Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 01/6/2023

  • |
T5g.org.vn - Bệnh tay chân miệng vào cao điểm, nhiều ca biến chứng nặng; Vinh quang Việt Nam 2023: Bác sĩ “Vinh bỏng” - bàn tay vàng trong làng phẫu thuật; Cưỡng chế thi hành án Bệnh viện Anh Minh; Khắc phục hạn chế, bất cập trong đào tạo và sử dụng nhân lực y tế dự phòng; Nhập viện vì nhiễm độc từ nước tẩy rửa mua trên mạng

 

Bệnh tay chân miệng vào cao điểm, nhiều ca biến chứng nặng

Liên tiếp thời gian gần đây, các bệnh viện nhi trên địa bàn TPHCM tiếp nhận nhiều ca đến khám và điều trị bệnh tay chân miệng (TCM). Các chuyên gia y tế khuyến cáo, hiện bệnh đang vào cao điểm của đợt thứ 1 trong năm và đã có nhiều ca biến chứng nặng. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, bác sĩ Nguyễn Đình Quy, Phó Khoa Nhiễm, cho biết, hiện khoa có tới 24 trường hợp phải điều trị nội trú. Ngoài ra, mỗi ngày bệnh viện còn tiếp nhận, khám và điều trị ngoại trú cho hàng chục trường hợp mắc TCM.

Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 1, bác sĩ Dư Tuấn Quy, Trưởng Khoa Nhiễm, cho biết, hiện khoa đang điều trị cho 14 trẻ mắc TCM, trong đó có 2 ca nặng. Số ca nhập viện không nhiều nhưng tỷ lệ có diễn tiến nặng chiếm tới 30%.

Đây là điều đáng lo ngại bởi trẻ có thể phải đối mặt nguy cơ gặp phải biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm phổi, viêm cơ tim.

Dấu hiệu rõ ràng của bệnh TCM có thể nhận biết được là nổi ban và hai dấu hiệu điển hình của trẻ biểu hiện bệnh TCM nặng là trẻ đang tỉnh nhưng sốt không đáp ứng hạ sốt; trẻ ngủ nhưng giật mình chới với, hốt hoảng.

“Bên cạnh đó, nếu thấy trẻ buồn nôn, nôn ói là dấu hiệu bất thường báo hiệu chuyển nặng; hoặc thấy trẻ yếu tay, chân, cần đưa đến bệnh viện ngay. Nếu trễ thì virus sẽ xâm nhập vào não gây viêm não sẽ rất khó điều trị, gây biến chứng”, bác sĩ Dư Tuấn Quy cho biết.

Theo Bác sĩ Trần Ngọc Lưu, Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2, nhiều trẻ đã khỏi bệnh TCM nhưng nếu tiếp xúc với nguồn lây vẫn có nguy cơ mắc bệnh, bởi miễn dịch ở trẻ đối với bệnh TCM không bền vững.

Do chưa có vaccine phòng ngừa nên phụ huynh hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người bệnh. Nếu mắc bệnh nên cho trẻ nghỉ học để tránh lây lan. Luôn giữ vệ sinh môi trường sống, khử khuẩn bề mặt tiếp xúc và đồ chơi của trẻ. Thường xuyên rửa tay và nhắc trẻ rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh (Sài Gòn giải phóng, trang 9).

 

Vinh quang Việt Nam 2023: Bác sĩ “Vinh bỏng” - bàn tay vàng trong làng phẫu thuật

Vinh quang Việt Nam 2023 - Đại tá, PGS.TS Vũ Quang Vinh - Phó Giám đốc Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác, Chủ nhiệm Bộ môn phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ - Học viện Quân y được các đồng nghiệp và người bệnh trìu mến gọi bằng cái tên bác sĩ “Vinh bỏng”. Hàng loạt những kỹ thuật mới của PGS.TS Vũ Quang Vinh được áp dụng điều trị đã mang lại thành công hơn mong đợi.

Với những thành tích đáng ngưỡng mộ đó, PGS.TS Vũ Quang Vinh xứng đáng là tấm gương điển hình cho ý chí vươn lên, mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng, xã hội theo định hướng của Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam.

“Đôi bàn tay vàng” cứu những mảnh đời bất hạnh

Được mệnh danh là người có “đôi bàn tay vàng” trong làng phẫu thuật, PGS Vinh là bác sĩ nổi tiếng bậc nhất trong lĩnh vực ghép da tái tạo gương mặt, bằng kỹ thuật vi phẫu, tức là nối các mạch máu có kích thước siêu nhỏ, chỉ bằng ¼ sợi tóc.

Phải kể đến các bệnh nhân như chị Lê Thị L.V (24 tuổi, trú tại Đà Nẵng) bị chồng sắp cưới tạt axít, nửa gương mặt cháy đen; hay bệnh nhân Nguyễn Thị H, ở Thanh Hóa bị bỏng trùm đầu và mặt... là những người phụ nữ bất hạnh, có lúc họ tưởng chừng phải chấm dứt cuộc sống buồn tủi... Thế nhưng, với đôi bàn tay vàng khéo léo của bác sĩ Vinh - sử dụng phương pháp ghép da bằng vạt da siêu mỏng đã trả lại gương mặt, tìm lại nụ cười để những người phụ nữ đó tự tin bước tiếp sau những biến cố của cuộc đời.

Nhiều người bệnh còn được phẫu thuật thực hiện chuyển ngón chân thay thế cho ngón tay bị mất; tái tạo vú sau cắt bỏ do ung thư... Ngoài ra, ông còn chữa trị giúp người bệnh có khối “chân voi” trở lại bình thường.

Năm 2021, cụ B.T.H, 74 tuổi ở Đức Thọ, Hà Tĩnh đã được cắt bỏ khối u quái ác kích thước 12x14cm, chen choán nửa gương mặt. Giải phẫu bệnh là khối u xơ mạch, tăng sinh mạch máu, chèn đẩy vùng mũi vào các xoang hàm, xoang mũi, lan tới nền sọ. Thể trạng người bệnh yếu, chỉ nặng 38 kg.

Các thầy thuốc chuyên khoa hàng đầu của Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, Bệnh viện Quân y 103 và  Bệnh viện Bỏng Quốc gia đã hội chẩn, phân tích kỹ nguy cơ, hướng xử lí.

Cụ B.T.H đã được nút mạch nuôi khối u tại Bệnh viện Quân y 103 sau đó được cắt bỏ khối u, cắt gọt xương, răng, gò má, tái tạo lại vùng mặt thông qua sự phối hợp của các bác sĩ Bệnh viện Bỏng Quốc gia và Bệnh viện Việt Đức. Bàn tay vàng của PGS Vũ Quang Vinh lại phát huy tác dụng trong ca bệnh khó này.

Từ lạ lẫm đến những “đứa con tinh thần” chất lượng

Trở thành bác sĩ, công tác tại Học viện Quân y danh tiếng, năm 2000, bác sĩ Vũ Quang Vinh thi và giành học bổng của Chính phủ Nhật Bản, sang tu nghiệp tại Đại học Y khoa Nippon, trở thành học trò xuất sắc của Giáo sư Hiko Hyakusoku, chuyên gia hàng đầu thế giới về phẫu thuật tạo hình.

“Tôi thấy lạ lắm. Lần đầu thấy kỹ thuật ghép da bằng vạt siêu mỏng của thầy tôi ở Nhật, tôi chỉ biết thốt lên sao họ có thể làm được như vậy? Quyết khám phá, học hỏi cho bằng được, tôi đã dành nhiều năm để học tập trong các thư viện, học tập từ thực tế, rồi bắt tay vào làm, vừa học vừa làm... Quyết tâm là sẽ thành công” - PGS Vinh chia sẻ.

Không chỉ học hỏi kỹ thuật mới, PGS Vũ Quang Vinh còn sáng tạo và sử dụng bàn tay khéo léo của mình nâng tầm cho kỹ thuật đó. Sự thành công của ông được chính người thầy của ông đánh giá: “Anh đã nâng kỹ thuật ghép da bằng vạt siêu mỏng của tôi lên một tầm cao mới”.

Hiện nay, những “đứa con tinh thần” của PGS Vũ Quang Vinh như kỹ thuật nội soi chẩn đoán và điều trị bỏng hô hấp; kỹ thuật cắt bỏ phần hoại tử trong 72 giờ đầu; kỹ thuật ghép da mảnh siêu nhỏ che phủ vết bỏng sâu; sử dụng vật liệu thay thế tạm thời để che phủ vết thương; sử dụng sản phẩm công nghệ nuôi cấy tế bào... không chỉ mang lại sức khỏe, sự sống cho bệnh nhân trong nước mà bè bạn quốc tế cũng đã và đang trao đổi, học tập kỹ thuật từ Việt Nam để điều trị rộng rãi.

Ứng dụng kỹ thuật vi phẫu điều trị di chứng bỏng của Bệnh viện Bỏng Quốc gia được Bộ Y tế đánh giá là một trong 10 thành tựu của y học cách mạng Việt Nam thời kỳ đổi mới (Lao động, trang 5).

 

Cưỡng chế thi hành án Bệnh viện Anh Minh

Ngày 31-5, Cục Thi hành án dân sự (THADS) TPHCM đã tổ chức cưỡng chế thi hành án với Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Anh Minh (Bệnh viện Anh Minh), số 15-16 Phan Văn Trị, phường 7, quận Gò Vấp.

Trước đó, Cục THADS TPHCM tổ chức thi hành bản án của TAND Cấp cao tại TPHCM, buộc ông Vũ Hải Anh thanh toán cho Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam Thịnh Phát (gọi tắt là Công ty Việt Nam Thịnh Phát) hơn 238 tỷ đồng.

Bệnh viện Minh Anh có 2 thành viên góp vốn, gồm ông Hải Anh góp 59 tỷ đồng và em trai góp 531 tỷ đồng. Năm 2012, ông Hải Anh vay của Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) 230 tỷ đồng, để bổ sung vốn mua lại một phần vốn góp của em trai trong Bệnh viện Anh Minh.

Tài sản thế chấp cho khoản vay là toàn bộ đất và tài sản gắn liền trên đất của bệnh viện cùng toàn bộ vốn góp của hai anh em. OceanBank đã giải ngân 83,8 tỷ đồng và đến năm 2016, OceanBank kiện đòi khoản nợ và lãi 169 tỷ đồng. Sau đó, ngân hàng bán khoản nợ cho Công ty Việt Nam Thịnh Phát. Đến nay, nợ và lãi phát sinh lên đến hơn 238 tỷ đồng. Do ông Vũ Hải Anh không tự nguyện thi hành án nên chấp hành viên tổ chức kê biên, xử lý tài sản là toàn bộ quyền sử dụng đất và tài sản trên đất số 15-16 Phan Văn Trị.

Tháng 3-2023, khi tổ chức bán đấu giá tài sản trên, Công ty Việt Nam Thịnh Phát đã trúng đấu giá hơn 440 tỷ đồng và đã nộp tiền mua tài sản nhưng phía Bệnh viện Anh Minh không giao tài sản (Sài Gòn giải phóng, trang 9).

 

Khắc phục hạn chế, bất cập trong đào tạo và sử dụng nhân lực y tế dự phòng

Cùng với đội ngũ y sĩ, bác sĩ tại tuyến cơ sở, những người làm trong lĩnh vực y tế dự phòng có rất nhiều đóng góp cho công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Để y tế dự phòng làm tốt sứ mệnh của mình cần có những giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập trong đào tạo và sử dụng đội ngũ bác sĩ y học dự phòng.

Những năm qua, nhân lực y tế dự phòng, trong đó nòng cốt là đội ngũ bác sĩ y học dự phòng và bác sĩ làm công tác dự phòng đã khẳng định được vai trò của mình đối với sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Việt Nam đã khống chế thành công nhiều dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi như dịch SARS, cúm A/H5N1, A/H1N1... Đặc biệt trong ba năm ứng phó đại dịch Covid-19 vừa qua, lực lượng y tế dự phòng luôn ở tuyến đầu chống dịch, họ là những người đầu tiên có mặt tại các “điểm nóng” tham gia sàng lọc, xét nghiệm, phân loại… người mắc Covid-19.

Đóng góp của đội ngũ nhân lực y tế dự phòng là rất lớn nhưng thực tế hiện nay vẫn còn những hạn chế, bất cập trong đào tạo và sử dụng nhân lực y tế, nhất là bác sĩ y học dự phòng. Cụ thể như: chưa xác định rõ vai trò, vị trí việc làm; trong khi đó chế độ chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ còn thấp so với lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh; điều kiện làm việc còn khó khăn, điều này làm cho số sinh viên theo học ngành bác sĩ y học dự phòng và chọn làm việc trong lĩnh vực y tế dự phòng có xu hướng giảm liên tục trong những năm qua. Phần lớn những cán bộ y tế xin nghỉ việc, chuyển công tác trong hai năm qua đều là những người công tác trong lĩnh vực y tế dự phòng và y tế cơ sở.

Theo Phó Viện trưởng Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) Khương Anh Tuấn, nhân lực y tế dự phòng nước ta hiện có khoảng 2.204 người làm việc tại tuyến trung ương; 8.637 người làm việc tại tuyến tỉnh, thành phố; 81.824 người làm việc tại tuyến huyện và 57.249 người làm việc tại tuyến xã. So với nhu cầu thì số nhân lực y tế dự phòng hiện nay đang thiếu khoảng 23.800 người, trong đó thiếu khoảng 8.075 bác sĩ y học dự phòng và 3.993 cử nhân y tế công cộng.

Các bất cập trong sử dụng nguồn nhân lực bác sĩ y học dự phòng mà các đơn vị đang gặp phải như: bác sĩ y học dự phòng được cấp chứng chỉ hành nghề “khám, chữa bệnh thông thường”, nhưng chưa có danh mục kỹ thuật và hoạt động chuyên môn cụ thể thuộc “các bệnh thông thường”; được “khám, chữa bệnh thông thường” nhưng định biên trạm y tế lại không có bác sĩ y học dự phòng. Do chưa có quy định cụ thể về các vị trí chức danh nghề nghiệp đã được mô tả cho bác sĩ y học dự phòng dẫn đến các bác sĩ này chưa được thực hiện đúng vai trò và năng lực chuyên môn tại các cơ sở y tế…

Thống kê của Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) hiện cả nước có 32 trường đào tạo bác sĩ, trong đó có 10 trường đào tạo bác sĩ y học dự phòng. Về quy mô đào tạo, theo thống kê năm 2022 cho thấy số nhân lực bác sĩ y học dự phòng tốt nghiệp chỉ bằng 5% tổng số bác sĩ tốt nghiệp; số học viên tốt nghiệp sau đại học chuyên ngành y học dự phòng đạt 0,8% trong tổng số học viên sau đại học các ngành, chuyên ngành lĩnh vực sức khỏe.

Vấn đề tuyển dụng, sử dụng và quản lý bác sĩ y học dự phòng cũng đã bộc lộ nhiều bất cập. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) nêu rõ: Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc ​và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã xác định: Y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng. Tuy nhiên, thời gian qua đội ngũ viên chức giữ chức danh bác sĩ y học dự phòng nói riêng và hệ thống y tế dự phòng chưa được quan tâm đúng mức; quy định cụ thể về phạm vi hoạt động của bác sĩ y học dự phòng còn nhiều bất cập; chưa có chính sách mạnh nhằm thu hút nhân lực bác sĩ y học dự phòng…

Tại phiên thảo luận ngày 29/5 của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, nhiều ý kiến đã chỉ rõ những hạn chế, bất cập trong hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng. Tổ chức, bộ máy của hệ thống này thay đổi nhiều qua các năm, nguồn nhân lực thiếu, chất lượng chưa bảo đảm; chính sách cho cán bộ y tế chưa tương xứng với nhiệm vụ... Do vậy, nhiệm vụ phát triển y tế cơ sở, y tế dự phòng được đánh giá là thách thức lớn nhất trong giai đoạn hiện nay.

Để công tác y tế cơ sở và dự phòng đi vào nền nếp và phát huy hiệu quả, cần đầu tư nguồn lực xây dựng cơ sở tốt; đồng thời đổi mới chính sách và phương thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng, nhất là nhân lực làm việc tại trạm y tế xã. Nghiên cứu bảo đảm chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân viên y tế nói chung, nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng nói riêng tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ và đặc thù công việc. Nâng cao năng lực phòng chống dịch bệnh gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, nhất là trong sản xuất vắc-xin và thuốc điều trị trong nước.

Tại hội thảo về công tác đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực bác sĩ y học dự phòng được tổ chức mới đây, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị các cơ quan chuyên môn cần tiếp tục nghiên cứu, đưa ra các kiến nghị với các cơ quan liên quan nhằm xây dựng văn bản quy định phạm vi hoạt động chuyên môn của bác sĩ y học dự phòng.

Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và ban hành các thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn và xếp bậc lương viên chức theo hướng tiếp thu ý kiến của các địa phương, đơn vị cơ sở phù hợp các quy định pháp luật hiện hành nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của chức danh nghề nghiệp bác sĩ y học dự phòng trong giai đoạn mới (Nhân dân, trang 5).

 

Nhập viện vì nhiễm độc từ nước tẩy rửa mua trên mạng

Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam 55 tuổi (ở Hưng Yên) vào điều trị trong tình trạng 5 ngón tay phải nhợt nhạt, nhức nhối, đau buốt.

Theo lời kể của người bệnh, trước đó ông này mua một chai nước xịt tẩy rửa gương kính thương hiệu V300, mua trên mạng với giá 180.000 đồng/ chai. Thế nhưng khi dùng để tẩy rửa gương kính phòng tắm, chỉ được khoảng 15-20 phút, người bệnh bắt đầu thấy các ngón tay đau, nhức buốt, giống như bị một loại côn trùng cực độc cắn… nên vội rửa tay và gọi người thân hỗ trợ.

Tại Trung tâm Chống độc, bệnh nhân được chỉ định ngâm các ngón tay vào dung dịch canxi gluconat 10% để thải độc.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, thời điểm nhập viện, bệnh nhân có mang theo chai hóa chất đã dùng. Đây là chai hóa chất có tên V300 nhưng trên nhãn không có tên thành phần, cơ sở sản xuất.

Cũng theo bác sĩ Nguyên, rất có thể sản phẩm này chứa loại hóa chất HF rất độc. Hóa chất này có thể hòa tan kính, làm mòn thủy tinh nên có thể gây thủng cốc chén, chai lọ bằng thủy tinh nếu dùng để đựng hóa chất…. Nếu tiếp xúc với hóa chất này có thể gây ra các vết thương nặng, hoại tử thịt, thậm chí ăn mòn, phá hủy mô xương.

Do đó, tiếp xúc với hóa chất này phải chuẩn bị kỹ về đồ bảo hộ để tránh gây hại đến sức khỏe (An ninh thủ đô, trang 9).

 

Người lớn mắc thuỷ đậu và những cái chết bất ngờ

Nhiều người nghĩ thuỷ đậu chỉ xảy ra ở trẻ em và biến chứng nặng, song gần đây tại nhiều bệnh viện ghi nhận ca mắc là người lớn, trong đó có một nam bệnh nhân 32 tuổi tử vong. Đặc biệt, bệnh lại lây lan nhanh ở phụ nữ mang thai và các trường hợp này đều rất nặng. Theo ghi nhận, từ đầu năm đến nay, cả nước có khoảng 4.000 người mắc thuỷ đậu, trong đó Hà Nội có trên 1.200 người (tăng 21 lần so với cùng kỳ năm 2022).

Tử vong sau 4 ngày mắc thuỷ đậu

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thời gian gần đây, trung tâm tiếp nhận và điều trị nhiều ca mắc thuỷ đậu là người lớn. Đáng tiếc, có ca đã tử vong khi mới 32 tuổi sau 4 ngày xuất hiện triệu chứng. Nam bệnh nhân có tiền sử khoẻ mạnh.

Trước khi mắc thuỷ đậu, con trai bệnh nhân bị thuỷ đậu và vừa được điều trị khỏi vài ngày. Sau đó, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện mệt mỏi, trên trán có những nốt phỏng, rồi lan xuống ngực. Bệnh nhân đến khám tại phòng khám tư, được bác sĩ kê thuốc điều trị nhưng không rõ mắc bệnh gì. Hai ngày sau, bệnh nhân xuất hiện tình trạng sốt cao, mệt, khó thở và được nhập bệnh viện tỉnh điều trị.

Sau 2 ngày điều trị, bệnh diễn tiến nặng hơn nên bệnh nhân đã được chuyển đến Trung tâm Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai. Sau đó, bệnh nhân được chuyển sang Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai với chẩn đoán thuỷ đậu có biến chứng viêm phổi nặng, suy gan cấp, giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu. “Các triệu chứng tiến triển rất nhanh, bệnh nhân sốt cao liên tục, suy hô hấp, suy đa phủ tạng, nhịp tim nhanh, viêm cơ tim, rối loạn ý thức. Dù đã được cấp cứu bởi các phương tiện hồi sức tích cực, nhưng bệnh nhân đã tử vong sau gần 12 giờ nhập viện”, PGS Cường cho biết.

Vì sao một người khoẻ mạnh lại tử vong sau 4 ngày mắc thuỷ đậu? BS Đỗ Duy Cường nhận định: “Thuỷ đậu ở người khoẻ mạnh thường gây tổn thương các nốt phỏng trên da và sau 1-2 tuần sẽ khỏi không để lại di chứng. Các ca có biến chứng nặng gây viêm phổi, viêm não, suy đa phủ tạng thường xảy ra trên những cơ địa suy giảm miễn dịch hoặc có bệnh nền dùng các thuốc ức chế miễn dịch”.

Triệu chứng thuỷ đậu ở người lớn cũng giống với trẻ em, nhưng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi biến chứng. Người lớn nếu không có miễn dịch khi tiếp xúc với người bệnh cũng dễ bị lây và có xu hướng nặng hơn trẻ em. Nhiều nghiên cứu cho thấy, khoảng 90% người chưa có miễn dịch thuỷ đậu sẽ mắc bệnh nếu tiếp xúc với người bệnh. Bệnh tiến triển thông qua các triệu chứng ban đầu từ 1-3 tuần sau khi tiếp xúc với virus như: sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn, đau nhức cơ thể và đầu. Những triệu chứng này thường bắt đầu một hoặc hai ngày trước khi phát ban xuất hiện. Với người lớn, số mụn nước dao động từ 250-500 nốt.

Nguy hiểm với phụ nữ mang thai

Theo BS Cường, ngoài ca tử vong trên, tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới còn tiếp nhận nhiều bệnh nhân thuỷ đậu khác nhập viện, trong đó có 2 trường hợp khá nặng vẫn đang điều trị tại bệnh viện, gồm: một thai phụ và một nữ bệnh nhân trẻ có tiền sử dùng thuốc corticoid. Với thai phụ mắc thuỷ đậu, mức độ nghiêm trọng của bệnh thường nặng nề hơn, gây nguy hiểm với cả mẹ và thai nhi, có thể gây biến chứng nặng, đặc biệt là viêm phổi.

Điển hình là nữ bệnh nhân ở Phú Thọ mang thai 22 tuần. Thai phụ được chẩn đoán thuỷ đậu bội nhiễm. May mắn sau 2 ngày điều trị, thai phụ đã ổn định hơn, không ảnh hưởng đến thai nhi.

Các bác sĩ cho biết, thai phụ nhiễm thuỷ đậu có nguy cơ viêm phổi do virus varicella 10-20%, trong số người viêm phổi do virus này nguy cơ tử vong lên đến 40%. Tỷ lệ tử vong ở phụ nữ mang thai mắc bệnh thuỷ đậu cao nhất trong số những người lớn nhiễm bệnh này. Phụ nữ mang thai bị thuỷ đậu có thể lây truyền cho thai nhi qua nhau thai hoặc lây sau khi sinh nở.

 Đối với những thai phụ mắc bệnh thuỷ đậu nguyên phát khi mang thai, sự ảnh hưởng của bệnh trên thai nhi tuỳ vào từng giai đoạn tuổi thai. Trong 3 tháng đầu, đặc biệt tuần thứ 8-12 của thai kỳ, nguy cơ thai nhi bị hội chứng thuỷ đậu bẩm sinh là 0,4%.

Biểu hiện thường gặp nhất của hội chứng này là sẹo ở da. Những bất thường khác có thể xảy ra là tật đầu nhỏ, bệnh lý võng mạc, đục thuỷ tinh thể, nhẹ cân, chi ngắn, chậm phát triển tâm thần. Trong 3 tháng giữa, đặc biệt tuần 13-20 của thai kỳ, nguy cơ thai nhi bị hội chứng thuỷ đậu bẩm sinh là 2%. Nếu mẹ nhiễm bệnh trong vòng 5 ngày trước sinh và 2 ngày sau sinh, bé sơ sinh dễ bị bệnh thuỷ đậu lan toả do mẹ chưa có đủ thời gian tạo kháng thể để truyền sang con.

PGS.TS Đỗ Duy Cường cho biết: “Các bệnh nhân có miễn dịch yếu, đang dùng thuốc corticoid, thuốc điều trị ung thư, đang xạ trị khi mắc thủy đậu sẽ dễ chuyển nặng và biến chứng. Ngoài ra, với những trường hợp khỏe mạnh cũng không nên chủ quan. Khi mắc bệnh cần đến cơ sở y tế để bác sĩ có chuyên môn chẩn đoán, điều trị kịp thời”.

Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới cho biết, hiện nay bệnh đã có thuốc điều trị đặc hiệu chống virus thuỷ đậu là Acyclorvir nhưng cần phải điều trị sớm trong những ngày đầu thì mới có hiệu quả. Quan trọng là người bệnh cần phải theo dõi và phát hiện kịp thời các biến chứng, giữ gìn vệ sinh và tránh tự ý sử dụng các thuốc có thể gây bệnh nặng hơn như corticoid.

Cách phòng ngừa bệnh thuỷ đậu hiệu quả hiện nay là tiêm phòng vaccine, cả người lớn, trẻ em và phụ nữ có kế hoạch sinh con nên tiêm phòng trước khi có thai ít nhất là 3 tháng. “Hiện vaccine phòng bệnh rất sẵn. Tuy nhiên, có thể vì chủ quan hoặc vì giá vaccine đắt đỏ (khoảng 700.000 đồng/liều) nên nhiều người trì hoãn không tiêm, điều này là rất nguy hiểm”, PGS Đỗ Duy Cường cảnh báo (Công an nhân dân, trang 7).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang