Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 16/10/2023

  • |
T5g.org.vn - Trích gần 700 tỷ từ quỹ bảo hiểm y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, sinh viên; TP.HCM chủ động phòng chống 5 loại dịch bệnh; Vì sao Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM 'kêu cứu'?


Trích gần 700 tỷ từ quỹ bảo hiểm y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, sinh viên

Chỉ tính từ năm 2022 và 8 tháng đầu năm 2023, quỹ bảo hiểm y tế đã chi trả 5.316 tỷ đồng cho 6,2 triệu lượt học sinh, sinh viên đi khám chữa bệnh; trong đó có 634 trường hợp được chi trả từ 200 triệu đồng/người trở lên, trường hợp cao nhất đến hơn 1 tỷ đồng.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018, Chính phủ đã quy định cụ thể về việc trích lại kinh phí từ quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) BHYT phục vụ công tác triển khai chính sách BHYT tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Hiện nay, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các trường học đang vận hành chủ yếu từ nguồn kinh phí này.

Các năm qua, số kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh sinh viên trích lại từ quỹ BHYT đối với cơ sở giáo dục (bao gồm cả cơ sở giáo dục mầm non) liên tục tăng với số tiền là 603,7 tỷ đồng (năm 2020); 656,7 tỷ đồng (năm 2021) và hơn 696,3 tỷ đồng (năm 2022).

Nguồn kinh phí trích lại từ quỹ BHYT được các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp sử dụng để phục vụ chi: mua thuốc, vật tư y tế phục vụ sơ cấp cứu, xử trí ban đầu cho trẻ em, học sinh sinh viên khi bị tai nạn thương tích hoặc các trường hợp bệnh thông thường trong thời gian học tập tại cơ sở giáo dục; mua sắm, sửa chữa trang thiết bị y tế thông thường phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, tủ tài liệu quản lý hồ sơ sức khỏe tại cơ sở giáo dục; mua văn phòng phẩm phục vụ hoạt động khám chữa bệnh trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Qua thực tiễn triển khai cho thấy, nguồn kinh phí này đã thực sự phát huy vai trò, hiệu quả trong việc không chỉ giúp y tế trường học kịp thời thực hiện sơ cứu, cấp cứu cho học sinh sinh viên theo quy định, hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về khám bệnh, chữa bệnh khi phát sinh trường hợp cấp cứu trong thời gian học tập, sinh hoạt, thực hành tại cơ sở giáo dục… mà còn giúp theo dõi, kiểm tra, phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ sức khỏe để dự phòng, điều trị, đảm bảo sức khỏe của các em trong tương lai. (An ninh Thủ đô, trang 7).

 

TP.HCM chủ động phòng chống 5 loại dịch bệnh

Theo Sở Y tế TP.HCM, 9 tháng năm 2023, TP.HCM đối đầu với 5 loại dịch bệnh, gồm: sốt xuất huyết, tay chân miệng, đau mắt đỏ, đậu mùa khỉ và Covid-19.

Ngày 15.10, Sở Y tế TP.HCM cho biết trong tuần qua, TP.HCM phát hiện thêm 6 ca đậu mùa khỉ, nâng tổng số ca mắc bệnh này trên địa bàn lên 19 ca (trong số này có 2 ca nhập cảnh, 1 ca xuất cảnh qua Đài Loan). Hiện 12 ca bệnh đậu mùa khỉ đang được cách ly điều trị, sức khỏe ổn định.

Trong khi đó, từ đầu năm 2023 đến nay, TP.HCM có 14.126 ca mắc sốt xuất huyết. Riêng trong tuần qua, TP.HCM ghi nhận 422 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 5,3% so với trung bình 4 tuần trước. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao, gồm Q.1, Q.8 và Q.Bình Thạnh. Hiện tại, số ca đang điều trị tại bệnh viện là 200, trong đó có 103 ca là người lớn, 96 ca trẻ em.

Tổng số ca mắc bệnh tay chân miệng tại TP.HCM từ đầu năm đến nay khoảng 30.000 ca. Riêng tuần qua, tại TP.HCM ghi nhận 1.532 ca mắc tay chân miệng, tăng gần 1,5 lần so với trung bình 4 tuần trước. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao, gồm Q.Bình Tân, H.Nhà Bè và H.Bình Chánh. Hiện, có 346 ca tay chân miệng đang điều trị tại bệnh viện (103 ca địa chỉ tại TP.HCM).

Theo Sở Y tế TP.HCM, 9 tháng năm 2023, TP.HCM đối đầu với 5 loại dịch bệnh, gồm: sốt xuất huyết, tay chân miệng, đau mắt đỏ, đậu mùa khỉ và Covid-19. Tuy nhiên, TP.HCM đã chủ động phòng chống và cũng đã giải được mã gien vi rút gây bệnh đậu mùa khỉ và đau mắt đỏ.

Ngành y tế TP.HCM tiếp tục thường xuyên theo dõi sát tình hình dịch bệnh, kịp thời ứng phó các tình huống có thể xảy ra. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, UBND quận huyện, TP.Thủ Đức chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai công tác phòng chống dịch, đảm bảo thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế trong công tác phòng chống dịch Covid-19, sốt xuất huyết, tay chân miệng, đau mắt đỏ, đậu mùa khỉ… (Thanh niên, trang 5).

 

Vì sao Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM 'kêu cứu'?

Dự án xây mới, di dời Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM nhiều năm qua vẫn còn nằm trên giấy, trong khi nguy cơ gây mất an toàn cho bệnh viện, bệnh nhân từ ký túc xá cũ sát vách là hiển hiện.

Sở Y tế TP.HCM ngày 13.10 đã có báo cáo UBND TP.HCM về tình hình nguy hiểm của Bệnh viện (BV) Chấn thương chỉnh hình TP.HCM. Trước đó, BV Chấn thương chỉnh hình cũng đã "kêu cứu" các cơ quan chức năng vì bị tòa nhà ký túc xá (KTX) Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng (931 - 937 Trần Hưng Đạo, P.1, Q.5) "đe dọa" gây mất an toàn cho BV và cả bệnh nhân. Đây là KTX xảy ra 2 vụ cháy vào tháng 7.2019 khiến BV phải di dời hàng trăm bệnh nhân đi nơi khác.

Đe dọa an toàn bệnh viện, bệnh nhân

Theo báo cáo của Sở Y tế và BV Chấn thương chỉnh hình, tại KTX, nhiều bức tường, cột và ô văng bị ngấm nước, bong tróc, thậm chí từng mảng bê tông bong ra rơi xuống mái nhà khu vực phòng mổ và khu hành chính của BV. Tòa nhà không đảm bảo an toàn về kết cấu xây dựng, an toàn PCCC, an toàn vệ sinh môi trường cho chính những gia đình đang sinh sống tại đó; đặc biệt không đảm bảo an toàn về tính mạng cho nhân viên người lao động, thân nhân bệnh nhân của BV Chấn thương chỉnh hình.

Thống kê của BV Chấn thương chỉnh hình cho thấy, có 5 vụ việc gây mất an toàn từ KTX này. Cụ thể, trước năm 2000, một tấm đan bê tông từ lầu 5 KTX rơi xuống làm thiệt mạng một người lái xe ôm đang dừng phía trước. Năm 2015, đoạn ống nước bằng sắt rơi từ lầu 8 KTX xuyên qua mái tôn, rớt xuống phòng mổ của BV.

Ngày 2.11.2017, nước thải từ bô rác chảy sang BV làm nhiễm khuẩn khu vực cấp cứu, hành lang chuyển bệnh vào phòng mổ. Chỉ trong tháng 7.2019 xảy ra 2 vụ cháy tại KTX, mặc dù đám cháy đã được kiểm soát, không có thiệt hại về người nhưng đã gây nên nỗi bất an cho BV, bệnh nhân. Thời điểm đó, BV phải sơ tán hơn 500 bệnh nhân mới phẫu thuật và đang chờ điều trị, nếu đám cháy lan nhanh sang BV thì nguy cơ tổn thất về người rất lớn vì đa số bệnh nhân không tự di chuyển được.

Lãnh đạo BV Chấn thương chỉnh hình kiến nghị UBND TP.HCM, Sở Y tế và UBND Q.5 xem xét có ý kiến với Ban giám hiệu Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng tìm giải pháp khắc phục kịp thời trước mắt và lâu dài về tình hình xuống cấp của tòa nhà KTX.

Tình trạng nguy hiểm của tòa nhà ký túc xá

Ngày 10 và 11.10 vừa qua, các sở, ngành tại TP.HCM họp, khảo sát về BV và KTX này để giải quyết vấn đề mà BV Chấn thương chỉnh hình, Sở Y tế đề cập. Tại cuộc họp ngày 11.10, đại diện Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng thông tin, tòa nhà được xây dựng năm 1960, diện tích khoảng 513 m2 với 11 tầng; trong đó tầng 10, 11 là sân thượng.

TP.HCM giao cho trường từ năm 1977 và được dùng làm KTX. Tầng trệt của KTX dùng để xe và văn phòng Ban quản lý KTX. Từ tầng 1 - 5 là 58 hộ gia đình cán bộ, giáo viên. Từ lầu 6 - 8 là KTX sinh viên và lầu 9 là hội trường sinh hoạt chung (hiện còn 18 hộ gia đình và 100 sinh viên cư trú - PV).

Sau vụ cháy tại căn hộ lầu 4 năm 2019, Sở Xây dựng có văn bản đề nghị nhà trường mời đơn vị độc lập kiểm định kết cấu, an toàn tòa nhà. Kết quả kiểm định kết luận công trình thuộc loại nhà nguy hiểm cấp C, khả năng chịu lực của một bộ phận kết cấu không đủ đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường, xuất hiện tình trạng nguy hiểm. Đơn vị kiểm định kiến nghị trường phải hợp đồng với đơn vị chuyên môn thiết kế, thi công lại các kết cấu mà kiểm định đã nêu và nhà trường cũng đang liên hệ các đơn vị để làm. Trong thời gian chờ đợi, nhà trường cũng dọn dẹp dây leo bám vào vết nứt, những kết cấu có nguy cơ rơi thì loại bỏ…

Còn về an toàn phòng chống cháy nổ, do tòa nhà đã cũ, không phù hợp với các tiêu chuẩn hiện nay, nhiều hạng mục, tiêu chí không đạt. Trường có thiết kế thang dây thoát nạn từ sân thượng, hệ thống chữa cháy vách tường, bình chữa cháy, hệ thống chuông, loa báo động…

Đại diện trường thông tin thêm: Năm 2014 - 2016, UBND TP.HCM có chủ trương bố trí cho nhà trường 10 ha đất ở H.Nhà Bè, nhưng từ đó đến nay vẫn chưa có tiến triển. Nhà trường mong muốn có địa điểm mới và đồng thời giao lại KTX để xây dựng, mở rộng BV Chấn thương chỉnh hình theo chủ trương của TP.HCM, vì quản lý tòa nhà như thế này sẽ không yên tâm, luôn trong tâm trạng nơm nớp lo sợ; nếu BV có chuyện gì thì nhà trường phải chịu trách nhiệm.

Tại cuộc khảo sát, đại diện Đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (Công an Q.5) khẳng định, tòa nhà KTX nằm trong đối tượng công trình không đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC hoạt động trước luật PCCC (luật PCCC ra đời năm 2001; sửa đổi, bổ sung năm 2013 - PV), hiện nhà trường chỉ mới thực hiện các giải pháp tạm thời. Đại diện Đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ đề nghị nhà trường cần lập hồ sơ thiết kế, các giải pháp để cơ quan PCCC TP duyệt, thi công, lắp đặt. Giải pháp tạm thời trước mắt là làm cửa ngăn khói lan giữa các tầng khi xảy ra cháy, nếu được thì làm thang sắt trèo thoát hiểm, thêm vòi nước chữa cháy…

Đại diện Sở Xây dựng, UBND Q.5 tham gia cuộc khảo sát đề nghị nhà trường phải khắc phục tạm thời, đảm bảo theo kiến nghị của đơn vị kiểm định, vì công trình đã kiểm định và kiến nghị từ năm 2021 nhưng đến nay trường vẫn chưa làm.

Chiều 13.10, tại buổi sơ kết công tác y tế 9 tháng đầu năm 2023, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết lãnh đạo TP.HCM đã có chủ trương là hoán đổi KTX, mua lại KTX nói trên để giao cho BV Chấn thương chỉnh hình. Sở Y tế cũng đã kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các sở, ban, ngành thúc đẩy tiến trình nhanh hơn. Theo quy hoạch ở khu y tế Tân Kiên (H.Bình Chánh), TP sẽ có 2 ha đất để xây dựng BV Chấn thương chỉnh hình.

Sở Y tế đã có phương án đăng ký công trình cấp bách để BV Chấn thương chỉnh hình xây dựng tại chỗ với tổng mức đầu tư 1.500 tỉ đồng, thời gian từ 2023 - 2028.

Sở Y tế đã hỗ trợ kinh phí khoảng 2 tỉ đồng cho BV Chấn thương chỉnh hình về PCCC. Trước mắt, Sở Y tế chỉ đạo BV làm đề án di dời một số khoa phòng qua cơ sở BV Truyền máu huyết học cũ để giảm tải cho cơ sở của BV. (Thanh niên, trang 14).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang