F0 điều trị tại nhà cần biết hướng dẫn dùng thuốc hạ sốt của Bộ Y tế
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, F0 điều trị tại nhà thực hiện tự theo dõi sức khỏe 2 lần/ngày vào buổi sáng, chiều. Nếu sau khi dùng thuốc hạ sốt 2 lần không đỡ, F0 cần thông báo ngay cho Cơ sở quản lý người mắc COVID-19 tại nhà để được xử trí...
F0 có bệnh nền nhưng đang ổn định được điều trị tại nhà
Theo "Hướng dẫn quản lý người mắc COVID-19 tại nhà" có 3 tiêu chí lâm sàng đối với F0 được điều trị tại nhà đó là:
- Người mắc COVID-19 (được khẳng định nhiễm SARS-CoV-2 bằng xét nghiệm realtime RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên theo quy định hiện hành) không có triệu chứng lâm sàng; hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ: như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi; tiêu chảy, chảy mũi, mất mùi, mất vị;
- Người mắc COVID-19 không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu ô xy; nhịp thở < 20 lần/phút; SpO2 > 96% khi thở khí trời; không có thở bất thường như thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, thở khò khè, thở rít ở thì hít vào.
- Người mắc COVID-19 không mắc bệnh nền, hoặc có bệnh nền nhưng đang được điều trị ổn định.
Cùng đó người mắc COVID-19 điều trị tại nhà có thể tự chăm sóc bản thân như ăn uống, tắm rửa, giặt quần áo, vệ sinh và có thể tự theo dõi tình trạng sức khỏe theo hướng dẫn của nhân viên y tế; Có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát và khi có tình trạng cấp cứu: Có khả năng giao tiếp và sẵn có phương tiện liên lạc như điện thoại, máy tính…
Bộ Y tế lưu ý trong trường hợp người mắc COVID-19 không có khả năng tự chăm sóc, gia đình phải có người chăm sóc đáp ứng các yêu cầu trên.
F0 điều trị tại nhà bị sốt dùng thuốc thế nào?
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nếu là người lớn: > 38,5 độ hoặc đau đầu, đau người nhiều: uống mỗi lần 1 viên thuốc hạ sốt như paracetamol 0,5 g, có thể lặp lại mỗi 4-6h, ngày không quá 4 viên, uống oresol nếu ăn kém/giảm hoặc có thể dùng uống thay nước.
Nếu là trẻ em sốt > 38,5 độ, uống thuốc hạ sốt như paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần, có thể lặp lại mỗi 4-6h, ngày không quá 4 lần.
Bộ Y tế lưu ý nếu sau khi dùng thuốc hạ sốt 2 lần không đỡ, người mắc COVID-19 thông báo ngay cho Cơ sở quản lý người mắc COVID-19 tại nhà để được xử trí.
BS Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, thành viên nhóm Bác sĩ quân y hỗ trợ chăm sóc F0 tại nhà cho biết sốt cao quá thì cơ thể mệt mỏi do mất nước, mất điện giải... Sốt gây đau đầu, mất ngủ, ăn kém, gây co giật ở trẻ em..., vì thế cần hạ sốt.
Để hạ sốt có thể dùng paracetamol, liều dùng tùy theo lứa tuổi. Về cơ bản thì paracetamol an toàn, nhưng với một số ít người thì paracetamol lại gây độc với gan và khi dùng nhiều có thể gây suy gan. Nếu không dùng được paracetamol thì có thể dùng ibuprofen, hàm lượng 200 hoặc 400mg.
Ngoài dùng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn, người bệnh cần bù đủ nước và điện giải để cơ thể đỡ mệt mỏi. Điện giải ở đây chủ yếu là kali, natri và clo, tức kali và muối ăn. Hiện có oresol, các gói bổ sung điện giải, nước dừa, nước cháo, chanh muối... là những sản phẩm thông dụng.
Trong Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19, những trường hợp F0 điều trị tại nhà sẽ được dỡ bỏ cách ly, điều trị tại nhà khi:
- Thời gian cách ly, điều trị đủ 7 ngày và kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính virus SARS-CoV-2 do nhân viên y tế thực hiện hoặc người bệnh tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa.
- Trong trường hợp sau 7 ngày kết quả xét nghiệm còn dương tính thì tiếp tục cách ly đủ 10 ngày đối với người đã tiêm đủ liều vaccine theo quy định và 14 ngày đối với người chưa tiêm đủ liều vắc xin theo quy định.
- Trạm Y tế nơi quản lý người bệnh chịu trách nhiệm xác nhận khỏi bệnh cho người bệnh.
Theo quy định cũ ban hành trước đó, bệnh nhân COVID-19 tại nhà được dỡ bỏ cách ly khi đủ 10 ngày điều trị và xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. (Sức khỏe & Đời sống, trang 1).
Số ca mắc cao kỷ lục, Nam Định khẩn trương chống dịch
Sau nhiều ngày liên tiếp luôn nằm trong top đầu cả nước về số ca mắc COVID-19, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Nam Định đã có cuộc họp khẩn đề ra các giải pháp để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh.
Tình hình dịch COVID -19 trên địa bàn tỉnh Nam Định diễn biến rất phức tạp, số ca nhiễm tăng cao, bình quân ghi nhận trên 1.200 ca/ngày (gấp gần 3 lần so với tuần trước).
10/10 huyện, thành phố của tỉnh Nam Định liên tiếp ghi nhận các chùm ca bệnh cộng đồng có yếu tố dịch tễ phức tạp, có liên quan đến khu công nghiệp, chợ, doanh nghiệp, cơ quan, nơi tập trung đông người.
Cụ thể ngày 14/2 ghi nhận 1.362 ca mắc, trong đó có 1.031 ca cộng đồng, trước đó ngày 13/2 ghi nhận 1.894 số ca mắc cao kỷ lục tại địa phương này.
Nguyên nhân khiến số ca mắc COVID-19 tại Nam Định tăng cao trong những ngày qua được cho là do trong dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu giao thương, lễ hội nên việc đi lại, tập trung đông người của người dân tăng cao.
Ý thức người dân trong chủ động phòng, chống dịch bệnh COVID-19 chưa cao, làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Đồng thời một số đơn vị, địa phương có lúc còn lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch…
Nhằm tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 tỉnh Nam Định yêu cầu các huyện, thành phố:
Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19
Tuyên truyền nâng cao nâng cao ý thức người dân, tự giác thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình mình và cộng đồng, nhất là việc thực hiện yêu cầu 5K + vaccine khai báo y tế, chủ động xét nghiệm khi có các triệu chứng như ho, sốt, khó thở...
Vận động người dân hạn chế di chuyển đến các tỉnh, thành phố khác, nơi tập trung đông người khi không thực sự cần thiết; không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, các lễ cưới chỉ tổ chức trong phạm vi gia đình, tổ chức lễ tang với quy mô nhỏ gọn và cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Yêu cầu cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện nghiêm nội dung trên và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội trên địa bàn tỉnh.
Đẩy nhanh công tác tiêm phòng vaccine COVID-19
Nam Định yêu cầu các huyện, thành phố đẩy nhanh công tác tiêm phòng vaccine COVID-19, cụ thể hoàn thành tiêm mũi 3 vaccine COVID-19 cho những người từ 18 tuổi trở lên trong tháng 3/2022.
Các huyện, thành phố phải tổ chức ít nhất 01 địa điểm tiêm cố định, liên tục 7/7 ngày trong tuần; thông báo rộng rãi, công khai địa điểm, thời gian để mọi người dân đến tiêm khi đủ điều kiện được tiêm và báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Y tế, Văn phòng UBND tỉnh) trước ngày 16/02/2022.
Tiếp tục tổ chức các tổ lưu động khẩn trương tiêm vét vaccine ngay tại nhà cho những người chưa được tiêm đủ vaccine vì lý do sức khỏe không thể đến nơi tiêm tập trung; đảm bảo không bỏ sót người đủ điều kiện mà không được tiêm vaccine.
Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi khi có hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Y tế.
Tăng cường quản lý, điều trị F0 tại nhà
Các địa phương trong tỉnh Nam Định thực hiện nghiêm việc cách ly F1, điều trị F0 nhẹ hoặc không triệu chứng tại nhà phải đảm bảo các điều kiện theo hướng dẫn của ngành y tế; đồng thời kiểm soát nghiêm nghặt việc cách ly, điều trị tại nhà theo quy định.
Đảm bảo các điều kiện để duy trì hoạt động các cơ sở cách ly tập trung, cơ sở thu dung, điều trị để kịp thời phục vụ các trường hợp không đủ điều kiện cách ly y tế, điều trị tại nhà.
Đảm bảo đầy đủ các điều kiện vận hành trạm y tế lưu động để hỗ trợ người dân được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, được theo dõi, chăm sóc y tế và được dùng thuốc điều trị đầy đủ. Công bố công khai số điện thoại đường dây nóng của trạm y tế, trạm y tế lưu động để kịp thời tư vấn, hỗ trợ, xử lý các trường hợp cấp bách.
Khẩn trương triển khai mua sắm, lắp đặt hệ thống ô xy trung tâm theo quy định để phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng vừa và nặng.
Sẵn sàng phương án ứng phó các tình huống dịch bệnh trong trường học
Nam Định tiếp tục triển khai tốt phương án tổ chức dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục đảm bảo an toàn, chủ động, sẵn sàng ứng phó với các tình huống của dịch bệnh.
Gia đình phụ huynh cần thường xuyên phối hợp với nhà trường trong việc thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch. Các cơ sở giáo dục chủ động bố trí, sắp xếp chương trình học tập phù hợp với tình hình diễn biến dịch COVID-19. (Sức khỏe & Đời sống, trang 8).
Kịp thời cung cấp thuốc điều trị cho bệnh nhân COVID-19 chuyển biến nặng, tránh tử vong
Ngày 14/2, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố Đà Nẵng họp bàn các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến nhấn mạnh, hiện Đà Nẵng có 219 ca nặng đang thở ô-xy, trung bình số ca tử vong từ 3-5 ca/ngày (đa số chưa tiêm vaccine, bệnh nền, người già). Qua số liệu báo cáo cho thấy, Đà Nẵng phải ở trạng thái cảnh giác cao, các ngành chủ động theo dõi sát tình hình, không buông lỏng quản lý phòng dịch. Trong đó, các đơn vị, địa phương cần giám sát các ca F0 đang điều trị tại nhà; đi từng ngõ, gõ từng nhà để kịp thời phát hiện những người chưa tiêm vaccine mũi 1.
Bà Ngô Thị Kim Yến đề nghị ngành Y tế mở thêm các cơ sở y tế thu dung điều trị các bệnh nhân có bệnh nền, giúp giảm tải; kịp thời theo dõi, phát hiện, chữa trị các bệnh nhân chuyển biến nặng. Sở Thông tin và Truyền thông thống nhất phương án nhập liệu tập trung thông tin bệnh nhân mắc COVID-19 nhằm quản lý, theo dõi hiệu quả bệnh nhân, phát huy phần mềm điều trị F0 tại nhà. Các cơ quan chức năng phải kịp thời cung cấp thuốc điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 chuyển nặng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tránh để bệnh nhân tử vong. Đặc biệt, các đơn vị, địa phương không vì rào cản về mặt thủ tục, hồ sơ giấy tờ mà bỏ lỡ cơ hội điều trị hiệu quả cho bệnh nhân.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì dự kiến kế hoạch và hướng dẫn quy trình xử lý tình huống có ca mắc COVID-19 khi học sinh đi học lại, đồng thời thống nhất quy trình để các trường triển khai.
Phát biểu tại cuộc họp, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng Lê Thị Bích Thuận đề xuất, cho phép học sinh Mầm non đi học trở lại vào ngày 21/2 với điều kiện phải đảm bảo công tác phòng dịch.
Tính từ 13 giờ ngày 13/2 đến 13 giờ ngày 14/2, Đà Nẵng ghi nhận 787 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 677 ca cộng đồng. Hiện thành phố có 15.389 người đang điều trị tại nhà, 946 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế, trong đó có 219 ca bệnh nặng. (Sức khỏe & Đời sống, trang 8).
Tiêm vắc xin phòng COVID cho trẻ 5-11 tuổi: Cần đặc biệt đề phòng phản ứng bất lợi
TS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng miền Bắc (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương), cho hay, ông ủng hộ tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh cần tiếp tục lắng nghe để có thêm nhiều kinh nghiệm từ các quốc gia khác, đảm bảo vắc xin khi triển khai tiêm cho trẻ em Việt Nam sẽ tối ưu, phù hợp nhất, và cần đặc biệt lưu tâm, đề phòng các phản ứng bất lợi.
TS Thái cho biết, những bằng chứng gần đây cho thấy trẻ em mắc COVID-19 bị biến chứng không cao nhưng vẫn có nguy cơ tiềm ẩn, đặc biệt là tình trạng viêm đa phủ tạng ở trẻ nhỏ (MIS-C) được ghi nhận thời gian qua. Khi trẻ mắc biến chứng này, việc điều trị rất khó khăn và tốn kém. “Tổn thương kéo dài liên quan đặc biệt đến sức học của trẻ sau này là gánh nặng lớn cho bản thân đứa trẻ, gia đình và xã hội đã được ghi nhận trên thế giới dù tỉ lệ này không cao so với người lớn mắc COVID-19, nhưng so với các bệnh khác vẫn cao”, TS Thái nói.
Ông Thái cho biết, vắc xin phòng COVID-19 của Pfizer đóng liều 30 microgram cho người lớn và trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi. Khi tiêm cho trẻ 5-11 tuổi, liều vắc xin còn 10 microgram. Với liều tiêm chỉ bằng 1/3 người lớn, trẻ sẽ không có các phản ứng phụ bất lợi nên đây được đánh giá là mũi tiêm an toàn. Tất nhiên, khi tiêm vắc-xin, dù ở lứa tuổi nào cũng phải theo dõi chặt sau tiêm theo quy định của Bộ Y tế.
Các bác sĩ cho biết, phản ứng phổ biến nhất khi tiêm vắc xin ở trẻ là sốt, mệt mỏi, đau nhức cơ, sưng đỏ cánh tay. Những triệu chứng này sẽ biến mất sau vài ngày, không có báo cáo về tác dụng phụ lâu dài. Đối với nhóm 5-11 tuổi sau khi tiêm vắc xin, cần được gia đình chăm sóc, theo dõi vì khả năng tự nhận biết, thông báo triệu chứng kém hơn. TS Thái nói: “Dù tỉ lệ phản ứng nặng sau tiêm vắc xin ở trẻ nhỏ thấp hơn rất nhiều so với ở trẻ lớn và người trưởng thành, phụ huynh vẫn cần đặc biệt lưu tâm, đề phòng các phản ứng bất lợi”.
Sau khỏi COVID-19, nên tiêm vắc xin để tránh tái nhiễm
Theo TS Thái, SARS-CoV-2 khi tấn công vào cơ thể chúng ta lần đầu tiên để lại miễn dịch không cao. Đây là cơ sở cho nguy cơ tái nhiễm, vì vậy trong những hướng dẫn gần đây không đặt ra vấn đề chờ 6 tháng sau khi khỏi bệnh thì tiêm mũi tiếp theo mà nên tiêm ngay sau khi nhiễm bệnh. "Điều này sẽ giúp miễn dịch của cơ thể với virus nhiều hơn, góp phần vào hạn chế tái nhiễm sau này. Điều này còn hạn chế cả những hội chứng hậu COVID-19 và tình trạng COVID-19 kéo dài đã được ghi nhận vì có những trẻ vài tháng sau khi khỏi mới có biểu hiện hội chứng hậu COVID-19 do virus gây tổn thương đa cơ quan, để lại vật liệu di truyền virus gây phản ứng viêm đa tạng sau này”, ông Thái nói.
Về so sánh nguy cơ tăng nặng ở trẻ tái nhiễm COVID-19 nhưng chưa tiêm vắc xin với trẻ đã tiêm chủng đầy đủ, TS Thái cho hay, thế giới và Việt Nam đã ghi nhận các trường hợp tái nhiễm với các chủng virus khác nhau. Ở chủng Delta, tỉ lệ tái nhiễm là 1% và với chủng Omicron thì số tái nhiễm cao hơn, trong đó đều là thể nhẹ vì bệnh nhân đã có miễn dịch từ lần nhiễm trước. “Tuy nhiên, vẫn có trường hợp biểu hiện nặng như suy đa phủ tạng ở lần nhiễm sau. Cơ địa từng người cho thấy cần phải tiêm phòng dù đã nhiễm bệnh, để tránh nguy cơ tái nhiễm sau”, ông nói.
Ngày 15/2, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 31.814 ca nhiễm mới với 27 ca nhập cảnh và 31.787 ca trường hợp trong nước (tăng 2.384 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố, có 22.870 ca cộng đồng. Đây là ngày có số ca mắc mới và ca cộng đồng cao nhất từ trước đến nay tại Việt Nam. Cùng ngày, Hà Nội ghi nhận số ca mắc cao nhất (3.972 F0). (Tiền phong, trang 13).
F0 tiếp tục tăng cao, người dân tiêm đủ liều vắc xin không nên chủ quan
Sau Tết Nguyên Đán, ca mắc COVID-19 tại nước ta tiếp tục tăng cao, đỉnh điểm là ngày 14/2 ghi nhận 30.000 F0 mới. Người dân về quê, đi lại giao lưu sau tết, trẻ em tới trường… đã làm gia tăng lây nhiễm COVID -19. Ngoài Hà Nội, nhiều tỉnh phía Bắc và miền Trung ca nhiễm mới tăng cao , gấp 3-4 lần so với trước đó. Đặc biệt, sau Tết, số ca mắc mới là người cao tuổi tăng, đa số vào người chưa tiêm vaccine hoặc có bệnh nền khiến bệnh tăng nặng ... (Chi tiết xem báo Công an nhân dân, trang 4).
Hội chứng hậu COVID -19 cần khám và điều trị sớm
Di chứng của COVID -19 hay còn gọi là hậu COVID đối với nhiều người thật dai dẳng. Theo khảo sát của BV Chợ Rẫy thực hiện tại BV Hồi sức COVID -19 TP Thủ Đức (TP. HCM) từ tháng 9/2021 cho thấy, có 53,3% bệnh nhân tại đây bị rối loạn lo âu, 16,7% stress và 20 % trầm cảm. Tại Hà Nội, dịch xuất hiện rầm rộ trong mấy tháng gần đây khiến nhiều ca bệnh nặng phải nhập viện. Khi khỏi bệnh, nhiều F0 đã gặp phải di chứng mệt mỏi, hụt hơi, trầm cảm, rối loạn đông máu ảnh hưởng đến chức năng tim, thận… Không chỉ F0 nặng mới để lại di chứng mà di chứng còn ghi nhận cả ở F0 nhẹ, không triệu chứng ... (Chi tiết xem báo Công an nhân dân, trang 7).
Hà Nội tiếp tục tăng xấp xỉ 4.000 ca Covid-19, trên 91.500 F0 cách ly tại nhà
Nếu như hôm qua Hà Nội lần đầu vượt mốc 3.000 ca Covid-19 trên ngày thì vào hôm nay, 15-4, số mắc được công bố đã xấp xỉ 4.000 ca mới, tốc độ tăng đang rất nhanh... Chiều tối nay, Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ 18h ngày 14-2 đến 18h ngày 15-2 trên địa bàn thành phố ghi nhận 3.972 ca Cocid-19, gồm 798 ca cộng đồng; 3.174 ca đã cách ly. Số mắc tăng 465 trường hợp so với hôm qua, còn so với mức bình quân của tuần trước thì số mắc hôm nay tăng hơn khoảng 1.000 ca.
Các bệnh nhân mới phát hiện trong ngày phân bố tại 487 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (186); Đông Anh (175); Chương Mỹ (155); Bắc Từ Liêm (143); Nam Từ Liêm (141)...
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) đến chiều nay là 179.217 ca. Đến hết ngày 14-2, tổng số bệnh nhân đang điều trị của Hà Nội là 95.916 ca, trong đó có 91.544 trường hợp theo dõi, điều trị tại nhà. (An ninh Thủ đô, trang 2).
Sớm hoàn thành tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi
Ngày 15/2, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 31.814 ca nhiễm mới, gồm 27 ca nhập cảnh và 31.787 ca trong nước (tăng 2.384 ca so với ngày 14/2) tại 62 tỉnh, thành phố. Với việc ghi nhận 31.787 ca trong nước, đây được coi là ngày có số ca mắc cao nhất kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam. Ngoài ra, trong ngày có 9.326 người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh và 85 ca tử vong tại 29 tỉnh, thành phố.
Để tăng cường công tác tiêm chủng vaccine, ngày 15/2, Bộ Y tế có công văn khẩn gửi Sở Y tế chín tỉnh, thành phố, gồm: Bắc Kạn, Sơn La, Điện Biên, Quảng Trị, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đồng Nai, Đồng Tháp, Bình Dương về việc tăng cường tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị sở y tế các địa phương chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành việc tiêm chủng hai liều vaccine phòng Covid-19 cho nhóm trẻ này; bảo đảm an toàn tiêm chủng và thực hiện báo cáo kết quả tiêm chủng, phản ứng sau tiêm chủng theo quy định, kịp thời, chính xác.
Bộ Y tế vừa có công văn trả lời Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho ý kiến về dự thảo công văn tổ chức hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cân nhắc bổ sung vào nội dung dự thảo công văn một số nội dung sau: Việc hoạt động trở lại các hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường cần căn cứ kết quả đánh giá cấp độ dịch bệnh tại mỗi địa phương, khu vực có hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường. Nơi thực hiện hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường thường là nơi có không gian kín nên dễ xảy ra lây nhiễm Covid-19. Do vậy, khi hoạt động trở lại cần tăng cường các biện pháp vệ sinh, phòng, chống lây nhiễm tại khu vực cung cấp dịch vụ karaoke, vũ trường (khử khuẩn, thông khí,…).
Với người tham dự, cần thực hiện nghiêm 5K, tiêm phòng vaccine đủ liều, không cung cấp dịch vụ cho người đang có các triệu chứng mắc Covid-19 (ho, sốt…). Các địa phương, nơi cung cấp dịch vụ karaoke, vũ trường cần có kế hoạch dự phòng, đáp ứng các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra trong khu vực cung cấp dịch vụ để khoanh vùng gọn, không để lây lan rộng ra cộng đồng (nếu ghi nhận ổ dịch).
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cho biết, trong ngày 15/2 Hà Nội ghi nhận 3.972 ca mắc Covid-19, trong đó có 798 ca cộng đồng. Bệnh nhân phân bố tại 487 xã, phường, thị trấn thuộc 30 quận, huyện, thị xã. Đáng chú ý, trong hai tuần trở lại đây, số ca mỗi ngày được báo cáo dao động từ 2.700 đến 3.500 ca. Hiện toàn thành phố có gần 96 nghìn F0 đang điều trị, trong đó có hơn 91.500 người đang điều trị, theo dõi tại nhà (chiếm 95%).
Tỉnh Cà Mau đã ban hành quyết định giải thể Bệnh viện dã chiến số 4, 5, 6, 7, 8, 9, đồng thời giao lãnh đạo Sở Y tế chủ trì, chỉ đạo giám đốc các bệnh viện dã chiến nêu trên rà soát, thanh toán các chính sách, chế độ cho nhân viên tham gia để bàn giao cơ sở vật chất lại cho đơn vị quản lý cũ trước đây. Khi được bàn giao về “chủ cũ”, các trang thiết bị, dụng cụ, vật tư y tế,... sẽ được những đơn vị tiếp nhận quản lý và sử dụng phục vụ cho người bệnh tại đơn vị. Tuy nhiên, phải quản lý và bảo dưỡng đúng theo quy định và phải sẵn sàng triển khai thực hiện phục vụ quản lý, điều trị Covid-19 khi có lệnh điều động từ cấp có thẩm quyền.
Cùng với đó, tỉnh Cà Mau ban hành quyết định thành lập đơn vị điều trị Covid-19 tại Trung tâm Y tế huyện Phú Tân và Ngọc Hiển. Mỗi đơn vị có quy mô 50 giường bệnh thu dung, điều trị tầng 1 và tầng 2. Trong ngày 15/2, tỉnh Cà Mau chỉ ghi nhận thêm 156 ca mắc mới Covid-19 và không ghi nhận trường hợp tử vong do Covid-19, duy trì thành tích ngày thứ 11 liên tục không có trường hợp F0 tử vong. (Nhân dân, trang 8).
Hiến giọt máu đào - Trao đời sự sống
Khi có nhiều trường hợp gặp khó cần trợ giúp, tinh thần “tương thân, tương ái” càng được người dân Thủ đô phát huy. Họ không chỉ giúp nhau về vật chất, tinh thần, mà còn hiến những giọt máu đào để trao đời sự sống. Việc làm nhân văn này ngày càng thấm sâu, lan tỏa, góp phần tạo nên những giá trị tốt đẹp.
Bổ sung lượng máu cần thiết
Tại Hà Nội, nhu cầu sử dụng máu phục vụ công tác cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân vào dịp đầu năm thường rất cấp thiết, vì nơi đây tập trung các bệnh viện lớn, tuyến đầu. Giám đốc Viện Huyết học - Truyền máu trung ương Bạch Quốc Khánh cho hay: “Trung bình mỗi tháng, viện cần khoảng 30.000 đơn vị máu, nhưng trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nguồn máu tiếp nhận không đáp ứng đủ nhu cầu. Do đó, chúng tôi kêu gọi người dân ở Thủ đô tham gia hiến máu, để mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”.
Trước những hoàn cảnh cần trợ giúp, tinh thần “tương thân, tương ái” được người dân ở Thủ đô khơi dậy, phát huy. Các hoạt động vận động hiến máu tình nguyện diễn ra sâu rộng trên địa bàn thành phố, trong đó nổi bật là Lễ hội Xuân hồng lần thứ XV năm 2022. Chị Nguyễn Thị Trang (cán bộ Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Sở giao dịch, trụ sở tại quận Ba Đình) chia sẻ: “Qua các kênh thông tin, tôi biết nhiều người bệnh cần máu điều trị, nên tham gia hiến máu vào ngày 9-2 vừa qua. Sau lần đầu tiên hiến máu, tâm lý lo lắng trong tôi không còn, thay vào đó là niềm vui vì đã làm việc có ý nghĩa”. Còn anh Nguyễn Thành Công (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) hiến máu vào ngày 7-2, bày tỏ: “Hiến máu đã trở thành thói quen của cá nhân tôi cùng nhiều người bạn. Chúng tôi thường hiến máu vào những thời điểm khan hiếm nguồn máu, với mong muốn sẻ chia khó khăn với bệnh nhân nghèo”...
Thông qua các chương trình, hoạt động hiến máu vào dịp đầu xuân mới Nhâm Dần 2022, các cơ quan chức năng thu về lượng máu đáng ghi nhận. Chẳng hạn, hoạt động hiến máu diễn ra tại Học viện Cảnh sát nhân dân thu về hơn 1.200 đơn vị máu; tại Viện Huyết học - Truyền máu trung ương thường xuyên nhận được hàng trăm đơn vị máu... Đặc biệt, Lễ hội Xuân hồng được triển khai tại nhiều địa điểm trên địa bàn Hà Nội trong tháng 2-2022, dự kiến tiếp nhận khoảng 7.000 đơn vị máu, hơn 10.000 lượt người tham gia...
Lan tỏa phong trào hiến máu
Góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp, phong trào hiến máu tình nguyện được các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội chú trọng triển khai. Theo Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội Đào Ngọc Triệu, năm 2022, toàn thành phố phấn đấu thu hút 2,8% dân số tham gia hiến máu (hiện là 2,6%), thu về khoảng 250.000-300.000 đơn vị máu.
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu nêu trên, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Gia Lâm Nguyễn Thị Thanh Yến cho hay, mạng lưới cơ sở Chữ thập đỏ trên địa bàn huyện Gia Lâm quan tâm xây dựng các mô hình hiến máu, như: “Mỗi phường, xã là một điểm hiến máu”, “Gia đình hiến máu”, “Dòng họ hiến máu”... Những mô hình này là hạt nhân để tập hợp những người sẵn sàng vì người bệnh mà hiến những giọt máu đào. Hưởng ứng phong trào hiến máu tình nguyện, Chủ tịch họ Dương liên quận, huyện Gia Lâm - Long Biên Dương Dũng bày tỏ: “Việc tham gia hiến máu tình nguyện vừa góp phần thể hiện trách nhiệm với xã hội, vừa giáo dục lối sống nghĩa tình, thương người như thể thương thân cho các thành viên trong gia đình, dòng họ...”.
Tại huyện Sóc Sơn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Nguyễn Thị Trà Liên thông tin, việc tuyên truyền về ý nghĩa của hoạt động hiến máu tình nguyện liên tục được triển khai đến từng ngõ, từng nhà, giúp người dân hiểu rõ để tích cực tham gia. Cùng với đó, huyện chú trọng vận động người dân tham gia hiến máu nhắc lại, góp phần có lượng máu ổn định. Bằng cách này, huyện Sóc Sơn đã có nhiều tấm gương hiến máu tiêu biểu. Có thể kể đến là trường hợp anh Lê Hữu Thanh ở xã Tiên Dược với 64 lần hiến máu. Cũng ở xã Tiên Dược, anh Nguyễn Thế Lục luôn có mặt kịp thời, khi người bệnh cần đến nhóm máu B của anh...
Ở cấp cơ sở, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) Bùi Duy Khanh khẳng định: “Phong trào vận động hiến máu tình nguyện trên địa bàn diễn ra thường xuyên, liên tục. Không chỉ có đoàn viên thanh niên, đối tượng vận động của chúng tôi rất đa dạng, gồm tất cả trường hợp đủ điều kiện hiến máu”.
Từ những giọt máu nghĩa tình được trao đi, trong đó có sự tham gia của người dân Hà Nội, nhiều bệnh nhân đã được tiếp thêm sự sống. Chị Đào Thị Huế, đến từ xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang) có 2 con liên tục điều trị tại Viện Huyết học - Truyền máu trung ương nhiều năm qua xúc động nói: “Nhờ nguồn máu hiến tặng, sức khỏe các con tôi dần chuyển biến tích cực. Mong rằng, những bệnh nhân khác cũng được tiếp máu kịp thời như các con của tôi”.
Đối với người mắc trọng bệnh, niềm mong mỏi của họ và gia đình là sự sống dần hồi sinh. Hy vọng, phong trào hiến máu tình nguyện tiếp tục thu hút đông đảo người dân Thủ đô tham gia để có thêm nhiều bệnh nhân được tiếp thêm sự sống. (Hà Nội mới, trang 8).