Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 15/7/2017

  • |
T5g.org.vn - Thay Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận; Phát hiện, dập kịp thời các ổ dịch bệnh; Phát hiện lượng lớn thuốc, vật tư y tế không rõ nguồn gốc; Áp dụng kỹ thuật nội soi mới trong phẫu thuật thoát vị bẹn; …

 

Phát hiện, dập kịp thời các ổ dịch bệnh

Bên cạnh yếu tố thời tiết đang diễn biến bất thường (nóng ẩm, mưa nhiều) thì sự giao lưu rộng rãi giữa các quốc gia, giữa các vùng trong cả nước; tập quán sinh hoạt còn lạc hậu của người dân... được cho là những điều kiện thuận lợi để các loại dịch bệnh mùa hè như: cúm, viêm não vi-rút, dại, viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết (SXH) gia tăng trong thời gian gần đây.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Trong sáu tháng đầu năm 2017, cả nước có hơn 45 nghìn người mắc SXH, trong đó có 14 người chết. So với cùng kỳ năm trước, số người mắc tăng 0,3%; số người chết tăng hai người. Số người mắc chủ yếu tập trung tại khu vực miền nam, miền trung và TP Hà Nội. Hiện cả nước có 10 tỉnh, thành phố có số mắc SXH tích lũy/100 nghìn dân cao là: Ðà Nẵng, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Quảng Nam, Bình Thuận, Sóc Trăng và Ðồng Nai. Ðáng lo ngại, tại TP Hà Nội, từ đầu năm đến nay có 4.147 người mắc SXH (tăng 300% so với cùng kỳ năm 2016), trong đó có một người chết. Bên cạnh dịch bệnh SXH, có 367 người mắc viêm não vi-rút, 10 người chết. Và mặc dù số người chết do bệnh dại giảm so với cùng kỳ, nhưng cả nước vẫn có 35 người chết. Ðáng chú ý, tất cả các trường hợp chết do bệnh dại đều không đi tiêm phòng sau khi bị chó cắn.

Theo Cục trưởng Y tế dự phòng Trần Ðắc Phu, nguyên nhân dẫn đến các dịch bệnh truyền nhiễm mùa hè có xu hướng gia tăng thời gian qua là do thời tiết, khí hậu, nhiệt độ diễn biến bất thường, nóng ẩm, mưa nhiều là điều kiện để muỗi và véc-tơ truyền bệnh phát triển mạnh. Sự giao lưu mạnh mẽ giữa các quốc gia, giữa các vùng trong cả nước; tập trung đông người tại các điểm vui chơi, giải trí, du lịch; tập quán sinh hoạt còn lạc hậu của người dân... khiến dịch bệnh mùa hè có nguy cơ bùng phát cao.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch; thành lập 145 đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch (trong đó có bảy đoàn của T.Ư và khu vực). Bên cạnh đó, đã có 39 tỉnh, thành phố tổ chức các chiến dịch diệt bọ gậy để phòng, chống dịch bệnh SXH. Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè, nhất là dịch bệnh SXH tại các địa phương hiện vẫn còn không ít khó khăn. Như tại Hà Nội (địa phương có sự lưu hành của muỗi Aedes trong nhiều năm nay), với điều kiện thời tiết thay đổi thất thường, nắng nóng, xen kẽ các đợt mưa và tình hình đô thị hóa, mật độ dân cư cao, nhiều nhà trọ, công trường xây dựng, điều kiện vệ sinh kém, sẽ là điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh SXH phát triển. Ðáng lo ngại, còn một bộ phận không nhỏ người dân chưa phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc xử lý môi trường, diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi. Nhiều hộ gia đình khi cán bộ y tế đến phun hóa chất diệt muỗi thường cố tình đóng cửa, hay chỉ cho phun hóa chất khu vực ngoài nhà, ở tầng một. Kiểm tra tại các hộ dân cư, khu tập thể, có đến 40% số bể chứa nước là bể xi-măng không có nắp đậy. Công tác chỉ đạo của chính quyền một số địa phương chưa thật sự quyết liệt; chưa huy động được người dân tham gia vệ sinh môi trường tại các ngõ, phố, nhất là tại các khu đất trống bỏ hoang.

Cục trưởng Y tế dự phòng Trần Ðắc Phu cho rằng: Ðể chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa hè kịp thời, Bộ Y tế đề nghị ngành y tế các địa phương cần tập trung, chủ động giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để ổ dịch. Tiếp tục kiện toàn, tăng cường các hoạt động của đội chống dịch cơ động; kịp thời thu dung, cách ly, điều trị người bệnh bảo đảm không để lây nhiễm chéo và giảm tải cho các cơ sở điều trị. Bên cạnh đó, ngành y tế sẽ tập trung tăng tỷ lệ tiêm chủng trong cả nước, loại bỏ vùng lõm về tiêm chủng; đẩy mạnh chiến dịch tiêm vắc-xin viêm não; tăng cường khả năng tiếp cận điểm tiêm vắc-xin phòng dại cho người dân, cũng như đa dạng hóa nguồn cung cấp vắc-xin bảo đảm đầy đủ và kịp thời…

Ðối với công tác phòng, chống dịch bệnh SXH, Bộ Y tế đề nghị các Sở Y tế tiếp tục tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố bổ sung kinh phí cho hoạt động phòng, chống dịch, không để xảy ra tình huống thiếu thuốc, hóa chất, máy phun... Tổ chức chiến dịch truyền thông, hướng dẫn người dân về các biện pháp diệt muỗi, bọ gậy trên hệ thống đài phát thanh, hoặc tại các cuộc họp thôn, ấp, tổ dân phố. Tập huấn cho cán bộ y tế dự phòng, cộng tác viên về công tác giám sát bệnh nhân, giám sát côn trùng, kỹ thuật phun hóa chất, diệt bọ gậy, xử lý ổ dịch, kỹ năng truyền thông; về phác đồ điều trị, xử lý cấp cứu người bệnh cho cán bộ y tế làm công tác điều trị bao gồm cả hệ thống y tế tư nhân tại tất cả các tuyến. Ðẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát; đồng thời tiến hành xử phạt hành chính các tổ chức, cá nhân cố tình không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn… Bộ Y tế cũng khuyến cáo, người dân cần thực hiện ăn chín, uống chín; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; uống đủ nước và tăng cường dinh dưỡng nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể. Thường xuyên rửa tay bằng xà-phòng trước khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh; khi bị sốt cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà (Nhân dân, trang 8).

 

Phát hiện lượng lớn thuốc, vật tư y tế không rõ nguồn gốc

Ngày 14-7, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội phối hợp với các cơ quan chức năng quận Hai Bà Trưng đã thanh tra trụ sở Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thiết bị y tế Trường Canh (số 193C1 phố Bà Triệu, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng).

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn thanh tra phát hiện trong kho của công ty có số lượng lớn thiết bị, vật tư y tế, thuốc... ghi tem nhãn chữ Trung Quốc, không có số đăng ký do Bộ Y tế cấp. Do phía công ty chưa xuất trình được hồ sơ, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng trên, đoàn đã niêm phong toàn bộ số hàng và giao Công an phường Lê Đại Hành giám sát.

Ngoài ra, đoàn Thanh tra đã kiểm tra phòng khám chuyên khoa ngoại Nam Khang của công ty. Tại phòng khám ngoại thừa 1 buồng tiểu phẫu, phòng xét nghiệm thừa một số máy xét nghiệm. Thanh tra Sở Y tế đã mời giám đốc công ty, bác sĩ phụ trách phòng khám đến làm việc vào ngày 17-7 để xác minh, làm rõ và sẽ xử lý nghiêm theo quy định nếu phát hiện vi phạm (Hà Nội mới, trang 1).

 

Dịch bệnh “đua nhau” bùng phát

Theo Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, thống kê trong 6 tháng đầu năm 2017 cho thấy nhiều dịch bệnh truyền nhiễm trên người có số ca mắc tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết trong số các dịch bệnh, dịch sốt xuất huyết (SXH) đang diễn biến phức tạp với số người mắc rất lớn - hơn 45.000 trường hợp và 14 ca tử vong. Qua giám sát dịch tễ, số người mắc SXH tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên - chiếm hơn 80% số ca mắc cả nước.

Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là Hà Nội đang có số ca mắc tăng cao hơn cùng kỳ năm ngoái tới 400%, với trên 4.000 người mắc SXH và 1 ca tử vong. PGS-TS Trần Đắc Phu cảnh báo, dịch SXH năm nay đến sớm hơn mọi năm, nhất là ở Hà Nội. Thông thường, dịch SXH diễn ra vào khoảng tháng 7 - 8, nhưng năm nay dịch xuất hiện sớm với số ca mắc nhiều từ tháng 5 và tháng 6.

Cùng với dịch SXH, trong nửa năm qua, cả nước cũng ghi nhận gần 400 người mắc bệnh do viêm não virus, trong đó có 10 ca tử vong. Đối với viêm não Nhật Bản, ghi nhận 62 ca mắc với 1 trường hợp tử vong. 69 người mắc liên cầu heo, 4 ca tử vong, tăng 40 ca so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, bệnh dại cũng cướp đi mạng sống của 35 người và tất cả các trường hợp tử vong đều không đi tiêm phòng sau khi bị chó dại cắn.

Đại diện Cục Y tế dự phòng cũng chỉ rõ, sự gia tăng và diễn biến phức tạp của nhiều dịch bệnh hiện nay là do điều kiện thời tiết, khí hậu diễn biến thất thường, nóng ẩm, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi, vi khuẩn, virus truyền bệnh phát triển mạnh. Tuy nhiên, dù một số dịch bệnh gia tăng trong mùa hè, nhưng chưa phát hiện các virus gây dịch bệnh biến đổi gien hay thay đổi độc lực, mà chỉ là thay đổi tính chất môi trường khiến nguồn bệnh phát triển (Sài Gòn giải phóng, trang 3).

 

Áp dụng kỹ thuật nội soi mới trong phẫu thuật thoát vị bẹn

Theo Bệnh viện (BV) Nhi trung ương, mới đây, lần đầu tiên Trung tâm Phẫu thuật nội soi của BV áp dụng kỹ thuật nội soi mới trong phẫu thuật bệnh lý thoát vị bẹn cho 5 bệnh nhi.

Các bác sĩ Trung tâm Phẫu thuật nội soi cùng chuyên gia Nhật thực hiện phẫu thuật nội soi thoát vị bẹn cho một bệnh nhi

Với kỹ thuật này, bệnh nhi được ra viện ngay ngày hôm sau và hầu như không nhìn thấy vết sẹo phẫu thuật (đường rạch chỉ 2mm). TS Phạm Duy Hiền, Trưởng khoa Ngoại BV Nhi trung ương, cho biết thoát vị bẹn là một bệnh lý bẩm sinh hay gặp ở trẻ em. Khi không được điều trị, các cơ quan trong ổ bụng sẽ có nguy cơ thoát vị xuống vùng bẹn gây nghẹt, tổn thương cơ quan này.

Hiện nay, phẫu thuật là phương pháp duy nhất để điều trị bệnh lý thoát vị bẹn. Phương pháp phẫu thuật lâu nay vẫn thực hiện là mổ mở ở vùng bẹn, tìm và phẫu thuật thắt ống phúc tinh mạc. Tuy nhiên, tỷ lệ tái phát sau phẫu thuật mổ mở từ 0,8% đến 3,8%, tỷ lệ còn bỏ sót thoát vị bẹn bên đối diện từ 5,6% đến 30%.

Với mong muốn nâng cao chất lượng phẫu thuật bệnh lý thoát vị bẹn cho trẻ, các bác sĩ của Trung tâm Phẫu thuật nội soi đã học hỏi và áp dụng kỹ thuật phẫu thuật nội soi mới của Nhật Bản. Đây là một phương pháp hiện đại, đang được áp dụng tại nhiều cơ sở y tế trên thế giới vì những ưu điểm, như: Giúp phẫu thuật viên đơn giản khi thực hiện với thời gian mổ nội soi trung bình mỗi bên thoát vị bẹn từ 10 - 15 phút, có mức độ an toàn cao dưới quan sát phóng đại của camera nội soi; giúp quá trình phẫu thuật không bỏ sót thoát vị bẹn bên đối diện (với phẫu thuật mổ mở dựa phần nhiều vào siêu âm như hiện nay, một số trường hợp trẻ không có triệu chứng, khám và siêu âm không phát hiện ra nên khi phẫu thuật mổ mở sẽ dễ bỏ sót tổn thương bên đối diện); tỷ lệ tái phát chỉ khoảng 0,1% - 0,2 %, thấp hơn đáng kể so với mổ mở (Sài Gòn giải phóng, trang 3).

 

Hội thảo Quốc tế Thích ứng với Già hóa dân số

Trong hai ngày, 17-18/7/2017 tại Thủ đô Hà Nội sẽ diễn ra Hội thảo Quốc tế “Thích ứng với Già hóa dân số” do Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình dương (APEC) phối hợp với Chính phủ Việt Nam tổ chức.

Hội thảo có khoảng 200 đại biểu tham dự, là những nhà hoạch định chính sách, quản lý, đầu tư, cung cấp dịch vụ, nghiên cứu khoa học, doanh nhân, chuyên gia… thuộc các lĩnh vực kinh tế, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, y tế, dân số, lao động việc làm, an sinh xã hội… Các đại biểu đến từ các nền kinh tế thành viên APEC, các cơ quan của Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế, các tổ chức chính trị-xã hội, các tổ chức xã hội, các viện nghiên cứu, các trường đại học, các chuyên gia, người cao tuổi (NCT) và nước chủ nhà Việt Nam.

Già hóa dân số là một trong những biến đổi nhân khẩu lớn nhất trên thế giới hiện nay. Trung bình cứ 1 giây có 2 người bước vào tuổi 60, tức mỗi năm thế giới có thêm khoảng 58 triệu người trên 60 (60+) tuổi. Trung bình cứ 9 người sẽ có 1 người 60+ tuổi và tỷ số này sẽ là 5:1 vào năm 2050. Thế giới hiện nay có khoảng 901 triệu người cao tuổi (năm 2015), chiếm 12,3% dân số thế giới sẽ tăng lên hơn 2 tỷ người (vào năm 2050), chiếm 22% dân số thế giới. Dân số APEC chiếm 40,5% tổng dân số thế giới nhưng chiếm tới gần 50% tỷ trọng NCT trên thế giới. Hầu hết các nền kinh tế thành viên APEC đã và đang đối mặt với vấn đề già hóa dân số, trong đó một số nền kinh tế thành viên có số lượng và tỷ trọng NCT rất lớn như Trung Quốc, Nga, Mỹ, Nhật Bản...

Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và hiện có khoảng 10,1 triệu NCT, chiếm 11% dân số. Riêng số người từ 80 tuổi trở lên là 2 triệu người. Dự báo đến năm 2030, tỷ trọng NCT Việt Nam chiếm 18% và năm 2050 là 26%. Nếu như các nền kinh tế phát triển mất vài thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số (nhóm dân số 60+ tuổi chiếm 10%) sang giai đoạn dân số già (nhóm dân số 60+ tuổi chiếm 20%) thì Việt Nam chỉ mất 15 năm! Sự chuyển đổi nhân khẩu học này sẽ tạo ra những tác động rất lớn đối với tăng trưởng kinh tế, lao động việc làm, tiết kiệm, đầu tư, chăm sóc y tế, an sinh xã hội, sự chuyển dịch các dòng di cư, thiết kế hạ tầng...

Hội thảo là dịp để các nền kinh tế thành viên APEC chia sẻ các mô hình, sáng kiến phát huy vai trò và chăm sóc NCT dựa vào gia đình và cộng đồng. Những khuyến nghị chính sách từ Hội thảo sẽ được bàn thảo trong Đối thoại Chính sách Y tế, trong các cuộc họp của Nhóm Công tác Y tế, cuộc họp cấp cao các Bộ trưởng Y tế APEC thuộc SOM 3 tại TP Hồ Chí Minh. (Gia đình & Xã hội, trang 2).

 

Tử vong vì uống cồn y tế thay rượu

Trung tâm chống độc Bệnh viện (BV) Bạch Mai (Hà Nội) ngày 14.7 cho biết một bệnh nhân tử vong do ngộ độc methanol nặng, kèm theo xuất huyết não do uống cồn y tế thay rượu.

Cụ thể, bệnh nhân Đ.N.H (45 tuổi, ở phố Đại La, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) vào cấp cứu tại Trung tâm chống độc hôm 20.6 do ngộ độc methanol. Ông H. được đưa đến viện trong tình trạng nguy kịch, hôn mê, co giật, tổn thương não, sốc.

Kết quả xét nghiệm máu cho thấy, nồng độ methanol (cồn công nghiệp) là 321,76 mg/dL (cao gấp 16 lần mức cho phép). Theo người nhà, bệnh nhân nghiện rượu và đã mua cồn y tế về để pha thành rượu uống. Loại cồn y tế bệnh nhân sử dụng có ghi nhãn cồn 90 độ, ethanol, chai 500 ml.

Tuy nhiên, xét nghiệm dung dịch còn lại trong chai cồn của bệnh nhân đã dùng, cho kết quả nồng độ methanol là 88%, không tìm thấy ethanol như nhãn ghi. (Thanh niên, trang 2)

 

Thay Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận

Chiều 14.7, UBND tỉnh Bình Thuận chính thức công bố các quyết định thay thế Giám đốc Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Bình Thuận đối với ông Nguyễn Hữu Quang. Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Thành được giao nhiệm vụ thay thế ông Quang.

Trả lời PV Thanh Niên chiều tối nay 14.7, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Quốc Việt và Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Ngọc Chỉnh đều khẳng định, ông Nguyễn Hữu Quang đã chấm dứt vai trò Giám đốc và đã bàn giao công việc cho một Phó giám đốc.

Hiện ông Nguyễn Hữu Quang chưa tới tuổi nghỉ hưu và chờ phân công nhiệm vụ từ Giám đốc Sở Y tế.

Sở Y tế Bình Thuận vừa tổ chức cuộc họp và kiến nghị UBND tỉnh điều chuyển công tác ông Nguyễn Hữu Quang, Giám đốc Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh về Sở Y tế hoặc điều chuyển ra khỏi ngành y tế.  (Thanh niên, trang 3)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang