Tăng tỷ lệ người cao tuổi hưởng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội
Ngày 15-3, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi (NCT) Việt Nam tổ chức hội nghị tổng kết năm 2015. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam chủ trì hội nghị.
Hiện, cả nước có hơn 10 triệu NCT, chiếm 10,9% dân số. Khoảng 2,85 triệu NCT hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội; hơn 1,5 triệu NCT hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng. Tuy nhiên có bốn triệu NCT chưa có bảo hiểm y tế. Trong năm 2015, các tỉnh, thành phố đã chủ động trong triển khai thực hiện Luật Người cao tuổi và các chính sách đối với NCT, 100% NCT đủ điều kiện hưởng trợ cấp đều đã được nhận trợ cấp đầy đủ và đúng thời gian.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Hội Người cao tuổi Việt Nam cần có giải pháp nhằm tăng tỷ lệ hưởng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội của NCT đạt mức trung bình cả nước. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế sớm có văn bản hướng dẫn chi tiết thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho NCT khám, chữa bệnh. Nhân dân (trang 3), Nông thôn ngày nay (trang 2)
Thủ tướng chỉ đạo: Tăng cường các giải pháp giảm quá tải bệnh viện
Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị về việc tăng cường các giải pháp giảm quá tải bệnh viện, mở rộng mạng lưới bệnh viện vệ tinh, giao Bộ Y tế, các bộ, cơ quan ngang bộ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo mở rộng mạng lưới bệnh viện vệ tinh, ưu tiên đầu tư cho các bệnh viện vệ tinh đảm bảo có đủ điều kiện tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật.
Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện tuyến trên tăng cường chuyển giao kỹ thuật và chuyên môn cho tuyến dưới, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng, một tiêu chí đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của các bệnh viện; công bố danh sách các bệnh viện đủ tiêu chuẩn làm bệnh viện hạt nhân để các bệnh viện vệ tinh lựa chọn đề xuất hỗ trợ chuyên môn; khẩn trương ban hành quy định để các chuyên gia, bác sỹ giỏi ở các bệnh viện hạt nhân có trách nhiệm tham gia khám, chữa bệnh ở các bệnh viện vệ tinh. Không phân biệt bệnh viện nhà nước hay bệnh viện tư nhân trong lựa chọn bệnh viện hạt nhân, bệnh viện vệ tinh.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế, các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng mới bệnh viện ngoài công lập, hợp tác với các bệnh viện nhà nước… Nông thôn ngày nay (trang 2), Sức khỏe đời sống (trang 3)
Bộ Y tế để nghị làm rõ sự việc nữ sinh bị cưa chân ở đăk lăk
Ngày 15.3, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn đề nghị Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk khẩn trương xác minh thông tin, làm rõ sự việc y, bác sĩ Bệnh viện đa khoa Cư Kuin tắc trách dẫn tới tình trạng một bệnh nhân phải cưa cụt chân phải.
Theo đó, qua báo chí phản ánh vụ nữ sinh Lê Thị Hà Vi (SN 2000, ngụ Ea B’hốk, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) bị cắt cụt chân phải do hạn chế về chuyên môn và tắc trách của các y, bác sĩ bệnh viện đa khoa Cư Kuin trong quá trình khám và điều trị (từ ngày 6.3 – 11.3.2016).
Cục Quản lý Khám chữa bệnh đề nghị Sở Y tế Đắk Lắk khẩn trương xác minh thông tin, làm rõ sự việc nêu trong bài báo và xử lý vụ việc theo quy định hiện hành; Công khai thông tin về kết quả xác minh, xử lý cho cơ quan truyền thông.
Sở Y tế Đắk Lắk gửi báo cáo kết quả về Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) trước ngày 28.3 để Cục tổng hợp báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế. Sức khỏe đời sống (trang 2)
Đắk Lắk: Tạm đình chỉ công tác bác sĩ, điều dưỡng trong vụ nữ sinh lớp 10 phải cưa chân
BVĐK huyện Cư Kuin hôm nay đã tạm đình chỉ công tác bác sỹ Y Tâm và điều dưỡng Nguyễn Thị Tuyết Len để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm trong vụ nữ sinh lớp 10 phải cưa chân.
Ông Nguyễn Văn Tâm – Giám đốc BVĐK huyện Cư Kuin – cho biết, bác sỹ Y Tâm là người trực tiếp bó bột cho em Lê Thị Hà Vi – học sinh lớp 10, trú tại xã Ea B’hốk, huyện Cư Kuin. Cùng kíp trực này còn có điều dưỡng Nguyễn Thị Tuyết Len – đều làm việc tại Khoa Ngoại của bệnh viện. Hai người này bị tạm đình chỉ công tác 15 ngày để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm. Cũng theo ông Tâm, sau khi sự việc xảy ra, bệnh viện đã vận động toàn bộ CBCNV đóng góp được 20 triệu đồng – chủ yếu là tiền lương – và cử một Phó giám đốc trực tiếp vào TPHCM thăm em Vi.
Về yêu cầu bồi thường chi phí điều trị và nuôi dưỡng em Vi suốt đời từ phía gia đình, ông Tâm cho biết, bệnh viện sẽ chi trả toàn bộ thuốc men, tiền công chăm sóc em Vi. “Chúng tôi cũng đề nghị với lãnh đạo Sở Y tế là sau này, cháu Vi lớn lên, sẽ nhận cháu vào làm việc tại bệnh viện và sở đã đồng ý” - ông Tâm nói.
Như LĐO đã thông tin, ngày 6.3 em Lê Thị Hà Vi bị tai nạn giao thông. Sau khi tiếp nhận, BVĐK huyện Cư Kuin chẩn đoán em bị gãy mâm chày chân phải và xử lý bó bột. Những ngày sau đó em Vi liên tục kêu đau do bó bột quá chặt, bàn chân mất cảm giác, gia đình xin chuyển viện nhiều lần nhưng không được chấp thuận. Mãi đến ngày 13.3, khi chân phải bị sưng vù, nổi bỏng nước, em Vi mới được chuyển lên BVĐK tỉnh Đắk Lắk. Bệnh viện tỉnh nhận định chân em Vi đã bị hoại tử nên lập tức chuyển đến BV Chợ Rẫy TPHCM, BV Chợ Rẫy buộc phải cắt bỏ chân phải của em Vi – cắt ngang đầu gối - vào ngày 14.3 do để quá muộn.
Hôm nay (15.3), Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế - có công văn gửi Sở Y tế Đắk Lắk kiểm tra, xử lý vụ việc trên và báo cáo trước ngày 28.3 để cục tổng hợp, báo cáo Bộ Y tế. Lao động (trang 2)