Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 16/12/2017

  • |
T5g.org.vn - Hơn 60% bệnh nhân đến Bệnh viện Từ Dũ từ các tỉnh; Thu hồi khẩn cấp 8 thực phẩm nhập khẩu nghi nhiễm khuẩn; Bắc Kạn: nhiều học sinh có biểu hiện lạ, không kiểm soát được bản thân; …

 

Thu hồi khẩn cấp 8 thực phẩm nhập khẩu nghi nhiễm khuẩn

Thông tin từ Cục An toàn thực phẩm (ATTP) – Bộ Y tế ngày 15-12 cho biết, cơ quan này đang tiến hành kiểm nghiệm chỉ tiêu Salmonella với 8 sản phẩm thực phẩm nhập khẩu từ Pháp nghi ngờ có khả năng nhiễm khuẩn Salmonella Agona.

Bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục ATTP - Bộ Y tế cho biết, mới đây đơn vị này nhận được cảnh báo từ Ban Thư ký Mạng lưới cơ quan an toàn thực phẩm quốc tế INFOSAN về việc phát hiện một số trẻ em dưới 6 tháng tuổi tại Pháp nhiễm khuẩn Salmonella Agona.

Qua điều tra ban đầu, các ca bệnh có thể liên quan tới một số sản phẩm dinh dưỡng không chứa lactose (lactose-free) do Tập đoàn Lactalis (Pháp sản xuất) và Pháp đã tiến hành thu hồi 600 lô sản phẩm liên quan được sản xuất từ tháng 2-2017 đến nay.

Ngay sau khi nhận được cảnh báo của INFOSAN, Cục ATTP đã rà soát hồ sơ thực phẩm nhập khẩu từ hãng Lactalis (Pháp) sản xuất và ra thông báo tạm ngưng sử dụng, lưu hành 8 lô sản phẩm của hãng này đã được nhập về Việt Nam gồm: CELI EXPERT 2 400G X12 GEX ASIE, CELI EXPERT 2 900G X6 GEX ASIE, CELI EXPERT 3 400G X12 GEX ASIE, CELI EXPERT 3 900G X6 GEX ASIE, CELI MAMA 400G X12 NEUTRE PROMAT.

Bà Trần Việt Nga cho biết thêm, hiện Cục ATTP đang tiến hành kiểm nghiệm chỉ tiêu Salmonella đối với các sản phẩm theo cảnh báo. Trong thời gian chờ kết quả kiểm nghiệm 8 sản phẩm sữa nhiễm khuẩn của Pháp, Bộ Y tế đề nghị các tổ chức, cá nhân tạm thời ngừng tiêu thụ và sử dụng các sản phẩm có tên và số lô đã được cảnh báo.

Cũng thep bà Nga, Cục đang yêu cầu công ty nhập khẩu sản phẩm này tiến hành thống kê số lượng đã nhập khẩu vào Việt Nam, số lượng đã bán ra trên thị trường và tiến hành thu hồi sản phẩm ngay lập tức trên thị trường, đồng thời có báo cáo kết quả về Bộ Y tế hàng ngày.

hó Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm thông tin cơ quan này sẽ tổ chức lực lượng cùng giám sát với công ty trên thu hồi sản phẩm một cách tối đa trong thời gian nhất định.

Ngoài ra, Cục ATTP cũng đã có công văn thông báo cho cơ quan Hải quan và các cơ quan kiểm tra Nhà nước tại các cửa khẩu để tiến hành kiểm tra đối với các sản phẩm này, nếu phát hiện sẽ không cho nhập khẩu vào trong nước. Với những sản phẩm cùng loại nhưng không thuộc loại phải cảnh báo, Cục ATTP sẽ tiến hành giám sát để kiểm tra xem các sản phẩm có đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng hay không.

Theo các chuyên gia, khuẩn Salmonella Agona gây nhiễm khuẩn đường ruột, ngộ độc thực phẩm và gây ra các triệu chứng như tiêu chảy, co thắt dạ dày và nôn. Do vậy, bà Nga khuyến cáo: “Gia đình nào có con nhỏ sử dụng sữa này lâu ngày mà có các biểu hiện như đau bụng dữ dội, tiêu chảy nặng, sốt, cần sớm đưa đến các cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra”.

Được biết, trong năm 2017, cả nước đã thành lập 22.441 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 625.060 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phát hiện 123.914 cơ sở vi phạm, chiếm 19,8%; xử lý hành chính 35.759 cơ sở với số tiền trên 61 tỷ đồng.

Đáng chú ý, dù số vụ ngộ độc thực phẩm trong năm 2017 giảm nhưng số trường hợp tử vong lại tăng gấp đôi. Cụ thể, năm 2017, cả nước ghi nhận 139 vụ ngộ độc thực phẩm với 3.869 người mắc giảm 27 vụ và 438 người mắc so với năm 2016. Số người tử vong do ngộ độc thực phẩm là 24 người, tăng 12 người so với năm 2016, trong đó có 11 người ngộ độc methanol trong rượu, 10 người do độc tố tự nhiên (cá nóc, cóc…), 3 trường hợp chưa xác định nguyên nhân. (An ninh Thủ đô, trang 8)

 

Bắc Kạn: nhiều học sinh có biểu hiện lạ, không kiểm soát được bản thân

Ngày 15-12, Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế đã có công văn gửi Bệnh viện Nhi Trung ương đề nghị phối hợp, hỗ trợ Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn làm rõ thông tin nhiều học sinh có biểu hiện lạ, không kiểm soát được bản thân.

Theo đó, một số học sinh của Trường Tiểu học Xuân Lạc (huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn) có biểu hiện sức khỏe bất thường. Các em bỗng dưng ngất xỉu, hay tự nhiên chạy ra khỏi lớp, chạy thẳng lên đồi... Hiện tượng ngất gây bất tỉnh tạm thời có thể diễn ra nhanh từ 3 - 5 phút, có một số trường hợp kéo dài đến 20 phút.

Sau khi tỉnh dậy, phần lớn các em đều không nhớ gì, thậm chí có trường hợp sau khi ngất, sức khỏe yếu đi, trẻ dậy không thể đi lại được. Trước khi có những hành động lạ, sắc mặt của các em thường thay đổi nhanh chóng, mắt đỏ.

Theo phản ánh của giáo viên dạy ở điểm trường thì từ đầu tháng 11, điểm trường có 2 em học sinh lớp 5 có những biểu hiện lạ như trên. Đến nay, đã có 9 em thường xuyên có biểu hiện như kể trên.

Trao đổi về vụ việc, PGS. Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, ngay sau khi nhận được công văn của Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bệnh viện đã liên hệ với Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn và được thông báo tình hình các cháu bé trên hiện đã đi học trở lại bình thường.

Trong thời gian tới, bệnh viện sẽ cử đoàn cán bộ lên thăm khám cho các cháu và kiểm tra các đặc điểm dịch tễ. Trước mắt, ngay trong đầu tuần tới, Đoàn Thanh niên của bệnh viện cùng các bác sĩ khoa Thần kinh, Tâm bệnh sẽ đi lên Bắc Kạn để tổ chức khám bệnh tình nguyện cho tất cả các em học sinh tại điểm trường Tiểu học Xuân Lạc. (An ninh Thủ đô, trang 8) 

Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ, trang14: “Giao Bệnh viện Nhi Trung ương làm rõ “Bệnh lạ” ở Bắc Kạn”; Báo Tiền phong, trang10: “Vụ nhiều học sinh Bắc Kạn có biểu hiện lạ: Bộ Y tế cử chuyên gia tìm nguyên nhân”; Báo Công an Nhân dân, trang 8: “Chưa xác định được nguyên nhân 9 trẻ ở Bắc Kạn có biểu hiện bất thường”

 

Liên tiếp 2 vụ học sinh ngộ độc

Chiều 15-12, các bác sĩ của Bệnh viện đa khoa Dầu Giây (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) vẫn đang tích cực điều trị cho 16 học sinh lớp 5, trường Tiểu học Hưng Lộc (xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất) nghi bị ngộ độc thực phẩm. 

Trước đó, khoảng 10h sáng cùng ngày, Bệnh viện tiếp nhận khoảng 20 học sinh trường Tiểu học Hưng Lộc nhập viện với các triệu chứng buồn nôn, đau bụng; một vài em có triệu chứng đi cầu và nghi là ngộ độc thực phẩm. Qua thăm khám, bước đầu, các bác sĩ nhận định học sinh có dấu hiệu bị rối loạn tiêu hóa. Sau khi được điều trị, sức khỏe các em chuyển biến tốt, không có học sinh nào bệnh chuyển nặng.

Theo một số học sinh, sáng 15-12, các em ăn món bún, nui tại căng tin trường Tiểu học Hưng Lộc, một số em mua xôi trước cổng trường để ăn. Cũng trong chiều qua, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận Lê Minh Định cho biết, qua lấy mẫu phẩm phân tích, kiểm nghiệm tại Viện Pasteur Nha Trang, vụ ngộ độc làm 36 học sinh của trường Dân tộc Nội trú THCS huyện Ninh Phước phải nhập viện cấp cứu vào ngày 7-12 vừa qua là do mẫu thực phẩm (xôi mặn) mà các em ăn sáng bị nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng; dương tính với chủng tụ cầu sinh độc tố ruột và vi khuẩn Bacillus cereus. (An ninh Thủ đô trang 8)

Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ, trang14: “Hơn 20 học sinh nhập viện nghi bị ngộ độc thực phẩm”; Báo Thanh niên, trang 9: “Ngộ độc thực phẩm ở trường tiểu học”

 

Thêm 2 người mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân

Sáng 15/12, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) Đặng Thị Phương, cho biết đã tiếp nhận thêm 2 bệnh nhân mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân.

Đó là chị Phạm Thị Dách (27 tuổi) và con gái là Phạm Thị Vị (9 tuổi), ở Làng Dút 1, xã Ba Nam, huyện Ba Tơ. Được biết, chị Dách đang mang thai tháng thứ 5. “Qua xét nghiệm, thăm khám ban đầu, cả hai mẹ con cùng mang những triệu chứng của hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân với các nốt sừng gây lở loét ở chân và men gan tăng cao. Trung tâm y tế huyện đang theo dõi tình trạng thai nhi nhưng chưa phát hiện diễn biến bất thường”, bác sĩ Phượng cho biết.

Trước đó, Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ đã tiếp nhận 3 bệnh nhân ở xã Ba Ngạc mắc hội chứng này và đã chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi theo dõi, điều trị. Như vậy, sau ba năm tạm lắng, từ đầu tháng 12 đến nay, tại huyện Ba Tơ đã có 5 người mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân. (Tiền phong, trang 15)         

 

Hơn 60% bệnh nhân đến Bệnh viện Từ Dũ từ các tỉnh

Hiện mỗi ngày, Bệnh viện Từ Dũ tiếp nhận trên 200 ca sinh, khám và điều trị cho hơn 3.000 lượt bệnh nhân, trong đó 60% bệnh nhân là từ các địa phương khác chuyển đến.

Tối 15-12, Bệnh viện (BV) Từ Dũ (TPHCM) tổ chức lễ kỷ niệm 80 năm thành lập. Th.S-BS Lê Quang Thanh, Giám đốc BV, cho biết, tập thể BV đã nỗ lực tạo nên nhiều thành tích trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân.

BV đã tiếp cận và mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc tế với các tổ chức y tế uy tín trên thế giới, chuyển giao và ứng dụng nhiều thành tựu khoa học - kỹ thuật y học sinh sản chuyên sâu vào công tác chẩn đoán và điều trị, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng đa dạng của nhân dân trong thời kỳ hội nhập; đồng thời thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản cho các tuyến y tế cơ sở tại 32 tỉnh thành phía Nam (từ Đà Nẵng đến Cà Mau).

Những năm qua, BV Từ Dũ còn là đơn vị thực hành của các trường ĐH Y Dược, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cơ sở đào tạo nữ hộ sinh, cô đỡ thôn bản và là địa chỉ thực tập của sinh viên các trường đại học y khoa đến từ các quốc gia.

Hiện mỗi ngày, BV tiếp nhận trên 200 ca sinh, khám và điều trị cho hơn 3.000 lượt bệnh nhân, trong đó 60% bệnh nhân là từ các địa phương khác chuyển đến. (Sài Gòn giải phóng, trang 2)

 

Lo sốt rét quay lại và kháng thuốc

Những ngày qua, các bệnh viện tại TPHCM liên tục tiếp nhận nhiều bệnh nhân mắc sốt rét từ các tỉnh khu vực phía Nam, gây lo ngại về việc quay lại của bệnh truyền nhiễm này.

Sự lo lắng càng thêm gia tăng khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố đã có sự xuất hiện của virus kháng thuốc sốt rét tại Việt Nam.

Nhiều ca sốt rét mới

Tại Khoa Nhiễm Việt - Anh (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM), trong 2 tuần qua đã tiếp nhận 3 bệnh nhân mắc sốt rét, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Bệnh nhân tử vong đầu tiên là Đào Vĩnh T. (28 tuổi), vừa từ châu Phi (Angola) về Việt Nam và lưu trú tại tỉnh Đồng Nai. Bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện tỉnh Đồng Nai trong tình trạng sốt run, vàng da, vàng mắt, phân có lẫn máu, rồi rơi vào trạng thái mê sảng.

Ngay sau đó, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM với chẩn đoán sốt xuất huyết nặng và suy gan cấp. Tại đây, sau khi thăm khám cùng khai thác dịch tễ nơi bệnh nhân từng lưu trú, các bác sĩ đã nghĩ ngay đến sốt rét và tiêm thuốc điều trị sốt rét. Kết quả xét nghiệm sao đó cũng cho thấy bệnh nhân bị nhiễm sốt rét thể nặng, nhiễm ký sinh trùng P.Falciparum. Mặc dù được điều trị hồi sức tích cực, thở máy, lọc máu, nhưng diễn tiến bệnh nặng dần và người nhà xin đưa bệnh nhân về trong tình trạng hấp hối.

Tương tự, bệnh nhân Vi Văn C. (37 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) phát bệnh sau 2 tuần đi làm rẫy tại tỉnh Bình Phước trở về. Ngay lập tức, gia đình đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và được các bác sĩ chẩn đoán sốt rét ác tính, suy đa tạng thể gan, thận. Tuy nhiên, bệnh nhân chỉ được cho uống loại thuốc điều trị sốt rét thể thông thường và chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Các bác sĩ kết luận bệnh nhân mắc sốt rét ác tính, biến chứng não, gan, thận, suy hô hấp nặng và đã xử lý cấp cứu, tiêm thuốc, thở máy, lọc máu, nhưng diễn tiến bệnh nặng và cũng được gia đình xin về trong tình trạng hấp hối.

Theo số liệu từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, từ đầu năm 2017 đến nay đã tiếp nhận 113 bệnh nhân sốt rét, trong đó có 19 trường hợp mắc thể ác tính. Trước đó, trong tháng 11-2017 cũng đã có 4 bệnh nhi từ các tỉnh Đắk Nông và Bình Phước được chuyển xuống điều trị sốt rét tại Bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1), cho biết, thông thường trước đây người mắc bệnh sốt rét chủ yếu là người lớn, nhưng vài năm trở lại đây có sự xuất hiện của trẻ em. Đây là điều đáng lo ngại, bởi so với người lớn thì trẻ em mắc sốt rét sẽ dễ diễn tiến sang thể nặng và tử vong hơn.

Bổ sung thuốc tiêm Artesunate

Tiến sĩ Nguyễn Hoan Phú, Trưởng khoa Nhiễm Việt - Anh, cho biết hiện có 5 loại ký sinh trùng sốt rét lưu hành trên thế giới. Tại Việt Nam, có 3 loại lưu hành chủ yếu là P.Falciparum, P.Vivax và P.Malariae. Bệnh nhân mắc sốt rét thể ác tính phải được điều trị với thuốc kháng sốt rét tiêm; thể thông thường điều trị với thuốc kháng sốt rét uống. Nhưng với thể thông thường, nếu không điều trị đúng thuốc, đúng liều, đường dùng, hoặc dùng trễ cũng có nguy cơ chuyển sang ác tính hoặc kháng thuốc.

Trường hợp của bệnh nhân Hồ Thị Ngọc H. (55 tuổi, ngụ tỉnh Bến Tre) đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới là ví dụ điển hình. 2 tuần trước, bà H. sốt, lạnh run, ho. Khi điều trị tại bệnh viện địa phương, bà H. được chẩn đoán mắc sốt rét, nhưng do không có thuốc điều trị sốt rét ác tính nên bà chỉ được truyền máu. Sau đó, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và được chẩn đoán mắc sốt rét ác tính, thể gan, thận, thiếu máu nặng. Mật độ ký sinh trùng ác tính trong máu bệnh nhân là 400.000/mm3. Theo bác sĩ Nguyễn Hoan Phú, hiện bà H. vẫn còn thiếu máu nặng và điều đáng lo ngại là bệnh nhân bị nhiễm ký sinh trùng gien kháng thuốc (kháng với nhóm Artemisinin, nhóm điều trị sốt rét chủ lực).

Mới đây, WHO cũng công bố đã phát hiện thấy ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc ở 5 quốc gia tiểu vùng sông Mekong, gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. WHO cho biết, các ký sinh trùng sốt rét đã kháng lại các thuốc chống sốt rét, kể cả Artemisinin - là hợp chất chính của các thuốc sốt rét tốt nhất hiện nay.

Nhận định về thông tin này, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng đây là điều hết sức nguy hiểm, bởi khi virus sốt rét kháng thuốc, việc điều trị sẽ trở nên vô cùng khó khăn, bác sĩ phải phối hợp nhiều loại thuốc với nhau, thời gian điều trị cũng kéo dài và tệ hơn là có thể dẫn đến tử vong. Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Hoan Phú cho biết hiện nhiều địa phương không có thuốc điều trị sốt rét, do bệnh này đã được thanh toán từ lâu. Tuy nhiên, trước nguy cơ bệnh sốt rét có thể quay trở lại và để bệnh nhân không rơi vào kháng thuốc hoặc mắc thể ác tính, bác sĩ Nguyễn Hoan Phú kiến nghị ngành y tế cần cung cấp thuốc tiêm Artesunate cho các bệnh viện tuyến tỉnh. Đồng thời, tiếp tục tập huấn, nâng cao năng lực chẩn đoán bệnh sốt rét cho các bác sĩ tuyến dưới, tránh nhầm lẫn sốt rét với các bệnh khác như sốt xuất huyết. (Sài Gòn giải phóng, trang 2)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang