Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 15/9/2021

  • |
T5g.org.vn - Bác sĩ tại BV dã chiến hứa sẽ hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng và bình an trở về; TP.HCM chạy nước rút tiêm mũi 1 vắc xin; Hà Nội phối hợp Bộ Công an kiểm soát người đi lại bằng QR Code

 

Bác sĩ tại BV dã chiến hứa sẽ hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng và bình an trở về

Mới đây Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh đã đến thăm và động viên y, bác sĩ tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 12.

Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 12 tại phường An Khánh, thành phố Thủ Đức và được chia làm 2 khu: Khu ABC với 1.500 giường bệnh và khu DEF với 2.000 giường bệnh.

Tại đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã trực tiếp đến thăm nơi ăn, chốn ở của các y, bác sĩ và động viên đội ngũ các y, bác sĩ tại bệnh viện tiếp tục nỗ lực, vượt qua khó khăn, cùng chung tay với các lực lượng tuyến đầu tại TP. Hồ Chí Minh trong việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19, để sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Tại các nơi đến thăm, Thứ trưởng đã ghi nhận và cảm ơn các y, bác sĩ của bệnh viện đã tận tình, trách nhiệm, không quản ngại khó khăn từ các địa phương khác, tăng cường hỗ trợ TP Hồ Chí Minh kịp thời cứu chữa nhiều bệnh nhân COVID-19 trong thời gian qua.

Thứ trưởng cũng yêu cầu lãnh đạo bệnh viện cần quan tâm hơn nữa đến đời sống của đội ngũ y, bác sĩ tại đây. Bởi lẽ, bệnh viện là nơi tập trung nhiều lực lượng từ các nơi bao gồm: Điện Biên, Bv Da liễu Trung ương, BV Sản nhi Quảng Ninh…, do đó việc bố trí chỗ ăn, nghỉ cho các cán bộ y, bác sĩ là rất quan trọng, đặc biệt phải đảm bảo chế độ dinh dưỡng hằng ngày cho đội ngũ y, bác sĩ để có đủ sức khỏe làm việc. Hàng ngày, các y bác sĩ  không những phải làm việc với cường độ cao mà áp lực rất lớn.

Ths Bs Bùi Hải Nam, Trưởng đoàn công tác tỉnh Quảng Ninh, phụ trách Khu ABC của bệnh viện cho biết, đội ngũ y, bác sĩ tại bệnh viện đều được bố trí đầy đủ chỗ ăn nghỉ, đảm bảo các yêu cầu về sinh hoạt. Các y, bác sĩ đã luôn nỗ lực hết mình, ngày đêm để cứu chữa người bệnh.

Khu ABC của bệnh viện chính thức tiếp nhận bệnh nhân đầu tiên từ ngày 10/8, đến nay, sau hơn một tháng đi vào hoạt động, đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 3.000 bệnh nhân F0. Trong đó có hơn 2.000 người đã được chữa khỏi và cho ra viện.

Chiều cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn và đoàn công tác cũng đã đến thăm hỏi và động viên các cán bộ, nhân viên y tế và các tình nguyện viên tại Trạm y tế phường 7, thuộc Trung tâm Y tế quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh. (Sức khỏe & Đời sống, trang 8)

 

TP.HCM chạy nước rút tiêm mũi 1 vắc xin

Hôm nay (15-9), ngày cuối cùng thực hiện mục tiêu đạt 100% trường hợp trên 18 tuổi được tiêm mũi 1 vắc xin tại TP.HCM.

Nhiều quận huyện tại TP đang phát đi thông báo khuyến khích người dân đi tiêm không cần đăng ký trước, không phân biệt thường trú, tạm trú hay chưa đăng ký tạm trú.

Đến từng nhà để tiêm

Chỉ cần trình thẻ căn cước công dân và chứng minh mình là "công dân quận 4", chị L. (23 tuổi, ngụ phường 13, quận 4) đã nhanh chóng được tiêm mũi vắc xin đầu tiên dù chưa đăng ký. "Tôi khá sốt ruột khi theo dõi tin tức biết được TP.HCM tính toán dùng giấy xác nhận đã tiêm vắc xin để cấp thẻ xanh ra đường làm việc. Chưa tiêm được mũi vắc xin nào, hôm nay tôi chạy qua đăng ký và may mắn được tiêm ngay" - chị L. chia sẻ.

Ghi nhận của Tuổi Trẻ từ trưa 14-9, nhiều người dân sinh sống trên địa bàn quận 4 đã đến Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (phường 12, quận 4) để tiêm vắc xin mũi 1 và mũi 2. Ngồi tại bàn tiêm vắc xin, bà N.T.T.T. (50 tuổi, ngụ phường 10) được nhân viên y tế tư vấn sẽ tiêm mũi 1 vắc xin Vero Cell của Sinopharm. Bà T. đắn đo một lúc nhưng sau đó bà đã đồng ý tiêm vắc xin. "Lúc đầu tôi hơi ngại nhưng thấy người bạn mắc nhiều bệnh nền và được bác sĩ tư vấn, bạn tôi đã tiêm vắc xin để phòng ngừa bệnh nên tôi cũng yên tâm tiêm vắc xin" - bà T. nói.

Theo đại diện Trung tâm Y tế quận 4, trong sáng 14-9 có khoảng 600 người, chủ yếu ở phường 10, được tiêm vắc xin. Những ngày qua, điểm tiêm này cũng đã tiếp nhận tiêm vắc xin cho rất nhiều người dân trên địa bàn quận 4. Và để được tiêm, người dân không cần đăng ký, tuy nhiên phải xuất trình được một số giấy tờ chứng minh.

Còn tại điểm tiêm sân vận động Tao Đàn (phường Bến Thành, quận 1) từ chiều 14-9, rất nhiều người dân xếp hàng dài trên đường Huyền Trân Công Chúa. Bên trong sân vận động, nhiều người ngồi đợi kín ở các khán đài để chờ đến lượt tiêm vắc xin mũi 1. Cho đến hơn 18h30 cùng ngày, các nhân viên y tế mới hoàn thành việc theo dõi sau tiêm cho những người tiêm vắc xin cuối cùng.

Có mặt tại điểm tiêm này lúc 14h nhưng đến hơn 18h chị Đặng Thị Nhân (ngụ phường Đa Kao, quận 1) mới hoàn tất việc tiêm mũi 1 vắc xin Vero Cell. Chị Nhân cho biết lý do mình tiêm vắc xin trễ là thời gian qua khu vực chị sinh sống bị phong tỏa. "Tôi nhận thông báo quận 1 tiêm cho tất cả người dân nên đi. Tôi rất cần giấy xác nhận tiêm vắc xin để còn đi làm khi TP kiểm soát được dịch" - chị Nhân nói.

Bác sĩ Hồng Tươi - Trung tâm Y tế quận 1 - cho biết trong ngày 14-9, điểm tiêm đã tiếp nhận tiêm mũi 1 cho tất cả người dân sinh sống trên địa bàn quận 1 mà không cần thư mời, tin nhắn hay đăng ký trước. Khi đến điểm tiêm, người dân chỉ cần trình giấy chứng minh nhân dân hay địa chỉ nơi làm việc thuộc địa bàn quận 1 sẽ được tiêm vắc xin.

Bác sĩ Tươi cho biết thêmđiểm tiêm bắt đầu tiêm lúc 8h30 và kết thúc 18h30, trễ hơn 1 tiếng rưỡi so với dự kiến do số lượng người cần tiêm quá đông. Trong 10 giờ, điểm tiêm đã tiêm 520 lọ vắc xin Vero Cell, tương đương 1.040 người. 

Theo bác sĩ Tươi, đây là ngày có số lượt tiêm cao nhất từ trước đến nay. Lý do, người dân cần giấy xác nhận đã tiêm vắc xin và đây cũng là kế hoạch của quận, sớm phủ hết vắc xin cho tất cả những người từ 18 tuổi trên địa bàn. 

"Lượng người tiêm quá đông nhưng nằm trong kế hoạch" - bác sĩ Tươi nói và cho biết ngày 15-9, điểm tiêm vẫn tiếp tục tiếp nhận tiêm vắc xin cho người dân trên địa bàn mà không cần thư mời hay đăng ký trước.

Bác sĩ Đỗ Thị Tân - phó giám đốc Trung tâm Y tế quận 1 - cho biết tính đến ngày 14-9 quận 1 đã tiêm được 97% (mũi 1) và 26% (mũi 2) trong tổng số người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn quận. Để sớm đạt mục tiêu đề ra, đơn vị mở rộng 2 điểm với 4 bàn tiêm cố định.

Trong khi đó tại quận Gò Vấp, bác sĩ Nguyễn Trung Hòa - giám đốc Trung tâm Y tế quận - cho biết nhiều ngày qua đơn vị đã cử lực lượng thông báo đến từng tổ dân phố, khuyến khích những người chưa tiêm mũi 1 đi tiêm vắc xin. Đến nay tỉ lệ tiêm chủng mũi 1 đã đạt 94,9% (con số này đã trừ 3 nhóm người gồm F0, người chống chỉ định và nhóm không tiêm - PV) và mũi 2 khoảng 20% trên tổng số người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn quận. Trong vài ngày tới địa phương cố gắng tiêm mũi 1 đạt 99% số người từ 18 tuổi trở lên.

Đã tiệm cận với mục tiêu đề ra

TP.HCM bước vào cao điểm tiêm vắc xin COVID-19 từ ngày 9 đến 15-9, với mục tiêu tiêm phủ mũi 1 cho 100% người trên 18 tuổi (trước đó UBND TP từng đặt mục tiêu hơn 70%) và tiêm mũi 2 cho người đã đủ thời gian nhằm đảm bảo điều kiện an toàn phòng dịch trong bối cảnh hồi phục kinh tế. Để đạt độ bao phủ vắc xin cho người trên 18 tuổi, ước tính giai đoạn này TP còn hơn 879.000 người cần tiêm mũi 1 và 927.000 người đến thời hạn tiêm mũi 2. Tổng cộng cần có 1.806.000 mũi tiêm.

Ghi nhận những ngày gần đây có nhiều người dân rất muốn được tiêm vắc xin sau khi hay tin TP.HCM đang xây dựng lộ trình áp dụng "thẻ xanh vắc xin" cho người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin như một loại giấy thông hành để đi lại, làm việc. Số liệu thống kê của ngành y tế còn cho thấy quận 11 và quận 12 là hai địa phương đang có tỉ lệ tiêm vắc xin vượt trội.

Ông Nguyễn Phi Long - chủ tịch UBND quận 11 - cho biết đến nay địa phương có tỉ lệ tiêm mũi 1 cao nhất với 98,9%, mũi 2 là 35% (tương đương 63.000 người) cho người dân từ 18 tuổi trở lên. Theo ông Long, không thể đạt tỉ lệ 100% người tiêm mũi 1, bởi lẽ trong độ tuổi này có nhiều trường hợp là F0 và một số mang các bệnh lý chống chỉ định tiêm vắc xin. "Nhờ việc đẩy mạnh tiêm mũi 1 mà chúng tôi đạt được một số kết quả tốt trong việc kéo giảm số ca mắc, chuyển nặng và tử vong. Đó cũng chính là bài học để tuyên truyền cho người dân, giúp thay đổi nhận thức để tham gia tiêm chủng đầy đủ" - ông Long chia sẻ.

Giám đốc một trung tâm y tế quận ngoại thành cho biết hiện nay tỉ lệ phân bổ các loại vắc xin AstraZeneca, Pfizer rất hạn chế. Do đó việc tiêm chủng mũi 2 có lúc cũng phải "cầm chừng". "Nhu cầu của người dân về việc có thẻ xanh rất lớn, do đó dự báo trong những ngày tới việc người dân chưa tiêm chủng mũi 1 đi tiêm vắc xin rất đông. Muốn đẩy nhanh tốc độ, các địa phương cần tiếp tục được phân bổ vắc xin kịp thời, đủ các loại theo yêu cầu tiêm chủng đặt ra" - vị này nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết dựa vào dữ liệu dân cư từ 18 tuổi trở lên (thời điểm này) đang sinh sống tại TP.HCM thì tỉ lệ tiêm chủng đến ngày 14-9 đã dần tiệm cận với chỉ tiêu mà TP.HCM phấn đấu đạt 100% người dân được tiêm vắc xin mũi 1 đến ngày 15-9. Dự kiến từ nay đến cuối năm TP sẽ cần khoảng 6 triệu liều vắc xin để hoàn tất việc tiêm mũi 2.

Về kế hoạch tiêm chủng những ngày tới, lãnh đạo ngành y tế TP.HCM cho biết sẽ tập trung rà soát và tiếp cận đầy đủ những người cần được tiêm vắc xin mũi 1, mũi 2 bằng cách "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để xác định thực tế người trên 18 tuổi đang sinh sống tại địa phương (kể cả người ngoại tỉnh, người nước ngoài); đồng thời ghi nhận đầy đủ thông tin lịch sử tiêm vắc xin của người dân và lập danh sách người cần tiêm mũi 1, mũi 2. Việc tiêm chủng cũng sẽ tăng cường tổ chức nhiều hình thức và mở rộng khung thời gian trong ngày, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận vắc xin nhanh nhất có thể. (Tuổi trẻ, trang 2+3; Thanh niên, trang 4)

 

Hà Nội phối hợp Bộ Công an kiểm soát người đi lại bằng QR Code

Chiều 14.9, thông tin từ Công an TP.Hà Nội cho biết cơ quan này vừa phối hợp với Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) triển khai lắp đặt hệ thống camera quét mã QR code tại 67 chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Theo Công an TP.Hà Nội, hệ thống quét mã này được lập trình trên phần mềm được xác thực bởi hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, có thể xác định được các trường hợp F0, F1 và những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, hạn chế hoặc cho phép công dân nhanh chóng qua chốt góp phần phòng, chống hiệu quả dịch bệnh.

Trong ngày 14.9, hệ thống này đã được đưa vào sử dụng. (Thanh niên, trang 4; An ninh thủ đô, trang 1; Hà Nội mới, trang 1).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang