Kỳ 2: Kỳ quái hai chị em ruột đều bị cắt bỏ tử cung ở Bắc Giang: Bệnh viện Sản Nhi trả lời vòng vo, thiếu thuyết phục
Sau sự cố của hai chị em ruột Lê Thị Vịnh và Lê Thị Nhị bị cắt bỏ tử cung với một quy trình giống nhau đến kỳ quái của Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang. Gia đình cũng đã nhiều lần làm đơn gửi các cơ quan chức năng đề nghị làm rõ trách nhiệm của các y-bác sĩ ca trực. Đồng thời đặt ra nghi ngờ do trình độ chuyên môn kém của các y-bác sĩ này nên dẫn đến sự việc đau lòng của con cháu mình. Tuy nhiên, sau một thời gian dài, đến nay Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang vẫn trả lời vòng vo, thiếu thuyết phục. Trình độ, năng lực còn hạn chế
Theo thông báo số 190/TB-UBND tỉnh Bắc Giang ngày 3.9.2015 về việc kết quả giải quyết tố cáo do ông Lại Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - ký, trả lời bà Hà Thị Thuý Liên (SN 1952) trú tại đường Á Lữ, phường Trần Phú, TP.Bắc Giang, là mẹ chồng chị Vịnh. Trong phần kết luận của bản thông báo nêu rõ: Sở Y tế yêu cầu ông Đinh Văn Thành - Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi - nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm về việc chưa tích cực giải quyết đơn thư. Ông Thân Ngọc Bích - Trưởng khoa Phụ sản - xử lý bằng hình thức, không phân trực lãnh đạo và quyết định yêu cầu ông Bích phải đi học nâng cao trình độ chuyên môn. Ông Đào Xuân Hiền - Trưởng khoa Hỗ trợ sinh - là bác sĩ trực cột I của kíp trực bị đình chỉ trực cột 1 do trình độ năng lực còn hạn chế chưa, đáp ứng được yêu cầu chuyên môn theo chức năng nhiệm vụ được phân công.
Đối với ông Hà Ngọc Đại - bác sĩ Khoa phụ, trực cột 2 - do phát hiện các triệu chứng, ra y lệnh còn chưa toàn diện, chưa phù hợp với diễn biến bệnh lý của sản phụ, nên phê bình trước toàn bệnh viện.
Về nội dung: “Việc bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang chẩn đoán nhầm lẫn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng đối với sản phụ Lê Thị Vịnh nhưng không được bồi thường và có ý kiến xin lỗi gia đình”. Qua kiểm tra, xem xét và xác minh thấy nội dung này chưa được Giám đốc Sở Y tế xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Trong mục xử lý và kiến nghị cũng nên rõ: “Yêu cầu Giám đốc Sở Y tế xem xét, kết luận nội dung liên quan đến việc bồi thường và có ý kiến xin lỗi gia đình. Kết quả trả lời công dân và báo cáo Chủ tịch UBND theo quy định.
Trao đổi với chúng tôi, bà Hà Thị Thuý Liên cho biết: “Là mẹ chồng của chị Vịnh, con cái còn làm ăn nên con dâu uỷ quyền cho tôi để đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang trả lời, làm rõ việc có hay không trình độ chuyên môn kém của các y-bác sĩ ca trực làm cháu nội tôi chết, con dâu tôi không còn khả năng sinh nở. Tuy nhiên, việc trả lời của các cơ quan chức năng đến giờ vẫn vòng vo, thiếu thuyết phục”.
Cụ thể, theo như bà Liên thì thông báo của UBND tỉnh nội dung cũng không khác gì so với thông báo của Sở Y tế Bắc Giang trước đó. Họ đều khẳng định do trình độ, chuyên môn của y-bác sĩ còn hạn chế, phải đi học, đào tạo lại nhưng lại không làm rõ trách nhiệm cụ thể. Ông Đào Xuân Hiền là một Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản mà sản phụ ra huyết lại đoán là đau ruột thừa. Hay những người làm chứng là sản phụ lại không biết sản phụ là ai. Còn theo kết luận của hội đồng chuyên môn “Đây là căn bệnh khó hiếm gặp, không có dấu hiệu doạ vỡ nên khó chẩn đoán. Kết quả xét nghiệm bạch cầu tăng cao nên dẫn đến chẩn đoán nhầm với bệnh viêm ruột thừa. Kíp trực chưa đủ kinh nghiệm để chẩn đoán xác định bệnh của bệnh nhân…”.
Và mãi đến ngày 31.3.2016, Sở Y tế mới có công văn số 379/SYT-TTr về việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại thông báo số 190 ngày 3.9.2015 do ông Ong Thế Viên - Giám đốc - ký, gửi Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang. Với nội dung bà Liên không cung cấp được thông tin, tài liệu gì mới so với nội dung đã gửi trước nên Bệnh viện Sản Nhi giữ nguyên nội dung trả lời trước đây. Đề nghị của bà Liên đòi bồi thường, khắc phục hậu quả đối với sản phụ và thai nhi bị tử vong, bệnh viện không đáp ứng được yêu cầu của bà Liên.
Tuy nhiên, ngay phía dưới lại có nội dung: “Giám đốc Sở Y tế Bắc Giang chỉ đạo Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi cùng các nhân viên kíp trực ngày 19.8.2014 động viên, chia sẻ cùng gia đình sản phụ Lê Thị Vịnh”.
Đề nghị “chia sẻ” 50 triệu đồng
Sau rất nhiều lần đi lại, đơn từ đến ngày 29.8.2016, mẹ con bà Liên được ông Hoàng Văn Xuân - Thanh tra Sở - mời lên phòng tiếp dân của Sở Y tế, đến đây bà mới được đưa giấy mời và nội dung buổi làm việc. Ngay sau khi vào phòng cùng với Lê Công Tước, Nguyễn Tú Tuyến (Bệnh viện Sản Nhi). Bà Liên kể lại: “Ngay sau đó ông Xuân đề nghị mọi người tắt điện thoại không ghi âm buổi làm việc. Một biên bản được lập trong đó có ghi gia đình nhận 50 triệu do anh em kíp trực chia sẻ và cam kết không khiếu kiện tiếp. Sau đó yêu cầu tôi ký tên, tôi đã ghi rõ: “Tôi chưa nhận tiền mà đã bắt tôi ký cam kết”. Sau đó, ông Tước, ông Tuyến, ông Xuân đi ra ngoài lập một biên bản khác đề nghị tôi ký lần 2 nhưng tôi không ký, còn biên bản lập trước đó thì bị ông Xuân xé ngay trước mặt mẹ con tôi”.
Vụ việc của chị Lê Thị Vịnh đã qua 2 năm còn chưa được làm rõ, thì lại xảy ra vụ việc của chị Lê Thị Nhị. Vì ở Lạng Giang xa thành phố hàng chục cây số nên chị Nhị đã làm đơn uỷ quyền cho bà Liên (mẹ chồng chị gái) đứng đơn gửi các cơ quan chức năng. Sau khi làm đơn gửi Sở Y tế Bắc Giang ngày 25.5.2016 thì sau hơn 2 tháng, đến ngày 9.8.2016 Bệnh viện Sản Nhi mới có công văn số 56/TB-BVSN thông báo kết quả giải quyết tố cáo do Giám đốc Đinh Văn Thành ký.
Một lần nữa bà Liên và mọi người trong gia đình thất vọng trước cách trả lời thờ ơ, vòng vo của Bệnh viện Sản Nhi. Dù khẳng định kíp trực đều là các bác sĩ có trình độ sau đại học. Bác sĩ CKII Hoàng Thị Thuý Vinh, BS CKII Nguyễn Thị Thanh Thuỷ, BS CKI Tạ Thị Hợp… nhưng nhóm bác sĩ này chưa có kinh nghiệm chuyên môn, chưa gặp trường hợp tương tự trong quá trình hành nghề đã có chẩn đoán chưa chính xác nên xử trí chuyển bệnh nhân sang bệnh viện đa khoa tỉnh.
Đây là trường hợp cấp cứu nên các bác sĩ hướng dẫn sang bệnh viện đa khoa là đúng theo quy định. Song về thủ tục hành chính còn thiếu khi chuyển tuyến là không ghi giấy chuyển cho bệnh nhân theo quy định. Bác bỏ kết luận này, bà Liên cho rằng trong phiếu siêu âm, xét nghiệm đều ghi rõ bệnh nhân cấp cứu lại bảo không phải trường hợp cấp cứu là vô lý.
Chính bác sĩ Tạ Thị Hợp có nói với người nhà bệnh nhân là “Xuống bệnh viện đa khoa tỉnh khám, nếu bệnh của sản nhi thì quay trở lại Bệnh viện Sản Nhi điều trị”. Nhưng khi đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh lại là bệnh sản nhi. Ngay trong phần kết luận cũng ghi: “Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã phối hợp với Bệnh viện Sản Nhi để phẫu thuật. Đây là bệnh lý vỡ tử cung ở tuổi thai 14 tuần… và dù ở bệnh viện nào thì bệnh nhân cũng phải mổ”.
Trong phần xử lý cũng nêu rõ: Giám đốc bệnh viện ra văn bản nhắc nhở lần đầu đối với các bác sĩ chuyển tuyến khám cho người bệnh mà chưa làm thủ tục. Các bác sĩ khám cho sản phụ Lê Thị Nhị phải trực tiếp xin lỗi người bệnh và gia đình. Xếp công loại V thu nhập 1 tháng đối với 2 BS CKII Hoàng Thuý Vinh và Nguyễn Thị Thanh Thuỳ.
Tuy nhiên, trao đổi với chị Lê Thị Nhị, cho đến thời điểm hiện tại chị vẫn chưa một lần thấy các bác sĩ bệnh viện có ý kiến hay thông tin gì với mình. Ông Lê Công Tước và ông Nguyễn Tú Tuyến nhiều lần hẹn nhưng không thấy xuống.
Trao đổi với ông Lê Công Tước - Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang - về 2 trường hợp hy hữu trên, được ông lý giải: “Trường hợp của sản phụ Lê Thị Nhị, bên bệnh viện đa khoa có điện cho tôi, tôi đã yêu cầu BS Đào Xuân Hiền sang phối hợp mổ cho bệnh nhân. Dù ở bệnh viện nào thì bệnh nhân cũng phải mổ và đã không gây hậu quả đối với người bệnh. Trường hợp của chị Lê Thị Vịnh cũng vậy. Chúng tôi không làm sai mà chỉ do trình độ năng lực của các bác sĩ còn hạn chế trước những ca bệnh hiếm gặp, nên bệnh viện không có trách nhiệm bồi thường mà chỉ động viên, chia sẻ”. Còn việc ông lên nhà chị Nhị chỉ là để xác minh xem có đúng chị Nhị uỷ quyền cho bà Liên không? *Lao động (trang 9):
Sở Y tế yêu cầu giải trình vụ đấu thầu tại BV Nhi đồng TP.HCM
Sáng 16.9, sau khi Thanh Niên đăng bài Đấu thầu bất thường tại BV Nhi đồng TP.HCM, PGS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP đã triệu tập cuộc họp với ban quản lý, các cá nhân và phòng chức năng liên quan. Ông Bỉnh yêu cầu ngay trong ngày Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình y tế (gọi tắt là BQL) phải có giải trình những vấn đề Thanh Niên nêu.
Trước đó, lãnh đạo Sở Y tế đã chỉ đạo, yêu cầu thực hiện nghiêm túc đấu thầu trang thiết bị y tế, đặc biệt là vấn đề điều chỉnh cấu hình, tính năng kỹ thuật của thiết bị. Sở Y tế đánh giá tiến độ các gói thầu trang thiết bị rất chậm, do hồ sơ mời thầu phải chỉnh sửa cấu hình, kỹ thuật và gia hạn nộp hồ sơ nhiều lần. Nguyên nhân là vì năng lực của tư vấn trang thiết bị và BQL còn nhiều hạn chế. Ông Bỉnh yêu cầu chấn chỉnh năng lực hồ sơ mời thầu của đơn vị tư vấn. Nếu để xảy ra tình trạng phải điều chỉnh hồ sơ mời thầu liên quan đến cấu hình, tính năng kỹ thuật của thiết bị, BQL phải chịu trách nhiệm.
Trả lời Thanh Niên cùng ngày, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu khẳng định: “TP vẫn nhất quán chủ trương chú trọng đặc biệt đến chất lượng trang thiết bị y tế để đảm bảo khám chữa bệnh tốt nhất cho người dân. Việc BQL tự ý thay đổi, khi có báo cáo cụ thể của Sở Y tế, Thường trực UBND TP sẽ có hướng xử lý nghiêm, đúng theo quy định pháp luật. Kiểm tra phát hiện ai vi phạm thì người đó sẽ bị xử lý”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thượng Võ, Giám đốc BQL - cho biết vừa hủy gói thầu cung cấp và lắp đặt thiết bị chống nhiễm khuẩn và sẽ mời đấu thầu lại vì hồ sơ nhà thầu chưa đúng. (Thanh niên (trang 4).
Một người Đài Loan nhiễm Zika sau khi trở về từ Việt Nam
Ngày 16.9, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết cơ quan đầu mối thực hiện điều lệ y tế quốc tế Đài Loan, Trung Quốc vừa thông báo về việc ghi nhận một nam giới 63 tuổi, người Đài Loan nhiễm vi rút Zika sau khi tham dự đám cưới của con trai tại VN trong khoảng thời gian từ 28.8 - 4.9.2016. Đám cưới con trai bệnh nhân người Đài Loan được tổ chức tại một khách sạn ở TX.Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.
Cục Y tế dự phòng đã đề nghị Sở Y tế tỉnh Trà Vinh điều tra, xác minh ổ dịch, véc tơ truyền bệnh tại khu vực bệnh nhân người Đài Loan lưu trú trong thời gian ở Trà Vinh cũng như các khu vực xung quanh để phát hiện sớm các ca nghi ngờ; lấy mẫu gửi về Viện Pasteur TP.HCM xét nghiệm chẩn đoán xác định, đồng thời triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch. (Thanh niên (trang 4), Công an nhân dân (trang 2), Nhân dân (trang 8), Tiền phong (trang 15), Hà Nội mới (trang 1), Sài gòn giải phóng (trang 1):
Khắc phục tiếng ồn xung quanh Trung tâm y tế Hòa Hảo
Về tiếng ồn, tại thời điểm 4 giờ sáng, độ ồn vượt ngưỡng cho phép. Hòa Hảo đã khắc phục di chuyển 24 máy lạnh và tiến hành xây tường bao quanh để giảm tiếng ồn. Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh vừa có công văn gửi Thành ủy, UBND TP.HCM báo cáo về việc giải quyết khiếu nại của các hộ dân tổ dân phố 35 (KP.2, P.4, Q.10) về hoạt động của Công ty TNHH y tế Hòa Hảo (gọi tắt là Hòa Hảo).
Người dân nghi ngờ hoạt động của Hòa Hảo có sử dụng các máy cộng hưởng từ (MRI) có thể gây phóng xạ làm nguy hiểm đến cộng đồng xung quanh và gây tiếng ồn, đồng thời Hòa Hảo sử dụng máy lạnh gắn các dàn nóng bên ngoài làm tăng nhiệt độ, ảnh hưởng đến các nhà dân lân cận.
Trung tâm sức khỏe lao động và môi trường TP đã tiến hành đo đạc các thông số về môi trường xung quanh Hòa Hảo. Về bức xạ ion hóa và điện từ trường cho thấy hoàn toàn trong giới hạn cho phép theo tiêu chuẩn về quản lý an toàn và tiêu chuẩn môi trường lao động của Bộ Y tế.
Về nhiệt độ không có chênh lệch đáng kể so với nhiệt độ ngoài trời cùng thời điểm. Về tiếng ồn, tại thời điểm 4 giờ sáng, độ ồn vượt ngưỡng cho phép. Hòa Hảo đã khắc phục di chuyển 24 máy lạnh và tiến hành xây tường bao quanh để giảm tiếng ồn. Kết quả đo đạc lại lần 2 của Trung tâm sức khỏe lao động và môi trường TP thì tiếng ồn đều trong giới hạn cho phép. (Thanh niên (trang 4).
Số người mắc bệnh đau mắt đỏ đang gia tăng
Những ngày qua, đã xuất hiện nhiều trường hợp bị đau mắt đỏ ở một số địa phương và số người mắc đang tiếp tục gia tăng. Một số trường hợp do tự điều trị ở nhà không đúng cách, đã dẫn đến bị nặng, phải nhập viện điều trị. Mỗi ngày, có từ 1.800 đến 2.000 người đến đây khám và điều trị. Ở Khoa Mắt của nhiều bệnh viện, số người khám và nhập viện cũng tăng cao.
Trước tình hình này, chiều 16-9, Cục Y tế dự phòng đã đưa ra các khuyến cáo để người dân hiểu về bệnh đau mắt đỏ, nhằm tránh bị lây lan thành dịch vì bệnh rất dễ mắc nhưng lại chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.
Nguyên nhân chủ yếu của bệnh đau mắt đỏ là do virus Adenovirus, hoặc vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu, phế cầu gây ra. Bệnh thường gặp vào mùa hè đến cuối mùa thu, khi thời tiết từ nắng nóng chuyển sang mưa, độ ẩm không khí cao, khi giao mùa… là những thời điểm mà cơ thể con người, nhất là những người nhạy cảm với thời tiết dễ bị mệt mỏi, hệ thống miễn dịch yếu nên dễ bị nhiễm bệnh.
Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, có thể nhận biết bệnh đau mắt đỏ qua các biểu hiện mắt đỏ và có ghèn. Người bệnh thường đỏ một mắt trước, sau đó lan sang mắt thứ hai. Người bị bệnh cảm thấy khó chịu ở mắt, sau đó cộm như có cát trong mắt, buổi sáng ngủ dậy hai mắt khó mở do nhiều dử dính chặt, dử mắt có thể có màu xanh hoặc màu vàng tùy tác nhân gây bệnh.
Bác sĩ khuyến cáo: Khi bị bệnh đau mắt đỏ, người bệnh cần lau rửa ghèn, dử mắt ít nhất 2 lần/ngày bằng khăn giấy ẩm hoặc bông và không sử dụng lại. Không tra vào mắt lành thuốc nhỏ của mắt đang bị nhiễm khuẩn. Tránh khói bụi và nên đeo kính mát cho mắt. Người bệnh cần được cách ly, không tự ý mua thuốc nhỏ mắt, cũng không dùng thuốc nhỏ mắt của người khác.
Những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đau mắt đỏ cần phải đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng. Tuyệt đối không đắp các loại lá vào mắt như là trầu, lá dâu... (Công an nhân dân (trang 2).
Hỗ trợ quốc tế ngăn chặn các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam
Từ ngày 12 đến 16-9, Đoàn công tác liên cơ quan Liên hợp quốc (UNIATF) về Phòng chống các Bệnh Không lây nhiễm đã làm việc tại Việt Nam, nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực ngăn chặn các bệnh không lây nhiễm.
Đoàn công tác bao gồm các đại diện từ các tổ chức: Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Trong chuyến công tác tại Việt Nam, Đoàn đã nghe lãnh đạo các bộ ngành và các đại biểu Quốc hội nói về tác động của kinh tế - xã hội đối với các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam. Thứ trưởng Y tế Việt Nam, GS TS. Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam cam kết ngăn chặn các ca tử vong sớm do bệnh không lây nhiễm. Phòng chống các bệnh không lây nhiễm đòi hỏi sự hợp tác của tất cả các ban ngành và các đối tác phát triển.
Đoàn công tác đã chứng kiến cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc tăng cường tiếp cận chăm sóc sức khỏe toàn dân và đã có nhiều tiến bộ vượt bậc. Tuy nhiên, hiện vẫn còn gần một phần tư dân số không có bảo hiểm y tế. Đoàn công tác đã thấy bằng chứng về cam kết của Việt Nam trong việc giải quyết các bệnh không lây nhiễm thông qua Chiến lược quốc gia phòng chống các bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015-2025, và các hành động đa ngành hiệu quả mà điển hình là trong lĩnh vực kiểm soát thuốc lá. Thông qua thực thi Luật và Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá đã giúp làm giảm đáng kể tỷ lệ hút thuốc ở nam giới đô thị.
Đoàn công tác đã khuyến cáo một kế hoạch cụ thể để ứng phó với các bệnh dịch không lây nhiễm, thông qua một nhóm các biện pháp can thiệp đã được chứng minh là có hiệu quả cao. Các can thiệp chủ yếu bao gồm tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá lên ít nhất 70% giá bán lẻ, và thực thi đầy đủ Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá. Đoàn công tác cũng khuyến cáo Việt Nam sớm xây dựng luật phòng chống tác hại của rượu bia.
Đoàn công tác đã đến tỉnh Hà Nam tham quan mô hình quản lý các bệnh không lây nhiễm ở các trạm y tế. “Chúng tôi đã quan sát một dự án thí điểm do Chính phủ và WHO hỗ trợ. Chúng ta cần học hỏi từ kinh nghiệm này và bảo đảm các trạm y tế và các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu khác trên khắp cả nước có thể quản lý các bệnh nhân tăng huyết áp và đái tháo đường”, Bác sĩ Warrick Junsuk Kim, Văn phòng WHO khu vực Tây Thái Bình Dương phát biểu. Ông cho biết thêm: “Điều quan trọng là tất cả những người có nguy cơ bệnh tim mạch cao được tiếp cận thuốc và tư vấn để phòng nhồi máu cơ tim và đột quỵ, giảm thiểu khả năng tử vong sớm”.
Đoàn công tác nhấn mạnh, nguồn thu từ thuế thuốc lá là nguồn lực tài chính đáng kể để đáp ứng với các bệnh không lây nhiễm và khuyến nghị thiết lập một Quỹ Nâng cao Sức khỏe cộng đồng, trên cơ sở Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá Việt Nam.
Đoàn công tác đã thảo luận các bước tiếp theo với Chính phủ nhằm tăng cường sự phối hợp đa ngành và tăng cườngcông tác phòng chống các bệnh không lây nhiễm trên cả nước.
Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, các bệnh không lây nhiễm là một trong những trọng tâm của Các mục tiêu phát triển bền vững. Đạt được các mục tiêu về phòng chống các bệnh không lây nhiễm sẽ thúc đẩy toàn bộ Chương trình nghị sự phát triển năm 2030, vì bệnh không lây nhiễm cũng gây ra đói nghèo, và làm tăng sự bất bình đẳng xã hội. Liên hợp quốc cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam mở rộng quy mô đáp ứng đối với phòng chống các bệnh không lây nhiễm. (Nhân dân (trang 5).
Người chống lại thần chết
Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai) được ví như nơi đầu sóng ngọn gió, bởi chuyên tiếp nhận những bệnh nhân nặng nhất chuyển từ các khoa khác đến. GS.TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa, là người đã chèo lái con thuyền với sứ mệnh cứu người vượt qua bao bão tố. Nhắc đến ông, nhiều thế hệ bác sĩ đều nhớ về một người thầy lớn, một đồng nghiệp đức độ, giàu sức sáng tạo và bền bỉ với nghề. Học hỏi không ngừng nghỉ
Từng nhiều năm trong ngành hồi sức cấp cứu, đối diện với rất nhiều ca bệnh mà cái chết cận kề và không ít trường hợp tử vong trong sự bất lực của bác sĩ, GS.TS Nguyễn Gia Bình luôn đau đáu phải làm sao hạn chế thấp nhất những tổn thất cho người bệnh.
Chính những trăn trở đó đã thôi thúc GS Bình và các đồng nghiệp vừa điều trị, vừa mày mò nghiên cứu, học hỏi, tiếp cận những kỹ thuật tiên tiến trên thế giới, đồng thời sáng tạo để ứng dụng điều trị trong điều kiện Việt Nam. Để có thể đứng mũi chịu sào điều hành 70 nhân viên cũng như điều trị cho hàng chục bệnh nhân nặng mỗi ngày, GS Bình đã trải qua những năm tháng chỉ có học và học.
Còn nhớ năm 2003, khi dịch bệnh SARS xuất hiện, rồi năm 2005 dịch cúm A/H5N1 hoành hành tại Việt Nam với số bệnh nhân tử vong không ít, đó cũng là những thời điểm GS Bình và đồng nghiệp cảm thấy đau lòng khi bất lực nhìn bệnh nhân trút hơi thở cuối cùng mà không tài nào cứu vãn được.
Nhớ lại những thời điểm đen tối ấy, ông bảo lúc đó trong đầu chỉ có một suy nghĩ không thể đứng nhìn bệnh nhân lần lượt chết. Ông lao vào miệt mài nghiên cứu. Đọc nhiều tài liệu quốc tế, ông kỳ vọng Việt Nam cũng có thể thực hiện được kỹ thuật lọc máu liên tục dành cho bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn suy đa phủ tạng, suy gan cấp, viêm tụy cấp như các nước có nền y học tiên tiến trên thế giới.
GS Bình cùng các đồng nghiệp dành nhiều công sức nghiên cứu để triển khai kỹ thuật lọc máy liên tục, thay huyết tương, lọc máu hấp phụ, gan nhân tạo và tim phổi nhân tạo tại giường (ECMO). Học phải đi đôi với thực hành nhưng khi đó Việt Nam chưa có máy móc hiện đại.
Trong một chuyến dự hội thảo ngắn ngày ở Nhật Bản, ông xin phép ở lại ít ngày đến học thực tế trên máy và người bệnh tại một bệnh viện ở Tokyo. Những ngày đó bác sĩ Bình vừa xem thao tác xong thì xin được đứng bên máy phụ giúp và cùng làm với nhân viên y tế Nhật Bản.
Thực hành ở nước bạn tốt, nhưng về Việt Nam lại chưa có máy, trong một chương trình cộng tác với Nhật Bản nghiên cứu về cúm H5N1, ông đề nghị cấp thêm máy ECMO. Từ đó Bệnh viện (BV) Bạch Mai có thêm nhiều máy móc hiện đại cứu sống bệnh nhân nhờ sự nhiệt tình, ham học hỏi của ông. Cho đến nay rất nhiều quy trình kỹ thuật tiên tiến được thực hiện ở Việt Nam với giá thành chỉ bằng 1/5 - 1/10 so với nước ngoài.
Cuộc cách mạng trong hồi sức tích cực
Ông cũng là người chủ trì công trình y học “Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật lọc máu hiện đại trong hồi sức cấp cứu bệnh nhân nặng và ứng phó một số dịch bệnh nguy hiểm” vừa đạt giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2016.
Khi được hỏi về thành công đạt được sau rất nhiều tìm tòi và cả những thất bại, GS.TS Nguyễn Gia Bình luôn nhắc đến các cộng sự đã cùng ông tạo nên giải pháp an toàn và hiệu quả trong điều trị cho những bệnh nhân nặng. Cụm công trình gồm 5 nhóm công trình nghiên cứu ứng dụng cụ thể về các biện pháp lọc máu hiện đại được nghiên cứu ứng dụng, triển khai tại 7 BV lớn.
Qua đó đã góp phần chữa trị cho khoảng 9.000 bệnh nhân bị suy đa phủ tạng, sốc nhiễm khuẩn, viêm tụy cấp nặng thông qua các biện pháp lọc máu giúp nâng cao chất lượng sống cho người bệnh, giảm chi phí điều trị.
Kết quả của đề tài nghiên cứu này còn ứng dụng cho các bệnh lý nặng trong cấp cứu điều trị nhiều bệnh dịch nguy hiểm, như sốt xuất huyết nặng có biến chứng suy đa tạng, sởi có biến chứng suy hô hấp nặng, dịch chân tay miệng, bệnh nhân dịch Ebola. Nó hỗ trợ thúc đẩy phát triển lĩnh vực ghép tạng, phẫu thuật tim mạch và gan mật. Đặc biệt, với kỹ thuật được coi là “cuộc cách mạng trong hồi sức tích cực” này đã có nhiều bệnh nhân không phải ra nước ngoài điều trị.
Các kỹ thuật này giúp cứu sống thêm 20-50% số bệnh nhân nặng so với khi chưa áp dụng lọc máu hiện đại. Đáng nói nữa, kỹ thuật mới còn giúp giảm chi phí nhờ rút ngắn thời gian thở máy, nằm viện so với khi áp dụng lọc máu, hạn chế biến chứng do thở máy và nằm lâu.
Ở người đàn ông với phong thái trầm ngâm này luôn tràn đầy khát khao được học hỏi cái mới, luôn cố gắng bằng tất cả khả năng và sức lực để cứu bệnh nhân.
Đó cũng chính là lý do để luận giải vì sao trong những chuyến học tập ở Mỹ, Nhật Bản, Pháp, ông luôn lặng lẽ, kiên trì và làm tất cả công việc của điều dưỡng, bác sĩ nội trú. Những nỗ lực lặng thầm đó của ông đã được đền đáp bằng chính những sinh mạng mà ông giữ lại được với cuộc đời này... (Tiền phong (trang 10).
Chất lượng bệnh viện: Được chăng hay chớ
Sơ kết thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” hồi giữa tháng 7-2016, Bộ Y tế công bố rằng có tới 87,67% bệnh nhân hài lòng đối với dịch vụ khám chữa bệnh. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần của “bộ mặt” ngành y tế trong hàng loạt tiêu chí được đánh giá. Tại hội nghị tăng cường quản lý chất lượng bệnh viện (BV) diễn ra tại TPHCM mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thừa nhận có thay đổi tích cực nhưng nhiều dịch vụ, thái độ vẫn như thời bao cấp… -
Còn vô cảm
Thực hiện Thông tư 37/2015/TTLT-BYT-BTC về điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế, đến nay Bộ Y tế đã triển khai điều chỉnh đợt thứ 2, sau khi đã tăng đợt 1 lên mức xấp xỉ 30%, và hiện đang tiếp tục điều chỉnh lần 3 nhằm hướng đến “tính đúng, tính đủ” 100% vào năm 2017. Thế nhưng, dịch vụ y tế đã tăng mà chất lượng BV không tăng tương xứng. Tại hội nghị cung cấp thông tin về kết quả thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT) do BHXH Việt Nam tổ chức tại TPHCM, một vị đại diện BHXH tỉnh Tiền Giang chua chát cho rằng có trường hợp còn… vô cảm, tạo cho người dân chưa đặt niềm tin để mua BHYT. Dẫn chứng vị này đưa ra là có trường hợp người cha đưa con vô BV huyện nhổ răng sâu nhưng bác sĩ nhổ cái răng lành. Khi người cha chạy vô thắc mắc thì bác sĩ “cười trừ” nói: Thì nhổ lại (!?).
Trong khi đó, các chuyên gia BHXH nhận định giá dịch vụ y tế tăng đã trở thành “cơ hội” cho một số cơ sở y tế lạm dụng, trục lợi BHYT. Theo ông Lê Văn Phúc, Ban Thực hiện chính sách BHYT, có một số cơ sở y tế không kể bệnh nào, cũng ít nhất ghi 3 chẩn đoán, đau từ đầu tới chân… Và mới đây, BHXH Việt Nam đã phanh phui nhiều địa phương trục lợi BHYT lên tới hàng trăm tỷ đồng, dẫn đến nguy vỡ quỹ BHYT. Khảo sát của BHXH Việt Nam cũng chỉ ra một số BV công khai bảng giá chưa đầy đủ, chưa rõ đối tượng áp dụng và chưa ở vị trí thuận tiện dễ nhìn; bảng kê thanh toán ra viện chưa đúng quy định, có BV có tới 3 bảng kê; các BV vẫn thu thêm của người bệnh hoặc đề nghị cơ quan BHXH thanh toán một số chi phí vật tư y tế, thuốc đã kết cấu vào giá; vẫn còn tình trạng phòng khám bệnh, phòng điều trị không có quạt, điều hòa nhiệt độ, ghế ngồi, nước uống…
Ngay tại TPHCM, nhiều BV vẫn chưa làm bệnh nhân hài lòng. Trong thang điểm tối đa Sở Y tế đưa ra để đánh giá sự hài lòng của người bệnh là 4 điểm, không có một BV nào đạt được số điểm trên. Đối với các BV trực thuộc Sở Y tế, vẫn còn đến 10,3% BV có điểm trung bình trong điều trị ngoại trú dưới 3 điểm. Theo khảo sát của Công ty Nilesen về sự hài lòng của người dân khi đến khám chữa bệnh tại các BV thuộc Sở Y tế TPHCM, một trong những điểm yếu lớn nhất khiến người bệnh không hài lòng là chất lượng dịch vụ, kế đến là cơ sở vật chất, thái độ cán bộ, nhân viên của BV. Trong đó, chất lượng dịch vụ khiến bệnh nhân không hài lòng rất cao, lên đến 16%.
Bỏ ngay kiểu quan liêu, bao cấp
Thống kê của Văn phòng Bộ Y tế cho thấy, trong số hơn 4.000 cuộc gọi tới đường dây nóng y tế trong hơn một năm qua thì việc phản ánh của người dân về tình trạng xuống cấp của cơ sở vật chất, nội quy cơ sở y tế chiếm nhiều nhất với hơn 1.640 cuộc (!?). Tại hội nghị tăng cường quản lý chất lượng BV diễn ra tại TPHCM mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng thái độ, phong cách phục vụ của cán bộ y tế với người bệnh đã có nhiều tiến bộ nhưng trong ngành vẫn có những “con sâu làm rầu nồi canh”. Bộ trưởng Y tế đánh giá vấn đề về quản lý BV vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, chưa được nâng cao, thậm chí tại một số BV hạng đặc biệt, hạng 1, việc quản lý xử lý rác thải, quản lý các dịch vụ an ninh… đang còn kém. “Tư duy quản lý chất lượng BV vẫn còn như thời bao cấp, đang còn bằng lòng với tất cả, chưa có sự linh hoạt, nhạy bén để thay đổi cách quản lý nhằm hướng tới sự hài lòng người bệnh”, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh.
Năm 2013, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ký ban hành bộ công cụ nhằm đánh giá thực trạng chất lượng BV ở Việt Nam và có hướng can thiệp để nâng chất lượng BV. Bộ công cụ bao gồm 83 tiêu chí, trong đó có 19 tiêu chí hướng đến người bệnh, 14 tiêu chí hướng đến phát triển nguồn nhân lực, 38 tiêu chí liên quan đến chất lượng chuyên môn, 8 tiêu chí về cải tiến chất lượng và 4 tiêu chí đặc thù chuyên khoa. Theo đó, các BV phải lấy người bệnh làm trung tâm… Tuy nhiên, qua hơn 2 năm triển khai, các chuyên gia y tế đánh giá mức độ hài lòng của người bệnh chưa cao; tình trạng tai biến sau điều trị còn nhiều nhưng không được công khai; quy trình khám chữa bệnh chưa chuẩn hóa; tiếng nói người bệnh chưa được tôn trọng; thái độ y bác sĩ còn chưa đúng mực… Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thừa nhận vẫn còn rất nhiều tồn đọng thách thức ngành y như thái độ giao tiếp ứng xử của một bộ phận người làm việc trong BV chưa tốt, việc theo dõi, chăm sóc bệnh nhân chưa chặt chẽ, còn nhiều trường hợp mổ nhầm… (Sài Gòn giải phóng (trang 3):
Giám đốc bệnh viện không nhất thiết là tiến sĩ, thạc sĩ
Tại hội nghị tăng cường quản lý chất lượng BV vừa diễn ra tại TPHCM, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, hiện nay vẫn có tư duy cũ, đưa ra quy định bắt buộc giám đốc sở phải biết nhiều ngoại ngữ, giám đốc BV hạng 1 phải là tiến sĩ... Nhưng giỏi như vậy để làm gì nếu như không biết quản lý BV (!?). Bộ trưởng Y tế cho rằng để nâng cao chất lượng, ngoài chất lượng chuyên môn tốt, phải có quản trị tài chính, quản trị hạ tầng, quản trị nhân sự, quan hệ xã hội và truyền thông... tốt.
Xác minh ổ dịch virus Zika tại Trà Vinh
Cục Y tế dự phòng vừa nhận được thông tin từ cơ quan chức năng của Đài Loan (Trung Quốc) về việc ghi nhận một trường hợp là công dân Đài Loan xác định nhiễm virus Zika tại Việt Nam.
Bệnh nhân là Trương Thụy M., về Việt Nam dự đám cưới con trai và ở lại một khách sạn tại tỉnh Trà Vinh trong khoảng thời gian từ ngày 28-8 đến 4-9. Khi sang Đài Loan thì ngày 6-9, người này có biểu hiện sốt, sưng hạch rồi nhập viện. Kết quả xét nghiệm cho thấy mẫu nước tiểu của bệnh nhân dương tính với virus Zika.
Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch do virus Zika, Cục Y tế dự phòng đề nghị Sở Y tế tỉnh Trà Vinh chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương xác minh ổ dịch tại khu vực bệnh nhân người Đài Loan lưu trú. Việc này để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, lấy mẫu gửi về Viện Pasteur TP.HCM để chẩn đoán, đồng thời triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch và các biện pháp phòng bệnh trên địa bàn tỉnh. (Pháp luật TP. Hồ Chí Minh (trang 2).
Phẫu thuật thành công ca chuyển gốc động mạch thứ 300
Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Nhi Trung ương vừa thực hiện phẫu thuật thành công ca chuyển gốc động mạch thứ 300 tại viện tính từ năm 2008 đến nay. Bệnh nhân thứ 300 vừa được phẫu thuật thành công là một bé trai 5 tháng tuổi, ở Tuyên Quang, bị bệnh tim bẩm sinh hết sức phức tạp.
TS Nguyễn Lý Thịnh Trường, Trưởng khoa Ngoại tim mạch, Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, trước đây với những trường hợp này bệnh nhi sẽ tử vong hoặc phải ra nước ngoài điều trị, tuy nhiên, hiện nay Bệnh viện Nhi Trung ương đã hoàn toàn làm chủ được kỹ thuật này.
Với trường hợp thứ 300 kể trên, số lượng bệnh nhi chuyển gốc động mạch được phẫu thuật tại Việt Nam nhiều nhất so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, tỷ lệ thành công lên tới trên 93%. (Công an nhân dân (trang 6).
Hơn 3.000 trẻ em nhỏ được phẫu thuật thành công bệnh tim bẩm sinh
Hướng tới kỷ niệm 8 năm ra đời chương trình “Trái tim cho em” và phát động đợt cao điểm gây quỹ hỗ trợ phẫu thuật chữa bệnh tim bẩm sinh cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, từ ngày 15-9 đến 13-11-2016, chương trình “Trái tim cho em” phối hợp với Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai hoạt động nhắn tin ủng hộ cho chương trình đầu số 1408 của Cổng thông tin nhân đạo quốc gia.
Bằng cách soạn tin TTCE gửi 1408, mỗi tin nhắn được gửi thành công sẽ góp 18.000 đồng vào Quỹ Tấm lòng Việt. Toàn bộ số tiền quyên góp được sẽ dùng để chi trả chi phí phẫu thuật/can thiệp nhằm giữ lại sự sống cho các bệnh nhi dưới 16 tuổi mắc bệnh tim bẩm sinh có hoàn cảnh khó khăn. Từ năm 2012 đến 2015 đã có 4 chiến dịch nhắn tin do chương trình “Trái tim cho em” phối hợp với Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thực hiện. Với gần 10 tỷ đồng huy động được từ các nhà hảo tâm thông qua tin nhắn, đã có gần 300 em nhỏ mắc bệnh tim bẩm sinh được cứu sống kịp thời.
“Trái tim cho em” do Đài Truyền hình Việt Nam và Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) tổ chức. Sau 8 năm triển khai, chương trình đã quyên góp được 110 tỷ đồng và hỗ trợ phẫu thuật thành công cho hơn 3.000 em nhỏ dưới 16 tuổi mắc bệnh tim bẩm sinh có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh hoạt động hỗ trợ phẫu thuật, chương trình “Trái tim cho em” còn phối hợp với các bệnh viện tim mạch tổ chức 24 đợt khám sàng lọc bệnh tim bẩm sinh miễn phí cho hơn 30.000 trẻ em nghèo của các tỉnh vùng sâu vùng xa nhằm phát hiện bệnh tim bẩm sinh sớm ở trẻ nhỏ để giúp các em được điều trị bệnh. Với chi phí trung bình hơn 40 triệu đồng/ca phẫu thuật. (Sài Gòn giải phóng (trang 3).