Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 16/6/2021

  • |
T5g.org.vn - Đẩy mạnh chiến lược vắc xin; Nhật Bản tặng Việt Nam 1 triệu liều vắc xin, chuyển về trong ngày 16/6; TP.HCM đề xuất doanh nghiệp được nhập khẩu vắc xin Covid-19 tiêm cho nhân viên; ...

 

Đẩy mạnh chiến lược vắc xin

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng một trong các giải pháp trọng tâm là kiên trì thực hiện “mục tiêu kép”. Trong đó, mấu chốt chính là thực hiện chiến lược vắc xin để đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng.

Kiên trì “mục tiêu kép”, đẩy nhanh chiến lược vắc xin, giải ngân vốn đầu tư công và giải quyết khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 được coi là giải pháp cơ bản cho KT-XH 6 tháng cuối năm 2021.

Sáng 15.6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) tiếp tục phiên họp 57 để cho ý kiến về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, ngân sách và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp cho 6 tháng cuối năm 2021.

Kiên trì thực hiện “mục tiêu kép”

Sau khi trình bày kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, đại diện Chính phủ là Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận định triển vọng tăng trưởng kinh tế trong nước những tháng cuối năm còn nhiều yếu tố rủi ro. Việc kiểm soát thành công dịch Covid-19 là nhân tố quan trọng, có vai trò quyết định tới ổn định vĩ mô và phục hồi kinh tế.

Từ đó, giải pháp trọng tâm của Chính phủ trong 6 tháng cuối năm là tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép”, thông qua đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; điều chỉnh giải pháp thu hút FDI phù hợp, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác...

Tại phiên họp, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho rằng việc thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, ngân sách 6 tháng đầu năm có “nhiều điểm sáng”. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn trong 6 tháng tới. Đặc biệt là tình hình dịch bệnh và chiến lược vắc xin tại Việt Nam gặp nhiều thách thức, “có thể lỗi nhịp”. Chủ tịch QH đánh giá lỗi nhịp nhiều hay ít phụ thuộc vào chúng ta và chúng ta “phải chạy đua thời gian thì mới khắc phục được rủi ro này”. “Việc này tác động đến cả hai thứ, cả mục tiêu phòng, chống dịch và mục tiêu tăng trưởng”, ông nhận định.

Chủ tịch QH cho rằng một trong các giải pháp trọng tâm là kiên trì thực hiện “mục tiêu kép”. Trong đó, mấu chốt chính là thực hiện chiến lược vắc xin để đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng. “Kết luận 07 của Bộ Chính trị mới đây đã yêu cầu phải xây dựng và công khai lộ trình tiêm vắc xin cho người dân biết. Cụ thể đến hết tháng 6 được bao nhiêu, tháng 7, tháng 8 được bao nhiêu, hết quý 3/2021 là bao nhiêu và đến cuối năm được bao nhiêu. Bao giờ đạt được mục tiêu cộng đồng. Đề nghị các đồng chí bám sát kết luận này”, Chủ tịch QH nêu.

Thúc đẩy đầu tư công

Quan tâm tới vấn đề đầu tư công, Phó chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định cho rằng trong những tháng cuối năm phải tập trung thúc đẩy đầu tư công. Theo đó, hơn 460.000 tỉ đồng đầu tư công hiện nay mới giải ngân được hơn 100.000 tỉ đồng, tức là hơn 22%, theo báo cáo là thấp hơn cùng kỳ năm 2020. “Giải ngân được hơn 460.000 tỉ này thì sẽ thúc đẩy tăng trưởng”, ông Định nhấn mạnh.

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công sẽ tạo động lực mới cho 6 tháng cuối năm. Đặc biệt nhấn mạnh đến các công trình trọng điểm, có tính chất lan tỏa như đường cao tốc Bắc - Nam và sân bay Long Thành, bà Thanh cho rằng việc thực hiện chậm, chưa tạo được sức bật và sự lan tỏa của 2 dự án này. “Đề nghị trong thời gian tới cần phải tập trung cao độ cho việc giải ngân và thực hiện 2 dự án này để tạo sức bật cho động lực mới của 6 tháng cuối năm cũng như năm 2022”, bà Thanh nêu.

Tổng thư ký QH Bùi Văn Cường cũng nhận định trong bối cảnh dịch bệnh thì yêu cầu chi tiêu của doanh nghiệp (DN) và người dân đều giảm, nhà nước phải đóng vai trò đẩy mạnh chi tiêu, đặc biệt là đầu tư công. Từ đó, ông Cường nhất trí với ý kiến của Ủy ban Kinh tế trong báo cáo thẩm tra, đề nghị Chính phủ làm rõ vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, đồng thời đề xuất giải pháp tháo gỡ những khó khăn tại các dự án đầu tư công lớn. “Nếu tình trạng giải ngân vốn đầu tư công cứ tiếp tục chậm, các dự án đầu tư lớn, nhất là các dự án đầu tư trọng điểm ách tắc như vừa qua thì nền kinh tế của chúng ta không thể tăng trưởng được”, ông Cường nhấn mạnh.

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Đồng tình với các giải pháp do Chính phủ đưa ra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ chủ động bố trí nguồn lực và thực hiện các giải pháp phù hợp, kịp thời theo thẩm quyền, bao gồm cả các giải pháp về tín dụng, tài chính - ngân sách nhà nước, thuế, phí, lệ phí... để tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. “Khẩn trương đề xuất, xây dựng, triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ DN, người lao động và người dân bị ảnh hưởng, trong đó cần làm rõ đối tượng, điều kiện được hỗ trợ, khả năng cân đối nguồn lực, bảo đảm tính khả thi, dễ tiếp cận hiệu quả, tiết kiệm”, ông Thanh nói. Ông Thanh cũng đề nghị tiếp tục tạo điều kiện cho DN, người dân vay vốn hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh; hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội huy động vốn, giải ngân kịp thời nguồn vốn ưu đãi đến các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Tháo gỡ các vướng mắc về thể chế để hỗ trợ người dân, DN cũng là vấn đề Chủ tịch QH Vương Đình Huệ quan tâm. Ông nhấn mạnh cần phải đánh giá làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và “phải có số hẳn hoi chứ không đánh giá chung chung” trong những vấn đề đã có nghị quyết rồi nhưng vẫn không thực hiện như việc hỗ trợ Tổng công ty hàng không Vietnam Airlines hay tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng. (Thanh niên, trang 2)

 

Nhật Bản tặng Việt Nam 1 triệu liều vắc xin, chuyển về trong ngày 16/6

Nhật Bản đã quyết định tặng Việt Nam 1 triệu liều vắc xin Covid-19 và nỗ lực để chuyển đến Việt Nam trong ngày 16.6.

Theo tin từ Bộ Ngoại giao, sáng 15.6, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio.

Thực hiện kết quả của các cuộc điện đàm giữa Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính với Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, Đại sứ Nhật Bản đã chuyển thông điệp của Thủ tướng Suga Yoshihide gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc Chính phủ Nhật Bản quyết định hỗ trợ Việt Nam 1 triệu liều vắc xin để phòng chống Covid-19.

Theo đó, tại buổi gặp này, Đại sứ Yamada đọc thông điệp của Thủ tướng Suga, nhấn mạnh việc Chính phủ Nhật Bản quyết định cung cấp 1 triệu liều vắc xin cho Việt Nam là minh chứng cho tình hữu nghị sâu sắc giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản.

Nhật Bản mong muốn liên kết với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Việt Nam để cùng vượt qua đại dịch Covid-19.

Tại buổi tiếp, Đại sứ Yamada cũng thông báo các hiệp hội và 36 doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đã quyên góp 39,2 tỉ đồng cho Qũy vắc xin phòng chống Covid-19 của Chính phủ và sẽ tiếp tục đóng góp thêm.

Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời cảm ơn chân thành tới Thủ tướng Suga, Chính phủ và nhân dân Nhật Bản về quyết định trước mắt dành 1 triệu liều vắc xin tặng Việt Nam và nỗ lực khẩn trương để đưa vắc xin về Việt Nam trong ngày 16.6.

Đây là món quà quý báu, kịp thời, là nghĩa cử cao đẹp thể hiện sự cảm thông, chia sẻ lẫn nhau khi khó khăn, thể hiện tình hữu nghị giữa Chính phủ và nhân dân hai nước, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Thanh niên, trang 3; Công an nhân dân, trang 1)

 

TP.HCM đề xuất doanh nghiệp được nhập khẩu vắc xin Covid-19 tiêm cho nhân viên

UBND TP.HCM cho rằng để đạt miễn dịch cộng đồng thì phải tiêm vắc xin Covid-19 cho 70% dân số, và việc cho phép doanh nghiệp chủ động mua vắc xin để tiêm cho nhân viên sẽ giúp đẩy nhanh chiến lược này.

UBND TP.HCM vừa trình Thủ tướng tờ trình về việc mua và sử dụng vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn trong bối cảnh dịch bệnh tại TP.HCM diễn biến phức tạp, số ca bệnh tăng với sự xuất hiện và lây nhiễm mạnh của các biến chủng virus SARS-CoV-2.

Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết toàn thành phố có trên 7,2 triệu người từ 18 tuổi trở lên; tổng số công nhân và người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, tập đoàn trong các khu công nghiệp khoảng 1,6 triệu người.

Tuy nhiên, hiện TP.HCM mới nhận được 140.000 liều vắc xin phòng Covid-19 và triển khai tiêm phòng được 64.366 người được tiêm 1 mũi và 10.179 người tiêm đủ 2 mũi. Để đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng với trên 70% dân số thành phố thông qua tiêm phòng vắc xin là vấn đề cấp bách.

Do đó, UBND TP.HCM đề nghị Thủ tướng cho phép các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM được chủ động đàm phán tìm nguồn vắc xin từ các nhà sản xuất, phân phối có uy tín trên thế giới, được nhập khẩu hoặc thuê các doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu vắc xin để nhập khẩu vắc xin phòng Covid-19 về Việt Nam.

Về việc tổ chức tiêm chủng đối với nguồn vắc xin do doanh nghiệp tự nhập khẩu hoặc thuê nhập khẩu, UBND TP.HCM đề xuất sau khi vắc xin được Bộ Y tế cấp phép, nhập khẩu về Việt Nam và được kiểm định đảm bảo chất lượng, đề nghị Thủ tướng cho phép các doanh nghiệp được ký hợp đồng thuê các đơn vị có chức năng tiêm chủng triển khai việc tiêm vắc xin cho toàn thể cán bộ, nhân viên của doanh nghiệp.

Việc tổ chức tiêm chủng phải đảm bảo nguyên tắc an toàn, chất lượng, giá dịch vụ tiêm chủng theo hợp đồng thỏa thuận giữa doanh nghiệp và đơn vị tiêm chủng.

UBND TP.HCM đề xuất trên xuất phát từ chiến lược vắc xin và chủ trương về xã hội hóa trong việc mua, nhập khẩu và sử dụng vắc xin phòng Covid-19 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ. Việc này cũng giúp đẩy nhanh tiến độ tiếp cận các nguồn cung vắc xin đa dạng thông qua các biện pháp khác nhau. (Thanh niên, trang 3; Tuổi trẻ, trang 2)

 

Chuẩn bị triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 lớn nhất trong lịch sử

Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 lần này huy động lực lượng Quân đội vào vận chuyển vaccine, cùng các bộ: Y tế, Công an, Giao thông vận tải, Thông tin - Truyền thông...tham gia.

Chiều 15/6, Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì cuộc họp triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 toàn quốc. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, đây là chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng ở nước ta. 

Chiến dịch lần này huy động lực lượng quân đội vào vận chuyển vaccine, đồng thời huy động các bộ, ngành tham gia. 

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, thời gian qua Bộ Y tế đã hết sức nỗ lực cố gắng tìm kiếm, trao đổi, đàm phán để có các nguồn vaccine phòng COVID-19 nhập khẩu và đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước. Tuy nhiên Bộ Y tế vẫn đang tiếp tục tìm kiếm thêm vaccine từ các nguồn cung ứng trên toàn cầu để đạt mục tiêu 150 triệu liều vaccine như Nghị quyết 21 của Chính phủ.

Khác với các lần trước, ở chiến dịch tiêm chủng này chúng ta đã có kinh nghiệm triển khai tiêm chủng theo chiến dịch. Gần đây nhất, Việt Nam đã tổ chức thành công chiến dịch tiêm chủng 23 triệu liều vaccine sởi - rubella cho trẻ em. Tuy nhiên, do quy mô của chiến dịch này lớn hơn nhiều nên đòi hỏi có sự tham gia của các bộ, ngành. Bộ Y tế đã huy động toàn bộ các lực lượng vào cuộc để vận chuyển, bảo quản, phân phối vaccine và tiêm chủng.

Theo đó, sẽ thiết lập 8 kho bảo quản, trong đó 1 kho tại Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô và 7 kho tại 7 Quân khu trong toàn quốc để khi vaccine về sân bay ngay lập tức vận chuyển về các kho này bảo quản. Các kho đều phải đạt Tiêu chuẩn thực hành bảo quản tốt (GSP), từ đó các xe lạnh vận chuyển vaccine toả đi các điểm tiêm chủng trên toàn quốc.

Bộ Y tế yêu cầu ngay từ bây giờ cần thiết lập rất nhanh các kho, rà soát, kiểm tra lại các yếu tố liên quan đến hậu cần, vật chất, hệ thống dây chuyền lạnh, máy phát điện để bổ sung, khắc phục ngay những yếu tố chưa đủ điều kiện nhằm đảm bảo các tiêu chí về bảo quản vaccine an toàn, tránh các tình huống không mong muốn xảy ra.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, tất cả các điểm tiêm chủng lần này hình thành mạng lưới tiêm chủng trực tuyến, thông qua ứng dụng công nghệ thông tin sẽ công khai các thông tin về số lượng người tiêm, số lượng liều vaccine được sử dụng. Tất cả đều được kiểm soát toàn bộ.

Để làm điều này, phải đẩy nhanh áp dụng sổ sức khoẻ điện tử, đăng ký tiêm chủng qua app và qua tin nhắn. Mỗi người dân khi nhận được nhắn tin mời đăng ký tiêm thì có tin nhắn phản hồi, để khi vaccine về sẽ có tin nhắn mời người dân đi tiêm. Điều này có nghĩa mọi thông tin về tiêm chủng phải thể hiện trên hệ thống điều hành tiêm chủng online.

Với cách làm này, người dân sẽ biết mình đến điểm tiêm chủng nào tiêm. Hệ thống sẽ gửi tin nhắn thông báo cho người đăng ký thời gian tiêm và điểm tiêm. Khi đến tiêm, sẽ check mã QR code và qua khám sàng lọc sẽ điền thông tin vào trường ứng dụng có sẵn. Khi đạt yêu cầu về sức khoẻ thì tiêm và điền vào mục đã tiêm chủng. 

Như vậy sẽ tiến đến quản lý hồ sơ “hộ chiếu vaccine” dễ dàng.  Sau tiêm hệ thống sẽ nhắc 2 tiếng/lần theo dõi phản ứng sau tiêm chặt chẽ để người tiêm biết. Đối với những người không dùng điện thoại smartphone, sẽ có đầu số tổng đài nhắn những thông tin cụ thể liên quan đến tiêm chủng.

Mặc dù vậy, do hệ thống y tế cơ sở còn yếu về công nghệ thông tin, nên Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các doanh nghiệp công nghệ thông tin thiết lập nên hệ thống điều hành tiêm chủng online. Một điểm mới của chiến dịch tiêm chủng lần này là việc tổ chức tiêm tại các điểm tiêm sẽ được kiểm soát chặt chẽ trên hệ thống điều hành tiêm chủng online thay vì trước đây giao cho các đơn vị quản lý.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, sẽ có khoảng 15.000 điểm tiêm chủng đã có nhân lực, tài khoản sẽ cập nhật và đưa lên bản đồ tiêm chủng, công khai với toàn dân về quy trình tiêm chủng, số liều vaccine đã sử dụng, số người được tiêm.

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, toàn bộ quy trình tiêm đã được rà soát lại để làm sao cắt ngắn, nhưng vẫn tuân thủ đảm bảo an toàn. Cùng với đó, Ban chỉ đạo An toàn tiêm chủng Quốc gia phải làm việc trực tuyến 24/7 để có thể chỉ đạo, giám sát trực tuyến tiêm chủng an toàn. Đồng thời, Bộ Y tế đã chỉ đạo tăng cường tập huấn nhiều lần cho toàn tuyến hệ thống y tế, kể cả công lập và tư nhân, đặc biệt là y tế cơ sở.

Ban Chỉ đạo triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 toàn quốc do Bộ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Sở Chỉ huy của chiến dịch tiêm chủng lần này đặt tại Bộ Quốc phòng do một đồng chí Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân làm chỉ huy, có sự tham gia của các Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông vận tải...

Đối với hệ thống y tế quốc phòng và công an, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu tiếp tục tập huấn toàn tuyến về tiêm chủng và tiêm chủng an toàn, riêng lực lượng quân đội tập huấn thêm về quy trình vận chuyển, bảo quản vaccine. Đối với các bộ, ngành liên quan khác đề nghị phối hợp với các đơn vị của Bộ Y tế để triển khai thực hiện các nhiệm vụ đầu mối theo đúng mục tiêu đề ra. Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, với cách thức triển khai như trên, có sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị, chiến dịch tiêm chủng lần này sẽ thành công. (Công an nhân dân, trang 1; An ninh thủ đô, trang 1).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang