Phát hiện sai phạm tại các cơ sở sản xuất bánh trung thu
Chiều 15-9, Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm số 1 của thành phố Hà Nội do Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung làm trưởng đoàn đã có buổi kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu trên địa bàn quận Ba Đình. Qua kiểm tra, đoàn đã phát hiện sai phạm tại 2/3 số cơ sở.
Cụ thể, tại thời điểm kiểm tra tiệm bánh Nhọ Nồi, thuộc Công ty TNHH Nhọ Nồi (địa chỉ 144 phố Phó Đức Chính, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình), đơn vị này đã không xuất trình được các giấy tờ pháp lý liên quan, chưa có giấy phép hoạt động do Sở Công Thương Hà Nội cấp theo quy định.
Chủ cơ sở cho biết chỉ bán bánh Trung thu chứ không sản xuất bánh, nhưng đoàn kiểm tra đã phát hiện phía sau tiệm bánh là một khu sản xuất được "che đậy" khá tinh vi, nếu chỉ nhìn qua thì khó có thể phát hiện đây là khu sản xuất bánh. Việc kiểm tra cho thấy khu vực sản xuất không bảo đảm vệ sinh, bột bánh có kiến bu, nhân viên không có găng tay, bảo hộ lao động, nguyên liệu sản xuất, sản phẩm thành phẩm để lẫn lộn, nhãn mác sản phẩm không đúng theo quy định, dụng cụ làm bánh cáu bẩn...
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, từ nay đến Tết Trung thu, các đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố sẽ tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu. Ngoài việc kiểm tra, các đoàn sẽ lấy mẫu để xét nghiệm các chất bảo quản, phụ gia thực phẩm... Cơ sở có sai phạm sẽ bị xử lý nghiêm và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. (Hà Nội mới, trang 7)
Ra mắt địa chỉ bảo trợ khám chữa bệnh cho người nghèo toàn quốc
Sáng 15/9, tại TPHCM, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tổ chức lễ ra mắt Hội đồng bảo trợ Chữ thập đỏ.
Bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, cho biết Hội đồng ra đời tạo điều kiện tăng cường nguồn lực hỗ trợ cho người nghèo, người yếu thế trong xã hội. Đây cũng là nơi thực hiện các hoạt động cứu trợ khẩn cấp và trợ giúp nhân đạo, tìm kiếm tin tức thân nhân thất lạc trong chiến tranh, thiên tai, thảm họa. Hội đồng sẵn sàng tiếp nhận thêm các thành viên tự nguyện tham gia với mong muốn đóng góp thực hiện các hoạt động ý nghĩa cho cộng đồng.
Cũng theo bà Thu, Hội đồng bảo trợ Chữ thập đỏ là tổ chức tự nguyện nhằm khuyến khích sự tham gia trực tiếp và thường xuyên của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đối với hoạt động nhân đạo do Hội Chữ thập đỏ VN tổ chức.Thành viên của hội đồng hiện nay là lãnh đạo các cơ quan ban ngành, các doanh nghiệp, đoàn thể xã hội.Hội đồng bảo trợ Chữ thập đỏ do bà Nguyễn Thị Xuân Thu - Chủ tịch T.Ư Hội Chữ thập đỏ VN - làm chủ tịch. Các ông Bùi Sỹ Lợi, Hồ Quốc Nam, Nguyễn Tuấn Khởi là phó Chủ tịch hội đồng.
Dịp này, T.Ư Hội CTĐ VN giới thiệu chương trình “Vì bệnh nhân nghèo” với mục tiêu làm cầu nối giúp đỡ cho hàng nghìn bệnh nhân nghèo có điều kiện được chữa trị khỏe mạnh. (Tiền phong, trang 15)
Cùng chủ đề Báo Nhân dân trang 3: “Phát động chương trình “Vì bệnh nhân nghèo” ”
Học sinh mầm non nghi ngộ độc thức ăn, nhà trường không lưu mẫu
Trong 2 ngày 12 và 13-9, có 9 học sinh trường Mầm non Lại Yên (Hoài Đức, Hà Nội) bị rối loạn tiêu hóa, 5 trẻ phải nhập viện nghi ngộ độc thức ăn.
Sáng nay, 15-9, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội cho biết, đơn vị này đã phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra bếp ăn tại trường Mầm non Lại Yên, tìm nguyên nhân khiến nhiều trẻ học ở trường này bị rối loạn tiêu hóa nghi ngộ độc thực phẩm.
Trước đó, ngày 12-9, có 2 phụ huynh thông báo với Trường Mầm non Lại Yên về việc con mình có triệu chứng đi ngoài (4-5 lần/ngày), sốt sau khi khám tại trạm y tế và được gia đình điều trị tại nhà, nhiều trẻ khác phải vào điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức và Bệnh viện Nhi Trung ương.
Ngày 14-9, Chi cục VSATTP Hà Nội đã đến xác minh tại Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức và Bệnh viện Nhi Trung ương. Qua xác minh, từ 15h ngày 12 đến ngày 13-9 có 5 bệnh nhân là học sinh trường Mầm non Lại Yên đến khám tại 2 bệnh viện trên, được chẩn đoán rối loạn tiêu hóa, bệnh viện kê đơn điều trị tại nhà.
Sau khi điều tra sơ bộ vụ việc tại trường Mầm non Lại Yên, Chi cục VSATTP xác nhận, tổng cộng có 9 trường hợp rối loạn tiêu hóa nhẹ (nghi do ngộ độc thức ăn) trong đó 5 bệnh nhân đi viện và 4 bệnh nhân điều trị tại nhà. Hiện tại 7 cháu đã ổn định (ăn uống tốt, không sốt, không nôn, không đi ngoài phân lỏng) và được nuôi dưỡng tại nhà, 2 cháu còn lại dự kiến được ra viện trong tuần này. Chưa phát hiện thêm trường hợp mắc mới.
Đồng thời với việc xác minh tình trạng các cháu bé nghi ngộ độc, Chi cục ATVSTP Hà Nội cũng đã đến kiểm tra tại bếp ăn tập thể trường mầm non Lại Yên để điều tra nguyên nhân. Theo đó, bếp ăn do nhà trường tự nấu với tổng số 580 suất ăn/ngày. Qua kiểm tra, bếp ăn đủ điều kiện VSATTP theo quy định, tuy nhiên kho bếp không có giá kệ kê cao thực phẩm.
Đáng chú ý, thực đơn bữa trưa ngày 11-9 (bữa ăn nghi ngờ gây ngộ độc cho các học sinh) của trường Mầm non Lại Yên gồm: đậu phụ, thịt lợn viên mọc xốt cà chua, canh rau ngót nấu cua, sữa chua Ba Vì. Thực đơn bữa chiều ngày 11-9 gồm: cháo (thịt gà,thịt lợn, hạt sen, rau xanh); thực phẩm bổ sung Nutifood.
Tuy nhiên, mẫu thức ăn ngày 11-9 kể trên –nhà trường đã không còn lưu lại. Trong khi đó, theo quy định của Bộ Y tế, thời gian lưu mẫu thức ăn của các bữa ăn tập thể từ 30 suất trở lên tối thiểu 24 giờ, trong trường hợp nghi ngờ xảy ra ngộ độc thực phẩm hoặc có yêu cầu của cơ quan quản lý thì không được hủy mẫu lưu cho đến khi có thông báo khác.
Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục VSATTP Hà Nội cho biết, hiện đơn vị này đã đề nghị Phòng Y tế, Trung tâm Y tế, Phòng Giáo dục & Đào Tạo huyện Hoài Đức và UBND xã Lại Yên tiếp tục tăng cường công tác quản lý ATTP trên địa bàn, đặc biệt là bếp ăn tập thể tại các trường học. (An ninh Thủ đô, trang 1)
Trao những giọt xuân hồng cho mầm sống nở hoa
Nhằm phát huy truyền thống nhân đạo, tương thân tương ái, ngày 14-9, Đoàn thanh niên Cụm thi đua số 3, CATP Hà Nội đã phối hợp với Khoa vận động tổ chức hiến máu, Viện Huyết học truyền máu Trung ương tổ chức chương trình hiến máu tình nguyện 2017. Buổi hiến máu tình nguyện có sự tham gia đông đảo của các đoàn viên thanh niên của Cụm thi đua số 3.
Thượng tá Phạm Đình Phong, Bí thư Đảng ủy, Phó trưởng Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, đơn vị Cụm trưởng Cụm thi đua số 3 cho biết: “Ngày hội hiến máu tình nguyện thu hút được sự tham gia của hàng trăm đoàn viên thanh của Cụm thi đua số 3 - CATP Hà Nội.
Hoạt động này nhằm nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng và nghĩa cử cao đẹp của việc hiến máu tình nguyện; khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái sẵn sàng hiến máu vì đồng đội, vì cộng đồng cho các đoàn viên trong Cụm thi đua số 3. Bên cạnh đó, chúng tôi mong muốn những giọt máu tình nguyện này sẽ góp phần nhỏ bé giúp các bệnh nhân đang từng giờ, từng ngày cần được truyền máu có thêm động lực để vượt qua bệnh tật, thêm niềm tin, hy vọng vào cuộc sống.
Bày tỏ xúc động trước hành động ý nghĩa của các đoàn viên trong Cụm thi đua số 3, ông Phạm Tuấn Dương, Phó Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu Trung ương trân trọng cảm ơn những tấm lòng vàng, sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của lãnh đạo, đoàn viên Cụm thi đua số 3, CATP Hà Nội.
Ông Phạm Tuấn Dương nhấn mạnh, những giọt máu tình nguyện này vô cùng quý giá, sẽ giúp cho bệnh viện cũng như các bệnh nhân đang điều trị trong bệnh viện có thêm nguồn máu để bổ sung vào phác đồ điều trị sớm khỏe mạnh.
Phó Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu Trung ương bày tỏ mong muốn trong thời gian tới sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn nữa của các đoàn viên CATP Hà Nội nói riêng và người dân nói chung đối với phong trào hiến máu tình nguyện. (An ninh Thủ đô, trang 2)
Tiếp tục quá tải trẻ mắc bệnh hô hấp
Phòng cấp cứu chỉ có gần 20 giường bệnh nhưng mỗi ngày đang phải gồng gánh gần 30 trẻ đến cấp cứu, thở máy vì các bệnh hô hấp.
Đến hẹn lại lên, mùa mưa bắt đầu cũng là thời điểm trẻ mắc hô hấp nhập viện gia tăng. Tuy nhiên, khác với những năm trước, tình hình trẻ mắc hô hấp năm nay phức tạp hơn, đa phần các bệnh nhi đều khá nhỏ tuổi và có rất nhiều trẻ dưới 12 tháng tuổi phải chống chọi với tình trạng vừa bệnh nặng vừa quá tải.
Từ đầu tháng 9 đến nay, khoa Hô hấp Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 luôn trong tình trạng trẻ phải nằm ghép 2-3 trẻ/giường, có giường phải gồng đến năm trẻ mới có thể hạn chế được các bé nằm ngoài hành lang. Trong đó, số ca nhập viện do bệnh hô hấp trong tháng 8 và 9 đã tăng gấp 2-3 lần so với tháng 7. Trong khi đó, mặc dù phòng cấp cứu BV Nhi đồng 2 chỉ có 20 giường bệnh nhưng có những ngày có tới 30 trẻ phải cấp cứu, thở máy.
Gần 11 giờ sáng 13-9, khoa Hô hấp đông nghẹt bệnh nhi, từ trong phòng ra ngoài hành lang đến khu vực thở máy đều khá chật hẹp. Mặc dù đã đặt thêm bàn khám ở hành lang khu ngoài nhưng số bệnh nhân đến khám vẫn phải xếp hàng chờ khá lâu.
Đưa con từ Cần Giuộc (Long An) lên BV Nhi đồng 1 đã hơn năm ngày, chị Lê Thị Diệp Chi tâm sự con mới bảy tháng tuổi, mấy ngày đầu ở nhà phát sốt, sau đó ho dữ dội. Lúc vào BV, bác sĩ khám rồi làm mấy cái xét nghiệm xong nói cháu bị viêm phổi. “Tui nghe sợ quá, giờ bác sĩ dặn gì làm theo nấy, mong con hết bệnh. Nhưng mà phải nằm ngoài hành lang năm ngày rồi, nắng mưa gì cũng tìm cách chống cho con, sợ ô nhiễm. Chỉ mong mau mau có giường rồi vô trong nằm cho cháu sớm hồi phục chứ không kiểu này xót quá” - chị Chi nói.
Theo BS Nguyễn Hoàng Phong, Trưởng khoa Hô hấp BV Nhi đồng 2, từ đầu tháng 8 đến nay khoa Hô hấp BV tiếp nhận hơn 10.000 lượt bệnh nhân đến khám. Dự báo bệnh hô hấp còn tiếp tục kéo dài đến tháng 11 và đỉnh của dịch bệnh có thể vào tháng 10 tới. Trong số khoảng 300 trẻ điều trị các bệnh hô hấp, trong đó có khoảng 30% là trẻ em dưới 12 tháng tuổi.
Tại khoa Hô hấp 1 của BV này, nếu như số giường chỉ có gần 198 giường (kể cả các chiếu, giường xếp ngoài hành lang) thì lượng bệnh nhân nằm tại đây đã là 254 bé. Còn tại khoa Hô hấp 2 chỉ có 90 giường bệnh nhưng số bệnh nhi nằm BV trong ngày lên tới 130 bệnh nhi, rất nhiều bé phải nằm ghép, được cha mẹ bồng trên tay để thở ôxy.
Vất vả hơn so với nhiều bệnh nhi khác, gia đình anh Phạm Phú Quý (Bà Rịa-Vũng Tàu), khoa Hô hấp BV Nhi đồng 2 TP.HCM, ngao ngán khi mọi sinh hoạt của con mình gói gọn trong một góc cầu thang. Người đi lên đi xuống, đủ thứ ô nhiễm nên gia đình lo lắng không biết khi nào con mình mới khỏe. “Bé bị nặng chứ không phải nhẹ, bác sĩ chẩn đoán viêm tiểu phế quản, suy hô hấp dẫn đến nhiều biến chứng, phải thở máy thường xuyên. Mỗi lần bé thở máy phải bồng trên tay, thay phiên nhau mỗi người một chút, cực không tưởng tượng được. Thực ra chúng tôi có giường nhưng bốn đứa một giường, các bé kia còn nhỏ quá nên nhà tôi đành nhường rồi ra cầu thang” - anh Quý nói.
Để tránh mắc các bệnh hô hấp và vào BV quá tải như hiện nay, việc đầu tiên các bậc cha mẹ cần làm chính là đề phòng bệnh ngay từ ban đầu. Các phụ huynh cần lưu ý khi trẻ có các dấu hiệu ho, sổ mũi, khó thở thì nên đưa đến các bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn, điều trị kịp thời, tránh trường hợp để ở nhà tự điều trị, sử dụng thuốc tự mua bên ngoài dễ khiến bệnh nặng hơn.
Tránh tác động xấu từ bên ngoài vào trẻ như mưa, gió lùa và phải mặc ấm cho trẻ. Không nên để trẻ nhỏ tiếp xúc với người lớn mắc bệnh cho dù chỉ bị cảm, ho, sổ mũi thông thường. Khi trời nóng nên sử dụng máy lạnh, quạt máy hợp lý, không để luồng gió quạt máy, máy lạnh thổi thẳng vào người trẻ.
Trước tình hình quá tải trẻ hô hấp trên, BS Trần Tuấn Anh, Trưởng khoa Hô hấp BV Nhi đồng 1, khuyến cáo mỗi trẻ mắc bệnh hô hấp nên được cha mẹ và nơi điều trị tạo khoảng không gian riêng tránh lây nhiễm bệnh chéo. Mặc dù biết được như vậy nhưng tình trạng quá tải lại chống lại quy tắc điều trị hiện nay. (Pháp luật TPHCM, trang 13)
Giả danh thầy thuốc lừa đảo, chiếm đoạt tiền tỷ
Ngày 15-9, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã ra cáo trạng truy tố bị can Bùi Văn Tiến, 38 tuổi, trú tại thị trấn Chi Nê, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình về tội “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 139, Bộ luật Hình sự.
Cáo trạng nêu, bản thân Tiến không có nghề nghiệp nhất định, ra Hà Nội thuê nhà ở, thường xuyên la cà tại những khu vực công cộng như những bến xe, bến tàu, quán nước…
Tại đây, Tiến luôn giả danh mình là thầy thuốc đang công tác tại Bệnh viện Y học cổ truyền Việt Nam, khi thì tự nhận mình đang công tác tại Bệnh viện 19-8, Bộ Công an, hiện đang sở hữu hiệu thuốc đông y Tiến Đức, có quen biết nhiều cán bộ lãnh đạo trong ngành Công an.
Qua những câu chuyện tầm phào đã làm cho người nghe tin lời Tiến nói là thật, qua đó, Tiến đã gây được lòng tin. Để có tiền tiêu xài và trả nợ, Tiến gợi ý với một số người quen biết ngoài xã hội, nếu ai có nhu cầu cho con em vào học, làm việc trong ngành Công an, kinh doanh dược liệu thì Tiến sẽ giúp đỡ, mục đích để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của số người này.
Bằng thủ đoạn nêu trên, trong thời gian từ tháng 5-2015 đến tháng 11-2015, Tiến đã chiếm đoạt của 11 người bị hại trú tại TP Hà Nội và tỉnh Hòa Bình với tổng số tiền gần 5,1 tỷ đồng, đã sử dụng hết vào mục đích cá nhân. Trong số 11 bị hại, đáng chú ý, ngày 27-5-2015, Tiến đã nhận của anh Huỳnh Văn C, trú tại quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội 455 triệu đồng để chạy cho mấy đứa cháu của anh C ở quê vào học cao học tại Học viện Cảnh sát, trường trung học Cảnh sát, đại học Công an…
Tiến đưa ra mức giá tiền tùy theo từng loại trường khác nhau. Sau khi Tiến nhận số của anh C thì tắt điện thoại, không liên lạc được. Cũng bằng thủ đoạn tương tự, ngày 22-9-2016, Tiến nhận của anh Phạm Quang H, trú tại huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình 400 triệu đồng và của chị Bùi Thị H, trú tại quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội 250 triệu đồng…
Ngoài ra, Tiến còn giả danh là chủ nhà thuốc đông dược Tiến Đức tại quận Bắc Từ Liêm, có xưởng sản xuất ép là thành cao của cây tầm gửi và rủ bị hại góp vốn để cùng mua nguyên liệu, dược liệu bán cho Bệnh viện Y học cổ truyền. Trong thời gian từ tháng 7-2015 đến tháng 10-2015, anh Lưu Văn B đã giao cho Tiến 950 triệu đồng để cùng kinh doanh dược liệu. Sau khi nhận số tiền của anh B, Tiến hứa hẹn nhiều lần nhưng không thực hiện và đã chiếm đoạt số tiền này. Thủ đoạn lừa đảo “chạy trường” Công an, tuy đã được cảnh báo nhưng vẫn có nhiều người nhẹ dạ cả tin giao tiền cho kẻ xấu. (Công an Nhân dân, trang 5)
Lần đầu tiên tại Việt Nam cả 2 vợ chồng mang bệnh di truyền Thalassemia sinh con khỏe mạnh
Sáng nay 15-9, Bệnh viện Phụ sản Trung ương công bố, lần đầu tiên tại Việt Nam đã có một cặp vợ chồng mang gen bệnh di truyền Thalassemia thụ tinh ống nghiệm sinh được con hoàn toàn khỏe mạnh, không mang gen bệnh.
Sáng nay, 15-9, Bệnh viện Phụ sản Trung ương công bố, lần đầu tiên tại Việt Nam đã có một cặp vợ chồng mang gen bệnh di truyền Thalassemia thụ tinh ống nghiệm sinh được con hoàn toàn khỏe mạnh, không mang gen bệnh.
GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh sản quốc gia cho biết, đây là lần đầu tiên tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cũng là lần đầu tiên tại Việt Nam đã tiến hành thành công kỹ thuật chẩn đoán di truyền trước chuyển phôi (PGD) trong thụ tinh ống nghiệm, loại trừ bệnh lý di truyền tan máu bẩm sinh (Thalassemia).
Cặp vợ chồng đầu tiên được thực hiện thành công kỹ thuật này là chị Hồ Y.T (38 tuổi, dân tộc Giê Triêng, Gia Lai) và chồng là a Nguyễn Văn Th. (36 tuổi), cả 2 đều là bệnh nhân Thalassemia. Trước đó, chị Y.T đã 2 lần phải đình chỉ thai nghén vào năm 2012 và 2014, khi đang mang thai ở tuần 23-24 vì bị phù thai – một biến chứng cho con do Thalassemia gây ra.
Giữa năm 2016, bệnh nhân đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương khám, làm chẩn đán trước sinh và sau đó được làm thụ tinh ống nghiệm vào tháng 12-2016. Tháng 1-2017, bệnh nhân được sàng lọc 7 phôi, trong đó có 3 phôi mang gen bệnh Thalassemia, 2 phôi bình thường được chuyển và cho kết quả có 1 thai, hiện được 38 tuần.
Vì thế, sáng nay, 15-9, chị Y.T đã được mổ lấy thai và sinh một cô con gái khỏe mạnh, không mang gen bệnh Thalassemia.
GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế trực tiếp tham gia ca mổ lấy thai này. Theo ông Tiến, việc thực hiện thành công kỹ thuật PGD trong thụ tinh ống nghiệm, loại trừ bệnh tan máu bẩm sinh đã cho các cặp vợ chồng mang gen bệnh có cơ hội mang thai và sinh con khỏe mạnh, bình thường.
“Đây được đánh giá là bước tiến mới trong kỹ thuật hỗ trợ sinh sản kết hợp với chẩn đoán trước sinh, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc” - Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến chia sẻ. (An ninh Thủ đô, trang 2)
Cùng chủ đề Báo Nhân dân trang 5: “Thực hiện thành công kỹ thuật chẩn đoán di truyền trước chuyền phôi”