Lình xình tại Bệnh viện mắt kỹ thuật cao Hà Nội: Cho thuê thì dễ, đòi lại thì khó
Sau 16 năm hợp tác kinh doanh khám chữa bệnh tại Bệnh viện bán công chuyên khoa mắt Hà Nội, đến năm 2016, mối “lương duyên” giữa Công ty CP kính mắt Hà Nội (Công ty Kính mắt) và Công ty TNHH Phát triển (Công ty Phát triển) chấm dứt. Mọi thủ tục thanh lý các hợp đồng hợp tác liên doanh cũng đã xong, tuy nhiên khi Công ty Kính mắt đòi lại tài sản đã cho thuê là căn nhà số 51 phố Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng) thì phía đối tác nhất định không chịu bàn giao…
Từ đối tác thành đối thủ
Năm 1995, thực hiện quy hoạch chuyển đổi địa điểm các cơ sở y tế tuyến thành phố, Công ty Kính mắt được UBND thành phố Hà Nội giao quyền quản lý, sử dụng ngôi nhà tại địa chỉ 51 Trần Nhân Tông theo Quyết định số 797 QĐ/UB ngày 10-4-1995. Đến năm 2000, Công ty Kính mắt đã mua lại tài sản trên đất là ngôi nhà nói trên và được quyền sở hữu toàn bộ nhà. Sau đó, đến năm 2010, Sở Tài nguyên môi trường cũng đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho công ty tại địa chỉ này.
Để đảm bảo kinh doanh có hiệu quả, năm 2000, Công ty Kính mắt chọn đối tác liên doanh là Công ty Phát triển để cùng xây dựng trung tâm kỹ thuật cao khám và điều trị các bệnh về mắt (sau này là Bệnh viện bán công chuyên khoa mắt Hà Nội). Tuy nhiên, do quá trình làm ăn không mang lại kết quả như mong muốn, đến tháng 3-2014, hai công ty đã ký kết biên bản thanh lý hợp đồng hợp tác kinh doanh và rút vốn đầu tư. Tại biên bản thanh lý, các bên liên quan đồng ý chính thức thanh lý các hợp đồng hợp tác liên doanh và biên bản thỏa thuận đã ký trước đây.
Theo đó, Công ty Kính mắt đã rút toàn bộ vốn đầu tư và nhận phần lợi nhuận phân phối trị giá 4 tỷ đồng. Cũng tại biên bản thanh lý, Công ty Kính mắt bàn giao toàn bộ trang thiết bị, vật tư và nhân sự bệnh viện cho Công ty Phát triển tiếp tục quản lý sử dụng, đồng thời ký tiếp 1 hợp đồng cho Công ty Phát triển thuê lại ngôi nhà 51 Trần Nhân Tông với giá 315 triệu đồng/tháng.
Mọi việc sẽ chẳng có gì đáng nói nếu sau đó thay vì nhận được số tiền thuê nhà như hợp đồng đã ký kết thì Công ty Kính mắt lại chỉ nhận được khoản tiền 170 triệu đồng/tháng do Công ty Phát triển trả. Đây là lý do để từ tháng 5-2016, Công ty Kính mắt bắt đầu đòi lại ngôi nhà của mình, nhưng đáp lại chỉ nhận được sự bất hợp tác từ phía người bạn làm ăn lâu năm.
Mòn mỏi đòi nhà
Ông Nguyễn Quang Bắc - đại diện phía Công ty Kính mắt cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu Công ty Phát triển thực hiện đúng nội dung hợp đồng thuê nhà đã ký kết và thanh toán đầy đủ tiền thuê nhà, nhưng không hề nhận được câu trả lời chính thức. Quá bức xúc nên ngày 15-8, chúng tôi đã cử đại diện đến tiến hành thu hồi nhà nhưng Công ty Phát triển cố tình chây ỳ và không hợp tác. Cụ thể là ngày 16-8, Công ty Phát triển đã khóa toàn bộ cửa ra vào không cho chúng tôi tiếp cận và bảo vệ tài sản của mình. Hiện bên trong ngôi nhà 51 Trần Nhân Tông vẫn còn 1 cửa hàng kính của công ty chúng tôi với tổng giá trị tài sản trị giá gần 1 tỷ đồng. Chúng tôi cho rằng, ở đây có dấu hiệu của hành vi chiếm giữ tài sản trái phép, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công ty, đổng thời có thể dẫn đến việc mất mát tài sản và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.
Cũng theo ông Bắc, để bảo vệ quyền lợi của mình, ngày 18-8, Công ty Kính mắt đã yêu cầu Văn phòng thừa phát lại quận Hai Bà Trưng lập vi bằng về sự việc nói trên. Ngày 7-9-2016, UBND phường Bùi Thị Xuân đã có cuộc họp yêu cầu Công ty TNHH Phát triền mở cửa, trả lại nguyên trạng ngôi nhà và cửa hàng kính tại 51 Trần Nhân Tông, nhưng đến ngày 13-9-2016 Công ty Phát triển vẫn khóa trái cửa.
Trao đổi với Báo ANTĐ về câu chuyện này, Luật sư Nguyễn Hồng Khởi - đại diện pháp lý của Công ty Phát triển lập luận rằng, việc Công ty Phát triển chỉ trả tiền thuê nhà 170 triệu đồng /tháng thay vì 315 triệu đồng/tháng là bởi Công ty Phát triển chưa được sử dụng toàn bộ diện tích ngôi nhà do bên trong vẫn còn 1 cửa hàng kính của Công ty Kính mắt chưa di chuyển.
Tuy nhiên, khi Công ty Kính mắt thu hồi cửa hàng kính để bàn giao đầy đủ mặt bằng cho đối tác thì Công ty Phát triển lại không muốn thuê nữa và viện lý do: Trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Sở Tài nguyên môi trường cấp cho Công ty Kính mắt ghi rõ mục đích sử dụng ngôi nhà 51 Trần Nhân Tông là để làm Bệnh viện bán công chuyên khoa mắt Hà Nội. Mặt khác Công ty Kính mắt đã rút vốn khỏi liên doanh và bệnh viện đã đổi chủ sở hữu sang Công ty Phát triển theo Quyết định số 1319/QĐ-UB ngày 27-3-2015 của UBND thành phố Hà Nội. Quyết định nói trên cũng ghi rõ trụ sở hoạt động của bệnh viện là tại 51-53 Trần Nhân Tông. Do đó, Công ty Phát triển sử dụng ngôi nhà là đúng. Hiện chúng tôi đã gửi văn bản nhờ thành phố có quyết định giải quyết.
Phản bác lại lập luận này, ông Bắc cho nói: “Có lẽ Công ty Phát triển đang cố tình “quên” rằng, ngôi nhà 51 Trần Nhân Tông là tài sản hợp pháp đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Kính mắt từ năm 2010. Ngoài ra, Công ty Phát triển không chỉ thuê lại căn nhà 51 Trần Nhân Tông mà còn thuê thêm cả ngôi nhà bên cạnh số 53 Trần Nhân Tông để hoạt động kinh doanh. Vậy, nói như đại diện của Công ty Phát triển thì có lẽ họ cũng sẽ lợi dụng việc thuê nhà để chiếm giữ thêm cả ngôi nhà số 53 Trần Nhân Tông nữa” (An ninh thủ đô trang 8).
Hà Nội sẽ xử phạt cá nhân, tổ chức cố tình không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch
Chiều 14-9, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với 30 quận, huyện, thị xã để đánh giá tình hình, biện pháp phòng chống bệnh do virut Zika và sốt xuất huyết trong bối cảnh các dịch bệnh này đang diễn biến phức tạp trên thế giới và trong khu vực.
Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện nay đã có 72 quốc gia và vùng lãnh thổ thông báo có sự lưu hành hoặc lây nhiễm virut Zika. Ở Đông Nam Á, ghi nhận sự lưu hành vi rút Zika tại một số nước như Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia.
Đặc biệt từ cuối tháng 8-2016, Singapore bùng phát dịch do virut zika với số trường hợp mắc tăng nhanh hàng ngày. Bộ Y tế Thái Lan ngày 13-9 cũng cho biết, nước này đã ghi nhận khoảng 200 ca nhiễm virus Zika kể từ đầu năm đến nay. Trước tình hình đó, các nước trong khu vực đã tăng cường các biện pháp giám sát tại cửa khẩu để chủ động phát hiện sớm, ngăn ngừa các trường hợp xâm nhập.
Ở Việt Nam đã ghi nhận 3 trường hợp mắc bệnh do virut Zika tại Khánh Hòa, TP.HCM và Phú Yên. Từ đầu tháng 8-2016 chưa ghi nhận ca mắc mới, tuy nhiên từ khi phát hiện trường hợp đầu tiên, Bộ Y tế đã nâng mức cảnh báo bệnh do virut Zika lên mức độ 2 và yêu cầu các địa phương chủ động tăng cường các biện pháp phòng chống dịch.
Thủ đô Hà Nội đến nay chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh do virut Zika. Ngành Y tế đã chủ động giám sát và phát hiện 55 trường hợp có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả âm tính. Ngoài mối lo về Zika, dịch bệnh sốt xuất huyết ở Việt Nam đang có xu hướng tăng, đặc biệt ở một số tỉnh thành phía Nam và Tây Nguyên. Đến ngày 9-9-2016, cả nước ghi nhận 65.339 ca mắc sốt xuất huyết, 20 ca tử vong (tăng 2 lần so cùng kỳ). Đến hết ngày 12-9, Hà Nội ghi nhận 983 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (giảm 48% so với cùng kỳ), rất may chưa có trường hợp tử vong...
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, các tháng cuối năm 2016, tình hình dịch bệnh tại Hà Nội có thể diễn biến phức tạp, đặc biệt là sốt xuất huyết và bệnh do virut Zika. Với bệnh do virut Zika, có nguy cơ xâm nhập vào Hà Nội trong những tháng cuối năm do bệnh đã xuất hiện tại nhiều khu vực trên thế giới và tại các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cũng như tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết các tháng cuối năm thuận lợi cho sự phát triển của muỗi truyền vi rút Zika (cũng là muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết). Loại muỗi này có phổ biến tại các quận huyện, thị xã của Hà nội, đặc biệt là khu vực nội thành...
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, người nhiễm viruts Zika với biểu hiện nhẹ, hoặc không triệu chứng dễ dàng xâm nhập vào Hà Nội và khó kiểm soát. Đồng tình với nhận định này, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế cho rằng, quan trọng nhất là phải phát hiện sớm các trường hợp nhiễm dịch bệnh để khoanh vùng, xử lý ổ dịch.
“Với những triệu chứng nhẹ như sốt trên dưới 38 độ C, xuất huyết nhẹ, viêm kết mạc, đau cơ... Zika rất khó phát hiện. Vì vậy các cơ quan y tế cấp cơ sở như xã, phường cần chủ động lấy mẫu các trường hợp có dấu hiệu tương tự để xét nghiệm để phát hiện sớm các trường hợp nhiễm bệnh”, ông Trần Đắc Phu nói.
Liên quan đến công tác thông tin về dịch bệnh, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế khẳng định: “Quan điểm của chúng ta là minh bạch, không giấu dịch; phát hiện dịch bệnh đến đâu sẽ công bố ngay, không để người dân hoang mang, như thế cũng góp phần xử lý dịch bệnh tốt hơn”.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đánh giá cao, biểu dương ngành y tế và các quận huyện đã quyết liệt vào cuộc làm tốt công tác phòng dịch, xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để bùng phát. Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, Hà Nội là điểm đến của nhiều du khách quốc tế, công tác phòng chống dịch bệnh vừa để đảm bảo sức khỏe người dân vừa góp phần phát triển kinh tế xã hội. Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu Sở Y tế tập trung phát động chiến dịch “người dân chủ động diệt muỗi, bọ gậy” và hướng dẫn người dân sử dụng các phương tiện tích trữ nước.
Ngành Y tế từ TP đến cơ sở cần tăng cường biện pháp phòng chống như phun thuốc diệt muỗi hàng tuần; đảm bảo cơ số thuốc, chữa trị kịp thời khi có dịch không để bệnh nhân tử vong; hướng dẫn địa phương tuyên truyền rộng rãi; tập huấn phác đồ điều trị; báo cáo kịp thời TP các khó khăn trong quá trình thực hiện...
Sở TT&TT và các cơ quan báo chí cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống bệnh sao để người dân nhận thức đúng, chủ động các biện pháp phòng chống
Các quận huyện, thị xã cần tích cực tuyên truyền để người dân, các tổ chức biết, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh. “Cấp cơ sở cần tăng cường kiểm tra, xử phạt hành chính các tổ chức, cá nhân cố tình không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch”, Phó Chủ tịch UBND TP lưu ý (An ninh thủ đô trang 15).
Bệnh nhi vui tết Trung thu
Tối 14/9, tại Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư diễn ra Chương trình “Vui tết Trung thu 2016” nhằm sẻ chia khó khăn, trao gửi yêu thương tới các bệnh nhi. Chương trình do báo Tiền Phong, Cty Sen Vàng; Cty CP Tiền Phong; Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư, Thanh Hằng Beauty Medi phối hợp tổ chức. Tham dự có: Hoa hậu Việt Nam 2016 Đỗ Mỹ Linh, Á hậu 1 Ngô Thanh Thanh Tú; Người đẹp Bảo Ngọc, Thủy Tiên, Tố Như, Ngọc Vân…, đại diện các nhà tài trợ: Cty CP Sữa Quốc tế IDP, Cty CP Thực phẩm Hữu Nghị, NXB Kim Đồng, Báo Thiếu niên Tiền Phong, Báo Nhi Đồng…, đặc biệt là 400 em nhỏ đang điều trị tại Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư.
Kết nối yêu thương
Nhiều em nhỏ đầu trọc lóc, phải nhờ các tình nguyện viên đỡ đi cùng với lỉnh kỉnh ống tiêm, dây truyền và những bịch máu truyền lủng lẳng treo trên giá di động, nhưng em nào cũng cười tươi, háo hức chờ để tham gia Chương trình “Vui tết Trung thu” 2016.
Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong, Trưởng ban tổ chức cho biết: Chương trình được tổ chức với mong muốn mang lại cho các em nhỏ tại Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư một tết Trung thu tràn ngập yêu thương, thắp sáng niềm hy vọng về một cuộc sống tươi đẹp. “Thay mặt ban tổ chức tôi xin chúc các cháu nhỏ, các bệnh nhân nhi có sức khỏe tốt, luôn lạc quan và yêu cuộc sống. Các cháu hãy cố gắng ăn thật nhiều, uống thuốc đầy đủ để nhanh chóng khỏe mạnh để trở về với gia đình, tiếp tục đến trường. Cảm ơn các nhà tài trợ, lãnh đạo Viện Huyết học - Truyền Máu T.Ư; Hoa hậu Việt Nam 2016 và các người đẹp đã đồng hành cùng báo Tiền Phong thực hiện chương trình ý nghĩa này”, nhà báo Lê Xuân Sơn nói.
Ông Lê Lâm, Phó viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư thay mặt bệnh viện, các bệnh nhân nhi cảm ơn báo Tiền Phong, các nhà tài trợ đã tổ chức một ngày tết Trung thu ý nghĩa, ấm áp. “Chương trình giúp các cháu có cảm giác như đang đón Trung thu ở nhà cùng với gia đình, là liều thuốc tinh thần động viên, giúp các cháu đẩy lùi bệnh tật”, ông Lâm nói.
Tại chương trình, các bệnh nhân nhi đã cùng “chị Hằng” hóa thân vào các nhân vật trong truyện cổ tích; cùng những ca sỹ ngân lên những bài hát về Tết Trung thu: Em đi xem hội trăng rằm, Rước đèn ông sao, Hôm qua em đi học, Thằng Bờm... Ban tổ chức cũng đã trao 20 suất quà (1 triệu đồng/suất) cho 20 bệnh nhân nhi có hoàn cảnh khó khăn. Với những bệnh nhân nhi đang nằm điều trị tại giường bệnh, ban tổ chức đã tới tận giường để trao quà cho các em.
Tham dự chương trình, không ít cặp mắt đỏ hoe, rưng rưng khi nhìn thấy các em vui vẻ cùng nhau phá cỗ Trung thu, đón nhận bánh kẹo, những món quà từ các nhà tài trợ với đủ loại ống truyền loằng ngoằng trên người. Chị Phan Thị Lâm ôm mặt khóc và nói: “Khóc vì hạnh phúc, vì bất ngơ quá đỗi. Từ ngày con gái nhập viện điều trị bệnh ung thư máu, đây là một trong những lần hiếm hoi chị thấy con gái mình nở nụ cười thay cho những nhăn nhó, cau có hàng ngày. Giữa tiếng khóc nấc chị liên tục nói lời “cám ơn” những người đã tổ chức chương trình này.
Nụ cười và nước mắt
Bế cháu nội ngồi chăm chú nghe bài hát “Mẹ tôi”, bà Hà Thị Mai (quê Thanh Hóa), năm nay đã ngoài 60 tuổi cho biết, Hà Lệ Quyên (SN 2008), bị tan máu bẩm sinh từ khi 13 tháng tuổi. “Mẹ cháu bị bệnh tim, cũng mới được mổ xong, sức khỏe rất yếu. Gia đình nghèo khó, bố cháu không có công việc ổn định, làm nghề tự do, lúc đi phụ hồ, lúc bốc vác. Vì thế gần 7 năm nay, chỉ có hai bà cháu tự bắt xe đi lên Hà Nội điều trị hằng tháng. Lần này đi chưa vay kịp được tiền, hai bà cháu chỉ có 1,5 triệu đồng. Thuê quần áo mất 500 nghìn đồng, thuê đồ dùng 200 nghìn đồng. Giờ trong túi chỉ có 300 nghìn đồng. Không biết mai chuyển viện cho cháu sẽ thế nào?”, bà Mai kể. Bà cho biết, các bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai vừa phát hiện cháu Quyên bị loạn nhịp tim và hở van tim 3 lá và cần chuyển cháu lên viện Nhi để điều trị vì bệnh có thể gây đột tử bất cứ khi nào.
Quyên hào hứng: “Đây là lần đầu tiên cháu tham gia Trung thu tại viện. Mấy hôm trước cháu cứ lo không được chơi Trung thu. Hôm nay có mỗi bộ quần áo đẹp bà bắt cởi ra giặt nhưng cháu nhất quyết không cho vì muốn để dành mặc tối nay. Tối cháu ăn thật sớm để đi cho kịp, vì cháu sợ bị muộn giờ không được phá cỗ nữa”. Bà Mai nói: “Nhìn các cháu vui bà cũng vui lây và xúc động vì tình cảm của nhiều người dành cho các bệnh nhi. Tôi rất bất ngờ và biết ơn Ban tổ chức vì mang đến cho các cháu một chương trình rất ý nghĩa và ấm cúng. Đó sẽ là kỷ niệm không bao giờ quên của hai bà cháu trong những ngày điều trị bệnh”.
Điều trị bệnh bạch cầu cấp được hơn một năm nhưng Vũ Quốc Phong (10 tuổi, Thanh Hóa) chưa có dấu hiệu tiến triển. Cầm chiếc đèn ông sao vui đùa với bạn, em cười không ngớt khi theo dõi những tiết mục vui nhộn của chương trình. Phong nói: “Sao hôm nay nhiều quà quá chị. Lát nữa em có được quà không? Em chờ ngày hôm nay lâu lắm rồi…? Hỏi xong, Phong đưa ánh mắt nhìn mẹ. Chị Nguyễn Thị Hằng (mẹ cháu Phong) cho biết: “Khi đến đây, tôi và cháu rất bất ngờ vì không nghĩ chương trình lại quy mô đến như vậy, chỉ nghĩ các đơn vị đến tặng quà rồi thôi”. Chị Hằng cho biết, chưa đến giờ tổ chức nhưng cháu đã đi gọi các bạn khác xuống trước. Cháu rất hào hứng, sắm sửa quần áo thật đẹp để đi, lúc đi còn không chịu ăn cơm vì sợ muộn (Tiền phong trang 7).
Gọi hơn 100 cuộc quấy rối bệnh viện trong một đêm
Ngày 14.9, Công an H.Lấp Vò (Đồng Tháp) xử phạt hành chính 2 triệu đồng đối với Lê Hoàng Sơn về hành vi gọi điện thoại quấy rối Khoa Cấp cứu - Bệnh viện đa khoa H.Lấp Vò. Trong tháng 8.2016, Sơn dùng điện thoại di động có 2 sim liên tục gọi hơn 200 cuộc vào khoa cấp cứu để chửi bới. Riêng trong đêm 13.8, Sơn (29 tuổi, ngụ xã Mỹ An Hưng A, H.Lấp Vò) gọi liên tục hơn 100 cuộc, làm đường dây bị bận liên tục khiến các bác sĩ, y tá, người nhà bệnh nhân không liên hệ được với khoa cấp cứu thông báo về tình hình 2 bệnh nhân bị bệnh nặng ở khoa sản và khoa nội (Thanh niên trang 2).
Ngăn ngừa vi rút Zika xâm nhập: Không thực hiện phòng chống dịch sẽ bị xử phạt
Chiều 14-9, tại hội nghị trực tuyến đánh giá công tác phòng chống dịch bệnh 8 tháng, triển khai nhiệm vụ 4 tháng cuối năm 2016, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý nhấn mạnh, dịch bệnh do vi rút Zika đang diễn biến phức tạp, nhất là tại các nước Đông Nam Á. Hà Nội là đầu mối giao lưu với nhiều quốc gia trên thế giới nên thành phố sẽ xử lý nghiêm các đơn vị không thực hiện công tác phòng chống dịch.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp
Đề cập đến diễn biến tình hình dịch bệnh do vi rút Zika trên thế giới, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện đã có 72 quốc gia và vùng lãnh thổ có sự lưu hành hoặc lây truyền vi rút Zika. Đáng lưu ý, vi rút này đang “tấn công” mạnh các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như: Singapore, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia. Đặc biệt, kể từ ca mắc đầu tiên được phát hiện vào cuối tháng 8-2016 đến nay, số ca mắc Zika tại Singapore đang tăng lên từng ngày (283 ca). Trung bình mỗi ngày, quốc gia này ghi nhận từ 20 đến 27 ca mắc mới Zika.
Đánh giá tình hình dịch bệnh trong nước, PGS.TS Trần Đắc Phu lo ngại, muỗi Aedes (muỗi vằn) truyền bệnh sốt xuất huyết (SXH) cũng là muỗi truyền vi rút Zika lưu hành phổ biến ở nước ta. Trong khi đó, dịch bệnh SXH đang có xu hướng gia tăng, nhất là ở một số tỉnh, thành phố phía Nam và Tây Nguyên. “Nhờ có sự chủ động, dịch SXH năm nay tại Thủ đô tạm yên, song không thể chủ quan. Bởi lẽ, do giao lưu quốc tế, sự di chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác dễ dàng và ngày một nhiều nên bệnh có thể lây lan xuyên biên giới chỉ trong một ngày. Việt Nam cũng đã lưu hành dịch bệnh Zika với 3 ca mắc. Thời gian qua đã có người Việt Nam, người nước ngoài sống ở Việt Nam ra nước ngoài xét nghiệm mang vi rút Zika...” - PGS.TS Trần Đắc Phu lưu ý.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho rằng, trong các tháng cuối năm 2016, tình hình dịch bệnh tại Hà Nội có thể diễn biến phức tạp, đặc biệt là SXH và bệnh do vi rút Zika. Đối với bệnh SXH, dự báo trong 4 tháng cuối năm sẽ có diễn biến phức tạp trên toàn thành phố. Đặc biệt, từ cuối tháng 9 và trong tháng 10, tháng 11, số ca mắc bệnh có thể tăng cao, nhất là khu vực Hà Đông, Hoài Đức, Thanh Trì, Thanh Oai, Thường Tín. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, quan trọng nhất là Hà Nội phải tập trung khoanh vùng, phát hiện sớm ca bệnh, xử lý triệt để ổ dịch. Bệnh do vi rút Zika có triệu chứng nhẹ, khó phát hiện. Nếu các địa phương chỉ tập trung lấy mẫu bệnh phẩm từ các ca mắc SXH nặng để phát hiện Zika thì chưa đủ. Ngay cả những bệnh nhân chỉ sốt trên 38 độ có các triệu chứng như: Đau khớp, đau cơ, viêm kết mạc… cũng có thể nhiễm Zika. Do đó, việc lấy mẫu xét nghiệm Zika cần tiến hành mở rộng ở các phòng khám, trạm y tế… Nếu không khoanh vùng kịp thời, từ một ca bệnh sẽ bùng phát thành dịch như Singapore thì sẽ rất phức tạp.
Tiếp tục củng cố các đội chống dịch cơ động
Theo ông Hoàng Đức Hạnh, để ngăn chặn Zika xâm nhập, ngoài việc tiếp tục giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh qua cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài, giám sát chặt chẽ tình hình dịch tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng, tổ chức khoanh vùng, xử lý triệt để, kịp thời khi phát hiện ca bệnh nghi ngờ, biện pháp phòng dịch hiệu quả chính là vệ sinh môi trường hằng tuần, nhất là những nơi tập trung đông dân cư, không để muỗi có nơi cư trú, sinh sản.
Ông Hoàng Đức Hạnh lưu ý, vệ sinh phòng chống Zika và SXH khác vệ sinh đường làng, ngõ xóm. Ngoài việc thu gom phế thải, khơi thông cống rãnh, người dân cần thu dọn những dụng cụ chứa nước như: Lốp xe đọng nước mưa, lọ hoa, chai lọ đọng nước… nhằm diệt lăng quăng, bọ gậy. Thành phố cũng sẽ tiếp tục củng cố các đội chống dịch cơ động, sử dụng các đội thường xuyên trong điều tra xử lý ổ dịch. Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội sẵn sàng 5 đội chống dịch cơ động; mỗi trung tâm y tế quận, huyện, thị xã 2 đội (mỗi đội tối thiểu 3 cán bộ).
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý yêu cầu các quận, huyện, thị xã tập trung triển khai chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, bọ gậy để phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika và SXH”; đồng thời, chỉ đạo các xã, phường, thị trấn xử phạt hành chính các tổ chức, cá nhân cố tình không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại địa phương theo hướng dẫn của Ngành Y tế. Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu, từ nay tới cuối năm, Sở Y tế tiếp tục tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại ổ dịch SXH, những nơi có nguy cơ cao… đúng kỹ thuật; bảo đảm đủ cơ số thuốc, hóa chất, phương tiện cho công tác phòng chống dịch; tăng cường kiểm tra phòng chống dịch (Hà Nội mới trang 3).
Chỉ kiểm soát được khoảng 1.400/80.000 tấn dược liệu tiêu thụ mỗi năm
Đó là thông tin được đưa ra tại hội nghị về kiểm soát nguồn gốc và chất lượng dược liệu, do Bộ Y tế tổ chức vào ngày 14-9, tại Hà Nội. Theo PGS.TS Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế), mỗi năm Việt Nam dùng khoảng 60.000 - 80.000 tấn dược liệu, 80% trong số đó là nhập khẩu. Từ tháng 3-2016 đến nay, Cục mới cấp 14 giấy phép nhập khẩu dược liệu cho các công ty sản xuất tại Việt Nam với tổng số khoảng 1.400 tấn. Như vậy, trong năm nay mới chỉ có 1.400 tấn dược liệu nhập khẩu có nguồn gốc, xuất xứ. Điều này cho thấy tình hình dược liệu lậu đang diễn biến rất phức tạp. Không chỉ chất lượng bị buông lỏng, giá dược liệu cũng đang tăng ngoài tầm kiểm soát. Hiện nay, do không có quy định về kê khai giá đối với mặt hàng dược liệu và vị thuốc cổ truyền, dược liệu lưu hành chưa theo các tiêu chuẩn kỹ thuật chung nên dẫn đến tình trạng một số dược liệu không bảo đảm chất lượng nhưng trúng thầu vào bệnh viện nhờ có giá rẻ. Đáng lưu ý, giá trúng thầu dược liệu của các địa phương có sự chênh lệch rất lớn (Hà Nội mới trang 7).
Vụ 3 mẹ con sản phụ tử vong, gia đình tố BV tắc trách: 2 lần hụt làm cha…
Liên quan vụ “3 mẹ con sản phụ tử vong, gia đình tố bệnh viện tắc trách” (Pháp Luật TP.HCM ngày 13-9 đã thông tin), cuối giờ chiều 13-9, BS CKII Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hậu Giang, cho biết đoàn công tác của Sở đang làm việc với BV Đa khoa số 10. “Đoàn nghe báo cáo, ghi nhận và thu thập thông tin, sao chép hồ sơ bệnh án của sản phụ Nguyễn Thị Trúc trong quá trình nhập viện tại BV này. Sở đã chỉ đạo thực hiện khẩn trương, khi có đầy đủ hồ sơ và thông tin liên quan, Sở sẽ họp hội đồng chuyên môn để có kết luận và thông tin chính thức cho báo chí, trả lời cho gia đình sản phụ” - BS CKII Nguyễn Thanh Tùng cho biết thêm.
Gia đình sản phụ Nguyễn Thị Trúc (38 tuổi, ngụ ấp Hòa Long B, thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) sau khi nhận thi thể về quê đã tổ chức lễ tang. Anh Nguyễn Hữu Tùng - chồng chị Trúc gương mặt vẫn chưa hết bàng hoàng trước sự việc đau lòng. Theo lời anh Tùng, anh và chị Trúc nên duyên vợ chồng vào năm 2013 và đều cùng cảnh nghèo.
Hai vợ chồng, ngoài ngôi nhà chỉ có ba công ruộng. Chị Trúc lo chuyện đồng áng, anh Tùng theo bạn làm phụ hồ. “Vợ chồng tôi luôn mong có một mụn con. Cưới hơn một năm, vợ tôi mang bầu nhưng sau vài tuần thì bị sảy thai. Lần này vợ mang song thai nên tôi mừng lắm, nào ngờ tôi không chỉ mất con mà còn mất cả vợ” - anh Tùng nói đến đây giọng nghẹn lại, giọt nước mắt lăn dài.
Theo anh Nguyễn Hữu Tùng, sáng 31-8, anh cùng gia đình đưa chị Trúc - đang mang thai song sinh hai bé gái (chín tháng) nhập BV Đa khoa số 10 trong tình trạng sức khỏe người mẹ yếu, da vàng, chân tay phù nề, khó ăn uống. Sau khi siêu âm thai, bác sĩ thông báo thai khỏe và chuyển sang phòng chờ sinh để theo dõi và chăm sóc. Anh Tùng có trình bày sức khỏe vợ anh yếu và các bác sĩ có thăm khám nhưng không thông báo thông tin gì cho gia đình biết; chỉ cho biết sẽ kiểm tra lại vào ngày 5-9 và cho sinh mổ vào ngày 6-9. Tuy nhiên, rạng sáng 5-9, vợ anh Tùng đột ngột xuất huyết nhiều, gia đình thông báo và sau đó hơn một tiếng đồng hồ bác sĩ mới có mặt, thăm khám rồi cho chuyển đến BV Phụ sản TP Cần Thơ. Tại BV Phụ sản TP Cần Thơ, y bác sĩ ghi nhận tình trạng chị Trúc nguy kịch: thai chết, suy gan, rối loạn đông máu... Từ đó đến sáng 12-9, dù đã liên tục trải qua ba lần lọc máu, gan và thận nhưng vợ anh Tùng vẫn không qua khỏi.
Ngày 12-9, anh Nguyễn Hữu Tùng đã gửi đơn đến cơ quan chức năng của tỉnh Hậu Giang đề nghị làm rõ sự thờ ơ, tắc trách của đội ngũ nhân viên BV Đa khoa số 10 khiến thai nhi đã chết lưu, vợ anh sau đó cũng tử vong. “Tôi chỉ mong cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm để xử lý nghiêm” - anh Tùng nói (Pháp luật TP.HCM trang 7 ngày 14.9).