Ghi nhận hai trường hợp mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân ở Quảng Ngãi
Ngày 19/8, Cục Y tế dự phòng-Bộ Y tế đã có Công văn gửi Sở Y tế Quảng Ngãi và các đơn vị liên quan để chỉ đạo tăng cường các hoạt động phòng chống hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân tại địa phương.
Theo đó, Cục Y tế dự phòng yêu cầu giám sát dịch tễ, phát hiện sớm và quản lý hiệu quả các trường hợp bệnh, người có men gan cao và người có nguy cơ mắc bệnh tại cộng đồng; tăng cường công tác khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh; phối hợp với các ban ngành, đoàn thể địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân thu hoạch, bảo quản và sử dụng thóc, gạo bảo đảm chất lượng, phòng tránh nhiễm vi nấm mốc.
Cùng với đó, việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất để nâng cao thể trạng cần được thực hiện. Song song, các đơn vị đẩy mạnh hoạt động vệ sinh môi trường; hướng dẫn người dân giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà ở, thôn, xóm và sử dụng nước sạch trong ăn uống và sinh hoạt.
Sở dĩ Cục Y tế có yêu cầu trên bởi ngày 17/8, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi đã tiếp nhận 2 trường hợp với chẩn đoán mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân. Bệnh nhận là Đinh Văn N, sinh năm 1970, và con trai là Đinh Văn H, sinh năm 1995, sống tại xóm Làng Lang, thôn Làng Chai, xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà. Hiện tại hai bệnh nhân đang được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh.
Theo Cục Y tế dự phòng, trường hợp mắc bệnh đầu tiên tại tỉnh Quảng Ngãi được phát hiện từ tháng 4 năm 2011 và trong thời gian qua bệnh đã được khống chế hiệu quả tại địa phương. Tuy nhiên, hiện nay bệnh này lại tái xuất hiện.
Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân đã được các cơ quan chuyên môn Bộ Y tế xác định nguyên nhân là do nhiễm độc tố vi nấm bởi ăn gạo mốc trên cơ địa người bị thiếu vi chất dinh dưỡng. Để phòng, chống mắc bệnh, biện pháp chính là sử dụng thóc, gạo không bị nấm mốc kết hợp với tăng cường dinh dưỡng và vệ sinh môi trường. ( Nhân dân (trang 5))
Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân trang 1: “Bộ Y tế chỉ đạo phòng chống hội chứng viêm da dày sừng bàn tay bàn chân ở Quảng Ngãi”; Báo Nông thôn Ngày nay trang 5: “Bệnh lạ tái xuất ở Quảng Ngãi sau 3 năm tạm lắng”
Khám, cấp thuốc miễn phí cho công nhân
Liên đoàn lao động thành phố Việt Trì (Phú Thọ) vừa phối hợp với Đoàn thanh niên thành phố Việt Trì và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ tổ chức khám, tư vấn, cấp thuốc miễn phí cho 100 công nhân lao động (CNLĐ) trên địa bàn.
Trong chương trình CNLĐ đã được các bác sỹ chuyên ngành nội tổng hợp thăm khám như: đo huyết áp, kiểm tra thị lực mắt, khám tai mũi, họng, tim mạch, siêu âm ổ bụng, gan, phổi đồng thời, tư vấn cho CNLĐ về tình hình sức khỏe của mình để biết và chăm sóc bản thân. (* Tiền phong (trang 7))
Hơn 1.000 người tham gia hiến máu tình nguyện
Ngày 19/8, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện thị xã Thái Hòa (Nghệ An) phối hợp với Trung tâm Huyết học truyền máu Nghệ An tổ chức Ngày hội hiến máu tình nguyện năm 2016.
Ngày hội hiến máu nhân đạo đã thu hút trên 1.100 tình nguyện viên là cán bộ công chức, viên chức, đoàn viên thuộc các cơ quan, đơn vị, trường học, lực lượng vũ trang và các địa phương trên toàn địa bàn đăng kí tham gia. Kết thúc ngày hội hiến máu thu được 603 đơn vị máu. Toàn bộ số máu sẽ được chuyển đến ngân hàng máu tại các bệnh viện để cứu sống người bệnh và giúp ngành y tế bớt khó khăn về tình trạng thiếu máu. (* Tiền phong (trang 7))
Quy định mới cho người tham gia BHYT 5 năm trở lên
Bộ Y tế vừa có Công văn số 5544/BYT-BH gửi Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam về việc thanh toán trực tiếp chi phí cùng chi trả vượt quá 6 tháng lương cơ sở (7.260.000 đồng) đối với người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) 5 năm liên tục trở lên.
Để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh có thẻ BHYT, Bộ Y tế đề nghị BHXH Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện, đảm bảo quyền lợi người bệnh có thẻ BHYT. (* Tiền phong (trang 10))
Cần trị thẳng tay nạn trục lợi bảo hiểm y tế
Dù cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo song tình trạng trục lợi Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) vẫn có xu hướng gia tăng và diễn biến tinh vi hơn. Tính đến giữa tháng 8-2016, Quỹ BHYT đã bội chi trên 3.400 tỷ đồng; chi từ Quỹ BHYT cho khám chữa bệnh cũng tăng vọt lên 40%, nguy cơ vỡ quỹ đã hiển hiện.
Cấp bánh mỳ kẹp thịt miễn phí để... hút bệnh nhân
Báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa được công bố cho thấy, có tới 37 tỉnh/ thành phố có số chi cho khám chữa bệnh từ Quỹ BHYT vượt tổng quỹ được giao, với số tiền bội chi lên đến gần 3.404 tỷ đồng. Cùng đó, tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT vẫn đang diễn ra một cách tinh vi, tạo ra những khoản chi bất hợp lý lên đến hàng nghìn tỷ đồng…
Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam dẫn chứng: Qua kiểm tra, cơ quan BHXH Việt Nam đã phát hiện có bệnh nhân một tháng đi khám bệnh tới 27 lần. Có địa phương qua kiểm tra phát hiện trường hợp bệnh nhân khám ngày 2-3 lần trong cùng 1 bệnh viện huyện để lấy thuốc rồi bán lại cho hiệu thuốc. Nhức nhối nhất là tại các cơ sở y tế tư nhân, thậm chí, một số phòng khám tư còn nghĩ ra “chiêu” mua bánh mỳ kẹp thịt phát miễn phí cho bệnh nhân, tặng quà khuyến mãi, tặng vé xe ô tô đưa đón để hút bệnh nhân BHYT tới cơ sở mình.
Qua kiểm tra, có những cơ sở y tế 100% bệnh nhân khi tới khám, điều trị đều được chỉ định nội soi tai mũi họng, mặc dù nhiều trường hợp không cần thiết. Nhiều bệnh viện còn “câu kết” với người bệnh để lập bệnh án khống, làm đơn thuốc giả nhằm rút tiền từ Quỹ BHYT.
“Có những hồ sơ bệnh án, đọc mà thấy “thương” cho cái đầu gối của người bệnh, khi chỉ trong 1 ngày phải chịu can thiệp tới… 6, 7 thủ thuật!” - ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội nêu ví dụ từ thực tiễn kiểm tra trên địa bàn.
Đặc biệt, lợi dụng chính sách thông tuyến BHYT được áp dụng từ đầu năm nay, nhiều bệnh viện đã nghĩ cách trục lợi từ Quỹ BHYT hàng chục tỷ đồng. Điển hình, tại tỉnh Bắc Giang, Bệnh viện Y học cổ truyền Lan Q. từ đầu năm đến nay có mức tăng lượt khám chữa bệnh nội trú lên 135%, với mức chi phí tăng đến 1.237% so với cùng kỳ năm trước.
Giám đốc BHXH tỉnh Bắc Giang Thân Đức Lại cho biết, một trong những chiêu trò mà cơ sở này sử dụng là tổ chức các đoàn khám chữa bệnh lưu động đến từng xã khuyến khích người dân đến khám. Với quy mô 5.993 đầu thẻ đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu, qua 6 tháng đầu năm nay, cơ sở này có số tiền vượt quỹ sau khi trừ tăng giá dịch vụ y tế lên tới hơn 3,38 tỷ đồng…
Kiên quyết từ chối thanh toán
Trước tình trạng bội chi khiến nguy cơ vỡ Quỹ BHXH bị đe dọa, ngành BHXH cho rằng, giải pháp quan trọng hàng đầu là cần kiểm soát chặt chi phí khám chữa bệnh BHYT; rà soát và kiên quyết từ chối thanh toán đối với các cơ sở y tế có dấu hiệu vi phạm, lạm dụng quỹ BHYT.
Điển hình như vụ việc Phòng khám đa khoa Phương Nam (Cà Mau), chỉ trong 6 tháng đầu năm nay đã bị BHXH tỉnh Cà Mau từ chối thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT lên tới 71 tỷ đồng do có dấu hiệu lạm dụng khám chữa bệnh BHYT để trục lợi quỹ.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết thêm, BHXH Việt Nam đã tăng cường nhân lực giám định BHYT để phát hiện kịp thời, ngăn ngừa các hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT và xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật BHYT.
Tính riêng trong năm 2015, BHXH đã từ chối thanh toán 1.163 tỷ đồng cho các cơ sở cung cấp dịch vụ do áp giá sai, chẩn đoán không hợp lý, đồng thời thu hồi gần 40 tỷ đồng thanh toán sai quy định. (* An ninh Thủ đô (trang 1))
Công khai cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu có vi phạm
Ngày 19-8, Thanh tra Bộ Y tế đã có công văn gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc triển khai công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) dịp Tết Trung thu 2016.
Theo đó, Thanh tra Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các địa phương chỉ đạo Thanh tra Sở và các đơn vị chức năng triển khai có trọng tâm, trọng điểm việc thanh tra, kiểm tra, tập trung vào những cơ sở có dấu hiệu vi phạm quy định về ATTP, các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Trung thu.
Thông qua công tác thanh kiểm tra, cần kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sơ hở, yếu kém trong công tác quản lý ATTP. Đặc biệt, phải công bố rộng rãi các cơ sở có vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định pháp luật. (* An ninh Thủ đô (trang 2))
Linh hoạt phương thức thu phí BHYT học sinh, sinh viên
BHXH Việt Nam vừa có công văn gửi BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tham gia BHYT học sinh, sinh viên năm 2016-2017.
Theo đó, để đến năm 2017 đạt 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các địa phương báo cáo, tham mưu cho UBND các tỉnh/ thành phố để có văn bản chỉ đạo các trường học thực hiện chính sách BHYT học sinh, sinh viên.
Đồng thời, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHYT, phân loại học sinh, sinh viên chưa tham gia BHYT theo hộ gia đình để phối hợp với nhà trường vận động tham gia BHYT. Đặc biệt, BHXH Việt Nam đề nghị linh hoạt phương thức thu phí BHYT để giảm nhẹ số tiền đóng góp của phụ huynh học sinh vào đầu năm học. (* An ninh Thủ đô (trang 7))
Ghép tạng - Cầu nhiều, cung ít
Trong thực tế, nhu cầu ghép tạng (tim, gan, thận, phổi) kể cả trên thế giới lẫn trong nước là rất lớn, còn nguồn cung thì không đáp ứng đủ. Không chỉ thế, trong phẫu thuật ghép tạng, mọi quy trình lấy tạng lẫn cấy ghép cần phải tuân thủ kỹ thuật y khoa nghiêm ngặt.
Nhu cầu cao
Tháng 5-2016 vừa qua, một lần nữa Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy TPHCM đã vận động thành công thân nhân một thiếu nữ bị tai nạn giao thông chết não đồng ý hiến tạng cứu sống được 6 người, trong đó có 2 trường hợp bệnh nhân tại Hà Nội. Nội tạng của người chết não được chuyển đi hàng ngàn cây số, phải chạy đua giành giật từng phút với tử thần để nối dài sự sống cho bệnh nhân. Đây cũng là ca ghép tạng xuyên Việt thứ hai được thực hiện thành công.
Theo PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc BV Chợ Rẫy, mới đây, BVcũng đã ghép gan thành công cho 2 trường hợp được hiến từ người cho còn sống. Trường hợp thứ nhất là nam bệnh nhân 60 tuổi, ngụ Bến Tre, bị ung thư gan, xơ gan nặng, viêm gan siêu vi B. Người hiến gan là con trai, 32 tuổi. Trường hợp thứ hai là bệnh nhân nữ 66 tuổi, ngụ TPHCM, bị xơ gan giai đoạn cuối, nhiễm viêm gan siêu vi C, có khối ung thư gan. Người hiến gan là con trai, 37 tuổi...
Theo TS Phạm Hữu Thiện Chí, Phó khoa Ngoại Gan mật tụy BV Chợ Rẫy, mặc dù phẫu thuật ghép gan từ người cho còn sống rất phức tạp nhưng phần lớn thành công, an toàn cho cả người cho lẫn người nhận. Từ năm 2012 đến nay, BV Chợ Rẫy TPHCM đã thực hiện 6 ca ghép gan, trong đó có 5 ca ghép gan từ người cho sống, một ca ghép gan từ người cho đã chết não.
Ngoài BV Chợ Rẫy, BV Việt Đức (Hà Nội), BV Trung ương Huế cũng đã thực hiện nhiều ca ghép tạng thành công. Không chỉ lấy tạng và ghép tại chỗ mà nguồn tạng còn được “vận chuyển” qua lại giữa hai đầu TPHCM - Hà Nội. Ngoài nguồn tạng từ người thân cho người thân, nguồn tạng hiến từ người cho chết não cũng chiếm một phần đáng kể.
Từ năm 2008 đến nay, BV Chợ Rẫy đã tiếp nhận 10 trường hợp hiến tạng từ người cho chết não. Nguồn tạng này đã được sử dụng để ghép, cứu sống hơn 20 trường hợp. Một người chết não nếu hiến tạng có thể cứu sống được 7 người bệnh với thận, gan, tim, phổi và tụy tạng. Tuy nhiên, nguồn tạng vẫn không đáp ứng được nhu cầu bệnh nhân. Theo Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người BV Chợ Rẫy, hiện cả nước có hơn 16.000 người bị suy thận, suy gan, suy tim, hỏng giác mạc… đang mòn mỏi chờ được ghép trong tuyệt vọng!
Kỹ thuật ngang tầm quốc tế
Mãi đến năm 1992, Việt Nam mới có ca ghép thận đầu tiên, trong khi thế giới đã đi trước hàng chục năm. Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), kỹ thuật ghép tạng đã được các y, bác sĩ trong nước quan tâm từ rất sớm, ca ghép thận đầu tiên là tại BV Quân y 103. Từ thành công ban đầu đó, đến nay đã có 140 cơ sở y tế trên cả nước đủ điều kiện ghép tạng. Từ việc chỉ thực hiện ghép thận, gan trên người cho sống, nay Việt Nam đã thực hiện thành công các ca ghép tim.
“Thay vì trước đây người dân phải đi Trung Quốc, Singapore, Thái Lan và cả Mỹ để ghép thận, gan, tim, thì nay Việt Nam làm tốt, chi phí lại rẻ”, ông Khuê khẳng định.
Theo các chuyên gia y tế, trình độ ghép tạng của Việt Nam đã ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới. Một số nước khác cũng đang cử bác sĩ sang Việt Nam để học hỏi. PGS-TS Nguyễn Tấn Cường, nguyên Trưởng khoa Ngoại Gan mật tụy BV Chợ Rẫy, cho biết ghép tạng là một trong những kỹ thuật khó nhất trong việc ghép các bộ phận cơ thể. Hiện nay, nhu cầu cần ghép tạng rất lớn, tuy nhiên việc tìm được nguồn tạng phù hợp rất khó khăn. Ngoài việc phải đảm bảo các chỉ số phù hợp, người cho tạng cần phải vượt qua được rào cản tâm lý.
Không phải bệnh nhân nào cũng đủ khả năng đáp ứng nhu cầu người hiến (người sống phải là thân nhân của bệnh nhân hoặc người đã bị chết não). Để lấy tạng ra khỏi ổ bụng, các bác sĩ phải tuân thủ theo một quy trình ngặt nghèo và thực hiện trong điều kiện vô trùng tuyệt đối. Do đó, thông tin bắt cóc trẻ em rồi đưa đến một nơi hoang vắng mổ lấy tạng là quá thất thiệt, không tưởng.
Theo PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết, chuyên gia ghép tạng hàng đầu Việt Nam, để lấy được tạng phải trải qua rất nhiều công đoạn với những máy móc đặc biệt, dung dịch đặc biệt. Hơn nữa, khi tạng lấy ra thì phải có người để ghép ngay. Nhưng điều này cũng rất khó, bởi rất ít người có chỉ số trùng nhau, có khi phải làm xét nghiệm hàng trăm trường hợp mới có một trường hợp trùng chỉ số giữa người cho và nhận tạng.
Tại các BV, do đã có danh sách chờ ghép với các chỉ số đã được phân tích nên bác sĩ chỉ việc đối chiếu chỉ số giữa người cho và nhận. Đó là chưa kể, thời gian bảo quản tạng chỉ được chừng từ 10 - 15 tiếng. Quá thời gian trên, tạng sẽ hỏng không thể ghép được nữa. (* Sài Gòn giải phóng (trang 3))
Sàng lọc phôi thụ tinh ống nghiệm để loại bệnh di truyền
Sáng 19-8, hội thảo Khoa học ứng dụng tiên tiến trong hỗ trợ sinh sản, chẩn đoán di truyền tiền làm tổ đã diễn ra tại Hà Nội.
GS-TS Nguyễn Đình Tảo (Học viện Quân y) cho biết trong năm năm tới kỹ thuật này sẽ được áp dụng ở nhiều trung tâm thụ tinh ống nghiệm trên toàn quốc và có thể sàng lọc được nhiều bệnh di truyền khác nhau, mang lại hạnh phúc cho nhiều cặp vợ chồng.
Theo thống kê y khoa, trong cuộc sống hiện nay có rất nhiều bệnh di truyền gây ảnh hưởng đến chất lượng nòi giống như bệnh tan máu di truyền, bệnh loạn dưỡng cơ tủy… Theo GS Tảo, hầu hết các cơ sở y tế ở Việt Nam hiện nay đều áp dụng kỹ thuật chẩn đoán trước sinh để tư vấn cho bệnh nhân về các bệnh di truyền nhưng khi đó phôi đã trên ba tháng tuổi. Kỹ thuật này gây ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe của người mẹ khi quyết định bỏ thai. Do vậy, chẩn đoán di truyền tiền làm tổ cho phép các cặp vợ chồng có nguy cơ mắc các bệnh lý di truyền cho con có cơ hội sinh con khỏe mạnh mà không phải chẩn đoán tiền sản sau khi mang thai và bỏ thai khi phát hiện bệnh lý. (* Pháp luật TPHCM (trang 2))
Nhờ nước ngoài chấm điểm bệnh viện
Tự chấm điểm mình, không ít bệnh viện (BV) tuyến trên đã sốc vì chất lượng không bằng tuyến huyện. Theo Bộ Y tế, khi viện phí tính thêm tiền lương, người bệnh trả tiền cho bác sĩ thì chất lượng BV chính là sự sống còn của BV.
Chất lượng không đồng đều
Ngày 18.8, tại hội nghị tăng cường quản lý chất lượng BV, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, tuy đã có kết quả chấm điểm BV trên toàn quốc nhưng Bộ vẫn chưa đồng ý cho công bố vì phải cân nhắc thêm. Cụ thể như 83 tiêu chí có nhiều quá không, đã bao quát đủ hết các mảng chưa, cần chú ý vào những tiêu chí thực sự quan trọng, quyết định chất lượng BV, việc chấm điểm đã thực khách quan chưa…
“Chúng ta phải chấm điểm thực chất, chính xác chứ không chỉ làm hình thức, thi đua như trước đây. Không thể chấm kiểu toàn xuất sắc 99/100 điểm được. Cũng cần phải đưa thêm nhiều tiêu chí mới cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn như BV xanh sạch đẹp, quản lý dịch vụ từ bên ngoài vào, yêu cầu các giám đốc BV phải đi học về quản lý BV” – Bộ trưởng Tiến nói.
Ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) chia sẻ sơ bộ kết quả khảo sát chất lượng BV năm 2015 cho thấy, BV tuyến T.Ư trung bình là 3,5 điểm, tỉnh là 2,8 điểm, huyện là 2,6 điểm. BV quốc tế Vimec đạt điểm cao nhất với 4,8 điểm, BV Nhiệt đới T.Ư đạt 4,3 điểm; BV hạng đặc biệt Việt Đức 4,2 điểm; BV Bạch Mai 4,1 điểm; BV Nhi T.Ư 3,5 điểm.
“Đây là con số trung bình. Tuy nhiên vẫn không ít BV tỉnh, BV huyện có điểm số rất cao mà các BV T.Ư mơ chưa được” – ông Quang cho biết. Đơn cử như BV Tâm thần T.Ư 2 chỉ đạt 2,7 điểm trong khi BV quận Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) đạt 4 điểm. Theo ông Quan, các BV có điểm thấp là do lãnh đạo BV chưa quan tâm đến việc xây dựng chất lượng BV, chấm điểm còn hình thức, đối phó, chưa thực chất. Ngoài ra cũng có một số tiêu chí khó thực hiện do liên quan đến cơ sở vật chất, kinh phí.
Bộ trưởng Tiến nhấn mạnh, thời gian tới, Bộ Y tế có thể sẽ nhờ các tổ chức quốc tế thành lập một tổ chức độc lập để chấm điểm chất lượng BV được khách quan, công bằng và chính xác hơn.
“Sốc” vì tự chấm điểm
Bà Nguyễn Bá Mỹ Nhi – Phó Giám đốc BV Từ Dũ (TP.Hồ Chí Minh) tâm sự, năm 2013, sau khi Bộ Y tế yêu cầu các BV tự chấm điểm theo 83 tiêu chí chất lượng BV do Bộ Y tế ban hành, cả BV Từ Dũ đã sốc vì chỉ đạt 2,79 điểm (cao nhất là 5 điểm). “Chúng tôi là BV hàng đầu về sản khoa, thực hiện nhiều kỹ thuật sản khoa hàng đầu, được đồng nghiệp trong nước và quốc tế tín nhiệm mà chất lượng còn không bằng một BV huyện. Nhưng từ đó chúng tôi mới nhận ra rằng, BV chỉ chú trọng làm chuyên môn mà lơ là lĩnh vực chăm sóc, hướng dẫn bệnh nhân” – bà Nhi chia sẻ.
Theo bà Nhi, với sự chỉ đạo của Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh, cả BV đã đồng lòng “vượt qua nỗi đau”, tìm cách thay đổi BV. BV thành lập Hội đồng quản lý chất lượng BV bao gồm nhiều ban nhằm “cai quản” chất lượng BV về mọi mặt như Ban phác đồ thuốc - hội đồng điều trị; Ban an toàn môi trường; Ban an ninh trật tự; Ban kiểm soát sự hài lòng người bệnh… Từ các ban này mạng lưới thành viên quản lý chất lượng BV tại BV Từ Dũ đã lên đến 208 người.
Họ “nằm lòng” các nguyên tắc, quy trình thực hiện chất lượng BV để làm công tác chuyên môn thật tốt, vừa tuyên truyền, nhắc nhở nhân viên cùng thực hiện, vừa là “tai mắt” để giúp BV kiểm soát các khoa phòng, hạn chế để xảy ra sai sót khiến người bệnh không hài lòng. “Chúng tôi rất vui mừng khi sự cố gắng đã có kết quả. Năm 2014, sau khi chấm điểm, BV Từ Dũ đạt 3,56 điểm, còn năm 2015 đã đạt 4 điểm. Sự thay đổi này hoàn toàn không theo phong trào mà thực chất và bền vững” – bà Nhi vui mừng.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Thành Trung – Giám đốc BV T.Ư Thái Nguyên cho biết, nâng cao chất lượng BV không phải là phong trào, làm ào ào cho xong mà là sự thay đổi bền vững, cần có nhiều thời gian để thực hiện. Ông Trung cho biết, năm 2013, BV Thái Nguyên được 2,8 điểm, đến năm 2014 mới đạt 2,89 điểm. Tự thấy BV thay đổi quá “ì ạch”, BV Thái Nguyên đã nghiêm túc đánh giá lại và yêu cầu toàn BV phải chấn chỉnh. Đến năm 2015, BV đã đạt 3,87 điểm. “Đây là đánh giá khá thực chất với điều kiện của BV. Còn có những điểm chúng tôi cần thêm thời gian để thay đổi từ từ, như cảnh quan BV, cơ sở vật chất…” – ông Trung rút kinh nghiệm.
Theo ông Tăng Chí Thượng – Giám đốc Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh, muốn tạo nên “cách mạng” thay đổi thực sự trong toàn hệ thống, Sở Y tế cần quyết liệt, thúc đẩy, yêu cầu, buộc các BV thay đổi, coi đó như sự sống còn của BV. Đồng thời, Sở Y tế phải vào cuộc giúp đỡ các BV còn khó khăn, chưa để đơn độc thay đổi. Thời gian qua, Sở Y tế đã hình thành được kho dữ liệu phác đồ điều trị với 3.064 phác đồ điều trị.
Nhờ đó các BV tuyến huyện có thể “lấy” làm của riêng để điều trị cho người dân tốt hơn. Để giúp các BV không đủ nhân viên dinh dưỡng không thể xây dựng được chế độ dinh dưỡng đảm bảo cho người bệnh, Sở Y tế cũng làm sẵn thực đơn giúp các BV. Cả TP.Hồ Chí Minh cũng đã có 50 kiốt khảo sát sự hài lòng của người bệnh (nếu hài lòng người bệnh chỉ cần chạm vào màn hình). “Thấy BV mình điểm kém, sự hài lòng của người bệnh thấp lập tức các giám đốc bị “kích thích”, phải quan tâm, thúc đẩy hơn nữa chất lượng BV mình” – ông Thượng cho biết. (* Nông thôn Ngày nay (trang 5)
Xuất hiện ổ dịch ho gà tại Cao Bằng
Ngày 19.8, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) xác nhận xuất hiện ổ dịch ho gà tại xã Đức Hạnh (H.Bảo Lâm, Cao Bằng) từ ngày 22.7.
Đến nay, đã có 168 người mắc triệu chứng bệnh hô hấp, trong đó 49 ca bệnh điển hình ho gà. Bộ Y tế đã thành lập đoàn công tác gồm các chuyên gia của Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Bệnh viện Nhi T.Ư đến địa phương hỗ trợ các hoạt động giám sát, điều tra và xử lý dịch bệnh, hỗ trợ y tế địa phương khống chế dịch, hướng dẫn bệnh nhân cách ly, cấp phát thuốc và giám sát điều trị bệnh nhân tại nhà; theo dõi diễn biến tình trạng bệnh nhân hằng ngày; đã điều trị dự phòng cho 352 người (những người cùng chung sống với bệnh nhân).
Y tế địa phương đang tổ chức đợt tiêm chủng vắc xin DPT phòng ho gà cho các trẻ từ 24 - 48 tháng tuổi trên toàn địa bàn xã Đức Hạnh. (* Thanh niên (trang 2)
Kế hoạch thả muỗi chống vi rút Zika tại Nha Trang
Chiều 19.8, phát biểu tại buổi làm việc với đoàn công tác Bộ Y tế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Đắc Tài, cho biết tỉnh này ủng hộ kế hoạch thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia tại 4 phường của TP.Nha Trang vào năm 2017, nhằm ngăn chặn dịch sốt xuất huyết cũng như ngăn ngừa vi rút Zika.
Tuy nhiên, việc thả muỗi phải hết sức thận trọng, phải dựa trên các cơ sở pháp lý chặt chẽ. Từ năm 2013 - 2015, dự án thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia đã được thí điểm ở đảo Trí Nguyên, TP.Nha Trang.
Muỗi đốt không chỉ gây ngứa và cực kỳ khó chịu và ngứa, mà còn truyền vi rút Zika, do đó, quan trọng là phải ngăn chặn muỗi đốt. Dưới đây là những cách tốt nhất để bảo vệ bản thân và gia đình bạn khỏi muỗi, theo naturalnews.
Kết quả, muỗi Wolbachia đã thay thế thành công quần thể muỗi vằn Aedes Aegypti tự nhiên trên đảo này. Năm 2015, mặc dù TP.Nha Trang xảy ra hàng ngàn ca mắc sốt xuất huyết nhưng trên đảo Trí Nguyên chỉ ghi nhận 1 ca. Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, muỗi Wolbachia cũng có thể ngăn ngừa bệnh do vi rút Zika (bệnh đầu nhỏ). (* Thanh niên (trang 2))
Cứu bệnh nhân đa thương tim bằng ca mổ thần kỳ
Chiều 19-8, tại Bệnh viện Trung ương Huế, sức khỏe bệnh nhân Võ Viết Bảy (51 tuổi, trú tại Quảng Nam) dần bình phục sau khi được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật tách bóc mảng huyết khối trong tim, cắt bỏ và thay 2 van tim bị vôi hóa, lấy bỏ các tổ chức vôi hóa trong tim và bắc cầu 2 động mạch vành bị hẹp.
Trước đó, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khó thở, đau ngực, mặt tím tái. Khám và xét nghiệm phát hiện bệnh nhân bị tổn thương hẹp nặng van động mạch chủ và van hai lá, hẹp động mạch vành, huyết khối trong buồng nhĩ trái với suy giảm nặng chức năng thất trái, kèm theo loét nặng dạ dày. Sau 3 tuần điều trị tích cực để giảm tình trạng suy tim và ổn định loét dạ dày, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật với tiên lượng rất khó khăn. Ca mổ diễn ra liên tục trong suốt hơn 6 giờ đồng hồ đầy căng thẳng và phức tạp. (* Sài Gòn giải phóng (trang 2))