Bộ Y tế đề nghị tăng sản xuất, tìm nguồn cung, nhập khẩu vitamin A
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có văn bản gửi các cơ sở sản xuất thuốc, cơ sở nhập khẩu thuốc về việc tăng cường nguồn cung ứng vitamin A đơn thành phần dược chất.
Trước đó, Cục Quản lý Dược nhận được Công văn của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh về việc thiếu nguồn cung ứng thuốc vitamin A đơn thành phần dược chất (gọi tắt là vitamin A) để sử dụng cho chương trình y tế. Trước đây, vitamin A liều cao (hàm lượng 100.000 IU và 200.000 IU) dùng để bổ sung cho trẻ từ 6 đến 60 tháng tuổi được các tổ chức nước ngoài viện trợ, nhập khẩu vào Việt Nam và phân bổ cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo nhu cầu.
Từ năm 2023, kinh phí triển khai các nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên. Vì thế,các địa phương phải chủ động xây dựng kế hoạch mua sắm vitamin A từ nguồn kinh phí của địa phương hoặc từ nguồn của các Chương trình Mục tiêu quốc gia đã được phân bổ cho địa phương. Cục Quản lý Dược cho biết, hiện nay, chỉ có 3 thuốc vitamin A (hàm lượng 5.000 IU) có Giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam. Do đó, để đảm bảo nguồn cung ứng thuốc vitamin A nói chung và vitamin A liều cao nói riêng, Cục Quản lý Dược đề nghị các cơ sở sản xuất thuốc, cơ sở nhập khẩu thuốc tăng cường nghiên cứu, sản xuất, tìm nguồn cung ứng và nhập khẩu thuốc vitamin A nói chung và vitamin A liều cao (hàm lượng 100.000 IU và 200.000 IU) để cung ứng cho chương trình y tế. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 2)
Đình chỉ 2 cán bộ tiêm vaccine 6 trong 1 hết hạn
Liên quan đến vụ việc 4 trẻ tiêm phải vaccine hết hạn sử dụng cơ quan chức năng đã đình chỉ tạm thời 2 cán bộ Trạm y tế xã Thăng Bình.
Ngày 14/5, ông Trần Anh Nam, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Nông Cống, Thanh Hóa cho biết, đơn vị đã tạm đình chỉ công tác đối với bà Lê Thị Bích (cán bộ phụ trách tiêm chủng) và ông Nguyễn Văn Sơn (người trực tiếp tiêm cho trẻ) công tác tại Trạm y tế xã Thăng Bình để chờ xử lý. Thời hạn tạm đình chỉ 2 cán bộ trên 15 ngày, kể từ ngày 12/5.
Thông tin từ Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết thêm, hiện sức khỏe của các cháu tương đối ổn định, chỉ có 2 cháu còn sốt nhẹ.
Ngay sau khi nhận được thông tin liên quan đến việc tiêm vaccine hết hạn cho trẻ em tại Thanh Hóa, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Thanh Hóa tổ chức điều tra, họp Hội đồng tư vấn chuyên môn. Đồng thời kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với các đơn vị, cá nhân vi phạm và nghiêm túc chấn chỉnh việc thực hiện quy trình tiêm chủng...
Trước đó, sáng ngày 9/5, Trạm Y tế xã Thăng Bình, huyện Nông Cống, Thanh Hóa tổ chức tiêm chủng dịch vụ tại trạm y tế các vaccine: Hexaxim và Synflorix cho 15 trẻ trong độ tuổi tiêm chủng trên địa bàn, trong đó có 6 trẻ tiêm vaccine 6 trong 1 Hexaxim mũi 1. Sau khi tiêm, trẻ được theo dõi theo quy định và Trạm Y tế xã Thăng Bình đã cung cấp vỏ hộp của các lọ vaccine cho các gia đình cầm về theo dõi. Đến 10h6’ cùng ngày, Trạm Y tế xã Thăng Bình nhận được phản hồi của người nhà 1 trẻ được tiêm vaccine Hexaxim về việc hạn dùng vaccine đã tiêm trên vỏ hộp cho gia đình mang về ghi ngày hết hạn là 31/3/2023. Trạm Y tế xã Thăng Bình đã kiểm tra hồ sơ, vỏ lọ vaccine lưu tại trạm, đối chiếu xác minh vỏ hộp vaccine người nhà trẻ mang về phát hiện trong 6 lọ vaccine Hexaxim, có 4 lọ có hạn sử dụng đến 31/3/2023, 2 lọ còn lại có hạn sử dụng đến tháng 31/5/2024.
Ngay lập tức lực lượng y tế, lãnh đạo xã Thăng Bình đã có mặt tại các gia đình để kiểm tra tình trạng sức khỏe của các cháu bé và phối hợp với gia đình bố trí phương tiện đưa các cháu xuống Bệnh viện Nhi Thanh Hóa để thăm khám, theo dõi chăm sóc sức khỏe trong chiều 9/5. 3 bệnh nhi có triệu chứng sốt (từ 37,60C đến 38,50C), 1 bệnh nhi có men gan tăng hiện đang được truyền dịch Glucose 5%.
Đáng lưu ý, 4 lọ vaccine hết hạn nói trên đã được tiêm cho 4 trẻ. Gia đình anh chị V. H. có 2 bé sinh đôi và 1 trong 2 bé đã tiêm liều vaccine hết hạn (hiện chưa xác định được bé nào đã tiêm mũi vaccine hết hạn), do đó, gia đình đã đưa cả 2 bé sinh đôi cùng 3 bé còn lại nhập viện để theo dõi sức khỏe.
Bác sĩ Phan Văn Chương, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thăng Bình, huyện Nông Cống thừa nhận sai sót nói trên là do sơ suất của cán bộ tiêm chủng đã không thực hiện theo đúng quy trình tiêm chủng an toàn, không kiểm tra, đối chiếu kỹ các hạn sử dụng trên vỏ hộp thuốc và lọ vaccine. Lãnh đạo và cán bộ Trạm y tế xã Thăng Bình đã trực tiếp nhận lỗi với gia đình các trẻ và sẽ đồng hành cùng các gia đình trong quá trình theo dõi sức khỏe cho cháu.
Theo Trung tâm Y tế huyện Nông Cống, sau khi xảy ra sự cố trên, đơn vị đã cho tiến hành rà soát lại và khẳng định 4 lọ vaccine 6 trong 1 Hexaxim tiêm cho trẻ ngày 9/5 tại Trạm Y tế Thăng Bình là những lọ vaccine cuối cùng của lô vaccine được Trung tâm Y tế huyện Nông Cống nhập về từ ngày 23/5/2022. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 8)
Xem xét nhân rộng mô hình khám sức khỏe toàn dân tới các địa phương của Hà Nội
Sáng 15-5, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với huyện Mê Linh tổ chức “Phát động chương trình khám, quản lý sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn huyện Mê Linh năm 2023”.
Dự lễ phát động có các đồng chí: Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 08 của Thành ủy Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương cùng lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố…
Chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc
Theo báo cáo của UBND huyện Mê Linh, chương trình khám, lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho người dân huyện Mê Linh có ý nghĩa nhân văn sâu sắc và thiết thực trong công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe cho người dân. Hoạt động này được triển khai từ ngày 24-4 đến hết tháng 5-2023, với sự tham gia của hơn 400 y, bác sĩ đến từ 15 bệnh viện trung ương và thành phố Hà Nội. Ngoài ra, huyện Mê Linh còn huy động gần 1.000 đoàn viên, thanh niên, hội viên các đoàn thể, giáo viên, tình nguyện viên tham gia hỗ trợ.
Trong đợt này, huyện Mê Linh tổ chức khám, lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho hơn 180 nghìn người dân (chiếm khoảng 75% dân số toàn huyện). Trong đó, có 5 đối tượng được khám và tư vấn, quản lý sức khỏe, gồm: Trẻ em dưới 5 tuổi; học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông; người cao tuổi, hưu trí; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước và người dân lao động tự do.
Người dân được các y, bác sĩ đo huyết áp, nhịp thở, thị lực; khám nội tổng quát: Tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu, cơ xương khớp, thần kinh, tâm thần; khám cận lâm sàng đối với các trường hợp cần thiết có chỉ định; siêu âm ổ bụng tổng quát theo chỉ định của bác sĩ... Sau khám, bác sĩ kết luận tình trạng sức khỏe cho từng người và tổ chức nhập dữ liệu sức khỏe vào phần mềm; hướng dẫn người dân tải app, cài đặt phần mềm theo dõi tình trạng sức khỏe trên điện thoại thông minh.
Xem xét nhân rộng mô hình ra các quận, huyện, thị xã
Phát biểu tại lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, huyện Mê Linh đã đi trước, đón đầu trong công tác chăm sóc sức khỏe toàn dân. Sau lần khám này, đề nghị huyện Mê Linh tiếp tục nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, nhất là các đối tượng người già, trẻ em, các đối tượng yếu thế, tiến tới 100% người dân trên địa bàn được khám sức khỏe ít nhất 1 lần/năm.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, trong những năm qua, Thành ủy, HĐND, UBND và các cấp, ngành của thành phố đã quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt công tác an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Thành phố xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, là yêu cầu cấp thiết để bảo đảm sự phát triển bền vững, tiến bộ, công bằng xã hội, thể hiện truyền thống nhân ái, cao đẹp của dân tộc ta.
Xuất phát từ ý nghĩa đó, Thành ủy khóa XVII đã ban hành 10 Chương trình công tác, trong đó có Chương trình số 08 về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025” với 27 chỉ tiêu, 12 nhiệm vụ và 5 nhóm giải pháp trọng tâm, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, liên quan trực tiếp đến cuộc sống của nhân dân Thủ đô.
“Đây là hoạt động hết sức thiết thực, ý nghĩa trong công tác bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế trên địa bàn huyện; kịp thời phát hiện, tư vấn, phân luồng điều trị các trường hợp mắc bệnh, tư vấn chăm sóc sức khỏe, lập hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cho nhân dân; giảm tải công tác khám, chữa bệnh cho các cơ sở y tế tuyến trên”, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
Để chương trình khám, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn huyện Mê Linh đạt hiệu quả cao, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị, huyện Mê Linh tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch công tác khám, quản lý, chăm sóc sức khỏe nhân dân bảo đảm thiết thực, ý nghĩa; thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Quá trình thực hiện, huyện đánh giá, rút kinh nghiệm, báo cáo Ban Chỉ đạo Chương trình 08 Thành ủy, Sở Y tế kết quả thực hiện. Trên cơ sở đó, thành phố sẽ xem xét nhân rộng mô hình này tới các địa phương khác của Hà Nội.
Chủ tịch HĐND thành phố cũng đề nghị đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ của các bệnh viện tuyến trung ương, các bệnh viện của Hà Nội phát huy tinh thần y đức người thầy thuốc, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền huyện Mê Linh tổ chức tốt công tác khám sức khỏe cho nhân dân, tư vấn điều trị kịp thời các trường hợp phát hiện bệnh.
Cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội huyện Mê Linh cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để nhân dân biết và tham gia chương trình ý nghĩa này; bảo đảm tối đa người dân được thụ hưởng các chính sách của Nhà nước về y tế và chăm sóc sức khỏe. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 8).