Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 15/8/2016

  • |
T5g.org.vn - Giữ vững lá cờ đầu trong công tác bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên; Cấp giấy phép hành nghề khám chữa bệnh qua mạng; Bộ Y tế sẽ họp về lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức; Bệnh viện nơi biên giới thành công kỹ thuật ghép da tự thân...

Giữ vững lá cờ đầu trong công tác bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên

Từ năm học 2013-2014 đến nay, Hải Dương luôn là địa phương dẫn đầu cả nước với 100% số trường và 100% số học sinh, sinh viên (HSSV) tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Có được kết quả vượt bậc này, đằng sau đó là sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, cũng như sự vào cuộc của các ngành chức năng tại Hải Dương...

Là một trong những địa phương luôn có tỷ lệ HSSV tham gia BHYT cao trên toàn quốc nhưng với mục tiêu để tất cả HSSV đều được tham gia và hưởng quyền lợi từ BHYT, năm 2013, UBND tỉnh Hải Dương đã có công văn chỉ đạo các cấp, các ngành, trong đó giao chỉ tiêu từ năm học 2013 - 2014 trở đi toàn tỉnh phải đạt 100% số HSSV tham gia BHYT; lấy kết quả thực hiện BHYT HSSV làm tiêu chí thi đua, khen thưởng đối với các trường học.

Trên cơ sở chỉ đạo này, hằng năm, ngay từ đầu tháng 7, cơ quan BHXH tỉnh chủ động báo cáo Ban chỉ đạo (BCĐ) thực hiện BHYT toàn dân của tỉnh về kế hoạch chỉ đạo tổ chức BHYT HSSV và BCĐ thường xuyên theo dõi, đôn đốc thực hiện BHYT HSSV tại một số trường khó khăn hoặc ở những đơn vị triển khai chậm. Đồng thời, cơ quan BHXH cũng phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) ra văn bản liên ngành chỉ đạo triển khai, đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc tại các trường về công tác này.

Bên cạnh đó, cơ quan BHXH cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông từ huyện đến xã, phường và các trường học. Phó Giám đốc BHXH tỉnh Hải Dương Nguyễn Đức Khang cho biết: Các đơn vị BHXH huyện cũng sẵn sàng bố trí cán bộ tăng cường bám trường, bám lớp để hướng dẫn tổ chức thực hiện. Nhờ vậy, năm học 2013- 2014, toàn tỉnh có 636/636 trường (đạt 100%) với 275.531 HSSV tham gia BHYT (đạt 100%); năm học 2014-2015, Hải Dương có 638/638 trường có HSSV tham gia BHYT, đạt 100% số trường (trong đó 19/19 trường chuyên nghiệp dạy nghề và 619/619 trường phổ thông); toàn tỉnh có 301.198 HSSV (23.554 HSSV đã có thẻ BHYT), với 277.644/277.644 HSSV thuộc diện tham gia BHYT, đạt 100%. Năm học 2015-2016, đến hết 30-6, đã có 100% số trường với 275.047 HSSV tham gia BHYT, đạt 100% HSSV thuộc diện tham gia...

Trên cơ sở số HSSV tham gia BHYT, cơ quan BHXH nhanh chóng cấp thẻ BHYT và chuyển kinh phí theo quy định để các trường thực hiện mục tiêu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các em theo đúng quy định. Với số tiền này, các nhà trường đã đầu tư cơ sở vật chất cho phòng y tế, mua các loại thuốc thiết yếu, trang bị các dụng cụ công tác y tế trường học (YTTH), phục vụ thăm khám sức khỏe cho HSSV, sơ cấp cứu ban đầu, theo dõi đánh giá sự phát triển của HSSV, giảm tỷ lệ mắc bệnh cũng như xử lý kịp thời các trường hợp mắc bệnh học đường, bệnh mãn tính. Thông qua hoạt động YTTH, nhiều nơi đã phát hiện kịp thời học sinh bị bệnh cong vẹo cột sống, bệnh về mắt..., từ đó phối hợp với gia đình để có biện pháp điều trị kịp thời. Đặc biệt, nhiều HSSV tham gia BHYT không may mắc bệnh nặng, bệnh mãn tính phải điều trị dài ngày đã được quỹ BHYT thanh toán hàng chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng, giúp giảm bớt gánh nặng cho gia đình, như trường hợp: Vũ Việt Nam (sinh viên Trường ĐH kỹ thuật y tế Hải Dương) được quỹ KCB BHYT thanh toán hơn 135 triệu đồng; Nguyễn Nhật Đức (Trường THCS Cộng Hòa - Kim Thành) được thanh toán hơn 168 triệu đồng/đợt điều trị...

Đánh giá về kết quả đạt được trong công tác thực hiện BHYT HSSV thời gian vừa qua, Phó Giám đốc Nguyễn Đức Khang cho rằng, đó là "công sức" của Ban chỉ đạo BHYT các huyện và nhất là sự nhiệt tình tham gia của đội ngũ giáo viên, nhất là hiệu trưởng các nhà trường. Công tác chỉ đạo thực hiện BHYT HSSV chỉ mang tính định hướng, còn việc thực hiện, triển khai chính là đội ngũ các thầy, cô giáo.

Năm học 2016-2017, để tiếp tục giữ vững tỷ lệ 100% số HSSV tham gia BHYT, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Dương Lương Văn Việt cho rằng, quan trọng nhất vẫn là công tác tuyên truyền vận động đến các bậc phụ huynh và HSSV; bên cạnh đó là sự chỉ đạo đồng bộ của các cấp, các ngành, đoàn thể. Với những HSSV có hoàn cảnh thật sự khó khăn, Sở GD-ĐT cũng vận động các nhà trường tặng thẻ BHYT để các em thấy được sự động viên, giúp đỡ, chia sẻ của nhà trường và gia đình học sinh; với những trường hợp vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa của việc tham gia BHYT HSSV, chúng tôi sẽ tăng cường vận động hơn nữa... Ngoài ra, liên ngành Giáo dục - Y tế - BHXH cũng cam kết bảo đảm quyền lợi cho các em khi đi khám, chữa bệnh BHYT.

Đồng thời, Sở GD-ĐT sẽ phối hợp BHXH tỉnh hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện BHYT HSSV. Xác định việc tổ chức thu BHYT HSSV là trách nhiệm của mỗi nhà trường, bảo đảm các trường hoàn thành chỉ tiêu 100% HSSV tham gia BHYT, đưa kết quả tham gia BHYT HSSV là một chỉ tiêu đánh giá thi đua hằng năm của các trường. Đồng thời, tổ chức khen thưởng, biểu dương kịp thời những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác này... Với sự tham gia tích cực, trách nhiệm của các thầy cô giáo, nhà trường và sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngành các cấp, năm học 2016 - 2017, Hải Dương tiếp tục phấn đấu đạt 100% số HSSV tham gia BHYT. (* Nhân dân (trang 4))

Cấp giấy phép hành nghề khám chữa bệnh qua mạng

TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, bắt đầu từ ngày 15-8, Sở Y tế Hà Nội sẽ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính qua mạng internet đối với việc cấp mới Chứng chỉ hành nghề và Giấy phép hoạt động đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. 

Theo đó, người dân đăng ký hồ sơ qua mạng tại địa chỉ: http://qlhanhnghekcb.gov.vn. Kết quả của thủ tục hành chính được trả tại bộ phận một cửa của Sở Y tế Hà Nội. Sở Y tế Hà Nội cũng công bố 2 số điện thoại đường dây nóng nhận phản ánh của người dân về các thủ tục hành chính, bao gồm: 0437343622 (bộ phận một cửa) và 0439902390 (Chánh Văn phòng Sở Y tế). (* An ninh Thủ đô (trang 2))

Nghi ngờ thuốc Neo - Tergynan bị làm giả

Sở Y tế Hà Nội vừa có công văn gửi các đơn vị y tế và Ban Quản lý các doanh nghiệp liền kề (Hapu Medicenter) về việc ngừng sử dụng và kinh doanh thuốc Neo - Tergynan nghi ngờ bị làm giả.

Theo đó, thuốc Neo - Tergynan (SĐK: VN-8310-09, số lô: M071, NSX: 23-6-2015, HSD: T6-2018) do Công ty Sophartex, France sản xuất, Công ty cổ phần Dược phẩm Việt Hà nhập khẩu. Cục Quản lý dược đã hướng dẫn cách nhận biết thuốc thật - giả, cụ thể: Cạnh trên của vỏ hộp thuốc thật có chữ sulfate và 3 dấu chấm có dấu cách với các chữ khác, thuốc nghi ngờ giả có 4 dấu chấm và không có dấu cách; các dấu chấm sau chữ Excipients ở thuốc thật có dấu cách với các chữ khác, còn thuốc nghi ngờ giả không có dấu cách. Mặt sau vỏ hộp của thuốc thật ghi Vaginal route và có dấu cách sau chữ effects còn thuốc nghi ngờ giả có chữ Vigial route và không có dấu cách sau chữ effects. Vỉ thuốc thật số lô và hạn dùng phía sau vỉ in nghiêng, còn ở thuốc nghi ngờ giả số lô và hạn dùng phía sau vỉ in thẳng đứng... (* Hà Nội mới  (trang 7))

Bé gái 9 tuổi mang bướu vú khổng lồ hiếm gặp

Bệnh nhân là bé T.T. (9 tuổi, Q.9, TP.HCM)  được người nhà đưa đến khám tại Bệnh viện quận Thủ Đức, TP.HCM vì sưng đau vú trái khoảng một tháng.

Qua thăm khám và theo dõi, các bác sĩ đánh giá bé bị một bệnh lý rất hiếm gặp là bướu sợi tuyến khổng lồ người trẻ. Đánh giá bướu lớn nhanh, gây đau và mất cân đối bầu ngực nên các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật, cắt trọn khối bướu có kích thước 8x10cm, cân nặng khoảng 0,5kg, chiếm gần trọn vú.

Trong khi mổ, bác sĩ đã cố gắng giữ lại phần mô vú bình thường nhằm bảo đảm bộ ngực của bé vẫn phát triển bình thường khi lớn.

Ngày 14-8, bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ - khoa ung bướu và ngoại tổng quát Bệnh viện Q.Thủ Đức - cho biết bé T.T được mổ cắt bướu vú cách đây gần một tháng. Lần tái khám mới nhất cho thấy kết quả phẫu thuật rất tốt, mô vú lành tính được giữ hoàn toàn để bé không bị biến dạng bộ ngực khi trưởng thành.

Theo bác sĩ Vũ, đa số bướu vú ở phụ nữ trẻ là lành tính, trong đó bướu sợi tuyến là nguyên nhân thường gặp nhất.

Tuy nhiên, bướu sợi tuyến thường xảy ra ở bệnh nhân trong độ tuổi 20 - 30 tuổi, trường hợp bé gái mới có 9 tuổi đã bị bướu sợi tuyến là cực kỳ hiếm thấy.

Ở bé gái trong giai đoạn dậy thì bị bướu vú thường khó chẩn đoán do sự phát triển của bộ ngực không bao giờ đồng đều, luôn có một bên phát triển nhiều hơn nên bầu ngực bé gái mất cân đối trong giai đoạn này là bình thường cộng với khối u hiếm khi xuất hiện ở các bé gái dưới 15 tuổi, nên khi bé bị sưng đau một bên vú các bác sĩ có thể nhầm với sự phát triển bình thường của bé hoặc do nhiễm trùng áp xe… (* Tuổi trẻ  (trang 4))

Bộ Y tế sẽ họp về lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức

Thông tin từ Bộ Y tế ngày 14-8 cho hay Bộ sẽ sớm họp và có quyết định bổ nhiệm lãnh đạo tại Bệnh viện Việt Đức, trong đó có liên quan đến Phó Giám đốc Trịnh Hồng Sơn, người đã gửi tâm thư đến Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến từ chối được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị. (* Tuổi trẻ  (trang 14))

Sáng kiến lạ “kiếm cơm” cho bệnh nhân nghèo

Bộ tứ đặc biệt này gồm hai bác sĩ, một giảng viên, một doanh nhân đang cùng nhau duy trì và ra sức nhân rộng mô hình thiện nguyện “Dĩa cơm trên tường” bằng hình thức “Đêm nhạc blouse trắng”, nhằm giúp đỡ các bệnh nhân nghèo ở TP HCM.

Từ rao bán cà vạt doanh nhân…

Trưa 11/8 tại tiệm cơm Đức Toàn đối diện BV Nhi Đồng 1, TP HCM, không ít khách đang dùng cơm tỏ ý ngạc nhiên khi thấy nhiều người đến tiệm mua cơm mà không trả tiền, chỉ đưa mảnh giấy nhỏ màu trắng rồi đi. Bà Nguyễn Thị Tranh, chủ quán cơm Đức Toàn, giải thích: Cứ mỗi mảnh giấy nhỏ ấy là một “Dĩa cơm trên tường”.

Người có phiếu “dĩa cơm trên tường” ấy toàn là thân nhân các bệnh nhi ở BV Nhi Đồng 1. Mỗi phiếu trắng nhỏ ấy trị giá 20.000 đồng và sẽ được một nhóm thiện nguyện thanh toán cho chủ quán vào cuối tuần. Dù trị giá mảnh giấy là thế, nhưng phần cơm, thức ăn vẫn ngang bằng với suất cơm có giá 25.000đồng. “Mình cũng góp vào đó 5.000 đồng/phần cho thêm ý nghĩa”, bà Tranh vui vẻ cho hay. Mỗi ngày, có đến 40 – 70 “Dĩa cơm trên tường” được trao đi. “Em đến nhận cơm tự nhiên vui vẻ lắm, bởi với mảnh giấy có dòng chữ "Dĩa cơm trên tường" thì em đã là khách của quán rồi. Biết là cơm thiện nguyện nào cũng vì lo cho người khó, nhưng cách lo này khiến người nhận dễ chịu lắm…”, một bà mẹ trẻ nhận “Dĩa cơm trên tường” chia sẻ với PV Báo GĐ&XH.

Từ bà chủ tiệm cơm Đức Toàn, chúng tôi lần tìm đến những người đứng sau “Dĩa cơm trên tường” đang thực hiện tại ba tiệm cơm khác (BV Nhi Đồng 2, Trưng Vương, Chợ Rẫy), mới phát hiện một bộ tứ đầy lòng hào hiệp. Người đầu tiên chúng tôi trò chuyện là doanh nhân Lâm Minh Chánh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Posaco.com. Anh Chánh gốc người Nha Trang, nói với chúng tôi rằng, người đề xướng “Dĩa cơm trên tường” là bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển (BV Tâm thần TP HCM) bởi ấn tượng sâu sắc với mô hình “Ly cà phê trên tường” ở thành Venice. Ý tưởng này của bác sĩ Hiển được bác sĩ Võ Xuân Sơn (Phòng khám Exon) nhiệt thành chia sẻ và thực hiện bằng tiền túi của cả hai và vài đồng nghiệp khác.

“Mình là chiến hữu của bác sĩ Sơn nên khi được anh chia sẻ câu chuyện “Dĩa cơm trên tường” là mình bị thuyết phục ngay. Vậy là ngoài tiền túi (tiền mặt), mấy anh em còn bàn nhau sáng tạo đủ kiểu để xoay tiền duy trì mô hình. Riêng mình thì có bộ cà vạt sưu tầm từ lâu với giá mua tầm 100 - 200 USD/cái, vậy là mình rao bán luôn để mua cơm. Mỗi cà vạt mình bán khi thì được 400.000 đồng, khi thì nhiều hơn chút đỉnh, cộng lại cũng được hơn chục triệu "góp gió thành bão" với hai ông anh. Coi vậy chứ duy trì lần hồi bằng tiền túi cũng "đuối". Lúc “hẻo” nhất, cả đội cũng lo được 200 dĩa cơm/tuần, lúc mạnh nhất cũng được 400-500 dĩa cơm/tuần. Vậy nên cả đội bắt đầu mở rộng quan hệ tìm những người đồng lòng chung tay góp sức bằng cách này, cách nọ…”, doanh nhân Lâm Minh Chánh cho hay.

Đến sáng kiến "không giống ai"

Hồi “Dĩa cơm trên tường” khởi phát cách đây hơn một năm, ngoài hai bác sĩ và một doanh nhân còn có một số bác sĩ khác. Song việc duy trì mô hình đòi hỏi nhiều thời gian nên lần lượt chỉ còn ba thành viên trực tiếp xắn tay duy trì hoạt động. Trong dịp bóng đá Euro vừa qua, bác sĩ Sơn sáng kiến độc đáo là loan tin cá độ qua Facebook, bên thua (cả ba thành viên) và bên thắng đều… chung độ như nhau là 2.000 dĩa cơm. Lối cá độ “không giống ai” này không chỉ mang lại đến 4.000 dĩa cơm sau mùa Euro mà còn kéo thêm một người khác chung ý chung lòng vào nhóm duy trì mô hình “Dĩa cơm trên tường”: Thầy Tôn Thất Toàn, giảng viên Trường Cao đẳng Phát thanh – Truyền hình TP HCM.

“Đêm nhạc blouse trắng”

Thầy Toàn chia sẻ với chúng tôi rằng, mô hình “Dĩa cơm trên tường” quả thực đậm tính nhân văn và lãng mạn. Có điều, duy trì bằng tiền túi của bộ tứ quả không phải là kế sách lâu dài. Vả lại, mục đích tự ban đầu của bác sĩ Hiển, vốn được cả bộ tứ chia sẻ, là tạo mô hình hay để kết nối cộng đồng cùng nhau chung tay san sẻ vì chính cộng đồng. “Vậy nên mình đã đề xuất và bộ tứ đã đồng ý cùng nhau bắt tay thực hiện chương trình ca nhạc "Đêm nhạc blouse trắng" với đội ca sĩ là bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, sinh viên y khoa…và các ca sĩ là khách mời… phi cát xê. Đêm mở màn đầu tiên đã diễn ra với ca sĩ - bác sĩ Lê Hành giữ vai chủ lực. Đêm diễn đầu tiên ấy, 50 khách đến dự đã ủng hộ trên dưới 40 triệu đồng đấy”, thầy Toàn phấn khởi thông tin.

Một điều bất ngờ khác mà thầy Toàn cũng chia sẻ là địa điểm tổ chức (Quán cà phê Somewhere trên đường Trường Sơn) chỉ có 50 chỗ mà những người ủng hộ đăng ký qua facebook đã đến 200 người. Do đó bộ tứ quyết định sẽ làm tiếp vào tối thứ 7 của ba tuần sắp tới. “Cách làm cũng rất fairplay!. Mình nhờ từ địa điểm đến nhạc cụ và cả nhạc công của quán. Họ cứ thu tiền thức uống khách đến ủng hộ như biểu giá thường nhật. Còn khách ủng hộ “Dĩa cơm trên tường” thì có bao thư trên bàn, tùy lòng hảo tâm mà góp vào thùng tiền quyên góp bên trong khán phòng. Anh em trong bộ tứ đã thống nhất quan điểm: Không dụng một xu tiền ủng hộ để trang trải bất kỳ chi phí nào. Đảm bảo đầu vào bao nhiêu thì đầu ra bấy nhiêu, thậm chí nhiều hơn vì có cả tiền túi của anh em nữa”, thầy Toàn chia sẻ thêm. (* Gia đình & Xã hội (trang 15) )

Cùng chủ đề Báo Lao Động trang 7: “Bác sĩ đi kiếm cơm cho bệnh nhân”

Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhì

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Cục Quản lý Dược, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết 20 năm qua, ngành dược Việt Nam và Cục Quản lý dược đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp lớn vào thành tựu chung của ngành y tế trong sự nghiệp chăm lo sức khỏe nhân dân.

Ngày 12/8, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm thành lập (13/8/1996-13/8/2016). Tại lễ kỷ niệm, Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trao Huân chương Lao động Hạng Nhì cho Cục Quản lý Dược

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết 20 năm qua, ngành dược Việt Nam và Cục Quản lý dược đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp lớn vào thành tựu chung của ngành y tế trong sự nghiệp chăm lo sức khỏe nhân dân.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ, bên cạnh những thành tựu đáng tự hào, ngành dược Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như mô hình bệnh tật thay đổi, một số bệnh truyền nhiễm có xu hướng quay trở lại, các hiện tượng kháng thuốc, nhờn thốc xảy ra thường xuyên, nguyên liệu sản xuất thuốc phụ thuộc vào nước ngoài, chưa tận dụng được thế mạnh, tiềm năng của ngành dược trong nước...

Bộ trưởng cũng đề nghị thời gian tới để đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, Cục Quản lý dược đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, trọng tâm là xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Dược 2016; sắp xếp hệ thống lưu thông, phân phối thuốc, nhập khẩu thuốc, hệ thống kiểm nghiệm thuốc. Đồng thời, Cục Quản lý Dược cần khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực dược bằng các văn bản cụ thể; khuyến khích chuyển giao công nghệ, sản xuất gia công; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ chất lượng thuốc lưu thông trên thị trường, thuốc cung ứng trong các cơ sở khám chữa bệnh, nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất thuốc trong nước.

“Cục Quản lý dược tiếp tục triển khai toàn diện, sâu rộng hoạt động thông tin thuốc, theo dõi phản ứng có hại của thuốc, dược lâm sàng để từng bước đạt được mục tiêu sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả; bình ổn thị trường thuốc, thực hiện cơ chế đấu thầu minh bạch bảo đảm nguồn cung ứng thuốc với giá cả hợp lý...”- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói

Tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Cục Quản lý Dược, TS Trương Quốc Cường- Cục trưởng Cục Quản lý dược nhấn mạnh: Qua quá trình 20 năm phát triển, hơn 150 văn bản quy phạm pháp luật đã được Cục chủ trì xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền ban hành, được triển khai trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực dược mang lại những kết quả to lớn.

Đến nay, cả nước đã có 159 nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP (thực hành tốt sản xuất thuốc) bao gồm thuốc tân dược và thuốc từ dược liệu; 4 nhà máy sản xuất vắc xin, sinh phảm y tế đạt tiêu chuẩn GMP; 188 doanh nghiệp có kho đạt tiêu chuẩn GSP (thực hành tốt bảo quản thuốc); 171 cơ sở đạt tiêu chuẩn GLP (hệ thống an toàn chất lượng phòng thí nghiệm); trên 42.000 cơ sở bán lẻ thuốc bao gồm nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP (thực hành tốt quản lý nhà thốc), quầy thuốc, tủ thuốc trạm y tế; trên 2.000 doanh nghiệp bán buôn thuốc đạt tiêu chuẩn GDP (thực hành tốt phân phối thuốc).

 “Đặc biệt, Việt Nam là một trong số ít các nước sản xuất được vắc xin và lượng vắc xin sản xuất trong nước đã đáp ứng cơ bản nhu cầu cho Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia (sản xuất được 12 loại vắc xin sử dụng phòng 10/12 bệnh trong tiêm chủng mở rộng)”- TS Trương Quốc Cường nêu

Trong năm 2015, Cục Quản lý dược với vai trò đầu mối đã cùng các đơn vị trong hệ thống thuộc Bộ Y tế được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá và chính thức công nhận các chức năng quản lý quốc gia (NRA) về vắc xin theo tiêu chuẩn của WHO. Việc kiểm tra chất lượng thuốc được thực hiện thường kỳ và đột xuất ở tất cả các khâu, các đơn vị; công tác phòng chống thuốc giả, thuốc kém chất lượng được đẩy mạnh. Nhờ vậy, tỷ lệ thuốc giả giảm mạnh từ 7% đầu những năm 90 xuống còn dưới 0,1% từ năm 2010 đến nay... (* Sức khỏe & Đời sống (trang 2))

Chuyển Bệnh viện Đa khoa Thừa Thiên - Huế về Bộ Y tế quản lý

Chính phủ quyết định chuyển giao Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thừa Thiên - Huế thuộc UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế sang Bộ Y tế quản lý, kể từ ngày 15/8/2016.

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định chuyển giao nguyên trạng về tổ chức, bộ máy, nhân lực, tài sản, tài chính và các quyền, nghĩa vụ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thừa Thiên - Huế thuộc UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế sang Bộ Y tế quản lý, kể từ ngày 15/8/2016.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm phối hợp với các Bộ: Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan thực hiện việc chuyển giao, tiếp nhận Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thừa Thiên - Huế theo đúng quy định của pháp luật.

 Bộ trưởng Bộ Y tế chịu trách nhiệm tổ chức lại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thừa Thiên - Huế thành cơ sở 2 của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế, bảo đảm phát huy hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị của Bệnh viện.

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế chịu trách nhiệm bảo đảm kinh phí cho việc duy trì hoạt động của cơ sở 2 Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế đến hết năm 2016. (* Sức khỏe & Đời sống (trang 2))

Bộ Y tế yêu cầu công khai, minh bạch dịch vụ thuê ngoài bệnh viện

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, thời gian qua vẫn còn một số BV thực hiện chưa tốt việc quản lý dịch vụ thuê khoán ngoài BV, gây phiền hà cho người bệnh và người nhà thăm nuôi, để xảy ra những sự việc đáng tiếc gây bức xúc trong dư luận, giảm lòng tin của nhân dân với ngành y tế.

Chiều 12-8, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị nâng cao công tác quản lý các dịch vụ thuê bên ngoài bệnh viện (BV). Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, thời gian qua vẫn còn một số BV thực hiện chưa tốt, gây phiền hà cho người bệnh và người nhà thăm nuôi, để xảy ra những sự việc đáng tiếc gây bức xúc trong dư luận, giảm lòng tin của nhân dân với ngành y tế.

BV không thể “khoán trắng” cho các đơn vị cung ứng dịch vụ

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế , đây là lần đầu tiên ngành y tế tổ chức hội nghị này nhằm nâng cao hiệu quả và chuyên nghiệp hoá cung cấp dịch vụ, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tạo sự hài lòng cho người bệnh… Bộ trưởng cũng cho biết, sau 1 năm thực hiện phong trào “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh”, đến nay, tại các cơ sở khám chữa bệnh đã có sự chuyển đổi rõ rệt trong tư duy quản lý theo phương pháp tiếp cận từ “phục vụ” sang “cung cấp dịch vụ”. Đa số cán bộ y tế đã nhận thức được tầm quan trọng của phong cách, thái độ phục vụ, kỹ năng giao tiếp với người bệnh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Tuy nhiên, đó mới là các dịch vụ do nhân viên y tế thực hiện, trong các BV vẫn còn một số lượng lớn các dịch vụ do các đối tác, nhà cung cấp bên ngoài BV hiện thông qua các hợp đồng thuê khoán như bảo vệ, trông xe; ăn uống, dinh dưỡng; vận chuyển, cứu thương; siêu thị mini, quầy tiện ích; hỗ trợ chăm sóc; và nhiều dịch vụ thiết yếu khác nữa nhằm hỗ trợ người bệnh trong quá trình nằm viện.

Rất nhiều BVđã triển khai hiệu quả mô hình này, những vẫn còn một số BV thực hiện chưa tốt, gây phiền hà cho người bệnh và người nhà thăm nuôi, để xảy ra những sự việc đáng tiếc gây bức xúc trong dư luận và đã được các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin; giảm lòng tin của nhân dân với ngành y tế. Bài học từ những sự việc trên cho thấy, mặc dù là dịch vụ do đơn vị bên ngoài cung cấp nhưng khi sự cố xảy ra, hình ảnh, uy tín của BV, của ngành y tế bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, BV không thể “khoán trắng” cho các đơn vị cung ứng dịch vụ mà phải có các biện pháp quản lý chặt chẽ, phù hợp.

“Những sự việc xảy ra liên quan đến các dịch vụ thuê ngoài tại xảy ra gần đây chỉ là cá biệt. Tuy nhiên, nếu các BV không nghiêm túc xử lý các vấn đề này sẽ làm mất hình ảnh, uy tín cũng như chất lượng khám chữa bệnh của Việt Nam. Những người có điều kiện sẽ đi ra nước ngoài chữa trị, chảy máu ngoại tệ. Người dân thì cứ mãi hình ảnh vào BV là đáng sợ, sợ từ ông bảo vệ- theo phản ánh người dân là mặt lạnh như tiền, thậm chí quát mắng. Tại sao nhiều nơi ngay từ cổng vào nhân viên đã chào đón quý khách mà chúng ta không làm được”, Bộ trưởng nói.

Hay như dịch vụ xe cấp cứu, Bộ trưởng đặt câu hỏi về chất lượng liệu có chuyên nghiệp, có điều dưỡng bóp bóng nhưng ai đào tạo, cấp chứng chỉ cho những nhân viên này. Vì thế, ngoài làm tốt chuyên môn, Bộ trưởng yêu cầu các BV cần cũng cần quan tâm đến các dịch vụ thuê ngoài tại BV công khai khai minh bạch các loại giá này và thông báo cho người bệnh.

Việc cung cấp dịch vụ thuê bên ngoài trong BV theo nguyên tắc công khai, minh bạch

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh trong thời gian qua, hoạt động của các dịch vụ thuê khoán trong BV như dịch vụ bảo vệ, gửi xe, vận chuyển bệnh nhân, căng tin, giặt là, dịch vụ mai táng, bảo quản tử thi... đã đóng vai trò quan trọng trong việc cung ứng các dịch vụ cho người bệnh, người nhà bệnh nhân. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, trên thực tế các dịch vụ này đã bộc lộ một số tồn tại, bất cập.

Bộ Y tế đã thành lập đoàn công tác kiểm tra thực tế quá trình đấu thầu lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển, dịch vụ bảo vệ, gửi xe, căng tin...; tính công khai minh bạch trong quá trình quản lý, giám sát điều hành công tác vận chuyển và bảo đảm an ninh trật tự ; vai trò trách nhiệm của các cá nhân và các phòng ban liên quan…

Theo đó, những dịch vụ được sử dụng nhiều nhất tại các BV là trông giữ xe, căng tin tiện ích, bảo vệ, bán sách bảo và gọi điện thoại công cộng, nhà thuốc, taxi nhượng quyền, về sinh công nghiệp, ăn uống, xe cứu thương… Qua kiểm tra thực tế cho thấy cơ bản các BV đã thực hiện nghiêm túc công tác đấu thầu, lựa chọn các dịch vụ thuê bên ngoài vào BV, tuy nhiên vẫn còn những tồn tại cần khắc phục.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm giữa các BV có mô hình dịch vụ tốt và các nhà cung cấp dịch vụ; tập trung đánh giá rõ thực trạng cung cấp dịch vụ thuê khoán ngoài, chỉ ra những tồn tại, những điểm yếu, cùng đóng góp những ý kiến, đề xuất các giải pháp phù hợp để khắc phục, làm tốt hơn việc cung cấp dịch vụ thuê bên ngoài trong BV theo nguyên tắc công khai, minh bạch và tuân thủ các quy định của pháp luật. (* Sức khỏe & Đời sống (trang 3)

Bệnh viện nơi biên giới thành công kỹ thuật ghép da tự thân

“Ghép da tự thân” là giải pháp sáng tạo hữu ích do bác sỹ Ngô Văn Nguyên - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước và các cộng sự nghiên cứu và đang được ứng dụng rộng rãi tại Bệnh viện, giúp chữa lành vết thương cho nhiều bệnh nhân. Điều đáng nói đây là bệnh viện thuộc nằm ở biên giới giáp nước bạn Campuchia, điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực vô cùng khó khăn, thiếu thốn.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại Khoa ngoại Bệnh viện Đa khoa Bù Đốp có rất nhiều bệnh nhân vào điều trị trong tình trạng ở vùng da bị tổn thương, có nguy cơ bị hoại tử. Tại đây, bác sỹ Ngô Văn Nguyên cùng các cộng sự của mình đã thực hiện thành công kỹ thuật ghép da tự thân điều trị vết thương, giúp nhiều người bệnh giảm chi phí, thời gian điều trị nhanh và hạn chế chuyển lên tuyến trên.

Bệnh nhân Lô Văn Rùi (49 tuổi, ở xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp) nhập viện trong tình trạng vết thương bỏng do nhiệt pô xe máy ở vùng cổ chân phải, đang hoại tử có kích thước vết thương 4x7cm.

Tại đây, bác sỹ Nguyên cùng cộng sự tiến hành cho bệnh nhân nằm sấp sau khi gây mê, sau đó cắt lọc lấy hết mô hoại tử, rửa sạch vết thương. Kế đến, tiến hành lấy da mặt ngoài đùi phải của bệnh nhân, sau đó rửa sạch bằng muối, lấy hết mỡ mảnh da ghép và căng mảnh da được lấy sao cho bằng kích thước với vết thương. Khâu đính mảnh da vào vết thương cổ chân phải bằng chỉ nilon. Rạch da nhằm thoát dịch nơi mảnh da ghép. Băng ép vết thương vùng đùi nơi lấy da. Băng ép vết thương vừa được ghép da. Sau thời gian điều trị, mảnh da ghép cổ chân phải của bệnh nhân chuyển sang màu hồng, khô và có cảm giác. 

Bác sỹ Nguyên nói: “Đây là kỹ thuật mới được chúng tôi thực hiện lần đầu tiên tại Bệnh viện. Thời gian tới Bệnh viện sẽ cố gắng hoàn thiện thêm kỹ thuật mới này. Để thực hiện tốt kỹ thuật này đòi hỏi cần phải đầu tư thêm một số máy móc như: máy bào da và một số trang thiết bị khác. Chúng tôi mong muốn các cấp, ngành sớm quan tâm tạo điều kiện để Bệnh viện có thêm kinh phí đầu tư mua sắm trang bị hoàn thiện tốt kỹ thuật mới này, nhằm góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân”.

Theo bác sỹ Ngô Văn Nguyên, trong các trường hợp vết thương không có khả năng khâu hai mép, việc ghép da được chỉ định nhằm giúp cho vết bỏng, vết thương được bảo vệ, tránh vi khuẩn xâm nhập. Vết thương sau khi ghép, da tự thẩm thấu, nhanh hồi phục. Kỹ thuật ghép không quá phức tạp nhưng cũng đòi hỏi những yêu cầu chuyên môn khắt khe.

“Trước tiên, chúng tôi phải lấy một lượng da nhỏ của bệnh nhân, căng rộng ra bằng cách rạch những đường nhỏ, tạo thành “tấm lưới” che phủ lên vết thương. Lượng da ghép chỉ được ghép lấy đủ mức cần thiết, da lấy phải rất mỏng, đảm bảo an toàn cho việc tái tạo, tránh gây tổn thương cho vùng bị lấy da. Da ghép “sống” được nhờ sự thẩm thấu chứ không được nuôi trực tiếp bằng mạnh máu. Do đó, độ mỏng của da là yếu tố quan trọng giúp nó bám sống. Sau khi ghép phải băng ép chặt vừa phải để tạo lực cho mảnh ghép tiếp xúc với nền ghép tốt” - bác sỹ Nguyên chia sẻ kinh nghiệm.

Sáng kiến kỹ thuật ghép da tự thân điều trị vết thương của bác sỹ Ngô Văn Nguyên và các cộng sự đã vinh dự được ngành y tế trong tỉnh khuyến khích ứng dụng rộng rãi. (* Công an Nhân dân (trang 4))

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang