Trao quyết định, điều động, bổ nhiệm ông Đỗ Xuân Tuyên làm Thứ trưởng Bộ Y tế
Chiều ngày 13/12, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ điều động, bổ nhiệm ông Đỗ Xuân Tuyên, Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hưng Yên, giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Y tế.
Dự Lễ công bố có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng đại diện Ủy Ban kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ
Về phía tỉnh Hưng Yên, dự buổi lễ có đồng chí Đỗ Tiến Sĩ-Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên, đồng chí Nguyễn Văn Phóng-Chủ tịch tỉnh Hưng Yên cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ tỉnh Hưng Yên.
Về phía Bộ Y tế, dự buổi lễ có Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cùng lãnh đạo các Vụ, Cục, Tổng cục, Văn phòng, Thanh tra Bộ Y tế, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế
Trước đó, tại Quyết định 1771/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ điều động, bổ nhiệm ông Đỗ Xuân Tuyên, Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hưng Yên, giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Y tế.
Phát biểu tại lễ công bố và trao quyết định cho đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chúc mừng đồng chí Đỗ Xuân Tuyên được Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ quyết định điều động, bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Y tế. Đồng thời bày tỏ mong muốn tân Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên sẽ cố gắng phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin mà Đảng, Chính phủ giao phó.
Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng cũng.gửi lời cảm ơn các cơ quan, bộ, ban, ngành của trung ương như Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ… đã rất sát sao với các hoạt động của Bộ Y tế.
Phó Thủ tướng cũng gửi lời cảm ơn tới lãnh đạo tỉnh Hưng Yên đã đồng ý để đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, một lãnh đạo chủ chốt của tỉnh về nhận nhiệm vụ Thứ trưởng Bộ Y tế.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ngành y tế có nhiều mảng nhiệm vụ, nhưng có 3 mảng truyền thống khi nhắc đến ngành y là khám chữa bệnh, dược và y tế dự phòng. Trong đó, dự phòng, y tế cơ sở là nền tảng.
Suốt quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương số 20/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương về việc tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Bộ Y tế, Ban Tổ chức Trung ương đã tiến hành rà soát rất kỹ cán bộ trong cả nước, cố gắng tìm một người có chuyên môn ngành y, đã có thời gian công tác ở địa phương, thậm chí là lãnh đạo chủ chốt về tăng cường cho Bộ Y tế.
Phó Thủ tướng cho rằng, đây là sự tăng cường rất quý cho Bộ Y tế. “Chúng tôi tin tưởng và hi vọng đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, với kinh nghiệm thực tiễn của mình, sẽ giúp cho ngành y tế có những tiến bộ căn bản" – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng bày tỏ mong muốn lãnh đạo Bộ Y tế, các cục, vụ, đơn vị trực thuộc Bộ cùng toàn ngành tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết và quyết liệt đổi mới theo tinh thần vừa làm vừa học, vừa làm vừa hoàn thiện.
"Theo tinh thần chung của Chính phủ, việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, riêng với ngành y tế, tinh thần là tất cả vì sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân"- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phát biểu nhận nhiệm vụ mới, tân Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên trân trọng cảm ơn sự tín nhiệm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Nội vụ…, các cơ quan liên quan, cảm ơn Ban Thường vụ tỉnh ủy Hưng Yên đã quan tâm, đào tạo, bồi dưỡng và đùm bọc, giúp đỡ để đồng chí được trưởng thành, để hôm nay vinh dự nhận nhiệm vụ Thứ trưởng Bộ Y tế.
Tân Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng bày tỏ quyết tâm, cố gắng trên tinh thần cao nhất, đoàn kết, kế thừa, phấn đấu tiếp bước những thế hệ đi trước, đồng lòng cùng lãnh đạo Bộ Y tế, Ban cán sự Đảng Bộ Y tế, đóng góp vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, hoàn thành các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao cho ngành y tế đạt hiệu quả cao (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
Tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm về an toàn thực phẩm
Yêu cầu này được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm (ATTP) đưa ra tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo về công tác ATTP năm 2019 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 diễn ra cuối tuần qua.
Xử phạt gần 12.000 cơ sở vi phạm về ATTP
Báo cáo của Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo cho biết, tính đến hết tháng 10/2019, toàn quốc ghi nhận 73 vụ ngộ độc thực phẩm (giảm 20 vụ) với 1.950 người mắc (giảm 717 người), 1.874 người đi viện (giảm 464 người) và 8 trường hợp tử vong (giảm 7 trường hợp).
Các bộ ngành, địa phương đã thành lập 21.811 đoàn thanh tra, kiểm tra tại 427.842 cơ sở, phát hiện trên 65.000 cơ sở vi phạm, xử phạt gần 12.000 cơ sở với tổng số tiền 43 tỷ đồng. Ngoài ra, các đoàn thanh tra, kiểm tra đình chỉ lưu hành 169 sản phẩm, tiêu huỷ sản phẩm của gần 3.000 cơ sở.
Qua 10 tháng của năm 2019, các cơ sở kiểm nghiệm về ATTP đã kiểm tra trên 30.000 mẫu, tỷ lệ mẫu không đạt khoảng 6,6%. Việc triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại 9 tỉnh, thành phố tiếp tục được đẩy mạnh, đã có 4.387 cán bộ cấp huyện, xã được bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ. Một số địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh đang tổng kết mô hình thanh tra chuyên ngành ATTP, xây dựng các tuyến phố ATTP...
Đáng chú ý, công tác truyền thông với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, kết hợp giữa tuyên truyền, hướng dẫn với răn đe đã tạo chuyển biến tích cực trong thay đổi hành vi của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thách thức lớn nhất hiện nay với công tác ATTP là nguy cơ về mất ATTP do thói quen, tập quán canh tác, sản xuất, mua bán, tiêu dùng... của trên 8 triệu hộ sản xuất nhỏ lẻ; đòi hỏi các bộ, ngành phải tiếp tục tuyên truyền vận động; thúc đẩy việc hợp tác, liên kết sản xuất quy mô lớn, chuyên canh, áp dụng quy trình tiên tiến.
Tích hợp địa chỉ ATTP vào bản đồ số Việt Nam
Đánh giá cao việc cả 3 Bộ: Y tế, NN&PTNT, Công Thương không để có hồ sơ tồn đọng trong xem xét, công nhận các trung tâm kiểm nghiệm ATTP, Phó Thủ tướng tiếp tục lưu ý ngoài công bố danh mục trên website, cần tích hợp địa chỉ các trung tâm kiểm nghiệm thực phẩm trên bản đồ số Việt Nam (Vmap).
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các Bộ: Công Thương, NN&PTNT khẩn trương hoàn thiện hệ thống thông tin về ATTP. Hiện nay, mới chỉ có Bộ Y tế hoàn thiện và thực hiện thí điểm để nắm thông tin về ATTP từ cấp xã, phường đến huyện, tỉnh, Trung ương theo thời gian thực.
“Đối với người dân, vấn đề ATTP không nằm ở những con số báo cáo mà cần những hình ảnh trực quan, sinh động. Đơn cử, chúng ta đã làm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn khắp nơi, nhiều trang trại sạch, cơ sở giết mổ đạt chuẩn hoàn toàn có thể kết hợp với nền tảng bản đồ số Việt Nam (Vmap) để khi tra vào một làng, xã nào thì sẽ xuất hiện địa chỉ những gia đình, cơ sở bảo đảm ATTP, từ đó tạo phong trào thi đua giữa các hộ dân để đạt chứng nhận ATTP”, Phó Thủ tướng gợi ý.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm về ATTP, tập trung vào các vấn đề chính như: tình trạng thực phẩm nhập lậu; sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; lạm dụng hóa chất kháng sinh trong trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản; kiểm soát các cơ sở giết mổ; quan tâm đến hoạt động cấp phép các phòng kiểm nghiệm... “Cần quyết liệt trong việc quản lý, xử lý các quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai sự thật, phản cảm trên mạng xã hội, truyền hình... gây bức xúc trong dư luận hiện nay; rà soát lại các tiêu chuẩn do Bộ Y tế ban hành về các loại thực phẩm chức năng, qua đó đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng, các bộ ngành, địa phương cần chủ động đảm bảo ATTP trong thời gian cao điểm như mùa du lịch, lễ hội, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán 2020...
Trong năm 2020, Ban Chỉ đạo sẽ hoàn thiện việc đánh giá tác động của Luật ATTP để định hướng việc sửa đổi luật (nếu cần) theo hướng khắc phục chồng chéo, giảm bớt trung gian, tránh tư tưởng thiếu chủ động, tăng mạnh phân cấp cho địa phương.
Hoạt động sản xuất thực phẩm an toàn cần được thúc đẩy mạnh mẽ, ưu tiên phát triển các vùng chuyên canh, hướng tới việc áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn như thực phẩm xuất khẩu đối với thực phẩm tiêu dùng trong nước, trước hết là tại các đô thị lớn.
Công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến kiến thức về ATTP, các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, an toàn chú trọng đến đối tượng là hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ. Tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin về ATTP, trước hết là trong nội bộ các cơ quan nhà nước từ TW đến địa phương, tạo công cụ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phục vụ cộng đồng trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm trên thị trường.
Tiếp tục đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm. Các lực lượng chức năng như công an, quản lý thị trường tiếp tục kiểm tra, giám sát, ngăn chặn thực phẩm giả, thực phẩm nhập lậu, nhất là tại các địa bàn, tuyến trọng điểm... (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
Hơn 1,5 tỉ đồng ủng hộ bệnh nhi ung thư tại Ngày hội Hoa hướng dương 2019
Từ 6h sáng 15-12, khuôn viên Nhà văn hóa Sinh viên - khu đô thị Làng đại học (TP.HCM) tràn ngập màu áo xanh của những vận động viên tham gia Đường đua Hoa mặt trời - hoạt động đầu tiên của Ngày hội Hoa hướng dương 2019.
Cả những vị khách đặc biệt là các cầu thủ của đội tuyển bóng đá nữ như Huỳnh Như, Chương Thị Kiều, huấn luyện viên Kim Hồng... đã đến để đồng hành trên đường chạy cùng các bé. Rất nhiều bạn trẻ nhận ra các chị đã chạy lại chụp ảnh kỷ niệm trước khi đường đua bắt đầu.
Huỳnh Như chia sẻ mặc dù đội vừa mới về TP.HCM nhưng đã cùng đồng đội đến tham gia đường đua vì đây là một chương trình rất ý nghĩa, chị mong muốn được đồng hành với các bệnh nhi.
Phát biểu tại lễ khai mạc, bà Nguyễn Thị Hương - đại diện Ban biên tập báo Tuổi Trẻ - cho biết liên tục những tuần qua, nhiều cánh hoa hướng dương đã được gửi về chương trình cùng những lời chúc đầy yêu thương gửi đến bệnh nhi và gia đình các em.
“Với thông điệp Vì chiến binh hoa mặt trời, chúng tôi mong các anh chị, quý bạn đọc sẽ tiếp tục hành trình hỗ trợ tinh thần, đóng góp vật chất giúp các bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn được điều trị, chung tay xoa dịu nỗi đau của các em và gia đình”, bà Hương chia sẻ.
Trước đó, hơn 5.000 bông hoa hướng dương bằng giấy đã được các tình nguyện viên, sinh viên các trường gửi đến ngày hội, tạo nên một cánh đồng hoa hướng dương trên sân khấu ngày hội.
Điểm nhấn là hình ảnh hoa hướng dương vàng rực mang thông điệp yêu thương do cộng đồng cùng làm để hướng về bệnh nhân ung thư.
Chỉ mất 15 phút những vận động viên đầu tiên đã cán đích, hoàn thành 4km Đường đua Hoa mặt trời.
3.000 vận động viên cũng đã lần lượt về đích và tiếp tục tập trung tại sân khấu chính để tham dự nhiều hoạt động khác của chương trình.
Anh Trương Hồng Hữu và anh Huỳnh Thái Lộc - hai giáo viên của Trường THCS Dĩ An (Bình Dương) - đã lần lượt giành vị trí số 1 và số 2.
Anh Trương Hồng Hữu chia sẻ anh mới biết thông tin về chương trình cách đây hai ngày và ngay lập tức đăng ký tham dự. "Tôi muốn chạy nhiều hơn mà ban tổ chức chỉ cho chạy có nhiêu đó. Chúng tôi rất vui khi có thể đến đây để ủng hộ tinh thần cho các em bệnh nhi ung thư", anh nói. Được khởi xướng từ năm 2007, đến nay Ngày hội Hoa hướng dương đã trải qua 12 lần tổ chức. Năm nay, lần đầu tiên Đường đua Hoa mặt trời gây quỹ cho bệnh nhi ung thư được tổ chức.
Tham gia đường đua dài 4km, 7.000 người đầu tiên nhận được 50.000 đồng góp vào quỹ Ước mơ của Thúy từ Công ty CP thực phẩm NutiFood.
Đặc biệt sẽ có 16 giải thưởng với tổng giá trị 100 triệu đồng được trao cho người về đích sớm nhất gồm 2 giải nhất trị giá 20 triệu đồng/giải, 2 giải nhì 15 triệu đồng/giải, 2 giải ba trị giá 10 triệu đồng/giải và 10 giải khuyến khích trị giá 1 triệu đồng/giải…
Nhiều hoạt động khác cũng diễn ra ngay tại ngày hội: sân khấu giao lưu 12 năm Viết tiếp ước mơ của Thúy, chợ phiên hoa mặt trời bán các sản phẩm gây quỹ, thực hiện ước nguyện cho bệnh nhi ung thư …
Ngày hội Hoa hướng dương do báo Tuổi Trẻ, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP.HCM và các lực lượng tình nguyện tổ chức nhân kỷ niệm 12 năm chương trình Ước mơ của Thúy và ngày mất của Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM, "đóa hướng dương" Lê Thanh Thúy.
Tại ngày hội, chương trình cũng trao học bổng Ước mơ của Thúy cho 101 bệnh nhi ung thư khu vực phía Nam khỏi bệnh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trở lại trường với tổng kinh phí 505 triệu đồng. (Công an nhân dân, trang 2).
20 Sản phẩm được bình chọn Giải thưởng “Y tế thông minh” năm 2019
Ngày 14-12, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo quốc tế y tế thông minh. Đây cũng là dịp để các chuyên gia y tế trong và ngoài nước giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm các ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động chăm sóc sức khoẻ người dân.
Ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian qua ngành y tế Thành phố đã triển khai nhiều ứng dụng thông minh như: Trung tâm điều hành cấp cứu thông minh của Trung tâm cấp cứu 115 Thành phố; Phẫu thuật rô-bốt tại Bệnh viện Bình Dân; Bệnh viện số tại Bệnh viện quận Thủ Đức; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phẫu thuật thần kinh tại Bệnh viện Nhân dân 115…
Đặc biệt là “vườn ươm sáng tạo” với hàng loạt sáng kiến ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc người bệnh của Bệnh viện Quân dân y miền Đông là “điểm sáng” mang đến sự hài lòng của người dân.
Try nhiên, ông Tăng Chí Thượng thừa nhận, các ứng dụng y tế thông minh tại TP Hồ Chí Minh mới chỉ dừng lại ở bước thí điểm.
Theo đó, lộ trình tiếp theo mà Sở Y tế Thành phố hướng đến là một nền y tế thông minh toàn diện. Trước mắt, ngành y tế hướng đến mục tiêu xây dựng hệ thống quản lý sức khoẻ người dân bằng hồ sơ sức khoẻ điện tử (EHR) tại các trạm y tế xã, phường và trung tâm y tế quận, huyện. Song song đó, các bệnh viện và các cơ sở khám chữa bệnh quản lý người bệnh bằng bệnh án điện tử.
Trung tâm Cấp cứu 115 Thành phố điều phối các trạm cấp cứu vệ tinh bằng hệ thống điều phối cấp cứu thông minh. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) ứng dụng công nghệ thông tin giúp phát hiện và can thiệp kịp thời ngăn chặn dịch bệnh, bệnh không lây nhiễm,…
Riêng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm xây dựng dữ liệu lớn của ngành y tế, sử dụng phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế.
Tại Hội thảo, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã đánh giá cao nỗ lực của ngành y tế Thành phố thời gian qua khi đã triển khai các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế đã bước đầu đem lại hiệu quả tích cực, góp phần xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh trong tương lai.
Dịp này, Sở Y tế cũng đã công bố và trao Giải thưởng “Y tế thông minh” năm 2019 của Ngành Y tế TP cho 20 sản phẩm xuất sắc nhất. Đây là những sản phẩm mang tính sáng tạo xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, thể hiện tính vượt khó, dám nghĩ dám làm, tăng thêm giá trị cho các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ mà các bệnh viện cung ứng đến người dân.
4 giải Nhất thuộc về sản phẩm “Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong phẫu thuật nội soi: Robot Davinci” của BV Bình Dân; “Mô hình Bệnh viện số” của BV quận Thủ Đức; “Hệ thống phản ứng khẩn cấp giải quyết sự cố an ninh trật tự trong Bệnh viện: Code Gray” của BV Nhân dân Gia Định và “Giải pháp thay thế CPU truyền thống bằng Raspberry Pi giúp tiết kiệm kinh phí và bảo vệ môi trường” của Bệnh viện Nhi đồng 1.
8 giải Nhì gồm: sản phẩm “Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong phẫu thuật ngoại thần kinh: robot Modus V Synaptive” của BV Nhân dân 115; “Các sản phẩm công nghệ phục vụ người bệnh từ “vườn ươm sáng tạo””của BV Quân dân y miền Đông; “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo tiếp cận y học cá thể trong điều trị ung thư” của BV Ung bướu; “Ứng dụng IoT để quản lý và điều phối máy giúp thở giữa các khoa trong toàn bệnh viện” của BV Nguyễn Tri Phương; “Phần mềm quản lý báo cáo sự cố: IRS” của BV Hùng Vương; “Hệ thống cảnh báo nguy cơ dinh dưỡng để can thiệp sớm” của BV Chợ Rẫy và “Phần mềm quản lý sử dụng kháng sinh hạn chế” của BV Bệnh Nhiệt đới.
8 giải Ba thuộc về sản phẩm: “Hệ thống nhắc kê đơn cho bác sĩ Nhi khoa” của BV Nhi đồng 1; “Ứng dụng các thuật toán tiên tiến giúp xạ trị trúng đích” của BV Ung bướu; “Giải pháp điều hành thông minh mạng lưới cấp cứu ngoài bệnh viện” của Trung Tâm Cấp cứu 115; “Phần mềm giám sát tuân thủ an toàn người bệnh trong phẫu thuật” của BV Nhi đồng 1; “Ứng dụng công nghệ làm tăng thêm giá trị của hệ thống xét nghiệm” của BV Nhi đồng Thành phố; “ Phần mềm để người bệnh cùng kiểm tra thông tin trước mổ” của BV Mỹ Đức Phú Nhuận; “Thân thiện hóa giọng đọc của máy khi gọi tên người bệnh” của BV Quận 1 và “Ứng dụng camera thông minh giám sát rửa tay” của BV Truyền máu Huyết học. (Công an nhân dân, trang 7).
Gần 5.200 trẻ em được phẫu thuật từ chương trình 'Trái tim cho em'
Tối 15-12, tại Nhà hát Quân đội TPHCM, Đài Truyền hình Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã đồng tổ chức chương trình Gala 11 năm 'Trái tim cho em'. Đến dự có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM cùng các y bác sĩ, nhà hảo tâm đã đồng hành với chương trình suốt thời gian qua.
Được biết năm 2019, chương trình “Trái tim cho em” đã hỗ trợ kinh phí phẫu thuật mổ tim cho hơn 550 bệnh nhi, cao hơn 10% so với các năm. Cũng trong năm, chương trình đã tổ chức 13 hoạt động khám sàng lọc, với 30.000 cháu được khám tầm soát, tăng gấp đôi so với năm 2018. Trong suốt 11 năm qua, chương trình “Trái tim cho em” đã phẫu thuật thành công cho gần 5.200 trẻ em trên khắp cả nước, tiếp thêm sức mạnh cho những trái tim lỗi nhịp, kết nối những trái tim tử tế trên khắp Việt Nam.
Chương trình Gala năm thứ 11 là những câu chuyện về sự đổi thay kỳ diệu của các bệnh nhi bị bệnh tim bẩm sinh sau phẫu thuật và những ước mơ dang dở đã được tiếp nối. Cùng với đó, chương trình thể hiện tri ân những nhà hảo tâm, những con người thầm lặng và bền bỉ tiếp thêm sức sống cho những trái tim không khỏe trong suốt thời gian qua. Để tiếp nối, ba cầu thủ: Nguyễn Trọng Hoàng, Quế Ngọc Hải và Bùi Tiến Dũng sẽ đồng hành và trở thành Đại sứ Trái tim cho em trong năm 2020, và sẽ đến với với nhiều tỉnh thành hơn, đặc biệt là các tỉnh khu vực phía Nam.
Bà Nguyễn Hà Thành, Giám đốc Truyền thông, Tập đoàn Viettel, chia sẻ: “Những thế hệ Việt Nam khỏe mạnh sẽ là tiền đề để Việt Nam phát triển và thịnh vượng. Với khát vọng vì Việt Nam hùng cường của cả dân tộc, Viettel mong muốn bằng trách nhiệm xã hội của mình, chúng tôi mang đến những trái tim lành lặn cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em có cuộc sống tươi đẹp, là những mầm non khỏe mạnh của đất nước”. (Sài Gòn giải phóng, trang 2).
Khan hiếm thuốc tamiflu
Thuốc tamiflu tại BV Nhi T.Ư (Hà Nội) hiện còn với số lượng ít, trong khi nhu cầu sử dụng đang tăng cao, BV đã có văn bản gửi Cục Quản lý dược đề nghị có giải pháp kịp thời, không để hết thuốc điều trị.
Chiều 15.12, đại diện Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết cơ quan này đã liên lạc với đại diện Hãng Roche (Thụy Sĩ) tại Việt Nam trao đổi thông tin về khả năng cung ứng thuốc tamiflu, sau khi nhận được phản ánh nguy cơ khan hiếm thuốc này tạm thời.
Theo báo cáo ban đầu, đơn vị cung ứng vẫn còn một lượng nhỏ đảm bảo cung cấp theo hợp đồng đã trúng thầu vào các bệnh viện (BV). Ngoài ra, một đơn hàng nhập khẩu bổ sung tamiflu đã đặt từ 2 tuần trước cũng sẽ sớm về Việt Nam, phục vụ cho điều trị. Tamiflu (oseltamivir) thuộc nhóm thuốc kháng vi rút, được chỉ định sử dụng trong điều trị bệnh nhân nhiễm cúm ở người lớn và trẻ nhỏ.
Thông tin từ BV Nhi T.Ư (Hà Nội) cho biết, số bệnh nhi nhiễm cúm nhập viện có xu hướng tăng trong 2 - 3 tuần qua. Mỗi tuần, BV này tiếp nhận từ 100 - 130 bệnh nhi được chẩn đoán cúm với mức độ nặng khác nhau. Tuy nhiên, thuốc tamiflu tại BV hiện còn với số lượng ít, trong khi nhu cầu sử dụng đang tăng cao. BV Nhi T.Ư đã có văn bản gửi Cục Quản lý dược đề nghị có giải pháp kịp thời, không để hết thuốc điều trị.
Trước xu hướng tăng các trường hợp nhiễm cúm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng đã khuyến cáo về tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi rút cúm A (H3N2, H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có nguy cơ lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho.
Để phòng bệnh, người dân cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối; giữ ấm cơ thể. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời. (Thanh niên, trang 4).
Mức đóng bảo hiểm y tế sắp tới có thể sẽ tăng mạnh
Theo dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, Bộ Y tế đề xuất điều chỉnh tăng bằng 6% tiền lương tháng thay vì mức đóng là 4,5% như hiện tại, trong đó người sử dụng lao động đóng 2/3 và người lao động đóng 1/3.
Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tăng mạnh
Theo báo cáo tổng kết thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, 5 năm qua, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt được kết quả nổi bật.
Từ 71,3% năm 2014 tăng lên qua các năm và hiện đạt 89,8%. Năm 2015, có khoảng 130 triệu lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; con số của năm 2018 là trên 176 triệu lượt.
Công tác giám định bảo hiểm y tế từng bước được ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa.
Năm 2018, hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế đã tiếp nhận và giám định trên 176 triệu hồ sơ điện tử; kết nối với 12.132 cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; tỷ lệ liên thông dữ liệu toàn quốc đạt 95,12%; phần mềm giám định đảm bảo thực hiện trên 10 nghiệp vụ, tích hợp trên 200 quy tắc phát hiện trùng lặp, sai mức hưởng, sai danh mục, sai về giá…
Mặc dù vậy, quá trình thực hiện Luật Bảo hiểm y tế trong giai đoạn vừa qua cũng còn tồn tại một số hạn chế nhất định trong công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật; còn khoảng 10% dân số chưa tham gia bảo hiểm y tế dù theo quy định của Luật là bắt buộc.
Bên cạnh đó, chất lượng khám, chữa bệnh chưa đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là ở các tuyến cơ sở, tình trạng quá tải ở một số bệnh viện còn xảy ra; tình trạng trục lợi bảo hiểm xã hội ngày càng phức tạp, xuất phát từ cả phía người dân (cố tình đi khám bệnh nhiều lần) và các cơ sở y tế chỉ định dịch vụ kỹ thuật quá mức cần thiết.
Một số quy định của Luật cũng đòi hỏi phải có sự điều chỉnh do quá khó thực hiện trong thực tiễn, như quy định về gói dịch vụ y tế cơ bản, phương thức toán, thực hiện bảo hiểm y tế hộ gia đình…
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, từ thực tế trên, việc thực hiện bảo hiểm y tế đã và đang đặt ra một số vấn đề cần điều chỉnh Luật nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bảo hiểm y tế bền vững hơn, tiếp tục mở rộng diện bao phủ bảo hiểm y tế tới các nhóm chưa tham gia, điều chỉnh mức đóng để phù hợp hơn với nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, giảm mức chi từ tiền túi của người bệnh.
Cân bằng nguồn lực với quyền lợi
Đề cập đến những điểm mới trong sửa đổi chính sách bảo hiểm y tế sắp tới, ông Phan Văn Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế ) cho biết, những nội dung sửa đổi sẽ tập trung vào các điểm chính: Điều chỉnh quyền lợi bảo hiểm y tế theo hướng công bằng, hiệu quả; đồng thời giảm chi phí điều trị, chi phí nằm viện. Kiểm soát chi phí theo hướng đảm bảo sử dụng dịch vụ y tế hợp lý, nâng cao trách nhiệm của cơ sở y tế và người sử dụng dịch vụ, tránh lãng phí, cân đối quỹ bảo hiểm y tế.
Đáng chú ý, tại dự thảo Luật bảo hiểm y tế có đề xuất tăng mức đóng bảo hiểm y tế. Cụ thể, mức đóng bảo hiểm y tế hàng tháng, tối đa lên mức 6% lương cơ cơ sở, thay vì mức 4,5% như hiện tại, trong đó người sử dụng lao động đóng 2/3 và người lao động đóng 1/3.
Dự thảo luật cũng yêu cầu tất cả thành viên thuộc hộ gia đình phải tham gia cùng một thời điểm (thay vì có thể tham gia từng cá nhân như hiện nay). Tuy nhiên, mức đóng của thành viên thứ hai trong gia đình sẽ bằng 80% của người thứ nhất, thay vì mức 70% như hiện nay.
Như vậy, cùng với các đợt tăng lương cơ sở đều đặn, mức đóng bảo hiểm y tế trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng. Hiện tại, lương cơ sở đang là 1.490.000 đồng, với mức đóng 4,5%, tương đương mức đóng bảo hiểm y tế là 804.000 đồng/năm, nếu tăng lên 6%, mức đóng sẽ lên gần 1.100.000 đồng.
Theo giải thích của Vụ Bảo hiểm y tế, việc giảm mức hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho các thành viên hộ gia đình là để ngang bằng với mức hỗ trợ 30% của học sinh, sinh viên hiện nay.
Theo quy định hiện hành, mức đóng bảo hiểm y tế trong giai đoạn hiện nay được Chính phủ quy định bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Liên quan đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, dự thảo cũng đưa ra nội dung, khi người bệnh có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến chỉ được thanh toán 95% chi phí thay vì 100% như hiện hành. (An ninh Thủ đô, trang 7).