Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 16/9/2022

  • |
T5g.org.vn - Bộ Y tế đề xuất tăng phụ cấp ngành y ở mức cao nhất; Trẻ ho, ốm sốt mùa tựu trường, cha mẹ cần làm gì?

 

Bộ Y tế đề xuất tăng phụ cấp ngành y ở mức cao nhất

Trả lời kiến nghị của cử tri, Bộ Y tế cho biết khi xây dựng chế độ tiền lương mới, Bộ Y tế đề nghị Chính phủ tăng chế độ phụ cấp ngành y ở mức cao nhất để đảm bảo quyền lợi người lao động.
Những thông tin trên là nội dung trong văn bản Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Trước đó, cử tri Thái Nguyên có gửi nội dung kiến nghị trong đó "đề nghị tăng phụ cấp nghề lên 80 - 100% đối với nhân viên y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh; điều chỉnh tăng phụ cấp thường trực đối với cán bộ y tế".

Quyền Bộ trưởng cho biết Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã nêu rõ thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương); Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).

Khi xây dựng chế độ tiền lương mới, Bộ Y tế đã có báo cáo trình Chính phủ, trong đó đề nghị thực hiện phụ cấp theo nghề mức cao nhất đối với ngành y tế theo tinh thần Nghị quyết 27 và Nghị quyết số 107 của Chính phủ. Ngoài ra, chức danh Bác sĩ, Bác sĩ Y học dự phòng, Dược sĩ đề nghị xếp lương bậc 2 đối với tất cả các hạng chức danh.ư

Ngoài ra, Bộ Y tế đang xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập, trong đó đề nghị áp dụng mức phụ cấp ưu đãi nghề 100% đối với viên chức làm chuyên môn y tế dự phòng, y tế cơ sở, hiện nay đang trình các cơ quan có thẩm quyền để ban hành theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trước đó, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc "Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững" diễn ra sáng 21/8, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, chế độ tiền lương, thu nhập đối với cán bộ y tế còn nhiều khó khăn, thời gian qua, tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế tại các cơ sở y tế khu vực công lập.

Chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực ngành Y tế chưa bảo đảm, chưa tương xứng với quá trình đào tạo và mức độ công việc. Trong khi đó, Nghị quyết số 20-NQ/TW của Trung ương và Nghị quyết số 46/NQ-TW của Bộ Chính trị đã nêu rõ quan điểm: "Nghề y là một nghề đặc biệt. Nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức; cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt".

Do đó, tại hội nghị, Bộ Y tế đề nghị Chính phủ có chính sách quy định hỗ trợ tiền đóng học phí cho học viên, sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đặc biệt các ngành, chuyên ngành khó tuyển, các ngành phục vụ cho hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở.

Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ trong đó tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở lên 100%.

Chính phủ sớm xem xét và ban hành Nghị quyết về giải pháp, chính sách hỗ trợ cho nhân viên y tế thôn bản. Thực hiện phụ cấp theo nghề mức cao nhất đối với viên chức ngành y tế. Chức danh Bác sĩ, Bác sĩ Y học dự phòng, Dược sĩ sau khi tuyển dụng được xếp lương bậc 2 đối với tất cả các hạng chức danh. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3)

 

Trẻ ho, ốm sốt mùa tựu trường, cha mẹ cần làm gì?

Thời tiết chuyển mùa rất thuận lợi cho sự phát triển nhanh chóng của virus, vi khuẩn. Đây cũng là thời gian trẻ đến trường, có sự thay đổi giờ về giấc sinh hoạt. Nhiều trẻ bỗng nhiên ốm sốt phải nghỉ học, mặc dù mới tới trường được vài buổi khiến cha mẹ lo lắng.

Trẻ ốm sốt do đâu?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ ốm sốt, trong đó phần lớn là do virus. Bởi cơ thể của trẻ chưa thể thích nghi ngay với môi trường, nhất là khi nhiệt độ thay đổi một cách đột ngột. Trẻ đến trường nô đùa, mồ hôi nhiều nên dẫn đến tình trạng mất nước. Điều này sẽ khiến trẻ dễ bị sốt nếu không uống nước bù vào cơ thể, nếu sốt cao có thể dẫn đến tình trạng co giật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng.

Thời tiết là điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển và xâm nhập vào cơ thể của trẻ. Ở thời điểm hiện tại trẻ rất dễ mắc phải các bệnh truyền nhiễm như: Cảm cúm, ho, tiêu chảy, sốt xuất huyết... Nhưng dễ gặp nhất ở trẻ là bị viêm đường hô hấp trên.

Bệnh viêm đường hô hấp trên thường gặp ở trẻ gồm các bệnh như: 

Viêm VA, viêm amidan, viêm mũi, họng, viêm xoang… Đây là những bệnh xảy ra cấp tính, nhưng cũng có thể là bệnh mạn tính, mỗi khi thời tiết chuyển mùa là bệnh sẽ xuất hiện. Nếu không chữa trị dứt điểm, có khả năng chuyển thành viêm đường hô hấp dưới như viêm phế quản, viêm phổi.

Khi trẻ ho, ốm sốt là những biểu hiện của nhiều loại bệnh khác nhau. Nếu mắc viêm đường hô hấp thường bị sốt, ho, hắt xì hơi, chảy nước mũi. Trẻ có thể sốt vừa hoặc sốt cao 39 - 40C, sốt lúc tăng lúc giảm, nhưng hầu hết là sốt liên tục, một số trường hợp có thể bị co giật, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi.

Cũng có trường hợp ngoại lệ, ở một số trẻ bị viêm đường hô hấp nặng nhưng không sốt hoặc sốt không cao, nhất là trẻ bị còi xương, suy dinh dưỡng... Kèm theo sốt trẻ thường bị ho, quấy khóc, ngủ kém.

Trẻ bị ho đôi khi chỉ từng tiếng, nhưng nhiều trường hợp trẻ ho sặc sụa cả ngày lẫn đêm. Nếu trẻ chỉ viêm đường hô hấp trên, biểu hiện chủ yếu khó thở do nghẹt mũi, nhưng viêm đường hô hấp dưới, khó thở là do phế quản bị phù nề hoặc do phế quản vừa bị phù nề vừa bị co thắt (viêm phế quản co thắt hay còn gọi là hen phế quản). 

Biểu hiện của khó thở là tím môi, cánh mũi phập phồng, lõm xương ức hoặc lõm các khe của liên sườn, rối loạn nhịp thở và số lần thở. Nhưng cũng có trẻ viêm đường hô hấp kèm theo khó thở và đa phần trẻ bị viêm đường hô hấp trên thể nhẹ chỉ kéo dài vài ba ngày là tự khỏi, mặc dù không dùng kháng sinh, bởi vì hầu hết do virus gây ra.

Đối với trẻ nhiễm virus có sốt thường có dấu hiệu sốt ở nhiều mức độ khác nhau, có trẻ thì sốt thoáng qua, sốt nhẹ và cũng có những trẻ sốt cao liên tục. Nếu trẻ sốt cao có thể rét run toàn thân, một số trẻ có thể bị co giật do sốt. Trẻ có thể sốt đơn thuần hoặc kèm theo các dấu hiệu khác tùy từng loại virus và theo từng trẻ như: Ho, chảy mũi trong, tiêu chảy, phát ban, mụn nước trên da…

Có rất nhiều loại virus có thể gây bệnh cảnh rất nặng, đe dọa tính mạng của trẻ hoặc để lại di chứng nặng nề như virus gây viêm não Nhật Bản, virus gây bệnh tay - chân - miệng, virus Dengue gây sốt xuất huyết, virus Rota gây tiêu chảy mất nước…

Cha mẹ cần làm gì?

Khi trẻ ho, ốm sốt cha mẹ cần theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ. Cần lưu ý tới các dấu hiệu bệnh để biết nên làm gì khi trẻ bị ốm sốt và có hướng điều trị kịp thời.

Trên thực tế các bệnh do virus gây ra hầu hết chưa có thuốc đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng. Với trẻ sốt virus đơn thuần, có thể điều trị tại nhà, theo hướng dẫn của bác sĩ: Mặc thoáng mát, uống nhiều nước, ăn thức ăn dễ tiêu, giàu dinh dưỡng, ăn thêm quả, uống nước ép trái cây… Cha mẹ nên dự phòng sẵn thuốc hạ sốt để dùng khi cần thiết.

Khi thân nhiệt trẻ cao trên 38,5 độ C đo ngoài da (nách, trán, lỗ tai) thì có thể dùng hạ sốt Paracetamol với liều 10 - 15mg/kg cân nặng mỗi 6 giờ, để tránh sốt quá cao có thể gây các phản ứng bất lợi như co giật, mất nước, mệt mỏi nhiều.

Do chưa loại trừ được trẻ có bị sốt xuất huyết hay không, cha mẹ không được dùng các thuốc chứa thành phần Ibuprofen cho trẻ, vì có thể gây xuất huyết nặng thêm.

Khi trẻ bị nhiễm virus, cha mẹ không nên quá lo lắng hoặc quá chủ quan. Cần chăm sóc trẻ chu đáo, phát hiện được các dấu hiệu nặng để đưa trẻ đến các cơ sở y tế thăm khám.

Một số dấu hiệu cần đưa trẻ tới cơ sở y tế là: Trẻ ốm sốt đơn thuần 2 - 3 ngày không thuyên giảm, sốt kèm theo các dấu hiệu toàn thân hoặc các cơ quan khác như mệt mỏi nhiều, ăn uống kém, phát ban, mụn nước trên da, giật mình, co giật, ho, khó thở, tiêu chảy…

Tóm lại: Hiện đang là thời tiết chuyển mùa, trẻ đến trường dễ nhiễm bệnh. Vì vậy, để phòng ngừa nhiễm virus, cha mẹ không cho trẻ tiếp xúc nguồn lây: Tránh tiếp xúc người đang nhiễm virus, tránh nơi đông người, nằm màn, phun thuốc diệt muỗi…

Điều cần lưu ý, cần nâng cao sức đề kháng cho trẻ bằng cách cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường rau xanh, quả chín, thường xuyên cho trẻ vận động tăng cường thể lực, tạo môi trường sống trong sạch, vui vẻ, lành mạnh; tiêm phòng đầy đủ vaccine tạo miễn dịch chủ động cho trẻ chống lại virus (cúm, sởi, quai bị, viêm não Nhật Bản, bại liệt, Rotavirus…). (Sức khoẻ & Đời sống, trang 4)

 

Tổng Giám đốc WHO: Hiện đang là thời điểm tốt nhất để chấm dứt đại dịch COVID-19

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi thế giới nắm lấy cơ hội để chấm dứt đại dịch.
Ngày 14/9, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định thế giới đang ở thời điểm thuận lợi nhất để chấm dứt đại dịch COVID-19.

Lãnh đạo WHO cho biết số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 hằng tuần đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020 và ông kêu gọi thế giới nắm lấy cơ hội để chấm dứt đại dịch. Ông nhấn mạnh hiện đang là thời điểm tốt nhất để chấm dứt đại dịch COVID-19 và mục tiêu này hoàn toàn trong tầm tay.

Ông kêu gọi thế giới duy trì những nỗ lực phòng chống đại dịch vốn đã khiến hơn 6 triệu người thiệt mạng. Dù cho rằng sẽ có những làn sóng lây nhiễm trong tương lai nhưng các quan chức WHO khẳng định thế giới đã có trong tay những công cụ như vaccine phòng bệnh, thuốc chữa bệnh để ngăn chặn bệnh trở nặng.

Kể từ khi virus gây bệnh COVID-19 lần đầu tiên được phát hiện tại Trung Quốc vào cuối năm 2019, tới nay, thế giới đã ghi nhận hơn 615,5 triệu ca mắc và hơn 6,5 triệu ca tử vong - theo số liệu thống kê ngày 15/9 của Worldometers.

Trước sự lây lan của virus SARS-CoV-2 trên diện rộng về mặt địa lý, Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 11/3/2020 đã tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu.

Để chiến đấu với cuộc khủng hoảng y tế chưa có tiền lệ, cả thế giới đã cùng chạy đua để tìm cách bào chế ra vaccine phòng COVID-19, thứ vũ khí được xem là hữu hiệu, là lá chắn giúp bảo vệ con người trước nguy cơ nhiễm và lây lan của dịch bệnh.

Với mong muốn chấm dứt đại dịch COVID-19 càng sớm càng tốt, trong hơn 2 năm qua đã chứng kiến những nỗ lực rất lớn của toàn thế giới trong việc đẩy nhanh tỉ lệ bao phủ vaccine.

Theo thống kê của tổ chức Our World in Data, tới nay, 67,9% dân số thế giới đã được tiêm ít nhất một liều vaccine phòng COVID-19. 12,66 tỷ liều đã được tiêm trên toàn cầu và 3,64 triệu liều đang được tiêm mỗi ngày. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 16)

 

Bệnh viện Quân y 175 ra mắt Viện Ung bướu và y học hạt nhân

Ngày 15-9, Bệnh viện Quân y 175 ra mắt Viện Ung bướu và y học hạt nhân nhân kỷ niệm 10 năm Trung tâm Chẩn đoán và điều trị ung bướu hoạt động. Đến dự lễ có Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng,  Phó Bí thư Thành ủy TPHCM.

Viện Ung bướu và y học hạt nhân thuộc Bệnh viện Quân y 175 được thành lập trên cơ sở phát triển từ Trung tâm Chẩn đoán và điều trị ung bướu. Viện gồm 5 khoa: Khoa khám và điều trị ngoại trú; Khoa xạ trị; Khoa hoá; Khoa chăm sóc giảm nhẹ; Khoa y học hạt nhân, với quy mô 350 giường bệnh. Ngoài ra, viện còn ứng dụng nhiều phương pháp kỹ thuật cao điều trị bệnh và hội chẩn với nhiều nước quốc tế.

Ra đời tháng 9-2012, trung tâm ban đầu chỉ gồm 2 khoa: Khoa ung bướu và khoa y học hạt nhân với khu điều trị nội trú gồm 100 giường bệnh và 10 giường điều trị phóng xạ. Hằng năm, đơn vị đã chủ động, bố trí sắp xếp cán bộ, y, bác sĩ, kỹ sư luân phiên được học tập chuyên sâu tại các bệnh viện chuyên về ung bướu trong nước và các bệnh viện, trung tâm y tế lớn của các quốc gia có nền y tế hiện đại như: Áo, Australia, Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore... Đến nay, trung tâm có 5 tiến sĩ (trong đó có 1 tiến sĩ được đào tạo tại Nhật Bản), 16 thạc sĩ, 27 bác sĩ, kỹ sư có trình độ sau đại học trở lên trong tổng số 124 cán bộ, nhân viên đang làm việc tại đây.

PGS-TS-BS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 cho biết, sự phát triển của ngành y tế về chẩn đoán và điều trị ung thư cần rất lớn sự hỗ trợ của chính quyền TPHCM và Chính phủ vì hiện nay còn gặp nhiều khó khăn về vật chất, cơ chế và con người. Việc thành lập Viện Ung bướu và y học hạt nhân kỳ vọng sẽ tạo điều kiện tốt để chẩn đoán và điều trị ung bướu cho người bệnh. Ngoài ra, trong thời gian tới Bệnh viện Quân y 175 sẽ ra mắt 5 viện khác để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ toàn diện cho người dân. (Sài Gòn giải phóng, trang 7)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang