương, Trạm trưởng Trạm quân - dân y Bù Tam nhớ lại: "Có lần, gần nửa đêm, trong khi trời đang mưa tầm tã thì có một bà cụ tới trạm xá xin thuốc cho người cháu đang bị sốt ở nhà. Tôi nhanh chóng lấy xe máy chở bà cụ về nhà, cách trạm xá khoảng ba km, mang theo nhiệt kế, dụng cụ đo huyết áp, que gỗ khám họng... Với kinh nghiệm đã có, tôi xác định người cháu của bà bị sốt rét, một căn bệnh phổ biến ở vùng đất này. Tôi liền quay về Trạm lấy thêm dụng cụ xác định (test) sốt rét và thuốc điều trị rồi trở lại nhà bà cụ...”.

Tuân thủ nguyên tắc “Người dân bị bệnh kêu lúc nào, ở đâu thì cán bộ y tế cũng phải đến”, Trạm xá quân - dân y Phước Thiện ở thôn Mười Mẫu, xã Phước Thiện thuộc Đồn Biên phòng Đác Quýt cũng để lại nhiều tình cảm đẹp trong lòng đồng bào dân tộc thiểu số ở địa bàn. Mới sáng sớm, để có thể chữa trị kịp thời cho cụ Điểu Thị Đinh (bị gai cột sống mãn tính), Đại úy, bác sĩ Vũ Văn Thống Trạm trưởng Trạm quân - dân y Phước Thiện đã chạy xe máy tới nhà cụ Đinh rồi chở cụ tới Trạm để khám và tiêm thuốc... Bác sĩ Thống tâm sự: "Bà con ở đây còn nghèo khổ, không ít gia đình chưa có nhà để ở mà còn sống trong chòi, còn du canh du cư, hái lượm... Vì vậy, đối với đồng bào, mình phải “thương thì thương cho trót”, bà con bị bệnh ở đâu và lúc nào thì mình cũng hết sức cố gắng chạy tới và xử lý kịp thời...". Sau khi được tiêm thuốc giảm đau, cụ Đinh cảm động: "Không chỉ già mà cả gia đình già đều biết ơn cán bộ lắm! Nhờ có cán bộ ở trạm xá mà vợ chồng già còn sống được, chứ tiền bạc đâu mà đi chữa bệnh". Còn già làng Điểu Dương ở xã Hưng Phước xúc động: Đến nay dù những hủ tục nguy hiểm đã vắng bóng, nhưng nếu không có cán bộ biên phòng và trạm xá quân - dân y thì cuộc sống bà con mình vẫn sẽ còn nhiều khốn khổ. Bà con ở vùng biên giới này rất cảm ơn Đảng, cảm ơn cán bộ".

Chữa bệnh gắn với an dân

Trạm xá quân - dân y Phước Thiện nằm lọt thỏm giữa những cánh rừng cao-su, muốn tới Trạm xá phải vượt qua con đường mới trải sỏi cấp phối ngoằn ngoèo gần 10 km, trước đó là đường đất đỏ, mưa thì sình lầy, nắng thì bụi mù trời… Nước sạch (giếng khoan) cũng mới có đầu năm nay mà phải sử dụng nhờ giếng khoan của trường tiểu học bên cạnh, trước đó sử dụng nước mưa hoặc nước ao, còn điện lưới thì có hơn một năm... Đại úy, bác sĩ Vũ Văn Thống là nhân sự y tế duy nhất được tăng cường từ Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An về trạm xá từ tháng 5-2013. Gia đình anh Thống ở huyện Quế Phong (Nghệ An). Do xa xôi và hoàn cảnh gia đình còn khó khăn nên hơn ba năm nay, vợ con chưa thể vào thăm anh được mà mỗi năm anh được về phép một hoặc hai lần. Trung úy Cao Văn Phương, dù gia đình ở huyện Lộc Ninh (Bình Phước), nhưng nhà cách Trạm xá khoảng 40 km và do yêu cầu công việc nên anh cũng chỉ được về phép mỗi tháng một lần, có khi hai tháng mới được về. Vợ anh Phương cũng làm nhân viên y tế ở một trường mầm non nên rất đồng cảm với anh.

Cùng với việc khám, chữa bệnh cho đồng bào các dân tộc, các trạm xá quân - dân y cũng thường xuyên phối hợp hai trưởng trạm y tế xã tiêm chủng vắc-xin; vận động người dân ngủ trong mùng chống muỗi; tuyên truyền, phổ biến những chủ trương, chính sách và quy định pháp luật... Bênh cạnh đó, Đội vận động quần chúng còn thường xuyên giúp dân trồng cũng như thu hoạch lúa, hoa màu, hồ tiêu...; giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai... Trong sáu tháng đầu năm nay, hai Đồn Biên phòng Hoàng Diệu và Đác Quýt còn vận động quần chúng triển khai tốt chương trình “Hũ gạo tình thương”, nhận đỡ đầu các em học sinh người dân tộc thiểu số nghèo hiếu học trên địa bàn… Nhờ vậy, những năm gần đây, tình hình an ninh chính trị, an ninh trật tự ở các xã biên giới của huyện Bù Đốp được giữ vững và bình yên.(  

Nhân dân trang 4)

 

Bệnh viện Bưu điện tư vấn, khám vô sinh miễn phí cho 200 cặp vợ chồng

Thông tin này được đưa ra tại Hội thảo tư vấn nâng cao nhận thức về vô sinh hiếm muộn và cập nhật hỗ trợ sinh sản được tổ chức tại Bệnh viện Bưu điện sáng 14/6, tại Hà Nội.

Kể từ đầu năm 2016 đến nay, bệnh viện đã tiến hành khám và tư vấn cho trên 1.000 cặp vợ chồng hiếm muộn, thực hiện hỗ trợ sinh sản cho gần 500 cặp. Tỷ lệ thành công hiện nay khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản của bệnh viện rất cao, từ 50 - 60%. Đặc biệt, trong năm 2015, bệnh viện đã thực hiện thành công những ca khó cho bệnh nhân lớn tuổi, trong đó có trường hợp bệnh nhân nữ 52 tuổi.

BS Nguyễn Thị Nhã, Trưởng trung tâm Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Bưu điện) cho biết: Ngày nay, những cải tiến vượt trội trong điều trị hiếm muộn và kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đã biến ước mơ có con của nhiều cặp vợ chồng thành hiện thực. Bệnh viện vừa thực hiện thành công IVF cho một gia đình mà vợ 53 tuổi và chồng 54 tuổi tại Hà Nội. Hiện em bé đã được 5 tháng tuổi. Trước đó, nữ bệnh nhân này đã từng sẩy thai 3 lần do nội tiết tố, vợ chồng họ đã tìm cách có con suốt 10 năm trời. ( Gia đình & xã hội trang 6, Sức khỏe & đời sống trang 2)

 

Bà Rịa – Vũng Tàu: Tìm giải pháp giảm tai biến sản khoa

Tại Bệnh viện Bà Rịa (Vũng Tàu), Sở Y tế tỉnh vừa tổ chức hội thảo “Giảm tai biến sản khoa”. Tại Hội thảo, các bác sĩ đầu ngành sản khoa của tỉnh đã trình bày, phân tích tình hình tai biến sản khoa xảy ra trên địa bàn tỉnh từ năm 2011 - 2015, đồng thời trao đổi một số giải pháp nhằm giảm thiểu tai biến này cho sản phụ.

Các báo cáo tại Hội thảo tập trung vào các vấn đề: Đánh giá và xử lý trường hợp băng huyết sau sinh, tiên lượng và hồi sức bệnh nhân xuất huyết nặng; quy trình chẩn đoán, xử lý cấp cứu và chuyển tuyến điều trị bệnh lý sản phụ khoa thuộc tuyến huyện; quy trình phối hợp trước và trong quá trình chuyển dạ; công tác quản lý thai tại cộng đồng…

Được biết, từ năm 2011 - 2015, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 143 trường hợp tai biến sản khoa, trong đó 14 trường hợp sản phụ tử vong.( Gia đình & xã hội trang 6)

 

Bệnh nhân sốt xuất huyết tăng cao ở Đắk Lắk

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế TP Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk: Tính đến 6/6, toàn thành phố đã có 228 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng gấp 8 lần so với cùng thời điểm 2015. Trong đó, xã Ea Tu có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất với 45 ca, tiếp đó là xã Hòa Thuận với 20 ca.

Để ngăn ngừa bệnh lây lan trên diện rộng, từ đầu năm đến nay, Trung tâm Y tế thành phố đã tổ chức 2 đợt phun thuốc dập dịch tại những địa bàn có số ca sốt xuất huyết cao. Do bệnh diễn biến phức tạp, ngành Y tế thành phố đang đẩy mạnh theo dõi, giám sát các ổ dịch bệnh, số ca mắc bệnh, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức phòng, chống sốt xuất huyết.( Gia đình & xã hội trang 7)

 

Dừng lưu thông 2 lô rau và đậu của Anh

Cục ATTP- Bộ Y tế vừa thông báo về việc dừng lưu thông 2 lô sản phẩm hạt đậu xanh hữu cơ TV thuộc (công ty: AEON TOPVALU), trọng lượng 250g/ gói; số lô: 4901810005444; nhà nhập khẩu: Công ty TNHH AEON Topvalu (HongKong). Sản phẩm Rau hỗn hợp TV GE thuộc (công ty AEON TOPVALU; trọng lượng: 250g/gói; Số lô: 4901810005420; nhà nhập khẩu: Công ty TNHH AEON Topvalu (HongKong).

Cục an toàn thực phẩm, sau khi đã tiến hành rà soát tình hình nhập khẩu các sản phẩm này tại Việt Nam. Kết quả như sau: Từ năm 2013 đến nay, chưa có sản phẩm nêu trên công bố tại Cục An toàn thực phẩm. Cục An toàn thực phẩm sẽ tiếp tục giữ liên hệ với Cơ quan Tiêu chuẩn thực phẩm của Anh để cập nhật thông tin và thông báo kịp thời đến người tiêu dùng.(  Sức khỏe & đời sống trang 2)

 

Cứu sống bệnh nhân mắc bệnh lý tim mạch lần đầu ghi nhận ở VN

Ngày 14.6, bác sĩ CKII Nguyễn Thái An – Trưởng khoa Phẫu thuật tim, Bệnh viện Chợ Rẫy, THCM – thông tin về ca bệnh hy hữu mà các bác sĩ vừa điều trị thành công. Bệnh nhân là ông Huỳnh Văn Ánh (56 tuổi, ngụ ở tỉnh Hậu Giang). Ông được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng đau ngực tăng dần. Qua các xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị phù phổi cấp, nhồi máu cơ tim cấp… Sau mổ, hồi sức tích cực nên sức khỏe dần hồi phục và được xuất viện. Theo y văn thế giới, bệnh nhân mắc bệnh lý nhồi máu cơ tim cấp tùy theo thể nặng nhẹ, có tỉ lệ tử vong từ 40 – 50%.( Lao động trang 2)

 

Nhíp kim loại nằm trong ổ bụng một tháng

Bệnh viện T.Ư Huế ngày 14/6 cho biết, vừa phẫu thuật nội soi thành công lấy dị vật là một chiếc nhíp nhổ râu dài khoảng 8 cm từ ổ bụng của một nam bệnh nhân 29 tuổi. Đây là ca phẫu thuật khó, do bệnh nhân nuốt dị vật này vào bụng gần cả tháng trời, khiến tá tràng viêm dính nhiều sát vào thành bụng.

Bệnh nhân Trần Kim H. (SN 1987), trú tại thị xã Hương Trà (TT-Huế), nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội và với mức độ đau tăng dần không thuyên giảm. Qua kiểm tra, bệnh nhân H. đã nuốt phải dị vật là chiếc nhíp kim loại vào ổ bụng trong khoảng thời gian gần 1 tháng trước đó. Các bác sĩ thăm khám và tiến hành lấy dị vật bằng nội soi qua đường miệng nhưng không thành công.

Sau đó, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật bằng phương pháp nội soi qua ổ bụng để lấy dị vật. Ngày 13-6, ê-kíp ca phẫu thuật do Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Xuân Đông (khoa Ngoại - Nhi - Cấp cứu bụng của Bệnh viện T.Ư Huế) cùng ê-kíp gây mê của bác sĩ Nguyễn Trung Hậu thực hiện. Sau hơn một giờ, các bác sĩ đã phẫu thuật thành công, đưa chiếc nhíp ra khỏi ổ bụng bệnh nhân H.( Tiền phong trang 6)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang