Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 16/5/2016

  • |
T5g.org.vn - Trên 40% người trưởng thành bị tăng huyết áp; Chỉ 23% người dân rửa tay trước khi ăn; Thầy thuốc trẻ tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng…

Trên 40% người trưởng thành bị tăng huyết áp

Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị tăng huyết áp lần thứ hai, diễn ra trong ngày 14 và 15-5. GS.TS Nguyễn Lân Việt - Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam cho biết, tăng huyết áp rất thường gặp trong cộng đồng, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và dẫn đến cái chết của hàng triệu người mỗi năm.

Đây cũng là nguyên nhân gây suy tim, đột quỵ và là nguyên nhân thứ hai gây nhồi máu cơ tim cấp. Tỷ lệ người mắc tăng huyết áp ngày càng tăng và tuổi bị mắc cũng trẻ hóa. Vào năm 2000, theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới - WHO, toàn thế giới có tới 972 triệu người bị tăng huyết áp và con số này được ước tính sẽ lên tới 1,56 tỷ người vào năm 2025.

Tại Việt Nam, năm 2000 có khoảng 16,3% người lớn bị tăng huyết áp thì năm 2009, tỷ lệ này là 25,4% và năm 2016, con số đang ở mức báo động là 48%. “Đây là mức báo động đỏ” -  GS. TS Nguyễn Lân Việt nói.(An ninh thủ đô trang 2)

Chỉ 23% người dân rửa tay trước khi ăn

Sáng 15-5, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục- Đào tạo và Quỹ Unilever Việt Nam đã phát động Chiến dịch truyền thông “Hành trình 10 triệu bàn tay sạch” nhằm hưởng ứng phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân.

Chiến dịch này sẽ được triển khai trong phạm vi cả nước từ tháng 5 đến tháng 10-2016. Riêng tại 3 tỉnh Hải Dương, Nam Định, Kiên Giang sẽ triển khai chương trình rửa tay với xà phòng trên 100% xã/phường/thị trấn. Đặc biệt, điểm nhấn của chiến dịch là cuộc thi truyền thông tương tác trên fanpage “Mười triệu bàn tay sạch”. Nhãn hàng Lifebuoy cũng sẽ hưởng ứng chiến dịch thông qua chuỗi hoạt động “phòng chống dịch bệnh theo mùa” tại 22 tỉnh/ thành phố, dự kiến tiếp cận 2,8 triệu bà mẹ và trẻ em để tuyên truyền việc rửa tay đúng cách với xà phòng.

Phát biểu tại lễ phát động, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, điều tra gần đây nhất của Bộ Y tế cho thấy, chỉ 23% người dân có thói quen rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi ăn, 36% rửa tay bằng xà phòng sau khi đi nhà vệ sinh.

Trong khi đó, nghiên cứu của Bộ Y tế đã chứng minh có thể giảm từ 1-10% tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ dưới 5 tuổi nếu cha mẹ thường xuyên rửa tay cho trẻ với xà phòng. Mặt khác, việc thường xuyên rửa tay bằng xà phòng sẽ giúp phòng chống các bệnh chân tay miệng, cúm, viêm đường hô hấp cấp, đau mắt đỏ, tiêu chảy và nhiều bệnh truyền nhiễm khác.

Cũng tại buổi phát động, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý nhấn mạnh, bên cạnh việc truyền thông rửa tay bằng xà phòng, giữ gìn vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố, Hà Nội cũng sẽ tăng cường tuyên truyền về chiến dịch này để vận động nhân dân ủng hộ, tham gia.( An ninh thủ đô trang 7, Hà Nội mới trang 7, Sài Gòn giải phóng trang 11, Gia đình & xã hội trang 7)

Thầy thuốc trẻ tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng

Ngày 15/5, tại trường THPT Nguyễn Trãi, TX Thận An, tỉnh Bình Dương, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp cùng Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức “Ngày hội Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khoẻ cộng đồng” năm 2016.

Ngày hội cũng đồng thời diễn ra tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước trong ngày 15/5/2016, trong đó Ngày hội điểm cấp trung ương được tổ chức tại tỉnh Bình Dương.

Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Nguyễn Phi Long;  Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam; Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cùng các lãnh đạo sở ban ngành của T.Ư và tỉnh Bình Dương và khoảng 2.000 tình nguyện viên, bà con nhân dân địa phương đến tham gia vào các hoạt động ngày hội.

Ngày hội nhằm thực hiện chương trình công tác Hội và phong trào thanh niên năm 2016; thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 126 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2016); chào mừng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Tiếp nối thành công trong 5 năm qua (từ 2011 đến nay), “Ngày hội Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng” năm 2016 được triển khai với các nội dung chính: Khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí, tặng quà cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trong cả nước; tặng quà, mổ mắt miễn phí cho người cao tuổi; tuyên truyền phòng chống ung thư cho người dân; tập huấn các phương pháp sơ, cấp cứu cơ bản cho giáo viên và tư vấn dinh dưỡng cho cha mẹ học sinh tại các trường mầm non, tiểu học; tổ chức các hoạt động hiến máu tình nguyện và tổ chức các ngày hội rửa tay bằng xà phòng phòng chống dịch bệnh cho trẻ em.

Tại Ngày hội, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, tặng quà cho khoảng 1.100 người dân gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, công nhân và người lao động tại tỉnh Bình Dương; tổ chức mổ mắt thay thủy tinh thể miễn phí, tặng quà cho 20 người cao tuổi bị đục thủy tinh thể có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức thăm, tặng quà cho các gia đình chính sách, các bệnh nhân ung thư đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương…

Dịp này, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, ông Trần Văn Nam, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương đã trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam nhằm ghi nhận những thành tích xuất sắc trong các hoạt động tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Các cá nhân đã có thành tích trong phong trào Thầy thuốc trẻ Việt Nam từ năm 2011 đến năm 2015, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc cũng đã được trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.(Tiền phong trang 7, Thanh niên trang 10, Sức khỏe & đời sống trang 2)

Hơn 17 triệu người Việt bị tăng huyết áp

Đây là kết quả điều tra mới nhất về tăng huyết áp (THA) toàn quốc năm 2015-2016 do Hội Tim mạch học Việt Nam thực hiện, được công bố tại Hội nghị THA Việt Nam lần thứ 2 diễn ra ngày 14.5. Tỷ lệ dân số THA tại Việt Nam đã tăng gấp đôi sau 8 năm.

Theo GS Nguyễn Lân Việt - Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam, nếu điều tra THA toàn quốc năm 2008 chỉ có 25,1% người dân bị THA, thì đến điều tra mới 2015-2016, có đến 47,3% người dân từ 25 tuổi trở lên bị THA.  Tuy nhiên, số ca THA được phát hiện đã tăng từ 48,4% lên 60,9%.

Còn người THA được điều trị tăng từ 61,1% lên 92,8%. Như vậy, với dân số gần 100 triệu người thì số người THA từ 25 tuổi trở lên ở Việt Nam ước tính khoảng 17,1 triệu người.

“Số ca THA tăng gần gấp đôi chỉ sau 8 năm cho thấy, người dân Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều gánh nặng với các bệnh về huyết áp, tim mạch” - GS Việt nhấn mạnh.

Tỷ lệ THA ở đàn ông cũng cao hơn nữ giới (56,4% và 42,6%). Ngoài ra, tuổi càng cao thì tỷ lệ THA càng gia tăng. Nếu tuổi 25-19 tuổi chỉ có 12,4% bị THA thì tuổi 50-54 là 45%; 70-74 tuổi là 78,6%, còn trên 85 tuổi là 87,9%.

Theo GS Việt, thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, mỗi năm, thế giới có 17,5 triệu người chết vì các bệnh tim mạch mà THA là nguyên nhân hàng đầu. Số người chết này cao gấp 4 lần so với số người chết do 3 bệnh nguy hiểm khác cộng lại: HIV, sốt rét, lao phổi.

PGS Đỗ Doãn Lợi - Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - phân tích, tỷ lệ người dân chết vì các bệnh lý tim mạch là 400-500 người/100.000 dân. Nếu tính tròn dân số khoảng 100 triệu thì mỗi năm, có 500.000 người tử vong vì các bệnh lý tim mạch.

Còn tính riêng bệnh thiếu máu cơ tim (do THA) thì Việt Nam cũng có 100.000-150.000 người chết/năm, cao gấp 10-15 lần số tử vong vì tai nạn giao thông. Đó là chưa tính được mất mát về kinh tế, tinh thần khi có hàng trăm nghìn người đang phải sống tàn tật vì các tai biến do THA.

“THA là bệnh có thể dự phòng được. Do đó, sẽ có hàng triệu người thoát khỏi tử vong, tàn tật do THA nếu được phát hiện, điều trị và điều chỉnh lối sống” - PGS Lợi cho biết.

Theo PGS Lợi, để đề phòng THA, người dân cần bỏ thói quen ăn mặn, ăn nhiều mì chính, chăm chỉ vận động, duy trì cân nặng, tránh uống bia rượu, ăn thịt mỡ, thức ăn chế biến sẵn… Hằng ngày, người dân cần vận động từ 30-45 phút, ăn nhiều rau xanh, hoa quả.(Nông thôn ngày nay trang 5, Gia đình & xã hội trang 7)

Hà Tĩnh: Chấn chỉnh bất cập khi trực đường dây nóng ở các bệnh viện

Sở Y tế Hà Tĩnh vừa có công văn số 783/SYT-NVY ngày 09/5/2016 về việc chấn chỉnh hoạt động đường dây nóng tại các đơn vị. Theo đó sau hơn 2 năm triển khai cho thấy hệ thống số điện thoại đường dây nóng đã trở thành kênh giám sát hiệu quả của ngành y tế. Nhiều phản ánh của người dân được giải quyết kịp thời, góp phần thực hiện tốt Kế hoạch đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Tuy nhiên, việc triển khai đường dây nóng tại một số đơn vị vần còn tồn tại như: trực đường dây nóng không nghe máy hoặc máy không liên lạc được, do đó việc xử lý các phản ánh của người dân chưa kịp thời, việc ghi chép và báo cáo các hoạt động đường dây nóng chưa đầy đủ.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của đường dây nóng, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị kiện toàn tổ trực đường dây nóng của đơn vị, xây dựng quy định hoạt động đường dây nóng; phân công cán bộ đầu mối để theo dõi, tổng hợp, báo cáo tại các buổi giao ban hàng ngày và báo cáo hàng tháng, hàng năm; tổ chức kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất việc trực đường dây nóng của các thành viên. Tổ chức họp, rút kinh nghiệm việc tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh của người dân đến đường dây nóng để đảm bảo giải quyết kịp thời. Khen thưởng các cán bộ thực hiện tốt việc tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ảnh của người dân, đồng thời xử lý nghiêm đối với cán bộ không chấp hành đúng quy định.( Lao động trang 2)

Xuất hiện các bệnh nhi mắc viêm não do vi rút

Cục Y tế dự phòng ( Bộ Y tế) cho biết những tuần gần đây đã ghi nhận các ca viêm não do vi rút điều trị tại một số tỉnh/ thành. Số ca mắc bệnh viêm não do vi rút trong hơn 4 tháng đầu năm nay giảm 41,9% so với cùng kỳ năm 2015, tuy nhiên dự báo sẽ tăng trong các tháng tới…(Thanh niên trang 2)

Cứu sống một nạn nhân rách màng tim

Đó là anh N.V.H, 24 tuổi, quê ở tỉnh Phú Thọ bị  dao nhọn đâm vào người, trong đó có 3 vết thương ở vùng ngực, đường nách và hạ sườn phải.

Khi đưa vào cấp cứu tại Khoa Cấp cứu ngoại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội, tình trạng anh H rất nặng, da và niêm mạc nhợt, lơ mơ, mạch khó bắt. Nạn nhân nhanh chóng được cầm máu, khâu các vết thương ở vùng cánh, cẳng tay và chuyển lên phòng mổ để hồi sức cấp cứu vì nghi vết thương vào tim.

Các bác sĩ đã tiến hành mở ngực khoang liên sườn 5 và khoang phổi trái thấy vết thương đi vào trong, sang phải làm đứt rời sườn sụn 6, rách màng tim. Đến 4h30 ngày 14-5, sau hơn 3 giờ đồng hồ, ca mổ đã thành công. Hiện nạn nhân đã qua được giai đoạn nguy kịch.( An ninh thủ đô trang 2)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang