Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 16/8/2017

  • |
T5g.org.vn - Về “văn bản lạ” của BHXH Hà Tĩnh: Sở Y tế Nghệ An đề nghị BHXH tạm dừng thực hiện; Thu hồi thực phẩm chức năng Nước đông trùng hạ thảo; Bát nháo cơ sở khám chữa bệnh trái phép; Sẽ thả muỗi trừ sốt xuất huyết ra ngoại thành Nha Trang; ...

 

Về “văn bản lạ” của BHXH Hà Tĩnh: Sở Y tế Nghệ An đề nghị BHXH tạm dừng thực hiện

Cho rằng việc BHXH Hà Tĩnh quy định người dân tỉnh Hà Tĩnh có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh (KCB) thông tuyến huyện tại Nghệ An phải tự thanh toán chi phí KCB và mang hóa đơn chứng từ về thanh toán trực tiếp tại BHXH thuộc tỉnh Hà Tĩnh gây phiền hà cho người có thẻ BHYT, Sở Y tế Nghệ An vừa có văn bản đề nghị tạm dừng việc này. Theo quy định mới về KCB, BHYT thông tuyến huyện đã cụ thể hóa quy định khám chữa bệnh được quy định tại khoản 3, Điều 22 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung một số điều Luật BHYT kể từ ngày 01/01/2016. Theo đó, người bệnh có thể đăng ký khám chữa bệnh theo thẻ BHYT ở các bệnh viện tuyến huyện trên toàn quốc.

Tuy nhiên, ngày 19/7/2017 BHXH Việt Nam lại có văn bản số 3005/BHXH-CSYT về việc thực hiện quản lý chi phí KCB BHYT đối với đa tuyến đi ngoại tỉnh gửi BHXH tỉnh Hà Tĩnh và BHXH tỉnh Nghệ An với nội dung: từ khi thực hiện KCB thông tuyến huyện trong phạm vi cả nước thì chi phí KCB BHYT đa tuyến đi ngoại tỉnh của Hà Tĩnh tăng cao. Các chi phí KCB đa tuyến ngoại tỉnh phát sinh chủ yếu tại các bệnh viện tuyến huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Ngày 24/7/2017 BHXH tỉnh Hà Tĩnh đã ra Thông báo số 718/BHXH đến toàn dân trên địa bàn tỉnh nêu rõ, kể từ ngày 1/8/2017 nếu người dân đi KCB tại các bệnh viện tuyến huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An “phải tự thanh toán chi phí KCB với cơ sở y tế và mang hóa đơn chứng từ về thanh toán trực tiếp tại BHXH thuộc tỉnh Hà Tĩnh”.

Tiếp đó, chiều ngày 2/8, BHXH tỉnh Nghệ An đã có buổi làm việc với đại diện lãnh đạo 10 bệnh viện tuyến huyện trên địa bàn TP Vinh, yêu cầu: “Đối với người có thẻ BHYT do BHXH tỉnh Hà Tĩnh phát hành khi đi KCB thông tuyến (trừ trường hợp cấp cứu) tại 10 bệnh viện trên địa bàn TP Vinh thì các bệnh viện trên có trách nhiệm thu trực tiếp bằng tiền mặt của người bệnh; cung cấp đầy đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định. Hướng dẫn người bệnh mang chứng từ về cơ quan BHXH huyện, thị xã, thành phố nơi cấp thẻ BHYT để được thanh toán”. Ngày 11/8/2017, GĐ Sở Y tế Nghệ An Hoàng Văn Hảo ký công văn số 1993/SYT-NVY gửi Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Trong văn bản nêu rõ: Việc quy định thanh toán chi phí KCB đối với người dân tỉnh Hà Tĩnh có thẻ BHYT khi đi KCB thông tuyến... là phiền hà cho người có thẻ BHYT, không phù hợp với chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa cho người dân đi KCB, gây khó khăn cho cơ sở KCB trong việc giải quyết cho người bệnh và tạo áp lực cho nhân viên y tế khi đối mặt với người có thể BHYT. Do vậy, Sở Y tế Nghệ An đề nghị BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh tạm dừng thực hiện nội dung tại Công văn 3005/BHXH-CSYT đối với các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh (Tiền phong, trang 15).

 

Thu hồi thực phẩm chức năng Nước đông trùng hạ thảo

Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế Nguyễn Văn Nhiên vừa ký quyết định thu hồi thực phẩm chức năng không bảo đảm an toàn. Theo đó, sản phẩm bị thu hồi là “Nước đông trùng hạ thảo - Dongchoonghacho Drink” (có hạn sử dụng 18-4-2018, xuất xứ Hàn Quốc, sản xuất bởi Công ty Dong Nam Medics Co. (Korea); nhập khẩu bởi Công ty TNHH Alomart Việt Nam) có hàm lượng chất Adenosine (hoạt chất quyết định tác dụng của đông trùng hạ thảo) không đạt so với tiêu chuẩn công bố. Thanh tra Bộ Y tế yêu cầu việc thu hồi sản phẩm này đến ngày 28-8 phải hoàn tất. Trước đó, Đoàn thanh tra đã lấy mẫu tại đơn vị kinh doanh, bán hàng đa cấp sản phẩm này là Công ty TNHH Nhượng Quyền Toàn Thắng (số 19 Đồng Xoài, phường 13, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) để kiểm nghiệm (Hà Nội mới, trang 5).

 

Bát nháo cơ sở khám chữa bệnh trái phép

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, hầu như tuần nào UBND TP.HCM cũng ra quyết định xử phạt phòng khám (PK) khám, chữa bệnh chui! Cá biệt có tuần đến 2 - 3 PK bị xử phạt. Nhưng thực tế có những nơi dù bị đình chỉ vẫn tiếp tục hoạt động.

 Kiểm tra xong, coi như không có gì

Tháng 6.2017, nhà thuốc Nhơn Tâm Tế của ông Dương Dân Cường (130/3 Trường Chinh, tổ 11, KP.1, P.Tân Thới Nhất, Q.12) bị UBND TP.HCM phạt 140 triệu đồng về hành vi khám chữa bệnh trái phép, kèm bán thuốc có chứa chất dexa - tác dụng giữ nước và muối trong cơ thể gây phù. Đáng chú ý, năm 2016 PK này từng bị UBND TP.HCM phạt 83 triệu đồng, buộc đình chỉ hoạt động. Ngày 15.8, PV Thanh Niên đến nhà thuốc này, thấy treo bảng “tạm nghỉ”, nhưng nhìn qua khe cửa chúng tôi thấy thuốc, vật dụng làm thuốc bày biện trên bàn, tủ. Khi PV hỏi có khám bệnh không, người trong nhà nói vọng ra, qua tết sẽ hoạt động trở lại do gia đình có việc phải về… Trung Quốc. Khi PV đứng trước cửa, có một bệnh nhân đi xe hơi từ Bình Dương đến hỏi mua thuốc, cũng được người trong nhà nói hẹn qua tết hoạt động lại. PK chữa trị thoát vị đĩa đệm của ông Trần Văn Cường tại địa chỉ 127/32 Nguyễn Tư Giản, P.12, Q.Gò Vấp (TP.HCM) cũng không có giấy phép hoạt động. Thuốc thang là những sản phẩm được đóng gói không nhãn mác, không có tên sản phẩm... Người hành nghề là ông Cường, ông Ngư không có bằng cấp chuyên môn, không có chứng chỉ hành nghề; bài thuốc gia truyền chữa bệnh không hề đăng ký. Thế nhưng PK này vẫn thản nhiên quảng bá, thu hút nhiều bệnh nhân đến chữa bệnh, thu lợi bất chính. Dù bị Sở Y tế TP.HCM đình chỉ vào tháng 11.2016 nhưng PK vẫn tiếp tục hoạt động như bình thường (!). Phòng Y tế Q.Gò Vấp đến kiểm tra, yêu cầu ngưng hoạt động nhưng khi đoàn kiểm tra rút đi, PK hoạt động lại như không có chuyện gì xảy ra. Tháng 8.2017, PK này vừa chuyển địa điểm về số 110/5/8 hương lộ 2, ấp Xóm Đồng, xã Tân Phú Trung, H.Củ Chi.

Vào cuối tháng 7, Sở Y tế TP.HCM cũng đình chỉ và đề xuất UBND TP.HCM xử phạt 2 PK nha khoa Gia đình và Gia đình 2 tại P.12, Q.Tân Bình cũng vì hoạt động không phép… Cùng thời điểm trên, UBND TP.HCM xử phạt 60 triệu đồng đối với PK tại 889 QL22, tổ 1, KP.5, TT.Củ Chi do hoạt động không phép. Điều đáng nói là PK nha khoa này từng bị xử phạt hoạt động không phép vào năm 2015. Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, trên đường Nguyễn Văn Quá, P.Đông Hưng Thuận, Q.12 hiện có 1 nhà thuốc và 1 PK dù không phép nhưng hoạt động rất công khai. Đó là nhà thuốc K.P do dược sĩ Q.X.P đứng tên; và PK y khoa chuyên X-quang, siêu âm do hai bác sĩ N.T.H và N.V.H giới thiệu là bác sĩ tại Bệnh viện Quân y 175 đảm nhiệm. Tuy nhiên thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, khẳng định với PV Thanh Niên 2 vị trên không phải là bác sĩ thuộc Bệnh viện Quân y 175. Kiểm tra tại Sở Y tế TP.HCM thì được biết Sở cũng không cấp giấy phép cho PK y khoa nào tại địa chỉ nói trên.

Sáng bị niêm phong, chiều dọn đồ

TS-BS Bùi Minh Trạng, Chánh thanh ra Sở Y tế TP.HCM, cho biết thời gian gần đây số lượng PK không phép bị Sở Y tế và UBND TP.HCM xử phạt tăng nhiều hơn hẳn. Trong đó, loại hình nhiều nhất là các PK nha khoa và PK y học cổ truyền.

Tại địa bàn H.Củ Chi, có đối tượng tổ chức không phép PK nha khoa, buổi sáng thanh tra đến niêm phong PK thì buổi chiều đối tượng dọn đồ đi nơi khác. Hoặc khi kiểm tra thì tất cả đối tượng bỏ đi, không ai nhận mình là chủ của PK; giao cho địa phương giám sát thì họ dọn đồ đi mất. Lãnh đạo Sở phải làm việc với lãnh đạo huyện để chỉ đạo phòng y tế, trạm y tế, công an vào cuộc thì tình hình mới êm, nhưng gần đây vẫn còn thông tin cho biết PK không phép đang hoạt động lại. Tình trạng PK hoạt động không phép cũng diễn ra ở H.Bình Chánh, Q.Bình Tân, Q.Thủ Đức… Thanh tra y tế còn gặp khó khăn trong công tác xử lý, mời đối tượng lên Sở làm việc nhưng họ không lên cũng không làm được gì, và cũng không có cách nào khác để cưỡng chế.

Đặt vấn đề, một PK muốn hoạt động được phải chuẩn bị nhiều ngày, tại sao chính quyền phường, xã không phát hiện được? Theo TS-BS Trạng, người dân cứ tưởng có treo bảng hiệu là có phép nên vào, còn địa phương không giám sát.

Khó khăn trong xử lý

Mức xử phạt vi phạm hành chính cho PK có hành vi hoạt động không phép là 60 triệu đồng (pháp nhân gấp đôi) theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14.11.2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. TS-BS Trạng cho rằng số tiền này đối với một cơ sở ở ngoại ô, nhỏ lẻ, mới hoạt động là cao nhưng đối với cơ sở hoạt động lâu dài, có bệnh nhân đến khám thường xuyên thì thấp, không tương xứng.

“Sắp tới chúng tôi phát huy thành quả từ sự vận động tố giác cơ sở hoạt động không phép của các bác sĩ hành nghề trong từng lĩnh vực (xem đây là hành động xây dựng môi trường hành nghề lành mạnh và là trách nhiệm của các bác sĩ), tạo điều kiện tra cứu thông tin trên trang web của Sở để mọi người có thể dễ dàng phát hiện cơ sở không phép. Dù số lượng xử lý không phép tăng lên có thể gặp phải sự đánh giá không tốt từ cấp trên (tại sao để không phép nhiều thế?) nhưng chúng tôi chủ trương công khai để người dân cùng giám sát, tích cực ngăn chặn. Với sự tích cực kiểm tra, phát hiện, xử lý, chúng tôi tin rằng hiện tượng này sẽ được đẩy lùi trong thời gian tới”, TS-BS Trạng nói.

TS-BS Trạng cho hay, Thanh tra y tế sẽ trình lãnh đạo Sở Y tế kiến nghị UBND TP.HCM giao nhiệm vụ quản lý địa bàn cho các địa phương, UBND quận huyện phải chỉ đạo phối hợp giữa phòng y tế, công an, đoàn thể… để sớm phát hiện và xử lý nghiêm PK không phép. Sẽ kiến nghị Bộ Y tế xem xét bổ sung chế tài, xử lý nặng các trường hợp đối phó, trốn tránh xử lý và cần thiết có thể thu giữ dụng cụ hành nghề của PK không phép, chuyển về kho làm cơ sở xử lý (nếu không đến làm việc sẽ tịch thu) (Thanh niên, trang 16).

 

Sẽ thả muỗi trừ sốt xuất huyết ra ngoại thành Nha Trang

Ngày 15-8, UBND tỉnh Khánh Hòa đã thống nhất di chuyển thả muỗi Wolbachia thuộc dự án “Hướng tới loại trực sốt xuất huyết tại VN” ra ngoại thành thuộc xã Vĩnh Lương (phía Bắc TP Nha Trang), thay vì trong nội thành như dự định ban đầu. Ông Lê Đức Vinh - chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết nguyên nhân di dời việc thả muỗi là vì tại cuộc họp với Ban quản lý dự án mới đây, thường trực UBND tỉnh thấy dự án có tồn tại nhiều vấn đề.

Theo đó, sau khi kết thúc ở đảo Trí Nguyên mãi đến tháng 5-2017, Cục Khoa học công nghệ và đào tạo của Bộ Y tế mới có văn bản đánh giá hiệu quả.

“Ngoài ra, đề tài lúc đầu triển khai ngoài đảo Trí Nguyên, có điều kiện dân số, khí hậu, phạm vi hoàn toàn khác ở đất liền nên khi triển khai ở Nha Trang cần nghiên cứu kỹ lại” - ông Vinh đề nghị.

Như Tuổi Trẻ đã đưa tin, theo kế hoạch, từ tháng 3-2017 sẽ thả lần lượt khoảng 1 triệu đến gần 1,4 triệu con muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia (vi khuẩn nội bào Wolbachia được xác định có khả năng ức chế được sự phát triển của virút Dengue trong muỗi vằn tự nhiên đang truyền bệnh sốt xuất huyết và Zika) tại bốn phường nội thành Nha Trang là Vĩnh Phước, Vĩnh Thọ, Vĩnh Trường và Phước Long.

Đó là các địa bàn có 56.000 dân cư thuộc 12.600 hộ đang sinh sống. UBND tỉnh Khánh Hòa chưa chấp thuận kế hoạch này vì chứng cứ khoa học để thả thử nghiệm chưa thuyết phục (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Học sinh mẩn ngứa, cay mắt nghi do thuốc diệt muỗi 

Ngày 15-8, đã có 7 em trong số hơn chục em học sinh Trường THCS Quang Trung, Q.Đống Đa, Hà Nội có dấu hiệu mẩn ngứa, cay mắt đến lớp trở lại. Trước đó, các em mắc triệu chứng trên được trường cho nghỉ học. Phía nhà trường cho biết vào chiều thứ sáu (11-8) có phun hóa chất diệt muỗi toàn trường, đến thứ hai (14-8) thì hơn10 em học sinh ở lớp 7G2 và 9A4 có triệu chứng ngứa tay, cay mắt, nghi do va quệt với lượng hóa chất diệt muỗi hôm trước còn lưu lại trên tường.

Đại diện nhà trường cũng cho biết sau khi xảy ra vụ việc, trường đã thông báo cho đơn vị phun thuốc. Đơn vị phun thuốc đã cử chuyên gia cùng bác sĩ hướng dẫn cho học sinh dùng nước muối tra mắt, dùng đá lạnh chườm vào những vị trí bị ngứa.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, cho biết hóa chất diệt muỗi có thể gây dị ứng cho nhiều trường hợp. Hầu hết các trường hợp đều nhẹ, sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn thì ít nhất sau khi phun thuốc khoảng 2-3 tiếng phải mở cửa phòng, lau chùi bề mặt bàn ghế, sàn nhà, phòng học để phòng tránh tốt nhất tác dụng phụ của thuốc (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Bộ trưởng Bộ Y tế làm việc tại Long An: Thực hiện nhiều giải pháp để giảm bệnh nhân vượt tuyến điều trị

Ngày 14.8, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế cùng đoàn công tác Bộ Y tế đã đi kiểm tra và làm việc tại Trạm Y tế xã Mỹ Quý Tây huyện Đức Huệ, Bệnh viện Đa khoa Long An và làm việc với Uỷ ban Nhân dân tỉnh Long An.

Mạng lưới y tế công lập trong tỉnh Long An hiện có 32 đơn vị trực thuộc Sở Y tế, trong đó tuyến tỉnh có 7 bệnh viện; tuyến huyện gồm 15 trung tâm Y tế; tuyến xã có 4 phòng khám đa khoa khu vực và 192 trạm y tế. Y tế tư nhân hiện tỉnh có 2 bệnh viện đa khoa, 13 phòng khám đa khoa tư nhân, hơn 400 cơ sở hành nghề y và số cơ sở hành nghề dược 1.873.

Bà Võ Thị Dễ - Phó Giám đốc Sở Y tế Long An cho biết, ngành y tế tỉnh Long An hiện đang tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Thực hiện hiệu quả đề án bệnh viện vệ tinh.Triển khai nhiều kỹ thuật mới tại bệnh viện Đa khoa Long An như thay khớp nhân tạo, phẫu thuật chấn thương sọ não, đặt máy tạo nhịp tim, phẫu thuật nội soi nhiều chuyên khoa. Tại một số trung tâm y tế đã thực hiện phẫu thuật nội soi, phẫu thuật phaco. Triển khai đặt máy chạy thận nhân tạo Bệnh viện Đa khoa Long An, 3 bệnh viện Đa khoa khu vực và Trung tâm y tế huyện Bến Lức…Toàn ngành y tế đã nỗ lực để nâng cao chất lượng các mặt công tác phục vụ sức khỏe người dân.

Theo bà Võ Thị Dễ bên cạnh đó ngành y tế tỉnh Long An cũng đang phải đương đầu với nhiều khó khăn thách thức như tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp có khả năng bùng phát; khi công nghiệp phát triển nhiều nên vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm còn gặp nhiều khó khăn. Long An tiếp giáp TP.HCM nên bệnh nhân vượt tuyến nhiều đã ảnh hưởng đến quỹ BHYT, bác sĩ dịch chuyển về TP.HCM nên dẫn đến thiếu bác sĩ.

Về tình trạng bệnh nhân vượt tuyến lên TP.HCM điều trị, bà Võ Thị Dễ nói rõ, Long An tiếp giáp TP.HCM nên bệnh nhân có BHYT vượt tuyến lên TP.HCM điều trị để được thanh toán 50% chi phí khi điều trị nội trú, ảnh hưởng nhiều đến quỹ BHYT. Cụ thể, chi phí điều trị của số bệnh nhân khám chữa bệnh nội tỉnh trong năm 2016 chỉ là 473 tỷ đồng trong khi chi phí điều trị của số bệnh nhân khám chữa bệnh ngoại tỉnh lên đến 519 tỷ đồng (chiếm 52%). Bà Dễ nhấn mạnh,với tỷ lệ bệnh nhân vượt tuyến nhiều, ảnh hưởng đến quỹ BHYT như hiện nay, sắp tới nếu một số các cơ sở y tế trong tỉnh tự chủ tài chính sẽ gặp nhiều khó khăn. Ông Võ Công Luận, giám đốc Bệnh viện Đa khoa Long An thừa nhận các cơ sở y tế tại Long An vẫn có khoảng cách với các cơ sở y tế tại TP. HCM về các kỹ thuật cao. Hiện người bệnh tại Long An có niềm tin và xu hướng tự vượt tuyến lên các cơ sở y tế TP. HCM điều trị.

Về việc thiếu bác sĩ, bà Võ Thị Dễ còn cho biết thêm hiện nay tỉnh tuyển được bác sĩ hệ chính quy rất khó khăn do bác sĩ cũng chuyển dịch về TP.HCM nhiều. Hiện trong tỉnh có 923 bác sĩ nhưng có đến hơn 50% số bác sĩ này chỉ được đào tạo liên thông.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, để người bệnh của tỉnh Long An không đổ dồn lên TP. HCM khám bệnh, các bệnh viện Đa khoa tỉnh, bệnh viện huyện phải tự nâng cao trình độ khám chữa bệnh. Ngành y tế tích cực thực hiện hiệu quả Đề án bệnh viện vệ tinh. Ngoài ra, tỉnh cần làm đề án để thu hút cán bộ chất lượng cao (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang