Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 15/7/2022

  • |
T5g.org.vn - Bệnh hoại tử xương hàm: Đề nghị lập hội đồng khoa học tìm nguyên nhân; Chấn chỉnh quảng cáo thực phẩm chức năng, giải quyết căn cơ tình trạng y bác sĩ thôi việc; Xác định 3 nguy cơ liên quan lĩnh vực y tế tại TP.HCM…

 

Giữ chân nhân viên y tế trong hệ thống công lập

Thời gian qua, gần 900 nhân viên y tế của Hà Nội xin nghỉ việc, chuyển việc đã làm dấy lên tâm lý lo lắng trong dư luận. Nguyên nhân của tình trạng này là do những bất cập về chính sách đãi ngộ và thu hút cán bộ, nhất là với cán bộ y tế tại cơ sở.

Theo báo cáo sơ bộ của các đơn vị, năm 2021, ngành y tế Hà Nội có 532 người xin nghỉ việc và 82 người xin chuyển công tác. Từ tháng 1/2022 đến ngày 30/4/2022, có 226 người nghỉ việc và 17 người xin chuyển công tác. Như vậy đã có ít nhất 857 nhân viên y tế, bác sĩ Hà Nội xin nghỉ việc và xin chuyển công tác. Số cán bộ, nhân viên y tế xin nghỉ việc tập trung ở một số bệnh viện lớn như: Đức Giang, Thanh Nhàn, Hà Đông... Trong đó, số cán bộ xin nghỉ việc chủ yếu là người có bằng đại học, có tay nghề cao, chủ yếu là chuyển sang khối y tế ngoài công lập.

Nguyên nhân của tình trạng này là trong hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cán bộ, nhân viên y tế làm việc quá vất vả, trong khi điều kiện làm việc, cơ sở hạ tầng chưa tốt. Do số nhân viên y tế còn thiếu so với yêu cầu công việc, cho nên các nhân viên y tế phải làm kiêm nhiệm, thực hiện nhiều nhiệm vụ, làm thêm ngoài giờ, không kể ngày, đêm. Tuy nhiên, chế độ đãi ngộ và mức thu nhập cho nhân viên y tế còn hạn chế, dẫn đến nhiều nhân viên y tế Hà Nội xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác sang những đơn vị có mức thu nhập cao hơn.

Chia sẻ về "làn sóng" nghỉ việc trong cán bộ, nhân viên y tế tại cơ sở, Trưởng phòng Y tế của một quận cho biết: Đầu năm 2020, quận có năm người nghỉ việc. Năm 2021 có bảy người nghỉ. Trong sáu tháng đầu năm 2022 có năm người nghỉ. Số cán bộ, nhân viên nghỉ việc chiếm khoảng 10% tổng số nhân viên y tế trên địa bàn. Chưa kể có 10 trường hợp nộp đơn xin nghỉ việc, nhưng được vận động, phân tích, động viên... cho nên họ đã rút lại đơn để bám trụ công việc, bám trụ cơ quan. Lực lượng này chủ yếu là bộ phận làm tại trung tâm y tế và trạm y tế. Số nhân viên y tế nghỉ việc nêu trên khiến lực lượng cán bộ y tế cơ sở bị hao hụt, vốn đã mỏng nay càng thiếu.

Ở y tế tuyến trung ương cũng không ngoại lệ. Năm 2020-2021, riêng tại Bệnh viện Bạch Mai đã có hơn 200 y sĩ, bác sĩ nghỉ việc, chuyển việc, trong đó có những người mang học hàm giáo sư, phó giáo sư hay học vị tiến sĩ. Thực trạng đó cho thấy đang có một sự dịch chuyển mạnh mẽ nguồn nhân lực y tế từ bệnh viện công lập về các cơ sở y tế ngoài công lập, tư nhân, khiến “đứt gãy” quá trình vận hành tại các cơ sở y tế công lập.

Bà Lê Thị Bảo Kim (phường Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân) chia sẻ: “Bác sĩ giỏi đi hết thì người dân chịu thiệt trước tiên. Nhất là những người bệnh hiểm nghèo, nếu không có bệnh viện công, không có bảo hiểm thì không thể duy trì chữa trị”. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu cơ chế chính sách không thay đổi thì cán bộ, nhân viên y tế sẽ tiếp tục nghỉ việc trong hệ thống công lập. Thấy bạn bè, đồng nghiệp tham gia y tế tư nhân có thu nhập cao, lương cao, những người ở lại dao động tâm lý và cũng muốn ra ngoài. Vì vậy, cần thiết phải có chế độ chính sách đãi ngộ xứng tầm để níu chân cán bộ y tế làm việc cho y tế cơ sở.

Theo TS, BS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng, thay đổi cấp thiết đầu tiên là tạo một mặt bằng lương mới, có tính cạnh tranh với khối bệnh viện tư nhân, đồng thời phải khơi các lợi thế mà bệnh viện công trước đây chiếm ưu thế như cơ hội đào tạo, cơ hội nghiên cứu khoa học, cơ chế giám sát chất lượng... Cùng với đó, làm nhẹ hơn gánh nặng quản lý đang giao cho các cán bộ chuyên môn.

Theo ông Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Pháp chế-Bộ Y tế, muốn biết được thực trạng của việc dịch chuyển nguồn nhân lực từ khu vực công sang khu vực tư nhân thì phải có đánh giá tổng thể, khảo sát kỹ từ phạm vi, lứa tuổi, nguyên nhân của việc luân chuyển. "Chỉ đến khi nắm được nội hàm thực trạng sâu sắc thì mới có thể đánh giá hết được mức độ của vấn đề này, từ đó mới dễ dàng tìm ra nguyên nhân". Thực trạng nêu trên đòi hỏi phải có giải pháp trước mắt và lâu dài. Nhưng dù với bất kỳ giải pháp nào thì cũng phải tăng sức hấp dẫn của hệ thống quản trị công ở lĩnh vực y tế. (Nhân dân, trang Hà Nội).

 

Chấn chỉnh quảng cáo thực phẩm chức năng, giải quyết căn cơ tình trạng y bác sĩ thôi việc

Sáng 14/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế, Ủy ban Xã hội của Quốc hội, các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam về vấn đề quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng; xử lý tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế; tình hình cán bộ, nhân viên y tế tại các cơ sở y tế công lập thôi việc, chuyển việc.

Đại diện Ủy ban Xã hội của Quốc hội nêu, thực tế hiện nay một số quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng được thực hiện bài bản, phát trên sóng truyền hình quốc gia nên dù nói quá tác dụng vẫn được người dân tin tưởng. Một số quảng cáo có nội dung, hình thức thể hiện chưa phù hợp, thậm chí phản cảm. Vì vậy, việc rà soát, chấn chỉnh hiện tượng này cần thực hiện nghiêm túc, triệt để để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, bình đẳng giới, quyền trẻ em, nhất là phải phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hóa của dân tộc.

Đại diện Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã báo cáo về quy trình xây dựng, xét duyệt nội dung các quảng cáo về thuốc, thực phẩm chức năng, cũng như những khó khăn, vướng mắc trong thực tế; đồng thời nhìn nhận thẳng thắn còn những nội dung còn thiếu tế nhị, thậm chí phản cảm, khung giờ phát sóng chưa phù hợp.

Theo đó, những nội dung chuyên môn liên quan đến các loại thuốc, thực phẩm chức năng trong quảng cáo đều phải được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận trước khi phát hành. Tuy nhiên, hình thức thể hiện, khung giờ phát hành các quảng cáo này thuộc trách nhiệm của các cơ quan truyền thông. Một số cơ quan truyền thông như Đài Tiếng nói Việt Nam đã có những cách làm linh hoạt, tuân thủ các yêu cầu về nội dung, văn hóa, hình thức thể hiện, khung giờ phát sóng nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả truyền thông, quyền lợi của các bên liên quan đến hoạt động quảng cáo.

Vì vậy, các ý kiến trong cuộc họp cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế và các cơ quan truyền thông để các quảng cáo về thuốc, thực phẩm chức năng đúng công dụng, phù hợp về cách thức thể hiện, khung giờ phát sóng; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, rà soát lại quy định, pháp luật liên quan đến quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: vấn đề này đã có nhiều cuộc họp, văn bản chỉ đạo, nhưng việc thực hiện chưa nghiêm. Những vi phạm trong quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng phải được xử lý, chấn chỉnh nghiêm… với tinh thần đặt lợi ích của người dân lên trên hết và phải rõ trách nhiệm của từng ngành (y tế, văn hóa, thông tin và truyền thông), với từng khâu của cả quá trình. Trước hết, Bộ Y tế chỉ đạo Cục An toàn thực phẩm, Cục Quản lý dược rà soát lại toàn bộ nội dung các quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng đã được Bộ xác nhận để các cơ quan báo chí chấn chỉnh, Bộ Thông tin và Truyền thông căn cứ đối chiếu, xử lý vi phạm.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan truyền thông thực hiện phát hành đúng nội dung quảng cáo được xác nhận, trong trường hợp khác cần có sự trao đổi với cơ quan có thẩm quyền của Bộ Y tế, xem xét khung giờ phát sóng phù hợp, bảo đảm nội dung quảng cáo không trái với với thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống hay gây phản cảm.

Bộ Y tế, các bộ, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương rà soát lại tất cả các văn bản quy phạm pháp luật về quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng, từ đó kiến nghị, hướng dẫn phù hợp trên tinh thần mỗi khâu, mỗi việc đều có cơ quan chịu trách nhiệm, hướng dẫn rõ ràng; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại các cuộc họp gần đây, đến nay, Bộ Y tế đã dự thảo nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế; thúc đẩy trung tâm đấu thầu thuốc tập trung quốc gia (thuộc Bộ Y tế) thực hiện đấu thầu tập trung quốc gia giai đoạn 2022-2023 với 528 loại thuốc, tổng giá trị 8.890 tỷ đồng; làm việc với Bộ Tài chính sửa đổi một số thông tư liên quan đến đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế; tổng hợp những khó khăn, vướng mắc từ các bệnh viện, địa phương liên quan đến đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế để làm việc với Bộ KH&ĐT.

Tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế đã được các bệnh viện, các địa phương tích cực tháo gỡ, đã "giảm nhiệt" phần nào, tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc cần giải quyết. Bên cạnh việc tổ chức mở các gói đấu thầu thuốc tập trung quốc gia, Bộ Y tế đã đẩy mạnh cấp số đăng ký lưu hành thuốc mới; gia hạn thời gian lưu hành thuốc cũ để bảo đảm các doanh nghiệp kinh doanh dược phẩm có thể tham gia đấu thầu. Đồng quan điểm, đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, đến nay tình trạng thiếu thuốc có chuyển biến tích cực với sự vào cuộc của các địa phương trong đấu thầu, mua sắm thuốc dựa trên kết quả đấu thầu, đàm phán giá.

Ngoài các khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế như nhiều cuộc họp đã phân tích, các đại biểu còn nêu nguyên nhân do trình độ phát triển kinh tế, thu nhập người dân thấp, và mệnh giá bảo hiểm y tế BHYT nước ta rất thấp, do vậy đơn giá dịch vụ y tế thấp. Trong khi 50% chi phí điều trị liên quan tới thuốc, vật tư y tế và các loại hàng hóa đặc biệt thường theo mặt bằng giá quốc tế. Việc quyết định thuốc tốt, thuốc có xuất xứ từ các nước phát triển hay thuốc thay thế có giá rẻ hơn luôn phải cân đối và bảo đảm yêu cầu của ngành y tế nhưng không để vỡ quỹ bảo hiểm y tế.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu, bên cạnh những giải pháp như rà soát, bổ sung, hướng dẫn, cần tập trung vào một số giải pháp đủ hiệu quả, thực hiện ngay trong ngắn hạn.

Bộ Y tế cần khẩn trương làm việc với các bộ, ngành: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để tháo gỡ ngay một số vấn đề khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế để các địa phương, bệnh viện có căn cứ thực hiện, như: Điều chỉnh kế hoạch mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị theo nhu cầu sử dụng trước khi có dịch Covid-19, xây dựng, thẩm định giá đấu thầu, sử dụng thuốc, vật tư thay thế các loại thuốc, vật tư thường dùng; mua sắm hóa chất, linh kiện thay thế cho các loại máy chuyên biệt, chỉ có 1-2 đơn vị cung cấp; phương án sử dụng, thanh toán chi phí cho các trang thiết bị, máy móc xã hội hóa trong bệnh viện công lập…

Phó Thủ tướng lưu ý, những gì chưa rõ về mặt pháp luật, dễ gây hiểu khác nhau, gây suy diễn liên quan đến đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế…, Bộ Y tế xem xét đưa vào nghị quyết của Chính phủ.

Về tình trạng thôi việc, chuyển việc của cán bộ, nhân viên y tế trong các cơ sở công lập, thống kê của Bộ Y tế từ năm 2021 đến ngày 30/6/2022, các cơ sở y tế công lập trên cả nước có 9.467 viên chức thôi việc, chuyển việc. Hiện nay, Bộ Y tế đang rà soát số lượng, trình độ chuyên môn của cán bộ, nhân viên y tế thôi việc, chuyển ra bệnh viện tư nhân, số tuyển mới.

Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến, động viên tinh thần cán bộ, nhân viên y tế; đề nghị địa phương tăng cường huy động nguồn lực cho lĩnh vực y tế, rà soát và chi trả chế độ chính sách cho lực lượng tham gia công tác chống dịch Covid-19; rà soát cấp bổ sung kinh phí chi thường xuyên cho các cơ sở y tế trong thời gian có dịch Covid-19…

Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cần nắm chính xác tới từng cơ sở y tế công lập về số lượng cán bộ, nhân viên y tế thôi việc, chuyển việc, số tuyển mới từ năm 2021 đến tháng 6/2022.

Một số ý kiến đề nghị phân tích kỹ trong số cán bộ, nhân viên y tế thôi việc, bao nhiêu người chuyển sang cơ sở y tế tư nhân, bao nhiêu người chuyển hẳn sang nghề khác; số có tay nghề chuyên môn, số mới ra trường. Số lượng sinh viên ngành y đã tốt nghiệp đang chờ việc. Như vậy mới có "bức tranh" đầy đủ về thực trạng cán bộ, nhân viên y tế thôi việc, chuyển việc ở các cơ sở y tế công lập, từ đó, các biện pháp giải quyết mới căn cơ, hiệu quả. Bên cạnh đó, cần lưu ý thực tế ở các thành phố lớn, rất nhiều y, bác sĩ vẫn đang xin việc, trong khi nhiều địa phương có chính sách khuyến khích nhưng không hấp dẫn người giỏi. Tình trạng, nhân viên, cán bộ làm y tế dự phòng cấp huyện, xã đang ở mức thu nhập thấp.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng đề nghị khẩn trương thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế để các cơ sở y tế có đủ nguồn thu, bảo đảm thu nhập cho cán bộ, nhân viên cũng như tuyển thêm nhân lực. Đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam kiến nghị khẩn trương xây dựng định mức kỹ thuật đối với các dịch vụ y tế sát với thực tế.

Cuộc họp thống nhất, về lâu dài cần có cơ chế tài chính để bảo đảm thu nhập và khuyến khích phát triển y tế tư nhân, thực hiện tự chủ bệnh viện, tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế (bao gồm gần 10.000 dịch vụ y tế điều trị do BHYT chi trả); khẩn trương xây dựng bảng giá dịch vụ y tế dự phòng mà ngân sách chi trả. (Nhân dân, trang 8).

Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới, trang 1: “Chấn chỉnh quảng cáo thực phẩm chức năng, giải quyết căn cơ tình trạng y, bác sĩ thôi việc”.

 

Tiếp tục truyền thông để người dân luôn có ý thức phòng, chống dịch

Bộ Y tế dự báo, thời gian tới các ca nhiễm biến thể phụ BA.5 có thể ghi nhận nhiều hơn trong cộng đồng ở nước ta. Do vậy, Bộ Y tế tiếp tục yêu cầu hệ thống giám sát, đáp ứng phòng, chống dịch từ Trung ương đến địa phương cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Thời gian vừa qua, xu hướng dịch Covid-19 trên toàn quốc nhìn chung vẫn giảm, với số ca ghi nhận trong ngày khoảng từ 600 đến 700 ca; số trường hợp nặng, tử vong tiếp tục giảm. Trong 30 ngày qua, tỷ lệ chết/mắc là 0,02%, trong đó số mắc giảm 4,5 lần và số tử vong giảm 10 lần so với tháng trước đó và có 24 ngày cả nước không ghi nhận ca tử vong.

Ðáng chú ý, Việt Nam đã ghi nhận các ca mắc Covid-19 nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5 của chủng Omicron trong cộng đồng. Ðây là những biến thể lây lan nhanh và có khả năng "né" miễn dịch. Nghĩa là những người đã mắc biến thể phụ BA.1, BA.2 vẫn có thể mắc lại BA.4, BA.5.

Bộ Y tế dự báo, thời gian tới các ca nhiễm biến thể phụ BA.5 có thể ghi nhận nhiều hơn trong cộng đồng ở nước ta. Do vậy, Bộ Y tế tiếp tục yêu cầu hệ thống giám sát, đáp ứng phòng, chống dịch từ Trung ương đến địa phương cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; đồng thời tổ chức tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh và tiếp tục truyền thông để người dân luôn có ý thức phòng, chống dịch.

Ngày 14/7, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 932 ca nhiễm mới trong nước. Trong ngày có 8.545 người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh và không ghi nhận ca tử vong. Hiện, có 36 bệnh nhân Covid-19 nặng đang phải thở ô-xy tại các cơ sở điều trị trên cả nước. Như vậy, đến nay Việt Nam ghi nhận 10.758.189 ca (đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ), trong đó có 9.793.800 ca được công bố khỏi bệnh và 43.090 ca tử vong (chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm).

Ngày14/7, Thường trực Tỉnh ủy An Giang tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 4 cho Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo tỉnh và cán bộ, công chức của tỉnh. Thường trực Tỉnh ủy An Giang kêu gọi cấp ủy đảng, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương, lực lượng công nhân, người dân trong tỉnh tích cực tiêm vaccine mũi 4 đề phòng Covid-19 có nguy cơ bùng phát trở lại. Theo thống kê, tỷ lệ người dân từ 18 tuổi trở lên đã tiêm vaccine mũi 1 được 100,1%; tiêm mũi 2 đạt 99,5%, tiêm mũi 3 đạt 58,3%; tiêm mũi 4 đạt 14,5%; trẻ từ 12 đến 17 tuổi tiêm mũi 1 đạt 105,9%, tiêm mũi 2 đạt 100,9%; trẻ từ 5 đến 12 tuổi tiêm mũi 1 đạt 79,4%, tiêm mũi 2 đạt 31,1%. (Nhân dân, trang 7).

 

Hoại tử xương hàm liên quan hậu COVID-19: Người bị suy giảm miễn dịch cần lưu ý

Tình trạng hoại tử xương hàm mặt có thể gặp ở bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, dùng corticoid thời gian dài… Bệnh COVID-19 cũng có thể gây suy giảm miễn dịch.

Ngày 14/7, Cục Quản lí Khám chữa bệnh - Bộ Y tế có công văn gửi Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TPHCM và Bệnh viện Chợ Rẫy đề nghị giám đốc bệnh viện báo cáo nhanh tình hình người bệnh đến khám, điều trị, kết quả điều trị bệnh hoại tử xương hàm từ tháng 2 đến nay cho Cục Quản lí Khám chữa bệnh, đồng thời thành lập hội đồng chuyên môn để xem xét, xác định nguyên nhân gây bệnh và các yếu tố liên quan bệnh lí này.

Bệnh viện cần tiếp tục quan tâm tổ chức đón tiếp, khám, điều trị chu đáo, tận tình với người bệnh, có thông tin chính xác dựa trên cơ sở khoa học và đề xuất biện pháp để người dân chủ động phòng tránh.

Tại Hà Nội, nhiều bệnh viện chuyên khoa cho biết, chưa ghi nhận bệnh nhân bị hoại tử xương hàm bất thường sau mắc COVID-19. PGS.TS Trần Cao Bính, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương (Hà Nội), cho biết, bệnh viện chưa gặp bệnh nhân nào bị hoại tử xương sau mắc COVID-19. Tình trạng hoại tử xương hàm mặt có thể gặp ở bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, dùng corticoid thời gian dài… khi nhiễm vi khuẩn, nấm có thể dẫn đến viêm xương, gây hoại tử.

“Trước đây, khi chưa có thuốc tốt, bệnh nhân đến viện muộn, tình trạng này gặp khá nhiều xong hiện nay rất ít gặp. Tuy nhiên, có một điều cần lưu ý là bệnh COVID-19 cũng có thể gây suy giảm miễn dịch”, ông Bính nói.

Cần nhiều nghiên cứu chuyên sâu

Theo PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, bệnh viện chưa gặp bệnh nhân nào có bệnh cảnh như trên đến thăm khám. “Vấn đề liệu tình trạng này có liên quan đến mắc COVID-19 hay không thì cần nghiên cứu thêm”, ông Cảnh nói.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho rằng, trường hợp bệnh nhân được mô tả tại TPHCM là tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm nấm cơ hội.

“Cho đến nay, trên thế giới cũng chưa nghiên cứu được đầy đủ có phải do COVID-19 hay không. Tất cả hiện mới chỉ là giả thiết.

Về lí thuyết, bệnh COVID-19 gây rối loạn miễn dịch của cơ thể.

Với bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch nặng, sau khi mắc COVID-19, họ có thể nhiễm vi khuẩn hoặc nấm cơ hội, dẫn đến tình trạng sức khỏe diễn biến nặng hơn. Tắc mạch sau mắc COVID-19 gây hoại tử xương cũng là giả thiết đáng lưu tâm”, ông Cấp nhận định. Cần phải tiếp tục nghiên cứu sâu hơn nữa thì mới có thể hiểu được mối liên quan giữa việc mắc COVID-19 với những bệnh lí này.

Các bác sĩ cho hay, triệu chứng của bệnh là sưng đau vùng má, đau buốt răng, chảy mủ hôi, giống dấu hiệu của viêm xoang do răng nên dễ bị chẩn đoán nhầm. Dù hoại tử xương là biến chứng hậu COVID-19 nguy hiểm nhưng tỉ lệ xảy ra rất thấp. Vì thế, người dân không nên quá lo lắng, không cần tự đi chụp MRI, CT để kiểm tra, mà cần lắng nghe cơ thể mình.

Các chuyên gia khuyến cáo, nếu sau mắc COVID-19 có dấu hiệu đau dai dẳng ở các xương lớn, đột ngột không thể ngồi bắt chéo chân, thay đổi dáng đi (khập khiễng), đặc biệt ở những người từng là F0 nặng và sử dụng thuốc có thành phần corticoid điều trị trong thời gian dài thì nên đi khám để được can thiệp sớm.

Gần đây, một số bệnh viện tại TPHCM tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị hoại tử xương hàm bất thường, trong đó có một số ca tử vong. PGS.TS Trần Minh Trường, Phó chủ tịch Hội Tai Mũi Họng Việt Nam, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết, hai tháng qua, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận 11 trường hợp có những biểu hiện hoại tử xương bất thường, trong đó có 2 ca tử vong. Bệnh lí xảy ra chủ yếu trên bệnh nhân có đái tháo đường, có dùng thuốc corticoid và hậu COVID-19. (Tiền phong, trang 6).

Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân, trang 1: “Hoại tử xương sọ mặt có phải do “hậu COVID-19” hay không?”.

 

Tình trạng thiếu thuốc đã “giảm nhiệt”

Ngày 14-7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế, Ủy ban Xã hội của Quốc hội, các bộ, ngành về vấn đề xử lý tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế; tình hình cán bộ, nhân viên y tế tại các cơ sở y tế công lập thôi việc, chuyển việc.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại các cuộc họp gần đây, đến nay, tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế đã được các bệnh viện, các địa phương tích cực tháo gỡ, đã “giảm nhiệt” phần nào và có chuyển biến tích cực.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế cần khẩn trương làm việc với các bộ, ngành: Tài chính, KH-ĐT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam để tháo gỡ ngay một số vấn đề khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế để các địa phương, bệnh viện có căn cứ thực hiện. Những gì chưa rõ về mặt pháp luật, dễ gây hiểu khác nhau, gây suy diễn liên quan đến đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế…, Bộ Y tế xem xét đưa vào nghị quyết của Chính phủ. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam nắm chính xác tới từng cơ sở y tế công lập về số lượng cán bộ, nhân viên y tế thôi việc, chuyển việc, số tuyển mới từ năm 2021 đến tháng 6-2022. Từ đó, các biện pháp giải quyết mới căn cơ, hiệu quả.

Cuộc họp cũng thống nhất, về lâu dài cần có cơ chế tài chính để đảm bảo thu nhập và khuyến khích phát triển y tế tư nhân, thực hiện tự chủ bệnh viện, tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế (bao gồm gần 10.000 dịch vụ y tế điều trị do bảo hiểm y tế chi trả); khẩn trương xây dựng bảng giá dịch vụ y tế dự phòng mà ngân sách chi trả. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

TPHCM đã chuyển tiền thưởng chống dịch Covid-19 cho 25.840 người

Chiều ngày 14-7, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM tổ chức buổi họp báo cung cấp thông tin về dịch Covid-19 và các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM.

Cuộc họp báo do đồng chí Phạm Đức Hải, Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, kiêm Phó Ban chỉ đạo chủ trì.

Liên quan đến việc 40.000 nhân viên y tế, tình nguyện viên đã giúp TPHCM chống dịch chưa nhận được tiền khen thưởng, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế cho hay: Thay mặt ngành y tế, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng đã có thư gửi quý đồng nghiệp – những chiến sĩ áo trắng trên mặt trận chống dịch Covid-19 tại TPHCM nhằm tri ân đồng nghiệp đã kịp thời tiếp sức cho ngành y tế TP và cũng đã gửi lời xin lỗi khi đã chậm gửi giấy khen và tiền thưởng đến quý đồng nghiệp trên cả nước. Sở Y tế đã có tờ trình dự trù khen thưởng 40.000 cá nhân, căn cứ trên số lượng đồng nghiệp tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19. Danh sách thực tế các đơn vị đề xuất khen thưởng gửi về Sở Y tế là khoảng 29.000 cá nhân. Thực hiện chỉ đạo của UBND TP, tính đến giữa tháng 7, Sở Y tế đã gửi tiền thưởng đến 25.840 cá nhân thông qua tài khoản 176 đơn vị (là sở y tế các tỉnh, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng, các trường học) và sẽ tiếp tục nỗ lực hoàn tất việc gửi tiền thưởng trong tháng 7. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

Cùng chủ đề Báo Thanh niên, trang 4: “Gửi Giấy khen, tiền thưởng cho 25.840 người tham gia phòng, chống dịch COVID-19”.

 

An Giang: “Chảy máu” nguồn nhân lực trong ngành Y tế

Không chỉ có hệ thống nhà nước gặp khó, mà ngay cả cơ sở y tế tư nhân cũng đang “chảy máu” nguồn nhân lực. Tất cả như nét phác họa về làn sóng thầy thuốc tháo chạy khỏi ngành Y tế đang bùng phát trên địa bàn tỉnh An Giang.

Báo động trong hệ thống nhà nước

“Từ năm 2020 đến nay có 439 thầy thuốc nghỉ việc”- TS.BS Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang, mở đầu câu chuyện bằng thông tin đáng lo.

Đáng lo hơn là chuyện nghỉ việc có mặt tại 21/21 cơ sở y tế trong hệ thống nhà nước. Điều này cho thấy, làn sóng nghỉ việc của thầy thuốc không còn là chuyện riêng của cơ sở, mà là chuyện của cả hệ thống y tế.

Số liệu thống kê cho thấy điều đáng lo này đang có dấu hiệu “năm sau cao hơn năm trước”.

Cụ thể, năm 2020 toàn tỉnh An Giang có 141 thầy thuốc nghỉ việc, đến năm 2021 con số này tăng lên 152, và mới hơn nửa năm 2022 đã lên đến 146 người. Trong đó, đa số là thầy thuốc có trình độ chuyên môn, tay nghề.

“Trong số thầy thuốc nghỉ việc gần 3 năm qua, có đến 110 người có trình độ bác sĩ và 193 người có trình độ điều dưỡng hoặc  y sĩ. Trong đó có đến gần 70% người dưới 40 tuổi” - ông Hiền cho biết thêm.

Điều này cho thấy, ở đây không chỉ chảy máu chất xám, mà còn chảy máu cả về nguồn nhân lực đang ở độ tuổi có khả năng, năng suất làm việc cao nhất trong đời người thầy thuốc. Và đáng lo hơn là phần lớn nạn nghỉ việc này tập trung ở các cơ sở y tế được xem là tuyến cao nhất tỉnh.

Cụ thể, Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang có 29 người là thầy thuốc nghỉ việc. Tương tự, Bệnh viện Đa khoa khu vực Châu Đốc có đến 74 người,  Bệnh viện Sản - nhi có đến 39 người... Đặc biệt là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) An Giang cũng có đến 9 người nghỉ việc.

Lý giải về tình trạng này, TS.BS CKII Trần Phước Hồng, Phó Giám đốc, Chủ tịch CĐCS Bệnh viện Đa khoa khu vực Châu Đốc, đơn vị có nhiều thầy thuốc nghỉ việc nhất tỉnh, cho biết: “Trong số  bác sĩ trẻ nghỉ việc, có trường hợp xuất phát từ mục đích muốn tự học chuyên khoa sớm hơn so với kế hoạch đào tạo của đơn vị. Trong khi đó, Bệnh viện là đơn vị tự chủ tài chính nên cũng rất khó để giữ chân”. 

Tuy nhiên, nhìn ở góc độ bao quát, TS.BS Trần Quang Hiền, cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến làn sóng nghỉ việc tăng cao. Bên cạnh yếu tố hoàn cảnh gia đình, thì chế độ thu hút, đãi ngộ chưa đáp ứng được nhu cầu, tương xứng với áp lực trong công việc. Cụ thể, nhiều văn bản quy định đã ban hành trên 10 năm... mà vẫn chưa được bổ sung.

Chính sách tiền lương và chế độ phụ cấp thấp không đủ cho người làm việc trong hệ thống y tế nhà nước đảm đương sinh hoạt tối thiểu gia đình, được xác định là một trong những nguyên nhân chủ lực làm “chảy máu” chất xám. Và điểm đến của sự “dịch chuyển” này được xác định là các cơ sở y tế tư nhân đang phát triển với chế độ đãi ngộ, tiền lương có thể mang lại nguồn thu nhập cao gấp 2-3 lần.

Bệnh viện tư nhân cũng “chảy máu”

“Chúng tôi cũng đang gặp khó vì thầy thuốc nghỉ việc nhiều” - BS Bùi Thị Thu Hồng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bình Dân An Giang, (TP.Long Xuyên) đã làm tôi ngạc nhiên khi đưa ra con số rất cụ thể - “Từ đầu năm 2022 đến nay đã có gần 20 thầy thuốc, đa số là y sĩ, điều dưỡng xin nghỉ việc”.

BS Hồng cho biết, mấy ngày nay đơn vị liên lạc với nhiều nơi để “săn đầu người”, nhưng vẫn đang chờ. BS Hồng xác nhận, đúng là thu nhập ở cơ sở y tế tư nhân cao gấp 2-3 lần, thậm chí nhiều hơn nữa so với hệ thống y tế nhà nước, nhưng thời gian gần đây, nhiều cơ sở y tế tư nhân vẫn “chảy máu” nhân lực. Nguyên nhân chủ yếu được xác định là áp lực xã hội và bất cập của chính sách.

“Nhiều khi đang làm việc, nhân viên chạy vào phòng lãnh đạo khóc ròng vì vừa bị bệnh nhân và người nhà bệnh nhân mắng” - BS Hồng nhớ lại.

Theo BS Hồng, có thể do những hệ lụy của dịch COVID-19 khiến nhiều người dễ bị “căng thẳng tâm lý”. Chính điều này đã khiến nhiều bệnh nhân đến khám theo diện Bảo hiểm y tế dễ bị nổi “quạu” khi bị thầy thuốc thông báo những hạn chế trong việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật, chủng loại thuốc... “Thậm chí ngay cả khi Ban giám đốc xuống tận nơi nhã nhặn tìm hiểu, trao đổi cũng bị mắng. Nhiều người chỉ đáng tuổi em cháu, cũng lớn tiếng, nặng lời với tôi thì với các nhân viên y tế trẻ tuổi chắc còn khó nghe hơn” - BS Hồng bức xúc. Bực, tức... nhưng các thầy thuốc chỉ biết lấy bồ hòn làm ngọt... vì rất khó để xử lý.

Tuy nhiên, điều BS Hồng khiến chúng tôi lấy làm lo lắng hơn trong câu chuyện “chảy máu” thầy thuốc ở đây chính là “lối rẽ” sau khi từ bỏ môi trường y tế.

“Nhiều y sĩ, điều dưỡng đã năn nỉ tôi cho các em chuyển đi làm công nhân may. Sợ các em thiệt thòi, tôi vận động, nhưng khi nghe các em bày tỏ nguyện vọng được “bỏ nghề” không thể đau lòng hơn” - BS Hồng chia sẻ.

Theo đó, đi làm công nhân, thu nhập có ít hơn, nhưng xong việc, về nhà nghỉ ngơi, vui chơi với gia đình.

Vì vậy, theo BS Hồng, bên cạnh đề xuất về việc ban hành chính sách tăng cường chế độ đãi ngộ... rất mong có chính sách tạo môi trường an toàn cho thầy thuốc an tâm làm việc và gắn bó với sứ mệnh chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người. (Lao động, trang 4).

Cùng chủ đề Báo Nông thôn ngày nay, trang 5: “127 nhân viên y tế ở Đà Nẵng nghỉ việc”;  Tuổi trẻ, trang 4: “TP.HCM hơn 2.000 y, bác sĩ nghỉ việc”.

 

Xác định 3 nguy cơ liên quan lĩnh vực y tế tại TP.HCM

Chiều 14.7, Sở Y tế TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2022 và hoạt động trọng tâm 6 tháng cuối năm.

Tại hội nghị, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế, cho biết hiện TP xác định 3 nguy cơ. Thứ nhất, nguy cơ dịch chồng dịch (Covid-19 và sốt xuất huyết đang gia tăng - PV), nếu xảy ra thì cả hệ thống y tế phải nỗ lực hết mình để kìm chế. Thứ hai, nguy cơ thiếu thuốc, vật tư y tế (VTYT).

Thứ 3, nguy cơ thiếu hụt nhân viên y tế công nghỉ việc.

Bên cạnh đó, thách thức khả năng tự chủ của y tế công lập sau đại dịch, hầu như đơn vị nào cũng cạn kiệt tài chính. Liên quan thực trạng nhân viên y tế công nghỉ việc, theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, từ năm 2021 đến nay, đã có trên 2.028 nhân viên y tế công lập của TP nghỉ việc (đa số chuyển qua khối tư nhân). Các đơn vị ngành y tế công có bổ sung nhưng không đáp ứng được thực tế. Tuy vậy, ông Thượng nói “ngành y tế TP không đơn độc và có sự quan tâm của TP như các nghị quyết về cơ chế, chính sách tiếp sức cho ngành y tế”.

Bác sĩ (BS) Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế, thông tin thêm về tình hình khó khăn trong mua sắm thuốc, VTYT.Theo ông Nam, Nghị định 98 năm 2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế, kê khai giá, công khai giá, nhưng không có nhà thầu tham gia do chưa kê khai, công khai giá. Do đó, kéo theo các đơn vị xây dựng giá dự toán gói thầu gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, các công ty thẩm định giá, tư vấn đấu thầu hiện nay cũng không tham gia. Các nhà thầu gặp khó khăn trong xây dựng mã định danh, mã dùng chung theo quy định của Bộ Y tế.

Ngoài ra, nhiều vụ việc phát sinh trong mua sắm phục vụ công tác phòng chống dịch trên cả nước cũng ảnh hưởng đến tâm lý trong mua sắm của các đơn vị. Một số thuốc quý hiếm, thuốc phát sinh khi triển khai dịch vụ mới thì khó tìm nhà cung ứng…

Từ những nguyên nhân trên, BS Hoài Nam đã lưu ý các đơn vị thực hiện đúng về trình tự thủ tục đấu thầu; thủ tục đầu tư; lập giá kế hoạch đấu thầu; hợp đồng hợp tác, liên doanh, liên kết, sử dụng trang thiết bị y tế; đồng thời lưu ý các vấn đề thực hiện trên máy mượn.

Về giải pháp, theo BS Hoài Nam, 6 tháng cuối năm, ngành y tế TP.HCM mua sắm bằng nhiều hình thức đảm bảo đầy đủ thuốc, VTYT cho người bệnh; thực hiện nhanh gói thầu mua sắm cấp địa phương; triển khai hiệu quả trung tâm mua sắm tập trung. Mặt khác, các trang thiết bị, VTYT thu hồi, sau khi giải thể các bệnh viện điều trị Covid-19, cần được đưa vào sử dụng có hiệu quả. (Thanh niên, trang 4).

 

Bệnh hoại tử xương hàm: Đề nghị lập hội đồng khoa học tìm nguyên nhân

Ngày 14.7, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê đã ký ban hành công văn gửi 2 bệnh viện (BV): Răng hàm mặt T.Ư tại TP.HCM và Chợ Rẫy đề nghị giám đốc 2 BV khẩn trương chỉ đạo thực hiện báo cáo Bộ Y tế trước ngày 16.7 về tình hình người bệnh đến khám, điều trị, kết quả điều trị bệnh hoại tử xương hàm từ tháng 2.2022.

Lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh cũng đề nghị lãnh đạo 2 BV thành lập hội đồng chuyên môn để xem xét, xác định nguyên nhân gây bệnh và các yếu tố liên quan bệnh lý trên. Báo cáo về Cục Quản lý khám chữa bệnh ngay sau khi thực hiện.

Trước đó, thông tin báo chí cho biết, BV Chợ Rẫy đã tiếp nhận 11 ca hoại tử xương hàm trên, hoại tử sàn sọ; trong số đó có 2 ca tử vong, 6 ca xin về, 3 ca được phẫu thuật loại bỏ xương hàm trên hoại tử, loại bỏ các ổ viêm nhiễm. BV Răng hàm mặt T.Ư tại TP.HCM tiếp nhận 16 ca hoại tử xương hàm trên, trong đó 3 ca hoại tử lan đến sàn sọ phải chuyển qua BV Chợ Rẫy phẫu thuật, 13 ca được phẫu thuật và tái tạo lại hàm. Trong khi các năm trước Covid-19, 2 - 3 tháng BV mới tiếp nhận 1 ca.

Theo báo cáo của 2 BV, hầu hết những ca này trước đó đã mắc Covid-19 và chưa có vấn đề về tai mũi họng, răng hàm mặt. (Thanh niên, trang 4).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang